Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.090
123.138.890
 
Dạy con khôn đặng chúng còn dắt ta đi?
Lê Hải*

 

Chú thích ảnh: Trẻ em ở Anh được chơi và học về thiên nhiên rất sớm, từ khi chưa vào mẫu giáo, qua các hoạt động do địa phương tổ chức

 

Dù muốn hay không thì chúng ta vẫn đang phải sống trong thời đại mà bọn trẻ sẽ dắt ta đi. Cho nên, ngoài việc tự dò dẫm tìm đường trong thế giới mới này, chúng ta còn phải gánh vác nhiệm vụ bất khả thi (mission impossible – như tên bộ phim nổi tiếng của Tom Cruise) là định hướng cho con từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Bạn không thể bắt con đi theo kinh nghiệm của mình - những thứ giờ đây đã rất lạc hậu và rất có thể có hại cho  tương lai của con – mà phải lo chuẩn bị cho con biết tự bước ra thế giới. Tôi rất tâm đắc với những chia sẻ rất sống động - cả ủng hộ lẫn phản đối - của các bậc phụ huynh từ nhiều nơi chốn và thế hệ khác nhau sau bài viết trước, nối tiếp nhau trên trang báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhưng không thể đồng ý với chuyện quí vị dường như chỉ hình dung ra đứa trẻ mà mình dạy đang ở lứa tuổi vị thành niên. Quá trình dạy con bắt đầu từ rất sớm, trước cả lớp mẫu giáo, thậm chí không chỉ từ lúc trong bụng mẹ mà còn bắt đầu từ việc uống acid folid từ khi trứng chưa thụ tinh để giúp não của bào thai phát triển.

 

Có lẽ cũng nên bàn sơ một chút về trí thông minh. Nhiều người tin rằng đó là do gien hay tự nhiên có nhưng không ít nhà giáo dục nghĩ rằng đây là điều có thể đào tạo được từ ngay môi trường gia đình. Ta có thể khảo sát các bài test IQ để hiểu người ta định nghĩa thế nào về trí thông minh, và thấy đây là khái niệm mô tả khả năng của trẻ biết cách nhận biết vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý. Như vậy mấu chốt ở đây là nhận thức và giải pháp, mà nhờ quá trình lặp đi lặp lại các bài tập lựa chọn ta có thể giúp trẻ hình thành tư duy theo mô hình thông minh đó. Buổi sáng con thích ăn xôi hay ăn phở? Buổi chiều con thích vẽ tranh hay học đàn? Buổi tối con thích nghe kể chuyện Lang Liêu với Bánh Chưng Bánh Dày hay An Tiêm với Dưa Hấu? Khi con thích một món đồ nào đó, một thói quen nào đó, hay một thú vui, trò chơi nào đó thì câu hỏi cần thiết luôn là "tại sao", để giúp bạn hiểu con, hình dung ra cách suy nghĩ của con, và quan trọng hơn cả, là giúp con biết cách trình bày suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, hệ thống hóa tư duy logic, tức là khôn hơn theo cách đánh giá của các nhà tâm lý học giáo dục. Cho nên, bậc cha mẹ muốn con thông minh thì nên khuyến khích con tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh theo đúng qui trình nhận thức, mà lý thuyết vốn rất sẵn trong các quyển giáo trình triết học Mác-xít, chương bàn về con đường từ vật chất đến ý thức.

 

Bạn có thể hướng cho con mình sớm thành con khôn, trò ham học hỏi bằng cách rất đơn giản là khuyến khích trẻ lựa chọn từ khi còn rất bé. Lúc em còn nằm trong nôi, chúng ta đã có thể kích thích em suy nghĩ bằng cách khi đưa đồ chơi thì chịu khó cầm hai món đồ chơi khác nhau để cho em chọn một trong hai. Chọn lựa chính là cách để bé phân biệt thế giới xung quanh: cái này màu xanh, cái kia mà đỏ; đây là con mèo, kia là con chó; món đồ này có bài nhạc sôi động, món đồ kia có bài nhạc tình cảm v.v. Khi phải phân biệt giữa hai món đồ vật đơn giản cũng là lúc não em bé học tập theo hệ thống nhị phân - chọn một trong hai - luôn phổ biến trong cuộc sống của chúng ta: tốt-xấu, trên-dưới, trái-phải, trong-ngoài, sáng-tối, ngày-đêm, trai-gái v.v. Khuyến khích bé chọn lựa từ khi mới 6 tháng tuổi là ta đã giúp bé nhận biết thế giới xung quanh sớm hơn bạn đồng lứa rất nhiều. Cách dạy này có thể áp dụng cho suốt cả giai đoạn sau khi bé lớn và vào mẫu giáo, lên cấp một. Khi đứng trước một vấn đề, thay vì ngay lập tức bảo con làm theo ý mình, sẽ tạo ra tính ỷ lại, thì bạn có thể cùng con phân tích rồi đưa ra hai giải pháp và chọn một trong hai giải pháp đó - không chỉ giúp con thông minh mà còn tạo tính độc lập trong tư duy, rất cần thiết cho cuộc sống khi trưởng thành. Chuyện lựa chọn có thể áp dụng bất kỳ nơi đâu, ví dụ như khi vào nhà hàng đọc thực đơn chọn món ăn, thay vì bắt con phải ăn món mình thích thì ta có thể cùng con nghiên cứu xem chọn món nào trong phần thực đơn dành cho em bé, và cân nhắc tại sao chọn món này bỏ món kia. Đó không phải là thú vui khi người ta đi ăn nhà hàng sao? Tương tự vậy, cuối tuần ta có thể để con chọn ra rạp xem phim, hay vô nhà hát xem kịch, giúp bé tăng cường vốn văn hóa. Đặc biệt, khi đã để cho con lựa chọn thì chúng ta cũng đã tự động chấp nhận mô hình dân chủ giữa cha mẹ với con cái trong gia đình, và phải tuân theo quyết định của con. Tất nhiên, có nhiều cách để con luôn chọn lựa theo hướng chúng ta thích, nhưng đó lại là đề tài cho một bài viết khác mất rồi.

 

Đã bàn đến chuyện dạy con từ thuở còn rất thơ thì cũng cần đánh giá kỹ hơn về nhu cầu dạy con khôn hay con ngoan là quan trọng hơn, cũng là một cách để nhìn lại mình. Sau gần 10 năm nghiên cứu trẻ em Việt Nam, TS Helle Rudstrom (nay là PGS hai khoa Giới tính và Nghiên cứu ĐNÁ tại đại học Lund của Thụy Điển, trang nhà ở địa chỉ lu.se/o.o.i.s/23624) đã in quyển sách phát triển lên từ luận văn tiến sĩ có tựa đề Đậm đà đạo đức: Lớn lên nơi miền quê Bắc Việt (Embodying Morality: Growing Up in Rural Northern Vietnam, NXB Đại học Hawaii xuất bản năm 2003), mà hình ảnh ấn tượng nhất ngay đầu sách là cảnh mỗi buổi sáng trong một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội, các bà các cô dắt con dắt cháu đi vòng quanh và tập cho em bé biết chào ông, chào bà, chào anh, chào chị, chào cô, chào chú. Trong một câu chuyện về anh bạn đồng nghiệp người Hà Lan mà nay đã là GS John Kleinen, tôi từng được nghe giải thích về cái biệt danh "ông Tây đi thẳng" của anh. Số là vì trong thời gian sống cùng với người dân trong một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội, sáng nào ra đường anh cũng gặp những người nông dân Việt Nam vui vẻ chào hỏi "ông Tây đi đâu đấy". Sau một thời gian lúng túng không biết trả lời thế nào, và cũng thực sự đang không biết đi đâu, anh trả lời "ông Tây đi thẳng", không rẽ phải, cũng chẳng quẹo trái. Hai câu chuyện vừa kể có cùng một góc nhìn vào văn hóa Việt Nam, cho phép chúng ta tự hiểu cuộc sống của mình và thói quen đã được gia đình tạo lập, cũng như cách dạy con thừa hưởng từ truyền thống. Nhiều khả năng bạn sẽ hướng đứa bé thành "con ngoan, trò giỏi", vâng lời cha mẹ, làm đúng theo lời dạy của thầy cô, biết phân biệt và tuân theo thang bậc xã hội, luôn phục tùng anh, chị, cô, dì, chú, bác, ông, bà v.v. nhưng không được tạo điều kiện để phát triển trí thông minh và tinh thần sáng tạo. Chọn một trong hai hay tìm cách phối hợp để con vừa ngoan vừa khôn là chuyện bạn phải tự cân nhắc, vì thực ra nếu “ngoan” hiểu theo nghĩa có kỷ luật thay cho cách hiểu luôn vâng lời thì là điều rất tốt cho bé. Tự lập trong tư duy khám phá đi kèm với kỷ luật trong cuộc sống và học tập luôn là hai điều kiện cần thiết nhất để chuẩn bị cho trẻ thành học sinh giỏi.

 

Dạy con cũng không có nghĩa là chỉ nạp kiến thức theo một chiều, mà còn là quan sát và học hỏi từ con nữa, như tôi tiếp nhận được từ hệ thống trường học cộng đồng ở Anh mà con gái đang theo học. Một trong số những phương pháp hiệu quả để đánh giá quá trình nhận thức của trẻ mà tôi được trường mẫu giáo của con giới thiệu là hệ thống schema trong ngành tâm lý giáo dục trẻ em, giúp bạn nhận biết xem bộ não của bé đang suy nghĩ điều gì thông qua những hành động bé đang làm. Ví dụ, có lúc bỗng nhiên trẻ thích nhảy trên đệm lò xo, thì hành động đó không nhất thiết là phá phách, mà chỉ đơn giản là vì trẻ bỗng nhiên nhận thức được khi nhảy lên rơi xuống thì tầm nhìn của mình sẽ thay đổi cao thấp khác nhau, giúp trẻ phân biệt độ cao. Tương tự vậy, khi đổ đồ chơi từ trong thùng tràn lan ra khắp nhà thì không hẳn là do trẻ nghịch ngợm muốn bố mẹ dọn, mà đơn giản là vì phát hiện thấy đâu là bên trong và đâu là bên ngoài. Hay việc ném đồ vật và thức ăn liên quan đến cảm nhận xa gần, đánh tay đá chân vào người khác liên quan đến cảm nhận va chạm và lực phản hồi v.v. Có rất nhiều những hành động như vậy đã được các nhà tâm lý học chuyên về trẻ em nghiên cứu và đặt tên khái niệm là schema, hệ thống hóa các nhóm hành động liên quan đến các quá trình nhận thức khác nhau. Những tài liệu này thường rất dễ tìm trên mạng hay nhắc đến qua các tình huống cụ thể trong những quyển sách dạy con mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy đã dịch sang tiếng Việt. Nhưng có lẽ bạn cũng cần nhớ rằng phương pháp này nghe thì dễ nhưng thực hiện sẽ không dễ. Đúng vậy, để dạy con thông minh thì trước hết ba mẹ phải học để mình thông minh ít nhất là hơn con, một cuộc chạy đua mệt mỏi nếu con bạn ngày càng thông minh hơn với tốc độ chóng mặt như bước tiến kỹ thuật đương đại./.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2219
Ngày đăng: 14.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bình Luận Đề Thi Đại Học Môn Văn Năm 2012 - Phạm Ngọc Hiền
Thực trạng xã hội hóa sân khấu - Tuấn Giang
Anhekđot - Huỳnh Văn Úc
Giả đạo phạt Quắc - Huỳnh Văn Úc
Nghĩ về một tương lai đầy ẩn số trong tay thế hệ trẻ - Lê Hải*
Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo Viện trưởng viện văn học - Trần Mạnh Hảo
Ngọn giáo - Huỳnh Văn Úc
Ksenia Sobchak - Huỳnh Văn Úc
Việt Nam không có báo lá cải ? - Tu Hú
"Ai cũng biết chỉ tổ chức tham mưu không biết" - Diệp Văn Sơn
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)