Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.274
123.157.873
 
Nếu, Nếu Ngày Mai Nếu
Nguyễn Trung Dũng

 

1.

 

Vừa ngồi xuống ghế, khách đã được cô chủ tiệm cắt tóc choàng ngay lên người một tấm khăn vải màu trắng tinh. Tấm khăn vải đó để làm gì. Tấm khăn vải đó để hứng những sợi tóc, trong khi cắt, tóc rớt xuống. Bằng cách gợi chuyện để lấy cảm tình với khách hàng, cô chủ tay cầm kéo, tay cầm lược, vừa làm vừa nhỏ nhẹ hỏi:

 

“Anh là khách hàng mới của em. Trước đây anh thường hay cắt tóc ở tiệm cắt tóc nào vậy”.

 

Khách điềm đạm bảo:

 

“Tôi cắt ở tiệm cắt tóc trong khu thương xá Lion Plaza. Từ nhà đến đó xa quá, biết ở đây có tiệm cắt tóc của cô, từ nay trở đi, tôi tội gì phải cất công tới đó nữa”.

 

“Lần đầu em cắt nếu anh thấy được, hi vọng sau này anh sẽ lại đến nữa nhé”.

 

“Dĩ nhiên là vậy. Nếu cô cắt khéo tay, đẹp mắt, tôi không chê là cứ tới kỳ tóc dài cần cắt, tôi sẽ đến đây chứ không còn phải đi đâu xa cho mất thì giờ”.

 

Câu chuyện qua lại đến đó thì hết chuyện để nói. Khách ngồi im lặng để cô chủ tiệm lo chăm sóc cho mái tóc của mình. Chưa kiếm ra đề tài để tiếp chuyện cùng khách hàng, cô chủ tiệm tập trung tâm trí trong công việc của cô đang làm, với cái lược sới những sợi tóc dài, với cái kéo cắt ngắn những sợi tóc dài đó, thận trọng và cẩn thận, cô chu toàn phận sự của một người thợ đối với khách hàng mới lần đầu đến tiệm.

 

Thực ra, trong lúc đứng cắt, đầu óc cô đang bận tâm suy nghĩ, thắc mắc tự hỏi, người đàn ông này nom sao quen quá. Vận dụng trí óc bằng cách đi sâu vào vùng tiềm thức, cố nhớ lại không gian và thời gian cô đã gặp người này ở đâu, và vào lúc nào, thì cái nhớ đã giúp cô mỗi lúc mỗi sáng rõ ra.

 

Đắn đo lưỡng lự một lúc, cô mới bạo dạn lên tiếng hỏi:

 

“Nhìn anh thấy quen lắm. Hình như có nhiều lần em đã gặp”.

 

Người khách thản nhiên nói:

 

“Vậy hả. Tôi nghĩ nếu có gặp, chắc cô đã gặp tôi ở những nơi tổ chức ra mắt sách. Có thể nói, chẳng buổi ra mắt sách nào ở đây mà không có tôi đến dự”.

 

“Không phải như anh nói thế đâu. Những nơi anh vừa bảo, em rất ít khi đến. Nhưng như em đã nói, em thấy anh quen quen và hình như còn gặp nhiều lần nữa, ở vào một thời điểm cách nay đã khá lâu rồi”.

 

“Ngày còn ở Sàigòn chắc”.

 

“Vâng. Ở Sàigòn. Anh có thể cho em biết tên được không”.

 

“Tôi là Quang”.

 

“Quang. Hồi đó nhà anh ở đường Kỳ Đồng ?”

 

“Cô nói tôi có cảm tưởng như cô là thầy bói vậy. Cô đã đoán trúng phóc”.

 

 

“Không phải là đoán. Em căn cứ vào sự thực nên mới dám quả quyết mà nói vậy. Còn thêm một điều nữa, hồi đó, có phải anh là người đã yêu một người tên là Phượng”.

 

Nói đến đó, cô chủ tiệm bất ngờ lúng túng, ngại nên không nói nữa. Khách đột ngột hỏi:

 

“Cô biết quá rõ về chuyện quá khứ và đời tư của tôi, cô có đúng là em của Phượng đấy không. Nếu đúng, tên cô phải là Bích”.

 

“Vâng. Bích chính là tên em”.

 

“Không ngờ sau hơn 30 năm, bây giờ mới lại được gặp Bích. Em vẫn trẻ và đẹp. Khi nào em có dịp đến chị Phượng, nhờ em nói giúp, anh có lời hỏi thăm chị ấy”.

 

“Chị Phượng đang sống ở Canada. May mắn cho anh là chị ấy mới sang đây chơi. Chốc lát nữa, không chừng chị Phượng sẽ ghé đến tiệm của em đó”.

 

“Vậy sao”.

 

“Anh có muốn gặp chị ấy không”.

 

“Tất nhiên là muốn rồi. Nhưng anh cảm thấy có điều bất tiện”.

 

“Đã nói là muốn gặp, anh lại bảo là bất tiện. Em thật tình không hiểu anh nghĩ gì”.

 

“Anh nghĩ gì à. Anh nghĩ sẽ làm phiền cho chị Phượng của em. Nếu như chồng của chị ấy biết

 

Phượng đã gặp anh”.

 

“Lo gì chuyện đó. Ông anh rể của em không qua Mỹ. Khác với những lần trước, lần này, chị Phượng đi chỉ có một mình”.

 

“Từ khi Phượng lên xe hoa về nhà chồng, anh đã là kẻ thất tình nên buồn bã suốt nhiều năm dài. Có lúc cố quên đi để sống, nhưng càng cố quên càng không quên được. Tưởng tượng đi, em sẽ thấy ở tuổi thanh niên của anh lúc bấy giờ, Phượng là tình yêu đầu đời đối với anh, bao nhiêu những ước mơ, bao nhiêu những hi vọng, bao nhiêu những mộng đẹp, anh đã nuôi nấng ấp ủ Phượng sẽ là của anh, nhưng câu chuyện lại không phải là những gì mình tưởng, tới khúc rẽ của con đường, Phượng lại chính thức thuộc về người khác, thì anh đã là một cái cây đứng cô đơn lẻ loi ở trên sườn đồi, bị gió bão thổi về, vật ngã, thân xác mộc khô nằm chỏng trơ trên một vùng hoang vu thổ địa”.

 

“Nghe anh nói như lời nói của một nhà văn”.

 

“Anh không phải là nhà văn. Anh chỉ là một con người lãng mạn, đọc sách truyện nhiều, ảnh hưởng nên đôi khi nói năng như thế chăng”.

 

Người khách tên Quang nói đến đó bỗng bật cười rồi ngồi lặng im. Tóc đã cắt xong. Cái khăn vải choàng đã được cởi bỏ. Cô chủ tiệm tên Bích lên tiếng hỏi:

 

“Anh thấy thế nào. Em cắt chắc không đến nỗi làm anh phật ý chứ”.

 

“Không có gì để anh phải phàn nàn cả. Đây là tiền công của em”.

 

“Sao anh lại làm thế. Nếu anh không phải là anh Quang thì em mới nhận, còn đã là anh Quang người yêu trước đây của chị Phượng, em không dám nhận đâu”.

 

“Em không nhận, bận sau anh không đến nữa. Ở Mỹ theo cách sòng phẳng của Mỹ”.

 

“Anh chủ trương theo cách của Mỹ, còn em, em theo cách tình cảm của người Việt Nam mình. Nếu lần sau anh đến cắt, em sẽ coi anh như một khách hàng. Chẳng những tiền công, anh còn phải “típ” cho em nữa là khác.

 

“Cứng đầu”.

 

Có tiếng “cell phone” reo. Bích vội cầm cái máy điện thoại cầm tay áp lên tai nghe. Nghe xong, đóng nắp máy, Bích nói như reo:

 

“Chị Phượng của anh đến rồi đó”.

 

“Rỡn nào. Làm gì còn chị Phượng của anh nữa”.

 

“Thì cứ cho là như vậy không được sao. Mà thôi, để em ra ngoài xem bà chị em muốn em giúp cái gì đây đã”.

 

Nhanh như con sóc, Bích bước ra đường. Ngồi ở cái ghế dành cho khách đợi, Quang cầm một tờ báo để ở trên bàn, đưa cao lên đọc. Tai không cần chú ý nghe, Quang vẫn bắt được những câu đối thoại của hai chị em Phượng và Bích ở bên ngoài.

 

“Có chuyện vui bất ngờ cho chị, đố chị biết chuyện vui bất ngờ đó là chuyện gì nào”.

 

“Cái con khỉ con này, vui với chẳng vui, có gì thì nói đại lại còn bầy đặt úp úp mở mở”.

 

“Bộ chị không muốn biết sao. Không muốn biết thì em hổng thèm nói nữa”.

 

“Bữa nay mi mắc cái chứng gì lạ vậy. Bảo người ta có chuyện vui bất ngờ lại hỏi đố người ta câu hỏi khó, thế thì đến thánh cũng phải chào thua”.

 

“Em đùa chị như thế là đủ rồi. Bây giờ để em nói ra nhé”.

 

“Nói đi”.

 

“Em vừa gặp anh Quang”.

 

“Quang nào”.

 

“Chị biết tỏng rồi còn khéo giả vờ. Còn Quang nào vào đây nữa. Anh Quang hồi ở Sàigòn theo đuổi chị đó”.

 

“Mi nói vừa gặp. Vậy gặp ở đâu”.

 

“Ở đây. Ở trong tiệm của em”.

 

“Ông ấy đến tiệm em để cắt tóc hả”.

 

“Cắt tóc”.

 

“Ông ấy có nhận ra em không”.

 

“Anh ấy không nhận ra em, nhưng em nhận ra anh ấy”.

 

“Thế ông ấy ...”.

 

“Thôi đừng hỏi nữa. Chị vào trong này đi đã”.

 

Quang đang cầm tờ báo mở rộng đưa cao ngang mặt. Mắt ngước khỏi mép tờ báo, Quang đã thấy Phượng bước vào tiệm với một cái hộp lớn bưng ở tay. Trên tay Bích cũng có một cái hộp nhưng nhỏ hơn cái hộp của Phượng đang bưng.

 

“Anh Quang. Anh còn can đảm ngồi đó đọc báo nữa hả”.   

 

Quang vội buông tờ báo ra, đặt xuống bàn rồi đứng bật dậy. Mặt giáp mặt, Phượng và Quang đều ngỡ ngàng. Sau phút ngỡ ngàng, người lên tiếng trước là Quang:

 

“Phượng. Anh không thể ngờ lại được gặp em ở đây”.

 

“Anh khỏe không”.

 

Câu hỏi chỉ là để che dấu vẻ lúng túng của mình, nói rồi, Phượng không biết mình phải nói gì sau câu nói đó nữa.

 

“Anh khỏe. Còn em”.

 

“Em cũng vậy”.

 

“Nhan sắc có thay đổi đôi chút, nhưng em vẫn đẹp như xưa”.

 

“Anh sao nói khéo thế. Đẹp như xưa thế nào được. Em bây giờ già và xấu rồi”.

Quang bỏ sang chuyện khác, chàng lặng lẽ hỏi:

 

“Em qua Mỹ chơi bao lâu. Và chừng nào em lại về bên ấy”.

 

Hai câu hỏi đó, Phượng trả lời gom chung làm một:

 

“Em qua Mỹ đã gần một tháng rồi. Tối mai, em lại đáp máy bay về lại Canada”.

 

“Canada, em ở thành phố nào vậy”.

 

“Montreal”.

 

“Montreal cách đây hai năm, anh có sang bên đó. Đến Quebec, ra bờ biển, ngày có lễ hội, anh thấy người ta nhẩy múa theo điệu múa dân gian. Họ mặc áo quần cổ truyền, đánh đàn và vỗ trống, hát nghe lạ tai”.

 

“Montreal có ngôi thánh đường ở trên một ngọn đồi, không biết anh có ghé đến không”.

 

“Anh có ghé đến. Ngôi thánh đường từ dưới muốn lên tới cửa chính, người ta phải bước rất nhiều bậc thềm xây bằng gạch, khi vào bên trong, thấy vô số những cây nến được thắp sáng. Ở vách của những bức tường, du khách có thể nhận thấy những cái nạng gỗ được treo rất nhiều.

 

Những cái nạng đó anh không hiểu tại sao lại được treo như thế để làm gì”.

 

“Nếu anh muốn hiểu, sao không hỏi những người vào nhà thờ dự lễ. Hỏi họ sẽ giải thích cho anh biết rằng, những cái nạng đó là những cái nạng của những người tàng tật, họ đã đến đây cầu xin được lành lặn chân cẳng, lời cầu nguyện của họ đã được ban phép nên khi khỏi tật nguyền rồi, họ đã để lại những cái nạng đó như một cách tạ ơn”.

 

Câu chuyện trôi đi như một dòng sông tìm đường ra biển rộng, xa xa mãi, để rồi, câu chuyện được kéo về gần:

“Em nói tối mai em lại về Canada. Tiếc nhỉ. Nếu như biết em sang đây thời gian lâu thế, gặp được em sớm thì chúng mình có nhiều dịp gặp gỡ nhau hơn. Hay là, hay là ..”..

 

Quang suy nghĩ không biết mình có nên nói điều mình đang muốn nói ra hay là không nên nói. Một phút đắn đo, cuối cùng thì Quang nhanh chóng lựa chọn được một quyết định dứt khoát:

 

“Hay là, anh đề nghị tối nay, nếu như em đồng ý, anh mời em đi ăn tối có được không”.

 

Thấy khó tìm ngay ra câu trả lời, sau vài giây đắn đo suy nghĩ, Phượng mới đáp:

 

“Đi cũng được. Nhưng em hơi ngại”.

 

“Nếu chỉ vì ngại, em từ chối thì trong đời anh, sẽ chẳng còn dịp em và anh được ngồi bên nhau”.

Nhận ra tình yêu tha thiết của Quang đối với mình, Phượng nghe nói thì rất cảm động nên cuối cùng đã bảo:

 

“Thôi được. Em nhận lời”.

 

Mừng rỡ, mặt Quang bỗng chốc sáng lên:

 

“Vậy, em cho anh số điện thoại, số nhà, đường phố nơi em ở, anh sẽ lái xe đến đón em”.

 

Phượng quay qua Bích hỏi em về những chi tiết Quang muốn có. Buổi gặp gỡ bất ngờ  giữa hai người tình xa cách quá lâu nay mới được gặp, đến đó thì chấm dứt câu chuyện.

 

2.

 

Những cây cối với lá ở trên đỉnh ngọn, ánh nắng đã nhạt màu. Từ căn gác ở tầng ba khu chung cư ngó qua cửa sổ, mắt Quang thấy mặt trời tròn và đỏ đang từ từ lặn xuống sau những mái nhà cao ốc ở hướng đằng Tây. Thấy sắp tới giờ đi đón Phượng đến tiệm ăn, Quang vội ra xe đỗ ở vỉa hè đường, mở cửa bước vào, mở máy cho động cơ vận hành, rồi lái xe dọc theo con phố hướng xuống “freeway”.

 

Vừa chạy xe, mắt Quang vừa nhìn bảng đường, đúng lúc thấy bảng đường đúng với tên con phố mình đang muốn tìm, Quang cho xe chạy từ từ để kiếm số nhà. Đỗ lại với tay cầm cái “cell phone”, Quang gọi để báo cho Phượng biết chàng đã tới trước cửa nhà nơi Phượng ở. Chỉ vài phút sau, cửa của một căn nhà mở, Quang đã thấy Phượng lững thững bước ra đi về phía xe Quang đậu.

 

Mở cánh cửa xe ở bên phải buồng lái, chờ cho Phượng đã ngồi xuống ghế, cửa được đóng, Quang mới qua bên kia bước vào xe.

 

“Cả đêm qua anh không sao ngủ được. Đầu óc cứ nghĩ tới giờ phút được gặp em, bây giờ đã gặp em, anh thấy vui ơi là vui”.

 

“Nhớ lại ngày còn ở Sàigòn, mình hẹn nhau gặp gỡ, mười lần như mười lần, lần nào em cũng hồi hộp. Tại sao thì anh cũng biết rồi”.

 

“Anh biết. Sợ bố mẹ em, sợ gặp người quen, thế nên em hồi hộp chứ gì”.

 

“Đúng”.

 

“Bây giờ ở bên này, em chẳng còn gì phải hồi hộp nữa”.

 

“Không đúng vậy. Em không những đã hồi hộp mà còn áy náy khi nghĩ việc làm như thế này là phạm tội với người chồng của em. Một hành động lén lút và vụng trộm đi với anh tối nay”.

 

“Em chẳng cần phải bận tâm làm gì như thế. Hãy quên nó để chỉ biết hiện tại em và anh đang hưởng hạnh phúc được cận kề bên nhau”.

 

Bầu trời nhá nhem tối. Hai bên vỉa hè, những cột đèn đường đã bật. Khi đã ngồi ở một nhà hàng sang trọng của một khu phố vắng vẻ, khách phần lớn là dân bản xứ, tay cả hai đang cầm tờ thực đơn, họ gọi thức ăn cho riêng mình.

 

“Em muốn biết đời sống của anh lúc này anh sống ra sao. Chắc chắn anh đã lập gia đình và bà vợ anh đã cho anh những đứa con dễ thương rồi chứ”.

 

“Không đúng như lời em nói đâu. Làm gì có con khi anh chưa có vợ”.

 

“Độc thân. Ủa. Sự thực vậy sao”.

 

“Sự thực”.

 

“Em không thể hiểu nổi anh quan niệm sống như thế để làm gì. Ít ra, theo em, anh phải lập gia đình từ lâu rồi mới hợp lý. Phải nghĩ đến tương lai sau này khi về già. Phải có vợ và con cái để nương tựa mai sau”.

 

Nghe Phượng nói như nhiều người khác trong gia đình đã nói với mình về điều đó, mặt Quang vẫn giữ vẻ thản nhiên như không. Mãi sau, lúc Phượng ngưng, Quang mới đủng đỉnh bảo:

 

“Thực ra anh đã hứa hôn với một người. Nhưng cuộc tình nửa đường trắc trở, người ấy đã bỏ anh nên anh bơ vơ”.

 

“Ai vậy. Ai đã tàn nhẫn và đối xử tệ hại với anh như thế”.

Quang nhìn Phượng rồi lạnh lùng cười đáp:

 

“Ai. Em chứ còn ai”.

 

Phượng cúi gằm mặt khẽ nói:

 

“Em. Chẳng lẽ người đó chính là em”.

 

“Đúng”.

 

Phải đợi một lúc sau, khi đã lấy lại được bình tĩnh, Phượng mới buồn bã bảo:

 

“Anh quá lãng mạn. Lẽ ra khi em đi lấy chồng, là một người đàn ông như anh, anh phải có can đảm để quên đi quá khứ. Quên để lập lại cuộc đời của mình. Như thế, em nghĩ mới phải”.

 

“Điều đó không dễ đối với anh. Kỷ niệm xa xưa vẫn là kỷ niệm mới đây, nó hiện thân là linh hồn sống trong con người anh, nó là cái siêu hình tồn tại không thể và không có một quyền lực nào đủ sức xóa nhòa nó được. Đấy là tình yêu. Tình yêu anh đã trao cho em. Lãng mạn, em cho anh là người lãng mạn, anh không chối cãi điều đó như em đã nói”.

 

Quang bỗng ngưng, tay lặng lẽ cầm cái thìa quậy ly cà phê, rồi khe khẽ hát: “Nếu, nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau. Anh xin suốt đời ngàn năm lạnh giá. Nếu, nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau. Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi”.

 

Lời của bài hát làm Phượng nhớ về ngày còn ở Sàigòn, ngồi ở ghế đá công viên trong thành phố, nàng đã nghe Quang hát lên những lời hát đó. “Nếu”, cuộc tình của Phượng và Quang đã đúng với ý nghĩa của cái từ ngữ đó, đúng vào giai đoạn Phượng lên xe hoa về nhà chồng. Phượng và Quang dù yêu nhau tha thiết nhưng cuối cùng đã không lấy được nhau. Từ đó và cho đến mãi sau này, xa cách rồi, không còn gặp nhau được nữa, Phượng vẫn đinh ninh rồi ra Quang sẽ lấy vợ, có con, một mái gia đình hạnh phúc như bao nhiêu người khác. Nay, Phượng đã có câu trả lời, Quang vẫn là Quang thuở xa xưa, khư khư ôm mối tình sầu, một cách bướng bỉnh và ngoan cố. Cảm động và thương sót, nhưng Phượng vẫn cố làm ra vẻ bình thản và vô tư khi nhìn Quang bảo:

 

“Nếu em biết chuyện đó đã gây hệ lụy cho anh đến tận bây giờ, hồi đó em khôn ngoan thêm một chút, sao em không gây gổ để anh thất vọng, để anh giận dỗi cho chúng mình chia tay nhau có lẽ lại hơn là như thế này. Vì em, anh đã đày đọa thân xác và cuộc đời của anh để cứ ôm hoài một kỷ niệm của một cuộc tình dang dở. Dù sao, biết anh phải chịu đựng những năm tháng như thế, em không phải là kẻ vô tình khi thấy anh đau khổ mà kẻ gây ra đau khổ cho anh lại chính là em”.

Phượng muốn nói thêm nhiều nữa, nhưng đến đó, nước mắt nàng bỗng tự nhiên ứa ra.

Câu chuyện được Quang đưa sang vấn đề khác. Vấn đề tối mai Phượng trở về Canada.

 

 

“Anh muốn được là người đưa em ra phi trường. Đề nghị như thế nếu em không cho là quá đáng, em đồng ý nhé”.

 

“Đưa em ra phi trường, anh rảnh, anh muốn đưa em ra phi trường, em sẽ khỏi nhờ đến Bích cũng được”.

 

“Ít ra, anh nghĩ đây là dịp chúng mình tận hưởng thời gian và cơ hội để được ngồi bên nhau. Rồi sau này trở đi và có thể là mãi mãi, em và anh làm gì có cơ hội để gặp nhau như thế này nữa được”.

 

Đồng hồ đã 10 giờ. Tiệm ăn cũng đã tới lúc đóng cửa. Trên những con đường phố vắng vẻ, bóng tối nhòe nhoẹt của đêm đen, Quang lái xe đưa Phượng trở về ngôi nhà của Bích.

 

 

 

3.

 

Tối hôm sau, đúng giờ như đã hứa với Phượng, Quang đến đón Phượng để ra phi trường. Đường “freeway” 101, ngồi trong xe, khi xe đang chạy, cả hai im lặng nhiều hơn là nói. Bữa ăn ở nhà hàng những gì đã được bày tỏ ra hết cả rồi, bây giờ, trong tâm tư tình cảm của Quang và Phượng chỉ là những suy nghĩ của giờ phút sắp chia tay. Khi xe đã vào bãi đậu, khi Phượng và Quang đã ở quày vé, khi cả hai đã đứng ở hành lang kiểm soát của nhân viên hải quan, thì lúc đó, không là hành khách có vé lên tàu, Quang bắt buộc phải đứng ở ngoài.

 

“Em về mạnh khỏe. Thượng lộ bình an nhé”.

 

“Anh nhớ bảo trọng sức khỏe”.

 

“Nếu sau này có dịp qua Mỹ, em phải điện thoại cho anh biết ngay”.

 

“Vâng”.

 

“Tạm biệt”.

 

Chẳng để cho Phượng kịp nói, Quang bỗng vòng tay ôm ngang lưng Phượng, môi dính chặt lên đôi môi của người tình. Phượng coi đây là một ân huệ cuối cùng nên đã, thay vì chống cưỡng, Phượng để yên và đón nhận cái hôn nồng nàn thắm thiết của người yêu cũ.

 

Khi xe của Quang trở về con đường cũ, cái ghế bên cạnh chàng đã không còn Phượng ngồi, thì cũng là lúc, ở trên tầng trời cao ngất, chiếc phản lực có Phượng đang lặng lẽ bay đi./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1769
Ngày đăng: 19.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức Thư Tình - Phan Ngọc Danh
Chiếc Răng Giả - Đặng Kim Côn
Tàn Theo Khói Thuốc. - Nguyễn Trung Dũng
Người Bạn Vong Niên - Trương Hoàng Minh
Đêm rơi ở phía sau lưng - Nguyễn Anh Thế
Chuyện chàng cốc sĩ - Huỳnh Văn Úc
Cõi người - Sâm Thương
Qua Sông - Đặng Kim Côn
Thế Lính Hoàng Sa - Hòa Văn
Hy Sinh - Phan Ngọc Danh
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)