Tạo dựng một thành phố mới, không chỉ đơn giản là vấn đề của những bản vẽ quy hoạch, những tòa nhà hay số tiền khổng lồ mà đó là cả quá trình tạo dựng nên một loại hình bố trí không gian xã hội. Điều này có thể thấy qua quá trình hình thành thủ đô Brasília [1] nằm trên vùng trung du sa mạc của Brazil dưới thời Tổng thống Juscelino Kubitschek [2]
Khi quyết định chọn vị trí xây dựng cho thủ đô mới nằm ở trung tâm Brazil về mặt địa lý thay thế cố đô Río De Janeiro sát bờ biển, tổng thổng Kubitschek đã chuyển vai trò của một trung tâm đất nước từ hướng ngoại, cầu nối với bên ngoài, sang vai trò làm động lực nội quốc gia; tức (có lẽ) đã chuyển từ việc nhấn mạnh sự giao thương quốc tế sang tập trung vào sự tự trau dồi nội lực dân tộc, là con đường mà các quốc gia phát triển khác, như Nhật Bản, đã chọn. Từ Brasília đến các thành phố về phía biển Sao Paulo, Rio De Janeiro khoảng dưới 1000km, đến thành phố xa nhất về phía Tây Bắc khoảng hơn 2000km, đến các trung tâm của các vùng khác nằm trong khoảng giữa 2 con số trên.
Vị trí Brasilia – so với khu vực xung quanh
Đồng thời, với vai trò không chỉ là thủ đô hiện đại nhất mà còn là hình mẫu một đô thị lý tưởng, Brasília chỉn chu từ quy hoạch hệ thống giao thông, đến những công trình kiến trúc biểu tượng cũng như sự quan tâm đến tổng thể hài hòa chung giữa những tòa nhà và những mảng cây xanh, mặt nước trong đô thị. Hệ thống giao thông dựa trên trục đường chính được bố trí thành 2 con đường đôi song song ngược chiều nhau với giải phân cách lớn ở giữa, các đường vành đai vòng cung kết nối vào 2 con đường này theo các đường nhánh, các đường cầu vồng mà không tồn tại các ngã tư cùng cốt (cao độ). Các điểm nối qua lại giữa 2 con đường này không được nối với các con đường nhánh khác. Nhờ vào hệ thống linh hoạt cộng với việc tách riêng hệ thống đường dành cho xe hơi với đường đi bộ, vỉa hè, Brasília tránh được nạn tắc đường triền miên như vẫn gặp ở Sao Paulo, nơi lớp người giàu chọn trực thăng vừa làm biểu tượng của sự giàu có vừa làm phương tiện di chuyển hằng ngày. Lấy ý tưởng từ cánh bướm và máy bay, tác giả của đồ án quy hoạch thủ đô Brasília, kiến trúc sư Lúcio Costa [3] đặt khu dân cư (nhiên liệu cuộc sống) nằm ở hai bên cánh nơi cung cấp nhiên liệu cho máy bay, tức nằm hai bên trục đường chính nói trên, có đường tiếp cận từ hai hướng phía trước và phía sau khu dân cư. Và đặt một hồ nước bao quanh thành phố để điều tiết nhiệt.
Trục đường giao thông chính – xen lẽ những mảng xanh
Khi soi vào chi tiết của đồ án quy hoạch, thành phố nổi lên với sự kết hợp tài tình giữa các công trình công cộng và điểm nhấn kiến trúc như cầu Juscelino Kubitschek, Trụ sở Quốc hội, Dinh Tổng thống (cung điện Planalto), nhà thờ Nossa Senhoro Aparecida … do kiến trúc sư Oscar Niemayer [4] thiết kế với những mảng xanh rộng lớn xen kẽ. Điều đó, khiến cho những ai đến với thành phố này đều có cảm giác như đang dạo xe trong một khu vườn xanh mát mắt. Tác giả của những mảng xanh đặc biệt này là Roberto Burle Marx [5], một nhà thiết kế cảnh quan (landscape) đại tài.
Cầu Juscelino Kubitschek - một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới
Tòa nhà Quốc hội – tháp đôi 28 tầng là khu hành chính, 2 nhà mái vòm là khu hội họp nằm giữa những mảng xanh – Top 10 những tòa nhà đẹp nhất thế giới.
Để bố trí đơn vị ở, theo quan sát của James Holson [6], các khu dân cư ở Brasília được thiết kế theo mô hình từng đơn vị ở được gọi là superquadra (cụm chung cư) bao quanh bởi một vành đai cây xanh công cộng. Các hoạt động chung được gói gói bên trong một đơn vị ở này. Mỗi bên 2 cánh được chia làm 9 nhóm, từ 100 đến 900. Mỗi nhóm 100 đến 400, có 15 superquadra, nhóm 500 là khu thương mại, nhóm 600 và 900 bố trí trường học bậc cao phục vụ cho tất cả dân cư, nhóm 700 là khu nhà ở liền kề và nhóm 800 là khu vực dành cho phát triển sau này. Mỗi superquadra nói trên gói trong phần đất theo chiều dài từ 200 đến 240m, bao gồm từ 8 đến 10 block căn hộ, phục vụ cho khoảng 2000 đến 3000 người. Cách bố trí và thiết kế các block này cũng khác nhau theo từng nhóm nhưng điểm chung là đều tạo nên những khu dân cư tự quản. Từ đó, dù mang những đặc điểm chung theo quy hoạch tổng thể thì mỗi superquadra vẫn có những nét riêng biệt do cộng đồng bên trong tạo ra, đem lại màu sắc cho đô thị nhìn qua có vẻ nguyên tắc khô cứng.
Một đầu tàu có tầm nhìn vượt thời gian, một đội ngũ tinh nhuệ, sáng tạo là động lực cho một Brasília vươn lên tầm xứng đáng với vị trí thủ đô của một trong những nền kinh tế mới nổi (emerging economies) Brasil.
----
[1] Thủ đô hiện tại của Brazil, là thành phố duy nhất xây dựng trong thế kỷ 20 (1960) được Unesco công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” vào năm 1987.
http://en.wikipedia.org/wiki/Bras%C3%ADlia
[2] Tổng thống Brazil nhiệm kỳ 1956-1961. Ông bắt đầu xây dựng Brasília từ khi vừa nhậm chức, kết thúc nhiệm kỳ cũng là lúc khánh thành thành phố năm 1960.
http://en.wikipedia.org/wiki/Juscelino_Kubitschek
[3] Kiến trúc sư Lúcio Costa chủ trì toàn bộ quy hoạch của Brasília
http://en.wikipedia.org/wiki/Lucio_Costa
[4] Kiến trúc sư chủ trì thiết kế các công trình công cộng của Brasília, trong đó có tòa nhà Quốc hội nằm trong top10 tòa nhà đẹp nhất thế giới và cây cầu Juscelino Kubitschek nổi tiếng
http://en.wikipedia.org/wiki/Oscar_Niemeyer
[5] Nhà thiết kế cảnh quan (landscape) Roberto Burle Marx, tác giả của những mảng xanh trong khu vườn Brasília http://en.wikipedia.org/wiki/Roberto_Burle_Marx
[6] Holston, James, The modernist city – An anthropological critique of Brasília, 1989, The University of Chicago press, Chicago and London.