Chiều hôm ấy mưa rơi tầm tã, sấm chớp liên hồi, vọng về từ mạn núi tây nguyên. Mới sáu giờ mà trời đã âm u; mây đen từng khối, cuồn cuộn bao phủ cả bầu trời. Và xong miếng cơm cuối cùng Mộc vói tay lấy chiếc que trong bát hương ông địa, đưa vào miệng xỉa răng. Chị Mộc vội pha cho chồng một bát chè xanh từ cái ấm đất trên chạn bếp rồi bưng khay cơm ra ngoài giếng. Vừa uống nước anh vừa nhìn ra mái hiên mà cảm thấy ái ngại. Mưa vẫn rơi lộp độp trên mái tôn, chảy từng sợi dài đều khoảng và đọng thành vũng trên nền đất. Anh nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường rồi khoác lên người chiếc áo tơi bằng lá tranh. Đứng nhìn mưa thêm một lúc nữa, đoán chừng đã đến giờ phải đi, anh nắm lấy ghi đông chiếc xe dựng bên hông nhà, đẩy ra hiên, leo lên đạp.
Mộc cắm cúi đạp, mặc cho sấm chớp, mặc cho mưa tuôn gió gào và nước luồn qua khe áo, thấm lạnh cả người anh. Qua khỏi ngã ba ga xe lửa, anh đạp dọc theo con đường sắt quen thuộc. Cuối con đường đất, lầy lội gần cả cây số, ngước mắt anh đã thấy cái trạm gác của nghĩa trang liệt sĩ, nơi anh làm việc gần một năm nay.
“Ê!… Số, sáng giờ có đám nào không mày?” Để át tiếng mưa rơi Mộc hỏi thật lớn sau khi thấy Số từ trong trạm gác chạy ra.
“Có một đám khá lớn trong khu C2. Quan chức thì linh đình kèn trống nhưng ngủm thì cũng phải… chôn thôi!” Vừa nói Số vừa đẩy xe đạp ra cổng, nhảy lên rồi phóng ngay như bị Tào Tháo đuổi.
Mộc dựng xe vào một bên hông trạm, giũ chiếc áo tơi trước khi treo lên cái đinh trên một góc tường. Anh kéo chiếc ghế gỗ ọp ẹp, lắc lư như răng bà lão ra ngồi rồi châm thuốc hút. Ngoài kia trời sắp tối hẳn, mưa vẫn rơi nặng hạt, đều nhịp lên trên mái tôn. Anh bật ngọn đèn điện duy nhất trên nóc chòi canh; bóng đèn quá tù mù, tỏa sáng không quá vài sải tay. Vừa hút thuốc anh vừa nhìn bâng quơ ra đài tử sĩ. Đài chỉ là tượng đá của một nữ du kích cầm chiếc dao phay, to cao như bụi tre, đứng sừng sững, uy nghiêm ở giữa sân.
Vai u thịt bắp, mặt chữ điền với nước da ngăm đen, Mộc nổi tiếng là mạnh bạo và gan dạ nhất trong làng. Gia đình anh làm nghề nông đã mấy đời, nhưng nhân vụ mất mùa năm ngoái anh xin một chân gác nghĩa địa cho có lương có bổng vững chắc. Vả lại công việc quá nhàn hạ: Anh cùng hai người nữa, chỉ việc thay thế nhau ra trực ở cái trạm gác này. Tiếng rằng gác nhưng nào có gác gì đâu! Anh chỉ việc ngủ, hoặc nghe đài rồi đợi hết phiên trực thì đi về nhà cho heo ăn, hoặc tưới nước vào cái vườn rau. Ấy vậy lương bổng lại khá hơn làm ruộng và chẳng phải đụng đến móng chân móng tay để mất sức lao động.
Mải ngồi suy nghĩ vẩn vơ mà trời đã sập tối từ lúc nào Mộc không để ý. Anh ngáp một hơi rõ dài, ngạc nhiên sao mình buồn ngủ quá sớm. Anh thản nhiên mồi thêm điếu thuốc, định bụng hút xong điếu này rồi đi ngủ. Mưa lúc bấy giờ vẫn rơi nặng hạt, gió lại thổi từng cơn tưởng như tróc được cả mái. Dưới ánh sáng lờ mờ của cái bóng đèn anh thấy một con cóc nhảy ra khỏi vũng nước. Nó kêu ộp oạp rồi giương đôi mắt thô lố nhìn anh.
Vài phút sau anh đứng dậy, bước ra cài chặt cánh cửa rồi quay vào, chuẩn bị leo lên chiếc chõng tre sát tường để ngủ. Đang lúc treo mùng anh nghe có tiếng động khác thường ở ngoài cổng, bên hông trạm. Anh ngừng tay, hướng tai về phía cổng, lắng nghe. Quả vậy, có tiếng chân người đi đến gần. Qua khe hở của cánh cửa sổ, nhập nhòa trong bóng đêm và sương mưa, anh thấy một ông già trạc chừng 50 đang tiến về phía anh. Anh liền mở cửa rồi hét lớn với giọng nửa đùa nửa thật để tự trấn an, “Giờ này mà còn đi đâu hả… ông nội?”
“Cho tao hỏi một câu… Đường lên Truông Ổi đi ngã nào hả mày?”
Nghe vậy Mộc nổi cáu, nghĩ rằng lão già này muốn trêu mình. “Ông có khùng không mà hỏi Truông Ổi ở chỗ nào? Bộ chán đời, muốn chết à?”
Ông Huế, vóc người tầm thước, hai má tròn nhẵn với bộ râu mép ngắn gọn, bước vào dưới mái hiên rồi tháo cái nón cối màu ô liu để nhìn vào bên trong trạm.
“Tao đi công tác, ngang đây thì xe hư... Mưa to như thế này… biết núp ở đâu bây giờ?”
Nghe mấy chữ ‘đi công tác’ Mộc giật mình, tỉnh ngủ, chăm chú quan sát ông khách từ đầu cho đến chân. Nhìn cái bụng dưa hấu Mộc đoán ngay ông này chỉ là một cán bộ địa phương, chứ bụng phải no tròn, bầu bĩnh hơn nữa mới được phép ‘đi làm việc’ như các cấp ở trung ương. Tuy vậy, với vóc dáng bệ vệ của ông cùng với khuôn mặt đỏ gay, cái thứ đỏ gay mà ta chỉ thấy ở những người lúc nào cũng say sưa, Mộc hiểu ngay anh đang đối diện với một cán bộ thứ dữ. Ông Huế giũ áo cho nước mưa rơi xuống đất rồi nhìn Mộc dò xét. Khi bốn mắt chạm nhau Mộc cảm thấy một luồn điện lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng. Sau một giây phút hoảng kinh, bối rối anh mở lời để lấy lại bình tĩnh, “Nếu ông đi thẳng, dọc theo con đường sắt đầu kia chừng một cây số thì có quán xá… có thể có luôn nhà trọ.” Mộc vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng trước mặt cổng.
“Mày… mày gác ở đây chỉ có một mình, không sợ à?”
“Hồi đầu sợ, nhưng bây giờ đã quen. Ông vào đây nghỉ một lát, đợi tạnh mưa rồi đi cũng được.”
Mộc mở cánh cửa, kéo chiếc ghế ra sát hiên, mời ông Huế ngồi. Cửa vừa mở, một luồng gió lạnh thổi tạt vào bên trong trạm khiến Mộc rùng mình, nổi da gà. Anh rút bao thuốc Jet, mời ông Huế rồi tự châm lửa cho mình một điếu. Vì trạm gác nhỏ, vừa đủ cho cái chõng tre và một cái bàn con, nên khi ông Huế ngồi vào ghế thì Mộc phải ngồi lên chiếc chõng mới có chỗ.
Đang lúc đợi tạnh mưa, ông Huế ngồi nhìn ra bóng đêm với những hình ảnh lung linh, phản chiếu từ mấy cái bong bóng nước. Xa xa tận cuối bãi ông thấy một vài đốm sáng lân tinh bốc lên từ mặt đất, bay lơ lửng rồi biến mất vào trong không. Ngay sau lưng ông, Mộc ngồi co chân trên chiếc chõng tre, hai cánh tay ôm lấy đầu gối. Trong khi ễnh ương và côn trùng đang thi đua kêu réo ngoài kia thì trong này anh ngồi chăm chú, quan sát ông khách mà anh tin là cán bộ cao cấp trong thị xã.
Để đánh tan bầu không khí nặng nề, căng thẳng, Mộc ngập ngừng hỏi, “Ông thường công tác ngang đây không?”
“Không, hôm nay là lần đầu. Có gì uống không?”
Mộc lấy chai nước treo sẵn trên đầu chõng, rót vào cái ly nhựa con để mời khách. Ông Huế hớp một ngụm, ngậm môi súc sùng sục rồi nhổ ngay ra sân.
“Mày không có rượu uống à?”
“Em nghèo, có tiền đâu mà mua rượu. Vả lại, làm nghề này, nếu có tí hơi rượu thì ma men thường hiện lên xin uống. Dân trong làng hay nói… quá nửa số chôn ở đây là vì rượu, số còn lại vì lái xe.”
“Vậy à?” Tuy hỏi với dáng ngạc nhiên nhưng ông Huế lại nhếch mép cười. “Còn tao, tao đã quen đánh răng súc miệng bằng rượu. Ngoài thứ này tao không dùng được bất cứ một thứ gì khác.” Ngập ngừng giây lát, ông Huế nửa đùa nửa thật, “Mà uống mãi, không gặp ma thì… thì cũng thành ma!”
Nghe vậy Mộc lăn ra cười ha hả, cảm thấy vui lây bởi ông khách này cũng có máu tiếu lâm.
“Hèn gì… nhưng sao ông không tự kềm chế, uống vừa phải?” Mộc thật thà hỏi.
“Vừa phải?” Ông Huế lớn giọng, trố mắt ngạc nhiên khi thấy Mộc quá ngây thơ. “Mày có biết gì không?... Thuở chiến tranh chống Mỹ, tao thường nằm đong đưa trên võng mỗi buổi trưa, nghe gà gáy ó ó o… rồi hát những bài ca chiến đấu. Tao thích nhất bài này, (ông Huế đằng hắng, lấy giọng rồi vừa vỗ tay vừa hát)
‘Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn,
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm.
Đường ra trận mùa này đẹp lắm…m…m…’”
Ông Huế bỗng hát chậm lại, ê a kéo dài rồi trỏ tay vào mặt Mộc, chờ đợi. Biết ý, Mộc vỗ tay thật lớn, hát tiếp lời,
‘Trường Sơn đông nhớ Trường… Sơn… tây…’
Thế là hai người nhìn nhau, cười hả hê, không còn ngượng ngùng hay e dè gì nữa. Như thể đang hứng khởi, ông Huế lại vỗ tay bắt nhịp, Mộc hát hòa theo, hết bài này qua bài khác,
‘Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày.
Quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay…’
Lúc bấy giờ mưa vẫn rơi đều hạt; từ trong trạm gác mù mờ ánh đèn, tiếng hát, tiếng cười của họ thỉnh thoảng lại vang lên, sưởi ấm phần nào cái lạnh lẽo của nghĩa trang lúc đêm khuya. Cứ như vậy được một lúc, ông Huế sực nhớ đến câu Mộc hỏi nên giải thích tiếp, “Đó là tao nói chuyện hồi xưa, còn bây giờ à? Đã hòa bình, thống nhất nhưng trưa nào cũng, ‘1 2 3, 1 2 3… dô.’ Đi đâu cũng nghe ‘1 2 3… dô’ thì, tao hỏi mày, uống vừa phải là uống ra làm sao?”
“Thế thì vợ con ông khổ tâm lắm phải không?” Mộc hỏi cho có chuyện.
“Vợ tao can ngăn thì tao bảo việc công sở, bộ muốn chết đói cả đám à! Thế là me mì hoảng kinh, không than vãn nữa. Còn con tao? Chúng nó lúc nào cũng bận chơi gêm, chát chiếc trên mạng, chẳng thấy học hành gì!”
Vài phút yên lặng trôi qua. Bất ngờ ông Huế trợn mắt, mặt tái nhợt, nhìn trừng trừng vào Mộc rồi gằn từng tiếng như thể người ta hỏi cung tù nhân, “Mày tưởng tao sướng lắm à? Tao uống là để hy sinh: Không tìm cách gom lấy bì thư nhỏ thì lấy đâu ra để cho vào bì thư lớn? Không chịu khó giao lưu thì lấy gì để bù đắp thêm cho đồng lương nhà nước? Bây giờ… mày thấy tao như vầy, chứ thật ra ruột gan tao đã rối loạn tùng phèo, rách nát như tương… Nhưng tao vẫn còn phải hy sinh… gia đình… nhân dân… tổ quốc… tao còn phải hy sinh nhiều hơn nữa… mày hiểu chưa?!”
Sau khi dứt lời ông Huế thở hắt một hơi thật mạnh, khuôn mặt đầy ưu tư, sầu não. Mộc liền lẳng lặng lấy tay chùi nước bọt mà nãy giờ, trong lúc nói hăng say, ông đã phun lên mặt anh. Nhìn mặt ông giận dữ, chua xót Mộc cảm thấy ân hận bởi lẽ tất cả bể khổ của ông hình như là do những người như anh gây ra cả. Anh vừa ái ngại nhìn ông vừa lắng nghe tiếng reo o o, đều đều của cóc nhái, côn trùng, hòa lẫn trong tiếng mưa rơi.
Mộc mồi thêm điếu thuốc, hít một hơi thật dài rồi thở ra từ từ. Anh nhìn khói thuốc cuộn tròn, bay tỏa và tan dần trong không. Bởi anh chỉ là nhân dân, chân lấm tay bùn, chạy cơm từng bữa… nên làm sao hiểu được cái nỗi khổ tâm, bức xúc của mấy ông cán bộ nhà nước. Tửu lượng càng uống càng tăng, thời gian sáng suốt càng lúc càng ít, trách nhiệm xử lý mọi việc, từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa nhưng mấy ai thức tỉnh để chu toàn cho được?
Nhìn ông Huế, Mộc nửa mong được làm cán bộ, nửa thấy thương hại cho ông. Nếu công tác phục vụ cho nhân dân không nghiêm túc, nếu vợ chồng không tỉnh táo để tâm sự và nếu con cái không nghĩ gì đến tương lai… thì cuộc sống trở nên nghèo nàn, mất dần ý nghĩa mà không biết! Tuy với tâm hồn nông dân chất phát, bình dị, nhưng anh cảm thấy mình may mắn hơn ông cán bộ này nhiều. Tương lai của vợ chồng anh, nhờ ơn nhà nước, chỉ còn biết đi lên. Còn tương lai ông cán bộ này, cũng nhờ ơn nhà nước, chỉ có đường đi xuống.
Lúc bấy giờ, thấy ngoài trời mưa đã tạnh, ông Huế đứng dậy, tỏ ý muốn ra về.
“Trễ quá rồi. Thôi tao về. Cám ơn mày cho tao trú mưa.”
Đang suy nghĩ lan man Mộc chợt bừng tỉnh, hỏi lớn khi ông Huế vừa quay lưng, bước ra cửa, “Em quên hỏi tên ông… lỡ sau này ông có việc gì khá hơn cho em làm…”
Ông Huế đã đi khuất vào bóng đêm nhưng Mộc vẫn nghe được tiếng ông, tuy yếu ớt nhưng kéo dài lê thê như thể vọng về từ vách núi, “Ừ, cũng được. Khi nào cần gì, cứ về dưới thị xã hỏi ông Huế, chủ tịch… rồi vào… gặp… tao…”
Sau đó Mộc bước ra hiên, kéo chiếc ghế vào bên trong, đóng kín cánh cửa. Theo thói quen, anh gài chặt cái chốt sắt trước khi kéo bàn ra chận ngay sát cạnh. Bởi vui vì may mắn quen được một ông lớn lỡ đường khi đi công tác Mộc nổi hứng, ngâm ư ử,
‘Anh đi công tác Pờ lây
Ku dài dằng dặc biết ngày nào vê.
Họp xong anh ghé Buôn mê
Thuột xong một phát anh về với em…’
Chừng năm mười phút sau tiếng ngáy của anh đã rõ mồn một, đều nhịp như mọt kéo giàn gỗ, như cóc nhái gọi đàn.
*
Vài ngày sau, nhân một dịp kiểm kê đất đai, Mộc vô tình đọc được trên một bia mộ còn mới trong khu C2, ‘Nguyễn X. Huế, chủ tịch hội đồng nhân dân... Hưỡng dương 47 tuổi. Vợ và các con đồng phụng lập.’