Với cuộc phỏng vấn vừa theo quy cách phỏng vấn vừa pha lẫn với hàn huyên tâm sự có tính chất thân mật do quen biết, nhà báo Nguyễn Ngu Í dẫn dắt ta vào sự tìm hiểu nghiệp văn của 12 nhà văn nhà thơ có tiếng tăm trong Văn Học Miền Nam trước 1975. Có biết bao nhiêu chi tiết về cuộc đời sáng tác biên khảo của họ được phơi bày, nhưng trong khuôn khổ vừa phải, người viết bài này chỉ kể ra một hai chi tiết gọi là mới chưa thường nhắc tới trong sách báo trước đây, chỉ có trong cuốn sách này của Nguyễn Ngu Í. Cuốn sách mang tên: “Sống Và Viết Với Nhất Linh, Lê Văn Trương, Lê Văn Siêu, Á Nam, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường”, xuất bản trước 1975, Xuân Thu tái bản tại California sau 1975. Để qua những chi tiết về một đời văn có nhiều ghi chép trong sách báo thì ta không tiếc vì chúng đã được lưu lại; nhưng nếu bỏ qua một số chi tiết mới chỉ có trong sách này của Nguyễn Ngu Í thì rất uổng (do biết mà không phổ biến). Một đôi lần ta có đọc trên sách báo trước đây về tấm lòng quý trọng văn học của ông Nguyễn Ngu Í; riêng trong sách được minh thị với vài dòng thủ bút của Lê Ngọc Trụ ghi nhớ “tấm lòng” và “tâm hồn” đặc biệt ấy của Nguyễn Ngu Í.
Và độc giả cũng nhận ra điều này khi đọc trong Bách Khoa thời gian ông còn cộng tác với Tạp chí: Ông đồng ý đăng miễn phí vài lời nhắn tin như cải chính tên hay bút hiệu cho vài bạn trẻ mới đóng góp được một số bài thơ trên các báo; mới là giới trẻ nên họ nhờ cải chính khiêm tốn, nhưng ông sửa đổi lời lẽ cho có vẻ “mạnh miệng”, chững chạc. Bàng bạc trong cuốn sách này là tấm lòng và tâm hồn ấy qua những câu hỏi phỏng vấn, qua chợt nhớ đến một điều nào đó khi lắng nghe lời giải đáp của nhà văn. Nhưng bài viết này không cốt nêu ra hết những bộc lộ tâm hồn Nguyễn Ngu Í, chỉ cốt nêu ra một hai chi tiết mới về văn học của từng tác giả được phỏng vấn. Nhờ phỏng vấn rồi chợt nhớ, rồi được hồi đáp đầy đủ, mà ta biết thêm những điều mới. Những tiết lộ qua trò chuyện giúp cho ta biết chi tiết về nguyên nhân làm “thai nghén” tác phẩm (với đoạn viết về nhà văn Nhất Linh). Cũng kiểu ấy, ta biết thêm về thời cuộc có liên hệ đến văn học của một thời kỳ (với đoạn viết về nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải). Hoặc biết tỏ tường thời điểm lên và xuống của loạt tiểu thuyết với nhân vật người hùng (trong đoạn viết về nhà văn Lê Văn Trương). Hoặc biết thêm sách nào bán chạy hoặc bán chậm; cũng như tác phẩm “Khu Rừng Lau” sáng tác từ lâu nhưng được sắp xếp lại ở HàTiên khi Doãn Quốc Sỹ làm Hiệu trưởng Trung học nơi đó, năm 1960-1961(với đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ). Hoặc cho ta biết rõ vì sao Nhóm Hàn Thuyên khi thì bị ngộ nhận là công cụ của Sở Mật Thám Pháp, khi thì bị ngộ nhận thuộc hệ-phái Đệ Tứ Quốc Tế (với đoạn viết về nhà biên khảo Lê Văn Siêu). Hoặc giúp ta trước đây nhớ mơ hồ nay biết đúng thời điểm nhà xuất bản “Yểm Yểm Thư Trang” không còn hoạt động, cũng như cho ta biết nhà thơ Đông Hồ có lần được phân công đi dự Hội Thơ Quốc Tế tại Bỉ-Quốc năm 1961, nhưng chuyến đi bất thành. Hoặc để biết vì sao nhà văn Sơn Nam bị ngờ vực từ trước 1975, dù phần lớn truyện của ông chỉ chuyên viết về khai phá đất đai phương Nam thuở xa xưa, hoặc những chuyện ma chốn đồng quê Cà Mau. Nhờ phỏng vấn thân tình của Nguyễn Ngu Í, nhà văn Bình Nguyên Lộc tiết lộ một cách vui vẻ về vụ báo mình bị ém ra sao. Cũng nhờ qua phong cách quý trọng văn chương chữ nghĩa của Nguyễn Ngu Í, nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ tâm sự cơ duyên không ngờ đến giúp ông gắn bó với ngữ học. Với người đồng điệu trong cải cách viết chữ quốc ngữ (như viết “I ngắn” thay vì “y hay I dài”; dùng “b thay cho dấu sắc” như “tib thay vì tiếp” trong ý muốn loại trừ 5 dấu trong chữ Việt), nhà phỏng vấn Nguyễn Ngu Í tâm đầu ý hợp với dịch giả Vi huyền Đắc. Qua tâm sự, Vi Huyền Đắc có ý truyền kinh nghiệm khi làm những tác phẩm đổ sộ như Bách Khoa Tự Điển Việt Nam; công trình lớn và khó tiêu thụ như vậy thì nên thực hiện bằng công sức của chính phủ hợp cùng ủy ban soạn thảo; còn tư nhân dù là nhóm hay đoàn cũng khó thành công. Với đoạn viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, ngoài những kể lại đức tính cần mẫn, làm việc có giờ giấc rất trật tự và khoa học của học giả mà nhiều sách báo đề cập; Nguyễn Ngu Í còn có dịp làm ta biết thêm vài điều mới như thời cuộc nào khiến Nguyễn Hiến Lê bị kẹt ở thành phố Long Xuyên đến 7 năm, và nhờ chỉ làm việc ban đêm nên ban ngày rảnh rang khiến ông viết được cuốn sách đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”. Đoạn viết sau cùng dành cho nhà văn Hồ Hữu Tường. Có một thời gian ngồi tù Côn Đảo cùng Hồ Hữu Tường, nhà phỏng vấn Nguyễn N gu Í (tên thật là Nguyễn Hữu Ngư, quê quán Quảng Ngãi) càng nghiêng về chuyện vãn tâm tình hơn là phỏng vấn đúng quy cách, nhờ vậy có những chi tiết mới giúp ta thêm hiểu biết nhà văn hóa này.
Cảm hứng nào là nguyên nhân để nung nấu thai nghén thành hình cuốn “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh? Ta biết nhờ một chi tiết mới phát lộ trong cuốn sách “Sống và Viết với…” của Nguyễn Ngu Í. Khi được phỏng vấn đề cập đến cuốn sách “Bèo Giạt” mới quảng cáo ở bìa sau cuốn tiểu-thuyết Bướm Trắng, Nhất Linh cho biết Bèo Giạt là tên khởi đầu thay vì “Xóm Cầu Mới” (Sách đã được các người con của Nhất Linh cho tái bản tại Nam California năm 2002, do nhà xb. Văn Mới ấn hành). Và nhà văn Nhất Linh nói rõ ông đã phác họa nội dung cuốn sách Xóm Cầu Mới do cảm hứng từ bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận. Các câu thơ làm ông như bị lảng vảng về ý tưởng những thân phận nổi trôi trong thời cuộc: “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…”. Như vậy Xóm Cầu Mới của Nhất Linh viết từ cảm hứng bất chợt rồi được đào sâu thành cuốn tiểu thuyết lịch sử. Điều đặc biệt, đây không phải lịch sử làm nên do những nhân vật tên tuổi mà lịch sử do những đời thường, những thân phận bèo giat mây trôi vì thời cuộc, bôn ba vì sinh kế. Vậy đây lại là một bước ngoặt khác của Nhất Linh. Sau thời kỳ Tiểu thuyết Luận đề Đoạn Tuyệt; sau thời kỳ Tiểu thuyết Phiêu lưu Tâm lý Bướm Trắng; sau thời kỳ Tiểu thuyết lịch sử của trí thức tiểu tư sản (?) Giòng Sông Thanh Thủy, bây giờ là Tiểu thuyết Lịch sử của những nhân vật đời thường Xóm Cầu Mới. Từ lâu, ta vẫn nghĩ “Xóm Cầu Mới” khởi điểm từ lý thuyết viết tiểu thuyết lịch sử những đời thường, mà lý thuyết thì động cơ do lý trí. Còn cảm hứng thì động cơ do từ tâm hồn, rồi sau đó lý trí mới dàn trải xây dựng thành một truyện dài.
Và đây là chi tiết mới cho văn học trong đoạn viết về Lê Văn Trương. Nhờ cuốn sách này của Nguyễn Ngu Í mà ta biết rõ thời điểm lên và xuống của tiểu thuyết người hùng. Người hùng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương không phải loại anh hùng lịch sử, loại võ nghệ cao cường, hay loại hoang đường dã sử. Đây là loại anh hùng thấy chuyện bất bằng chẳng tha, loại người hùng gần giống như trong ý nghĩ của Sơn Nam qua câu thơ “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” (Thấy chuyện bất nhân mà không can thiệp thì không phải là người tốt). Nguyễn Ngu Í rất tán đồng loại người hùng này của Lê Văn Trương, nên đoạn viết về Lê Văn Trương hào hứng với 39 trang, đứng đầu trong cuốn sách phỏng vấn này của Nguyễn Ngu í. (Hồ Hữu Tường, người đồng tù Côn Đảo, với 33 trang, đứng hàng thứ nhì). Theo Lê Văn Trương, những người ít từng trải đời, chưa đi khắp thiên hạ, thiếu kinh nghiệm chứng kiến, nên mới nói loại người hùng trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương toàn là “anh hùng rơm”, không tưởng, không thể có trong đời thường. Tiểu thuyết của Lê Văn Trương bán rất chạy vào những năm từ 1935 đến 1945. Đến năm 1964, nghĩa là sau 10 năm di-cư vào Miền Nam, tiểu thuyết Lê Văn Trương chỉ còn ít người đọc, đời sống của ông vất vả bệnh tật. Nhưng năm 1954 và vài năm kế tiếp, sách của ông vẫn còn bán chạy. Lúc ấy, với đời sung túc, ông thuê cả phòng riêng để viết tiểu thuyết ở một khách sạn trên Đại lộ Nguyễn Huệ Sài Gòn; có xe hơi; và mua nhà ở số 100/67 Trần Hưng Đạo gần đường Bùi Viện (thuộc khu vực Tây ba-lô bây giờ). Nguyên nhân sa sút, có phải vì tiểu thuyết của ông không còn hấp dẫn trước viễn ảnh chiến tranh với những dằn co về ý thức hệ, về triết lý Hiện Sinh, về các quan niệm sáng tác mới du nhập từ Tây phương, về thực tế đời sống kinh tế khó khăn lúc chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, lúc có các cuộc tranh đấu Phật Giáo chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả những dồn dập ấy khiến tiểu thuyết của ông như thuộc về quá khứ không còn nữa.
Đoạn viết về Á Nam Trần Tuấn Khải có những nhắc nhở thời quần chúng Việt hết sức tán thưởng nhân vật “anh Khóa” trong thi phẩm “Bút Quan Hoài” của ông: anh Khóa được tiễn chân lên đường sang Pháp du học, du học gồm thâu kiến thức văn minh để khi trở về giúp nước thoát ách đô hộ (chắc đây là hoài vọng có được những nhà thông thái, nhà trí thức cấp cao, có thể tranh đấu chốn nghị trường với chính quyền Pháp?). Khi ông đi xe lửa từ Bắc vào Nam năm 1928, nơi nào phải ghé để đi từng chặng như lúc xuống xe ở Vinh - Đông Hà - Huế - Đà Nẳng - Qui Nhơn - Nha Trang - Sài Gòn (đi từng chặng vì đường xe lửa chưa hoàn toàn thông suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn vào thời ấy), thì ông đều có dịp nghe người ta ngâm thơ hay đọc thơ anh Khóa. Nhắc nhở ấy cho thấy nguyện vọng nung nấu của toàn dân từ Nam chí Bắc muốn thoát ách đô hộ thực dân Pháp. Thi phẩm Bút Quan Hoài xuất bản năm 1924, được tái bản nhiều lần, lần cuối vào năm 1957 tại Sài Gòn. Riêng người viết bài này đã có thấy nó vào năm 1950 tại Tháp Chàm, nơi nhà người bạn học lớp Nhất Tiểu Học (lớp cao nhất bậc Tiểu Học, năm ấy còn phải thi bằng tốt nghiệp bậc Tiểu Học, thi tại Phan Rang): nhớ mang máng hình bìa vẽ người đàn bà gánh nước với màu đen trên nền màu vàng nâu; và cũng nhớ mơ hồ có câu thơ Tản Đà ghi trên hình bìa Bút Quan Hoài: “Non sông nặng một gánh tình/ Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi”.
Đoạn viết về Lê Văn Siêu nhắc ta nhớ Nguyệt san in màu rất hiện đại vào thời 1955 hay 1956, Nguyệt san hình ảnh “Sáng Dội Miền Nam” do Lê Văn Siêu làm chủ bút. Nhớ mang máng trên báo ấy có bài tùy bút của nhà văn Mai Thảo viết về giờ khắc lúc gần sáng của Sài Gòn; với hình ảnh đen trắng những người uống cà phê nóng trút vào dĩa; với hình ảnh xe thổ mộ lắc lư ngọn đèn dầu từ ngoại ô đi vào thành phố; với hình ảnh ánh sáng bình minh bắt đầu đượm hồng trên cột thu lôi Nhà Hát Lớn (tức trụ sở Tòa Nhà Quốc Hội sau này dưới thời Việt Nam Cộng Hòa). Cũng nhớ mang máng đọc trên nguyệt san Sáng Dội Miền Nam 2 bài thơ của Vũ Hoàng Chương xuất hiện lần đầu tiên: Đăng Trình và Mây Sóng Tình Thơ. Nhờ một chi tiết mới, qua đoạn viết về Lê Văn Siêu, nó xóa tan những ngộ nhận Nhóm Hàn Thuyên (hiện diện từ năm 1939 ở Hà Nội). Lê Văn Siêu có chân trong nhóm nên biết rõ những ngộ nhận. Ngộ nhận thứ nhất: Nhóm Hàn Thuyên là công cụ của Sở Mật Thám Pháp, sở dĩ bị ngộ nhận như vậy vì nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh có chân trong nhóm quen thân với người bạn học Pháp lúc ấy với chức vụ Giám Đốc Sở Thông Tin - Báo chí và Tuyên truyền. Sở ấy có công việc riêng khác với sở Mật Thám. Ngộ nhận thứ hai là Nhóm Hàn Thuyên thuộc hệ-phái Đệ Tứ Quốc Tế, sở dĩ bị ngô nhận như vậy vì nhóm có đăng bài và xuất bản sách của Hồ Hữu Tường. Thật ra, theo sự hiểu biết thân cận của Lê Văn Siêu thì cơ sở Hàn Thuyên do gia đình ông anh vợ của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, đầu tiên chỉ là cơ sở nhà in làm việc thương mại. Sau nửa năm thành lập, cơ sở không đủ sống, nên Trương Tửu bày việc xuất bản sách, và khéo léo lèo lái thành công thương mại nhờ xuất bản những cuốn sách có giá trị về Chính Trị và Văn Hóa. Tóm lại Nhóm Hàn Thuyên không phải của Mật Thám Pháp, hay của Đệ Tam hoặc Đệ Tứ dù có sự cộng tác của Đặng Thái Mai hoặc Hồ Hữu Tường.
Nhất Linh và Doãn Quốc Sỹ là những nhà văn lớn có những tác phẩm lớn để lại cho đời, nhưng Nguyễn Ngu Í dường như không chuẩn bị được nhiều câu hỏi để làm dồi dào cho cuộc phỏng vấn, cho nên đoạn viết về Nhất Linh chỉ có 9 trang, và Doãn Quốc Sỹ với 25 trang. Ta chỉ tìm được một ít chi tiết mới về văn học như nhà văn cho biết tác phẩm nào bán chạy nhất (cuốn Dòng Sông Định Mệnh), tác phẩm nào từ lâu ta vẫn tưởng phổ biến mạnh lại hóa ra bán chậm (cuốn Gìn Vàng Giữ Ngọc). Qua cuộc phỏng vấn này, Doãn Quốc Sỹ giúp ta nhớ lại thời điểm có vụ xung đột Bình Xuyên và chính phủ Ngô Đình Diệm, xảy ra năm 1955. Lúc ấy, Doãn Quốc Sỹ cư trú tại Đại Học Xá Minh Mạng ở Chợ Lớn, và vừa viết xong một tác phẩm văn học, cuốn “Trái Cây Đau Khổ”. Đạn súng lớn có khi rơi lạc vào Đại Học Xá, may mắn tác phẩm mới viết xong của ông không sao cả. Doãn Quốc Sỹ nói đến tác phẩm không bị tiêu hủy trong khói lửa, hàm chứa ý tưởng còn có biết bao tác phẩm văn chương của nhân thế mất mát trong các cuộc chiến tranh quá dài ở Việt Nam.
Nguyễn Ngu Í nhắc cho ta nhớ về nhà thơ Đông-Hồ khi được mời dạy ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn kể từ niên khóa 1964-1965. Lúc ấy, ông có ý muốn soạn bộ Văn Học Sử Miền Nam từ thời đi mở đất sình lầy hoang phế của Thủy Chân Lạp. Dân đi khai phá vùng đất hoang thì phần đông là người nghèo tha phương lập nghiệp để sinh tồn, thì dĩ nhiên đâu có nhiều sáng tác văn chương, đâu có nhiều tư liệu văn học. Ước vọng soạn thảo ấy không dễ có tài liệu dồi dào, vì vậy hình như ông chỉ soạn thảo được có phần Văn Học Hà Tiên của các danh nhân Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Cũng qua phỏng vấn, ta ghi được để mà bùi ngùi thời điểm Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang ở Sài Gòn không còn nữa tại đường Nguyễn Thái Học (trước là đường Kitchener). Nhà sách kế bên trường trung học tư thục năm 1953 vẫn còn dạy học sinh Việt với chương trình giáo khoa Pháp, đó là trường Lê Tấn Thành. Liên hệ tới điều này để ta biết Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang đã cố công phát huy văn chương Việt, đã xuất bản nhiều sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho Miền Nam lúc ấy còn chịu nhiều ảnh hưởng học văn hóa Pháp. Một số trường tư thục vẫn dạy theo chương trình Pháp trước 1954, mặc dù lúc ấy đã có chính phủ Việt Nam Quốc Gia dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hữu hay dưới thời Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm. Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang tại đường Kitchener ngưng hoạt động vào năm 1961.
Về Sơn Nam, qua phỏng vấn phối hợp với chuyện vãn, Nguyễn Ngu Í tiết lộ cho ta biết Sơn Nam đã bị nghi ngờ rất sớm có liên hệ đến “Mặt Trận Giải Phóng”, từ năm 1965. Bởi vì Sơn Nam từng đi kháng chiến ở vùng rừng Cà Mau, đã từng được giải văn chương vùng kháng chiến với các tác phẩm “Bên Rừng Cù Lao Dung” và “Tây Đầu Đỏ”. Có thể đó chỉ là tác phẩm viết về kháng chiến chống Pháp không có gì đáng nghi ngờ, nhưng sự kiện sau hiệp định Geneve năm 1954 tại sao Sơn Nam không đi tập kết ra Bắc; làm gì mãi đến năm 1965 mới từ Cà Mau về Sài Gòn sống nghề viết truyện cho các báo. Có người nghi ngờ Sơn Nam đến Sài Gòn với nhiệm vụ gì đó. Biết bị nghi ngờ như vậy, qua tâm sự với Nguyễn Ngu Í, Sơn Nam cho biết dù có dồi dào đề tài về kháng chiến chống Pháp, nhưng ông chỉ chuyên viết chuyện ma hoặc chuyện quái đản vùng quê Miền Nam, một phần cũng vì các chủ báo yêu cầu để báo bán chạy. Nhưng Nguyễn Ngu Í biết Sơn Nam rất tâm huyết khi viết các truyện đi khai mở đất phương Nam thời còn “Dưới Sông Sấu Lội, Trên Rừng Cọp Đua”.
Bài viết này chủ yếu nêu ra những chi tiết mới về văn học liên hệ đến từng tác giả, qua phỏng vấn phối hợp với chuyện vãn. Vậy nên những điều cốt yếu của văn nghiệp mỗi tác giả nếu đã được đề cập nhiều trong sách báo, không cần nêu ra nữa. Do đó, ở đoạn viết về Bình Nguyên Lộc, ta chỉ lưu ý đôi điều mới lạ mà thôi, mới lạ nhưng cũng liên hệ đến đời văn. Như từ lâu ta đinh ninh truyện ngắn “Rừng Mắm” của Bình Nguyên Lộc sáng tác từ hứng cảm vùng đất khai phá nào đó ở Miền Đông (các đề tài của Bình Nguyên Lộc lai vãng ở vùng này), mà thực ra ông lấy được hứng cảm từ hình ảnh Hòn Khoai cùng với Mũi Cà Mau, nơi có các bãi bùn mọc lên những cây mắm tiên phong giữ đất phù sa bồi tụ. Ông so sánh chúng như các tiền nhân cách nay hơn 300 năm, những đợt người đầu tiên đi khai phá mở đất vùng sình lầy Thủy Chân Lạp. Qua tâm tình thổ lộ cùng Nguyễn Ngu Í, nhà văn Bình Nguyên Lộc tiết lộ chuyện cay đắng về vụ báo của ông bị ém: Cơ sở Phát hành không giao báo đầy đủ cho các đại lý, rồi ngày sau nói báo ế bị các nơi trả lại. Nhà văn biết báo mình bị ém, vì vết cắt của máy xém báo còn giữ nguyên dấu như khi mới ra lò từ nhà in (nếu báo phát hành khắp nơi trả lại thì không thể còn giữ nguyên dấu xém báo). Nhờ tâm tình thân mật mới có những điều kể nghe vui như trên, một nỗi buồn trong nghiệp văn chương chữ nghĩa của Bình Nguyên Lộc.
Nguyễn Ngu Í có vẻ rất hào hứng ở đoạn viết về Lê Ngọc Trụ, một phần vì nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ chuyên về cấu trúc ngôn ngữ Việt, tâm đầu với Nguyễn Ngu Í cũng là người đang muốn cải cách lối viết Việt ngữ (như làm sao để có thể viết mà không cần đến 5 dấu “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng”, như chữ nào thay thế cho y hoặc d…). Hứng thú hơn hết trong đoạn viết này của Nguyễn Ngu Í về Lê Ngọc Trụ, ở chỗ biết được duyên cơ nào Lê Ngọc Trụ trở thành nhà ngôn ngữ xuất sắc với tác phẩm “Chính Tả Việt Ngữ” (xuất bản năm 1951) và “Việt Ngữ Chính tả Tự Vị” (xuất bản năm 1960). Duyên cơ: do Lê Ngọc Trụ có thời gian 13 năm làm quản-đốc tiệm vàng cho cha vợ, thường tiếp xúc với khách hàng người Hoa Quảng Đông. Qua tiếng Việt nói giọng lơ-lớ của họ, ông lưu ý nguyên tắc biến âm từ tiếng Hán phát âm qua tiếng Hán Việt; rồi nghiên cứu cách biến âm từ tiếng Đức qua tiếng Pháp (hai bên có những tiếng mượn nhau nhưng phát âm biến đổi). Nhờ hiểu cách biến âm như vậy mà Lê Ngọc Trụ khám phá luật hỏi ngã trong tiếng Việt, và luật viết đúng chữ cuối trong vần. Công lớn của Lê Ngọc Trụ được áp dụng dạy từ bậc Tiểu Học với những nguyên tắc tất yếu khiến có thể viết đúng dấu hỏi dấu ngã, chữ cuối cùng là T hay C, có G hoặc không G (người Miền Bắc phát âm đúng, nhờ đó viết đúng, nên các nguyên tắc khoa học này hình như để dạy cho học sinh Trung Nam, và phải khởi đầu từ bậc Tiểu Học). Những phát kiến như vậy rất hay, cho nên Bộ Trưởng Giáo Dục khi ấy là ông Trương Công Cừu cố mời cho được Lê Ngọc Trụ giảng dạy lớp Chứng chỉ Ngữ Học Việt Nam tại Đại học Văn Khoa Sài gòn. Lớp chứng chỉ ngữ học này không khô khan như ta tưởng, mà rất thú vị nhờ truy ra nguyên ngữ của tiếng Nôm, và vạch rõ những biến âm do từ đâu. Tuy nhiên, nhà phỏng vấn cũng có lần thắc mắc tiếng thuần Nôm như trái “Mít” do từ nguyên ngữ nào, vì xứ Trung Hoa không có cây mít? (nhà ngôn ngữ nói là do nguyên ngữ Mật).
Vi Huyền Đắc cũng là người có những suy tư để cải cách viết Việt ngữ, có những ý tưởng hợp với Nguyễn Ngu Í, trong đó có sáng kiến muốn loại trừ 5 dấu trong cách viết tiếng Việt. Nên đoạn viết về Vi Huyền Đắc phong phú gồm 27 trang phỏng vấn cùng hàn huyên trong bữa cơm ở nhà Vi Huyền Đắc tại Ngã Năm Bình Hòa (Gia Định). Vi Huyền Đắc là dịch giả từ Hoa Văn và Pháp Văn. Trong khi hàn huyên, Vi Huyền Đắc nói ra những ví dụ về dịch thuật, dịch làm sao cho hợp với cách nói cách viết của người Việt, không thể dịch sát với nghĩa của tiếng nước ngoài. Những ví dụ ấy thật thích thú, thật đáng nhớ để áp dụng khi dịch. Và Vi Huyền Đắc cũng từng là một người trong ban soạn thảo cuốn “Bách Khoa Tự Điển Việt Nam” do Đào Văn Tập chủ trì. Việc soạn cuốn sách này được phân công chu đáo, giờ giấc làm việc và bàn luận thật nghiêm túc. Rồi Đào Văn Tập mất, Đào Đăng Vĩ đem công sức tiếp tục việc soạn thảo, nhưng công sức tư nhân dù là một nhóm khá đông cũng chỉ có giới hạn, việc soạn sách phải bỏ dở dang. Vi Huyền Đắc qua suy nghiệm, có ý kiến thật chí lý: Công trình vĩ đại về học thuật như vậy phải giao cho chính phủ. Chính phủ mới có đủ nhân vật lực để thực hiện, chính phủ mới có đủ quyền uy phát hành sách đến các cơ quan. Như vậy, nhà nước vừa thu hồi tài chánh phải trả ấn phí cuốn sách đồ sộ và tiền công hậu đãi cho toàn ban soạn Bách Khoa Từ Điển; vừa phổ biến được khắp các ngành nghề công trình vĩ đại về chữ nghĩa, rất ích lợi lâu dài cho toàn thể dân chúng; để mọi nơi có thể tham khảo kho tàng văn hóa quốc gia.
Đến phần viết về Nguyễn Hiến Lê, dù rằng cũng do hàn huyên tiếp xúc thân mật tại nhà của học giả, nhưng ta cảm thức được sự nể nang của Nguyễn Ngu Í. Nể nang dành cho các nhà văn khác cũng đều do thành quả văn nghiệp của họ, nhưng với Nguyễn Hiến Lê thêm cái nể nang giờ giấc làm việc rất nghiêm nhặt của ông: từ mấy giờ bắt đầu viết, từ giờ nào dùng bữa, lúc nào phải tức khắc không viết nữa vì đến lúc đi ngủ. Nghỉ là nghỉ, sau viết tiếp, vì Nguyễn Hiến Lê quen với công việc của ngòi bút, không cần đợi hứng tới thì mới viết được. Có người cũng từng thắc mắc, trước Đệ Nhị Thế Chiến, tức là chưa phải thời kỳ kháng chiến chống Pháp, học giả Nguyễn Hiến Lê làm gì ở Đồng Tháp Mười mà viết được cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”. Ta cũng nên lưu ý thời điểm năm 1935 thì Đồng Tháp Mười còn vô cùng hoang vu, ít ai dám tới. Nguyễn Hiến Lê nói với Nguyễn Ngu Í duyên cơ viết được cuốn sách ấy: năm 1935, ông là công chức Sở Công Chánh chuyên đi đo mực nước kinh rạch vùng Hậu Giang. Công việc đo mực nước chỉ làm vào ban đêm, ban ngày rảnh rang, ông giết thời giờ bằng cách viết du ký. Rồi thì xung-đột Việt Minh-Hòa Hảo xảy ra, ông bị kẹt ở thành phố Long xuyên đến 7 năm, làm nghề dạy học tại đó, từ năm 1947 dến 1953. Từ tâm sự của Nguyễn Hiến Lê qua Nguyễn Ngu Í, ta phải ngưỡng mộ ông là người tính toán làm ăn rất có kế hoạch. Tiến trình như sau: mỗi năm “Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi” ấn hành 3 cuốn trong 5 bản thảo có sẵn của ông, và trong năm đó ông viết thêm 3 cuốn; cứ tiếp tục như vậy trong 4 năm thì ông đã có 12 cuốn sách xuất bản. Đến năm thứ năm thì hết giao kèo với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi; ông thành lập “Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê” để vừa tái bản vừa có sách mới viết, như vậy cũng mỗi năm 3 hay 4 cuốn ấn hành. Nhưng sau 1954, đất nước chia đôi làm ông mất một nửa độc giả mua sách. Tuy nhiên, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê vẫn đứng vững nhờ những cuốn sách của ông rất có ích lợi văn hóa. Nói những con số như trên cho dễ thấy kế hoạch của Nguyển Hiến Lê, chứ thật ra thì trồi sụt một hai cuốn, thường chỉ trồi sụt một cuốn mà thôi.
Phần cuối cuốn sách, Nguyễn Ngu Í cũng một cách thức vừa hàn huyên vừa phỏng vấn tìm hiểu đời văn nhà văn hóa Hồ Hữu Tường. Có một thời gian đi tù Côn Đảo cùng Hồ Hữu Tường dưới chế độ Ngô Đình Diệm, nên đoạn viết về Hồ Hữu Tường được Nguyễn Ngu Í thân tình hỏi cặn kẽ từ thuở Hồ Hữu Tường làm báo thời Pháp-thuộc, cho đến lúc bị bắt ở Rừng Sát vì mưu định lợi dụng lực lượng Bình Xuyên (cũng là mưu định của vài nhân sĩ khác) để làm chuyện lớn nơi chính trường một khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Nhờ thân tình như vậy, Nguyễn Ngu Í được học giả tiết lộ vài điều dấu kín thuở viết báo bằng tiếng Pháp. Như năm 1935, giới viết lách chống thực dân đã đánh lừa được Sở Mật Thám, khiến người Pháp đinh ninh báo lén lút của họ chỉ có thể in tại Pháp mà thôi, vì các chữ in rất rõ và rất đẹp (thật ra làm báo tại một cái chòi vùng ngoại ô Sài Gòn). Đinh ninh như vậy, mật thám Pháp chuyển hướng truy tầm mãi tận Paris. Đó là do kế hoạch vận động bọn trẻ xin làm công nhân trong nhà in tối tân Ardin đường Catinat, học cách xếp chữ, rồi ăn cắp từ từ ngày một ít các chữ đúc sắc sảo của nhà in này. Và một tiết lộ cần nên hiểu rõ về báo Pháp ngữ “La Lutte” (Tranh Đấu), bắt đầu từ số 5 tháng 10 năm 1934 với Nguyễn An Ninh “đứng mũi chịu sào” cho cả các phe phái gồm Đệ Tam Đệ Tứ và Nhân Sĩ, họ cùng đồng tâm viết báo và hô hào chống thực dân Pháp. Nguyễn An Ninh thuần túy quốc gia và rất uy tín với quần chúng Miền Nam, nên đã được mời làm vai trò làm trung gian điều hợp cho tờ báo. Những tác phẩm đáng lưu ý của Hồ Hữu Tường như “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam”, “Phi Lạc Sang Tàu”, “Thằng Thuộc, Con Nhà Nông”, dĩ nhiên có nhiều đề cập trong phỏng vấn của Nguyễn Hữu Í; với những nét chính mà mọi người chắc cũng đã biết, nên xin không nhắc lại. Có phải không, đây là một chi tiết khá mới: Hồ Hữu Tường quan niệm đừng ngần ngại viết về mình, viết như vậy dễ trung thực hơn viết những điều chung chung mơ hồ trừu tượng; trái với quan niệm nên tránh tự-truyện vì “Cái Tôi Là Cái Đáng Ghét”. Tuy là tác phẩm chủ yếu phỏng vấn thân mật đời văn sống và viết, nhưng Nguyễn Ngu Í cũng không quên cung cấp cho ta tài liệu ghi chép theo lối biên-khảo tiểu sử của từng người. Sau đây là tư liệu để ta biết qua vài nét chính của “Thuyết Trung Lập Chế” do Hồ Hữu Tường cùng Võ Thành Minh hô hào trước lâu đài Hội Nghị Geneve chia cắt Việt Nam năm 1954: Miền Nam nên trở thành lãnh thổ của Liên Hiệp Quốc (có nghĩa là Miền Nam trở thành nước “Siêu Lập”). Và “Triết Lý Hòa Đồng” của ông như sau: Tổng hợp Văn Minh Kỹ Sư, Văn minh Chính Ủy, Văn minh Tu sĩ. Chắc ông có ý-kiến chủ trương nhà cầm quyền không nên chỉ toàn là chuyên viên các ngành khoa học; không nên toàn là nhà chính trị; không nên toàn là người của tôn giáo nào./.
City of Walnut, California, tháng 7 năm 2012