Bạch Mã
X.O
Năm 1932, ông Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, trong khi tìm địa điểm thuận lợi cho một khu nghỉ mát trên núi quanh Huế, đã thăm dò rừng núi quanh Truồi và Núi Bạch Mã nằm gần đường thuộc địa số 1 (nay là quốc lộ 1 - ND). Hai địa điểm này trông ra biển và nằm giữa Huế và Đèo Hải Vân (Coi des Nuages).
Vì cách xa Đà Lạt nên chí phí cho các gia đình ở Huế và các tỉnh lận cận muốn đi nghỉ hè ở trại nghỉ mát tại Nam Đông Dương này rất cao. Có một trạm nữa là Bà Nà (Banh), một điểm nghỉ mát nhỏ nằm trên vịnh Đà Nẵng (Tourane), nhưng đường tới đó khá khó khăn, nhất là phải vượt qua Đèo Hải Vân, nên thiếu thực tế đối với người Huế.
Trong lần khảo sát ngày 28 và 29-7-1932, ông Girard đã quyết định chọn Núi Bạch Mã, một núi cao 1450m trông xuống phá Cầu Hai và cách Huế 40km về phía Nam.
Từ năm 1933, Hạt Công chánh Trung Kỳ đã cho xây dựng tại Bạch Mã ngôi nhà gỗ khiêm tốn đầu tiên của khu nghỉ mát. Ngay lập tức, khu này xác chứng những gì người ta mong muốn: khí hậu dễ chịu nhất Đông Dương.
Do gần biển nên nhiệt độ không bao giờ xuống dưới +40 về mùa đông và vượt quá +26o về mùa hè. Từ tháng hai tới tháng năm, vũ lượng ở đây nhỏ nhất. Tiết trời mát mẻ nhưng không lạnh. Nhiệt độ thay đổi từ 100 tới 220. Không thời kỳ nào rừng, đầy hoa, lại đẹp như thời kỳ này và không thời kỳ nào khí hậu lại thần tiên như thời kỳ này. Từ tháng 6 tới tháng 9, các buổi sáng huy hoàng trong nắng. Đôi khi vào buổi chiều có những cơn giông ngắn. Nhiệt độ trở nên dịu hơn, người ta ghi nhận được nhiệt độ 180 vào buổi sáng và ban đêm. Những trận mưa lớn chỉ bắt đầu vào cuối tháng 9 và kéo dài ba tháng theo chế độ mưa của miền trung Trung Kỳ.
Năm 1934, người ta làm một con đường dùng cho cáng lên Bạch Mã. Trong một thời gian dài, con đường này là con đường duy nhất. Nhưng những khó khăn đó không làm nản dân Huế, những người bị viễn cảnh của Bạch Mã quyến rũ. Nhờ sự dẻo dai, sự cố gắng liên tục cũng như những đầu tư, họ đã buộc chính quyền không chỉ quan tâm tới các hành động của họ mà còn lập quy hoạch cho Bạch Mã. Niềm tin của những người đi tiên phong đó xứng đáng được kể ra đây.
Năm 1936, đã có 17 ngôi nhà gỗ dựng trên đường phân thủy. Năm 1937, người ta bắt đầu mở một đường xe hơi tới độ cao 500. Được hoàn thành năm 1938, con đường này đã đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng khu nghỉ mát, thêm 40 ngôi nhà nữa được xây dựng. Năm 1942, nhịp độ xây dựng tăng dần đã cho ra đời thêm 45 ngôi nhà mới nữa. Năm 1943, mặc dù có những khó khăn về cung ứng thực phẩm và vật tư, vẫn có thêm 30 ngôi nhà được xây dựng, nâng tổng số nhà của khu nghỉ mát lên con số 130.
Khu nghỉ mát Bạch Mã có diện tích 900 hecta chia thành 300 lô nhưng mới chỉ có 1/10 diện tích mênh mông này có chủ. Ở Bạch Mã có hai khách sạn, mỗi khách sạn có từ 6 tới 15 phòng, hoạt động từ đầu tháng 5 tới 15-9. Về phần mình, quân đội có 12 hecta để xây dựng một trung tâm nghỉ hè cho phép nhận một số lượng lớn quân nhân, trong đó có 300 người âu. Các cửa hàng ở Huế và một ngôi chợ đông đúc của dân bản xứ bảo đảm cung cấp thực phẩm cho khu nghỉ mát. Ngoài ra, trong tương lai gần, các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt của một trang trại trong thung lũng Con Rùa sẽ góp phần vào sự thoải mái của khu nghỉ mát. Một trạm bưu điện và một trung tâm điện thoại cho phép những người đi nghỉ hè liên lạc bình thường với thế giới bên ngoài.
Một con đường đi lại dễ dàng sẽ cống hiến cho các loại xe hơi 19km đường núi cảnh trí đẹp như tranh, làm cho Huế chỉ còn cách khu nghỉ giờ 15 phút xe hơi. Ga Cầu Hai nằm dưới chân núi. Dịch vụ xe hơi thường kỳ bảo đảm cho du khách, thư tín và hàng hóa từ Huế lên.
Một bể bơi đặc biệt dành cho trẻ em liền kề với sân quần vợt. Cuối cùng, tại trung tâm Bạch Mã, trẻ em có thể nô đùa một cách an toàn trên thảm cỏ của Công viên Pierre hát được thiết kế cho các em. Tại khu nghỉ mát còn có nhiều đường đi dạo, trong đó đẹp nhất là thung lũng Morang với các thác nước hoang dã, các bồn nước tráng lệ, một con suối chậm rãi ẩn hiện thất thường. Trước khi đổ nước vào một thác nước khổng lồ cao 600m, con suối này uốn lượn hàng cây số trong một công viên thiên nhiên gồm dương xỉ, thông, phong lan. Nhờ vào khí hậu, các lối đi dạo và sự đáng yêu, Bạch Mã, với các nguồn suối vô tận, tự khẳng định là một trong những điểm nghỉ mát của Đông Dương.
______________________
Ô Cấp[i]
Có quá ít tài liệu nói về quá khứ Ô Cấp (còn được gọi ngắn gọn là Cấp - ND). Tên Cap Saint Jacques do người Bồ Đào Nha đặt ra để nhớ tới thánh đỡ đầu nước họ là Jacques de Compstelle.
Các ngư dân An Nam đã tới đây sau khi chinh phục được người Khơmer vào cuối thế kỷ 16. Trước họ đã có những người đi biển thường tới trú ở đây. Không hiểu có ai nhớ tới tên vịnh này trong hai bài tứ tuyệt trong tập thơ Lusiade của nhà thơ Bồ Đào Nha Camõens? Hiện nay, không còn một dấu vết rõ ràng nào của các thủy thủ Bordeaux, những người đi tiên phong trong việc buôn bán với Đông Dương từ thế kỷ 18 và đã mang tới đây nhiều hàng hóa. Trong số những bạn của giám mục Bá Đa Lộc, có một người là Manuel la Mang đã chiến đấu ở Ô Cấp, trong các hào của tòa pháo đài An Nam ở đây. Sau này, người ta đã khẩn quật được trong các hào đó nhiều khẩu pháo, trong đó một khẩu mang biểu tượng hoa huệ[ii] của nước Pháp. Khẩu này thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật nhưng bị nấu chảy ở Amsterdam vào năm 1636.
Năm 1860, Hải quân cho xây dựng ở đây các kho chứa quân cụ. Năm 1871, Hải quân nhường một trong những kho này cho người Anh để làm trạm cáp ngầm dưới biển Âu - Á qua Suez. Các hoa tiêu dẫn tàu trên sông Sài gòn cũng tới Ô Cấp trong khoảng thời gian trên. Thực hiện phương châm “mỗi người vì mình”, họ cạnh tranh nhau một cách rất nguy hiểm. Đi trên những chiếc thuyền buồm mỏng manh, họ ngang dọc trên biển và tranh nhau dẫn tàu vào Sài gòn. Một số còn táo tợn đi tới giáp hải phận Singapor. Không biết bao nhiêu người đã mất tích trên biển.
Khoảng năm 1900, Bộ Chỉ huy quyết định biến bán đảo thành một cứ điểm mạnh ngăn chặn sự xâm nhập vào Sài gòn, đồng thời làm chỗ trú cho hạm đội.
Dưới sự hướng dẫn của Công binh, các công trình nhanh chóng được hoàn thành. Tuy nhiên, huyền thoại cho biết, trong thời gian xảy ra chiến tranh Nga - Nhật (1905), chiếc tuần dương hạm năm ống khói Askold đã xuất hiện ở cảng Sài gòn, không dừng lại ở Ô Cấp mà chẳng lính canh nào ở đó trông thấy.
Năm 1914, tại hai dãy núi mọc lên các khẩu đại bác đủ các cỡ. Để bù đắp sự thiếu hụt pháo hạng nặng của quân đội, các khẩu pháo ở Ô Cấp được gửi sang mặt trận ở Pháp. Chỉ có một ít khẩu tới được Pháp, còn phần lớn chìm theo chiếc tàu Athos bị đánh đắm ở Địa Trung Hải năm 1915.
Vào đầu thế kỷ, bán đảo không có đường giao thông nào nối với các vùng sâu trong đất liền ngoài đường thuỷ. Có một chiếc xà lúp chạy tuyến Sài gòn- Cap- Baria. Cho tới năm 1900, chiếc xà lúp này luôn luôn cập vào bãi Dừa (Cocotiers, nay là bãi Dứa, không hiểu có sự ngẫu nhiên hay nhầm lẫn nào giữa dừa và dứa không? - ND), chỗ phía trước nhà Bưu điện. Nhà bưu điện này mấp mé nước khi nước triều dâng cao.
Các điều kiện khí hậu tuyệt vời của Ô Cấp, được nhiều người biết, đã lôi cuốn người Sài gòn tới nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ. Một dưỡng đường được xây dựng, hiện nay dưỡng đường này được ghép vào Đại Khách sạn (Grand Hôtel). Để nghỉ ngơi sau những chuyến đi ở Đông Dương, Paul Doumer đã cho xây dựng một ngôi biệt thự đẹp tại pháo đài cũ của người An Nam. Biệt thự được đặt tên là Biệt thự Trắng (Villa Blanche), lấy tên con gái ông ta, người tổ chức đám cưới tại đây. Phòng làm việc của ông trong biệt thự hiện nay được giữ nguyên như cũ. Đây là nơi Paul Doumer đã thai nghén ra Liên bang Đông Dương cùng những kế hoạch to lớn để xây dựng nó.
Quy hoạch đô thị hoá đầu tiên cho Ô Cấp do ông Outrey, quan chức hành chính, vạch ra. Được thực hiện từ 1895 tới 1902, quy hoạch đã vạch ra các đường phố, xây dựng các toà hành chính và bán các lô đất Trong quy hoạch biến Ô Cấp thành tiền cảng của Sài gòn, ông Outrey, cho xây dựng trên biển một đê chắn sóng dài 400 mét. Con đê này, về nguyên tắc, buộc nước triều sông Sài gòn khi xuống phải rửa trôi phần vịnh trước bãi Cây Dừa. Kết quả thu được ngược với ý muốn. Trước sự bồi cát cực nhanh, người ta phải mở một lối thoát qua thân đê. Cơn bão năm 1904 đã cuốn hết những gì lộ ra khi nước triều thấp cũng như những khối đá sóng biến vỗ vào khi có gió Tây – Nam.
Chỉ tới năm 1917, đường thuộc địa số 15 (route Colonial No. 15), đắp qua các đầm lầy với các cây cầu lớn qua các sông, mới nối Ô Cấp với đất liền bằng đường bộ. Từ đó, Ô Cấp phát triển nhanh chóng, đặc biệt sau năm 1929, năm khôi phục lại hội động hỗn hợp vốn đã bị giải thể vào năm 1905. Hiện nay, ngoài các trại lính và cơ sở quân sự hoặc hành chính, thành phố có hơn 800 công trình xây dựng, biệt thự, nhà.
______________________
Quần đảo Côn Nôn
J.C. Demariaux
Hội viên Hội Nghiên cứu Đông Dương
Trong mười năm qua, sự may mắn đã ba lần đưa tôi tới quần đảo Poulo Condore. Mỗi lần như vậy, tôi không sao cưỡng được ham muốn tìm hiểu cái quần đảo bí hiểm này. Nhưng than ôi, không còn một mảnh tài liệu nào trong kho lưu trữ của Nhà tù, không còn một hồ sơ nào để thỏa mãn sự tò mò cắn sẽ trong tôi. Cuối cùng, tôi thổ lộ sự buồn phiền của mình cho ông Pagès, Thống đốc Nam Kỳ. Ông này liền cho phép tôi tra cứu các hồ sơ lưu trữ của chính phủ.
Trong hai tháng liền, tôi lục lọi hàng trăm hồ sơ gồm các báo cáo hàng ngày về sinh hoạt của đảo tù từ sau nền Đệ nhị Đế chế. Rải rác trong các báo cáo, có những ghi chép ngắn mang tính lịch sử. Ẩn sau những báo cáo cách đây hàng tám mươi năm, hiện ra bóng dáng của các sĩ quan hải quân thời kỳ chinh phục (chỉ thời kỳ xâm lược nước ta - ND) với hàng ria xoắn, chiếc áo khoác xanh thiên thanh, chiếc mũ cát trắng chỏm bằng giống như chiếc chậu của người thợ cạo.
Nằm cách Ô Cấp (tên nhân dân ta gọi lược để chỉ Cap Sam Jacques, nay là Vũng Tàu - ND) 97 hải lý về phía Đông Nam, cách cửa sông Mêkông 45 hải lý, quần đảo Poulo-Condore gồm mười hai đảo. Quẩn đảo mang tên của đảo lớn nhất và có diện tích 200.000 m2.
Người An Nam gọi Poulo-Condore là Côn Nôn, có nghĩa là đảo của rắn. Sở dĩ có tên như vậy vì có rất nhiều động vật bò sát trong các thung lũng. Trong tiếng Mã Lai; từ Condore có nghĩa là quả bầu. Từ thời xa xưa, chắc chắn quần đảo phải là sào huyệt của bọn cướp biển. Bọn này có gốc gác trong đất liền và thường hay cướp phá vùng ven biển Đông Dương. Hình như người Tây Ban Nha là những người châu Âu đầu tiên tới thăm quần đảo vào thế kỷ 16 vì rằng thời gian người Pháp chiếm đóng quần đảo, người ta tìm thấy những đồng tiền có in hình Charìes - Quint và những đồng tiền ghi năm 1521.
Sau người Tây Ban Nha, người Anh đặt cơ sở ở quần đảo vào năm 1702 sau khi nghe một báo cáo lạc quan của Veret, nhân viên của Công ty Pháp Ấn (Compagnie Frantaise des Indes). Ông này khuyên nên chiếm Poulo-Condore, “một điểm trên đường hàng hải rất quan trọng đôi với các tàu của Trung Quốc, Bắc Kỳ, Ma cao, Manille, Java”.
Công ty Đông Ấn của người Anh đi trước người Pháp và quyết định xây dựng một pháo đài trên đảo lớn nhất của quần đảo. Chính chủ tịch công ty đồng thời là trưởng thương điếm Chusan ở Trung Quốc là Allen Catchpole tới quần đảo để điều khiển công việc xây dựng.
Theo cung cách và kỹ thuật thời bấy giờ, Catchpole đưa tới quần đảo những lính mộ gốc ở đảo Célèbes (thuộc Indonesia hiện nay - ND) gọi là lính Macassar. Để họ yên tâm, Catchpole cam kết sẽ cho họ về sau ba năm ở đảo.
Không may, ngày tháng cứ trôi đi nhưng vị chủ tịch không giữ được cam kết. Lính Macassar rất trung thành nếu các giao kèo với họ được tôn trọng nhưng trở nên rất yêu sách và dữ tợn trong trường hợp ngược lại. Họ nhớ nhà và ốm đau nên chỉ nghĩ tới việc được trở về; do đó bí mật quyết định nổi loạn.
Đêm 3-3-1705, những tiếng hò la man rợ đột nhiên nổi lên trong pháo đài đang say giấc. Đó là tiếng của những người lính dữ tợn đang tàn sát các ông chủ người Anh của họ. Chỉ có một số ít người Anh, trong đó có mục sư bác sĩ Pound và ông Salomon Llyod, ở ngoài pháo đài, nghe thấy tiếng kêu của đồng bào nên chạy trốn lên được một chiếc tàu. Với đủ khổ cực vượt quá sức người, họ tới được lãnh thổ của quốc vương Johore ở phía Nam bán đảo Malacca. Ngày nay, người ta có thể thấy dấu vết của tòa thương điếm ngắn ngủi này tại một cái gò: những đống đá, những mảnh vỡ của chiếc lò, vài mảnh pha lê vỡ trong các bụi cây. Các tài liệu liên quan tới biến cố này hiện lưu trữ tại Calcutta.
Trên đường phân thủy với biển có một cái vịnh nhỏ viền cát tạo thành một vành lấp lánh trên nền rừng xanh ngắt. Có lẽ đây là nơi người Anh, khi đổ bộ, đã nhìn thấy những con rùa khổng lồ mai xanh kéo theo hàng ngàn con rùa nhỏ vừa mới nở “bụng vẫn còn dính vỏ”.
Sau vụ nổi loạn trên, người Anh vẫn quan tâm tới quần đảo Poulo-Condore và tìm cách nối lại quan hệ với cư dân trên đảo.
Thuyền trưởng Gore, người kế nhiệm thuyền trưởng Cook bị giết ở đảo Sandwich năm 1779, ghé qua quần đảo từ ngày 20 tới ngày 28-1-1870 trong hành trình vòng quanh thế giới với hai chiến hạm Cương quyết (Résolution) và Khám phá (Découverte). Vào thời kỳ này, quần đảo Poulo- Condore thuộc triều đình An Nam, trên đảo chỉ có một thị trấn nhỏ với khoảng ba mươi nóc nhà. Gore cho biết số lượng lương thực thực phẩm cần mua. Viên quan theo đạo Cơ đốc tên là Lúc cho biết có thể bán trâu với giá bốn hay năm đồng một con. Lúc lên đường, Gore nhờ viên quan chuyển cho giám mục Bá Đa Lộc một bức thư và một chiếc kính.
Huân tước Macartney, sứ thần của Anh hoàng Georges III bên cạnh Hoàng đế Trung Quốc, dừng chân trên đảo hai ngày 17 và 18-5-1793 để biết người Pháp có đặt cơ sở ở đây không. Một số thủy thủ trên hai chiến hạm Sư tử (Lion) và Indoustan lên bờ mua thực phẩm trong một ngôi làng nhỏ. Dân làng hứa sẽ thực hiện các yêu cầu vào sáng hôm sau.
Hôm sau khi người Anh quay lại lấy thực phẩm, họ rất ngạc nhiên thấy ngôi làng vắng tanh. Cửa các ngôi nhà đều mở nhưng không một thứ gì bị mang đi trừ vũ khí người Anh thấy ngày hôm trước. Thậm chí các gia cầm cũng được để lại và đang tìm thức ăn quanh nhà. Trong ngôi nhà chính, người Anh tìm thấy một mảnh giấy viết bằng chữ nho bản dịch như sau:
“Chúng tôi rất ít người và rất nghèo nhưng lương thiện, không làm điều xấu. Chúng tôi rất kinh sợ thấy nhiều người và nhiều tàu quá mạnh và chúng tôi không đủ sức cung cấp cho các ông số gia súc và thực phẩm yêu cầu. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp được một ít và không thể làm những điều các ông chờ đợi ở chúng tôi. Chúng tôi buộc phải chạy trôn để tránh ngược đãi và cứu lấy thân. Chúng tôi xin các ông thương chúng tôi. Chúng tôi để lại trong làng tất cả những gì chúng tôi có, chỉ xin các ông đừng đốt nhà chúng tôi. Chúng tôi cúi lạy trăm lạy dưới chân các ông”.
Có vẻ các tác giả bức thư trước đây đã bị những người nước ngoài ngược đãi. Người Anh không động tới một thứ gì và để lại một tặng phẩm nhẹ nhàng trong ngôi nhà chính kèm theo một bức thư bằng chữ nho:
“Các chiến hạm tới quần đảo và những người lên thăm quần đảo là người Anh. Chúng tôi tới đây để mua thực phẩm và không hề có ý định xấu. Nước chúng tôi là nước văn minh theo nguyên tắc nhân đạo không cho phép cướp phá”.
Hình như người Anh không bao giờ gặp may trong vùng quần đảo Poulo-Condore vì khi họ nhổ neo đi Trung Quốc thì tời đứng bị đứt. Chiếc neo kéo lên được nửa chừng thì rơi xuống với vận tốc càng ngày càng tăng làm cho tời quay nhanh tới mức các thanh quay trôi ra khỏi các chốt cắm dưới tác dụng của lực ly tâm. Các thanh quay tời bay tứ tung làm ngất xỉu nhiều thủy thủ và lính. Boong tàu đầy người bị thương và xác chết. Tai nạn gây ấn tượng đến nỗi viên chỉ huy hạm đội phải ra lệnh nhanh chóng rời quần đảo, bỏ lại neo của chiếc Indoustan, trực chỉ bờ biển Ciampa mặc dù đang có gió giật.
***
Người ta biết rất ít về lịch sử người Pháp chiếm đóng quần đảo lúc khởi đầu. Sau khi đội quân đồn trú của Anh bị tàn sát vào năm 1705, đảo chắc chắn là người Pháp đã nghĩ tới việc chiếm đoạt các hòn đảo vô chủ này.
Alexis Faure, trong Tạp chí Địa lý (Revue de Géographie) xuất bản từ 1889 tới 1890, đã báo cáo về chuyến điều tra dân cư, khí hậu, sản phẩm ở đảo do Renault, nhân viên của Công ty Pháp Ấn, tiến hành. Lúc đó, đảo Condore Lớn được đặt tên là đảo Orléans để kỷ niệm phó vương nhưng không một cơ sở nào được thiết lập trên đảo.
Năm 1752, được các nhà truyền giáo chỉ dẫn, Dupleix đang định thực hiện kế hoạch chiếm lại quần đảo Poulo-Condore thì bị gọi về Pháp và những người kế nhiệm ông bị thua người Anh trong cuộc
Chiến tranh bẩy năm.
Charles May bon cho biết có một kế hoạch khác của Protais Leroux, thương nhân Pháp đã ở Ấn độ khoảng tám, chín năm. Ông này trình kế hoạch lên ông Machault, tổng thanh tra Bộ Tài chính. Kế hoạch trình bày những ưu điểm của các cơ sở thương mại trên quần đảo Poulo-Condore, “nằm ở lối vào eo biển Malacca”. Protais Leroux cũng nêu lên những lý do chiến lược: “quần đảo là chỗ trú cho các tàu thuyền châu Âu trên đường tới Trung Quốc. Các cảng ở phía Bắc đảo cho phép tàu tránh thời tiết xấu, cạo vỏ tàu, sửa chữa vững chắc tất cả các loại tàu thuyền bằng các loại gỗ cần thiết. Các cảng ở phía Nam cũng rất tiện dụng”. Protais Leroux khẩn thiết xin ông Machault thiết lập các cơ sở càng sớm càng tốt.
Nhưng tình hình của Công ty Pháp Ấn không cho phép các giám đốc nghĩ tới những thương vụ táo bạo như vậy. Như người ta biết, công ty này ngưng hoạt động vào năm 1769 và sau chiến thắng của Clive (huân tước, toàn quyền đầu tiên của Anh tại Bengal - ND) ở Plassey, Công ty Đông Ấn của Anh có ưu thế trên bán đảo và Hiệp hội Các Thương nhân Luân đôn biến thành một tổ chức quân sự hùng mạnh mang tính chinh phục. Trước tình hình đó, Công ty của Pháp mờ dần và, cuối cùng, biến mất.
Trong lịch sử của Đoàn Truyền giáo Nam Kỳ, Cha Launay, theo nhật ký của Cha Levasseur, nói rằng vấn đề thiết lập các cơ sở trên quần đảo Poulo-Condore được đặt ra vào năm 1768. Trong một bức thư của giám mục Piguel gửi các giám đốc Đoàn Truyền giáo nước ngoài (Missions étrangères) cũng có vấn đề thành lập thương điếm của Pháp trên quần đảo.
Như đã thấy ở trên, tất cả các ý đồ của người Pháp từ 1705 chỉ là những ý đồ không rõ ràng. Phải tới khi có cuộc nổi dậy của Tây Sơn năm 1773, một người Pháp là Đức Cha Bá Đa Lộc, giám mục giáo xứ Adran, mới đi theo vua An Nam Nguyễn Ánh. Vị vua chạy trốn này ẩn náu hết đảo này tới đảo khác ở ven biển Nam Kỳ. Tháng 9-1788, chiếc tàu Dryade bốc lên đảo Poulo-Condore 1000 khẩu súng; vài tháng sau, chiếc tàu Garonne để lại đảo một số khẩu đại bác. Hiện nay, phần lớn dân làng Anh Hai trên Đảo Lớn là con cháu trực tiếp của Gia Long. Họ giữ cẩn thận những quyển sách cổ viết bằng chữ nho. Người ta cũng nói tới những bộ áo giáp và súng cổ tìm thấy trong một hầm mộ dưới thời thống đốc đảo Lambert. Khắp nơi trên đảo đồn đại về chuyện những kho vàng được chôn dấu. Tôi đã được đọc câu chuyện kỳ lạ dưới đây trong một hồ sơ cũ: Ngày 25-11-1896 trong phòng giam khổ sai, tên tù Dang-Van-Tam trong khi đào hố đã tìm được hai hũ lớn, một hũ đầy tiền bằng bạc, một hũ toàn vòng vàng. Có lẽ đây là một trong những kho vị vua chạy trốn chôn dấu trước khi bỏ chạy sang Xiêm khi bị cáo thuyền Tây Sơn vây hãm. Để xử lý kho báu, Thống đốc Nam Kỳ, thiếu tá Ducos, đã ra một quyết định ngạc nhiên nhưng đúng luật. Ông ra lệnh cho nhân viên thu ngân Sở Công sản Sài gòn bán kho báu và chia số tiền bán được thành hai phần bằng nhau; một phần nộp cho Bộ Thuộc địa, một phần trả cho tên tù khổ sai Dang - Van - Tam. Ông giải thích việc này trong báo cáo ngày 14-1-1897: “Khi một kho báu được tìm thấy một cách tình cờ, theo điều 716 của bộ luật dân sự người tìm ra nó có quyền được hưởng một nửa, nửa kia thuộc sở hữu chủ mảnh đất”.
Ta biết rằng hiệp ước Versailles ngày 28-11-1787 do Giám mục Bá Đa Lộc soạn thảo theo tinh thần liên minh phòng thủ và tấn công giữa Vua Louis 15 và Hoàng đế Gia Long. Hiệp ước này nhường cho chúng ta quyền sở hữu hoàn toàn quần đảo Poulo-Condore. Mặc dù đã có hiệp ước nhưng không một binh đội Pháp nào được gửi tới quần đảo và chúng ta thấy rằng khi Huân tước Macartney ghé vào đảo ngày 17 và 18-5-1793 ông không thấy một đồng bào nào của chúng ta. Người Pháp chỉ thực sự chiếm hữu đảo khi thống đốc đầu tiên của Nam Kỳ Bonard phái thông báo hạm Norzagaray tới đảo vào ngày 28-11- 1861. Trước đó, thống đốc tuyên bố “muốn thực hiện ngay những ý định của Hoàng đế Naloléon III”. Trong các hồ sơ lưu trữ của Nam Kỳ, tôi có may mắn tìm thấy biên bản chiếm hữu. Đó là một tờ giấy da đã ngả vàng, ở giữa đã bị mối đục thủng[iii]. Biên bản này đã được trưng bày ở gian Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương trong Triển lãm mới đây.
Khi người Pháp tới quần đảo, có 129 người bị triều đình An Nam cầm giữ đang sống trong một thứ như pháo đài dường như để bảo vệ họ chống lại sự cướp phá của bọn cướp biển Tầu. Ban ngày, họ được tự do và sống bằng cách làm cho nông dân trong vùng. Ban đem họ bị cùm. Phần lớn mang theo vợ con. Số vợ con này sống trong những túp lều nghèo nàn gần pháo đài, xung quanh có hàng rào chông. Binh đội triều đình có khoảng 80 người gồm quân-tù và linh-bàu. Tất cả do một quan văn gọi là Quan Chanh (Quan Chánh? - ND) chỉ huy. Đó là một quan chức An Nam của tỉnh Binh-Long (hiện nay là Hà Tiên). Lính ở trên đảo một năm trước khi rút về đất liền. Họ không có súng mà chỉ có giáo. Quân tù đòi về đất liền và họ đã ra đi. Đi theo họ còn có tù khổ sai Cao Mên và gia đình.
Trong thời gian này, các kỳ hào lần lượt từ chức. Ngày 15-12-1861, thuyền trưởng Durand, chỉ huy thông báo hạm chạy hơi nước Monge thay cho chiếc Norzagaray, tiếp Ong Chanh (ông Chánh? - ND). Thuyền trưởng nói với ông này: “Lá cờ Pháp tôi trao cho ông để kéo trên bãi biển phải luôn luôn tung bay trên đảo và, từ nay trở đi, các yêu cầu của ông phải đề đạt lên bộ chỉ huy Pháp”. Hàng thùng chanh, cam, mít, soài, bưởi, ngô, khoai lang, thuốc lá và cả trâu được tặng cho thuyền trưởng và người Pháp. Durand báo cáo cho đô đốc Bonard: “Viên quan không biết làm gì hơn để làm chúng tôi thoải mái”.
Than ôi, quan hệ tốt đẹp đó không kéo dài! Các lính An Nam quê trên đảo và linh-bàu liên kết với các tù nhân để chống lại người Pháp. Họ chọn một người tên là Nguyet, cựu tù khổ sai ở Cho-quan (Chợ Quán? -ND) làm thủ lĩnh. Người này bí mật cho đóng một chiếc thuyền. Kế hoạch của ông ta là giết các thủy binh của chúng ta, sau đó trốn về đất liền. Một người tù khổ sai nhát gan tố cáo âm mưu và tên Nguyet bị treo cổ.
Có một chi tiết làm các sĩ quan đồ bản phải cười bò ra: khi đại úy Manen của thông báo hạm Norzagaray, người đồng thời làm nhiệm vụ kỹ sư thủy văn, làm nhiệm vụ, ông nhận ra các bản đồ của người Anh, những bản đồ duy nhất lưu hành vào thời đó, có nhiều sai sót. Theo các bản đồ đó, quần đảo Poulo-Condore nằm quá về phía Đông bốn hải lý và quá về phía Bắc một hải lý so với vị trí thực của nó. Sự lầm lẫn này có nguyên nhãn là các tàu đi Trung Quốc không đủ gió nên đã tạt vào gần bờ hơn. Vì thế nhiều truyền trưởng không có kinh nghiệm đã bị lạc vì bản đồ của người Anh.
Theo kể lại, nước Anh định phản đối việc gửi thông báo hạm Norzagaray tới quần đảo. Họ cho rằng, về mặt lý thuyết, chúng ta không có quyền đối với quần đảo Poulo-Condore, rằng hiệp ước Versailles ký với Gia Long đã lỗi thời vì cuộc Cách mạng Pháp đã thay đổi hình thái của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, sự phản kháng ngay lập tức bị tắt ngấm vì, năm sau, hiệp ước Sài gòn ngày 3-6-1862 giữa một bên là Hoàng đế Pháp và Nữ hoàng Tây Ban Nha và một bên là Hoàng đế Tự Đức của An Nam, nhường cho chúng ta toàn bộ chủ quyền quần đảo cùng với ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (Mỹ Tho). Từ năm 1862, đô đốc Bonard cho xây dựng một nhà tù trên đảo để giam các tù nhân bị kết án trên một năm và dưới mười năm. Đó chính là nguồn gốc nhà tù biệt xứ hiện nay.
***
Trong thời kỳ các đô đốc cầm quyền, quần đảo và nhà tù do các sĩ quan hải quân cai trị. Người ta có thể viết một quyển sách lớn về nỗi thống khổ và cuộc chiến đấu hào hùng của họ chống lại bệnh tật và thiên nhiên khắc nghiệt.
Giám đốc đầu tiên của nhà tù là đại úy hải quân F. Roussel. Ông này yêu cầu đô đốc Bonard gửi nữ tù nhân ra Poulo-Condore. Roussel viết ngày 18-3-1862: “Sự ra đi của vợ các quân-tù và vợ của những người Mên làm thiếu phụ nữ trên một hòn đảo vốn đã khan hiếm phụ nữ. Tôi cho rằng việc đưa ra đây một số phụ nữ phạm tội sẽ tốt cho thuộc địa và làm cho dân chúng gắn bó hơn với mảnh đất này”.
Đô đốc Bonard không chấp nhận ý muốn của thuộc viên. Phải tới một trong những người kế nhiệm ông là đô đốc Lafont, những chuyến nữ tù đầu tiên mới được đưa ra đảo. Thông báo về những chuyến tù này làm viên sĩ quan hải quân cai trị đảo không vui. Ngày 29-10-1879, ông ta gửi đô đốc Lafont một bức thư hài hước có lẽ ngày nay không ai viết:
“Hai con gà trống đang sống trong hòa bình. Một con gà mái tới và thế là chiến tranh nổ ra. Điều đó nói lên rằng khi số gà trống nhiều hơn số gà mái thì không thể có hòa bình trong chuồng gà. Để tránh lộn xộn, tôi sẽ buộc phải cách ly hoàn toàn nam nữ tù nhân. Tôi giả sử rằng các nữ tù nhân không trẻ và đẹp, nhưng phụ nữ ở đảo rất hiếm. Chính các dân binh và lính gác gốc châu Âu cũng rất thiếu thốn vì thế không thể nào lường hết những hậu quả có thể hình dung ra.
Để tránh cái xấu hoặc ít ra là lạm dụng cái xấu, thứ luôn luôn không thiếu, cần có một số quan hoạn, loại tôi không hề có trong Cơ quan Quản lý Nhà ngục. Tuy nhiên, tôi đã để ý tới một nhân viên già người Tagan (một sắc tộc ở Philippin - ND) đã có vợ. Tôi thấy chỉ có người này mới có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách nghiêm chỉnh tại khu nữ tù nhân. Tôi nghĩ giám đốc nhà ngục có thể tìm được hai trợ lý trong số những dân binh đã vượt quá tuổi đam mê...”.
Các tù nhân ở Poulo-Condore là những tên trộm cắp làm tiền giả, tay chân hội kín Thiên Địa hội, nhưng trước hết là những tên bắt cóc trẻ em. Số vụ bắt cóc có lúc nhiều đến nỗi, ngày 31-3-1896, Bộ trưởng Thuộc địa Guieysse ra lệnh đày sang Guyanne các phụ nữ An Nam bị kết án lao động cưỡng bức.
Dịch tả là nguồn cung cấp phong phú cho nghĩa địa Pháp ở Poulo-Condore. Chính vụ dịch trong hai tháng 4 và 5 năm 1864 đã giáng một đòn chí mạng vào số binh lính Pháp ít ỏi đồn trú trên đảo. Một sự hoảng loạn thực sự bao trùm khắp nhà ngục khi lính thủy và pháo thủ chết như ruồi mặc dù có sự săn sóc của bác sĩ trưởng Viaud. Không thoát khỏi lượt, giám đốc nhà ngục, trung úy hải quân Bizot, bị dính bệnh. Trong một lần đi tuần ở vịnh Cohong, ông đã mặc bộ quần áo ướt cho tới tận tối. Sáng hôm sau, thấy người mệt, sốt và đi tiêu chảy, ông nằm liệt giường và biết mình sẽ chết. Từ giờ phút đó, bệnh tiến triển rất nhanh làm mọi người phải từ bỏ hy vọng. Trước đó ông đã quan tâm theo dõi sự tiến triển của bệnh ở những người nằm tại trạm quân y, do đó nhận ra mình có những dấu hiệu phức tạp của một căn bệnh kinh khủng hơn: chứng hoại thư ruột.
Hai ngày sau, những cơn đau bụng không sao chịu nổi đột nhiên biến mất và ông hiểu cái chết đã tới gần. Chính lúc đó ông lại bình tĩnh nhất để đón cái chết. Dùng hơi sức còn lại cố ngồi lên, ông viết thư vĩnh biệt mẹ; sau đó gặp mấy người lính ông vẫn quý mến vì sự nhiệt tình và hạnh kiểm tốt. Ông tìm thấy trong mỗi người lính một lời vĩnh biệt cảm động. Theo yêu cầu của ông, bác sĩ Viaud đọc cho ông nghe một số trang về lời mời của Jésus Christ, một số chương trong Kinh Thánh và những lời cẩu nguyện. Những lời cuối cùng dành cho đô đốc Lagrandière:
“Hãy xin ông ta báo cho giám mục Dijon, người quen biết người mẹ khốn khổ của tôi, chịu đựng nỗi bất hạnh sẽ giáng xuống Người...”
Một tình tiết bí mật của lịch sử quần đảo Poulo-Condore là chuyến ghé thăm của nhà soạn nhạc lớn Saint Saens. Ông tới quần đảo không ai hay biết dưới bí danh Sannois.
Không phải sự ngẫu nhiên đưa nhà soạn nhạc tới những hòn đảo nhỏ bé nằm gần bên xích đạo, nơi chỉ có giấy phép đặc biệt mới tới được. Nguyên Camille Saint Saens ở Đông Dương tháng 3 và tháng 4 năm 1895 để đáp cùng một lúc hai lời mời: một của Louis Jacquet, giám đốc nhà ngục Poulo-Condore, và một của Armand Rousseau, toàn quyền Đông Dương năm 1895. Nhạc sĩ quen với Louis Jacquet trên con tàu đưa ông tới Tích Lan (Ceylan, nay là Sri Lanca - ND) năm 1890. Hai người kết bạn với nhau; họ nói chuyện về thiên văn, thực vật và cả âm nhạc vì Louis Jacquet cũng là một người chơi dương cầm tài năng. Về phần Armand Rousseau, ông ta là người cùng thuê nhà với Saint Saens ở phố Monsieur le Prince ở Paris. Tình hàng xóm cũng chưa phải là sự ngẫu nhiên duy nhất đưa nhà soạn nhạc tới Đông Dương. Vị toàn quyền tương lai của Đông Dương là cháu ông Le Libon, giám đốc Bưu điện khu Seine, ông này là bạn thân của Saint Saens.
... Chính tại Poulo-Condore, Saint Saens đã sáng tác phần lớn bản giao hưởng Brunehilda. Thật là một sự kỳ lạ lịch sử dành cho vở nhạc kịch.
Về Pháp, Saint Saens tiếp tục giữ quan hệ thư từ với Armand Rousseau, nhà văn An Nam Pétrus Ký và Louis Jacquet. Năm 1896, Louis Jacquet viện ra quan hệ của mình với nhà soạn nhạc để được công nhận chức giám đốc nhà tù. Trong kho lưu trữ của chính quyền Nam Kỳ, tôi tìm thấy một bức thư kỳ lạ của Louis Jacquet gửi cho Armand Rousseau: “Theo một thư chúc mùng của Camille Saint Saens tôi vừa nhận được, việc bổ nhiệm tôi làm giám đốc nhà ngục đã được được công bố từ ba hay bôn tháng nay rồi...”.
Bên lề lá thư, Armand Rousseau viết: “Được Camille Saint Saens, viện sĩ nhạc viện, nhiệt tình giới thiệu”.
Đầu năm 1939, theo gợi ý của tôi, ông Louis Vidal, nghị viên Hội đồng Thành phố Sài gòn, đệ lên hội đồng thành phố đề nghị đặt tên Phố Saint Saens cho phố của một tỉnh lỵ ở Nam Kỳ. Than ôi, những bận rộn do cuộc thế chiến gây ra đã làm dự án đó phải hoãn lại. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng sẽ tới ngày thuận lợi và người ta sẽ tổ chức kỷ niệm chuyến thăm Nam Kỳ cho “ông hoàng của âm nhạc thuần khiết”, người sánh với Weber, người tiếp cận với những sự kỳ lạ của phương Đông. Chúng ta cũng không được quên rằng trong hai tháng lưu lại Đông Dương và Poulo-Condore, Saint Saens đã tích lũy được những ấn tượng âm nhạc tuyệt vời. Trong hai tháng đó, đầu óc ông tràn đầy những tứ nhạc mới, những cảm hứng sinh động và luôn luôn thay đổi. Không còn nghi ngờ gì về những điều trên: trong một số giai điệu sau năm 1895 của nhà soạn nhạc vĩ đại, người ta thấy có những tiết tấu của vũ đạo Viễn Đông và sự hoài tưởng trong các bước nhảy được cách điệu hóa.
Trước khi bị người Pháp chiếm, quần đảo Poulo-Condore thuộc tỉnh Hà-tiên (Binh-long). Hiện nay quần đảo trực thuộc Chính phủ Nam Kỳ và được đặt dưới quyền một quan chức hành chính hoặc một sĩ quan mang chức danh Giám đốc Ngục và Quần đảo. Số lượng tù nhân thay đổi từ 1500 tới 2000 người. Hàng trăm tù nhân sống trong làng và các trang trại. Họ chăn nuôi và trồng trọt. Một số đánh cá hoặc nung vôi từ nguyên liệu san hô. Năm 1863, trung úy Bizot hứa với đô đốc La Grandière “sẽ cho chạy sáu lò vôi và, nếu cả sáu lò chạy đồng thời, có thể cung cấp vôi cho Nam Kỳ nhờ nguồn san hô vô tận”.
Cũng cần phải kể tới việc đánh bắt rùa biển. Các loại rùa ở đây, trong đó một số con nặng tới hơn một trăm cân, đẻ trứng trong cát nóng, nhất là vào khoảng giữa tháng tư và tháng bẩy âm lịch. Các tù nhân lật ngửa rùa lên rồi sẻ thịt. Thịt rùa cải thiện xuất ăn bình thường của tù nhân. Quần đảo còn có loại rùa có mai. Loại này nhỏ hơn và hiếm hơn; người ta chỉ bắt được khoảng ba mươi con một năm. Các xưởng của nhà tù biến những tấm mai xanh, mai đen của chúng thành những chiếc quạt, hộp phấn, hộp thuốc lá, lược, vòng tay...xinh xắn.
Ngày xưa, có những hồ nước lợ trải rộng dưới các chân núi, nhất là cạnh hai con suối dân chúng gọi là Sông Cao Mên (Rivière du Cambodge) và Thamin. Sau này, phần lớn các khu đầm lầy đó biến thành ruộng với các kênh, mương. Khắp nơi mọc lên những cánh đồng bông, nhô, lạc, cây ăn trái, dứa, khoai lang, thầu dầu, sắn, cà phê.
Dần dần, tình trạng vệ sinh trên quần đảo được cải thiện đáng kể. Bệnh dịch tả hoàn toàn biến mất, chỉ có mấy vị kỳ lão râu tóc bạc phơ là còn nhớ được những trận dịch ngày xưa, khi người ta thả trôi trên suối của đảo những chiếc thuyền giấy chở bùa yêu trôi ra biển, còn thầy phù thủy thì đặt dưới gầm giường người bệnh những con cá da xanh không có vảy để hút nọc độc của người bệnh. Bệnh sốt rét gần như bị chôn vùi. Trong phòng bác sĩ trên đảo, đồ thị của tai họa khủng khiếp này gần như đi xuống thẳng đứng. Các khu rừng đẹp nằm ở trung tâm Đảo Lớn, còn các khu rừng rậm rạp ở chỗ cao nhất của đảo, nơi có độ cao 596 m. Một đường dây cáp giúp cho việc đưa gỗ xây dựng xuống. Các sĩ quan hải quân thời các đô đốc đếm chính xác được ba mươi sáu loại gỗ khác nhau: sao, dâu, gáo, gụ, mun... Than ôi, hiện nay nhiều loại gỗ đã biến mất? Trong các thập kỷ qua, một số giám đốc ngục đã không áp dụng câu châm ngôn của Colbert: “khi nhổ lên một cây, phải trồng lại hai cây”. Trên Đảo Lớn, người ta không tìm thấy cây sao nữa. Đối với các cây khác phải tìm trên đảo Bai Kinh, nơi có một ngọn đèn biển trên một đỉnh cao 212 m soi đường cho các tàu đi Singapour.
Động vật trên đảo khá nghèo nàn. Ngoài trăn, người ta thấy có bồ câu xanh, sóc, thằn lằn lớn, một loại chim rất lớn gọi là Cong-cương (công? - ND) và khỉ núi. Giống thằn lằn lớn phát ra tiếng kêu chói tai và vết cắn rất nguy hiểm. Nếu tin vào bức thư kỳ lạ của đại úy Morand, thuyền trưởng tàu Monge vào năm 1861, thì ngày xưa có nhiều khỉ hơn bây giờ. Trong thư, ông viết: “...Khỉ trên đảo Cohong nhiều đến nỗi chúng đuổi cả dân địa phương...”. Trong thời gian cơn bão lớn năm 1930 tàn phá đảo, nhiều lợn nuôi chạy vào rừng; chúng sinh sản và trở thành lợn rừng rất hung dữ.
Các bờ biển bị cá mập quấy nhiễu và rất nhiều tù nhân trốn trại đi trên các bè đã bị loài động vật hoang dã ở biển này cắn xé. Để câu cá mập, người ta dùng một lưỡi câu đánh bằng sắt, lưỡi câu móc một miếng thịt to buộc vào một đầu dây thả xuống từ một chiếc thuyền tam bản. Những con cá nhám bị lao xuyên qua nhảy lên khỏi mặt nước đôi khi suýt làm lật cả thuyền. Thịt cá mập dai, người An Nam rất thích. Vây cá mập là một mỹ vị của những người sành ăn trong khi da nó được dùng làm đồ da. Tất cả bìa sách trong thư viện nhà tù được làm bằng da cá mập. Gan cá mập được chế thành một loại dầu bôi trơn rất tốt.
Trong những chuyến ra Poulo-Condore, tôi được nghe kể nhiều chuyện về rắn biển, trong đó có chuyện một người tên là Trân-van-Côn bắt được một con rắn biển rất lớn vào năm 1883. Ông ta gọi nó là con rit (mille-pattes). Con rit dài mười chín mét. Thân nó có nhiều đốt, da vàng gõ vào kêu như gõ vào tấm tôn. Chắc chắn có một phần sự thực trong những câu chuyện huyền thoại trên.
Khi có bão, tất cả động vật trên các đảo nhỏ đều bị tiêu diệt trừ giống trăn. Gầy đi vì đói, giống to nhất của loài bò sát này cố bơi sang Đảo Lớn và các ngư dân trên thuyền đã gặp chúng trên đường đi.
***
Để kết thúc câu chuyện lịch sử ngắn gọn này, cần nêu ra đây việc có lúc người ta đã tính chuyện bãi bỏ nhà tù trên quần đảo. Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ đã thông qua quyết định này ngày 28-9-1899 tiếp theo sau trận dịch tê phù ở quần đảo. Lúc đó, người ta dự kiến phân bố các tù nhân trong 20 hay 30 trung tâm trong đất liền và tổ chức các công trường lao động tại các nơi đó. Nhưng vào phút cuối, một báo cáo viên tên là Monceaux đề xuất ý kiến phản đối. Ông này viết: “Tôi chia sẻ sự e ngại của chính quyền về vấn đề các tù nhân hình sự bị giam trong các trại tù ngoài đảo. Trong tất cả các xã hội có tổ chức, người ta luôn luôn có những biện pháp cần thiết để cách ly các tên tội phạm khỏi các trung tâm dân cư”.
Người ta cũng đã có ý định xây dựng ở quần đảo một casino (sòng bạc) lớn cạnh tranh với Macao và sẽ là nơi hẹn hò của những người giầu có rỗi rãi ở Viễn Đông. Dự án bãi bỏ nhà ngục trên đảo được hai ông bộ trưởng của Mặt trận Bình dân là Marius Moutet và Max Rucart nêu ra vào năm 1936 nhưng không thành công.
Và chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời...
Hình ảnh xưa của Sài gòn
Louis Malleret
Giống như trẻ em và các nghệ sĩ, các nhà sử học có cái thú riêng được vui sướng khi thấy các tranh khắc hoặc hình vẽ ngây ngô do các nhà biên niên hay các du khách thuở xưa minh hoạ cho các câu chuyện của họ. Qua các sách cổ, các nhà sử học thấy lại những hình ảnh tái hiện của quá khứ. Mỗi hình thực sự có một cuộc bí ẩn và sâu kín. Tuy nhiên, giống như những người tạo ra chúng, chúng có sự thêm thắt. Ngược lại, có những bức giữ nguyên được hình ảnh nguyên sơ của sự kiện. Tôi xếp các bức phác thảo lính và lính thuỷ của đạo quân viễn chinh Nam Kỳ vào loại này. Không gì giúp ta hiểu hơn về những năm đầu tiên của Đông Dương thuộc Pháp bằng những bài trong tờ Vòng quanh thế giới (Tour du Monde) hay loạt bài trong Báo ảnh (Illustration). Giống như La Fontaine hỏi mọi người: “Anh đã đọc Baruch chưa?”, tôi xin hỏi các nhà sử học chuyên nghiệp: “Các ông đã xem những nơi đẹp trên thế giới trong Tạp chí Phong cảnh (Magazin Pittoresque) và Thế giới qua hình ảnh (Monde Illustré) chưa?”.
Thành phố Sài gòn như thế nào trong con mắt người châu Âu lần đầu tiên nhìn thấy nó vào năm 1860? Từ một ngôi thành lớn kiểu Vauban do Olivier de Puymanuel, cố vấn của Gia Long, xây dựng năm 1790 và bị vua Minh Mạng phá năm 1835, thành chỉ còn lại những hố đào và lớp luỹ thứ hai ngắn hơn vừa mới bị san bằng. Ra khỏi phố Grandière là bắt đầu đồng ruộng. Theo báo Thư tín Sài gòn (Courrier de Sai gon), phần đất thấp của Sài gòn “chỉ là một cánh động lầy mênh mông nước mỗi khi triều lên” trên đó sinh sống những người dân cần cù “trong những ngôi nhà lá chông chênh ven các con sông”. Đường xá không có và ban đêm chỉ có một vài ngọn đèn dầu soi đường cho khách bộ hành. Một vài con đường nhỏ men theo bờ taluy rồi vượt qua những chiếc cầu gỗ trên vùng đầm lầy đưa chúng ta lên phần đất Cao của thành phố.
Trên sông Thị Nghè và các con rạch, các bến đò rất nhộn nhịp (h.1). Giống như mọi điểm dân cư An Nam khác, các khu phố buôn bán thường nằm ven sông. Trung uý hải quân Pallu de la Barière cho biết “hàng ngàn chiếc ghe chen chúc nhau trên bờ sông tạo thành một thành phố nổi”. Ngược lại, quang cảnh thành phố làm đám dân di cư thất vọng. Tác giả trên viết tiếp: “Những người mới tới Sài gòn nhìn thấy trên hữu ngạn những dãy trông như phố xen kẽ với những khoảng trống trơn. Các nhà phần lớn bằng gỗ lợp lá cọ. Một số nhà khác ít hơn xây bằng đá. Những mái ngói đỏ của chúng trong cũng vui vui mắt. Rồi tới những ngôi chùa mái cong, những làn nước đứt đoạn của con kênh và hai con rạch nhỏ dùng làm lối ra vào cho tầu bè, một ngôi nhà kho không vững chắc lắm dùng làm chỗ bán hàng, mái lúc nào cũng như sắp tuột xuống”.
Các bức tranh của tờ Thế giới qua hình ảnh và tờ Báo ảnh (Illustration) cho chúng ta một số hình ảnh trung thành về thành phố Sài gòn. Đó là con đường, sau này chúng ta đặt tên là đường Catinat, trên đó có một ngôi chùa (h.2). Các ngôi nhà bằng gỗ trên đường này rất giống với ngôi nhà của hiệu Cà phê Lion (Café Lionnais) (h. 3) nằm trên cùng phố. Một số ngôi nhà bằng đá, đúng hơn là bằng gạch, lợp ngói nằm ở khu Cầu ông Lãnh (h.4) dọc theo kênh. Các kênh chảy qua các khu vườn xanh tươi. Người ta tìm thấy các con kênh này bên các đường phố trong ảnh của tờ Thế giới qua hình ảnh (h.5).
Đối với một người Pháp quen nhìn các đô thị và các công trình theo kiểu châu Âu thì thật là đáng nản khi nhìn thấy Sài gòn lần đầu. Vì thế những họ thấy các hình lưu giữ kỷ niệm của mình như đua nhau nhấn mạnh “sự nghèo nàn và buồn tẻ của một thành phố chẳng có gì đáng yêu”. Tạp chí Hai Thế giới (Revue des des Deux Monde) số ngày 1-5-1861 cho biết “Sài gòn không đáp ứng được danh xưng hoa mỹ là ly sở của tổng đốc Cao Mên (capital de la vice-royauté du Cambodge). Đó chỉ là một khu làng khôn khổ gồm những túp lều rách nát bằng lá cọ. Không một ngôi nhà nào, công cũng như tư, đáng làm du khách chú ý”. Pallu de Barrière mô tả thêm: “Phố xá lầy lội nhà cửa dày đặc. Tất cả khá nghèo nàn. Đó là thành Gia Định mà chúng ta gọi là Sài gòn”.
Ở phần đất cao của thành phố, sau khi vượt qua Trường thi (Cam des Lettrés), nơi kỵ binh và lính thuỷ đánh bộ của chúng ta đang đóng, người ta gặp nhiều lăng mộ và các vườn cây ăn quả ẩn mình trong các ngôi làng toàn nhà lá. Cuộc kê khai số đinh trong khu vực đô thị Sài gòn - Chợ Lớn cho phép chúng ta xác định được một số những ngôi làng này. Đi theo con “đường chiến lược”, ngày nay đã trở thành phố Frère Louis (nay là Trần Hưng Đạo -ND), ta có thể tới được khu buôn bán lâu đời nhất (chỉ Chợ Lớn- ND), trong đó Sài gòn, đúng hơn là Bến Nghé, chỉ là một khu ngoại ô xa xôi.
Là những ông chủ buôn bán lúa gạo, người Tàu thích nghi rất nhanh với sự có mặt của người Pháp.
Các tổ chức của họ rất vững chắc và có lịch sử lâu đời. Sách vở cho biết sự di cư của người Tàu tới Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1778 và có lẽ sự kiện người Tàu rời bỏ các trung tâm ở sâu trong nội địa tới Chợ Lớn để chạy trốn cuộc chiến tranh của Tây Sơn là có thực. Nếu chú ý rằng Nam Kỳ xưa kia thuộc Cao Mên và trước khi có Chợ Lớn đã có một thành phố Khơme gọi là Prei Nokor thì ta có thể giả thiết rằng người Tàu đã ở Chợ Lớn từ rất sớm như đã ở khu vực Angkor và nhiều thành phố khác trong nước Cao Mên cổ. Nhìn từ trên máy bay, dấu vết của Prei Nokor là một đường bao với một trường đua ở bên trong. Với các đền chùa của các bang hội Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu của người Minh Hương..., chỉ riêng Chợ Lớn đã có đặc trưng của một thành phố.
Vùng hoang vu phân chia trung tâm, ngày nay đang dần dần biến mất, ngày xưa rộng mênh mông. Hồi đó hai trung tâm chỉ được nối với nhau bằng một con rạch, một con đường thấp và con đường chiến lược chạy qua các làng trồng cây ăn quả và cau và một làng làm nghề đúc ở chỗ hiện nay là khu vực Chợ Quán. Trên con đường đó, khách bộ hành gặp một vài ngôi chùa. Quá Chợ Lớn, trên một gò gọi là gò Cây Mai, nơi ngày xưa có một chiếc tháp Khơme, khách sẽ gặp một ngôi chùa có nhiều cây bao quanh rất được các thi nhân ưa thích. Gần nơi ngày nay là nhà thờ Hồi giáo ở Chợ Lớn là một ngôi chùa có nhiều tháp chuông bị biến thành lô cốt (h.6). Trên đường đi về Sài gòn, phía sau bãi sau này xây trường Chasseloup Laubat, người ta thấy chùa Khai Tương. Vua Minh Mạng đã ra đời trong chùa này và pho tượng Phật bằng gỗ mạ vàng của chùa hiện nay nằm tại Bảo tàng Blanchard de la Brosse như một chứng nhân của thời đại.
Dân chúng trong hai thành phố như thế nào?
Các số liệu chúng tôi có được rất mâu thuẫn nhau. Năm 1862, đại uý Grammont viết: “Dân số vào năm 1859 cùng lắm người ta chỉ dám cho là 2000 người thì nay được đánh giá khoảng từ 7000 tới 8000 người chưa kể thành phố Tàu”. Phải nói thực là chiến tranh và tương lai mờ mịt trong những ngày đầu chiếm đóng đã làm một phần dân chúng bỏ thành phố ra đi. Niên bạ Nam Kỳ năm 1865 đưa ra con số 50.000 người phân bố trong khoảng 40 làng. Nhưng những làng này đã bị những người bảo vệ Sài gòn phá hủy. Họ muốn để lại những đổ nát cho những người chiếm đóng mới, do đó vào năm 1865 chỉ còn khoảng 12 làng với khoảng 8000 người cộng thêm khoảng 6000 người Tầu sống quanh Sài gòn. Tổng dân số người gốc châu Á trong hai thành phố khoảng 20.000 người. Mọi lượng định chính xác lúc đó hầu như không thể có được, vì thế các con số chỉ được chấp nhận một cách thận trọng. Nhưng nếu nghiên cứu diện tích xây dựng của hai thành phố suy từ bản đồ năm 1862, có thể xem các con số trên khá gần sự thực.
Tuy nhiên, trong hai thành phố, cuộc sống của người dân bản địa không hoàn toàn mất hết ý vị như mô tả của một số nhà biên niên lúc đó. Những người thông dịch đã Tây phương hoá một phần nhưng vẫn chưa mang ô, kính xanh và giày vécni. Trong các phố ở phần cao của thành phố, ta có thể gặp vài ông quan được những người phu quần áo sặc sỡ cầm lọng đi hầu (h.7). Ở một chỗ khác, các kỵ sĩ ngồi trên những con ngựa nhỏ yên đỏ cổ đeo lục lạc đi lại trên những con đường nhỏ bé (h.8). Lúc này thành phố đã có vẻ của một thành phố quốc tế với đủ loại người nguồn gốc và thể dáng khác nhau (h.9). Lúc đó có 200 người Ấn Độ sống lẫn với người An Nam và người Tàu. Bên cạnh ba chủng tộc này, trong các phố xá và chợ, ngoài người Tagan (một dân tộc ở Philipin- ND), còn có các binh lính Tây Ban Nha, kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi và thuỷ thủ Pháp trong đạo quân chiếm đóng.
______________________
[i] Gần trùng với Vũng Tầu hiện nay - ND
[ii] Hoa huệ là biểu tượng của nước Pháp quân chủ.
[iii] Để tránh rườm rà, chúng tôi không dịch văn bản này. Tuy nhiên có thể hiểu tóm tắt đây là một biên bản đơn phương theo kiểu tàu thuyền của các cường quốc thực dân thám hiểm, phát hiện ra một hòn đảo nào đó ở Thái Bình Dương rồi tuyên bố sở hữu hòn đảo đó - ND