Do thời gian quá dài của thời Bắc Thuộc, nhiều người thường cho rằng Nho Giáo đã được người Tàu truyền bá mạnh mẽ vào nước ta qua chính sách đồng hóa của họ. Điều này không hoàn toàn đúng. Sự truyền bá này chỉ diễn ra một cách giới hạn trong ít thế kỷ đầu của kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo và rất yếu ớt trong những thế kỷ kế tiếp. Các nhà nghiên cứu về lịch sử, tư tưởng và văn học Việt Nam thời cổ gần đây hầu như đều đồng ý về nhận định này. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là tại sao trong một thời gian dài tới mười thế kỷ như vậy mà nguồn tư tưởng nòng cốt của sinh hoạt chánh trị, văn hóa, xã hội và luôn cả kinh tế của người Tàu đó đã không được phổ biến sâu rộng ở nước ta? Có phải là vì nó đã được “du nhập bằng con dường nô dịch” hay vì “nó tượng trưng cho sự kỳ thị và áp bức dân tộc” nên không được người Việt Nam hưởng ứng hay còn có nhũng nguyên nhân nào khác? Trong bài này người viết chỉ cố gắng góp một phần nhỏ vào việc đi tìm những giải đáp cho câu hỏi nêu trên bằng cách duyệt lại những nhận định của các nhà nghiên cứu thời trước và hiện tại dựa vào những tài liệu đã được rộng rãi lưu hành nhưng chưa được tận dụng khai thác. Công việc tìm kiếm, đào xới chắc chắn còn phải được thực hiện nhiều hơn nữa vì đây là một vấn đề then chốt liên hệ đến những diễn tiến sau này của lịch sử và văn hóa dân tộc. Bài viết bao gồm ba phần chính, bắt đầu bằng những dữ kiện đã được ghi nhận, tiếp theo là thực trạng của việc truyền bá và sau đó là những lý do khiến cho Nho Giáo đã không được truyền bá sâu rộng ở Việt nam dưới thời Bắc thuộc.
Những dữ kiện đã được ghi nhận
Các nhà nghiên cứu lịch sử, tư tưởng và văn học Việt Nam từ Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ, các tác giả của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thời Nhà Nguyễn đến các học giả cận đại và đương thời như Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Lê Thành Khôi các tác giả của Lịch Sử Việt Nam, tập I xuất bản ở Hà Nội năm 1971 và 1991 … đều ghi nhận những sụ kiện liên hệ tới Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng, Khương Công Phụ, các trí thức người Tàu chạy sang Cổ Việt dưới thời Vương Mãng hay sau khi Hán Linh Đế mất… như là những sự kiện liên hệ tới việc Nho Giáo được truyền bá vào nước ta. Sự kiện này khởi đầu bằng việc Tích Quang dạy dân lễ nghĩa, Nhâm Diên bắt dân lấy vợ, lấy chồng, xuyên qua việc Sĩ Nhiếp “ham đọc Xuân Thu, Tả Thị Truyện, trọng đãi nhân sĩ… và phát triển đến tột đỉnh bằng việc Khương Công Phụ đậu tiến sĩ thời Nhà Đường.
Thực trạng của việc truyền bá
Các nhà Nho khi nghiên cứu về các dữ kiện kể trên không đi sâu hơn vào chi tiết mà chỉ khẳng định về thời điểm mở đầu. Về Tích Quang và Nhâm Diên chẳng hạn, Ngô Sĩ Liên đã ghi nhận là “Văn phong của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy.” Về Sĩ Nhiếp, ông viết “Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc làm một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà có thể truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?Ngô Thời Sĩ cũng theo nhận định này. Sĩ Nhiếp đã được coi là Nam Bang Học Tổ cho mãi đến khi Trần trọng Kim xuất bản Việt Nam Sử Lược vào năm 1928, vai trò này của họ Sĩ mới được đặt lại. Tác giả họ Trần đã viết như sau:
“Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến ấy có lẽ không phải. Vì rằng từ khi Nhà Hán sang cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành, thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lầm lắm ru? Hoặc giả ông ấy là người có văn học rồi trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng là làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn.” Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Ngô Tất Tố trong Văn Học Đời Lý đã đi xa hơn.
Ngô Tất Tố đã thẩm định thực trạng của việc truyền bá văn hóa Trung Quốc nói chung và Nho học vào nước ta nói riêng như sau:
“Nước ta theo học chữ Hán kể đã lâu lắm, một là từ Sĩ Nhiếp, hai là từ dời Tích Quang, ba là từ đời Triệu Đà. Không cần biết là từ đời nào, chúng ta có thể nói quả quyết rằng: Cái học từ đời Bắc Thuộc trở đi đến đời Nhà Ngô, chỉ là học để giao thiệp với người Tàu, không phải học để thâu thái văn hóa của họ. Sự học ấy hãy còn lỗ mỗ, sơ lược, cho nên trong hơn nghìn năm, nó không để lại cho ta một dấu vết gì.”
Dấu vết Ngô Tất Tố viết ở đây là dấu vết văn học. Đứng trên bình diện sử học, dấu vết là những sự kiện liên hệ tới những nhân vật lịch sử, những Lý Cầm, Lý Tiến, Khương Công Phụ, Khương Công Phục… Những dấu vết tuy còn nhưng cũng không có gì đáng kể vì con số những người theo đòi Nho học được ghi lại không là bao nhiêu so với con số hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Không những thế, những nhân vật được sách vở ghi lại này chưa chắc đã hoàn toàn là người bản xứ mà rất có thể là những di dân hay con cháu các di dân và các quan lại người Tàu. Trường hợp của anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục là trường hợp điển hình, vì ông nội của hai người này, Khương Thần Dực, là thứ sử của châu Thư, được gửi sang kinh đô Trường An của Nhà Đường du học, do đó mới có dịp thi và đậu tiến sĩ.
Về bản chất của việc truyền bá Nho học, những gì được ghi lại cũng rất mơ hồ. Tích Quang thì “đem lễ nghĩa dạy dân, Nhâm Diên thì “gửi thư đi các huyện trực thuộc, bắt đàn ông con trai từ hai mươi đến bốn mươi tuổi bằng đôi phải lứa phải lấy nhau”. Những quyết định nặng về truyền bá phong tục nhằm đồng hóa người Việt theo văn hóa Tàu hơn là truyền bá Nho học. Về Sĩ Nhiếp, người sau này được tôn là Sĩ Vương và Nam Bang Học Tổ, thì từ phong cách đến hành động chẳng có gì cho phép người ta ghi nhận là đã có công truyền bá Nho học vào Cổ Việt, ngoại trừ căn bản học vấn của ông và việc ông trọng đãi trí thức Trung Hoa sang nương tựa nơi ông. Việc giảng giải kinh truyện, chăm xem sách vở của Sĩ Nhiếp chỉ là những việc làm của ông khi rảnh việc quan và giới hạn trong hàng ngũ trí thức từ Tàu sang và sống chung quanh ông hơn là được hướng vào dân bản xứ. Còn khi ra ngoài thì ông dùng tất cả những nghi vệ phiền toái với chuông khánh uy nghi, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường lên tới mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, các con em cưỡi ngựa đi theo… Với cung cách như vậy khó mà ông có thể gần gũi với giới trí thức bản xứ, chưa nói tới quần chúng được. Chính vì vậy Tự Đức đã có lý khi nhà vua viết về họ Sĩ như sau:
“Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán, tùy thời nịnh hót, cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có mưu lược, tài cán gì giỏi cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì đáng khen! Thế mà sử gia cũ cho rằng Úy Đà cũng không hơn được, chẳng cũng là lời khen quá đáng ư!”
Ngay cả người Tàu đồng thời với Sĩ Nhiếp như Lưu Ba cũng không chấp nhận nổi viên thái thú này. Lưu Ba người quận Linh Lăng, được Lưu Biểu mấy lần mời ra làm quan, chẳng chịu đến. Khi gặp loạn, ông chạy qua Giao Châu “cùng Sĩ Nhiếp bàn luận chẳng hợp ý, lại vào đất Thục, được Gia Cát khen ngợi dùng làm chức thượng thư. Lưu Ba tánh người thanh liêm kính cẩn, bao nhiêu xưng hiệu, sách mệnh của Tiên Chúa, đều do tay ông làm ra,”
Những sự kiện như Lưu Hi, Hứa Tĩnh mở trường dạy học ở Luy Lâu và Long Biên có thể chỉ nhằm vào con cháu các quan lại, di dân người Tàu chứ không phải nhằm truyền bá Nho học vào người dân bản địa. Cũng vậy với Ngu Phiên. Tất cả đều xảy ra trong thời Hán mạt, thời các sĩ phu chạy sang lánh nạn ở nước ta rất nhiều. Thêm vào đó, ta cũng nên để ý tới sự kiện là người Trung Hoa rất nặng tinh thần gia tộc. Họ không ra đi một mình mà đã mang theo gia đình đông đảo, kèm theo với một hy vọng trở về. Việc giáo dục nhắm vào giới trẻ trong hàng ngũ họ do đó đã trở thành một nhu cầu cần phải được đáp ứng chứ không phải nhắm vào dân bản xứ.
Các nhà nghiên cứu sử học hiện tại cũng chia sẻ chung nhận định là Nho giáo chưa thể được coi là thịnh trong thời Bắc Thuộc được. Các bằng chứng được nêu lên là số người tham gia thi cử và đỗ đạt đều thuộc tầng lớp trên của xã hội và không được là bao. Kèm theo là sự hạn chế số sĩ tử An Nam được thi tiến sĩ và minh kinh vào năm 845 dưới thời Nhà Đường: 8 người cho khoa tiến sĩ và 10 người cho khoa minh kinh.
Điều ta cần phải phân biệt ở đây là việc học chữ Hán và các phong tục của người Tàu dẫn xuất từ Nho giáo một bên và việc phổ biến Nho giáo như một học thuyết với các kinh điển riêng của nó nhằm đào tạo nhân tài cho chính quyền đô hộ một bên. Phân biệt như vậy, người ta sẽ thấy rõ hơn là dưới thời Bắc Thuộc chữ Hán như một văn tự dùng trong chính quyền đương thời và những điều lễ nghĩa, đúng hơn, phong tục, tập quán của người Tàu, đã được truyền bá khá sâu rộng trong quần chúng bản xứ để sau này, trong buổi đầu của thời độc lập, người Việt đã có thể tự điều hành được chính quyền riêng của mình. Còn Nho Giáo thì đã bị hạn chế. Việc học ở trình độ này chỉ được phổ biến ở tầng lớp trên, đúng hơn trong hàng ngũ các di dân người Tàu ngay từ thời Sĩ Nhiếp và sau này dưới thời Nhà Đường với anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục. Chính vì vậy mà trong suốt các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê và đầu Triều Lý, vương quyền ở Việt Nam đã không mang những tính cách của Nho Giáo như trong các giai đoạn sau này và đã bị các Nho gia như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên chỉ trích. Cũng chính vì thế mà Lê Long Đĩnh đã sai em là Minh Sưởng và chưởng lý là Hoàng Thành Nhã sang sứ Nhà Tống vào năm 1007 để xin Cửu Kinh của Nhà Nho và Kinh Đại Tạng của Nhà Phật. Sự kiện xin kinh này có thể hiểu bằng hai cách. Cách thứ nhất là trước đó các kinh của Nhà Nho chỉ được phổ biến trong giới thống trị và di dân người Tàu nên đã bị tiêu hủy mau chóng trong những ngày đầu của thời độc lập cùng với chính quyền thuộc địa. Cách thứ hai là việc học ở cấp cao để các học sinh có thể thông hiểu được các kinh sách đã không diễn ra ở Cổ Việt mà ở kinh đô của chính quốc. Chính vì vậy mà anh em họ Khương mới được gửi sang du học ở kinh đô Trường An của Nhà Đường.
Một sự kiện khác cũng cần phải được ghi nhận ở đây là việc Lê Đại hành đã dùng một người Tàu thông hiểu kinh và sử của Đạo Nho làm thái sư. Tại sao lại phải dùng một người Tàu thay vì một người Việt? Phải chăng là vì không có người bản xứ thông hiểu các kinh sách này?
Về việc phổ biến chữ Hán, chúng ta cũng cần phải hiểu thêm là ngoài chính quyền đô hộ, các chùa của Phật Giáo và các đền của Đạo Giáo cũng đóng những vai trò vô cùng quan trọng do nhu cầu của chính những tôn giáo này. Qua các chùa và đền thờ chữ Hán mới ăn sâu vào quần chúng bản xứ. Cũng vậy với quan niệm vô vi trong chính trị của Lão Tử mà người viết sẽ trình bày trong một bài khác.
Tại sao Nho Giáo không được phổ biến sâu rộng ở Việt Nam dưới thời Bắc Thuộc?
Ngô Tất Tố gián tiếp trả lòi câu hỏi này. Ông cho rằng đó là vì trong thời này dân ta chỉ học để giao thiệp với người Tàu như đã dẫn ở trên. Các tác giả của Lịch Sử Việt Nam, tập I, xuất bản trong các năm 1971 và 1991 ở Hà Nội thì cho rằng đó là vì “kẻ thống trị nước ngoài chỉ nhằm đào tạo cho bộ máy cai trị của chúng một số thuộc viên làm tay sai mà thôi”hoặc nếu kinh điển của Nho gia có được đem giảng dạy tại các trường thì “theo học các trường này là con em bọn quan lại, địa chủ Hán tộc và một số con em tầng lớp trên của xã hội mà kẻ ngoại xâm dựa vào để cai trị”. Đi xa hơn nữa các vị này lại nhận định rằng “việc truyền bá Nho Giáo vào đất Việt trong những điều kiện đô hộ nhất định vấp phải sự chống đối (chống hỗn dung văn hóa) của người Việt và không thể phát triển một cách thuận lợi được.” “Sự hưởng ứng của người Việt không có là bao vì nó tượng trưng cho sự kỳ thị và áp bức dân tộc.” Nó tượng trưng cho “chính sách nô dịch nặng nề về tư tưởng, văn hóa đối với nhân dân ta. Đó là chính sách đồng hóa.” Những nhận định này không phải là không có phần đúng nhưng quá đơn giản cần phải được xét lại.
Trước hết trong danh sách các quan lại Trung Quốc được cử sang cai trị Cổ Việt và được ghi lại trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc gồm 153 người từ Đặng Huân đến Cao Biền, Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Đỗ Tuệ Độ mà các nhà khảo cứu thường nhắc tới, người ta thấy chỉ có Mã Tổng làm An Nam đô hộ đời Đường Hiếu Tông (806-820) và Mã Thực làm đô hộ đời Đường Văn Tông, đầu niên hiệu Khai Thành (836) là có những biện pháp phổ biến văn hoá Trung Quốc vào nước ta. Mã Tổng được ghi là đã “dùng Nho thuật giáo hóa, dân mọi được yên”, còn Mã Thực thì “lấy văn nhã trau dồi.” Con số các quan lại Tàu để ý đến việc truyền bá văn hóa Tàu cho dân chúng bản dịa phương nam như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay sau suốt hơn mười thế kỷ Bắc thuộc cho phép người ta nghi ngờ chính sách đồng hóa của họ. Phải chăng trong suốt thời gian này người Tàu mới chỉ có đủ khả năng để đồng hóa miền đất mới gần hơn với bản địa của họ. Đó là miền đất căn bản của Triệu Đà. Đối với Cổ Việt, chính sách cốt yếu của họ chỉ là làm sao duy trì được chính quyền đô hộ và giữ cho dân chúng khỏi nổi loạn mà thôi. Chánh sách này thành công hay không tùy thuộc vào khả năng và tư cách của các thứ sử, thái thú và sau này là các đô hộ cũng như sự hiện diện và thái độ của của các di dân từ phương bắc tới mà Bùi Quang Tung đã nêu lên trong bài nhận định về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng của ông. Tựu trung nó đã bị thất bại. Từ sự lạc quan, phấn khởi buổi đầu, coi Cổ Việt là những quận huyện của Trung Quốc, sự thiết lập An Nam Đô Hộ Phủ thời Nhà Đường đã nói lên sự thất bại này. Cổ Việt dưới thời Nhà Đường đã trở thành một xứ miền Nam đối với Trung Quốc, tương tự như các miền Liêu Đông hay các xứ của người Mông Cổ và các dân du mục khác ở phía tây của đế quốc Tàu. Từ các châu, quận, huyện, Cổ Việt đã trở thành phần đất ngoại vi của Trung Quốc. Cổ Việt đối với Nhà Đường không phải là Trung Quốc. Nỗ lực đồng hóa của người Tàu ở Cổ Việt do đó chỉ là nỗ lực hiếm hoi của một thiểu số vô cùng nhỏ bé của các quan lại của họ được cử sang cai trị nước ta. Nó được hỗ trợ bởi các di dân của họ ở vào một vài thời điểm đặc biệt thay vì là một nỗ lực liên tục và trường kỳ. Chính vì vậy nó chỉ giới hạn ở việc phổ biến chữ Hán và một số phong tục, tập quán thay vì Hán học hay Nho học hiểu theo đúng nghĩa của những từ ngữ này, và phổ biến ở những lỵ sở hành chánh.
Nhận định kể trên có thể được củng cố hơn nếu ta để ý tới ý kiến của các quan lại Trung Quốc về Cổ Việt trong các sớ tấu về triều đình của họ. Có thể nói là tất cả các nhân vật này đều có chung một nhận định là Giao Chỉ, sau này là Giao Châu, là một miền đất quá xa với triều đình Trung Quốc, khí hậu lại độc địa, dân chúng hay nổi loạn, bên ngoài thì người Chàm và các dân tộc khác lại thường xuyên cướp phá. Điển hình trong số các quan lại này là Tiết Tống, Đào Hoàng, Lưu Thiện, Châu Xưởng, và Chu Thặng với các bài sớ của họ được Lê Tắc ghi lại trong tác phẩm An Nam Chí Lược của ông.
Tiết Tống là thái thú Giao Chỉ và Hợp Phố đời Ngô, người đã cùng với Lữ Đại đánh dẹp Sĩ Huy. Khi Lữ Đại biệt triệu về Tàu, Tiết Tông dâng sớ về triều đình nhà Ngô trần tình về tình trạng Giao Chỉ và đề nghị nếu Lữ Đại không được trở lại nữa thì viên thứ sử mới phải là người tài giỏi, có mưu trí, có kế hoạch mới cai trị nổi xứ này. Trong sớ ông đã miêu tả Cổ Việt là “sông núi dài mà xa, tập tục không giống nhau, người không có tôn ty, dân không biết lễ nghĩa, dù có đặt quan cai trị cũng xem như không có.”
Đào Hoàng là thứ sử Giao Châu dưới thời nhà Ngô. Khi nhà Ngô mất, nhà Tấn lên thay, ông đã dâng thư lên vua Tấn yêu cầu ngưng triệt hết quân lính ở xứ này. Nhận định của ông về Giao Châu là châu này “là giải đất chưa mở mang, ở một phương trời xa cách, phải hai ba lớp thông ngôn mới hiểu, liên tiếp với mấy hòn đảo giữa biển, ngoài cách nước Lâm Ấp chỉ vài ngàn dậm, tướng Mọi là Phạm Hùng trốn chỗ hiểm trở, làm giặc đã mấy đời, tự xưng làm vua, hay xâm phạm nhân dân; địa giới gần với Phù Nam, chủng loại rất đông, phân chia nhiều phe đảng, nương nhau chỗ hiểm yếu, không chịu qui thuộc; hồi trước thuộc họ Ngô, họ hay cướp bóc lương dân, giết hại quan trưởng lại.” Không những thế, khí hậu ở đây lại độc địa. Quân đội đưa sang sau hơn chục năm ba phần chết mất quá hai. “Ban đầu số quân lính do tôi thống suất là 8.000 người. Nhưng Nam thổ ẩm thấp và nhiều khí độc, vả lại thường năm phải đánh giặc, khiến cho nhiều quân lính bị chết, hao mòn rất dông, hiện chỉ còn 2.400 người thôi.”
Đời nhà Tề, thái thú hai quận Hoài Nam và Tuyên Thành là Lưu Thiện cũng dâng biểu trần tình về vấn đề Giao Châu, mở đầu bằng câu: “Đất Giao Châu ở ngoài cõi hoang nhàn mà hiểm trở…”
Trước đó Châu Xưởng là thái thú Giao Chỉ trong năm Vĩnh Hoà thứ 6 (141) nhà Hán cũng nhấn mạnh đến tính cách xa xôi của Giao Chỉ.
Chu Thặng cũng vậy. Ông này còn diễn tả một cách bi thảm hơn. Theo ông: “Giao Châu là nơi tuyệt thực, tập tục tham ô, các họ hào cường thì gian dối, các trưởng sử thì bạo ngược, hà hiếp, bóc lột nhân dân.”
Dưới thời nhà Tống, khi Tống Thái Tông dấy binh đánh Giao Chỉ, không được thắng lợi, Chinh Nam Mã Bộ Quân Chuyển Vận Sứ Hứa Trọng Tuyên, xuất thân tiến sĩ, đã dâng sớ điều trần, phản kháng. Theo Hứa Trọng Tuyên “Giao Chỉ oi bức độc địa, quân lính chưa giao chiến mười phần đã chết mất hai ba”.
Trong hoàn cảnh như vậy, các quan lại Trung Quốc được cử sang trấn nhậm Cổ Việt khó mà có được tinh thần đem văn hóa Trung Quốc sang truyền bá cho dân bản địa đến nơi đến chốn. Trường hợp của Tích Quang, Nhâm Diên, Đỗ Tuệ Độ…chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Nhiều người như Lư Tổ Thượng, tài kiêm văn võ, tính tình liêm bình, công trực, đầu niên hiệu Trinh Quán (627) được Đường Thái Tông cho làm đô đốc Giao Châu, đã nhận lời, sau lại từ chối. Vua sai người khuyên dỗ. Tổ Thượng vẫn từ chối. Vua lại nhờ anh vợ của ông là Châu Phạm dụ rằng: “Kẻ thất phu hứa với nhau vẫn còn giữ tín. Khanh đã hứa trước mặt trẫm, há được ăn năn, nên hãy sớm đi qua, ba năm ắt có chiếu triệu về. Khanh chớ thối thác, trẫm quyết chẳng nuốt lời.”Thượng tâu rằng: “Lĩnh Nam nhiều chướng khí, đã đi không trở về.” Đường Thái Tông nổi giận phán rằng: Ta khiến ngươi không chịu đi, làm sao làm việc nước cho đặng?” Bèn khiến chém ngay ở trước triều đường. Một trường hợp khác là trường hợp của Lý Đạo Hưng. Hưng là tôn thất nhà Đường, được phong làm Quảng Ninh Vương, sau vì có lỗi bị giáng xuống làm Huyện Công và năm Trinh Quán thứ 9 (635) làm đô đốc Giao Châu. Vì ở đây khí hậu độc, Hưng lo lắng và chết trong lúc làm quan.
Trường hợp của Lý Đạo Hưng là trường hợp của rất nhiều quan lại Trung Quốc được cử sang cai trị Cổ Việt. Miền đất xa xôi, độc địa, đầy bệnh tật đối với người Tàu và dân chúng thường xuyên nổi loạn này đã trở thành đất của những kẻ bị lưu đầy hay bị biếm hoặc bị lỗi lầm phải đổi. Trước thời nhà Đường số người bị đầy qua nước ta tương đối ít và được Lê Tắc kể chung với những người sang cư ngụ ở đây. Ba người được kể tên là Cố Đàm, nguyên làm thượng thư bị vu tội phải đầy qua Giao Chỉ cùng với em là Cố Thừa và Trương Hưu, cùng thời với Cố Đàm. Cố Thừa bị kết tội là công thự gian dối, bị đầy qua Giao Châu và sau đó bị vua giáng chiếu bắt tự tử. Dưới thời nhà Đường số người bị biếm, bị đầy hoặc bị lỗi lầm và bị đổi sang Giao Châu nhiều hơn gấp bội. Các nhân vật được Lê Tắc ghi lại trong tác phẩm của ông gồm có Cao Kiện, Bùi Kiền Thông, Vương Phúc Trĩ, Lý sào, Lý Hữu, Thẩm Thuyên Kỳ, Hàn Tư Ngạn, Lư Tàng Dụng, Tống Tấn Khanh, Lý Càn Hựu, Nghiêm Thiện Tư, Đậu Sâm, Lý Nhân Quân, Bùi Di Trực, Dương Thu, Trần Bàn tẩu, Lưu Chiêm, Đỗ Chính Luân, Chử Toại Lương, Sài Triết Uy, Lang Dư Khánh, Tống Chi Đễ.
Đối với các trí thức Tàu sang tị nạn ở nước ta mà niều người cho là đã góp phần không nhỏ vào việc truyền bá Nho Học cho người bản xứ, vấn đề cũng còn cần phải được xét lại kỹ càng hơn vì một số không nhỏ những người này sau đó đã trở về Trung Quốc. Nhiều người trong thời gian ở Giao Chỉ đã có thái độ tiêu cực, ẩn mình không làm gì như Hồ Cương, cháu bốn đời của thái phó Nhà Hán là Hồ Quảng, là người khí tiết thanh cao. Gặp lúc Vương Mãng soán ngôi, ông đã treo mũ ở cửa phủ mà đi. Lưu lạc ở Giao Chỉ, ông ẩn mình làm hàng thịt, đến khi Vương Mãng bị thất bại mới trở về Tàu. Hứa Tĩnh thời Tam Quốc cũng chạy qua Giao Chỉ nương náu nơi Sĩ Nhiếp, sau lại về Tàu, phục vụ Tiên Chúa của nước Thục, được cử làm thái thú, rồi tư đồ. Lưu Ba, như đã dẫn trên, cũng vậy. Còn Trương Dung thời Tống Văn Đế thì nói rằng “ăn cá khô mà về được quê nhà lọ cầu ăn nem thịt mà làm gì?” Thái độ này chắc chắn không thể nào đưa họ tới những nỗ lực truyền bá Nho học ở nơi họ tạm trú được. Công việc dạy dỗ của họ nếu có chỉ là nhắm vào con cháu trong nhà hay bạn bè hay con cháu những người chứa chấp và nâng đỡ họ trong thời gian họ luân lạc mà thôi. Quân chúng bản xứ khó mà có dịp tiếp xúc với họ, chưa kể tới chuyện họ có học tiếng bản xứ hay không.
Cuối cùng, nhìn vào trường hợp của người đi học. Vì việc mở mang việc học của các thứ sử, thái thú, sau này là đô hộ, chỉ nhằm huấn luyện những lại thuộc chứ không phải là để đào tạo nhân tài nên người bản xứ và luôn các con cháu các quan lại và di dân đã trở thành bản xứ muốn học đến nơi đến chốn và nhất là sau này dự thi, phải sang Tàu và đến tận kinh đô mới đạt được nguyện vọng. Sự hy sinh và chịu đựng gian khổ cũng như sự tốn kém chắc chắn đã vượt xa khả năng của dân bản xứ nghèo nàn, chưa kể tới nạn kỳ thị của vua tôi người Tàu ở chính quốc. Ta không có thật đầy đủ chi tiết nhưng cứ nhìn vào những sự kiện xảy ra chung quanh các trí thức được sử sách ghi lại cũng được rõ một phần nào. Chắc chắn không phải người nào cũng có cái may mắn của anh em nhà họ Khương. Còn về đường xá xa xôi, ta có trường hợp của Liêu Hữu Phương là trường hợp điển hình. Từ Giao Châu đến Trường An, họ Liêu phải đi đường sông rồi dọc theo bờ biển 250 dặm, sau đó 1.200 dặm đường bộ. Họ Khương đã vượt được con đường thiên lý xa xôi, hiểm trở đó. Họ Liêu cũng đã thành công. Nhưng còn có biết bao nhiêu người khác đã không bao giờ dám mơ ước tới hay đã ráng sức mình nhưng nửa đường phải bỏ dở hay bỏ xác dọc đường hoặc đem thân làm mồi cho cá mà sử sách không bao giời biết tới? Cái học trong thời Bắc thuộc như thế chắc chắn không hấp dẫn đối với người dân bản xứ. Giới trẻ Cổ Việt trong thời gian này đã đi tìm tương lai trong những phạm vi hoạt động khác hơn là cắp sách đến trường. Do đó người ta phải đợi đến đến phần tư thứ ba của thế kỷ XI, dưới thời Nhà Lý, Nho học ở nước ta mới thực sự có dịp phát triển./.
Tập san Định Hướng. Bản của tác giả