Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
861
123.135.762
 
Đổi mới sân khấu toàn bộ sân khấu
Tuấn Giang

 

Đổi mới sân khấu là đổi mới toàn bộ sân khấu: hệ thống các rạp, kỹ thuật điều khiển sân khấu, âm thanh, ánh sáng, nghệ thuật biên kịch, nghệ thuật biểu diễn, cuối cùng là hình thức sân khấu phương tiện thể hiện vở diễn. Hệ thống các rạp sân khấu trên cả nước đã quá cũ, chưa có trang bị kỹ thuật sân khấu tiên tiến của các nước trên thế giới, dù cứ hai năm hoặc bốn năm các rạp sửa chữa một lân. Rạp nhỏ sửa hết 200 đến 400 triệu đồng như Nhà hát Cải lương Hà nội, Rạp Cải lương Trần Hưng Đạo, Thành Phố Hồ Chí Minh sửa từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Có một số rạp xây mới như Rạp Hát chèo Kim Mã, nói ý tưởng có vẻ dân tộc, hiện đại, nhưng thực tiễn chỉ là phiên bản một rạp xiếc méo mó, hỏng về âm thanh, ánh sáng, người xem không có cảm giác về một nhà hát dân tộc, hiện đại. Nhà hát Chèo Hà nội, nhìn cấu trúc bên ngoài là một nhà hát có kiến trúc dân tộc, hài hoà màu sắc, nhưng không gian sân khấu bị bó hẹp, khô cứng, thiếu hài hoà, các khối tường chưa thoáng rộng, âm thanh không đảm bảo … Hệ thống rạp quá cũ, lệch lạc về nhiều mặt, chưa có một nhà hát lý tưởng, cái yếu nhất của các nhà hát  thiếu trang bị kỹ thuật hiện đại, âm thanh, ánh sáng quá kém, dù bỏ tiền tỷ trang bị kỹ thuật, nhưng vẫn chắp vá. Các rạp ở Hà nội chưa có dàn âm thanh, ánh sáng nào như New Century, một sàn nhảy thông thường. Các rạp phía Nam, âm thanh, ánh sáng thua sân khấu Lan Anh... Vì những yếu kém ấy, cần đổi mới hạ tầng cơ sở, xây dựng, trang bị lại các rạp hát, cho từng thể loại sân khấu trên cả nước, không cần có nhiều rạp, cần một số rạp đáp ứng công chúng với số đoàn tồn tại đích thực theo hướng xã hội hoá rạp hát và nghệ thuật sân khấu.

 

Sân khấu suốt thời kỳ đổi mới liên tục đổi mới từ hạ tầng cơ sở đến âm thanh, ánh sáng, phương tiện thể hiện ở các khâu, nhưng không đồng bộ chỉ là sự chắp vá không cái nào đặt ra tiêu chí đổi mới. Vì thế, ngay phòng xem của công chúng không đạt yêu cầu, còn kỹ thuật điều khiển sân khấu không có, chẳng ai dám nghĩ tới đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại. Những sửa chữa, trang bị kỹ thuật khá tốn kém tiền của, nhưng chỉ là tiêu tiền vào một cái túi không đáy, còn hạ tầng cơ sở các nhà hát không đổi mới, bởi các nhà quản lý chỉ làm một việc tháo ghế ra bọc lại, bỏ hàng này, dồn bớt hàng kia … Còn nội thất bên trong, đập tường đi bả lại, xây tấm pano mới, ông Trưởng rạp khác lại phá đi … Cứ thế tiêu tiền tỷ mà cấu trúc nhà hát không thay đổi. Về kỹ thuật sân khấu, luôn nghĩ ra kiểu dòng dọc này, phông màn kia … không có cái nào là kỹ thuật điều khiển sân khấu điện tử hoặc sân khấu cơ khí điện tử, vẫn là điều khiển cơ khí thủ công. Nguyên nhân, các nhà đầu tư nhỏ giọt, các nhà quản lý nghệ thuật không đưa ra những dự án khoa học khả thi, không có những hội đồng tư vấn khoa học thực sự để xét duyệt những dự án khoa học. Không ít hội đồng xét duyệt dự án của Bộ Văn hoá Thông tin chỉ là hữu danh vô thực. Năm 2005, Hội đồng khoa học Bộ đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học lại đưa những ông đã nghỉ hưu không biết gì về thực tiễn sân khấu, điện ảnh như ông L. bảo tàng, ông Mạnh Lân … Làm chủ tịch và thành viên của một khối nghệ thuật, cuối cùng đã có những nhận định không đúng, bác bỏ không ít đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực với nghệ thuật. Vì thế, xã hội hoá sân khấu, nghệ thuật, là trả lại những giá trị đích thực cho nghệ thuật và khoa học, sẽ không còn những diễn viên công chức, những tiến sĩ phạch, giáo sư phò ngồi vào các Hội đồng khoa học làm sai lệch sự thật. Đổi mới hạ tầng cơ sở các rạp hát trên cả nước, cần có một dự án xây dựng lại các rạp hát, có trang bị kỹ thuật điện tử, theo hướng xã hội hoá, để các Công ty cổ phần đầu tư xây dựng.

 

Phần phương tiện thể hiện sân khấu, nhiều năm qua các đạo diễn, các nhà chỉ đạo nghệ thuật, hoạ sỹ thiết kế … luôn cố gắng làm mới sân khấu, nhưng chưa tạo thành khuynh hướng của một trường phái. Mỗi vở diễn thử nghiệm một hình thức, một phương tiện thể hiện, nhưng tập hợp nhiều vở diễn lại của một đạo diễn qua mươi vở, sẽ thấy họ chẳng tiến bộ bao nhiêu. Sân khấu kịch lắm bục bệ, chèo, cải lương cũng không thua, hình như càng lắm bục bệ, nhiều cảnh vẽ tả thực, hoành tráng càng dễ thanh toán, nên nhiều vở tham dự Hội diễn chạy theo phông cảnh nhiều hơn là giá trị và ý tưởng nghệ thuật. Hai mươi năm đổi mới sân khấu có các loại trang trí:

- Trang trí tả thực – (Thống nhất hiện thực với sân khấu).

- Trang trí ước lệ – (Khái quá mảng khối).

- Trang trí tượng trưng – (Khái quát hình ảnh biểu trưng).

- Nghệ thuật sắp đặt – (Chọn đồ vật điển hình).

 

Hai hình thức trang trí tượng trưng và nghệ thuật sắp đặt mới du nhập vào sân khấu những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, các đạo diễn, hoạ sỹ có công làm mới sân khấu, nhưng do những hạn chế về không gian và kỹ thuật nên sân khấu chưa thực sự đổi mới. Muốn đổi mới sân khấu, hấp dẫn công chúng phải đổi mới hạ tầng cơ sở, kỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng … tạo điều kiện cho hoạ sỹ, đạo diễn thực hiện đổi mới sân khấu bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Phương tiện ấy, là hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, đạo cụ, mỹ thuật, phục trang, kiến trúc, điêu khắc, hình ảnh khuôn hình nghệ thuật biểu diễn … nhằm đổi mới nghệ thuật sân khấu, tập trung diễn tả hình tượng tác phẩm, đáp ứng lớp công chúng văn hoá, lao động thời đại công nghệ điện tử, đáp ứng sự hội nhập nghệ thuật toàn cầu hoá. Đổi mới sân khấu nhằm phát triển sân khấu, lấy lại chỗ đứng trong lòng công chúng từ vở diễn đến sự phát triển tổng hợp kỹ thuật sân khấu, để có những rạp hát dân tộc, hiện đại, văn minh.

 

Sự xuất hiện các trào lưu nghệ thuật toàn cầu hoá, tác động vào sân khấu và các hình thái nghệ thuật, làm suy giảm công chúng từng thể loại sân khấu và nghệ thuật. Mỗi thể loại sân khấu có phương thức hoạt động tồn tại mang tính tự phát xã hội hoá, từng bước thay đổi hình thức biểu hiện, tạo bước ngoặt lịch sử phát triển sân khấu có những hình thức sân khấu mới ngợi ca, phê phán, giải trí, nhưng chưa đáp ứng công chúng ngày càng đòi hỏi cao.

 

Sự phát triển nhiều nội dung mới, sân khấu ngợi ca trở thành một hình thức sân khấu có tính truyền thống của các loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca … Sân khấu phê phán, sân khấu giải trí là những hình thức mới xuất hiện vì công chúng, đó là kết quả quá trình xã hội hoá sân khấu tự phát. Do những thiếu sót quản lý, chỉ đạo nghệ thuật và sân khấu thời kỳ đổi mới, các nhà quản lý chưa hiểu khái niệm xã hội hoá, đến nay còn chưa quán triệt hết bản chất khái niệm xã hội hoá sân khấu, nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường, nên quá trình xã hội hoá sân khấu gây nhiều đổ vỡ, thất bại trong nghệ thuật và công chúng. Lúc quá đông công chúng, các đoàn tự hạch toán thu chi, cả nước có hàng trăm đoàn sân khấu, khi tan rã từng mảng. Sân khấu có các loại vở diễn câu khách, hạ thấp thẩm mỹ nghệ thuật, sân khấu thị dân vì doanh thu … xuất hiện nhiều hình thức trình diễn kém thẩm mỹ vẫn không có công chúng để tồn tại. Nhưng hai mươi năm đổi mới đã có những bước phát triển sân khấu, bên cạnh sự lộn xộn mất phương hướng nghệ thuật, các thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca … có những vở diễn thành công. Qua thực tiễn sân khấu có hướng mới, tồn tại vì công chúng, từng bước thực hiện xã hội hoá các đoàn Nhà nước, tư nhân, ổn định, phát triển nghệ thuật.

 

Những biến đổi xã hội thay đổi quan hệ sản xuất, quan hệ con người trong nền kinh tế thị trường, từng bước phát triển sân khấu, nghệ thuật, hình thành nền sân khấu kinh tế thị trường, xã hội hoá sân khấu là thực trạng sân khấu thời kỳ đổi mới. Sân khấu xã hội hoá, tạo ra diện mạo sân khấu thời kỳ đổi mới, hình thành phương thức hoạt động tồn tại vì công chúng./.

 

Thanh Xuân Bắc-Hà Nội: 2012.

 

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3441
Ngày đăng: 15.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cần đổi mới sân khấu - Tuấn Giang
Tôi Tên Là Louis Amsterdam - Nguyễn Quỳnh USA
Sân Khấu Mộc Thầu Hý - Giá Hai. - Tuấn Giang
Sang-Đi Đừng Để Em Mong! - Nguyễn Quỳnh USA
Vài Ghi Nhận Về Kịch - Nguyễn Vy Khanh
Sơn Ca 1 - Sâm Thương
Sơn Ca 2 - Sâm Thương
Sơn Ca 3 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 1 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 2 - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)