Ở Việt Nam, người ta chỉ biết nhiều điện ảnh Mỹ, chủ yếu thông qua các bom tấn, và phim đoạt giải Oscar, hay điện ảnh Hàn Quốc và Hoa ngữ (nhất là dòng phim tâm lý, cổ trang và hành động), thoáng chút điện ảnh Nhật Bản (chủ yếu là phim hoạt hình) hay sơ qua điện ảnh châu Âu qua các phim giành các giải thưởng lớn ở các liên hoan phim,...Điện ảnh Ấn Độ, rất hiếm có một công trình nghiên cứu toàn diện, hay các thông tin có tính hệ thống về nó.
Đầu thập niên 1990 về trước, khi mà phim thị trường chưa nhiều như bây giờ, cái thời mà người ta cũng hay đọc các tác phẩm văn học hiện thực phê phán, cách mạng và chống thực dân đế quốc hay chế độ phân biệt chủng tộc,... kiểu Facundo của Sarmiento hay Viết dưới giá treo cổ của Julius Fucik..., chúng ta cũng hay được thưởng thức các phim Ấn Độ. Phim nước này bên cạnh phim XHCN (chủ yếu phim tuyên truyền) cùng với một số phim chuyển thể tác phẩm văn học cổ điển đến từ phương Tây,... là thời thượng dạo đó. Sau đó là sự lên ngôi của phim Hoa ngữ và sau này là trào lưu xem phim Hàn, sự thắng thế của dòng phim gia đình và các tiểu thuyết ái tình ướt át. Phim Mỹ chủ yếu có ảnh hưởng dân thành thị nhất là tầng lớp trên, "cấp tiến". Với giới trẻ, sự hiểu biết về điện ảnh Ấn Độ là rất ít. Nhưng cũng thật may mắn, sau khi phim 3 Idiots (Ba chàng ngốc) được tuyên truyền phát hành ở Việt Nam (không phải nhờ qua sự lăng xê của báo chí), giới trẻ chủ yếu tầm độ trên 20 tuổi (nhất là sinh viên) tìm xem nhiều hơn các phim Ấn Độ. Tuy nhiên phim Ấn vẫn chủ yếu được tầng lớp thanh niên trưởng thành xem nhiều, chứ không phải lứa tuổi teen. Ở một nước ảnh hưởng khá nặng nề của Nho giáo, thì phim Hoa ngữ và Hàn Quốc nhất là phim truyền hình vẫn là món ăn ưa thích của khán giả bình dân, nhất là phụ nữ và giới trẻ. Đối với người Việt Nam hiểu biết về văn hóa Ấn Độ phần lớn khá mơ hồ, đại loại như biết đó là một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đạo Hinđu với hệ thống đẳng cấp xã hội,... vì thế hiểu biết điện ảnh Ấn cũng ít sâu sắc.
Trên thực tế đó là một đất nước trong phần lớn chiều dài lịch sử hiện đại, phát triển khá hài hòa. Đảng Quốc đại thiên tả nắm quyền trong suốt một thời gian dài có những đường lối chính sách khá hợp lòng dân, do đó tuy là một nước đông dân theo hệ thống liên bang ảnh hưởng từ thời thực dân Anh để lại, các vấn đề tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ hết sức phức tạp, nhưng không hề rơi vào các cuộc nội chiến hay xung đột ly khai đẫm máu. Tuy rằng có một số phong trào tôn giáo cực đoan (hầu hết không phải cộng đồng Hinđu) hay cực tả phát triển, nhưng cơ bản Ấn Độ vẫn là một đất nước ổn định. Mahatma Gandhi có thể một số quan điểm cho ông là người lập dị, hay có phần cuồng tín tôn giáo, nhưng không nghi ngờ gì, chính đường lối đấu tranh giành độc lập ôn hòa dựa trên lý thuyết Hinđu giáo của ông đã đặt nền móng cho một nền dân chủ đại nghị vững chắc lâu bền. Ấn Độ là nước đông dân nhất, và là một trong số những nước hiếm hoi ở châu Á có một nền dân chủ thực sự. Sau ngày độc lập, do lo ngại chịu ảnh hưởng của Anh, nên Ấn Độ không chấp nhận nền kinh tế thị trường, nhưng Jawaharlal Nehru, một người chịu ảnh hưởng khá lớn từ Mahatma Gandh, cũng không chịu ảnh hưởng của Marx, đã xây dựng cho đất nước mình một chế độ xã hội chủ nghĩa ôn hòa, gần giống với Ai Cập sau độc lập hơn là Miến Điện, ngoại trừ luôn chấp thuận nền dân chủ đại nghị. Người ta hay gọi đó là con đường chủ nghĩa xã hội thế giới thứ ba, hay còn gọi là theo Nehruism. Chính sách kinh tế tập trung và cô lập đã làm Ấn Độ nghèo đói suốt một thời gian dài, nhưng đất nước khá ổn định, không có sự phân hóa xã hội lớn, và cải thiện đáng kể dân trí. Người ta hay nói đến đất nước Ấn Độ với một hệ thống đẳng cấp xã hội, song chính sách thế tục và ôn hòa đã hạn chế đáng kể vấn nạn này, vì thế nếu nói Ấn Độ tồn tại nạn đẳng cấp xã hội là nói trên lý thuyết nhiều hơn, tức địa vị cao không hoàn toàn kèm với tài sản lớn. Có nhiều điểm chung giữa Hinđu giáo với các tôn giáo phổ biến ở mạn Đông Á, như tôn giáo đa thần ít có tính cực đoan, nhưng cũng giống như Nho giáo, nó đặt nền tảng xã hội phân biệt đẳng cấp. Xem phim Ấn, người ta cũng hay thấy sến không khác phim các nước Đông Á, những mẫu người nhu nhược yếm thế, tin nhiều vào số phận. Cái khác là Hinđu giáo không cổ súy cho bạo lực. Ấn Độ tiếp nhận nhiều hơn ở phương Tây trên khía cạnh chính trị, nhưng cũng không hẳn cởi mở văn hóa, nếu không muốn nói là ít hơn các nước Nho giáo. Phim ảnh Ấn Độ ít có sự biến chuyển theo thời gian, họ phải chiều theo số đông dân chúng còn khá "bảo thủ", cho dù thành phần tinh hoa không thiếu. Họ ít chấp nhận những ngôi sao trẻ, mà sử dụng nhiều hơn các diễn viên gạo cội đã đạt tên tuổi trong quá khứ, các màn múa hát đặc trưng văn hóa Ấn phần lớn là tiếng Hinđu luôn hầu như không thiếu trong các phim điện ảnh (xuất hiện từ phim tiếng Hinđu đầu tiên Alam Ara - 1931) như xóa đi các rào cản ngôn ngữ ở Ấn Độ để đưa điện ảnh đến mọi cộng đồng tiếng nói khác nhau ở Ấn, và các chuyện tình cảm rặt chất tôn giáo Ấn Độ kể cả tình cảm nam trung niên với nữ trẻ tuổi rất thường thấy. Ở Ấn, các bài hát từ các bộ phim Ấn Độ, gọi là Filmi, chiếm 72% doanh thu thị trường âm nhạc. Công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ hỗ trợ âm nhạc bằng sự tôn kính âm nhạc cổ điển, nhưng phối nhạc phương Tây hỗ trợ các giai điệu Ấn Độ, đa số tạo sự hài hòa trong khi vẫn giữ lại hương vị cổ điển và dân gian, số khác từ đầu thế kỷ 21 sử dụng pop hay rock. Một số phim (rất hiếm) không có các bài hát và khiêu vũ như thường thấy, như các tác phẩm của Satyajit Ray.
Với người Việt Nam và có thể cả phương Tây, nếu không am hiểu văn hóa Ấn Độ, không dễ xem các phim luôn đan cài các clip ca nhạc, khiêu vũ dàn dựng rất nghệ thuật công phu nhưng "ít logic" với tình tiết của bộ phim. Nếu có thay đổi đáng kể, những năm gần đây, thì đó là xuất hiện nhiều hơn các clip nhạc ảnh hưởng của phương Tây, như trong Dil Chahta Hai (2001) hay gần hơn như trong Rockstar (2011), một thành công lớn của nhà soạn nhạc phim nổi tiếng A. R. Rahman. Dẫu vậy, nền văn hóa nhiều màu sắc, phức tạp khó hiểu với ngay cả người phương Tây ảnh hưởng đến phim ảnh, có thể là một hạn chế để phim Ấn Độ có thể có một thị trường rộng lớn hơn, hay đạt được nhiều giải thưởng quốc tế hơn. Nhưng có một điều chắc chắn phim Ấn phần lớn đều chuyển tải các giá trị nhân văn khá sâu sắc (gần đây khuynh hướng tự do thông thoáng hơn), khá hợp với tâm lý người Việt.
Đến nay Ấn Độ vẫn là nước sản xuất nhiều phim nhất thế giới, trên cả Hollywood và Trung Quốc. Nếu như người Việt Nam hay có thói quen xem phim truyền hình, thì người Ấn Độ lại rất chịu khó bỏ tiền xem phim tại rạp. Đó là điều kiện để điện ảnh nước này phát triển. Tuy nhiên sự xuất hiện quá nhiều trung tâm sản xuất phim và số lượng phim quá lớn lại hạn chế đầu ra cho mỗi bộ phim, do thị trường phân tán, và tích tụ đầu tư cho các bom tấn. Ấn Độ vẫn thua kém Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cho sự đầu tư các phim kinh phí lớn. Prince Vaali, phim bom tấn nước này dự kiến phát hành bằng rất nhiều thứ tiếng, phải đến năm 2014 mới có thể ra mắt. Năm 2011, Ấn Độ có tổng cộng 1.255 bộ phim sản xuất đưa chiếu rạp, trong 7 trung tâm sản xuất phim lớn thì trung tâm phim tiếng Malayalam có 95 phim và 6 trung tâm khác sản xuất đều trên 100 phim. Bollywood vẫn dẫn đầu với 206 phim.
Nếu xét về phim thương mại, không một trung tâm nào có thể qua được Bollywood, nơi thường được xem là trung tâm sản xuất phim quốc gia, và các phim không chỉ có thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Các trung tâm khác, được gọi là các trung tâm sản xuất phim địa phương, phần lớn thời gian phát triển khá cô lập, sản xuất phim hầu hết tiêu thụ nội địa, thậm trí phần lớn ở các bang vùng xung quanh. Những năm gần đây người ta chứng kiến nhiều hơn các phim các trung tâm khác không chỉ cạnh tranh với Bollywood ở thị trường nội địa mà còn muốn đưa phim ra chinh phục thị trường quốc tế. Hơn 70% doanh thu điện ảnh đến từ các trung tâm Nam Ấn. Dẫu vậy phần lớn khán giả thế giới vẫn chỉ biết đến phim tiếng Hinđi của Bollywood sản xuất, có chăng một số phim của Kollywood, trung tâm sản xuất phim lớn nhất ở Nam Ấn, bằng tiếng Tamil. Song phần lớn giải thưởng phim truyện hay nhất Giải thưởng phim quốc gia (National Film Awards) lại hay thuộc các trung tâm khác, đặc biệt trung tâm phim Tây Bengal (Tollywood) sản xuất phim tiếng Bengali. 5 năm gần nhất Bollywood không giành giải thưởng cao quý nhất điện ảnh Ấn, mặc dù nhiều phim thương mại cho doanh thu lớn.
Đến nay, Bollywood đã cho ra đời rất nhiều bộ phim có giá trị nghệ thuật cao. Awaara (1951) nằm trong top mới 100 phim vĩ đại nhất mọi thời gian theo bình chọn của Time Magazine, Do Bigha Zamin (1953) giành giải tại Cannes và Karlovy Vary, phim Mother India (1957) đã được đề cử giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, trong top 100 phim hay nhất của điện ảnh thế giới theo bình chọn của tạp chí Empire, Pyaasa (1957) lọt top 100 phim hay nhất theo bình chọn của Time Magazine. Một tuyệt phẩm khác không thể không nhắc đến là Mughal-e-Azam (1960), sau đó là Guide (1965). Thập niên 1970 có hai bộ phim lớn, Sholay và Deewaar (1975), sau là Junoon (1978) đều xứng đáng các phim hay bậc nhất điện ảnh Bollywood. Thập niên 80, Salaam Bombay! (1988) đã giành giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes (đến nay phim Ấn giành giải giải Cành cọ vàng cao quý duy nhất là Neecha Nagar năm 1946), và được đề cử giải Oscar và Quả cầu vàng phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, cũng như một số giải lớn khác. Các phim Qayamat Se Qayamat Tak (1988), Maine Pyar Kiya (1989), Hum Aapke Hain Kaun (1994) và Dilwale Dulhania Le Jayenge (1995), đã tạo dựng tên tuổi cho các ngôi sao lớn Aamir Khan, Salman Khan, Shahrukh Khan, Madhuri Dixit, Kajol...Không thể không nhắc đến Border (1997), phim chiến tranh tiêu biểu của Ấn Độ hay phim Taal năm 1999. Thập niên 2000, Bollywood cũng cho ra nhiều bộ phim chất lượng cao, tiêu biểu như Mission Kashmir (2000), Lagaan (2001, đề cử giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), Devdas (2002), Kal Ho Naa Ho (2003), Veer-Zaara, Hum Aapke Hain Koun..! (2004), Black (2005), Rang De Basanti (2006), Taare Zameen Par, Chak De! India (2007)... và gần đây hơn là 3 Idiots (2009), My Name is Khan (2010), Zindagi Na Milegi Dobara (2011)...3 Idiots và My Name is Khan đã được công chiếu rộng rãi tại các rạp ở Trung Quốc đại lục, cũng như Hồng Kông và Đài Loan, cho dù là muộn hơn nhiều nước khác. Hai bộ phim này đánh dấu sự trở lại của Ấn Độ ở các thị trường lớn Đông Á, nơi lâu nay các bom tấn đến từ Mỹ và phim nội địa thống trị. Cho dù công chiếu muộn, cuối năm 2011 thì 3 Idiots mới chiếu ở các rạp Hồng Kông nhưng vẫn lọt top 10 phim ăn khách nhất trong tuần ra mắt, và mở đường cho My Name is Khan cũng có một thứ hạng cao khi ra mắt tại đây sau đó. Đây là hai phim có doanh thu cao nhất ở nước ngoài, 3 Idiots đã thu tổng cộng 23,9 triệu USD, và My Name is Khan thu 22,15 triệu USD ở các thị trường ngoài Ấn Độ. 3 Idiots trở thành phim doanh thu cao nhất ở Ấn, và mở ra một hướng tiếp cận mới của điện ảnh Ấn với các thị trường bên ngoài, trong đó có thị trường Đông Á. Đáng chú ý là trước đó, phim Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội và cộng đồng người Ấn sống đông đúc ở hải ngoại, có chăng có thị trường khá lớn ở các nước lân cận và Trung Đông, như Pakistan, Saudi Arabia,... Gần đây các phim Don 2 (2011), Housefull 2, Agneepath (2012)... cũng đã được công chiếu rộng rãi tại nhiều nước, thu được thành công đáng kể.
Trung tâm sản xuất phim tiếng Tamil cũng có nhiều phim nổi tiếng như Nayagan (1987, Time Magazine chọn nằm trong 100 phim hay nhất mọi thời gian), Roja (1992) Bombay (1995), Kannathil Muthamittal (2002), Paruthiveeran (2007), Dasavathaaram (2008), Kanchivaram (2009)... Phim Enthiran (2010) đến nay vẫn là phim có chi phí cao nhất Ấn Độ, và thu lợi nhuận đáng kể ở Bắc Mỹ. Billa (2007) và gần đây là Billa II cũng thu thành công thương mại rất đáng kể, còn Vazhakku Enn 18/9 nhận được nhiều khen ngợi của giới chuyên môn. Trung tâm sản xuất phim tiếng Telugu (Tollywood) phải kể đến Sankarabharanam (1980), nhưng thường thành công với các phim thương mại, có một số phim như Rudraveena (1988), Geethanjali (1989)... trước đây từng rất được yêu thích ở Ấn, những năm gần đây lớn mạnh thực sự là đối thủ của trung tâm sản xuất phim tiếng Tamil ở Nam Ấn, với nhiều bộ phim thành công, đặc biệt về mặt thương mại như Bommarillu (2006), Magadheera (2009), Simha và Brindavanam (2010), Dookudu (2011),... hay gần đây nhất là Gabbar Singh và Eega năm 2012. Trung tâm phim tiếng Malayalam có nhiều thăng trầm, thiên hướng sản xuất nhiều hơn các phim nghệ thuật, và giai đoạn cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 là giai đoạn cực thịnh, cũng có một số phim khá nổi tiếng như Newspaper Boy (1955), Chemmeen (1965), Amma Ariyan, Namukku Parkkan Munthiri Thoppukal (1986), Piravi (1988), Elippathayam, Advaitham (1991), Swaham (1994), Guru (1997), Marana Simhasanam (1999), Adaminte Makan Abu (2011) hay gần đây là 22 Female Kottayam, Ustad Hotel (2012)...Phim mới ra mắt Thattathin Marayathu nhận được nhiều chú ý của khán giả. Trung tâm sản xuất phim tiếng Bengani vẫn nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều phim có giá trị nghệ thuật của Ấn, dù số lượng có hạn chế. The Apu Trilogy (1955–1959)- bộ ba phim Pather Panchali, Aparajito, Apur Sansar của đạo diễn Ấn kiệt xuất Satyajit Ray (người năm 1992 giành giải Oscar danh dự) được đánh giá là một kiệt tác của điện ảnh Ấn, tạp chí Time xếp trong 100 phim vĩ đại nhất mọi thời gian, rồi tạp chí Empire xếp trong số 100 phim vĩ đại nhất điện ảnh thế giới, giành 7 giải tại các liên hoan phim lớn nhất thế giới (Cannes, Venice, Berlin, trong đó Aparajito giành giải Sư tử vàng), và Pather Panchali được đề cử giải Cành cọ vàng. The Music Room (1958) cũng là một bộ phim rất tuyệt của Ray. Ashani Sanket của Ray năm 1973 giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin. Kanchanjangha (1962), Charulata (1964, mà Ray đã giành giải Gấu bạc đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Berlin), hay Goopy Gyne Bagha Byne (1968), Aranyer Din Ratri (1970), và Shatranj Ke Khilari (1977) đều đề cử giải Gấu vàng, Agantuk (1991) là những phim khác rất nổi tiếng của đạo diễn tài ba này. Từ những năm 1980, điện ảnh Tây Bengal suy yếu, nhưng vẫn có những tác phẩm nổi bật: Akaler Shandhaney, 36 Chowringhee Lane (1981), Kharij (1983), Charachar (1993), Mondo Meyer Upakhyan (2002), Chokher Bali (2003), hay gần đây năm 2012 là Khokababu và Elar char Adhyay (dựa theo tác phẩm của Rabindranath Tagore), có thị trường đáng kể tại cả Bangladesh láng giềng. Trung tâm sản xuất phim tiếng Marathi sau thời hoàng kim từ những năm 1950, với một số phim tiêu biểu như Do Aankhen Barah Haath (1958), trở nên suy yếu từ thập niên 1990, gần đây có đà khôi phục với một số phim như Shwaas (2004), Harishchandrachi Factory, Natarang (2009). Trung tâm phim tiếng Kannada từng có một số phim nổi bật trong quá khứ như Ondanondu Kaladalli (1978) và Malgudi Days (1986), sau thời gian suy yếu gần đây có chiều hướng phục hồi, sản xuất một số phim ăn khách như Super (2010), gần đây là Lifeu Ishtene (2011), Katari Veera Surasundarangi (2012)...Trung tâm sản xuất phim tiếng Punjabi có một số phim như Dukh Bhanjan Tera Naam (1974), Shaheed-E-Mohabbat (1999), Jee Aayan Nu (2003), Des Hoyaa Pardes (2004) có chất lượng. Trung tâm sản xuất phim tiếng Bhojpuri cũng có phim Udedh Bun từng giành giải Gấu bạc cho phim ngắn xuất sắc nhất Liên hoan phim Berlin 2008. Thành tích điện ảnh Ấn còn cần kể đến phim Through the Eyes of a Painter của đạo diễn M.F. Hussain (Films Division of India) giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 1967. Ngoài ra phải kể đến các phim hợp tác với nước ngoài như Gandhi (1982) phim Anh có hợp tác với Ấn Độ giành 8 giải Oscar, và giải Quả cầu vàng cho phim ngoại ngữ xuất sắc nhất, hay phim Monsoon Wedding (2001) do đạo diễn gốc Ấn Mira Nair đạo diễn, hợp tác giữa Ấn Độ với nhiều nước, giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice...
Nhìn chung điện ảnh Ấn Độ rất đa dạng, dẫu gần đây học hỏi nhiều hơn từ điện ảnh phương Tây, nhưng luôn ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Trừ Bollywood và một vài trung tâm khác, còn phần lớn các trung tâm sản xuất phim ảnh nước này đều rơi vào suy thoái khi Ấn Độ mở cửa thị trường, phim Mỹ tràn vào. Song hiện Ấn Độ là một trong số những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và khá ổn định trong vài năm gần đây. Chính phủ trung tả do Đảng Quốc đại (hiện do Sonia Gandhi lãnh đạo) làm nòng cốt có những đường lối đúng đắn, sau khi mở cửa kinh tế thị trường học hỏi nhiều từ các nước châu Âu đặc biệt mô hình kinh tế thị trường xã hội. Điện ảnh do đó cũng có điều kiện phát triển.
Tuy nhiên văn hóa Ấn Độ luôn còn nhiều bí hiểm, hay khó hiểu với thế giới bên ngoài, nếu xem phim Ấn mà không hiểu văn hóa Ấn, không dễ tiếp thu. Có thể điện ảnh Iran đang thắng thế ở châu Á trong dòng phim nghệ thuật, hay phim Hoa ngữ ở dòng phim thị trường, nhất là phim truyền hình Hàn đánh vào đối tượng khán giả bình dân, lan mạnh ở Đông Á, nhưng Ấn Độ thực sự vẫn là một trung tâm sản xuất phim có chất lượng của châu Á. Sự khác biệt về văn hóa có thể khiến khán giả Việt Nam không quan tâm nhiều đến điện ảnh Ấn (?), nhưng 3 Idiots, một bộ phim đã khiến rất nhiều thanh niên Việt say mê và có thái độ thay đổi nhìn nhận phim Ấn (nhất là nó nhằm phê phán hệ thống giáo dục nước này và có thể nhiều nước châu Á khác ở tình trạng tương tự...), khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn về phim ảnh nước này, một cường quốc điện ảnh châu Á và có lẽ hơn thế./.