Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.147.481
 
75 Năm Câu Chuyện Tình Buồn : KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -1
Đỗ Thế Cường

         * Xuất xứ của câu chuyện về T.T.Kh:

 

Hoa tigôn có tên đầy đủ là Antigone do người Pháp đem sang Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20.Loài hoa này không có hương thơm nhưng đẹp & đầy lãng mạn,là loài hoa dây leo,lá gần giống lá nho bông hoa có những cánh nhỏ ly ti xếp lại tựa như hình trái tim có ba màu trắng,hồng & màu đỏ.Hoa nở từ cuối mùa xuân cho đến độ cuối thu là thời gian đẹp nhất,rực rỡ nhất của loài hoa này dường như nó chợt “lóe sáng” như ngọn đèn sắp tắt để đến mùa đông chỉ còn lại những thân dây leo trông thật điêu tàn…Loài hoa quí phái này được trồng nhiều ở những gia đình khá giả tại các thành phố lớn như Hà Nội-Hải Phòng-Sài Gòn & kể cả ở những Thị trấn nhỏ thời bấy giờ…

 

Vào giữa tháng 7 năm 1937 tuần báo Tiểu thuyết thứ bảyHà Nội đăng truyện ngắn mang tên Hoa Tigôn của Nhà văn Thanh Châu,câu chuyện kể về một họa sỹ nghèo nhiều lần về làng Mọc để vẽ tranh phong cảnh,nhìn thấy rồi “tương tư” hình bóng một người con gái sáng nào cũng bắc ghế hái những cành tigôn trước cửa…Bẵng đi vài năm,trong một buổi tiệc của giới thượng lưu & quan chức chính quyền bảo hộ họ gặp lại & nhận ra nhau,nhưng bây giờ cô gái ngày xưa ấy đã trở thành mệnh phụ phu nhân của một ông đã luống tuổi,cuộc hôn nhân tuy môn đăng-hộ đối nhưng lại quá tẻ nhạt…từ đó họ hay qua lại thăm nhau,cùng nhau bình luận về những tác phẩm hội họa của chàng họa sỹ bây giờ đã trở nên nổi tiếng…Rồi đến một ngày,chàng họa sỹ trẻ năm nào nay cũng đã bước vào tuổi xế chiều nhận được một phong thư có ép một dây hoa tigôn báo tin người mà ông yêu đã qua đời & cũng từ đó người họa sỹ tài hoa ấy sống lặng lẽ một mình với những bức tranh,những hoài niệm đẹp về một mối tình đã không còn trở lại…Hai tháng sau ngày đăng truyện ngắn nói trên,giữa tháng 9 năm 1937 tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ với nét chữ run run ký tên tác giả là T.T.Kh,đó là bài thơ Hai sắc hoa Tigôn  và được đăng báo ngày 23 tháng 9 năm 1937.Gần hai tháng sau,tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa cũng vẫn ký tên là T.T.Kh,bài thơ có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến tòa soạn! Bài thơ được đăng ngày 20 tháng 11 năm 1937.Bẵng đi một thời gian khá lâu tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận được thêm bài thơ nào từ thi sỹ có bút danh bí ẩn này,nhưng thật kỳ lạ là cũng trong quãng thời gian đó trên tờ báo Phụ nữ -tòa soạn ở số 7 phố Hội Vũ-Hà Nội lại xuất hiện Bài thơ đan áo cũng ký tên T.T.Kh… Gần một năm sau,tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy mới lại nhận được bài thơ có tựa đề Bài thơ cuối cùng ký tên tác giả vẫn là T.T.Kh & được đăng báo ngày 30 tháng 10 năm 1938,trong đó có nhắc đến Bài thơ đan áo nêu trên .Ba bài thơ gửi đến tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nói lên niềm đau xé lòng về một mối tình ngang trái & đẫm lệ đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt,nhiều người trong số đó như tìm được hình ảnh,câu chuyện của chính cuộc đời mình bởi vì sống trong xã hội còn mang nặng tư tưởng “môn đăng- hộ đối” thì những chuyện tình trái ngang như thế là không hiếm gặp & cũng không có gì là khó hiểu…Thế nhưng đây lại là một trường hợp đặc biệt có thể nói không ngoa rằng:-Là độc nhất vô nhị trong Văn chương-Thi phú của nước nhà từ trước tới nay,bởi chưa từng có trường hợp nào mà ở “đằng sau” bút danh nhưng không ai biết được Tên thật của tác giả trong suốt hơn 70 năm qua…Trước khi đi tìm “ẩn số” T.T.Kh là ai & ai thật sự là người yêu của T.T.Kh? Chúng ta cùng đọc lại những bài thơ bất hủ của Bà.(Lưu ý:-Ngày,tháng,năm của mỗi bài thơ là ngày đăng báo).

 

 

 

                                    HAI SẮC HOA TIGÔN  (T.T.Kh)

            

                         Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn

                         Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

                         Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

                         Tôi chờ người đến với yêu đương.

                                       Người ấy thường hay vuốt tóc tôi

                                       Thở dài trong lúc thấy tôi vui

                                       Bảo rằng:-“Hoa dáng như tim vỡ

                                       Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.

                          Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì

                          Cánh hoa tan tác của sinh ly

                          Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng

                          Là chút lòng trong chẳng biến suy”.

                                       Đâu biết lần đi một lỡ làng

                                       Dưới trời gian khổ chết yêu đương

                                       Người xa xăm quá,Tôi buồn lắm

                                       Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

                          Từ đấy thu rồi thu lại thu

                          Lòng tôi còn giá đến bao giờ

                          Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

                          Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

                                          Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

                                          Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

                                          Mà từng thu chết, từng thu chết

                                          Vẫn giấu trong tim bóng một người.

                         Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết

                         Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

                         Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ

                         Và đỏ như màu máu thắm phai.

                                         Tôi nhớ lời người đã bảo tôi

                                         Một mùa thu trước rất xa xôi

                                         Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

                                         Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

                         Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ

                         Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu

                         Gió về lạnh lẽo chân mây vắng

                         Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.  

                                        Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

                                        Trời ơi!Người ấy có buồn không

                                        Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ

                                        Tựa trái tim phai tựa máu hồng?

                                                                                            23-9-1937

 

 

                                            BÀI THƠ THỨ NHẤT (T.T.Kh)

 

                         Thuở trước hồn tôi phơi phới quá

                         Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương

                         Nhưng nhà nghệ sỹ từ đâu lại

                         Êm ái trao tôi một vết thương.

                                   Tai ác ngờ đâu gió lại qua

                                   Làm kinh giấc mộng những ngày hoa

                                   Thổi tan tâm điệu du dương trước

                                   Và tiễn người đi bến cát xa.

                       Ở lại vườn Thanh có một mình

                       Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh

                       Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo

                       Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

                                    Và một ngày kia tôi phải yêu

                                    Cả chồng tôi nữa lúc đi theo

                                    Những cô áo đỏ sang nhà khác

                                    Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều.

                        Từ đấy không mong không dám hẹn

                        Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm

                        Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ

                        Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

                                    Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên

                                    Bỗng ai đem lại cánh hoa tim

                                    Cho tôi ép nốt dòng dư lệ

                                    Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

                        Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ

                        Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ

                        Tóc úa giết dần đời thiếu phụ

                        Thì ai trông ngóng chả nên chờ.

                                   Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá

                                   Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:

                                   -“Cố quên đi nhé câm mà nín

                                    Đừng thở than bằng những giọng thơ”.

                        Tôi run sợ viết lặng im nghe

                        Tiếng lá thu khô xiết mặt hè

                        Như tiếng chân người len lén đến

                        Song đời nào dám gặp ai về.  

                                   Tuy thế tôi tin vẫn có người

                                   Thiết tha theo đuổi nữa,than ôi

                                   Biết đâu tôi một tâm hồn héo

                                   Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.

                                                                                  20-11-1937 

 

 

BÀI THƠ ĐAN ÁO   (T.T.Kh)

 

Chị ơi,nếu chị đã yêu

Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương

Đã xa hẳn quãng đời hương

Đã đem lòng gửi gió sương mịt mùng

Hay chăng chị mỗi chiều đông

Đáng thương những kẻ có chồng như em

Vẫn còn giá lạnh trong tim

Đan đi đan lại áo len cho chồng

Con chim ai nhốt trong lồng

Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ

Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ

Hay đâu gió đã sang bờ ly tan

Tháng ngày miễn cưỡng em đan

Kéo dài một chiếc áo lam cho chồng

Như con chim nhốt trong lồng

Tháng ngày than tiếc ánh hồng nơi nao

Ngoài trời hoa nắng xôn xao

Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm

Ai đem lễ giáo giam em

Sống hờ hết kiếp trong duyên trái đời

Lòng em khổ lắm chị ơi

Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai

Quang cảnh lạ, tháng năm dài

Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.

 

                                                                                              16-8- 1938.

 

                         BÀI THƠ CUỐI CÙNG    (T.T.Kh)

 

                          Anh hỡi,tháng ngày xa quá nhỉ?

                          Một mùa thu cũ một lòng đau

                          Ba năm ví biết anh còn nhớ

                          Em đã câm lời có nói đâu.

                                    Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly

                                    Càng khơi càng thấy lụy từng khi

                                    Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy

                                    Mà viết tình em được ích gì?

                          Chỉ có ba người đã đọc riêng

                          Bài thơ đan áo của chồng em

                          Bài thơ đan áo nay rao bán

                          Cho khắp thiên hạ thóc mách xem

                                     Là giết đời nhau đấy biết không?

                                     Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung

                                     Giận anh em viết dòng dư lệ

                                     Là chút dư hương điệu cuối cùng.

                           Từ đây anh hãy bán thơ anh

                           Còn để yên tôi với một mình

                           Những cánh hoa lòng,hừ đã ghét

                           Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

                                      Ngang trái đời hoa đã úa rồi

                                      Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi

                                      Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp

                                      Đi nhớ người không muốn nhớ lời.

                            Tôi oán hờn anh mỗi phút giây

                            Tôi run sợ viết bởi rồi đây

                            Nếu không yên được thì tôi chết

                            Đêm hỡi,làm sao tối thế này?

                                      Năm lại năm qua cứ muốn yên

                                      Mà phương ngoài gió chẳng làm quên

                                      Mà người vỡ lở duyên thầm kín

                                      Lại chính là anh,anh của em.

                            Tôi biết làm sao được hỡi trời

                            Giận anh không nỡ nhớ không thôi

                            Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt

                            Sợ quá đi anh,có một người…

                                                                            30-10-1938.

 

*Đôi lời cùng Bạn đọc:

Năm 1994 có người đã vô tình tiết lộ với tác giả Thế Nhật một thông tin “mật” về T.T.Kh ngoài đời thực.Dựa vào đó ông Thế Nhật (tên ghép của Thế Phong & Trần Nhật Thu) đã viết thành một cuốn sách với tựa đề khá hấp dẫn:T.T.Kh Nàng là ai?(về sau tái bản mới đổi tên tác giả là Thế Phong)Khi cuốn sách được phát hành thì gặp phải phản ứng dữ dội của rất đông đọc giả & nhất là của một người trong cuộc công khai phủ nhận nhiều sự việc viết trong cuốn sách,đồng thời khẳng định mình không phải là T.T.Kh bằng hai bức thư ngỏ liên tiếp gửi từ nước ngoài về đăng trên nhiều tờ báo & tạp chí văn học ở trong nước…Gần mười năm sau,năm 2003 nhà văn-luật gia Trần Đình Thu lật giở toàn bộ tư liệu liên quan để xem lại & đã cất công tìm gặp trực tiếp nhà văn Thanh Châu tác giả của truyện ngắn Hoa Tigôn(Ông đã chuyển vào ở quận Tân Bình- tp.Hồ Chí Minh)cũng như gặp được người đã vô tình tiết lộ ra thân phận của T.T.Kh nhằm kiểm chứng tất cả các thông tin có được để viết lại câu chuyện bí ẩn vẫn bao trùm “làn khói bụi” của thời gian này & bài viết cũng đã được đăng nhiều kỳ trên báo Thanh Niên vào giữa năm 2005 với tựa đề Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh rồi mới in thành cuốn sách mang tên “Giải mã Nghi án văn học T.T.Kh” vào đầu năm 2007.Tuy nhiên,đối với đông đảo đọc giả thì vẫn còn tồn tại vô số ý kiến trái chiều,thậm chí có nhiều người đã đăng đàn để phản bác lại,nhất là sau khi được đọc nguyên văn hai bức thư ngỏ nêu trên mà Trần Đình Thu cũng công khai trong tác phẩm của mình.Tại sao lại như vậy?Có điều gì khiến cho nhiều người “hoang mang” đến thế khi đã đọc xong toàn bộ tác phẩm khá công phu & nghiêm túc này của Trần Đình Thu?.Liệu nhân vật được tác giả chứng minh là nữ thi sĩ bí ẩn mang tên T.T.Kh có phải là sự thật?Phải chăng “Nghi án văn học T.T.Kh” như cách dùng chữ của Trần Đình Thu vẫn còn là một câu hỏi chưa được “giải mã”?Để trả lời cho những thắc mắc nêu trên chúng ta cùng bắt đầu cuộc “hành trình” tái khám phá bí ẩn đã tồn tại từ hơn 70 năm qua & cũng là để trả lời cho câu hỏi của rất nhiều người trong chính chúng ta,vậy thực sự:- Ai là T.T.Kh?.Nhằm giúp bạn đọc dễ hiểu,dễ so sánh các sự kiện,các dẫn chứng,phân tích cũng như phần chứng minh cho sự việc liên quan đến các nhân vật,vì thế  chúng ta hãy lưu ý hơn một chút đến những dòng chữ in nghiêng,nhất là in đậm hoặc được gạch dưới trong bài viết này.

 

                                                 AI LÀ T.T.Kh ?-PHẦN 1

Như chúng ta đã biết,sau khi gửi đăng báo đúng 4 bài thơ, T.T.Kh không bao giờ xuất hiện nữa…

nhưng điều đó lại càng gây nên sự tiếc nuối,sự say mê những vần thơ vừa đắm đuối vừa như cào cấu tâm can của cuộc đời người thiếu phụ bí ẩn này.Người đời không những càng hâm mộ mà còn tò mò muốn biết tác giả là ai,tâm lý đó không chỉ có trong những độc giả thơ bình thường mà ngay cả các tác giả của “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh-Hoài Chân năm 1941 khi viết lời giới thiệu về T.T.Kh cũng đã phải cảm thán:- “… Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng.Ai biết “Con người vườn Thanh” bây giờ ra sao?Liệu rồi đây người ấy có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về nơi chín suối?....Vậy sự thật T.T.Kh có thể là ai?

1-Những lời đồn đại,những bài báo-tác phẩm “Khẳng định” về thân thế T.T.Kh:

Rất nhiều người liên tục “công bố” những thông tin về T.T.Kh .Người thì bảo tác giả là người yêu của thi sĩ Thâm Tâm,người lại bảo rằng đó là người yêu của Nguyễn Bính,thậm chí để cho “nặng ký” hơn có người còn khẳng định T.T.Kh tên thật là Trần thị Khánh là em gái nhà thơ Tế Hanh,có một thời là người yêu của Thâm Tâm!? Đến nỗi sau này Tế Hanh đã phải đăng đàn để chính thức phủ nhận điều đó.Ít lâu sau,câu chuyện về T.T.Kh lại đổi sang một hướng khác:-Khẳng định thơ của T.T.Kh là do Nguyễn Bính & nhất là do Thâm Tâm sáng tác…Căn cứ để có những “công bố” & “khẳng định” nêu trên là: -Vào khoảng cuối năm 1939 đầu năm 1940 Nguyễn Bính có làm một bài thơ nhan đề Dòng dư lệ với lời đề“ Tặng T.T.Kh” & ông có trích dẫn hai câu thơ “Cho tôi ép nốt dòng dư lệ-Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên”của T.T.Kh ngay dưới tiêu đề của bài thơ.Còn với trường hợp của Thâm Tâm thì có vẻ có nhiều “dữ kiện” hơn,ta hãy cùng đọc một trong số đó là của nhà thơ Nguyễn Vỹ (Trong tác phẩm Văn-Thi sĩ Tiền chiến xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn,mà trong đó còn thiếu quá nhiều các tên tuổi lớn đúng nghĩa của Thi sĩ thời Tiền chiến-tác phẩm này đã được tái bản năm 2007): “Năm 1936-1937,ở phố chợ Hôm-HN có một nhóm văn sĩ trẻ với bút hiệu Trần Huyền Trân,Thâm Tâm & vài người khác nữa,ít ai để ý đến họ.Có lẽ vì họ còn quá trẻ…mới bắt đầu viết văn chưa có gì là đặc sắc,lớp văn sĩ (đi) trước không chú ý đến họ…Họ có ra một tờ báo nhỏ lấy tên là Bắc Hà…tờ báo bán không được chạy lắm nhưng cũng có vài mục hài hước nhờ mấy bức vẽ của Tuấn Trình (tên thật của Thâm Tâm) & có nhiều hứa hẹn trên bình diện văn chương.Hăng hái nhất & đóng vai chủ động trong tuần báo là Trần Huyền Trân.Thâm Tâm,biệt hiệu của Tuấn Trình thì vẽ nhiều hơn viết,thỉnh thoảng đăng vài bài thơ,vài mẩu truyện ngắn.Đôi khi thấy vài ba bài thơ có tính cách ca dao ái tình của Nguyễn Bính,học sinh lớp nhất,trường tiểu học Hà Đông thi rớt rồi nghỉ học luôn.Tuy không chơi thân,nhưng tôi quen biết Trần Huyền Trân khá nhiều…vì anh trọ ở trong ngõ chợ còn tôi ở một gác trọ cuối phố Khâm Thiên…đôi khi có nhờ tôi viết bài cho báo Bắc Hà “cho vui” vì không có tiền nhuận bút…tôi quen Tuấn Trình là do Trần Huyền Trân giới thiệu…Một buổi chiều gần tối,Tuấn Trình đến chơi nhưng Huyền Trân đi vắng,gặp tôi mới rủ Tuấn Trình về gác trọ…Đêm ấy cao hứng,Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn Điển,kể cho tôi nghe chuyện tình của anh với cô Khánh.Trần Thị Khánh là cô học trò lớp nhất trường tiểu học Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến-Hà Nội) thi hỏng,cô ở nhà giúp mẹ nội trợ,nhà cô cũng ở đường Sinh Từ,ngay cạnh Thanh Giám,nơi thờ Đức Khổng Tử…& những tấm bia khắc tên các vị Tiến sĩ khoa bảng…Cô nữ sinh Trần Thị Khánh là một thiếu nữ đẹp,nét đẹp mơn mởn của một cô gái dậy thì,thùy mị,nết na,nhưng không có gì đặc biệt.Tuấn Trình có người cô nhà ở phố Cửa Nam,gần Sinh Từ.Anh thường đến đây & nhiều lần gặp cô Khánh đi chợ buổi sáng…Tuấn Trình làm quen rồi tặng cô báo Bắc Hà.Cô gái 17 tuổi cảm mến người nghệ sỹ tài hoa,tình yêu chớm nở như cánh tigôn trắng cũng vừa chớm nở trong sân nhà cô…thời kỳ mơ mộng ngắn ngủi trong mấy tháng hè không đem lại chút thỏa mãn nào cho tâm hồn khao khát của Tuấn Trình,chính vào lúc này anh mới lấy bút danh là Thâm tâm & cho cô Khánh biết “Hình ảnh của em,anh ghi sâu vào Thâm Tâm anh”.Trong bài thơ thức đêm làm tặng cô Khánh cũng có câu “…Quên làm sao được thuở ban đầu-Một cánh tigôn dạ khắc sâu…”.Trong những bức vẽ trên tuần báo Bắc Hà vẫn ký tên Tuấn Trình,nhưng những bài thơ lại đều ký tên là Thâm Tâm…điều làm cho chàng nghệ sỹ 19 tuổi đau khổ nhất là  cô gái 17 tuổi sống trong vòng lễ giáo nghiêm khắc của gia đình,chưa thật bao giờ đáp ứng đúng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình-Thâm tâm…Cô thường nói: “Thầy,mẹ em nghiêm lắm…”(toàn bộ cuộc tình) chỉ có hai lần là cô đến nơi hẹn,nhưng cũng không được lâu  …cả hai lần họ gặp nhau đều ở trong vườn Thanh giám.Lần thứ nhất,một đêm trăng, Khánh lẻn băng qua đường vào vườn Thanh Giám…lần gặp thứ hai nàng có hỏi:Anh định bao giờ đến xin thầy,mẹ cho chúng mình...”.Chàng họa sỹ bối rối trước câu hỏi bất ngờ,chàng lơ đễnh bảo:-“Anh chưa nghĩ đến việc ấy vì…”.Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây.Khánh không hỏi gì hơn nữa…chàng đứng lại khẽ kéo Khánh vào lòng,nhưng nàng khẽ buông ra.Tuấn Trình âu yếm nhìn nàng:-“Hình ảnh của em,nụ cười của em,sẽ mãi mãi ghi sâu vào lòng dạ của anh,vào thâm tâm anh.”Trần thị Khánh cười như để tạ ơn & xin từ giã.Tuấn Trình trằn trọc suốt đêm.Khánh muốn giấu chàng một điều gì quan trọng chăng?...Thế rồi một hôm chàng họa sỹ đa tình nhận được một bức thư của người yêu,không,của người hết yêu báo tin nàng sắp lấy chồng…thư do cô bạn gái của Khánh đem đến tòa soạn báo Bắc Hà trao tận tay Tuấn Trình,cô bạn hỏi “ông Tuấn Trình” chứ không gọi Thâm Tâm….trong thư cô nói dù rất buồn vì một tình yêu dang dở,rằng cô mãi mãi yêu anh nhưng phải giữ tròn chữ hiếu,không dám cãi lời mẹ,cha…Khánh không nói một câu nào về vị hôn phu,không cho biết ngày cưới & cuối thư ký tắt:Kh.Bức thư của Kh chấm dứt đột ngột cuộc tình duyên thật sự không mấy thơ mộng của họa sỹ Tuấn Trình & Trần Thị Khánh. Sau nhờ dò hỏi Tuấn Trình biết được chồng cô khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang,39 tuổi,góa vợ & không có con.Trong câu thơ Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi…đó chỉ là nhận xét mỉa mai của Thâm Tâm,so sánh tuổi 20 của mình với người chồng cô khánh…Nhưng trên thực tế & theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình thì người chồng cô Khánh giầu sang & trẻ đẹp chứ không phải là một ông già...Đêm trước ngày cô Khánh lên xe hoa,Thâm Tâm tổ chức tại tòa soạn báo Bắc Hà một tiệc thịt chó,uống Mai Quế Lộ,mời Trần Huyền Trân,Nguyễn Bính & Vũ Trọng Can tham dự.Họ say sưa,ngâm thơ,làm thơ cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất.Người đau khổ trong việc tình duyên dang dở này không phải là cô Khánh.Trái lại,cô đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô.Trần Huyền Trân đã gặp cô đang hí hởn với chồng vào ăn kem ở tiệm Blanche Neige(Kem Bạch Tuyết-Bờ Hồ) hai lần,hai ông bà nhìn nhau & cười với nhau ra vẻ âu yếm lắm.Khánh đã có thai & được chồng săn sóc,nâng đỡ lên chiếc xe Citroen,lúc về còn đi một vòng quanh hồ hoàn Kiếm.Trần Huyền Trân kể lại cảnh âu yếm đó cho Tuấn Trình nghe & kết luận :  “con Khánh nó cho cậu leo cây,cậu còn si nó làm gì nữa,thêm nhục.Người đau khổ dĩ nhiên là Tuấn Trình,chàng yêu nhớ đơn phương,mặc cảm của một nghệ sỹ nghèo bị người yêu bỏ rơi,lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo nhất là Vũ trọng Can.Vì một chút tự ái văn nghệ với mấy người bạn kia.Tuấn trình đã phải thức một đêm,theo lời anh,làm một bài thơ đề là Hai sắc hoa Tigôn,ký tên T.T.Kh với thâm ý để Trần Huyền Trân & Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm,để thương tiếc mối tình tan vỡ...cho nên giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình & lời thơ khác hẳn những lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của Kh báo tin cô sắp lấy chồng.cô Khánh không biết làm thơ,chưa bao giờ làm thơ cả! và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác.Tuấn Trình đã nói quả quyết với tôi như vậy,sau khi nhận được một bức thư của Khánh,bức thư cuối cùng tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ,có thể làm hại đến cuộc đời cô Thâm Tâm lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra Bài Thơ cuối cùng...

Còn đây là bài viết của Bùi Viết Tân (đăng trong Tạp chí Văn nghệ kháng chiến số tháng 5 năm 1951)*: “Cuối năm 1949,trong một chuyến đi dài ngày từ Liên Khu 3 lên Việt Bắc,tôi có dịp đồng hành với thi sĩ Thâm Tâm(Nguyễn Tuấn Trình)…chúng tôi là những người lữ hành ngày nghỉ,đêm đi.Trong lúc nghỉ ngơi anh Thâm Tâm thường tâm sự với tôi những chuyện tâm tình liên quan với thơ.Chẳng hạn chuyện nhân vật gây nguồn cảm hứng để anh sáng tác bài thơ nổi tiếng Tống Biệt Hành là một người tên Phạm Quang Hòa,trước 1945 thoát ly gia đình ra đi lên chiến khu làm cách mạng.Tôi đã hỏi anh Thâm Tâm,nhân vật Phạm Quang Hòa ở đâu,còn sống không?Anh Thâm Tâm cho biết Phạm Quang Hòa ra đi & trở về & đang tiếp tục cuộc sống của một người trai thời loạn.Nhân vui chuyện,tôi có hỏi anh Thâm Tâm về chuyện những bài thơ ký tên T.T.Kh.

-Theo ý ông thì những bài thơ này của ai?

-Người ta nói là của người tình Thâm Tâm.Phải vậy không anh?

-Ông có đọc bài thơ ký tên Thâm Tâm đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 307,ra ngày 4 tháng 5 năm 1940 chứ?

-Đã có đọc,có phải bài Các Anh không nhỉ?

-Đúng thế,tất cả đều liên quan tới một chuyện tình,nhưng thật ra thì những bài thơ ký tên T.T.Kh là do mình sáng tác ra cả thôi.

-Như vậy là Nguyễn Bính cũng bị vào “xiếc” trong câu chuyện này?

-Chuyện này chỉ có mình & Trần Huyền Trân biết thôi.Nguyễn Bính là một nhà thơ tài hoa nhưng “ngây thơ” lắm.

-Câu chuyện này có liên quan gì tới đất Thanh Hóa không anh?

-Địa danh vườn Thanh trong thơ là nói tới đất Thanh Miện ở Hải Dương,quê hương của trái vải.Nhưng Nguyễn Bính lầm tưởng là Thanh Hóa…do đó mới có chuyện vui vẻ.

-Tại sao anh sáng tác những bài thơ ký tên T.T.Kh hay như vậy mà lại không làm loại thơ này nữa?

-Vào những năm cuối thập niên 30 bắt đầu thập niên 40,bọn mình tìm ra lối thoát cho cuộc đời & muốn làm một cuộc đổi đời.Chính bài Các Anh rồi sau đó là bài Tống biệt Hành là chứng tích của sự đổi thay này…”

 Gần đây nhất,ngược lại với Nguyễn vỹ & Bùi Viết Tân thì tác giả Hoàng Tiến (bài đăng trên tuần báo Văn nghệ số cuối năm 1989-nhưng theo ông Thế Phong thì bài viết này còn đăng trên báo Nhân Dân chủ nhật số 23-Tháng 7 năm 1989) lại viết như sau:“…Ông Hoài Thanh năm 1941 có soạn cuốn Thi Nhân Việt Nam ( xuất bản năm 1942,tác phẩm trên là của hai ông, còn Hoài Chân nữa chứ không phải chỉ có một mình Hoài Thanh.) cũng trích dẫn T.T.Kh với ghi chú: “sau khi bài thơ kia đăng rồi,xóm nhà văn bỗng xôn xao,có đến mấy người nhất quyết T.T.Kh chính là người yêu của mình & người ta đã phê bình rất náo nhiệt.Có kẻ không ngần ngại cho những bài ấy là những áng thơ kiệt tác”.Hôm nay,xin công bố với bạn đọc một thông tin chúng tôi được biết về T.T.Kh,người kể còn sống,mà cách đây bốn năm vẫn còn gặp chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc làm văn học sử sau này.Số là vào dịp hội Đền Bà Tấm năm nay(Kỷ tỵ 1989)chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội.Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp nhà thơ trước C.M tháng tám,năm nay đã 74 tuổi(tên thật là Phạm Quang Hòa)bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm,Nguyễn Bính & Trần Huyền Trân…Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu & tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về Họ,Tên tác giả Hai sắc hoa Tigôn được công bố dưới đây.Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn & nhà thơ Tú Sót.T.T.Kh tên thật là Trần Thị Khánh,người yêu của Thâm Tâm.Hai người yêu nhau nhưng biết không lấy được nhau,hẹn giữ kín mối tình,để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này.Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa Tigôn của Thanh Châu…xúc động tự thổ lộ câu chuyện riêng(qua)bài thơ Hai sắc hoa Tigôn & gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy…Tiếp đó để giải thích lý do viết bài thơ Hai sắc hoa Tigôn cô Khánh gửi đến một bài nữa với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất & viết riêng tặng Thâm Tâm Bài thơ đan áo.Lại càng xôn xao,nhiều người cho là nam giới giả danh,nhiều người nhận ra người yêu của mình,trong số đó có Nguyễn Bính.Thâm Tâm hồi đó còn trẻ,với tính hiếu thắng của tuổi trẻ ông đã gửi báo Phụ nữ đăng Bài thơ đan áo** để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh chính là người yêu của mình.Tất nhiên là không có sự đồng ý của T.T.Kh & thế là T.T.Kh giận.Cô viết bài thơ lấy tiêu đề là Bài thơ cuối cùng…Sau này Thâm Tâm có viết bài thơ Các Anh để trả lời T.T.Kh…”

Còn nhiều nữa những “tác phẩm” những bài viết tương tự nhằm cố sống,cố chết ghép bằng được cho Thâm Tâm phải là T.T.Kh hay chí ít T.T.Kh cũng phải là “Người tình” của Thâm Tâm hay Nguyễn Bính (công bằng mà nói,Nguyễn Bính chỉ “bị” ghán ghép ở giai đoạn đầu của “nghi án” này mà thôi) đó là còn chưa kể lực lượng báo “lá cải” nhiều vô số ăn theo câu chuyện này nhất là ở Miền Nam trước năm 1975.Ở đây chỉ lược trích ba “tác phẩm” tiêu biểu & được nhiều người bám lấy nhất để “minh chứng” cho nhận định của họ về bí ẩn văn chương này suốt hơn 70 năm qua.

2- Nguyễn Bính có thể là T.T.Kh hoặc là người yêu của T.T.Kh được không? :

Đối với Nguyễn Bính,việc chỉ dựa vào lời đề tặng T.T.Kh ngay dưới tiêu đề của bài thơ Cô gái vườn Thanh (Dòng dư lệ) & mấy câu thơ có vẻ hơi “dây mơ rễ má” với câu chuyện tình của T.T.Kh trong bài thơ nêu trên:                     -Truyện xưa hồ lãng quên rồi

 Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh

Bao nhiêu gian khổ vì tình

Cớ sao Giống hệt chuyện mình năm xưa?

                                                           Phải chăng mình có nên ngờ

                                               Rằng người năm ấy bây giờ là đây?.

mà vội cho rằng T.T.Kh chính là người yêu của ông thì quả là quá vội vàng,võ đoán & là một “chứng cứ”quá yếu.Hơn 70 năm trước vấn đề “môn đăng-hộ đối”đã góp phần tạo nên vô số những cuộc tình ngang trái cho nên khi xuất hiện những bài thơ đầy ai oán của T.T.Kh thì rất nhiều người sống ở thế hệ đó như thấy được hình ảnh,cuộc đời của chính mình & Nguyễn Bính cũng không phải là ngoại lệ,có thể điều đó đã làm ông cảm thán mà viết bài thơ Cô gái vườn Thanh (Dòng dư lệ)  như một việc “họa” lại những bài thơ của T.T.Kh chăng?... trong “Ghi chép dọc đường”có kể về “nguyên mẫu” cô gái trong bài thơ Người hàng xóm nổi tiếng của ông: “Cô nết na,có vẻ đẹp thùy mị,hơi bẽn lẽn,giỏi chăn tằm,dệt cửi,nhà dù không nghèo lắm nhưng cũng chẳng được học hành gì…Về sau cha,mẹ cô gả cho một nhà khá giả trong vùng…”.Một cô gái “chân quê” đúng nghĩa như vậy liệu có thể làm nổi những bài thơ da diết như T.T.Kh không?Về phần Nguyễn Bính ngay trong những câu thơ trích dẫn ở trên cũng cho ta thấy bản thân ông cũng đã tự hồ nghi không dám chắc mà như tự hỏi lại chính mình rồi,ông viết “cớ sao giống hệt” chứ nào có khẳng định điều gì?Ngay như chỉ có mỗi cái địa danh Vườn Thanh nằm ở đâu mà đã có ít nhất hai người viết khác nhau (Nguyễn Vỹ & Bùi Viết Tân) ấy thế mà người đời lại cứ vin vào đó coi như một trong những “bằng chứng” để kết luận T.T.Kh là người yêu của ông thì quả thật là quá buồn cười…(nên nhớ,quê Nguyễn Bính là ở làng Thiện Vịnh-huyện Vụ Bản-tỉnh Nam Định).Trong bước đường phiêu du khắp nơi làm thơ,uống rượu sau này ông đã gặp,đã yêu rất nhiều & cũng có không ít những mối tình ngang trái.Nhưng đó là thời gian “hậu T.T.Kh” còn vào thời điểm những năm trước & trong “thời T.T.Kh” thì chưa có ai nói hay viết rằng cô Trần Thị Khánh hay một cô nào đó (ngoài cô gái “chân quê” nêu trên)là người yêu của Nguyễn Bính…Cho nên cái gọi là “cô gái vườn Thanh” hay địa danh vườn Thanh chẳng có liên quan gì tới ông cả vì hoàn toàn không có cơ sở & thiếu lô gích…Vậy còn câu hỏi T.T.Kh có phải chính là Nguyễn Bính?Trên đời này,chúng ta làm bất cứ điều gì cũng cần phải có mục đích,thế thì mục đích của Nguyễn Bính khi “núp bóng” T.T.Kh là gì?Để nổi tiếng hơn chăng?có lẽ sẽ chẳng có ai lại dại dột làm cái điều có thể gọi là ngớ ngẩn như vậy & chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra được “mục đích” của việc này là gì,bởi vì đặt sự việc đó vào hoàn cảnh nào ta cũng dễ dàng tìm thấy được sự vô lý,nhất là đối với một nhà thơ đầy tài năng & nhân cách như Nguyễn Bính. Bây giờ chúng ta xét đến nội dung,hay cụ thể hơn là xét đến “giọng thơ” của các tác giả.Chúng ta cũng đã biết là nhà văn,nhà thơ nào cũng có lối hành văn,giọng thơ mang nét “đặc thù” của người đó,giống như bên âm nhạc thì “kiểu”ca khúc của Trịnh Công Sơn khác với Trần Tiến hay khác với Phú Quang v.v…Ta hãy tìm hiểu “giọng thơ” của Nguyễn Bính,của Thâm Tâm để có cơ sở so sánh với thơ của T.T.Kh.

Tác giả Hoài Việt,một người cầm bút trước năm 1945,từng quen biết với Thâm Tâm, Nguyễn Bính…một người có vài tác phẩm nghiên cứu về các nhà văn,nhà thơ thời tiền chiến,ông viết như sau: “…Thâm Tâm,Nguyễn Bính,Trần Huyền Trân hồi đó là ba thi sĩ chủ chốt trong một nhóm thơ được các văn hữu mệnh danh là các nhà thơ xóm áo bào gốc liễu …cả ba đều xuất thân từ tầng lớp dân nghèo,không được học hành trường lớp chính qui nhiều,vì thế ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với họ hầu như không có gì,ngược lại họ là những người được học nhiều chữ hán,chữ nôm ở những ngôi trường làng hay tại nhà các ông Đồ,cả ba người từng thuê nhà ở chung để viết văn,làm thơ,làm báo…”Chính vì những lẽ đó mà trong thơ của họ thường xuất hiện rất nhiều từ cổ,từ Hán-Việt...riêng Nguyễn Bính thì ảnh hưởng bởi những điều đó không nhiều, ngoài vài bài thơ như Hành Phương Nam ra,còn lại thơ ông  mang rất đậm “chất quê” từ ngôn ngữ lẫn hình ảnh với một phong cách “rất ca dao”…Vào khoảng thời gian từ năm 1932 đến 1938 “Làng” thơ Việt cố gắng tìm một sự thay đổi căn bản,đó là tìm sự thay thế thể loại thơ Đường luật gò bó bằng một thể loại thơ tự do mang “hơi hướng” phương tây,đó chính là phong trào Thơ mới.Tuy nhiên,vẫn có sự phân hóa khá rõ nét, một số nhà thơ muốn cách tân một cách mạnh mẽ cả nội dung lẫn hình thức,trong khi một số khác lại không muốn bị “tây” hóa quá nhiều về mặt nội dung mà chỉ muốn đổi mới về mặt hình thức thể hiện mà thôi. “Nếu như Xuân Diệu đạt đến đỉnh cao của ảnh hưởng từ thơ Pháp thì Thâm Tâm lại quay về với hồn thơ Đường luật,còn Nguyễn Bính thì chìm đắm trong kho tàng ca dao-dân ca Việt Nam để góp phần tạo nên dòng thơ Việt thời Tiền chiến…”

Trong khi đó thì thơ T.T.Kh lại mới từ ngôn ngữ lẫn hình ảnh,trong thơ của Bà không hề có những từ Hán-Việt như:Ly khách,ải xa,trường thành,cô phụ,đoạn trường,ác tà,giang thôn…như Thâm Tâm,hay đặc chất quê,chất ca dao:Tơ vương,buồng the,hoa chanh,vườn chanh,giời mưa,giầu cau…của Nguyễn Bính.Đặc biệt những nhà thơ như Thâm Tâm,Nguyễn Bính thường dùng lối viết ẩn dụ “ý tại ngôn ngoại”của lớp nhà thơ “cổ điển” khi muốn nói về tình yêu đôi lứa,còn T.T.Kh thì lại nói toạc ra:-Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết…-Người ấy thường hay vuốt tóc tôi…-Tôi chờ người đến với yêu đương…Bây giờ ta hãy cùng đọc mấy đoạn thơ tả cảnh:

                     “Ở lại vườn Thanh có một mình

                       Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh

                       Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo

                       Yêu bóng chim xa nắng lướt mành” (T.T.Kh)

         “Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh” (Xuân Diệu)

                            “Thu sang trên những cành bàng

                              Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi

                              Hôm qua đã rụng một rồi

                              Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn” (Nguyễn Bính)

“Bừng sáng Xuân bay tang tảng sương

 Canh gà heo hút nẻo giang thôn

 Chài ai gấp gấp giăng giăng bạc

 Tiếng mác qua giời,dịp sáo non” (Thâm Tâm)

Cùng là những câu thơ tả cảnh,nhưng rõ ràng hai đoạn thơ trên của T.T.Kh & Xuân Diệu “mới” hơn rất nhiều,nghiêng về dòng thơ ảnh hưởng nền thơ Pháp mà “Thế Lữ là người khơi nguồn nhưng Xuân Diệu mới là người “đẩy” lên cho đến tận cùng…” chúng ta cùng đọc mấy đoạn thơ tình:

              “Lòng em như quán bán hàng 

                Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi

                Lòng anh như mảng bè trôi

                Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều” (Nguyễn Bính)

Ngay cả khi viết thơ tình Nguyễn Bính cũng vẫn không “bỏ” được “chất giọng” thơ chân chất Chân quê & lối nói ẩn dụ.Trong khi đó,thơ của T.T.Kh lại “hiện đại” hơn rất nhiều:

             “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi

              Thở dài trong lúc thấy tôi vui

              Bảo rằng:Hoa dáng như tim vỡ

             Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi” (T.T.Kh)

                                  “Anh biết yêu em đã muộn màng

                                    Nhưng mà ai cưỡng được tình thương?

                                    Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc

                                    Anh chỉ xin về một chút hương…” (Xuân Diệu)

Đến đây chúng ta có thể kết luận rằng “giọng thơ” của T.T.Kh hoàn toàn xa lạ với “giọng thơ”của Nguyễn Bính mà lại rất gần gũi với chất thơ của Xuân Diệu ông “vua thơ tình” trong phong trào thơ mới thời bấy giờ.Để dẫn chứng thì còn rất nhiều & tốn thời gian vô ích, nếu tìm đọc thêm thơ của Nguyễn Bính thì chúng ta sẽ phát hiện ra không mấy khó khăn gì.Cho nên bảo rằng T.T.Kh có liên quan gì đó với nhà thơ Nguyễn Bính là hoàn toàn thiếu thuyết phục!...

3-Thâm Tâm có thể là T.T.Kh hoặc là người yêu của T.T.Kh được không? :

Công bằng mà nói,nếu ta đọc riêng một trong những bài viết nêu trên (của Nguyễn Vỹ,Bùi Viết Tân,Hoàng Tiến hoặc của ai đó nữa…)vào những thời gian,không gian khác nhau thì không phải là không “có lý” trong một chừng mực nhất định, nhất là lại chỉ đọc lướt qua & chỉ một lần.Ngoài ra còn phải kể đến “hiệu ứng gơben” nhà tuyên truyền đại tài của Đức quốc xã,đó là:-“Một sự việc,dù không có thật cứ nói đi nói lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật! Nhất là sự lan tỏa của hiệu ứng truyền khẩu với cái “Tôi” để bảo lãnh cho “sự thật” đó của những người ưa thì thầm…”.Chả thế mà “bí ẩn” về T.T.Kh đã tồn tại được hơn 70 năm sau kể từ ngày đó.Nhưng khi ta đọc cả ba bài viết nêu trên cùng một lúc & đọc thật kỹ thì cũng sẽ thấy ngay được vô số điều vô lý.Không những trong cùng một bài viết có những chi tiết “đá hậu” nhau mà cả ba bài viết khi “đặt cạnh” cũng “đá” nhau không kém.Ta lấy ví dụ (dù hơi khập khiễng):-Có ba cái bình sứ Bát Tràng được làm thủ công với cùng một mẫu,nếu để riêng rẽ ở ba phòng khác nhau thì sẽ rất khó phân biệt được cái nào đẹp hơn cái nào,chi tiết nào của cái bình nào không được “chuẩn” như hình mẫu.v.v…Nhưng nếu để cả ba cái bình ấy bên cạnh nhau thì sự phân biệt lập tức trở nên rất dễ dàng.

3a/Trần Thị Khánh có phải là T.T.Kh?:

Đọc thật kỹ cả ba bài viết trên, nó gợi cho ta cái cảm giác như thể ta chót mua cho thằng con đôi giầy nên ta phải bằng mọi cách “cố nhét” đôi chân của nó vào bằng được dù cho đôi giầy đó có rộng hay chật. Chúng ta cũng đã thấy rằng T.T.Kh là một câu chuyện tình ngang trái ,trong khi đó câu chuyện do Nguyễn Vỹ kể lại, chưa biết thực hư thế nào thì rõ ràng đây là một câu chuyện phụ tình & một điều quan trọng là tình yêu mà cô Khánh dành cho Thâm Tâm không lấy gì gọi là một tình yêu say đắm để đến nỗi nhưng biết không lấy được nhau rồi xúc động tự thổ lộ câu chuyện riêng (qua) bài thơ Hai sắc hoa Tigôn & gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy như ông Hoàng Tiến đã viết.Trong cả cuộc tình hai người chỉ gặp nhau có hai lần ngắn ngủi & phải rất bí mật,có nghĩa là cả gia đình,họ hàng,hàng xóm,bạn bè của cô Khánh chắc chắn không biết hay chưa kịp biết & chồng của cô Khánh lại càng không thể biết,trong khi(theo ông Nguyễn Vỹ) cô đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô,thế thì liệu có “điên” không khi chính cô Khánh viết những bài thơ ký tên T.T.Kh khóc than cho mối tình duyên “dang dở” của mình để rồi lại phải“Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ-Người ấy cho nên vẫn hững hờ” hay“Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá”.Còn một chi tiết nữa,đó là mới gặp nhau có lần thứ hai (hồi đó thì làm gì đã có điện thoại di động hay internet để dù không gặp vẫn có thể “buôn”với nhau hàng ngày?)mà cô Khánh đã Anh định bao giờ đến xin thầy,mẹ cho chúng mình...”.Thời “hiện đại” như ngày nay,xin hỏi các bạn gái của chúng ta có tin được không?Các bạn có “làm” được như cô Khánh không?Nên nhớ vào thời điểm có câu chuyện đó thì việc “đến xin với thầy,mẹ…” có nghĩa là phải cưới đến nơi rồi đấy & phải do các bậc “phụ huynh” đến nói chuyện chứ đâu phải là“Anh định bao giờ…” lẽ ra ông Nguyễn Vỹ phải viết là Anh định bao giờ đưa Thầy,u anh đến…mặc dù như thế cũng đã là quá đường đột rồi, không như ngày nay có thể chàng trai đến nhà chơi vài lần rồi mới dám ngỏ lời với cô gái hay ít nhất cũng cần phải có cả một quá trình qua lại mới có thể Anh định bao giờ …Còn nếu cho rằng cô Khánh nói vậy để ngầm nhắc & đề phòng người yêu trách cứ sau này rằng “Đấy,tôi đã bảo mà anh không chịu đến nói chuyện sau này tôi có lấy chồng thì đừng có mà trách…” thì việc gán cái mẹo ấy cho một cô gái 17 tuổi sống cách nay hơn 70 năm liệu có quá là khả ố hay không?...Nếu chỉ xét riêng về bảng chữ cái thì có vẻ T.T.Kh đúng là Trần Thị Khánh,thế nhưng một cô gái đang vô cùng hạnh phúc với chồng liệu có dám “nửa công khai” danh tính để tưởng nhớ về một mối tình ngang trái & đầy nuối tiếc như vậy không?Vì điều đó chỉ có thể xảy ra khi người thiếu phụ gặp bất hạnh trong hôn nhân(đấy là chúng ta đang cố tình nói ngược lại những gì ông Nguyễn Vỹ đã viết,rằng Trần Huyền Trân kể với…) & chuyện này cũng chẳng khác gì nhiều năm trước có vài tờ báo trong nước nhân việc có ca sĩ hải ngoại phát biểu gì đó: “…cô ca sĩ KL chuyên hát nhạc Trịnh…”.Viết như thế thà nói toạc ra là ca sĩ Khánh Ly cho nó nhanh.Hơn nữa cô Khánh không biết làm thơ,chưa bao giờ làm thơ cả! và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác.Chúng ta tìm mãi cũng chẳng bao giờ  thấy được lý do & mục đích gì để tin rằng cô Trần Thị Khánh là T.T.Kh,vì điều đó hoàn toàn phi lý!.Chúng ta chỉ có thể tin rằng,việc cô Trần Thị Khánh là người yêu của Thâm Tâm là có thể có thật & chỉ có vậy mà thôi.!

3b/T.T.Kh có thể là Người yêu của Thâm Tâm được không?:

Lý do để nhiều người vin vào “rằng thì là” T.T.Kh là người yêu của Thâm Tâm quả là rất buồn cười nếu như không muốn nói là quá vớ vẩn,nó giống như toán học chứ không phải là một câu chuyện văn chương:A=C ; C=B suy ra thì đương nhiên A=B,đó là vì Trần Thị Khánh “chính là” T.T.Kh vậy thì T.T.Kh “phải là” người yêu của Thâm Tâm mà không có bất cứ cơ sở nào như đã phân tích ở trên.Ông Hoàng Tiến viết: Thâm Tâm hồi đó còn trẻ,với tính hiếu thắng của tuổi trẻ ông đã gửi báo Phụ nữ đăng Bài thơ đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh chính là người yêu của mình….”chúng ta cùng đọc lại vài khổ thơ trong Bài thơ đan áo:

                                                    “Chị ơi!nếu chị đã yêu

                                            Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thưong…”

 hay: “…Lòng em khổ lắm chị ơi

               Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai…”

Ô hay,rõ ràng là “Chị ơi” vậy mà ông Hoàng Tiến cố gán là: “…Viết riêng tặng Thâm Tâm &…để minh chứng với thiên hạ” thì quả thật không còn gì để nói nữa & hóa ra ông cũng chỉ “nghe hơi nồi chõ” như người ta rồi phóng tác ra câu chuyện cho thêm ly kỳ mà thôi.Đáng lẽ,ông Hoàng Tiến nên viết: T.T.Kh viết tặng người chị & Thi sĩ Thâm Tâm để nói lên tâm sự của lòng mình thì còn khả dĩ chấp nhận được. Đấy là chúng ta đã cố mà hùa theo quan điểm của ông,chứ thực ra với riêng bài thơ này nó không hề có tác dụng “minh chứng” như ông đã cố áp đặt…có thể ông Hoàng Tiến định dùng câu thơ:         Chỉ có ba người đã đọc riêng

                                       Bài thơ đan áo của chồng em

trong Bài Thơ cuối cùng của T.T.Kh để cố hướng  bạn đọc tin rằng Thâm Tâm muốn chứng minh T.T.Kh là người yêu của mình chăng?... Nhưng ông lại cố tình quên một chi tiết vô cùng quan trọng là:-Bài thơ đan áo đã xuất hiện trước Bài thơ cuối cùng những vài tháng,vậy thì nó “chứng minh” cái nỗi gì?Hơn nữa,đã “…nhưng biết không lấy được nhau,hẹn giữ kín mối tình,để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này” mà lại tự dưng“ xúc động tự thổ lộ câu chuyện riêng” với lý do khơi khơi chỉ vì vừa đọc truyện ngắn Hoa Tigôn của nhà văn Thanh Châu, trong khi điều quan trọng nhất để  một người nào đấy có được cảm xúc sáng tác nên những vần thơ buồn đến nao lòng như thế là cần phải có“hoàn cảnh đặc biệt” vì một tình yêu ngang trái thì tác giả lại không chứng minh được mà viết như vậy thì quả là quá võ đoán & khiên cưỡng.

3c/Thâm Tâm có phải là T.T.Kh?:

Song song với những bài viết,lời kể như đã dẫn chứng ở trên,người ta còn dựa vào hai bài thơ vốn có quá nhiều dị bản là bài thơ Các Anh & Màu máu Tigôn (theo cuốn Việt nam Thi nhân tiền chiến thì liên quan đến T.T.Kh ngoài hai bài thơ trên Thâm Tâm còn có hai bài nữa là: -Dang dở & Gửi T.T.Kh) để cho rằng chính Thâm Tâm là T.T.Kh.(đáng chú ý là dưới tiêu đề của bài thơ Màu máu Tigôn có đề là: “Gửi T.T.Kh tác giả bài thơ Hai sắc hoa Tigôn).Tuy nhiên nếu đọc kỹ những bài thơ thật sự của Thâm Tâm sáng tác ta sẽ thấy “giọng thơ” của hai bài này quá khác so với thơ Thâm Tâm,chúng ủy mị,yếu đuối quá & “mới” quá…nội dung thì cũng chỉ xoay quanh những đối thoại của tác giả với người con gái nào đó lúc thì tên là Khánh,lúc chỉ viết tắt là K,hoàn toàn không thấy chi tiết nào cho thấy Thâm Tâm làm thay cho người mình yêu để mang tên T.T.Kh…Chúng ta cùng đọc vài đoạn trong hai bài thơ nêu trên:       “Các Anh hãy chuốc thật say

                                                                   Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im…”

                                                 “…Vết xe trong xác pháo xưa

                                                    Nàng đi có bốn bài thơ trở về…”(Bài Các Anh)

     “Người ta trả lại cánh hoa tàn

       Thôi thế duyên tình cũng dở dang

       Màu máu tigôn đà biến sắc

       Tim người yêu cũ phủ màu tang…”

 “…Anh biết làm sao được hỡi Trời

       Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi

       Thôi em hãy giữ cành hoa úa

       Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời” (Bài Màu máu Tigôn)                                            

Nhưng cũng vẫn trong hai bài thơ đó lại có những câu thơ “gây sốc” như sau:

        “…Miệng chồng Khánh gắn trên môi

              Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ…” (Bài Các anh)

                       “…K…Hỡi! Người yêu của tôi ơi!

                             Nào ngờ em giết chết một đời

                             Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ

                             Hình ảnh em hoài mãi thế thôi…” (Bài Màu máu Tigôn)

Mấy câu thơ trên có thể nói rằng vô cùng thô thiển,câu dưới lại như “réo tên” người mình yêu cho thiên hạ cùng nghe thì liệu có phải là thơ của một thi sĩ đúng nghĩa,nhất lại là của một nhà thơ tầm cỡ như Thâm Tâm?Nhiều người cũng đã cho rằng: “Hai bài thơ trên không chắc là của Thâm Tâm,có thể ở đây có một sự tạo dựng hoặc thêm thắt nào đó nhằm tạo thêm sự ly kỳ cho độc giả.điều đó không phải là không có lý.Phải chăng vì vậy mà trong những lần tái bản về sau các tác giả của Thi Nhân Việt Nam đã loại bỏ hai bài thơ nêu trên?Hơn nữa như ta đã biết thơ Thâm Tâm thuộc trường phái “cổ điển”dù ông có cố gắng trong trào lưu “thơ mới”nhưng qua các tác phẩm thơ của ông thì ta thấy cũng chỉ dừng lại ở mức độ “nửa cổ điển” mà thôi.Trong khi thơ của T.T.Kh-Xuân Diệu-Thế Lữ-Vũ Hoàng Chương…đích thực là của những nhà thơ “tân thời”.Theo bài viết của Bùi Viết Tân: “Vào những năm cuối thập niên 30 bắt đầu thập niên 40,bọn mình tìm ra lối thoát cho cuộc đời & muốn làm một cuộc đổi đời.Chính bài Các Anh rồi sau đó là bài Tống biệt Hành là chứng tích của sự đổi thay này…” thì rõ ràng tác giả chỉ cố muốn thuyết phục mọi người tin rằng những bài thơ “tân thời” mang tên T.T.Kh là do Thâm Tâm làm ra chứ hoàn toàn thiếu kiến thức về thơ (dù câu văn đã trích dẫn cũng khá lủng củng & không rõ nghĩa,nhưng ta cũng hiểu ý nhà thơ Thâm Tâm-nếu đúng lời ông nói,là ông cũng đã cố gắng “đổi mới”cách thể hiện theo đúng trào lưu thời bấy giờ).Thể hành cũng chỉ là một trong nhiều “chi nhánh” của thể thơ Đường luật cho nên nói rằng “.. Tống biệt Hành là chứng tích của sự đổi thay này…”quả là không thuyết phục…

Trở lại với câu chuyện của Nguyễn Vỹ ta thấy ngay rằng đây là một mối tình “cho” nhiều hơn “nhận” & vô cùng thiếu vắng sự lãng mạn ,không gian,thời gian cũng chỉ là có mỗi hai lần gặp nhau ngắn ngủi.Vậy thì với những “chất xúc tác” như thế,lại là “nạn nhân” của một mối tình phũ phàng cộng thêm những lời kể “như xát muối” vào lòng của Trần Huyền Trân,rồi “… Nhưng trên thực tế & theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình…” & “…cô đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cônghĩa là chồng cô Khánh là một người đàn ông hơn hẳn mình thì liệu ông có thể tưởng tượng ra được một hoàn cảnh tình duyên ngang trái & đầy nước mắt như của T.T.Kh để làm ra bài thơ cỡ như Hai sắc hoa Tigôn & những bài thơ sau này hay không?. Hơn nữa,với mục đích “… để Trần Huyền Trân & Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm,để thương tiếc mối tình tan vỡ...”(Nguyễn Vỹ) mà lại là: “…nhưng thật ra thì những bài thơ ký tên T.T.Kh là do mình sáng tác ra cả thôi.-Chuyện này chỉ có mình & Trần Huyền Trân biết thôi…” (Bùi Viết Tân).Thật là quá buồn cười vì khi đặt hai trích đoạn của hai tác giả trên cạnh nhau,lập tức chúng ta được thấy chúng “đá” nhau như thế nào & chúng ta cũng nhận ra rằng với cái “mục đích” như ông Nguyễn Vỹ đã viết(cứ tạm cho đúng là như vậy) thì Thâm Tâm quả là quá lẩm cẩm,vì những người bạn đó của ông thừa biết cũng như chứng kiến mối tình của ông với cô Khánh (nếu có) là như thế nào & cũng thừa biết cô Khánh không có khả năng làm thơ,vậy thì Thâm Tâm “lừa” được ai? mà thực ra cũng chẳng để làm gì cả.Còn trong bài viết của ông Hoàng Tiến có chi tiết “…người kể còn sống,mà cách đây bốn năm vẫn còn gặp…” thế nhưng tại sao ông không “Công bố ngay” mà lại phải để đến tận “… vào dịp hội Đền Bà Tấm năm nay (Kỷ tỵ 1989) chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội”mới công bố?Thì ra vì ông đang cố gắng đưa ra những cái gọi là “chứng cứ” như “nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu & tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm …” để cho thêm phần xác tín vì thế ông mới bị lúng túng trong việc sắp xếp thời gian tính như vậy,bản thân ông Phạm Quang Hòa(Lương Trúc)sau khi từ biệt bạn để đi làm cách mạng,dẫn đến nguồn cảm hứng để Thâm Tâm sáng tác nên bài Tống biệt hành nổi tiếng thì thực tế kể từ đó họ không hề gặp lại nhau,mà Thâm Tâm thì lại mất sớm từ năm 1950,có lẽ sau này vì ân tình,vì thương nhớ bạn,ông Lương Trúc mới tìm & sưu tầm lại những tác phẩm của Thâm Tâm chăng?mà với thời gian quá lâu ngày,lại trong tình trạng loạn lạc vì chiến tranh thì chắc cũng không thiếu sự “tam sao thất bản”… Từ những dữ kiện đã phân tích,giúp ta có thể hiểu ra rằng cả ba bài viết đã dẫn, thực ra cũng chỉ là một câu chuyện “nghe nói” được người nọ truyền tai người kia lúc trà dư tửu hậu mà thôi.Ngoài ra,theo những người bạn thân,những người có điều kiện gần gũi với nhà thơ Thâm Tâm như nhà thơ Vũ Cao (tác giả của bài thơ Núi Đôi) cùng làm báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo QĐND ngày nay)cho biết thì ông “…là người có tình cảm kín đáo,nghiêm túc…ngay như bài Tống biệt hành anh,em nhắc đến Thâm Tâm rất cảm kích nhưng vốn là người khiêm tốn,anh không thích kể đi kể lại .Tiếc là anh đi sớm quá lúc anh còn muốn có những bài thơ mới, khác với hơi thơ cũ…” thế thì những đoạn “đối thoại” mang nặng sự khoe khoang,mà lại với một người vừa mới quen trong bài viết của Bùi Viết Tân liệu có đáng tin không? & đây hãy xem ông Hoài Anh viết tiếp:“…Sau ngày giải phóng Thủ Đô năm 1954,tôi gặp các nhà thơ Trần Huyền Trân & Nguyễn Bính mới ra tập kết (Nguyễn Bính mất năm 1956 tại quê nhà).Tôi kể lại việc tôi được đọc bài báo viết về mối tình của Thâm Tâm với T.T.Kh,tức bà Khánh thì (cả) hai ông đều nói (là) chưa nghe thấy chuyện ấy bao giờ…ít lâu sau tôi vào thư viện của Viện khoa học xã hội tại Hà Nội thì thấy tờ Tập san Nhân Loại số 108 ra ngày 11/7/1958 tại Sài gòn…thời kỳ này báo chí tại Sài Gòn thường đăng các bài viết (hoặc đăng lại) bài của các cây bút miền Bắc di cư.Vấn đề T.T.Kh lại được khai thác làm rùm beng cũng như chuyện của nhiều nhà văn khác trong số đó có không ít chuyện thất thiệt để câu khách…”

Như vậy, chỉ trong số những người được coi là “gần gũi” với Thâm Tâm nhất như Phạm Quang Hòa (nói là thơ T.T.Kh là do cô Khánh sáng tác)-Nguyễn Vỹ ( kể rằng do chính Thâm Tâm viết)-Trần Huyền Trân-Nguyễn Bính (thì bảo chưa nghe thấy chuyện ấy bao giờ ) đã nói lên nhiều điều & minh chứng cho sự thiếu chính xác & thiếu cơ sở nếu như không muốn nói là bịa đặt của các thông tin về T.T.Kh trước đây,cho nên điều đó chỉ có tính cách là những tin đồn mà thôi..Chính vì tất cả những điều đã phân tích,đã dẫn chứng ở trên mà chúng ta có thể nói rằng:- Trước năm 2004 câu hỏi T.T.Kh là ai trong suốt gần 70 năm qua vẫn chưa có câu trả lời…

 

        còn tiếp...                                      

Đỗ Thế Cường
Số lần đọc: 5170
Ngày đăng: 03.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kinh Tế Phật giáo 5 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 4 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 3 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 2 - Quán Như Phạm Văn Minh
Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng - Mai Bá Ấn
Kinh Tế Phật giáo 1 - Quán Như Phạm Văn Minh
Sài Gòn Xanh Ký Ức - Thiên Hà
Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Du Không Dịch “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Ra Tiếng Việt - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tế Hanh – Người Trò Chuyện Cùng Hoa Cỏ - Mai Bá Ấn