Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.173
123.147.092
 
Bức Thư Tình
Phan Ngọc Danh

 

Khi ánh bình mình vừa ló dạng, trải ánh sáng lên trên cánh đồng và làng mạc của xã Sơn Hải cô Ba đã thức dậy. Cô cuốn lại mái tóc, choàng chiếc khăn lên hai vai, quơ chân tìm đôi guốc rồi mở cửa bước ra sân. Con chó Lu từ ngoài ngõ thấy chủ liền quẩy đuôi, chạy vào quấn quít bên cạnh. Bầy gà đang rải rác kiếm ăn xung quanh gốc cau tưởng cô cho ăn liền kêu chít chít, chạy bu lại gần. Cặp chim bồ câu trên mái tranh thấy động vội xoãi cánh bay vòng, tạo ra những tiếng vù vù trong gió. Hơi sương sớm quyện với hương thơm của mấy chậu hoa nhài, cúc, dạ lý hương… bay tỏa trong không khí, gây ra một mùi thơm dễ chịu. Sau khi uốn éo xương cốt và quơ tay hít thở một hồi cô Ba bước đến vại nước mưa, cầm cái gáo dừa khô múc nước rửa mặt.

 

Đã gần 40, khuôn mặt đầy đặn, dáng người tầm thước, khỏe mạnh trong cái áo bà ba trắng và chiếc quần lảnh đen, cô Ba trông gọn gàng, nhanh nhẹn chẳng thua gì mấy cô trong đội du kích xã. Từ khi chồng mất đã ba năm nay cái sạp vải của cô ngoài chợ Sơn Hải lại phất lên, buôn bán không hở tay, tiền đếm không xuể. Người ta nói ‘tái ông thất mã’ là phải lắm, chồng mất mà tiền vào đầy túi thì không đến nổi tệ. Chỉ có điều, tuy có tiền nhưng cô Ba lúc nào cũng ‘trong héo ngoài tươi.’

 

Đang lui hui vốc nước đắp vào mặt cô giật mình vì một tiếng rầm của trái dừa tươi rơi xuống đất trong đám lá khô. Ngước mắt nhìn về hướng có tiếng động cô thấy một sợi dây đang treo lủng lẳng bên cạnh một thân dừa ở cuối vườn. Nhìn lên, thấy loáng thoáng ông Hai đang lui hui bó dừa trên ngọn cây, cô úp hai bàn tay làm loa, gọi lớn,

 

“Anh Hai làm gì hái dừa sớm vậy?”

 

“Chị Ba cho tui trộm vài trái dừa, bởi bửa nay tui phải nấu một ít món để đi ăn cổ bên kia sông.” Từ trên ngọn cây ông Hai nói vọng xuống để đáp trả. Tiếp lời ông, một trái dừa khác rơi xuống đất, vài phút sau lại thêm một trái nữa.

 

Khi thấy đã đủ số ông Hai ôm thân cây, tuột thụt lùi xuống đất. Ông quơ mấy trái dừa cho vào bao vải, vác bao lên vai, đi băng ngang vườn cô Ba để về nhà. Khi đi tới chổ cô đang đứng ông nhoẻn miệng cười, để lộ chiếc răng vàng một bên mép, “Chị Ba không đi chợ bửa nay à?”

 

“Tôi chuẩn bị đi bây giờ đấy chứ. Anh có cần mua gì không?”

 

Nghe hỏi, ông Hai tần ngần đứng lại, ngẩm nghĩ không biết trong bếp còn thiếu gì cho việc nấu nướng. Thấy ông chần chừ cô Ba đề nghị, “Hay là tôi qua nấu phụ cho anh một tay?”

 

“Chẳng dám nhờ chị. Thôi, chị cứ đi chợ cho sớm sủa; tui nấu qua loa cũng được rồi, họ biết tui đàn ông mà...” Nói xong ông Hai vác bao dừa lên vai, tiếp tục bước đi. Khi sắp chui qua bụi tre để vào vườn nhà mình, sực nhớ đến chuyện củ hay không biết linh tính chuyện gì ông quay đầu mới hay cô Ba vẫn đứng yên như pho tượng, đang nhìn ông. Ông ngập ngừng nói lớn, “Thôi, tui về nghen… chị Ba!”

 

Trên một cành tre, con chim chích chòe nghe tiếng người liền hót líu lo. Như muốn xua đuổi ông Hai nó lượn nhào thẳng vào sát đầu ông rồi bay vút lên cái tổ trên một nhánh thật cao. Lúc bấy giờ mặt trời đã sáng tỏ, xuyên qua mấy cành cây kẻ lá, chiếu những tia nắng lung linh trong màn sương sớm.

 

Sau khi ông Hai đi khuất cô Ba quay lưng, lững thững bước vào nhà. Cô mở nắp nồi khoai trên chạn bếp, lôi ra một củ lớn, bước đến ngồi trên cái chỏng tre dưới mái hiên rồi vừa ăn vừa suy nghĩ vu vơ. Định ăn sáng xong cô sẽ xách nón, cặp rổ đi ra chợ như thường lệ. Chợt cô sực nhớ hôm nay không phải ngày rằm, cũng chả lể lạc gì, cớ sao ông Hai lại nấu nướng để đi ăn cổ. Mà mấy ai đi ăn cổ lại phải nấu nướng? Vì thắc mắc muốn biết tại sao nên cô dự tính khi nào có dịp sẽ hỏi thẳng ông Hai. Điều này cô yên tâm bởi hỏi gì ông ấy chẳng nói, nhất là từ khi… à, từ khi có lá thư. Nghĩ vậy, cô liền đi vào bàn thờ, rút ra tờ giấy xếp đôi dấu dưới chân tượng Phật, đưa lên sát miệng để thổi bụi. Vặn đèn cho sáng hơn một chút, đứng tựa vai vào cột nhà, cô đọc:

 

‘Chị Ba thân mến,

 

Bấy lâu nay tui thầm thương trộm nhớ chị nhưng không biết chị có nghĩ đến tui không. Mấy lần định hỏi cho ra lẽ nhưng sợ chị nói không thì tui chết mất. Thư ngắn tình dài, mong chị thông cảm.

Hai.’

 

Đã đọc lá thư này không biết bao nhiêu lần từ khi nhận được hồi đầu năm, nhưng lần nào đọc xong cô Ba cũng bùi ngùi, cảm thấy một nỗi nao nao khó tả.

 

Ông Hai vừa là láng giềng, vừa là bạn cố tri từ hồi cô còn nhỏ khi hai người đi chăn trâu với nhau ngoài bờ sông. Bởi quen nghề đồng ruộng nên ông cao lớn, da sạm nắng, tay chân rắn chắc, thường mang cái áo bà ba đã bạt màu, chiếc quần kaki bộ đội và quàng chiếc khăn xung quanh cổ. Chiếc khăn này tuy đã cũ kỹ, vàng úa nhưng là vật bất ly thân đối với ông. Lau mặt, gối đầu, đuổi ruồi, bọc trái cây… là những việc khiến ông quen có sẵn chiếc khăn ở trên vai. Cha mẹ vì nghèo nên chỉ để lại cho ông hai sào ruộng cùng với cái chòi, mái tranh vách đất sát vườn cô Ba. Bởi gốc gác trên Tây Nguyên nên bản tánh ông đơn giản, thích nằm ca vọng cổ mổi khi đong đưa chiếc võng dưới mấy thân cây ngăn chia hai vườn. Cũng bởi nghe mãi nên cô Ba thuộc được nhiều bài, nhất là bài,

 

‘Anh ở đầu sông em cuối sông,

Cách nhau chừng ấy có xa không?...’

 

Từ khi nhận được lá thư do một thằng bé con chạy vào sạp đưa tận tay, cô Ba đọc nhưng chỉ làm lơ, ngay cả đến hôm nay vẫn chưa trả lời. Cô chưa trả lời bởi không biết trả lời như thế nào. Ông Hai tuy hiền từ, chất phát nhưng quá nghèo so với gia tài của cô. Đôi khi cô phân vân, không biết ông Hai thương cô hay chỉ nghĩ đến cái sạp vải trong chợ Sơn Hải?

 

Nhớ lại giai đoạn từ hồi lấy chồng lúc còn con gái, cô thấy mình quá vất vả. Dạo ấy, phần phải buôn bán làm ăn, phần phải hầu hạ cơm nước cho chồng con, lúc nào cô cũng đầu tắt mặt tối, không bao giờ rãnh tay được một buổi. Tuy  buồn tủi vì góa bụa sớm nhưng lắm lúc cô tự hỏi, sống độc thân như thế này khỏe hơn hay là phải làm ‘con mọi’ như thuở trước?

 

Một điều khác khiến cô Ba đắn đo là vì ông Hai quá thật thà, thật thà đến khờ khạo. Bất cứ chuyện gì, từ trong nhà ra tới ngoài ngõ, từ xóm trên đến làng dưới, cô đều biết cả mà ông Hai thì hầu như không quan tâm. Nhờ có khả năng ăn nói khéo léo cộng thêm với sở thích nói dai nên bạn hàng tôm, hàng cá trong chợ Sơn Hải không ai đối đáp được như cô. Cũng bởi vì biết nhiều, hiểu rộng nên không bao giờ cô ở yên, đêm nào cũng nằm trằn trọc cho đến khi gà gáy sáng. Trái ngược với cô, ông Hai bình thản, từ tốn và hễ leo lên giường liền ngủ một hơi, không biết trời trăng là gì nữa. Trong khi cô thao thức, lo sợ trộm cướp đang đêm cạy cửa thì bên nhà ông Hai không có một cánh cửa nào mà không long đinh ốc.

 

Những bản tánh, hoàn cảnh trái ngược với nhau như vậy khiến cô phân vân, không biết phải xử trí như thế nào. Cô không muốn bước đi thêm một bước nữa như thể người ta phải thuê đầy tớ hoặc nuôi con chó giử nhà. Cô cũng không muốn buôn bán quần quật suốt ngày để trước khi ra về lại phải mua xị ruợu, vài con khô, lạng thuốc rê… đem về cho ông Hai lai rai. Càng nghĩ cô càng thấy mình dại, trời cho an nhàn mà không chịu lại định rước ‘của nợ’ vào thân. Sau cùng, giống như những lần trước, đã suy nghĩ nhức đầu nhưng không thấy một giải pháp nào hợp lý nên cô gấp lá thư lại như củ, xếp ngay ngắn dưới chân tượng Phật rồi cầm nón đi ra chợ.

 

Cảnh vật đồng quê lúc bấy giờ đã sáng tỏ; mặt trời đang chênh chếch đằng sau bụi tre ở cuối vườn. Con đường đất từ nhà cô Ba ra chợ Sơn Hải tuy ngoằn nghèo nhưng không xa lắm nếu chịu đi tắt qua vườn nhà người ta. Hai hàng cây dâm bụt ở hai bên đường nở hoa đỏ rực, cộng thêm với nhụy vàng lấm tấm nên trông thật mát mắt. Tay cầm nón, tay ôm rổ, cô Ba bước những bước chân chim, lòng rộn một niềm vui khó tả. Đã sẵn tiền dành dụm bấy lâu nay cô định gầy một bát hụi cho bọn bạn hàng trong chợ. Với số tiền hụi đầu mà chủ hụi được hốt cô sẽ mua cái sạp bên cạnh, nới rộng cái sạp hiện giờ của cô. Bao nhiêu dự tính làm ăn lớn đang tràn ngập trong đầu khiến cô vào tới chợ lúc nào không hay. Thấy xung quanh đã rộn rã tiếng chào hỏi, mời mọc mua bán, cô nhanh tay mở cửa, bày hàng ra sát lối đi. Chừng nữa giờ sau, khi mồ hôi đã lấm tấm trên mặt, ướt đẩm khắp người vì sắp xếp hàng họ cô Ba ngồi thở dốc, lo ngại rồi đây khi sạp lớn gấp đôi lấy ai để trông coi?

 

Chợt hình ảnh ông Hai lại đến với cô như thể một câu trả lời cho bài toán khó giải. Nếu có ông Hai trong nhà thì hay biết chừng nào! Sạp vải to lớn của cô sẽ có người canh giữ, đi hốt hụi chết đã có người phụ trách, đêm ngủ không lo trộm cạy cửa, vườn tược có người tưới nước, bón phân… và bao nhiêu việc nặng nhọc khác nữa mà cô tin rằng ông Hai sẽ thừa khả năng quán xuyến. Nghĩ vậy cô mỉm cười, thấy mình may mắn.

 

Nhưng rồi cô lại nghĩ đến xị rượu, đồ nhậu, thuốc rê, cơm nước… và những thứ tốn kém khác mà người ta phải chịu khi nuôi một ông chồng. Tuy ông Hai có lối sống giản dị, nhưng biết đâu đấy? ‘Mửng’ nào trước khi lấy vợ lại không ngoan ngoãn, dể nuôi? Điều này cô đã có kinh nghiệm, dầu chỉ một lần, chỉ một lần nhưng đã làm cho cô ‘tởn’ suốt đời.

 

“Xấp vải này bao nhiêu một quần hã bà chủ?”

 

Cô Ba giật mình khi có người hỏi giá. Cô bước đến xem lại mặt hàng và chưa kịp nhớ giá cả bao nhiêu lại có người khác vổ vào vai, “Lụa này hàng Hồng Kông hay Trung Quốc?”

 

Cứ thế, hết người này qua người khác, cô Ba quay như chong chóng, không làm sao trở tay, trả lời cho xuể.

 

Khi mặt trời đứng bóng, khách đã vãn bớt, cô gọi tiệm bún bên kia đường bưng qua một tô. Vừa ăn cô vừa nghĩ đến ông Hai, phải chi có ông ấy ở đây thì cô tha hồ gặm cái giò heo, húp từng giọt xúp… chứ đâu đến nỗi phải ăn ‘chạy giặc’ như bấy lâu nay. Sau khi ném cục xương ra một gốc cây cho con chó già nằm ở gần đó cô tiếp tục suy nghĩ vẩn vơ về tương lai của mình. Một lúc sau cô nhủ thầm, “Đành chịu… Không còn cách nào khác. Phải vậy thôi!”

 

Đã quyết định, cô tính tối nay qua thăm ông Hai rồi lựa lời để nói.

 

Nhưng nói như thế nào? Cầm theo bức thư? Chỉ nói một tiếng một, không mặc cả, không nói thách?... Sao khó nói quá! Cô cảm thấy khó thật bởi chuyện tình cảm chứ nào phải ‘năm đồng ba cắc’ mà dễ dàng được.

 

Thế là suốt buổi chiều hôm ấy cô tìm cách tiên liệu những câu đối đáp, tỏ tình với ông Hai. Nếu ông ấy hỏi, “Chị có thương tui không?” cô phải trả lời làm sao? Nếu nói, “Có-ó-ó!... em có-ó-ó…” thì trơ trẽn quá, nhất là lần đầu tiên phải xưng bằng ‘em.’ Cô thấy cần phải ngoảnh mặt, lấy ngón tay lên che một bên môi cho có duyên trước khi trả lời. Sẵn có tấm gương lớn treo trên tường cô đưa ngón tay lên chấm vào môi, xoay mặt qua một bên và cùng lúc liếc nhìn trong gương xem mặt mình như thế nào. Bất ngờ cô phá ra cười, to tiếng đến độ những bạn hàng xung quanh phải quay lại nhìn.

 

Sợ người ta để ý nên cô đổi mặt làm nghiêm, vói tay lấy chiếc lượt lên chải đầu. Chợt cô hoảng vía, “Ấy chết! Sao mình có lắm tóc bạc thế này?” Cô trợn tròn mắt, nhìn đầu mình trong gương và khám phá một điều mà bấy lâu nay cô không để ý. Rồi cô tự hỏi, “Làm sao bây giờ?... Nhuộm à? Tụi nó có cười mình không?”

 

Năm mười phút trôi qua, khi không còn ai để ý, cô lại đứng lên, lén nhìn vào trong gương rồi nhấp nháy hai khóe mắt để xem mình e thẹn, rụt rè như thế nào. “Như vậy không được! Không thể nào được!” cô ngẫm nghĩ. Người ta e thẹn, rụt rè thì hai con mắt phải đỏ lên như muốn khóc, hai má phải ửng hồng… trong khi đó mắt cô lại trơ trơ, hai má cứ trắng bệt. Không sao, cô tính nếu chỉ lấy phấn hồng xoa lên má và nhỏ vài giọt chanh vào mắt thì muốn e thẹn, rụt rè cở nào cô cũng làm được cả. Cô còn thấy nếu chưng diện lên thì cô vẫn còn có duyên lắm, còn thon thả, đẹp gái lắm chứ chưa đến nỗi nào. Cô định khoác vào người chiếc áo lụa màu hồng cô may từ hồi còn con gái, hy vọng ông Hai sẽ xúc động, đoán được tình ý của cô. Cảm thấy có người vổ lên vai cô quay lại ngay, “Bà cụ muốn mua gì không?”

 

“Không, tôi chỉ… à… định hỏi bà chủ có làm sao không mà uốn éo mãi trước tấm gương như vậy?”

 

Nghe hỏi cô Ba tái mặt, cảm thấy trơ trẽn như thể ăn vụng bị bắt. Thì ra bà cụ đã đứng trước sạp vải nãy giờ để nhìn cô đồng bóng với tấm gương. Cô nhanh trí, nói lảng, “Hồi này trở trời sớm quá… xương cốt cháu ê ẩm khắp người… bà cụ không mua gì à? Cháu để giá đặc biệt cho bà đấy!”

 

Bà cụ nói qua loa vài câu rồi bước qua sạp khác, để lại sau lưng một mình cô Ba ôm bụng cười nắc nẻ.

 

Sau đó, uống miếng nước cho đở khô cổ, đở tức bụng vì cười, cô lại nghĩ đến chuyện đối đáp với ông Hai tối nay. Cô không hiểu tại sao mà bao nhiêu bản tánh tự nhiên của thời con gái cô lại quên tất cả. Có lẽ đã quen với ‘một cộng một là hai’ thì làm sao nói chuyện tình cảm, yêu thương cho được? Cuối cùng, quá rối trí, cô phó mặc cho ông tơ bà nguyệt se duyên chứ với cô, cô chịu, không sắp xếp gì được nữa.

 

Chiều hôm ấy, sau khi chợ vãn và mặt trời đã lặn, bước vừa về tới nhà cô Ba thấy chiếc xe máy của vợ chồng con gái cô dựng trong sân. Từ phía đằng sau nhà Sáu chạy ra, ôm lấy mẹ, “Sao mẹ về trể vậy? Con mới thổi lửa, bắt cơm cho mẹ rồi đó. Đưa cái rổ đây cho con!” Nói xong, Sáu cầm lấy rổ, đi vào trong bếp.

 

Anh Năm, chồng của Sáu, đang đứng cho gà ăn bên cạnh cái giếng nước, gật đầu chào cô Ba.

 

“Hai đứa bây ăn gì chưa?” Cô hỏi lớn.

 

“Tụi con đã ăn mì quảng ngoài chợ, ghé thăm mẹ một tí rồi phải về ngay.” Năm trả lời.

 

“Sao về sớm vậy?”

 

Cô Ba hỏi nhưng không mong vợ chồng Năm ở lại bởi cô có lắm việc phải lo cho tối hôm nay. Sau khi vào nhà được một lúc cô bước trở ra sân, hỏi Sáu, “Con thấy chiếc áo lụa hồng này thế nào?”

 

“Trời ơi! Mẹ mặc chiếc áo này hợp lắm, đẹp lắm. Hình như từ ngày bố mất đến giờ mẹ mới đem nó ra. Tối nay mẹ định đi đâu à?”

 

“Không. Tại thấy lâu quá không có dịp mặc nên mẹ lấy ra ướm thử cho vui vậy thôi.”

 

Một hồi sau, khi thấy Năm ra kéo xe, đạp nổ máy, Sáu đứng lên chào mẹ, “Thôi, tụi con phải đi về. À, mẹ có biết gì không? Họ nói bác Hai hôm nay đi hỏi vợ ở tận bên kia sông.”

 

“Ồ… vậy à?” Tuy sững sốt nhưng cô Ba cố giử bình tĩnh.

 

Đợi sau khi vợ chồng Năm chở nhau chạy ra khỏi cổng, tiếng xe máy nhỏ dần, cô thẩn thờ bước đến ngồi lên trên cái thành giếng đá ong. Trời đã chạng vạng tối, đáy giếng đen như mực, cô ước gì mình nhảy được vào để chết cho xong. Vài phút sau cô nghe một tiếng tí tách, trong vắt của một giọt nước rơi vào đáy giếng. Lấy tay thấm nước mắt, cô cổi chiếc áo lụa ra cầm trong tay. Rồi không biết nghĩ ngợi chuyện gì cô lại ôm chiếc áo vào lòng, khóc nức nở, ngon lành… giống như lần cô khóc cách đây ba năm về trước. Như để an ủi cô, văng vẳng có mấy câu hò nương theo gió, bay về từ ngoài bến sông,

 

‘Anh ở đầu sông em cuối sông,

Cách nhau chừng ấy có xa không?

Mà sao vàng úa màu mong đợi,

Chín đỏ trời đông nỗi nhớ mong…’

 

Sau khi khóc đã no nê cô Ba lửng thửng bước vào nhà, đứng tựa vai vào vách tường rồi quay nhìn về hướng bến sông. Một lúc sau, biết mình vì tủi thân mà lầm tưởng có tiếng hò quen thuộc, cô buông thỏng người, ngồi bệt lên trên nền đất cho đến khi trời tối hẳn./.

 

 

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1525
Ngày đăng: 16.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc Răng Giả - Đặng Kim Côn
Tàn Theo Khói Thuốc. - Nguyễn Trung Dũng
Người Bạn Vong Niên - Trương Hoàng Minh
Đêm rơi ở phía sau lưng - Nguyễn Anh Thế
Chuyện chàng cốc sĩ - Huỳnh Văn Úc
Cõi người - Sâm Thương
Qua Sông - Đặng Kim Côn
Thế Lính Hoàng Sa - Hòa Văn
Hy Sinh - Phan Ngọc Danh
Trôi Theo Dòng Đời - Diệp Hồng Phương
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)