Gia đình mình sống trong một ngôi nhà nhỏ, trong con ngõ nhỏ của một phố nhỏ trong làng Nhân Chính. Cái làng cổ giầu truyền thống nhưng nghèo nàn, nheo nhóc nằm thu lu, khép nép bị vây bọc bởi những khối nhà chọc trời xa hoa, lộng lẫy. Ra khỏi làng là ồn ào, ầm ĩ, nhưng vào ngõ là yên tĩnh, lao xao tình làng nghĩa xóm. Không gian sống ấy, rất hợp với người sinh ra ở nhà quê như mình.
Mình đã viết cả nghìn trang sách, nhưng chưa bao giờ có phòng văn, chưa bao giờ có một cái bàn riêng để viết. Đọc báo thấy những phòng văn của nhà văn này, nhà báo kia nguy nga, đài các ngồn ngộn sách vở, đồ đạc đắt tiền, không gian hoành tráng. Đó là một thế giới riêng biệt giành cho sáng tạo hết sức linh thiêng, sùng kính, mình vô cùng ngưỡng mộ. Mình đã lớn tuổi rồi, chắc là không bao giờ có cái phòng văn riêng được nữa. Thực tình chưa bao giờ dám mơ một cái bàn viết riêng của mình. Chạnh lòng, đôi khi nghĩ, sở dĩ xứ mình không có nhà văn lớn bởi các nhà văn đa phần đều li ti, dặt dẹo, sự nghiệp nhỏ bé và sinh sống trong những ngôi nhà lụp xụp chật chội, chen chúc. Nhà văn, đến cái bàn làm việc riêng cũng không có thì lấy đâu ra tư tưởng lớn, tinh thần tự do và cảm hứng hùng vĩ được.
Cái nghề văn có chút đặc thù. Khi làm thơ rất cần yên tĩnh. Nhất là khi viết trường ca. Nhưng mình viết trong một không gian sinh sống chung của cả gia đình thì làm sao yên tĩnh được. Con mình khi thì đứa nghe nhạc, đứa chơi điện tử, khi thì chí chóe đánh nhau. Vợ mình nấu nướng xì xèo, mùi thức ăn sực nức om tỏi tràn ngập ngôi nhà. Làm sao thơ có thể bay bổng, tinh khiết, lớn lao đây. Thơ không nặng mùi rau dưa mắm muối cũng là may lắm rồi.
Nhiều khi cứ tự động viên mình, hình như với nhà thơ thời hiện đại phòng văn có vẻ xa xỉ. Mấy chục năm mình viết bằng máy tính. Và, vốn quen khi làm thơ, viết văn trên bàn không có bất cứ thứ gì. Đôi khi đang viết mất hứng, với tay lên giá sách cầm cuốn thơ của Whitman, của Tagore hay của Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Đạo mở đọc ngẫu nhiên vài trang. Chỉ là đọc vu vơ lấy không khí chứ chả quan tâm gì.
Bất chợt nhìn lại, hình như, mình cũng đã ngẫu nhiên tạo ra không gian sinh sống phù hợp với mình. Cũng là ngẫu hứng thôi, thực tình chả có bài bản trang trí nội thất gì cả. Dọc theo cầu thang rộng và trên tường các phòng mình treo nhiều tranh đẹp của các họa sỹ đương đại. Những bức sơn mài, sơn dầu, lụa và giấy dó,... đa số là của các họa sỹ bạn mình. Những bóng hình hoa sen, hoa cỏ, con trâu, trẻ mục đồng, thiếu nữ, con thuyền, con cá, con đê, dòng sông vô cùng thân thương gần gũi. Tranh không chỉ tạo ra không gian nghệ thuật nồng ấm, sinh động, tươi tắn mà còn làm cho mình cảm thấy các bạn luôn có mặt bên mình.
Trên các bậc tường, kệ, tủ, giá sách mình đặt rất nhiều pho tượng. Đa số là tượng Phật. Những pho tượng mình mang về từ những chuyến đi xa. Đó là từ Bodhgaya, Mumbai, Beijing, Shan tung, Kulua Lumpur, Luang Prabang, Praha, Linz... Có pho tượng Phật do chính nhà sư Huyền Diệu tặng mình tại Việt Nam phật quốc tự ở Ấn Độ. Cùng với tượng Phật, tượng các vị thánh, chúa khác là tượng các nữ chúa Chăm với nhiều dáng vẻ tuyệt mỹ, mê hoặc. Không hiểu sao mình luôn bị ám ảnh rằng hình như các nữ chúa Chăm chính là các thiếu nữ Brahman bước xuống từ những bức phù điêu bất hủ của các ngôi đền cổ ở Ấn Độ. Nỗi ám ảnh này nhiều khi cam dự vào cảm hứng sáng tạo của mình.
Có thể do mình mệnh mộc, nên rất có duyên nợ với cây cỏ. Cây nào mình trồng cũng xanh mướt. Nếu không làm thơ chắc mình sẽ làm vườn. Trên ban công quanh nhà, mình trồng nhiều chậu cây lớn màu xanh lúc nào cũng mướt mát cửa sổ. Sân thượng là một vườn cây nhỏ quanh năm xanh ngắt. Những tùng, thông, bồ đề, xanh, si, đại, lộc vừng, đào, mộc, mẫu đơn... quanh năm nảy lộc đâm chồi, nở hoa kết trái. Nhiều cây sống cùng mình đã mấy chục năm. Mình thuộc tính nết từng cây một. Đặc biệt, có một số thảo mộc mình mang về từ New Delhi, Beijing và Berlin. Chơi với cây mình ngộ ra nhiều điều. Cây lặng im xanh nhưng mình làm gì cây đều biết. Cây mềm mại cam chịu mình tha hồ uốn, nắn, cắt, xém nhưng mình chỉ lơ là một chút, cây sẽ lặng lẽ tươi tốt theo ý cây. Dù trong hoàn cảnh nào, cây cũng hướng về nơi ánh sáng. Người không sao bằng cây được. Giữa phố phường mà được sống chan hòa với thiên nhiên cây cỏ, hoa lá thì quả là một ân huệ đối với một nhà thơ.
Rải rác khắp cầu thang, các phòng là những chiếc bình đất nung méo mó, vẹo vọ, sứt sẹo, vêu vao, cọc cạch. Chiếc to, chiếc nhỏ, chiếc tròn, chiếc dẹt, chiếc nở nang, đầy đặn, chiếc tong teo, héo hắt, chiếc hình quả trám, chiếc không ra hình thù gì, chiếc da lươn, chiếc mộc, chiếc men trong, chiếc men ngoài... Cứ gọi là tạp nham, thập cẩm, xô bồ, linh tinh, nhăng nhít, chẳng thể loại, không ra thể thống gì. Những bình đất nung của nhiều lò gốm, nhiều làng gốm, nhiều vùng đất đã qua sử dụng, đã qua tay nhiều người, đã lăn lóc, quăng quật qua biết bao sướng khổ, buồn vui, giầu nghèo, binh lửa. Nhiều chiếc đã được sử dụng hàng trăm năm, đã long lanh màu lầm than, bần hàn, cơ cực, đã óng ánh màu lam lũ, bần dập, sứt mẻ, nứt vỡ nhân gian. Nhưng đối với mình những bình đất nung méo mó như những người già thân thiết ngây ngây ngô ngô, từng trải, lão thực, nhân hậu, mộc mạc, ấm áp. Bao giờ cũng làm cho mình tin cậy, yên tâm, an lạc. Những chiếc bình gốm méo mó nếu bạn để ở trong ngôi nhà mình, bạn sẽ cảm nhận cuộc đời rất khác lạ.
Trong cái không gian chen chúc, chật chội, mộc mạc và chân thành ấy, những bài thơ của mình đã ra đời. Các bài thơ đều mang bóng dáng những nhân vật ấy. Thực ra, những bức tranh, pho tượng, cây cỏ và những bình đất nung méo mó vừa là nhân vật, vừa là nhân chứng, vừa là cảm hứng, vừa là hồn vía của các bài thơ. Nếu mình viết ở một không gian khác chắc là các bài thơ của mình sẽ khác. Nhưng... chả biết nói thế nào cả. Mọi chuyện cứ tự nhiên như chính đời sống. Khi mình viết trường ca Phồn sinh, gương mặt thiếu nữ Chăm từ pho tượng sa thạch luôn luôn ẩn hiện tươi cười và lườm nguýt và những bình đất nung méo mó bao giờ cũng đồng thanh hu hu những giai điệu thiêng liêng thần bí bất tận của châu thổ sông Hồng.
Nhân Hòa, 27. 6. 2012