Hôm nay thử ghi lại những lý giải về sự rỗng tuếch trong tâm hồn đôi khi. Khi con người chuyển từ trạng thái vô cùng buồn bã sang sự rỗng tuếch.
Như thể cái giường bệnh một sáng bỗng thênh thang chỉ còn lại chăn gối: con bệnh sau nhiều ngày vật vã, đã trút hơi thở cuối cùng, đã đem chôn. Như thể công viên một chiều đi ngang: trống trơn, chỉ còn những gốc cây già trơ khấc đang trầm ngâm tự ngạc nhiên vì chính hình dáng xấu xí già cỗi của mình.
Mùa đông dài lạnh đã bí mật phá tan nốt những ký ức cuối cùng của niềm vui sống, để một sáng xuân rạng rỡ, ngồi dưới nắng ấm trên một chiếc ghế dài bạc phếch, con người nhắm mắt lại, không muốn nhìn, không muốn nghĩ, chỉ thấy lòng mình trống rỗng vô cùng.
Đấy là khoảnh khắc chuyển đổi, từ trạng thái sống này sang trạng thái sống kia, suy cho cùng đời sống chỉ là những khoảnh khắc chắp lại, những khoảnh khắc của NHẬN THỨC, đấy là đời sống của tinh thần. Còn việc thỏa mãn các nhu cầu sinh học và vật chất thuộc về cái bên ngoài, để thích ứng với môi trường sống.
Hamvas Béla viết về trạng thái thức tỉnh của con người, khi từ đêm bước ra ánh sáng, khi từ sợ hãi và khổ đau, con người chợt nhận ra tình cảnh của chính nó: sự xa lìa niềm hạnh phúc nguyên thủy đầu tiên, niềm hạnh phúc tự thân của sự sống cổ, chưa bị ràng buộc với những điều kiện của vật chất.
Lúc mới bắt đầu dịch Hamvas, mình không hiểu trạng thái cổ đầu tiên này, mà Hamvas gọi là LINH HỒN ĐẦU TIÊN. Trạng thái cổ đầu tiên này là bản thể của vũ trụ, là chính sự sống, mà định nghĩa của Kant cũng giống như định nghĩa của Hamvas:
169. Bản chất của Sự sống là tính vô tận như là sự vượt bỏ mọi sự phân biệt, là sự vận động thuần túy xoay quanh trục của nó, là sự yên nghỉ tuyệt đối không yên nghỉ, là bản chất vận động của thời gian cô đặc lại thành hình thái vững chắc của không gian. Mọi sự phân biệt trong cơ thể sống đều chuyển hóa trong dòng chảy, nhưng cũng phải có một tính ổn định và tách biệt tạm thời để có thể chuyển hóa như vậy. Tính trôi chảy, sự vận động thuần túy là bản chất của Sự sống”(Bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn)
.......
Đời cho con người thời gian chỉ để làm mỗi 2 việc: hoặc chỉ mình với mình, hoặc với người khác. Sự ham chơi đồng bọn cùng thú mải mê đuổi theo vật chất đôi khi làm người ta quên khuấy: sinh ra một mình và chết đi cũng một mình, không thể mang theo bất kỳ ai và bất kỳ cái gì.
Hamvas Béla đã chỉ cho NHN thấy một tia sáng vút lên tận thiên hà, đấy là ánh sáng của tinh thần, thứ khiến NHN nhận thức ra bản thân mình, thứ nó đi tìm bấy lâu nay (tuy vô thức không hề hiểu mình tìm gì?)
Giờ đây nó mới hiểu từ ngày xửa ngày xưa tới giờ, từ lúc ra đời tới giờ, một con bé cứ cặm cụi lẳng lặng một mình mơ ước cái gì đó, tìm kiếm một cái gì đó, thiếu vắng một ai đó, cứ đêm ngày đọc tất cả những gì tìm thấy, ngẫm nghĩ, mơ hồ đợi chờ…chính vì nó có khuynh hướng muốn hiểu được sự vô hình của tinh thần. Đúng thế!
Có những người có khuynh hướng hiểu được sự vô hình. Không phải ai cũng có khuynh hướng này, có lẽ trong ngày tháng năm giờ sinh của một cá nhân đã tích tụ một lượng khí, hoặc sức mạnh nào đấy của vũ trụ, để có thể hòa nhịp và hiểu được lời tuyên bố vô hình trong không gian.
Nhờ NGÔN TỪ của con người. Ta gặp Hamvas vì thế, như Hamvas gặp các bậc thày của ông. Một số người giống nhau ở chỗ hiểu được một cái gì đó vô hình của thượng đế, biến thành ngôn từ riêng của từng người, ghi chép lại, và giúp những kẻ đi sau tìm ra bản thân nó.
Tia sáng tinh thần này mạnh mẽ và làm NHN tỉnh táo: ở chỗ mỗi ngày nó ngạc nhiên thấy mình hiểu mọi việc trực tiếp hơn, ngắn gọn hơn, đúng hơn vì đủ sức thuyết phục. Không cần quanh co tìm lời giải thích dài dòng. Và quan trọng nhất: bảo nó hãy thực hiện đầy đủ việc của mỗi ngày. Hãy hiện thực hóa những gì mày suy nghĩ! Và trong tình cảm, nó ngạc nhiên thấy mình không đau buồn, không chịu đựng, chỉ bình thản ngắm nhìn xung quanh và suy ngẫm.
….
Hôm nay suy nghĩ thêm về Bản thể sau khi đọc Hamvas Béla.
Hiểu Hamvas nghĩa là hiểu ra cái gọi là siêu hình (metafizika), sự sống hiểu theo siêu hình học là bản thể, thứ không thay đổi, trước sau như một, không có bất kỳ một diễn biến nào xảy ra, nghĩa là thức chất không có tốt cũng chẳng có xấu, không vui không buồn.
Mọi diễn biến của đời sống là do dòng chảy chuyển biến của vật chất. Nghĩa là chính mối quan hệ NGƯỜI. Bởi vậy, nằm trong các mối quan hệ cá nhân với nhau là y như rằng gây ra hệ lụy, hậu quả. Cần nhìn rõ điều này để vứt càng nhiều càng tốt những hệ lụy, những diễn biến các mối quan hệ cá nhân mất thời gian và vô nghĩa.
Đây có thể là bản chất của cái gọi là thế giới vô hình chăng?-chỉ giữ lại cái bản chất, cái chính yếu: như ánh sáng như nắng mặt trời tạo năng lượng, truyền cho ta những sức mạnh vũ trụ vô hình. Đừng phung phí sức mạnh này, khí trời tốt lành này vào các diễn biến quan hệ tầm thường, hoặc chỉ để phục vụ cho sự lười biếng, buông thả. Vậy dùng để làm gì? để hiểu, tìm kiếm, hấp thụ các luồng tư tưởng cao cả hơn, mạnh mẽ hơn và phổ quát hơn.
Hôm nay suy nghĩ và hiểu tại sao mình không thích các loại diễn đàn lao xao cuả các cá nhân chống đối hoặc chứng tỏ cái TÔI to rầm của họ: vì thời đại này đủ quá rồi những lời tố cáo hoặc giải thích. Thời gian để con người hiểu ra sự tha hóa của chính thời đại họ đang sống quá thừa thãi rồi.
Bây giờ, cần chỉ ra cái để THAY THẾ.
Không phải một loại hình thái quan hệ nào của con người nữa, không cần! Bây giờ cần một cái tổng quát hơn, cao cả hơn và trực tiếp hơn: đấy chính là bản chất SIÊU HÌNH của sự sống. Con người cần hiểu ra điều này ngay lập tức, thật rõ ràng, để nhận ra ngay đời sống (vật chất) của họ đang nhiễu nhương đến mức độ nào, để hiểu chính bản thân họ là một cái gì đó cao hơn cuộc đời đang bị tầm thường hóa một cách khủng khiếp.
(2012-06-19)
MỘT TRÍCH ĐOẠN TỪ HAMVAS
„Con người cần „Đời sống”. Khi chúng ta muốn sống, cần nhìn vào bản thân mình, và những gì thấy ở đó ngày nọ qua ngày kia cần hiện thực hóa và sống với chúng. Hình ảnh thực chất của sự vật trong chúng ta luôn luôn nằm trong vô thức, và ta biết rất ít về chúng. Phần lớn chúng ta chỉ cảm thấy và sống với sự sợ hãi về chúng, chúng ta không biết thực sự cái gì đang xảy ra trong ta.
Như vậy một nghĩa vụ cần thiết là con người cần nhận ra bản thân mình một cách thực chất và rõ ràng. Nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi toàn bộ sức lực của con người, và làm con người hoàn toàn kiệt sức.
Để con người thực sự là mình, cần nhìn bản thân mình từ bên ngoài vào. Khi điều này xảy ra, các cảnh diễn trò, các tập phim chiếu chấm dứt. Đây là thời điểm- trong một khoảnh khắc- sự phân vân đáng giật mình và lạnh lẽo ra đời. Đây là thời điểm, không còn lại gì hết!
Và lúc đó lương tâm một kẻ nào đó từ sâu thẳm lên tiếng, có thể đấy là hiện thực tinh thần riêng của chúng ta, với giọng dịu dàng, khẽ khàng: Đừng sợ! mi không một mình! cần niềm tin, một niềm tin không lay chuyển!
Lúc đó linh hồn lên đường, trên một con đường hoàn toàn xa lạ mà sự tự nhận thức thật sự của chúng ta biết rõ, cái mà chúng ta gọi là đạo đức đích thực.” ( PATMOSZ I.)
Tối nay đọc một bài về ma quỷ và sự tươi tỉnh: chợt tỉnh hẳn người.
Tại sao con người thường xuyên u mê, mù mờ, mơ hồ, không có cơ sở để suy luận bởi vậy chao đảo, bấp bênh, không phân tích được tình thế, không thoát ra khỏi trạng thái bị tác động của môi trường? Hamvas đã chỉ ra những tính chất vô hình nằm sâu trong bản chất con người, trong đó tính chất Ma quỷ là rõ nhất, sự ám ảnh ma quỷ tham lam và primitiv:” Đói khát ngay với bản thân”-bởi”Không niềm cảm hứng, không sự tươi tỉnh”.Thế thôi! Hừ!
Khi trong con người không có sự tươi tỉnh, nghĩa là khi không tin vào cuộc sống, bởi chúng đang không sống: „không giữ lại sự sống mà chỉ giữ lại ảo ảnh”. Tại sao? Bởi vì chúng có hiểu gì đâu? Những đức tính xấu (của ma quỷ) nằm trong con người đã làm chúng u mê và che kín mắt chúng: đấy là sự ghen tỵ, sự độc ác, nỗi sướng vui trên đau khổ của người khác, sự hiếu thắng, sự kiêu ngạo. Đầy rẫy quanh ta. Bởi vậy kẻ tự trọng tốt nhất là một mình.
Bác Hamvas thỉnh thoảng làm ta phá lên cười, vì bác viết đúng quá. Một văn phong trực tiếp, chính xác, đúng đến nỗi bản thân những từ ngữ ấy đã có sức nổ như một quả bom, phá tan sự mù mờ và xướng đích danh bản chất sự vật. Đời sống thực ra trực tiếp và chính xác đúng như thế! Nếu hiểu ra điều này, mi sẽ hòa toàn bộ cơ thể, ngày sống, phút giây sống của mi vào từng khoảnh khắc của thời gian đang trôi qua không trở lại… Hamvas quyến rũ bởi không chỉ giúp ta nhận thức mà càng ngày càng khẳng định những gì ta đã hiểu.
…..
Có lẽ trạng thái đặc trưng nhất của con người: vơ vẩn. Một mình. Trong tâm trí. Người khác nhìn vào thấy nó đang bận rộn, hết sức bận rộn, giữa những mối quan hệ. Đâu có! Nó chỉ bận rộn với bản thân mà thôi. Những ý nghĩ trong đầu là của nó- hay không hề là của nó?-có trời biết! đúng hơn: vừa của nó vừa không phải của nó.
Một người bạn viết mail: tớ rất bế tắc, bi quan, nước mình rồi đi đến đâu?
Nó trả lời: cậu đang ở giữa châu Âu cơ mà, có phải ở Vietnam đâu? Con người VN hay con người châu Âu trong cậu bế tắc?
Một người khác viết mail khác: Anh rất không thích bài viết của em. Đừng có vô ơn với nơi sinh ra mình”cáo chết ba năm còn quay về núi”
Nó ngẫm nghĩ rồi trả lời: Núi của nhân loại dài lắm, trải khắp quả đất, đủ cho tất cả các con cáo của thế gian muốn quay đầu về đâu thì quay, anh đừng lo!
Một mail khác: Bài viết của em mang lại cho anh rất nhiều đồng cảm, anh cũng nghĩ như em, nhất là khi vật lộn trên xe buýt thủ đô…
Nó trả lời: vậy mà ít nhất ba người bảo em vô ơn với ( cái gọi là) đất nước quê hương rồi đấy,hì,hì…
Mail đó tiếp: nghe câu”vô ơn” mà thấy buồn cười. Từ bảo giờ cái thể chế chính trị nhất thời được gán thay cho từ đất nước quê hương thế?...
Mail của một người bạn khác : Bài của em làm anh sợ. Nỗi sợ suốt đời đeo đẳng trong anh bị em gọi tên. Té ra không gọi tên hay có gọi tên ra cũng làm anh càng sợ hơn…Em đừng viết nữa. Hoặc viết thành tác phẩm để đấy, bao giờ in được thì in…
Nó lang thang dạo chơi trong một ngày chủ nhật nắng ấm. Ra một hòn đảo xinh đẹp nằm giữa sông Đanuyp. Len lỏi chán chê giữa những bụi hoa dại và những con đường nhỏ xíu dẫn đến những bãi cỏ mênh mông, để rồi nằm lăn ra đấy, vòng tay qua đầu, chân duỗi thẳng, ngắm bầu trời cao, xanh ngắt vô tận trên kia, và nghĩ ngợi.
Tại sao phải viết thành tác phẩm để đấy, bao giờ in được thì in?
Tại sao không cất thành lời ngay hôm nay, bây giờ, phút này, những ý nghĩ vừa ập đến trong đầu?
……
Cảm giác ngây ngất không lời- khoảnh khắc sống thực sự. Thật lạ, cái vô hình lại là cái có thật nhất!
Văng vẳng bên tai một giai điệu buồn lay lứt từ một bài hát sến, hết sức sến, nhưng mãnh liệt làm sao, hòa làm một với những bước chân lãng đãng lang thang trong phố vắng. Phố vắng xưa kia, nơi sau chín giờ tối đã lạnh ngắt, chỉ còn những ngọn đèn vàng vọt soi chính giữa lòng đường và hàng lim già xum xuê lá xanh sẫm trầm ngâm….Thuở đó cảm giác ngất ngây cũng vô hình như bây giờ, lúc đang ngồi bên laptop bấm phím, giữa một xứ sở xa xôi, chỉ khác lúc này có thể đặt vô số tên gọi cho nó.
Nó là cái gì vậy? chính là nguồn chảy nóng bỏng và thân thiết làm sao từ cơ thể mình nhập với muôn vàn sắc thái của sự vô hình, có tên: mùa hè nóng, kỷ niệm không nhạt phai, một cảnh trong một bộ phim, hình ảnh lũ chim chiều qua thi nhau mổ xẻ những quả dâu ngọt đẫm nước dưới gốc dâu, hay chữ, những ký hiệu lạ lẫm đi qua cái đầu, hiện thành vô vàn ý nghĩa tuyệt vời nhất. và vẫn cả giọng hát ngân dài rất sến này nữa: „người yêu ơi, ta chợt…nhớ…t-ê-n e-m…”
cảm giác ngất ngây là nén đọng của bao nhiêu phút sống. Đêm đầu tiên đặt chân xuống nhà ga phía Đông của thủ đô tráng lệ này. Ô tô buýt chở cả lũ học sinh đi vào thành phố, mà hình ảnh đầu tiên con bé luôn yêu sự ngây ngất này nhìn thấy là một người phụ nữ mặc một chiếc quần ống loe màu đỏ, áo cộc tay trắng cổ ren nhét sâu vào quần, tạo thành một dáng hình eo thon ở trên như một bông cúc trắng nhưng lại xòe nở đỏ rực ở dưới như một đóa loe kèn. Nó ngắm bông hoa hai màu ấy không chớp mắt đến tận khi chiếc cầu dài cong vắt như một làn mây nuốt chửng hình ảnh đó, và thay thế vào là làn nước lững lờ xanh chảy rủ rỉ dưới chân cầu. Đanuýp. Ngất ngây trong cảm giác reo vui: Đanuýp xanh đây rồi….
Không, những ngày sống trong mẩu đời trẻ trung ấy, ta không hề nhận biết được sự ngây ngất tươi tỉnh này. Bởi đang còn bận lòng bởi những nỗi buồn, những nỗi buồn triền miên, vô tận. Mãi sao này ta mới hiểu tại sao có những cơn buồn ấy, dai dẳng lặp đi lặp lại một cách kỳ lạ? Bởi thời đó ta chưa hiểu gì về một Nguyễn Hồng Nhung phổ quát- như một thế gian thu nhỏ- như một hình thức tạm thời để thể hiện sự vô hình của tổng thể, còn được gọi là sự sống, hay bản thể, hay siêu hình…
Ôi! thế gian! là ta! là ngần ấy năm hữu hình nhưng vô hình vì chính thế gian ấy chẳng hiểu gì về chính nó! May sao, nó vẫn cảm giác được, vì cảm giác ngất ngây…Vậy thôi, sự tươi tỉnh sống này…. (2012-06-20)
….
Chiều. Đang định…ný sự một mình trên phím (như thường lệ), sau khi đã chịu đựng cái nóng rồ dại của cả một ngày Hạ Chí, bỗng mở mail, và nhận được thư B. chàng trai xứ Huế, nhưng lại gắn liền với kỷ niệm Sài gòn hôm nào...
Chàng gửi vài dòng ngắn, nhưng đầy ắp những từ ngữ dịu dàng, tặng thêm một bài ca, đề nghị tôi mở ngay và đố ai hát đấy? Tôi mở. http://dl.dropbox.com/u/71895138/LT/LT/KhongAiNganNoiLoiCa.mp3
Một giọng nữ tựa hồ xót xa sâu lắng vang lên. Không đau. Tha thiết và dặt dìu như tự kìm nén, tôi bất giác hình dung ngay ra chân dung chàng, cùng những kỷ niệm êm đềm tự nhiên dội về. Sao thế?
Tôi ở Sài gòn hơn một tháng, gặp chàng chưa đến chục lần, nhưng toàn bộ những kỷ niệm ấy đẹp rạng rỡ màu da cam (vì một truyện ngắn của chàng?). B.có giọng nói rất dịu dàng, nhỏ nhẹ, thanh nhưng rõ ràng, có đôi mắt biết nói với cái nhìn bình thản và tràn ngập cả con người chàng là một thứ tri thức dản dị nhưng sâu rộng, trực tiếp, đúng.
Đến nỗi, tôi thường mang cảm giác biết ơn, sau mỗi lần gặp chàng. Biết ơn ai? vì điều gì? tôi không biết- nhưng B. để lại trong tôi một tình cảm trong sáng lành mạnh như thể ta đang khỏe mạnh, không nhất thiết phải yêu đời, nhưng rõ ràng cảm xúc đang tràn ngập con tim. Ta bước vào ngày mới, ra đường bằng những bước chân rắn rỏi, nụ cười mơ hồ nở trên môi, sẵn sàng đón nhận những gì sắp đến…đấy, B. mang lại cho tôi cảm giác ấy, không phụ thuộc vào thời điểm khác nhau để hò hẹn của chàng.
Chưa ngủ dậy, mới tảng sáng, chuông đã réo: „Dậy chưa Hoa Hồng? đi ăn sáng nhé?”- lần hẹn đầu tiên, chưa bao giờ nhìn thấy chân dung của nhau. Tôi mắt nhắm mắt mở chuẩn bị vội vã, rồi bước ra cổng. Một xe máy, một đàn ông đợi sẵn, một khuôn bị mặt che lấp bằng chiếc mũ bảo hiểm, chỉ thấp thoáng đôi mắt tươi vui. Chàng đưa tôi chiếc mũ bảo hiểm khác mà chàng cẩn thận mang theo, tôi ngồi ra sau tấm lưng mang màu áo xanh da trời, để chàng phóng vút đi. Đến tận khi ngồi vào một nhà hàng rộng, tối om nhưng mát rượi, đối diện nhau, lúc đó chúng tôi mới nhìn rõ mặt nhau.
Giờ đây, khi đang nghe bài hát chàng gửi và nhớ đến chàng, tôi chỉ hình dung mơ hồ khuôn mặt ấy, nhưng giọng nói và nội dung của tất cả những gì chúng tôi trao đổi với nhau, dường như tôi nhớ hết…Không, thế này đúng hơn: bài hát này làm tôi ngỡ lập tức nhìn thấy chàng, chàng trai trí thức xứ Huế , một nhà văn, nhà thơ, kẻ theo đạo Phật, một linh mục thiên chúa giáo?... - không biết!- chỉ biết đối với tôi lúc này sao chàng giống giọng hát đang nghe đến thế.
Hình ảnh bên ngoài, nét gợi về tâm hồn một con người sao lại giống một giọng ca? Vậy mà giống đấy, bởi lời ca này, giọng hát này, tiếng nhạc đệm này, ca từ này, nghe giữa một chiều hè châu Âu chợt nhắc tôi đến một cái gì đấy rất riêng, chỉ liên quan đến tôi, chỉ tôi trải qua và từng vật vã mãi với nó. Việt nam, xứ sở của riêng tôi, xúc cảm riêng của tôi, phải, giọng ca này chính là xứ sở Việt nam của tôi, một cái gì đấy từng xót xa, lắng xuống, nhẫn nhục, khao khát, và êm đềm….
Và thật lạ, gắn liền với những kỷ niệm về B.
Bất kỳ lúc nào nhớ đến chàng, tình cờ hay trong liên tưởng, tôi đều bắt gặp cảm xúc về xứ sở Việt nam của mình. Tại sao thế nhỉ? Có một cái gì rất gần gũi, rất trong sáng, rất dịu dàng và trực tiếp, và ngang tầm…
Ngang tầm với cái gì? với sự hình dung về cái đã qua đi không trở lại, nhưng không làm ta hối tiếc, vì biết quay trở lại, ta sẽ gặp lại đúng như thế, không đổi thay, không thất vọng, ngang tầm với niềm tin của ta về con người ấy, cảm xúc ấy, nhận thức ấy. Chàng là một trong những mẩu đời ít ỏi của ta những ngày ở quê hương, gần như chỉ mình chàng biết tạo ra cho tôi cảm giác trực tiếp này, như thể chàng hiểu tôi muốn điều đó, hay đơn giản chỉ vì cả hai biết dản dị trình bày mình khi ở bên cạnh nhau?
B. thích ăn phở. Thế là theo hương vị phở tôi khám phá ra những ngóc ngách Sài gòn. Đằng sau mỗi tiệm phở ẩn náu một câu chuyện, B. kể cho tôi nghe khi chờ đợi người ta mang lên bát phở nóng ngào ngạt, tôi nghe như nghe chàng đọc sách, vì khi ngồi ra sau lưng chàng để chiếc xe máy của chàng vèo phóng đi, tôi quên sạch, quên tuốt, chỉ biết mỗi một giọng nói dịu dàng bay bên tai cùng gió…
B. có lối kể chuyện rất sinh động, chàng thường kết luận vào một tóm tắt vừa chính xác vừa trực tiếp, chỉ để làm nảy sinh thêm những câu hỏi mới của tôi. Bởi chúng liên quan tất yếu đến nhau. Nói chuyện với chàng chẳng bao giờ chán. Không phải thể loại giao tiếp hỏi-đáp, mà là tự sự. Chính thế. Như với bản thân mình.
Còn nữa. Ở chàng có một cái gì đấy tinh tế, nhậy cảm không thể diễn tả được. Giống như hương thơm thoang thoảng của hoa dạ hương trong đêm hay như một nét nhạc nghe khiến ta chợt rùng mình, buốt giá đi vài giây, có phải đấy là lúc tâm hồn nghệ sĩ của chàng chạm đến cảm xúc của tôi?
Cảm xúc này thường xuyên. Thế mới lạ! Cho dù xe phóng vèo vèo giữa nắng trưa gay gắt, hay nhẹ nhàng trôi trên phố lộng gió buổi chiều, hay cả hai ngồi nhấp nháp ly cafe trong quán, hay dừng chân bước vào một nhà thờ, một ngôi chùa bên phố, hay như giờ đây tôi ngồi gõ phím một mình nghe bài ca chàng gửi… một cái gì đó từ chàng luôn chạm đến trái tim tôi.
Một lần, đang phóng xe trên đường, nghe giọng chàng bay bên tai hỏi tôi hay nghe nhạc của ai, thích nhất bài nào? Tôi trả lời. Đi thêm lúc nữa, chàng dừng lại, dẫn tôi vào một ngôi biệt thự cũ, có mảnh sân hẹp ngập lá rơi, chàng đưa tôi vào một phòng khách rộng, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế băng dài và bảo tôi đây là nhà của chị chàng.
Tôi chưa kịp nhìn quanh hết căn phòng, đã nghe thấy nốt piano đầu tiên vang lên…B. ngồi quay lưng lại phía tôi, trước cây đàn piano và bắt đầu dạo bản nhạc ban nãy hỏi tôi trên đường. Ngoài sân lá xoay xoay lơ lửng trước khi rơi xuống đất, cành hoa cắm bên bàn nước rung lên nhè nhẹ, và tiếng dương cầm tràn ngập căn phòng…
Người con trai ngồi chơi đàn mê mải kia, có lẽ nào chỉ do câu chữ tạo nên?
( 2012-06-21)