LÃNG DU CÙNG "GIÓ" VÀ "ĐÊM"
“Đêm dịu dàng thế kia, và gió…” - tập thơ bạn đang cầm trên tay của Nguyễn Man Nhiên - có thể xem là một trường hợp khá tiêu biểu cho hướng đi của thơ Việt đương đại.
Nhan đề tập thơ - với hình thức cú pháp lấp lửng: hai thực thể tự nhiên (đêm, gió), một cảm giác (dịu dàng), một liên từ (và), một dấu chấm lửng (…) - là một cái tứ thú vị, không chỉ có sức gợi mà còn có sức vẫy gọi riêng của nó.
Trong không gian thăm thẳm của tập thơ, dường như thường xuyên hiện hữu bức màn êm dịu của đêm, hơi thở ngát hương, và đôi khi “như một bản nhạc dạo”, của gió. Chỉ cần đọc chùm “những bài thơ đêm” (1), (2) và (3), “bài thơ nhỏ về tình yêu” hay bài thơ mang nhan đề chung của tập – “đêm dịu dàng thế kia, và gió…” – cũng đủ rõ về sự hiện hữu thường xuyên này. Điều đáng ghi nhận ở đây là tâm hồn người làm thơ luôn nhạy cảm, đủ trìu mến để mang lại cho “đêm” và “gió” những khuôn diện dịu dàng hay bóng dáng phóng túng, yêu kiều nhất. Chúng minh chứng tình yêu thành phố quê hương, mái ấm gia đình, tình yêu cuộc sống luôn cháy lòng tác giả, thắp sáng một góc trời thơ:
như đứa bé chập chững lớn lên, cái thành phố ấy
không khỏi khiến anh run lên lòng tràn ngập xúc động
và đêm xuống, khi anh đứng bên này đường
hai hàng me no gió
chờ một tiếng còi quen
tiếng còi rúc mười giờ
chờ những cột đèn phụt sáng
soi rõ căn nhà đang xây
hồng hào khỏe mạnh
và đêm xuống, những đêm hè thoảng hương
tiếng trái chín rụng trong vườn
tiếng gió chạy trên mái ngói
những lúc ấy không hẳn tôi muốn nói với riêng tôi
chúng ta yêu thành phố biết chừng nào
phải không anh
(đêm dịu dàng thế kia, và gió…)
Những lúc như thế, cảm xúc thơ anh thật trong trẻo, ngọt ngào. Đó cũng là cái trong trẻo ngọt ngào của tấm lòng một người cha (thơ đầy tuổi con), của một tâm hồn say đắm, tìm nơi neo giữ tình yêu (tình yêu tôi ở giã), của một khoảnh khắc phiêu lãng nơi thành phố cao nguyên (tôi thả tôi giữa chiều đà lạt)… Hoặc, xám buồn hơn một chút, nhưng vẫn tha thiết, đắm say, dịu ngọt, là những khoảnh khắc mà người làm thơ lặng im, nghe tiếng “guốc mộc” điểm nhịp tim mình và viết những “bài thơ nhỏ về tình yêu”.
Nhưng Nguyễn Man Nhiên là một gã lãng du, nên tập thơ không chỉ là gió và đêm. Còn bao nhiêu điều kì thú mời gọi. Cả sự bí ẩn của đêm, cái man dại phóng túng trớ trêu của gió,… và cả những gì khuất lấp phía bên kia đêm, phía bên kia gió nữa. Đúng hơn, tác giả mượn “đêm” và “gió” làm biểu tượng đặc thù để gửi những thông điệp riêng của thơ anh.
SUY CẢM CỦA "KẺ ĐẮM TÀU"
Đọc tập thơ, thấy thế giới hiện lên, không hẳn chỉ như nó có, mà như nó đang được cảm nhận. Góc không gian phiêu lãng, riêng tư ở đây, đúng là, không chỉ có đêm thanh, gió mát, hay phút giây dịu ngọt của cuộc đời, mà dường như, còn có cả những bí mật muôn thuở của thế giới ban sơ, cùng cái vẻ hỗn dung, đa tạp của đời sống đương đại. Trí tưởng tượng, và cả sự tò mò của độc giả được đánh thức: Có ai đó, xưng “tôi”, từ một nơi rất gần, vẫy tay gọi bạn đến, chỉ vào “đêm” và “gió” rồi, vén tấm màn đang che khuất khoảng không phía trước, thì thầm vào tai bạn những điều mà bạn – và cả người xưng “tôi” nữa – rất có thể, mới chỉ hay biết một phần. Cùng nghe, nhìn và tưởng tượng… Sau bức màn “đêm dịu dàng thế kia, và gió…”, bạn cảm thấy những gì? Điều cảm thấy có thể rất khác biệt, không ai giống ai. Cho dẫu thế, ai cũng có thể lắng nghe và nhận ra được phần nào âm hưởng của chính cuộc sống hôm nay: một cuộc sống vốn đa diện, đa đoan với tất cả cái phồn tạp, bụi bặm đến oi ả, ngột ngạt, lẫn cái trong trẻo, thanh tân của nó. Ở đó, chất văn xuôi hòa lẫn vào thơ, hòa lẫn cái trang trọng với cái hài hước, kết hợp tự sự với trữ tình, pha trộn thi ca và tiểu thuyết, đắng đót pha lẫn ngọt ngào. Chỉ cần phóng chiếu cái nhìn sang “phía bên kia đường chân trời”, phía sau đêm và gió, bao kì thú, bất ngờ đang mời gọi mình dấn bước lãng du. Có thể xem đó là thông điệp chung nhất của tập thơ này.
Tuy vậy, mỗi khi gặp “đêm dịu dàng thế kia, và gió…”, có thể bạn, trí vẫn thức, mắt vẫn nhìn, tai vẫn mở, mà chưa chắc đã nghe, đã thấy, đã ngộ ra một điều gì. Có thể, đêm vẫn chỉ là đêm, gió vẫn chỉ là gió. Thế giới đa đoan, phồn tạp, nhiều bí ẩn sau màn đêm vốn không dễ thành kính vạn hoa trước mắt ai biếng lười, hời hợt, ưa thụ hưởng dễ dàng. Cần phải theo cái cách rất hiện sinh của anh chàng hướng đạo xưng “tôi” kia: tự nhúng mình vào đêm và gió, ném mình vào cuộc sống, vào thế giới hiện tồn, như con tàu “ném tôi vào sân ga mùa đông ảm đạm” (tháng chạp buồn như lời thú tội) cho đến khi khai mở hết nhãn quan, mới mong có những phút giây bừng ngộ đến với mình.
Hãy xem: “tôi” tự ném mình vào thế giới hiện sinh và tự quan sát hình hài, hồn cốt, lần lượt phác thảo chân dung mình với đủ vai (lãng tử quán cóc, lãng tử thịt cầy, lãng tử đặc sản, lãng tử với các chốn ăn chơi bụi bặm thời hiện đại ở x, ở y…). “Tôi” tự họa chân dung “tôi” trong nhiều tình huống, cả những tình huống khổ đau, nhạy cảm, phiêu lãng, hài hước, trớ trêu, kinh hãi nhất (tôi là “kẻ đắm tàu”, tôi nếm trải cuộc sống khác qua “bữa tối ở thiên đường” hoặc “chết xuống địa ngục”,…). “Tôi” phân thân qua từng mảnh vỡ ấn tượng. “Tôi” cháy hết những giọt sống trong thân xác và linh hồn mình, như “tháng chạp đang cháy đến giọt nắng cuối cùng” (guốc mộc), và “tôi” đã hiểu thế nào là “đêm dịu dàng thế kia, và gió…”, để cất tiếng nói thành thơ, một thứ thơ thao thức, mặn mòi chất muối suy cảm, không phải thứ “thơ trở thành giọng nói tường thuật” nhàm tẻ (bài thơ nhặt từ vỏ bao thuốc lá). Theo đó, có thể lắng nghe tiếng nói phản tư, suy cảm bật ra từ các va chạm giữa cá nhân “tôi” với môi trường cộng sinh nó.
Nhiều bài trong tập thơ là tiếng nói tự nghiệm, tự phán thẳng thắn, đầy ưu tư về bản thể hay “con người bên trong con người” của chính mình. Tôi là ai? Là một “người không có mặt” (như trong tiểu thuyết F. Kafka), hay là “người đi tìm mặt” (như trong thơ Hoàng Hưng)? Ở vào cái thời mà “một người đi chật cả con đường” (trong thơ Nguyễn Duy), thế giới là rộng lớn, hay “quá nhỏ” đối với “tôi” (một mình trong thế giới này quá nhỏ)? Ở đó, câu hỏi liền với câu trả lời giả định, rằng: “tôi là ai, có thể…”, đã vang lên, vừa như một thách thức, vừa như một sự phản tư (một ghi chú bên lề); và như thế, “tôi vẽ chân dung tôi”, hoàn toàn có thể theo nhiều cách, phóng túng và kì dị. Ở đó, bài học đắt giá được rút ra là: một cơn khủng hoảng tinh thần của kẻ sắp chết đuối do “đắm tàu” trong cuộc đời thì quả có đáng sợ thật, nhưng đó cũng là cơ hội cho một trải nghiệm rất có nghĩa lý. Vả chăng, có lặn ngụp vào đáy sâu biển cả của đời sống, nhúng mình vào đại dương tục lụy, hay ném mình vào sóng gió, nhận lấy ít nhiều thương tích thể chất, tinh thần,… thì người ta mới vỡ lòng ra được một vài điều gì đó gần với chân lý, mới chọn đúng phương châm sống, và, mới trưởng thành, khôn ngoan lên được. Vậy nên:
tôi bắt đầu từ những chữ cái
cuốn sách về những người lặn sâu trong cuộc sống
tên họ sẽ bắt đầu từ đường chân trời
đôi mắt sáng như than đen móc neo vào đáy biển
(kẻ đắm tàu)
Nhiều bài thơ khác trong “đêm dịu dàng thế kia, và gió…” lại thấm đẫm nỗi ưu tư thế sự, đậm hơi hướng “luận đề”. Chẳng hạn: Sự chết là kết thúc hay bắt đầu (khởi hành)? Trong một đám tang, người sống đưa tiễn thân nhân, bằng hữu xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng, thường là bằng lòng thương tiếc chân thành, hay thực ra chỉ như một nghi lễ máy móc, tự động hóa? Theo đó, sự khủng hoảng của người đang sống và người đã chết có khác biệt gì nhau không? Ai đã/sẽ là người “lao từ lầu năm xuống đất” kết thúc sự sống của mình (bài không thơ số một)? Cái cách người ta hau háu thưởng thức “những con dế của tuổi thơ tôi, ngay đơ, giòn rụm”, có phải cũng là cách cười cợt thiên lương, hủy diệt môi trường sống, hủy diệt bản thân (đặc sản; một dự báo trắng)? Một thế giới quá già nua nhưng chưa chịu chết, cho thế giới khác tái sinh, liệu có đáng bất bình “cho nó một cái tát” hay không (một thế giới già đi nhưng đã không chết)? Các ý tưởng “mơ mộng” - “ảo tưởng” và cách nghĩ khô cứng, giáo điều của người có trọng trách, sẽ đưa dân tộc, cá nhân và cộng đồng đến đâu, một khi nó cứ “đeo bám” người ta mãi mãi (ý tưởng này của một kẻ mơ mộng đeo bám)? Bằng cách nào để cứu rỗi con người trước những cơn “mưa lạ” đang trùm lên thế kỉ, trùm lên “hành tinh xanh” của chúng ta (mưa lạ)?...
Một số bài khác lại mang quan niệm, triết luận về cái đẹp trong nghệ thuật, về hội họa, về văn chương (chợt ghi 1; trong xưởng họa; vẻ đẹp; triển lãm hồi cố; những bài thơ đêm 2 và 3; bài thơ nhặt từ vỏ bao thuốc lá; một ghi chú bên lề; những người không ngủ;…). Trong số đó, nhiều hơn cả vẫn là quan niệm có tính tuyên ngôn nghệ thuật của người làm thơ:
thơ tôi
giống như một phiên bản lậu
bạn sẽ tìm thấy nó tại cửa nhà buổi sáng
với các bức ảnh chụp dán vào
và những dòng chữ quên dấu chấm câu
có mùi như đất
bài thơ nhảy múa dưới gan bàn chân
các rung động âm nhạc trở thành vần điệu phong phú
và những từ ngữ
chỉ đơn giản là khoảng trống
để cơn gió đi vòng quanh
trong tiếng rền rỉ của máy bay phản lực
(bài thơ nhặt từ vỏ bao thuốc lá)
Hoặc:
tôi vất vào thùng rác
cuốn tự truyện của người khác
nghệ thuật bao giờ cũng là một lối đi riêng
đơn độc
(chợt ghi 1)
Lại có những bài đề cập đến tình trạng “buồn nôn” trong thụ hưởng lạc thú, mang tinh thần “hài hước đen”. Ở đây, có cái gì như là trộn lẫn một chút hãnh diện, một chút hài hước, một chút mặc cảm đầy nam tính của người đàn ông tại “một nơi ấm áp, buồn ngủ với rượu vang bên cạnh”; hoặc những khi “chết xuống địa ngục”; “bữa tối ở thiên đường” hay “cuối tuần ở x.”;…
Đó là những gì mà bước chân lãng du và thái độ can đảm dấn thân đã khiến cho tai, mắt, trực giác người làm thơ chạm đến được, trong một không gian tưởng chừng chỉ có/là gió và đêm.
CÁI NHÌN "TIỂU THUYẾT HÓA" VÀ NHỮNG THỂ NGHIỆM NGÔN TỪ
Trong bối cảnh tương tác thể loại đa dạng của văn chương đương đại Việt Nam, tiểu thuyết có thể xâm nhập vào và hiện hữu trong các thể loại khác ở nhiều cấp độ. Ở “đêm dịu dàng thế kia, và gió…”, không khó lắm để nhận ra sự xâm nhập của tiểu thuyết vào thơ, khiến cho thơ “tiểu thuyết hóa” trên nhiều cấp độ, kéo theo đó là những thể nghiệm ngôn từ. Sau đây là một vài thử nghiệm đáng lưu ý về hình thức của tập thơ.
- Thứ nhất: Xu hướng “tiểu thuyết hóa” cái nhìn con người và thế giới.
Trong xu hướng này, tư duy thơ ở đây – rất gần tư duy tiểu thuyết – mang lại cái nhìn dân chủ và sự thức nhận hiền minh về một “thế giới không hoàn hảo”, đa trị và chưa biết hết.
Tiểu thuyết đương đại thường quan niệm thế giới, con người như một thực thể hiện sinh (một hữu thể) đa dạng, bí ẩn với nhiều dạng thức tồn tại (những khả hữu). Thế giới hiện tồn là khách quan. Nhưng bản chất của thế giới, qua nhận thức, là đa trị, khả biến, nên chân lý (về nó) không chỉ có một. Khuôn mặt của thế giới hiện ra, luôn mang tính khác biệt qua cảm quan riêng của từng cá thể người, lại tùy thuộc vào tâm thế của anh ta ở từng trạng thái, thời điểm, nên cũng luôn mang đậm tính chủ thể và khả biến. Trong “đêm dịu dàng thế kia, và gió…” hiện hữu một cái nhìn thế giới – cả ngoại quan lẫn nội quan – như thế. Cả “đêm”, “gió” và “tôi” đều được nhìn trong sự biến hóa với nhiều khuôn mặt.
Với “tôi” chẳng hạn, trong cái nhìn “tiểu thuyết hóa”, có thể tự họa chân dung mình bằng nhiều khuôn mặt: sau mỗi lần điệp ngữ “tôi vẽ chân dung tôi” vang lên, ta có thêm ít nhất là một khuôn mặt riêng (chân dung mùa đông); cũng như thế, có bao nhiêu lần câu hỏi “tôi là ai” vang lên trong tâm trí, “tôi” lại có thêm một câu trả lời, gắn với một – nếu không muốn nói là vô vàn – khả hữu lạ lạ quen quen:
tôi là ai, có thể
những gã đàn ông nhai kẹo cao su
hút thuốc bên ngoài cửa ra vào bệnh viện
những người đàn bà trong mũ và áo khoác, vội vàng
như không còn thời gian
mất hút ở cuối các hành lang màu xám
tôi là ai, có thể
một vẻ đẹp bị lãng quên
một sự thật bị che khuất
một cuộc đấu tay đôi
một trò đùa lạc hậu
những mảnh đời ăn sương trở về lúc bình minh
trong màu xanh lá cây mệt mỏi
những kiếp người vô vị
thở rít như tín hiệu tàu chìm
ngày qua đi
tấm khăn choàng của sương mù
phủ lên tôi
với các từ bí mật
nhưng trong cái nhìn hoài nghi của bạn, nơi mà thế giới đã đi vào
tôi là ai, có thể…
(một ghi chú bên lề)
Trong cái nhìn “tiểu thuyết hóa”, các hình ảnh ngoại quan cũng thường xuyên biến đổi. Hình ảnh mưa chẳng hạn, có khi được cảm nhận thật khoan khoái, thanh sạch, thơm cái mùi rất đặc biệt – “những ngã tư đường thơm mùi nước mưa” (bài thơ nhỏ về tình yêu); có khi được cảm nhận bằng tất cả cái “lạnh và ngột ngạt”, ngang trái như số phận của con người (cơn mưa bay ngang); có khi được cảm nhận như là những tai ương kì dị, khủng khiếp khôn lường của tự nhiên và xã hội (mưa lạ).
- Thứ hai: Dịch chuyển, đa dạng hóa điểm nhìn; mở rộng tổ chức văn bản thơ theo kiểu “liên khúc”; dùng ẩn dụ và ngữ cảnh dẫn thơ ra vùng “ngoại biên”, “nhạy cảm”.
Điểm nhìn của chủ thể trữ tình trong tập thơ nhiều khi cũng gần gũi với điểm nhìn tiểu thuyết, ở cái cách được dịch chuyển có dụng ý của nó. Chủ thể trữ tình (trong những bài thơ giàu chất tự sự - chính luận), khi cần, được đa dạng hóa về ngôi, dịch chuyển điểm nhìn một cách tự nhiên, có tính nghệ thuật. Sự đa dạng hóa và dịch chuyển này kéo theo sự thay đổi, dịch chuyển các ngôi nhân xưng trên bề mặt diễn ngôn các bài thơ: tôi –> cô –> tôi –> em –> tôi (giấy dán tường); tôi -> anh ta -> người đàn ông -> tôi (những người không ngủ); ẩn ngôi nhân xưng –> ông –> cô –> họ (cơn mưa bay ngang); ẩn ngôi nhân xưng –> anh –> tôi –> chúng ta (đêm dịu dàng thế kia, và gió…);... Tiếng nói trữ tình trong thơ, nhờ đó trở nên nhiều giọng, phong phú hơn về tình điệu thẩm mĩ.
Tập thơ có những văn bản kết cấu chuỗi (chùm bài) theo kiểu “liên khúc”, nối kết, liên tục. Có thể là một “liên khúc” chùm đôi (tàn ngày 1; tàn ngày 2), hay “liên khúc” chùm ba (những bài thơ đêm 1; những bài thơ đêm 2; những bài thơ đêm 3; chợt ghi 1; chợt ghi 2; chợt ghi 3; bài không thơ số một; bài không thơ số hai; bài không thơ số ba). Tất nhiên, chất lượng kĩ thuật kiến tạo các chùm bài này trong tập thơ có thể chưa đồng đều, song vẫn rất đáng ghi nhận ở hướng tìm tòi thử nghiệm. Đó cũng là một cách góp phần làm giàu, làm mới hình thức kĩ thuật, và tăng chiều kích cho thơ.
Cảm quan hậu hiện đại thường là điểm tựa mĩ cảm khá vững chắc cho thơ công nhiên đề cập đến những đề tài “ngoại biên”, những chuyện “tế nhị” khó nói như sex chẳng hạn. Tuy vậy, về các đề tài này, nói, viết sao cho ngọt và có duyên là một thách thức không nhỏ. Tác giả “đêm dịu dàng thế kia, và gió…” đã tìm được một phương thức khả dụng: hoặc nói bằng ấn tượng thông qua ẩn dụ, hoặc nói bằng một ngữ cảnh đặc thù có tác dụng mời gọi, phóng chiếu liên tưởng, hoặc, bằng cả hai cách (một nơi ấm áp, buồn ngủ với rượu vang bên cạnh; bữa tối ở thiên đường; cuối tuần ở x.; tàn ngày 1; … là những trường hợp như thế). Chẳng hạn:
những ham muốn vuốt ve đầu lưỡi của tôi
sụp đổ trong tiếng thì thầm ướt
phía bên kia đường chân trời
mặt trăng hồng hào như một nông dân đỏ mặt
ở đây trong bóng tối mù
sự cường tráng của người đàn ông đã chết
(tàn ngày 1)
Hoặc:
như một nam châm thu hút mạt sắt từ thế giới ngầm
hình ảnh cương cứng tràn ngập các kênh
ngón tay người đàn ông chèn nó vào lụa mỏng
(một nơi ấm áp, buồn ngủ với rượu vang bên cạnh)
Hoặc:
chết đuối trong đầm lầy tuyệt vọng
những con sứa trần truồng trong nước, món súp khỏa thân
nằm cạnh tôi là một giấc mơ thăm thẳm biển
(bữa tối ở thiên đường)
- Thứ ba: hòa phối diễn ngôn, tạo ma lực riêng cho giọng điệu.
Nếu xem làm thơ là một tạo tác ngôn từ trong hoạt động giao tiếp, thì bài thơ là một kiểu tổ chức diễn ngôn. Diễn ngôn thơ truyền thống thường được tổ chức khá đơn giản. Diễn ngôn thơ hiện đại thì thường phức tạp hơn. Như với tiểu thuyết, bài thơ nhiều khi là một tấm thảm đa sắc, được tết dệt bởi nhiều loại, nhiều tầng, lớp diễn ngôn. Và, các diễn ngôn thơ cũng được tạo lập bằng nhiều hình thức cú pháp gần với văn xuôi. Nguyễn Man Nhiên tỏ ra hứng thú với các thử nghiệm ngôn từ theo lối này. Nhan đề các bài thơ nhiều khi là mảnh đất tốt cho anh gieo mầm thử nghiệm. Việc vắt dòng, ngắt dòng; co duỗi, cách quãng các dòng; liên kết câu, dựng đoạn trong thơ anh khá phóng túng, linh hoạt, dễ dàng. Chứng tỏ một khả năng làm chủ cảm xúc, làm chủ ngôn từ rất đáng khích lệ.
Sự dịch chuyển liên tục điểm nhìn kéo theo sự ghép nối các diễn ngôn, hòa phối nhiều giọng nói trong “bài không thơ số một” dưới đây có thể xem là một thử nghiệm thú vị, khá thành công của lối trữ tình bằng thơ văn xuôi theo kiểu Nguyễn Man Nhiên:
“bố khỉ, anh uống gì, đứa con gái mặc áo trễ ngực bán cà phê vỉa hè bên hông nhà tang lễ nhìn tôi cười cười mời mọc, ngày nào chẳng đi qua, thèm muốn chết, bây giờ thì có cớ rồi nhé, cho anh li bạc xỉu
trước mặt tôi phía bên kia đường là một chùm bò cạp, mùa này mưa dữ thần, dáng người bộ hành như gầy đi dưới những tấm bảng hiệu to tướng màu đỏ quạch, lạnh phải biết, tôi chợt nghĩ đến những lỗ huyệt đào sẵn ngoài nghĩa trang ong ỏng nước
người đại diện nói, vã bọt mép, bài điếu văn thuộc lòng đang đến đoạn cao trào, trong giờ phút đau thương vô hạn này, đám đông như ngạt thở, ai thèm nghe cơ chứ
hoặc tôi hoặc là kẻ xấu số, người đàn ông lao từ lầu năm xuống đất, tôi tự hỏi”
(bài không thơ số một)
Nhìn chung, ngôn ngữ thơ Nguyễn Man Nhiên ở đây như có một ma lực riêng. Đó thường là ma lực từ hình ảnh, nhưng lắm khi, là ma lực từ giọng nói. Cái giọng của anh khoái hoạt, tự nhiên, là âm hưởng tiếng nói của cái “tôi” trung thực, thẳng thắn, thích tự khám phá, muốn thoát ra ngoài khuôn phép, ràng buộc, thoát ra ngoài những sự trang sức thông thường. Tiếng nói ấy rất phù hợp với cái nhìn “tiểu thuyết hóa”. Nhiều câu thơ tự nhiên, mang “khẩu khí”, “khẩu ngữ” của kẻ ngạo nghễ lãng du: “tôi ngưỡng mộ sự vô dụng của chính mình/ chờ đợi ai đó nhưng cuộc đời không chờ đợi”; “tôi thích cái cách không đầu hàng của mình”; “về đêm, tôi bỏ những giấc mơ vào giỏ, chỉ để vứt đi”; “tôi thèm một cuộc đời bên ngoài quán cóc”; “tôi phạt tôi một quán say mèm”; rồi, “tôi dán tiếng chim...”, “tôi ném...”, “tôi treo...”, “tôi móc...”; tôi “rỗng khuya chai lọ/ rạo rực bờ nôn/ ngày quên chưa / quên nốt”;...
Tuy nhiên lãng du phiêu bồng, sảng khoái nhất, có lẽ, vẫn là cái giọng “tôi thả tôi giữa chiều đà lạt” mà người viết muốn mượn dư âm của nó để khép lại lời bàn về tập thơ này:
tôi thả tôi quanh quất
đường ong nắng mật
dốc em lên chum chúm vú đồi
tôi thả tôi lóc cóc ngược xuôi
ngựa già vó mỏi
mây đi hoang thổ mộ về trời
tôi thả tôi mùa sương đăm đắm
chân sẻ ngập ngừng
mổ hạt chiêm bao
tôi thả tôi đà lạt chớm chiều
đuôi mắt ngây ngây
em gầy dáng rét
(tôi thả tôi giữa chiều đà lạt)
Sài Gòn 5-2012
(Lời bạt cho tập thơ “Đêm dịu dàng thế kia, và gió…” của Nguyễn Man Nhiên, NXB Trẻ - 2012)