Nhà thơ Nh.Tay Ngàn (tên thật, Nguyễn Văn Nhĩ, sinh năm 1943 tại Trà Vinh, mất năm 1978 tại Paris), du học tại Pháp từ năm 1965, có một số thơ đăng trong Tạp chí Văn trước 1975 ở Sài gòn. Thơ của Nh. Tay Ngàn có nhiều bài khó hiểu. Theo bài viết của nhà thơ Thi Vũ, chủ biên Tạp chí “Quê Mẹ” ở Paris sau năm 1975, thì nhà thơ Nh. Tay Ngàn còn để lại di-cảo khoảng 4 ngàn trang, viết bằng nét chữ nhỏ và cẩn thận, đóng thành 20 tập mà chính nhà thơ nhà báo Thi Vũ đã có thấy tại nhà thân nhân Nh. Tay Ngàn. Căn cứ vào thủ bút nhà thơ Nh. Tay Ngàn, ta cũng nhận ra chữ viết nhỏ đều đặn của nhà thơ, điều đó có nghĩa là di-cảo chứa đựng rất nhiều, phải có nguồn cảm hứng dồi dào mới viết được chừng ất trang giấy (Bài viết của ông Thi Vũ kèm với thủ bút của Nh. Tay Ngàn đăng trên mạng “gio.o”, nhan đề: “Nh. Tay Ngàn, Lập Lòe Trí Nhớ”). Nh. Tay Ngàn cũng có một thời gian ở trong nhà thương người bị bệnh tâm thần tại Paris và cái chết thật buồn do nhà thơ Thi Vũ kể lại như sau: “Đầu tháng Giêng 1978, các bạn của Nhĩ gọi cho biết Nhĩ chết rồi. Một hôm, bà gác-dan (concierge) thấy mấy ngày qua Nhĩ không ghé lấy thư. Bà lên đập cửa phòng. Không nghe hồi đáp, bà lo lắng mở cửa xem thì Nhĩ đã nằm chết trên giường nhiều ngày”. Nghĩ về nhà thơ này, ta không khỏi liên hệ đến thơ có nhiều câu khó hiểu mà theo ông Thi Vũ thì từ ngữ Nh.Tay Ngàn không là chữ nghĩa; liên hệ đến đời sống từng bị nhốt trong bệnh viện tâm thần ở Paris; liên hệ đến nguồn cảm hứng viết được mấy ngàn trang bản thảo (ta tin rằng ông Thi Vũ không nói quá điều này mà viết với lòng thành kể lại cái gì ông đã thấy, kể chi tiết về Nh.Tay Ngàn như để tạ lỗi “lời hứa in thơ” rồi không thể in một tập văn thơ nào cho Nh.Tay Nhàn lúc sinh thời). Ta cũng liên hệ đến nỗi bất mãn của Nh. Tay Ngàn về Văn học Miền Nam trước 1975 và bất mãn luôn Nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời trước 1945. Lúc ấy, Nh. Tay Ngàn vừa trẻ vừa không có thành tích văn nghệ gì lớn mà dám phê bình văn nghệ lớp đàn anh như vậy, có phải Nh.Tay Ngàn nói hồ đồ hay nhà thơ đã hé thấy một ánh sáng nào đó? Và tiếp theo, ta liên hệ đến sự kinh qua thảm khốc từ thời thiếu niên; Nh. Tay Ngàn đã chứng kiến người cha theo kháng chiến bị Pháp bắn vào đầu nằm chết trên đồng; chính Nh.Tay Ngàn hốt khối óc bầy nhầy bỏ vào đầu cha khi quân Pháp bỏ đi. Kể những điều đặc biệt liên hệ đến Nh.Tay Ngàn như vậy, có nghĩa là ngươi viết bài xin tự đặt giới hạn khi có đôi lời nhận định về thơ Nh. Tay Ngàn. Những giới hạn đó là: Sẽ không nhận định như đã thấy Nh.Tay Ngàn “một thiên tài chưa được người đời hiểu thấu”; sẽ tránh con đường tìm hiểu thơ Nh. Tay Ngàn không phải do từ ngữ chữ nghĩa mà từ ngữ thuộc “dụng cụ thăm dò cõi vô thức” (theo Thi Vũ). Ta cũng không giả định phải chăng với vận số ngắn chỉ 35 tuổi đời mà tác phẩm còn tàng ẩn đến 4 ngàn trang thì có thể đây là một trường hợp tái sinh đầu thai từ một tiền kiếp, nhất là khi Nh. Tay Ngàn được sinh ra từ vùng có nhiều chùa chiền Phật Giáo Tiểu Thừa ở Trà Vinh. Và ta cũng đừng coi Nh. Tay Ngàn lại là một trường hợp “phản kháng triết lý” như Phạm Công Thiện đã từng lớn tiếng khinh chê gần hết triết học thế giới, vì Nh.Tay Ngàn cũng từng chê Văn Học Miền Nam và Tự Lực Văn Đoàn. Phạm Công Thiện lớn tiếng có tính cách triết lý siêu hình, còn Nh. Tay Ngàn phát biểu hơi “vượt quá” như vậy phải chăng vì thấy mình từng trải hơn đời về sự mất mát đau khổ chiến tranh, ngay từ tuổi thiếu niên. Tổng quát, ta thoáng thấy có những điều khá đặc biệt về đời sống và sáng tác của Nh. Tay Ngàn. Đó là những bài thơ khó hiểu mà ông Thi Vũ gọi là từ ngữ không thuộc về chữ nghĩa. Đó là mối tình quá sâu đậm với một thiếu nữ đã chết tên Liên khiến Nh. Tay Ngàn viết một bài thơ trường thiên 253 câu với vô số lần nhắc tới tên Liên; thơ tâm sự với người yêu đã chết mà từ ngữ cũng khá tối tăm khó hiểu. Đó là di-cảo 4 ngàn trang chi chít những chữ. Đó là cuộc sống có một thời gian bị bỏ vào nhà thương điên ở Paris. Đó là một mảnh đời chật vật khó khăn tại Pháp nhưng rất gắn bó với sáng tác văn thơ Việt, có lần trở về Việt Nam tính chuyện in ấn thơ truyện. Như vậy, Nh. Tay Ngàn thể hiện một trường hợp cũng đời thường mà cũng hàm chứa những bất thường của một người đặc biệt nào đó. Có phải Nh. Tay Ngàn là trường hợp luân hồi tái sinh từ tiền kiếp; hay chỉ như một thi sĩ đam mê sáng tác mong được có thi phẩm cho đời như bao nhiêu người khác. Người viết bài xin tự giới hạn chỉ nhận định khía cạnh cảm thức thơ theo cảm quan thông thường có tính chất sắc tướng hữu hình, nên sẽ không cố gắng tìm hiểu thơ Nh. Tay Ngàn như “dụng cụ thăm dò vô thức” hay “có mắt xanh với tấm lòng rớm máu thì mới cùng Nhĩ song thoại trong thế giới vốn nhỏ và hạt bụi muốn đau” (Thi Vũ). Quả thật thơ của Nh. Tay Ngàn khó hiểu, đúng là cần phải vận dụng tâm thức siêu hình nào đó thì mới biết những ẩn tàng tác giả muốn nói ra. Xin trích ra một vài đoạn thơ của Nh. Tay Ngàn để ta thoáng cảm thức có cái gì tối tăm siêu thực như những điều ông Thi Vũ đã nhận định. Chỉ thoáng cảm nhận cái khó hiểu ấy mà thôi, dĩ nhiên không đi sâu vào thăm dò, vì sự thật ta không biết cách nào để thăm dò. Chưa hiểu gì, nhưng có lẽ người đọc cũng thấy một vẻ gì đó thuộc về ảo diệu thi ca:
… Dù sáu đời còn ba bốn tờ dạ khúc
Trên rừng lá phủ mưa
… Giữa bốn bức tường tôi thấy cái chết áo đen
Sự thèm muốn mỗi chiều đời xuống sâu hỏa ngục
… Hình ảnh cô ca sĩ da đen
Không nhớ Phi Châu lúc con đồi mồi ngủ nơi biển cạn
(Trích bài: Thành Phố Chim Hồng)
… Nhưng tiếng người đã sa vào núi mệnh
Vì chiều đi lất phất nước trên trời
… nơi phía đông Đá Dựng hỏi cây kè hồ ly ẩn
Gọi là gì người Thiên Mệnh máu xanh
… Một dòng nước Jucar tìm đâu hết chấn động cũ
Rồi chia ba với cảnh quyên gầy
(Trích bài: tiếng phút sầu! rồi nay cõi lú)
… Về cõi sâu không phải hố thẳm Vodong
Để tà xế là nơi quạ ngủ
… Thổi gió ráo giữa trưa kêu ve sầu riêng lẻ
Mình mình em qua bảy dốc cầu điềm
… Từ đây ván thô kèm hai mắt đục
Cạo mặt trời hết tóc còn bay
(Trích bài: trời ơi thiền! ngờ đâu cơm đời)
… Sau buổi chiều Liên chết bơ vơ
Sau con đường Trà Vinh ngày ấy đổ tối
Những mộng tưởng về phượng hoàng đất dương gian
Trở thành cỏ hoang trên lâu đài nến cháy
… Ước áo vàng sẽ về đây thành cội rễ
Mấy phôi pha làm lại nước huyễn châu
(Trích bài: Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng)
Tạp chí Văn Học số 80, Sài Gòn, tháng 8 năm 1968
Trích một số câu thơ khó hiểu như trên, ta không có ý định sẽ đi vào phân tích siêu thực, hay dò tìm vô thức, hay trực cảm phát giác thiên tài, hay đề nghị tra vấn tiền kiếp tái sinh. Cũng không phải giả định tác giả làm thơ “hũ nút” để làm người đọc nể sợ dè chừng nghĩ rằng họ chưa tới trình độ thẩm thấu. Tác giả từ Paris trở về nước tìm cách in thi phẩm thì thật trang trọng với thơ, với công trình mình sáng tác, không thể nghĩ tác giả viết giả những điều mù mịt để dối mình dối người. Theo thiển nghĩ thì còn rất nhiều những câu thơ vừa tối nghĩa vừa không gợi được chất thơ gì đó, không như những câu thơ lấp lánh trích dẫn ở trên. Điều ta lưu ý, đó là những câu thơ tuy một chút mờ nghĩa, nhưng đạt tới chất thơ theo ba cảm thức sau đây: Gợi cảm về mùa đông Paris - Gợi cảm hồn quê Trà Vinh của tác giả - Gợi cảm nỗi đau người yêu không còn trên thế gian. Như vậy, thơ Nh. Tay Ngàn mà người viết bài muốn đề cập đến ở đây giới hạn ở cảm thức sắc tướng không gian hơn là siêu hình; giới hại ở cảm thức tình quê hương bình thường; giới hạn ở cảm thức chuyện tình đôi lứa tuy dằng dặc niềm đau nhưng vẫn là sầu bi nhân thế. Độc giả có thể tìm đọc một số thơ của Nh. Tay Ngàn trên mạng “gio.o” và một bài thơ tình rất dài trong “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến”, tập II (nhà xb. Thư Ấn Quán). Trước hết, ta đi vào cảm thức những câu thơ với không gian mùa đông Paris. Nhà thơ Nh. Tay Ngàn du học tại Pháp từ năm 1965, có một đời sống chật vật ở đây, và học ngành “họa đồ kỹ nghệ” (thành đạt hay chưa, không có thêm chi tiết trong bài “Nh. Tay Ngàn, Lập Lòe Trí Nhớ” của Thi Vũ). Phản ánh vào thơ Nh.Tay Ngàn, ta thấy thiếu vắng một Paris tình vui như trong thơ Nguyên Sa; nhưng cũng có một vòm trời nước Pháp thơ mộng như trong thơ Cung Trầm Tưởng; và vài nét tương tự về một Paris phảng phất triết học văn học như trong thơ Phạm Công Thiện:
… Tôi về mùa thu giữa lá Paris đau
Có phải bông mai chỉ nở ngoài tất cả cánh cửa ngục tù
Hỡi bãi chim rụng đầy lông trắng
Tôi về mùa lá rơi
… Cơn mây cứ chiều chiều Paris khói
Hình cô sinh viên buổi tối ngắm đèn
(Trích bài: thành phố chim hồng)
… Anh đi tìm em mất dấu
Thành phố nào vô danh
Những dẫy lầu độc thoại
Bỏ rơi anh ngoại ô
… Anh bắt anh phải sống
từ ngữ đá hoa cương
…nửa đêm tàu khởi hành
giục còi gọi mùa thu
(Trích bài: đoản ca mùa thu)
Về khía cạnh bình thường nữa mà ta cảm thức từ thơ Nh. Tay Ngàn, là dăm ba câu về quê hương Trà Vinh của nhà thơ. Quê hương này chỉ đôi nét thấp thoáng trong thơ Nh. Tay Ngàn. Nhưng ta biết nơi đây đượm màu sắc siêu hình của nơi chốn nhiều chùa chiền Phật Giáo Tiểu Thừa, nhất là những chùa vàng của người Khơ-Me. Chính từ nơi sinh quán của Nh. Tay Ngàn, nơi quy tụ gần như đồng đều người Việt người Hoa người Khơ Me với tín ngưỡng đôi chút dị biệt Tiểu Thừa Đại Thừa; với không gian đi đâu cũng thấy cảnh chùa có nét vừa chung vừa riêng của ba cộng đồng cư trú.Từ những đượm vẻ huyền ảo đó mà ta chợt liên tưởng đến thuyết luân hồi tái sinh. Chỉ liên tưởng thoáng qua, ta tránh không đi sâu vào thăm dò hư thực. Mà cũng không cách nào thăm dò được khi cảm thức của ta chỉ là cảm thức sắc tướng thiên về cụ thể. Xin nhắc lại thắc mắc đưa tới ý nghĩ về tiền kiếp tái sinh: làm sao với tuổi đời chỉ có 35 mà nhà thơ Nh. Tay Ngàn dồi dào nguồn cảm hứng viết được đến bốn ngàn trang bản thảo chữ chi chit trong 20 tập giấy? Ngày nay, qua internet, ta thấy rõ có những thần đồng nói được nhiều thứ tiếng, sau khi chỉ cần vài lần nghe phát ngôn. Học một mà lại biết mười: chỉ với cách ấy mới giải đáp được thắc mắc tại sao có thần đồng âm nhạc, thần đồng toán học, thần đồng ngôn ngữ… Ngày xưa, thiếu chứng kiến qua internet, ta bán tín bán nghi với giai thoại nhà thông thái Trương Vĩnh Ký nói được cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha… Ngày xưa, dù với tài liệu có uy tín còn để lại, vậy mà ta vẫn hoài nghi làm sao có thần đồng điều khiển được cả một giàn nhạc giao hưởng bên trời Âu. Về cảm thức tình quê trong thơ Nh.Tay Ngàn, ta thử nêu ra một so sánh. Ví dụ có dịp làm du khách thăm viếng Chùa Dơi SócTrăng: ta biết đêm đêm dơi về ngủ trong khuôn viên chùa và không bao giờ ngủ trong nhà dân ở quanh chùa; ta biết hiện tượng như thế mà thôi; không thắc mắc siêu hình về nguyên nhân nào loài dơi có sự lựa chọn như vậy. Ta cảm thức thơ quê hương của Nh. Tay Ngàn cũng chừng ấy những cảm nhận thiên về hiện tượng, dù có những lời thơ khá mờ tối ý nghĩa:
… Tôi nhớ cố hương khi tiếng gà réo rít
Liên và cánh dơi Trà Vinh
Xuống mịt mùng đời tôi khi con thuyền chìm trong bão
Giữ mấy phút hư vô reo lên
Lâu đài đầy quạ khoang bên vàm liêu tịch
… Nơi Liên đã khóc đêm ngày
Trong mười hai năm Trà Vinh đầy quạ
… Có phải chim Việt bay hoài trên màu hư-không tắt
Mỗi chiều đông cuối chân mây
Gợi quê hương mình bằng đêm móng nhọn
Đổi màu trên những hình hài
(Trích bài: Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng)
Tạp chí Văn Học số 140, Sài Gòn, tháng 11 năm 1971
Ở thơ tình của Nh.Tay Ngàn, chỉ có niềm đau, đau vì người yêu không còn nữa trên thế gian. Nh. Tay Ngàn có một bài thơ dài “Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng”, gần như toàn là lời nói vào mịt mùng để vọng thấu đến người con gái đã mất tên Liên. Trong đó loáng thoáng dấu vết thời thế những năm khói lửa kháng chiến chống Pháp qua câu thơ “Đùa gió Tháp Mười sang Cửu Long đầy máu”, tuy nhiên không thấy nói rõ Liên chết vì nguyên nhân nào. Nội dung bài thơ dằng dặc lời tâm sự với người đã chết, nhưng ý tưởng nhiều câu mơ hồ không rõ nghĩa. Có thể nói, mặc dù Nh. Tay Ngàn từ Paris gửi bài thơ về Sài Gòn đăng trong Tạp chí Văn thời ông Trần Phong Giao làm chủ bút, nhưng thơ Nh. Tay Ngàn có lẽ không phải từ một đột khởi sáng tạo. Thơ của Nh. Tay Ngàn vẫn nằm trong khuynh hướng văn chương tân kỳ khởi từ tờ Tạp chí Sáng Tạo ở Miền Nam sau năm 1956, nhưng không nghiêng về khuynh hướng Nguyên Sa mà nghiêng về khuynh hướng thơ mờ tối của Thanh Tâm Tuyền. Từ chủ quan cảm nghĩ như vậy, ta để qua một bên những gợi ý có thể thơ Nh.Tay Ngàn thuộc về Thơ Siêu Thực, thuộc về Ẩn Chứa Vô Thức; hoặc khả hữu có Dấu Hiệu Tiền Kiếp Tái Sinh. Vậy xin trích dẫn điển hình hai đoạn thơ hay của Nh.Tay Ngàn; với chất thơ có được do còn nằm giới hạn nơi tình cảm đời thường của đôi lứa ngày xa nhau; và chất thơ có được do biết vận dụng từ ngữ ma lực làm thành những câu thơ đẹp tân kỳ:
… Sau buổi chiều Liên chết bơ vơ
Sau con đường Trà Vinh ngày đổ tối
Những mộng tưởng về phượng hoàng đất dương gian
Trở thành cỏ hoang trên lâu đài nến cháy
(Trích bài: Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng)
... Chim cú cũ có lần thành ba con nhạn
Rời rời về rừng giữa mặt trời cao
Ai có nhớ cô Liên về hoàng tộc
Đường lê thê tôi gỡ phiến da mình
(Trích bài: trời ơi thiền! ngờ đâu cơm đời).
City of Walnut, California, tháng 4 năm 2012
(Trích Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo”, số 52, tháng 6/2012 – Bản gửi từ tác giả)