Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
983
123.368.182
 
Nhân Sự Ra Đi của Giáo Sư Nguyễn Văn Thành và Cuốn Sách “Em là Đại Dương…Từ tâm lý đến Mầu Nhiệm Giáo Hội”
Nguyễn Đức Tuyên

 

Hôm 14. 11, 2008,  tôi đọc được trên bản tin Công Giáo Việt Nam, G.S. Nguyễn Văn Thành đã qua đời tại Fribourg, Thụy Sỹ, hưởng thọ 71 tuổi. Tôi thầm dâng một lời cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Xavie. Tôi chưa được hân hạnh gặp mặt G.S. Thành lần nào, nhưng từ năm 1995 đến nay, tôi đã đọc khá nhiều sách ông viết và cũng có nhiều dịp trao đổi điện thư với ông.

 

Tác phẩm của Nguyễn Văn Thành khá đồ sộ, theo bản tin Công Giáo Việt Nam gồm 21 cuốn sách tiêu biểu:

 

  1 - Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học    của S. FREUD – 1997

  2 - Le projet pédago-éducatif- 1997

  3 - Phát huy Nhân Lực – 1998

  4 - Đối thoại với các tôn giáo – 1998          

  5 - Đối Thoại, Quê Hương Tình Người – 1999

  6 - Lắng Nghe – 1999

  7 - Quan Hệ Mẹ Con – 2000

  8 - Tự Tin - 2000

  9 - Khung trời mở rộng - 2000

10 - Trong Đức Kitô- 2001

11 - Nguyễn Trãi, một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt – 2001

12 - Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái -2001

13 - Bản đồ tâm lý và tư duy sáu màu- 2002

14 - Tư duy và hành động- 2002

15 - Đồng Cảm để Đồng Hành – 2003

16 - Sơn Tinh và Thủy Tinh, hai con đường một Nước Non – 2003

17 - Nguy cơ tự bế nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi - 2006

18 - Phát huy quan hệ xã hội trong vấn đề giáo dục trẻ em tự bế - 2007

19 - Huyền Sử Việt Nam, con đường Luyện Vàng – 2004, 2008

20 - Con đường Bao Dung – 2008

21 - Lắng Nghe Chúa Thánh Thần, 2008

 

Ngoài ra, tôi còn thấy thêm 5 cuốn nữa của G.S. Thành là:

 

22 - Em là Đại Dương, 1995

23 - Chúng ta sống lại từ tâm lý đến Đức Tin, 1995

24 - Chia sẻ, 1996

25 - Mắt và Tim trên bàn tay, 1996

26 - Đường vào Nội Tâm, Tập II, Lắng nghe giấc mơ, 1997

27 - Phát huy năng lực con người, 1997

28 - Em là quê hương.

 

Năm 1996, anh Trần Ngọc Báu gửi cho tôi cuốn “Chia Sẻ, Tính Yếu của Mầu Nhiệm Nhập Thể” của Nguyễn Văn Thành, và anh TNB ghi thêm câu tiếng Anh : The Essence of the Incarnation Mystery. Thật tình, nhờ câu ghi chú tiếng Anh mà tôi khỏi phải thắc mắc về phụ đề cuốn sách vì nếu ghi là “yếu tính = essence” tôi dễ hiểu hơn là “tính yếu”.

 

Trong bài viết này, tôi không có tham vọng viết về công trình sáng tác phong phú và đa dạng của G.S. Nguyễn Văn Thành qua 28 tác phẩm. Tôi chỉ xin đề cập đến cuốn “Em là Đại Dương. Từ Tâm Lý Đến Mầu Nhiệm Giáo Hội” mà tôi đã mắc nợ lớn với G. S. Thành, cho đến khi ông qua đời tôi mới biết.

Năm 1996, tôi nhận được cuốn sách của ông với lời đề trên trang đầu cuốn sách: Kính tặng Anh Nguyễn Đức Tuyên, “chúng ta cùng nhau chia sẻ Một Thánh Thần Chúa”. De Colores, Thành.

 

Tôi đã đọc cuốn sách một cách khá chăm chú, highlight nhiều đọan, rồi bỏ trong tủ sách. Cho đến hôm nay, 17 tháng 11, nhớ tới ông, tôi lấy những cuốn sách của ông ra, coi lại sơ qua từng cuốn, tôi lật cuốn “Em là Đại Dương” tới trang cuối cùng, tôi chợt giật mình vì một câu ghi chú: “Để kêu mời yêu thương Hội Thánh, Chừng nào đọc xong và có hứng, xin anh vui lòng viết cho một bài “đóng góp phản hồi” (feed back), nhờ anh Trúc đăng lên Định Hướng. Đa tạ. Thành”. Chữ viết nắn nót rất đẹp.

 

Tôi thật bối rối về lời yêu cầu của tác giả. Khi nhận được sách, tôi có viết thư cám ơn, nhưng vì không đọc phần ghi chú nơi trang cuối cuốn sách, tôi đã không làm như lời yêu cầu của tác giả. Biết đâu G.S. Thành chẳng nghĩ rằng tôi đã “vô tâm” với “gợi ý”của ông. Nay ông đâ về “cõi trên”, xin ông tha lỗi cho tôi. Thật tình, cuối cuốn sách của ông, còn một bản nhạc 2 trang và mấy trang trống, mà tôi thì dốt nhạc, có lẽ vì vậy, mà tôi đã bỏ quên những trang mà tôi tưởng là giấy trắng.

Hôm nay, xin ghi lại cảm nghĩ về cuốn “Em là Đại Dương” của G. S. Nguyễn Văn Thành, vừa là lời chia sẻ về cuốn sách vừa như một lời tạ lỗi với tác giả, cho dù quá muộn.

 

“Em là Đại Dương.. .” do tủ sách Tình Người ấn hành Mùa hè 1995, bìa mầu tím hồng đơn giản, trên 150 trang. Ngoài Lời Giới Thiệu của Trần Ngọc Báu và Lời Mở Đường cùng Lời Cuối của tác giả, tác phẩm  được chia ra 7 chương:

 

Trong Lời Mở Đầu, tác giả dùng Cây Trường Sinh để tâm sự.

 

Ông viết về Giáo Hội Công Giáo theo giọng văn kể chuyện, phân tích theo kiểu “đời thường” rồi đem ra những đề nghị khá sâu sắc và rốt ráo gắn bó với nhau như “một cuộc giao duyên nhiêm mầu” thay vì nói tới “Mầu Nhiệm Giáo Hội” theo ngôn ngữ thần học chính thống. Cuốn sách xoay quanh các chủ đề: “làm Giáo Hội” theo đường hướng nào? Làm bằng cách nào? Làm trong tâm tình nào? Làm với ai? Đâu là những khó khăn trước mặt v.v.

 

Xin được ghi lại theo những tóm lược “đóng khung” trên những trang sách của chính tác giả.

 

Chương 1: Chúng ta “làm” Giáo Hội, tác giả xác tín: Làm nên Giáo Hội với từng viên gạch bé mọn trong bản thân và cuộc đời, mỗi ngừơi một tay, làm nên một vòng tay lớn bao quanh mặt địa cầu. Mỗi người kitô hữu là một viên gạch làm nên Giáo Hội với anh chị em khác. Ngày ngày ta thắp sáng ngọn đuốc ý thức: Tôi là một Đức Kitô đang thành và sẽ thành. Tôi đang và sẽ sống lại như Ngài, với Ngài và nhờ Ngài. Nhiều người ở ngoài cộng đoàn tín hữu mà tin vào Đức Kitô, thì dù chưa nhận lãnh phép thánh tẩy cũng nhận được Thần Khí Chúa và thuộc về Giáo Hội.

 

Làm đồ đệ Đức Kitô là từ bỏ con người cũ, nhìn với hai con mắt của Ngài, suy tư theo cách của Ngài, chọn lựa và thực hiện con đường nhu hòa, khiêm hạ nhập thể và tại thế của Ngài, chia sẻ số phận của tuyệt đại đa số quần chúng.

 

Giáo Hội của Chuá Kitô là con đường đi ngang qua quả tim của mỗi người. Đến với mọi người. Lắng nghe mọi người. Thoa dịu vết thương của mọi người. Mang đến cho mọi người hạt mầm sống lại.

 

Làm Giáo Hội là chết và sống lại trong từng giây phút, ở đây và bây giờ. Là đi đường Thánh Giá. Không có con đường thứ hai nào khác, ngoài con đường cách tâm “mêtanôya”, nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân, theo Tin Mừng của Đức Kitô.

 

Làm Giáo Hội là học tập, tôi luyện thường xuyên mỗi ngày. Là phát triển liên tục, nhắm vươn tới tầm vóc của Đức Kitô: yêu thương, thứ tha, an lạc và thức tỉnh, nhờ Thần Khí Chúa phù trợ.

 

Chương 2: Chúng ta là Adong và Eva-mới trong lòng của Giáo Hội.

Con người là trung tâm và trọng tâm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tất cả là vì Adong và cho Adong. Con đường của Đức Kitô đã vạch ra đậm nét trong Kinh Thánh. Để  trung thực với Ngài, hãy suy niệm Tin Mừng với toàn thể Giáo Hội.

 

Bộ mặt thứ nhất của Thiên Chúa: Ngài dùng Lời để tạo dựng vũ trụ, con người, Lời Ngài là sức sống, lẽ sống của chúng ta. Bộ mặt thứ hai của Thiên Chúa: Ngài hạnh phúc trước kỳ công của Ngài. Vì vạn vật giống như Lời Ngài: Thiên Địa Nhân là một khối hòa đồng, hòa hợp, hòa âm, hòa điệu, hòa thuận với nhau…Bộ mặt thứ ba của Thiên Chúa: Ngài tra tay vào việc tạo dựng con người. Bộ mặt thứ bốn của Thiên Chúa: là người thân, thăm viếng, lắng nghe, đối thoại, trao đổi, cảm thông và đồng hành với con người.

 

Giáo Hội là giải pháp để Chúa Kitô có thể ra đi, mà vẫn tiếp tục ở lại với loài người chúng ta.

 

Chương 3: Giáo Hội thể hiện con đường thứ tha của Đức Kitô.

 

Đức Kitô tỏ cho thấy lòng Cha từ ái đối với đứa con hoang đàng, đối với con chiên lạc đàn, đối với người nữ ngoại tình, đối với kẻ đóng đinh Ngài. Ngài dạy phải tha thứ đến bẩy mươi bẩy lần, nghĩa là vô điều kiện, mãi mãi…Thật vậy, thứ tha là bản chất của Giáo Hội của Đức Kitô

Muốn nói và làm như Đức Kitô, chúng ta cần phải học tập có phương pháp, để có một lối nhìn, một tình cảm, một tư thế tâm linh giống Đức Kitô. Mẹtanôya là canh tân lối nhìn, là khuất phục được nỗi lo sợ để chia sẻ tâm tư với người khác, là thứ tha cho người cũng như được người thứ tha.

 

Chương 4: Giáo Hội là Me

 

Mẹ Giáo Hội là một cấu trúc tổng thể, gắn bó với nhau. Giáo hội nào cũng phải là một giáo hội địa phương. Nhưng các giáo hội địa phương sẽ chết ngộp nếu không có cửa thông với nhau trong đại thể Giáo Hội hoàn cầu và thông với Quê hương, Nhân loại.

 

Mẹ là lời mời gọi con và cũng là tiếng đáp trả mỗi khi được gọi. Lời Mẹ có sức sáng tạo và định đoạt hướng đi lên của con.

 

Chuyên cần đào luyện, người giáo dân thường xuyên học tập sống Tin Mừng giữa lòng dân tộc và xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật Đền thờ Chúa Thánh Linh. Vì Giáo Hội là một cấu trúc mở rộng, nếu cấu trúc không tiến là thối, không linh động là bị động, không mở ra là tự sát.

 

Sống Mầu Nhiệm Giáo Hội là mỗi tín hữu sống thật mối quan hệ  mẹ-con trong bản thân mình. Mỗi tín hữu vừa là Mẹ yêu thương mọi người và đồng thời làm con của Giáo Hội Mẹ chúng ta.

 

Chương 5: Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội.

 

Linh hồn vô hình vô tượng, nhưng nhờ linh hồn mà ta sống được, nếu không, chúng ta chỉ là thây ma thôi. Chúa Thánh Linh là linh hồn nuôi sống và củng cố Giáo Hội suốt giai đoạn trầm luân cho đến ngày vinh hiển.

 

Hơn ai hết, Chúa Thánh Linh là người biết lắng nghe. Bản chất của Người là lắng nghe. Thánh Linh là quà tặng trọng đại và cao cả nhất mà Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội, cho mỗi người chúng ta.

 

Mỗi người chúng ta có hai nhiệm vụ nuôi dưỡng và củng cố anh chị em chúng ta, như Chúa Kitô đã nhắn nhủ Phêrô về Giáo Hội.

 

Chương 6: Mẹ Maria mẫu thức nguyên khai của Giáo Hội.

 

Trong các nền văn hóa, “mẫu thức nguyên khai” đều có mặt trong ngôn ngữ hình tượng. Ví dụ hình tượng Trời và Đất đẻ ra hai loại hình tượng đông đúc: Trời là cha, ánh sáng, đường đi… Đất là mẹ, cung lòng, bầu sữa …Theo nghĩa hình tượng này, Mẹ Maria là mẫu thức nguyên khai của Giáo Hội và mọi người tín hữu.

 

Ngay sau khi phản bội, nguyên tổ loài người đã được loan báo Tin Mừng tha thứ. Và sau bao nhiêu thế hệ kế tiếp, cơ duyên đã đến với Mẹ Maria, người nữ cưu mang Tin Mừng Cứu Độ. Cửa huyền vi đã mở rộng với sự xuất hiện của “người nữ đạp đầu rắn phản loạn”.

 

Như Mẹ Maria, Giáo Hội có sứ mệnh chấp nhận vô điều kiện con người, yêu thương con người như Con đẻ từ xương thịt máu mủ của Mẹ. Có Đức Tin vào con người, vì có Đức Tin nơi Chúa Kitô. Đức Tin chưa phải là điểm đến. Đức Tin là con đường. Con đường dẫn hạt nước đi vào Biển Cả. Để từ từ trở thành Biển Cả.

 

Chương 7: Bóng đêm của Đức Tin trong lòng Giáo Hội

 

Theo tâm lý học Đức Tin xuất phát từ một bản đồ tâm lý gồm 4 chủ đề: khuynh hướng hơn và thua, khuynh hướng biện luận, duy lý, khuynh hướng ém nhẹm, dồn nén, và khuynh hướng đơn phương kiểm soát.

 

Bản đồ Đức Tin gồm tất cả những gì đảo ngược lại 4  khuynh hướng trên, 180 độ.

 

Một, theo cái nhìn của Đức Tin, chúng ta là một giá trị. Và người đối diện cũng là một giá trị.

 

Hai, Đức Tin là chia sẻ, ngồi lại với nhau, sống với nhau.

 

Ba, Đức Tin là nuôi dưỡng nhau, củng cố nhau bằng cách lắng nghe nhau để giúp nhau tìm ánh sáng.

 

Bốn, Đức Tin là nhận biết người anh em, bất kể họ là ai, họ làm gì, họ thuộc mầu da, chủng tộc và chính kiến nào.

 

Nhờ bản đồ Đức Tin, chúng ta phát huy khả năng cho và khả năng sống hạnh phúc.

 

*

Chúng tôi đã cố gắng dùng ngôn từ cô đọng của tác giả để tóm lược những gì ông đã chia sẻ trong cuốn sách của ông. Tuy nhiên, nếu độc giả tìm đọc cuốn sách “Em là Đại Dương” thì lại có một cảm nhận khác hẳn. Ông viết như một lời chia sẻ, ông rủ rỉ tâm tình. Ông dùng hai nhân vật Mây Hồng và Khánh Vân làm đối tượng để bộc lộ tâm tư và dùng khoa tâm lý thực dụng là sở trường của ông để phân tích ngọn nguồn. Ông coi tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội như đôi tình nhân với những ẩn dụ ngoài đời. Có nhiều chỗ ông nói đến “Chàng” và “Nàng”.

 

Như ta đã biết, Nguyễn Văn Thành là một nhà thần học và một nhà tâm lý thực dụng. Với sở trường sẵn có, ông trình bầy vấn đề theo ngôn ngữ chuyên môn của ông, tuy khó nhưng lại dễ hiểu, mặc dầu đàng sau ẩn chứa những điều khiến ta phải suy nghĩ. Đọc ông ta thấy thích thú và kỳ lạ.

 

Theo tôi hiểu, cuốn sách “Em là Đại Dương…” được viết ra sau khi ông tham dự môt khóa tĩnh tâm khá đặc biệt dành cho giáo dân. Ở đó, người ta nói tới giáo dân “là” Giáo Hội thì với ông giáo dân “làm” Giáo Hội.

 

*

Trong Lời Giới Thiệu cuốn sách, Trần Ngọc Báu ghi nhận một cách hết sức nhiệt tình: “những cảm nghĩ riêng tư về tác phẩm lạ lùng có một không hai này’. Theo TNB “Em là Đại Dương muốn nói lên cuộc tình duyên kỳ ngộ của tôi của bạn với nhau và với những người khắp năm châu bốn bể cùng có chung một mối tình duyên với Đức Kytô”. Đây là :” cuộc giao duyên giữa “Em” là hạt nước với đòan thể người tin Chúa là “Đại Dương” nghe ra như có chút gì trơ trẽn bẽ bàng, trong cảm nghĩ cũng như trong thực tế, và vì thế mà xem ra có vẻ kỳ bí khó hiểu hơn”. Và ông ghi thêm để luận giải:”Bàn về Giáo Hội như là một “cuộc giao duyên thần kỳ giữa “Em” và “Đại Dương”, tác giả tỏ ra dứt khoát đưa chúng ta vào cái mà danh từ nhà đạo gọi là “Mầu Nhiệm Giáo Hội”, tức là cái mà trí năng loài người không thể thấu đạt được.”

 

Ông Trần Ngọc Báu tóm lược cuốn sách trong một đoạn súc tích như sau:

 

Giáo Hội chỉ có thựcsống thực khi cùng nhau “Chúng ta làm Giáo Hội” (Chương I). Chúng ta làm Giáo Hội theo đường hướng nào? Thưa, đó là góp công tái lập chương trình của Thiên Chúa đối với mỗi người trong chúng ta: “Chúng ta là Adong và Evà mới (Chương 2). Chúng ta làm Giáo Hội theo cách nào? Thưa, theo mẫu thức hay mô hình của Đức Kytô là Đấng đến để thứ tha: “Giáo Hội con đường thứ tha” (Chương 3). Chúng ta làm Giáo Hội theo tâm tình nào? Thưa, như một người con ăn ở hiếu thảo với mẹ mình, bởi “Giáo Hội là Mẹ” (Chương )…Chúng ta làm Giáo Hội với ai? Thưa, là với nhau…..Ở đây, “Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội”( Chương 5). Hơn nữa, chúng ta làm Giáo Hội là nối dài và mở rộng con đường của “Mẹ Maria” (Chương 6)…Và chúng ta làm Giáo Hội cho dù phải đi trong “Bóng đêm của Đức Tin” (Chương 7) (trang 2).

 

Cũng vẫn Trần Ngọc Báu, “Nét độc đáo của “Em là Đại Dương” nổi bật ở chỗ tác giả không dùng những ngôn từ thuộc phạm trù thần học, cũng không dùng lối bố cục mạch lạc để biện luận thần học. Kỳ lạ là chính cái nét độc đáo ấy lại làm cho tác phẩm hóa nên rất thâm về thần học.”

 

*

Gấp tập sách lại, tôi bâng khuâng, không biết mình đã làm được những gì trong muôn một mà G.S. Nguyễn Văn Thành đã gửi gấm trong tác phẩm của mình. Nguyễn Văn Thành là một tác giả lớn.

 

Phải kể tới công lao của Định Hướng là nhiệt tình phổ biến sách và các bài viết của Nguyễn Văn Thành. Công của Định Hướng Tùng thư và Tập San Định Hướng được khai sinh và phát triển nhằm biểu hiện sự liên tục của giòng sinh mệnh văn hóa của người Việt bất chấp những khó khăn của hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Cho đến nay, Định Hướng Tùng Thư đã ấn hành được trên 60 nhan sách đủ loại và Tập San Định Hướng đã có mặt trên 14 năm với 52 số.

 

Đọc tiểu sử của G.S. Nguyễn Văn Thành với một bề dầy được tôi luyện về thần học, tu đức, tâm lý, giáo dục cộng với sự dấn thân và lòng chân thành đối với Giáo Hội và Dân Tộc. Nay ông ra đi nhưng đã để lại cho đời những đóng góp đáng kính nể, thể hiện trên 28 tác phẩm, chưa kể đến những bài viết và bản thảo còn lưu trữ.

 

Trong Điếu Văn đọc ngày hạ huyệt, 17.11.2008, G. S. Nguyễn Đăng Trúc có nói: Chính nhờ nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn, ngưồn sinh lực mà tác giả Nguyện Văn Thành gọi là Phật tính, là Thần Lực của Thánh Thần Thiên Chúa ban cho mỗi người, mà Nguyễn Văn Thành đã vượt qua, vượt lên được những dị dạng, vấp ngã, yếu hèn mà mỗi người, anh, tôi, tất cả chúng ta, đang mang trong người, để tìm gặp, tôn trọng, tha thứ, thân thương và khoan dung một cách thành thực đối với nhau.

 

Chính nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn ấy thúc đẩy Nguyễn Văn Thành thể nghiệm những bước đường canh tân, đối thoại và thành thực yêu thương trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp văn hóa giáo dục của mình:

 

Không phải Nguyễn Văn Thành đã khai phá được con đường có thể gặp ggiữa văn hóa dân gian, văn chương quần chúng với kiến thức khoa học hàn lâm hay sao?

 

 

 

Nguyễn Đức Tuyên
Số lần đọc: 1871
Ngày đăng: 08.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Góp Phần Nhận Định về Sự Du Nhập Của Nho Giáo : Vào Việt Nam Dưới Thời Bắc Thuộc - Phạm Cao Dương
Biểu tượng văn hóa cửa thiền giữa dòng thế tục - Trần Kiêm Ðoàn
Từ Triết Lý Âm Dương, Ngũ Hành Nghĩ Về Một Cách “Chào” Mang Bản Sắc Việt Nam - Mai Bá Ấn
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu -2 - Nguyễn Quỳnh USA
Viên Ngọc Quý Của Du Lịch Vũng Tàu - Đinh Văn Hạnh
Du lịch duyên hải nam Trung bộ: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VĂN HÓA BIỂN - Đinh Văn Hạnh
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu - Nguyễn Quỳnh USA
Dân Chủ và văn hóa Việt Nam - Nguyễn Đăng Trúc
Nhìn Nhận Phạm Quỳnh Trong Quá Trình Phát Triển Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX Đến Năm 1945 - Trần Thanh Hà
Văn-Hóa Việt-Nam 18 - Nguyễn Thế Thoại