Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.010
123.235.717
 
Trái Đắng Trong Vườn Cây
Nguyễn Trung Dũng

 

“Con có rảnh không. Nếu rảnh, con đưa mẹ đến nhà cô Quỳnh”.

 

“Con rảnh. Mẹ muốn đi, con đưa mẹ đi”.

 

“Vậy để mẹ thay quần áo”.

 

Nói xong, bà Nguyệt vào trong phòng. Chỉ lát sau, bà đã ra với áo quần tươm tất.

 

“Đi thôi con”.

 

“Bạn của mẹ có hai bà cùng tên Quỳnh, một ở Fresno, một ở Milpitas, bữa nay mẹ muốn đến thăm bà nào”.

 

“Bà ở Milpitas. Mẹ nhớ đã có lần con đưa mẹ đến Milpitas để gặp bà bạn của mẹ. Nếu quên đường, con để mẹ mở bản đồ cho con coi lại”.

 

“Khỏi mẹ. Con nhớ mà mẹ”.

 

Xe đã xuống “freeway”. Xe đổi “lane” chạy ra “exit”. Xe đến Milpitas. Đường với những hàng cây hai bên vỉa hè. Những cây đó lá màu xanh. Màu xanh của rêu. Phố với nhà cửa. Nhà mặt trước với vườn cây. Vừa mới thấy xe chạy đã đến cuối con đường cụt, bà Nguyệt đã vội nói với con:

 

“Mặt tiền có giàn hoa bông giấy đỏ, con cho xe chạy đến đó thì đỗ lại được rồi”.

 

Người con trai nghe theo lời mẹ, giảm bớt tốc độ, xe áp sát vỉa hè, thì đỗ. Cửa mở, hai mẹ con cùng bước ra ngoài.

 

“Mẹ có thể dùng điện thoại cầm tay của con để gọi cho cô Quỳnh, báo cho cô ấy biết là mình đã đến”.

 

“Ừ. Để mẹ gọi”.

 

Chưa kịp bấm số, cánh cửa của ngôi nhà đã mở. Người bước ra chính là Quỳnh, bạn của bà.

 

“Em đứng ở bếp, nhìn ra cửa sổ, thấy chị xuống xe là em ra đón chị ngay”.

 

“Lâu không gặp, gặp thấy vẫn trẻ và đẹp như con gái mới lớn”.

 

“So thế so sao được. Lúc chị ở tuổi em, nom chị còn trẻ và đẹp hơn em nhiều. Chờ đấy để xem, lúc em tới tuổi chị, chắc gì nhan sắc đã được như chị bây giờ”.

 

Bà Nguyệt cười. Câu chuyện được lái sang cái giàn hoa bông giấy. Hết lời khen, bà nói:

 

“Màu hồng rực rỡ làm đẹp cả mặt tiền nhà. Em có tay trồng cây nên cây mới được như thế này đấy”.

 

“Không phải em có tay trồng cây như chị nói đâu. Cái giống cây này đã không sống thì thôi, chứ nó sống, cành lá nó mọc um tùm như cây dại trong rừng”.

 

“Chẳng phải quá lời mà khen em đâu. Ở nhà chị, cây bông giấy cũng có trồng ở vườn sau nhà. Cả năm rồi, vậy mà cành lá èo ọt chẳng ra bông ra hoa gì cả”.

 

“Mải nói chuyện, quên cả mời chị và cháu vào trong nhà cho đỡ nắng”.

 

Ở phòng khách, cái phòng khách không quá rộng, nhưng đồ đạc được bầy biện xếp sắp ngăn nắp và gọn gàng đâu vào đó. Chủ đưa tay mời khách ngồi. Cái ghế bọc da dài kê sát vách, dưới một bức tranh sơn mài có phong cảnh một ngôi chùa, là chỗ của bà Nguyệt và Quỳnh ngồi. Cái ghế đệm cũng bọc da nhưng nhỏ hơn kê ở đối diện, là chỗ dành cho con bà Nguyệt. Trong khi mẹ và bạn của mẹ vui vẻ trò chuyện, người con trai tên Tuấn chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Mắt có lúc lơ đãng nhìn ra cửa sổ mé vườn cây sau nhà, lúc nhìn đồ vật để ở trong phòng, lúc nhìn người bạn của mẹ một cách chăm chú hơi thái quá. Nhìn gì. Nhìn cái áo vải mỏng và bó sát người của bà Quỳnh mặc. Vì mỏng và chật nên dưới lớp vải, nó không đủ sức để che kín cái màu trắng mịn màng của làn da mà người chủ mặc nó.

 

“Để xem nào. Ai đây nhỉ”.

 

“Chị không nhận ra ai sao”.

 

“Không nhận ra”.

 

“Ông chủ sự phòng kế toán đó. Còn người đứng bên cạnh, thấp và mập, là ông Hải trưởng phòng hành chánh”.

 

“Ông Hải trưởng phòng hành chánh thì chị nhận ra. Còn một số nhân vật có trong ảnh, nhìn thì chị biết cả. Cái cô be bé xinh xinh này là ai thế nhỉ”.

 

“Trời ơi. Em đó. Em mà chị cũng không nhận ra sao”.

 

“Hồi đó trẻ măng. Mặt tròn trịa như trăng ngày rằm. Xinh xắn dễ thương hết nói. So với hiện tại, em khác đi nhiều. Không nhận ra, điều đó cũng đúng thôi”.

 

“Vậy ra theo chị, cái cô bé xinh xắn dễ thương thuở xa xưa đó, bây giờ cô xấu ình hả”.

 

“Không phải thế. Xấu ình sao được. Trẻ và xinh là đằng khác nữa. Ở đó mà xấu. Giả thử bây giờ em có bước đi một bước nữa, muốn thì thiếu gì người nộp đơn xin rước em về”.

 

“Đã mười năm vợ chồng ly dị, không bao giờ em còn nghĩ đến chuyện đó nữa làm gì. Chị và cả cháu, chưa thấy ai đụng tay tới ly nước cả”.

 

Mời khách dùng nước, đó cũng là cách Quỳnh khéo léo lái câu chuyện để câu chuyện rẽ sang ngả khác.

 

“Mấy lúc này thời tiết nóng quá. Có hôm nhiệt độ lên tới hơn chín mươi độ, nóng đến phát điên. Chị có mấy người bạn dự tính tổ chức đi biển, nếu đi, rủ em, em có đi không”.

 

Nghe mẹ nói thế, Tuấn đang ngồi vội nhổm dậy, nhìn người bạn của mẹ cười cười nói:

 

“Cô nhận lời với mẹ cháu đi. Ra biển mùa này có gió biển đỡ nóng nhiều lắm. Đường từ đây đến đó phong cảnh đèo dốc rất đẹp. Đứng ở bờ bãi mà đưa mắt nhìn ra khơi, ngoài khơi nom như một tấm thảm màu xanh”.

 

“Con nói cứ như con tưởng cô Quỳnh cô ấy chưa bao giờ thấy biển. Chẳng những cô Quỳnh đã có lần lênh đênh trên tầu ở giữa đại dương, nhìn xa nhìn gần thấy hết đại dương bao la bát ngát, chứ đứng ở bờ mà trông ra biển cả, có gì để con ca tụng”.

 

“Không phải ý con muốn nói như vậy. Sở dĩ con nói vào để cô Quỳnh nếu thích thì tham dự mà mẹ”.

 

Bà Nguyệt nhìn bạn cười vừa nhìn con trai bà bảo:

 

“Mẹ nói vậy để có chuyện nói cho vui thôi. Chứ đã nhiều lần nói rồi có lần nào thực hiện được bao giờ đâu con”.

 

“Chỉ tại mẹ sợ thuê xe thì tốn nhiều tiền, để con lái thì lại sợ nguy hiểm. Thế nên bao nhiêu lần cứ hứa hẹn với người này người kia, cuối cùng đi vẫn không đi được”.

 

Thấy không cần tiếp nối câu chuyện với con nữa, bà Nguyệt quay qua người bạn hỏi:

 

“Còn cháu Tạo sao. Học đến lớp mấy rồi”.

 

“Lớp năm chị ạ. Đang kỳ nghỉ hè, em tính thuê người đến kèm cho cháu. Chị để ý nếu có ai muốn tìm trẻ để dạy, nếu có, chị điện thoại cho em biết nhé”.

 

“Cũng có người cần dạy đấy. Để chị hỏi người ta xem sao”.

 

Vừa rời khỏi ghế đứng dậy, bà Nguyệt vừa nói:

 

“Gặp nhau có nói chuyện, nói mãi cũng không hết. Thôi để lúc khác, chị em mình lại gặp nhau lại”.

 

Đưa mắt nhìn con trai, bà Nguyệt bảo:

 

“Con chào cô Quỳnh xin phép cô về đi con. Nói thực tình, muốn đến thăm em mà không có cháu lái xe đưa đi, thì muốn đi cũng chẳng đi được. Từ ngày mắt xuống độ, chị đâu còn dám đụng tới tay lái nữa”.

 

Đứng nghe mẹ nói, mắt của Tuấn cứ đắm đuối nhìn người bạn của mẹ như nhìn con gái gặp ở ngoài đường. Ngoài cậu ta ra, chẳng ai có thể hiểu nổi cái nhìn đó nó mang ý nghĩa gì. Nhìn để nhìn hay nhìn để thấy làn da dưới lớp vải mỏng bó chặt nửa thân thể của cô Quỳnh, bạn của mẹ cậu.

 

Trên đường xe chạy, có lúc Tuấn bất chợt hỏi:

 

“Bạn của mẹ bao nhiêu tuổi sao nom còn trẻ quá vậy”.

 

“Nếu so với mẹ, cô Quỳnh còn thua mẹ cả mười tuổi”.

 

“Vậy cô Quỳnh cô ấy mới bốn mươi thôi sao”.

 

“Bốn mươi”.

 

“Bốn mươi mà đẹp không thua gì con gái”.

 

“Con nghĩ gì mà khi không hỏi mẹ câu đó”.

 

“Không mẹ ạ. Con có nghĩ gì đâu”.

 

Chạy một thôi một hồi, mắt vẫn hướng đường, chân vẫn nhấn gas, Tuấn lại ậm à ậm ừ hỏi:

 

“Lúc ngồi nghe mẹ và cô ấy chuyện trò, hình như cô Quỳnh có nhờ mẹ kiếm người đến dạy cho con cô ấy phải không hả mẹ. Mẹ hứa vậy mẹ nhắm chừng đã có ai chưa”.

 

“Chưa. Hứa thì hứa, hứa mà làm được hay không còn tùy”.

 

“Mẹ lại quên con rồi. Lúc này con đang rảnh, mẹ có thể điện thoại nói cho cô Quỳnh biết, con nhận lời dạy kèm cho con cô ấy. Theo mẹ, mẹ thấy có được không”.

 

“Cứ để đó từ từ rồi tính. Nếu cô Quỳnh cần gấp mà mẹ không kiếm ra người, lúc đó con có muốn đến dạy, mẹ sẽ đồng ý”.

 

Không còn gì để nói nữa, Tuấn ngồi im lặng lái xe. Rồi xe cũng qua những đoạn đường cần qua để về đến nhà. Ở phòng khách, gác cả hai chân lên cái tay tựa ghế, mắt nhìn thả nổi như quả bóng bay dưới cái trần nhà, đầu óc Tuấn đuổi theo những ý nghĩ vẩn vơ vơ vẩn. Những ý nghĩ đó, chẳng qua chỉ là những ý nghĩ về người bạn của mẹ mình. Nó như con ong bò vẽ bay lạc vào phòng, bay rồi bay quẩn không tìm ra cái cửa sổ mở để thoát.

 

2.

 

Ngày lặng lẽ qua đi. Đến bữa đó, vào một buổi tối, Tuấn đang ngồi ở bàn, cái “computer” để trước mặt, đấy là lúc Tuấn đang mở coi “e mail”, thì chuông điện thoại bỗng reo. Tay nhấc ống nghe, áp ống nghe vào tai, Tuấn nói:

 

“Alo”.

 

“Cháu Tuấn đấy có phải không”.

 

“Dạ phải”.

 

“Cho cô nói chuyện với mẹ cháu”.

 

“Để cháu gọi mẹ cháu”.

 

Cái ống nói được đặt xuống mặt bàn, Tuấn đứng dậy bước ra phòng ngoài. Phòng ngoài là phòng khách. Tuấn thấy mẹ đang ngồi thả mắt coi TV,

 

“Mẹ có điện thoại”.

 

“Ai vậy con”.

 

“Cô Quỳnh”.

 

Bà Nguyệt nhoài người đưa tay với cái điện thoại. Điện thoại đặt trên cái bàn nhỏ để ở đầu “sofa”. Vẫn ngồi dán mắt vào màn ảnh của cái “computer”, ngón tay gõ xuống các phiếm chữ,

nhưng tai Tuấn, Tuấn nghe mẹ nói hay hỏi rất rõ.

 

“Ông bạn chị muốn tìm chỗ dạy trẻ, điện thoại thì ông ấy cho biết đã có nơi dạy rồi”.

 

Lại im lặng, không nghe thấy tiếng mẹ, Tuấn biết đấy là lúc người ở đầu dây bên kia đang nói. Nói có lẽ đã ngưng, Tuấn lại thấy mẹ mình bảo:

 

“Nếu kiếm không ra người, để giải quyết vấn đề thì chỉ có cách chị nói cháu Tuấn nó đến dạy kèm con của Quỳnh. Thời gian nghỉ hè có ba tháng, hết ba tháng tụi nó lại đến trường, đâu có gì là lâu. Em cho chị biết, chị đề nghị như thế có được không?”.

 

Ở phòng ngoài, âm thanh va chạm của cái ống điện thoại khi nó vừa được đặt xuống. Rồi sau đó là tiếng dép của bà Nguyệt nhè nhẹ bước đến gần chỗ Tuấn đang ngồi.

 

“Con hãy suy nghĩ cho kỹ. Nếu như nhận lời đến dạy con của cô Quỳnh, con thấy có gì trở ngại thì cho mẹ biết ngay, còn không, mẹ sẽ trả lời dứt khoát cho cô ấy con nhé”.

Ngưng ngón tay gõ trên những phiếm chữ, quay cái ghế cho người xoay về phía mẹ, nhìn mẹ

Tuấn nói:

 

“Con đang thất nghiệp, dư thì giờ mà mẹ”.

 

“Ừ. Chuyện đó tùy con”.

 

3.   

 

Ngồi ở phòng khách, tay cầm tờ báo, mắt chăm chú coi, thì đúng là lúc Quỳnh nghe thấy trên tấm ván cửa có tiếng gõ. Tiếng gõ đó, vào giờ này, Quỳnh biết người ở bên ngoài đưa tay lên gõ, không ai vào đó khác được,  chỉ là Tuấn, con của người bạn mình. Đứng dậy, vặn chốt, Quỳnh mở cửa.

 

“Chào cô”.

 

Quỳnh không nói, chỉ mỉm cười, đầu khẽ gật. Ở cái bàn vuông kê sát cửa sổ trong căn phòng, Tuấn thấy có một cậu bé đang ngồi. Nhìn con, Quỳnh nhắc:

 

“Thầy dạy con đã đến. Con chào thầy đi”.

 

Thằng bé ngoan ngoãn dễ bảo, nhanh nhẹn đứng lên, tay khoanh trước ngực, miệng lí nhí nói.

 

“Em có thể ngồi xuống. Đưa cho thầy coi những cuốn sách em đã học ở trường”.

 

Thằng bé xem ra ít nói, thay vì nói, nó chỉ dùng tay đẩy mấy cuốn tập ở trên bàn về phía trước mặt Tuấn. Mở từng trang rồi mắt đọc lướt, Tuấn muốn biết thằng bé đã được dạy những gì. Quỳnh đang đứng ở bếp, cái bếp có cửa sổ ngó ra mặt tiền nhà, tay đang rửa mấy cái đĩa, nói như để góp ý với Tuấn:

 

“Nó kém toán. Cô nhờ cháu kèm thêm môn toán cho nó lấy lại căn bản. Còn các môn khác, coi

điểm, cô thấy cũng không đến nỗi nào”.

 

“Vậy theo ý cô, cô muốn cháu dạy môn toán thôi sao”.

 

“Đúng đấy. Một môn toán là đủ rồi”.

 

Thằng bé ngồi nghe hai người nói, mắt mở to, mặt thản nhiên như coi chuyện đó không có gì liên quan đến nó cả.

 

Buổi học ngày đầu của hôm đó, ngồi trước một ông thầy xa lạ, thằng bé cảm thấy vẫn có cái gì đó làm nó mất tự nhiên. Điều đó dễ nhận ra, nên thay vì nghiêm, Tuấn lại rất vui vẻ và cởi mở, thay vì sẵng giọng mỗi khi nói, Tuấn lại rất nhẹ nhàng êm ái trong lúc giảng bài.

 

Thời gian như thế trôi đi không mấy chốc đã qua một tháng. Nếu chẳng có tờ “check” của mẹ đứa bé đưa cho Tuấn, chắc chắn Tuấn đã không biết cái mốc thời gian của cái ngày cuối tháng, ngày Tuấn được trả lương. Đồng lương đối với Tuấn chắc chắn không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là cái Tuấn muốn tạo ra cơ hội để được gần Quỳnh. Biết Quỳnh là bạn của mẹ, đấy là về lý, còn về tình, con tim có tiếng nói của nó, Tuấn không có thể bóp chết con tim của mình để làm khác được.

 

Như mọi ngày, Tuấn lại đến nhà người bạn của mẹ kèm môn toán cho đứa trẻ. Ngồi ở cái bàn kê trong căn phòng, cái bàn sát cửa sổ ngó về phía vườn cây, nếu đấy là lúc đã ra bài cho cậu bé làm, Tuấn thường hay đưa mắt nhìn một mảng trời có mây xanh ở trên cao, và nhìn một vài con chim sâu từ đâu đó bay đến vừa đáp xuống. Chúng bám chân đứng trên một cành cây táo có quả, mắt láo liên, đầu lắc lư, kêu chiếp chiếp. Nhìn thế được một lúc, mắt Tuấn đổi hướng nhìn về phía cửa sổ ngó ra mặt tiền của ngôi nhà. Vẫn một màu đỏ của những bông hoa giấy hiện lên bên ngoài ở khung kính, và với ánh nắng của buổi sớm mai, những bông hoa giấy đó nom rạng rỡ chói lòa như có ánh lửa. Hình như thế hay không phải thế thì không biết, nhưng đó lại là cảm nhận từ đôi mắt của Tuấn đang chú mục nhìn.

 

Với cái ly nước cầm tay, với những bước chân nhẹ nhàng đi trên mặt thảm, Quỳnh từ  từ đi về phía cái bàn có Tuấn và đứa con đang ngồi. Ly nước chỉ là thói quen thường lệ, khi thấy cần đem ra để ông thầy dạy toán cho con uống thì Quỳnh mang. Mọi bữa như mọi bữa. Chỉ có thế thôi không có gì khác cả. Có khác chỉ khác lần này, khi Quỳnh vừa tính đặt cái ly xuống bàn thì Quỳnh đã thấy Tuấn đứng bật dậy, đưa tay ra để nhận cái ly. Nhưng cái ly nước đáng nhẽ nó được cầm, thì lại là bàn tay Quỳnh được cầm.  Mắt tròn xoe, Quỳnh xững sờ ngạc nhiên nói:

 

“Ơ kìa. Cái ly sao không cầm lại cầm tay cô vậy”.

 

Tuấn chống chế nói cho có:

 

“Chết. Cháu sơ ý. Cô tha lỗi cho cháu nhé. Cháu chỉ lỡ đụng tay cô thôi mà”.

 

“Lỡ gì mà lỡ kỳ vậy. Lần sau đừng có lỡ như thế nữa nhé”.

 

Hành động của Tuấn dù chỉ có thế nhưng cũng đủ làm cho Quỳnh cảm thấy có cái gì đó nó  khác thường ở người con trai của bạn mình. Chuyện đã xảy ra rồi, cứ cho là Tuấn vô tình chứ không cố ý, Quỳnh cũng bỏ qua rồi quên đi. Dù sao, cũng có lúc ngồi tư lự nghĩ ngợi, Quỳnh đánh giá hành động của Tuấn dù ít dù nhiều, nó cũng gây tổn thương đến danh dự của nàng. Vì thế, có cố quên, không dễ gì để quên được. Cũng không muốn cho bạn biết, nên chuyện đã xẩy ra như thế, Quỳnh chẳng bao giờ nghĩ đến để nói lại cho bạn nàng nghe cả. Lâu sau, cái hiện tại đã trở thành quá khứ, như một vật liệu phế bỏ, Quỳnh đem quẳng nó vào cái thùng đựng rác trong nhà.

Vẫn như không có điều gì xẩy ra, sáng sáng Tuấn đến dạy cho trẻ nhỏ. Trong lúc thằng bé ngồi làm bài, đó là lúc rảnh để con mắt Tuấn thả nhìn cô bạn của mẹ đang đứng ở bồn rửa bát đĩa. Nói là bát đĩa, nhưng đấy chỉ là cái phin pha cà phê chưa rửa, cái ly cà phê chưa sạch, Quỳnh muốn thanh toán nốt cho xong. Ngồi với tay tì má ở bàn, Tuấn đưa mắt nhìn cái áo choàng của Quỳnh mặc, thấy cái áo hơi rộng. Ánh nắng từ cửa sổ chiếu vào, cái áo hơi rộng làm thân thể của người mặc ẩn hiện có lúc rõ, có lúc lúc mờ. Mất tự chủ, đứng dậy, Tuấn đến đứng lặng lẽ sau lưng Quỳnh. Đấy cũng là lúc Quỳnh linh cảm thấy có người đứng ở phía sau, dù không quay lại để nhìn, như người ta thường nói, không chỉ có hai con mắt ở đằng trước, mà sau ót, ai cũng có một con mắt thứ ba.

 

Vừa lúc đó, Quỳnh nhận ra có hai bàn tay đụng vào eo lưng. Chưa kịp phản ứng, hai cái bàn tay đó cộng thêm với hai cánh tay, nó đã nhanh chóng biến thành một cái đai thùng, cái đai thùng hay hai con rắn cuốn tròn lại. Quỳnh với giọng hơi đanh, nói trong trạng thái hoảng hốt:

 

“Cháu không được hỗn với cô. Cháu đã xúc phạm đến cô một cách quá đáng rồi đấy”.

 

Tưởng nói thế đủ để chặn đứng kẻ hung hãn dừng lại, nhưng không, hắn vừa run rẩy vừa nói như rên “Cháu yêu cô. Cháu thực lòng yêu cô. Cô không biết cháu yêu cô đến cỡ nào hay sao”, rồi dùng sức mạnh, hắn ôm lấy Quỳnh, hắn áp sát cặp môi của hắn vào môi của Quỳnh. Rồi chuyện gì tới đã phải tới không thể cưỡng lại được. Ở cái giường, mọi chuyện đã xong, Quỳnh vừa buồn vừa giận, nói như mắng:

 

“Sao lại có thể như thế được nhỉ. Cháu nhẫn tâm hại cô đến vậy mà coi được à. Xấu hổ quá đi”.

Tuấn quỳ xuống. Tuấn rũ như một cái cây khô nước. Hắn van xin tha thứ. Nước mắt chảy ra, Quỳnh nói như xua đuổi:

 

“Về. Từ nay, cháu đừng bao giờ bước chân vào nhà cô nữa. Về ... về “.

 

Khi cửa đã đóng, khi Tuấn đã bước ra ngoài, khi chỉ còn một mình, Quỳnh ngồi bật khóc. Bây giờ là lúc nàng khá tỉnh táo, để thấy được cái nhục mà người con của bạn nàng  đã hành hạ thân xác nàng, đã làm hoen ố danh dự nàng, đã và đã. Nhưng khóc cũng vô ích. Nghĩ rồi, Quỳnh không buồn khóc nữa.

 

4.

 

“Chị Nguyệt. Chị có rảnh không. Em có chuyện này muốn nói với chị”.

 

“Muốn nói chuyện gì em cứ nói đi”.

 

“Tuấn bận hay sao mà mấy bữa nay, em không thấy Tuấn đến dạy cho cháu vậy hả chị”.

 

“Cũng chẳng biết nữa. Chỉ thấy lúc này nó buồn rời rợi, nói chẳng nói, hỏi chẳng trả lời. Chị cũng ngạc nhiên nhưng không hiểu ra sao cả. Nó thế, em có biết chuyện gì xẩy ra không”.

 

“Em làm sao biết được. Nhờ chị nói lại với Tuấn dùm em,  nếu Tuấn còn muốn dạy nữa, Tuấn cứ đến nhà em chị nhé”.

 

“Ờ. Để chị nói”.

 

Cúp điện thoại, bà Nguyệt bước sang phòng của con. Thấy con đang nằm dài như người có bệnh, bà bảo:

 

“Này con. Cô Quỳnh vừa điện thoại cho mẹ. Cô ấy hỏi mẹ sao con không đến dạy cho con cô ấy lại bỏ ngang như vậy. Làm thế, chỗ bạn bè, con làm mẹ không vui”.

 

“Nếu mẹ hay cô Quỳnh muốn con đến dạy tiếp, con sẵn sàng đến chứ có gì đâu mẹ”.

 

“Ừ. Đã nhận lời người ta, làm như vậy là không đứng đắn. Mẹ không muốn mang tiếng nên thấy con nghe lời mẹ, mẹ thấy vui rồi”.

 

Ngày hôm sau, khi cánh cửa vừa mở, Tuấn đã có mặt ở nhà Quỳnh. Cả hai nhìn nhau ngỡ ngàng. Nhưng rồi, sinh hoạt của một ngày sau đó lại bắt đầu trở lại như thường lệ. Tuấn ngồi ở bàn dạy cho thằng Tạo. Quỳnh đứng ủi áo quần ở căn phòng trong.

 

Vào một buổi chiều, khi nắng vừa nhạt trên giàn hoa bông giấy, khi Quỳnh đang ngồi coi TV ở trong phòng khách, khi thằng bé con nàng đang mải mê chơi “game”, thì cửa có tiếng gõ. Tiếng gõ vào giờ này, thực tình Quỳnh không thể đoán biết khách là ai. Dù sao, Quỳnh cũng đứng dậy. Quỳnh đưa tay đẩy chốt khóa. Quỳnh mở cánh cửa. Đứng ở bậc thềm, người khách không ai khác lại chính là Tuấn.

 

“Nếu không phải là đến dạy, tại sao Tuấn lại tới vào giờ này làm gì vậy”.

 

“Đây là bó hoa. Tuấn mang bó hoa tới không ngoài mục đích là để tạ lỗi với cô”.

 

“Chuyện đã qua rồi, nhắc lại để làm gì không biết nữa”.

 

“Để nhớ mãi mãi. Để không bao giờ quên. Bởi vì dù muốn dù không, nó đã là dấu ấn không thể phai mờ, không thể không theo suốt cuộc đời cháu. Lời cháu nói với cô, nó phát xuất từ con tim đau khổ, không từ miệng của cháu mà ra, cô hãy tin đi”.

 

“Vô ích thôi Tuấn ạ. Tuấn nên coi đó là một sơ xẩy, một tội lỗi ngoài ý muốn của mình, hay hơn thế nữa, như coi nó chỉ là một cái xác chết, cái xác đã được chôn vùi  dưới sâu lòng đất, nhớ để làm gì”.

 

“Không dễ vậy đâu cô. Với cô, cô có thể nói thế. Với cháu, cháu không thể nói thế như cô được. Một khi tình yêu đã đến, cháu không còn có khả năng nào khác để giết chết nó. Nếu giết được cháu đã giết. Mà giết nó, thì thân xác cháu cũng chẳng còn tồn tại”.

 

“Sao lại nói ra những điều ghê sợ vậy. Tuấn nên hiểu rằng, cô là bạn của mẹ Tuấn, có lẽ nào cô lại có thể lấy con của bạn được bao giờ đâu”.

 

“Cô ơi. Tình yêu không cho phép cô nói như thế được. Và nếu nói như thế được, thì chính cô là người đã vô tình hay cố ý đưa cháu vào con đường không còn lối thoát. Lối đó là lối gì không nói ra chắc cô cũng đã hiểu rồi”.

 

“Đừng có những ý nghĩ bậy bạ như vậy. Tuấn còn ít tuổi. Tuấn còn có cả một cuộc đời và một tương lai để sống. Không thể thế và không bao giờ có thể như thế được”.

 

Đã tới lúc thực sự quá xúc động, nước mắt Tuấn chảy ra. Hắn vội quì xuống, tay ôm cứng lấy chân Quỳnh. Hành động của hắn đã tác động mạnh đến tình cảm của Quỳnh, khiến, trong phút chốc, Quỳnh không còn biết mình là ai nữa. Trong bóng tối nhá nhem của hoàng hôn trời vừa nhọ mặt, không chỉ riêng Tuấn mà cả Quỳnh đều mất tự chủ, ôm lấy nhau để giữ cho nhau cùng trôi trên trên dòng nước chảy ngược./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1995
Ngày đăng: 07.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phía Sau Người Đàn Ông - Ngô Thị Ý Nhi
Hôm Qua Nó Còn Đi Học - Lê Văn Thiện
Những Cái Chum Trên Cánh Đồng Cỏ Cói - Nguyễn Trung Dũng
Quả bóng Euro - Hòa Văn
Chôn Đứng - Khuất Đẩu
Ngọn Nến Thắp Trong Đêm - Nguyễn Trung Dũng
Người Tình Cô Đơn - Nguyễn Trung Dũng
Bên Hàng Dậu - Phan Ngọc Danh
Cầm thú truyền kỳ - Trần Hạ Tháp
Bên Dòng Sông Quê - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)