Mùa Euro 2012 năm nay, đội bóng tôi thích nhất, kỳ vọng nhất là Hà Lan lại thất bại ngay ở vòng đấu bảng. Vào Euro 2008, ít ra thì những “cơn lốc màu da cam” của đội bóng ‘đất nước hoa tulip’ cũng còn bốc lên cuồn cuộn cho đến hết vòng tứ kết. Tôi còn nhớ là năm đó, trước cái đêm oan nghiệt 21tháng 6, Hà Lan bị Nga loại với tỷ số thê thảm 3 – 1, tôi vẫn cứ tràn trề lạc quan về đội bóng thần tượng của mình và vui vẻ, hào hứng đến nổi, từ hình ảnh“cơn lốc màu da cam” của các cầu thủ Hà Lan, tôi nghĩ ra luôn danh hiệu “những cơn lốc màu hoa hồng” thật kỳ mỹ cho những chị em bán hoa chạy rất dễ mến trên cầuThị Nghè cũng vào thời gian ấy.
Nguyên sau 30 – 4, cầu Thị Nghè, dài 205 mét, nối một bên bờ là quận Nhất với bờ bên kia thuộc quận Bình Thạnh, đã được chỉnh trang lại, xem ra sáng sủa hơn xưa, như có thêm hai hàng lan can được trang trí bằng vài loại dây leo xanh và đèn lồng. Rồi từ khoảng các năm 2006, 2007…, cầu này lại có một nét hay hay, ưa nhìn, là do tự dưng mà có một số người bày các loại hoa hồng tươi đầy màu sắc ra bán trên cầu.
Ngày ngày, doc theo hành lang dành cho người đi bộ, thường có 5-7 người, phần lớn là phụ nữ, lúc đông có thể đến cả chục người - trải ra những tấm đệm, tấm nylon để bày hoa ra bán, thường là ở một vị trí cố định mà mỗi người dành được và có lẽ các chỗ ‘ngon’ nhất là gần hai đầu cầu. Dưới ánh nắng, cái chợ hoa tự phát này rực rỡ hẳn lên với những màu đỏ, hồng , vàng… thật tươi tắn, vui mắt của hoa. Bị thu hút nên lúc nào cũng có thể có vài người dừng xe xem hoa, hỏi giá… Chính những lúc "bán được" như lúc này, những người bán hoa luôn luôn cảnh giác nhìn về cuối đường để sẵn sàng chạy khi có sự xuất hiện của xe Jeep công an phường hay dân phòng, bảo vệ chợ Thị Nghè.
Tôi còn nhớ có bắt chuyện khá lâu với chị Tư, ngụ ở khúc bờ kênh Nhiêu Lộc sát bên cầu, đã hơn hai năm bán hoa chạy ở khu vực này. Chị Tư cho biết là từ rạng sáng, dân bán hoa ở đây đều đi lấy hàng từ chợ hoa bán sỉ Tương Lai (quận 11, gần khu du lịch - giải trí Đầm Sen) hay chợ hoa đầu mối Hồ Thị Kỹ (đường Lý Thái Tổ, quận 10).
Gần như tạo sắc thái riêng cho hoa chạy, người bán hoa trên cầu Thị Nghè bày ra chủ yếu là các loại hoa hồng, như hồng đỏ, hồng phấn, hồng vàng, hồng trắng, hồng song hỹ (cánh loại hoa này có màu hồng nhạt như hoa hồng phấn nhưng lại có thêm viền màu xanh rêu) và một ít cây măng tặng miễn phí cho khách. Một cô bé bán gần chị Tư còn bày ra thêm mấy bó hoàng anh và Salem, cắm đứng trong một thùng sơn Expo cũ.
Chị Tư cho biết thêm là hằng ngày chị dọn hàng ra từ khoảng 10 giờ sáng để đón đầu giờ "cao điểm" là từ 11 đến 12 giờ mới đông người qua lại trên cầu. Nhưng chính giác này, công an thường đi hốt nhứt. Nhưng về giờ "cao điểm" khác là 5- 6 giờ chiều, tan sở, tan trường nên xe cộ giờ cũng đông đảo, nhiều người mua, thì chị Tư đã có vẻ hài lòng, vì " Mấy ổng lại ít tới, có lẽ mắc đi lo trật tự giao thông ở mấy ngã tư ". Chiến thuật của dân bán hoa chạy là hễ thấy công an tới từ phía quận 1 thì quay lưng chạy về phía Bình Thạnh và sẽ đổi hướng ngược lại khi công an Bình Thạnh xuất hiện. Nhưng trước hết, khi công an tới "hỏi thăm" hành lang cầu bên phía mình đang bán thì chạy băng qua đường, rồi đứng thủ thế, theo dõi tình hình xem ra sao cái đã. Nếu công an chỉ hò hét, chỉ chỏ chiếu lệ rồi rút quân thì cứ từ từ băng qua đường, trở lại chỗ bán cũ. Đặc biệt là để thích ứng với kiểu "chạy" bất cứ lúc nào, hai đầu tấm nylon bày hàng của chị Tư đã được khoét hai lỗ cỡ 3cmx12cm, có công dụng như hai quai xách. “Trang bị” tốt như thế nhưng chị Tư đã cười thảm não, cho biết : "Tui cũng bị bắt bốn lần rồi chớ, vì chạy không kịp. Hả? Làm sao đến nỗi phải nhảy xuống sông, dữ vậy? Phạt bao nhiêu hả? Mấy ổng đâu có phạt đồng nào, chỉ tịch thâu thôi. Khó năn nỉ xin lại lắm. Mà hổng biết mấy ổng đem bông tịch thâu về trụ sở rồi làm gì nữa, đem chưng ở đâu cho hết?".
Vâng, không rõ hồi đó, thân phận của những cánh hồng mỹ miều kia ra sao nếu những chị em bán hoa không chạy kịp, dù họ chạy đã quen chân, ngày nào cũng có chạy vào lần, chạy rất nhanh, chạy như bay như biến, thậm chi chạy ẩu khi băng đại qua đường, mặc kệ cho xe cộ lướt sát bên người, cứ để cho xe tránh mình hơn là mình tránh xe…
Vào tháng 6 hằng năm – mùa quen thuộc của Euro hay World Cup, Sài Gòn đã vào mùa mưa nhưng thường cũng còn nhiều ngày nắng nóng, bất kể sáng hay chiều, cho nên dân bán hoa phải thường xuyên tưới nước cho hoa. Cái chai nhựa Pet cũ đựng nước tưới đã rất ít khi rời khỏi tay chị Tư. Ơn ích của cái bình tưới tự chế này là có thể liên tục giải nhiệt cho những cành hoa đang ở tư thế nằm dài ra trên nền xi măng nóng hừng hực. Và những giọt nước lóng lánh bám vào cánh, lá, thân hoa càng làm cho hoa trở nên rực rỡ hơn dưới ánh nắng, dù cho không hề có chút hương thơm nào…
So với hiện nay thì giá hoa hồng bán trên cầu Thị Nghè thời ấy khá mềm, phổ biến là 8000 đồng cho một chục cành, không phân biệt màu hoa. Tôi chợt nhớ vào những ngày Valentine, Noel, Phụ Nữ 8 – 3…, giá một cành hồng nhung thôi có thể đã đến 8000 - 10.000 đồng.
Trong nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh, thường rất quen thuộc là các chủ đề "Người đẹp và hoa" hay "Thiếu nữ ôm hoa". Đó là hình ảnh những thiếu nữ kiều diễm, mặt hoa da phấn, y trang thướt tha, ung dung, tươi cười với những bó hoa chọn lọc nhất ôm nghiêng trên cánh tay nuột nà, còn hậu cảnh thì cũng đầy hoa các loại hay cả một vườn hoa rộng ngút ngàn… Nhưng khi tình cờ, dửng dưng mà cũng dính tới các chủ đề cao sang, đẹp đẽ ấy, nơi những chị em bán hoa chạy trên cầu Thị Nghè một thời thì chỉ có dáng dấp lam lũ với quần áo bạc màu, cùng nhiều nỗi lo nghĩ cơm áo… Từ lâu rồi không còn thấy nhóm người bán hoa tươi kiếm sống theo kiểu thể-thao-bất-đắc-dĩ ấy nữa.
Hiện chỉ còn một vài sạp, cũng bán hoa hồng tươi, bày lẻ loi trên vỉa hè gần một cây xăng, cách cầu Thị Nghè chừng 500m lui về phía Viện dưỡng lão Thị Nghè. Và cũng không còn cái cảnh chị em bán hoa bị công an đi tém dẹp, phải cuống quýt túm lấy tấm đệm chứa hoa tươi của mình vất vả chạy tới, chạy lui như những “cơn lốc màu hoa hồng” ngày trước nữa./.