Lúc nầy mình khổ như vậy đó!
Thư THM
Dòng đời như dòng sông. Tôi như giề lục bình. Thời gian qua, dòng đời cuốn tôi trôi dạt khắp nơi, khi tấp vào doi nầy, lúc vướn vào vịnh kia chứ chưa có bến bờ cố định. Lại bị phong ba bão táp, sóng dập gió vùi khiến cánh bèo càng thêm tan tác. Lần nầy, dòng đời lại đưa tôi về miệt biển, đến thị trấn Lịch Hội Thượng tìm kế sinh nhai. Không biết đây có phải là lần cuối cùng chưa hay chỉ được một thời gian rồi lại trôi dạt ra đi tha phương cầu thực!
Lịch Hội Thượng thuộc huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng, có ba dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Hoa và Khmer. Thời gian qua, thị trấn nầy phát triển khá nhanh, sung túc nhờ vào nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản. Phố xá khang trang, nhà cửa san sát, chợ búa tấp nập, hàng hóa dồi dào. Bún ở đây tiêu thụ rất mạnh, mỗi ngày trên dưới tấn rưỡi, chủ yếu là bún nước lèo. Vào tiết Thanh minh và các ngày lễ Đôn-ta, Óc-om-bóc số lượng tăng gấp đôi gấp ba. Bạn tôi bèn kêu tôi xuống, kiếm cho một chỗ ngồi nhỏ nhoi, khiêm tốn trong một góc… chợ cá, đến lò lấy bún về bán lẻ và bỏ mối cho những người bán bún nước lèo, bún thịt xào…Mỗi ký lời từ 300 đến 1000 đồng, mỗi ngày bán vài chục ký cũng được vài chục ngàn, có đồng vô đồng ra, đắp đỗi qua ngày còn hơn ở nhà chan chát!
Một ông già ngoài sáu mươi, gầy gò, mái tóc muối nhiều hơn tiêu ngồi bán bún giữa chợ là hình ảnh lạ mắt với bà con nơi đây. Ai đi ngang cũng nhìn tôi và nhỏ to bàn tán. Đây là công việc của phụ nữ nên tôi cứ nơm nớp lo sợ sẽ không có khách hàng. Tuy nhiên, tôi nhận ra trong ánh mắt của họ hình ảnh của tôi là hình ảnh đáng thương, động lòng trắc ẩn. Cái nhìn của họ là cái nhìn thông cảm chứ không phải tò mò soi mói hay hiếu kỳ. Bằng chứng là họ ủng hộ tôi ngày càng khá hơn, lượng bún tiêu thụ ngày càng tăng hơn những lúc ban đầu. Trước lạ sau quen, mấy bà mấy cô buôn bán chung quanh thỉnh thoảng lại tặng “hia” tặng “củ” (*) trái cà trái mướp ăn lấy thảo, “để vốn” mớ cá mớ rau hoặc cùng nhau “ăn tiếp” một hai ký bún bán ế khi tan chợ. Dĩ nhiên tôi cũng “để vốn” lại cho họ nhưng họ nhất định không chịu với lý do tôi mới chân ướt chân ráo về đây còn thiếu trước hụt sau. Của ít lòng nhiều, cái tình người ấm áp đó là động lực chính thúc đẩy tôi vượt qua khó khăn trở ngại trong cuộc mưu sinh, “đường không đi không đến, việc không làm không thành”.
Chiều chiều, tôi thường đến các quán cà phê ngoài ngoại ô tìm thư giản sau một ngày ngồi bán còm lưng cúp cổ và cho nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Ở đây gió từ cánh đồng lúa bạt ngàn thổi về hầy hậy, mát rượi. Chủ quán lại mở nhạc trữ tình du dương trầm bổng nghe thật êm tai. Ngồi nhấm nháp ly cà phê đen đặc sánh vừa ngắm hoàng hôn vừa nghe nhạc trữ tình cũng khá thú vị, cũng nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà.
Một lần, tôi ngã người ra thành ghế, nhả khói thuốc lên không, lim dim mắt tận hưởng phút giây sãng khoái thì giòng nhạc trữ tình tiếp tục với giọng ca truyền cảm ngọt ngào của một nữ ca sĩ :”Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày, tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây. Chim rừng quên cất cánh, gió say tình ngây ngây, có phải sầu vạn cổ, chất trong hồn chiều nay, chất trong hồn chiều nay. Tôi là người lữ khách, mầu chiều khó làm khuây, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây, nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây”.
Đây là nhạc phẩm “Chiều” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ bài thơ cùng tên của thi sĩ Hồ Dzếnh. Bài hát viết theo điệu tango, khi khoan nhặt trầm bổng, lúc lắng đọng u buồn. Nội dung diễn tả tâm trạng ngổn ngang trăm mối bên lòng và nỗi nhớ nhà da diết của một lữ khách xa quê trong một buổi chiều tàn. Bài hát đã qua rồi nhưng dư âm vẫn còn lắng đọng trong tôi. Tôi bất giác thở dài và nghe một nỗi buồn nhè nhẹ dâng lên trong lòng. Chiều tàn trong bản nhạc không khác chiều tàn tại quán cà phê tôi đang ngồi. Tâm trạng và hoàn cảnh của tôi giống như tâm trạng và hoàn cảnh người lữ khách. Anh phiêu bạt giang hồ, tôi tha phương cầu thực. Anh xa quê tôi cũng xa quê. Anh nhớ nhà tôi cũng nhớ nhà. Tuy nhiên, anh cô độc còn tôi không hề cô đơn. Bên cạnh tôi còn có khách hàng và bà con cô bác láng giềng. Họ rất tốt bụng và nhiệt tình, đã dang rộng vòng tay đón nhận tôi như đón nhận một đứa con lưu lạc lâu năm trở về với quê cha đất mẹ. Vì thế nên tôi hy vọng và tin tưởng trong tương lai không xa tôi sẽ không bị “mầu chiều khó làm khuây” như anh mỗi khi ngồi nhìn hoàng hôn xuống dần trện quê hương mới./
(*) Cách xưng hô theo người Hoa:
-Củ : Cậu
-Hia : Anh