Ngay sau khi công bố bài Về tác phẩm của Nguyễn An Ninh đăng trên báo ‘Trung Lập’ (Xưa & Nay, s. 375 và s. 376, tháng 3/2011), tôi nhận được một tài liệu có những chi tiết liên quan đến đề tài của chính bài báo trên, nên thấy cần viết thêm bài này.
Trong bài báo kể trên, vì không có tài liệu gì khác ngoài sưu tập báo ‘Trung Lập’, tôi đã cho rằng trong 2 đoạn thời gian tham gia viết cho nhật báo ‘Trung Lập’, đoạn tháng 5 – tháng 7/1932, Nguyễn An Ninh chỉ đăng có ít bài, với bút danh N., còn đoạn sau, từ đầu năm 1933 và nhất là từ 2/3 đến hết tháng 5/1933, khi ‘Trung Lập’ bị đóng cửa, ông viết với nhiều bút danh hơn: Cao Vọng, N., N.A.N. Riêng về việc Nguyễn An Ninh viết cho mục “Những điều nghe thấy” vốn ký tên Thông Reo là mục và tên do Phan Khôi đặt ra trên tờ ‘Trung Lập’, thì tôi cho rằng có nhiều khả năng ông chỉ viết từ 02/3/1933 trở đi, khi ông bước trở lại tòa soạn ‘Trung Lập’ một cách có tuyên ngôn, cũng là khi Phan Khôi rời tòa soạn ‘Trung Lập’ ra Quảng Nam và sau đó ra Hà Nội.
Tài liệu mới kể trên hé ra những điều chưa biết về quan hệ giữa Nguyễn An Ninh với Phan Khôi từ 1925, về việc Nguyễn An Ninh viết thay Phan Khôi mục hài đàm của ‘Trung Lập’ trong một thời gian nhất định. Vậy nếu tài liệu này là khả tín, thì ta cần biện giải lại về giới hạn phần bài Nguyễn An Ninh viết thay Phan Khôi trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo hồi giữa năm 1932. Tôi cần nói về việc này vì trong phần tiểu dẫn ở cuốn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 (Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2010), tôi đã biện giải theo hướng coi toàn bộ các bài trong mục “Những điều nghe thấy” trên nhật báo “Trung Lập” trong năm 1932 đều là của Phan Khôi.
*
Tài liệu vừa nhắc đến đó là cuốn “Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899 - 1943” của bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ, xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Chồng bà Phương Lan là ông Bùi Thế Mỹ (1904-1943), người quê Quảng Nam, vào Sài Gòn làm báo, là chủ bút nhiều tờ báo như “Đông Pháp thời báo” (1927-28), “Thần chung” (1929-30) “Trung lập” (1930-32), “Điễn tín” (1936-39), chủ nhiệm “Dân báo” (1939-43). Những năm 1960-70 bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ có viết và cho in tại Sài Gòn một số cuốn sách mang tính tư liệu lịch sử về một số nhân vật như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, v.v… Do đã cùng chồng sống trong giới hoạt động báo chí, hoạt động xã hội qua nhiều thập kỷ tại trung tâm Sài Gòn (từ những năm 1920 trở đi), nên những điều bà Phương Lan viết về những thời kỳ đó, thiết nghĩ, đều có giá trị như những hồi ức của một nhân chứng.
Về quan hệ giữa Nguyễn An Ninh và Phan Khôi, qua một số chi tiết trong cuốn sách của Phương Lan Bùi Thế Mỹ và một số tài liệu khác nữa, mới công bố gần đây, ta có thể biết rằng hai người này gặp nhau vào năm 1925, khi Phan Châu Trinh từ Pháp về Sài Gòn cùng với Nguyễn An Ninh, ở nhà Nguyễn An Ninh tại Quán Tre, và khi ốm nặng thì được chuyển đến nhà thầy thuốc Nguyễn An Cư là chú ruột Nguyễn An Ninh; còn Phan Khôi thì được chính Phan Châu Trinh gọi vào để viết cuốn tiểu sử Phan Châu Trinh và các “tác phẩm chính trị khác”, như nguồn tin của mật vụ Pháp đã mô tả.[1] Tuy cùng tham gia một sự kiện, song có thể đoán rằng thời gian 2 ông (Phan Khôi và Nguyễn An Ninh) gặp nhau là rất ngắn, vì Nguyễn An Ninh bị bắt (trưa 24/3/1926), trước lúc Phan Châu Trinh mất (đêm 24/3/1926), sau đó là đám tang Phan Châu Trinh, trong đó “Phan Khôi đảm nhận viết lời hiệu triệu quốc dân”.[2] Việc khẳng định Phan Khôi và Nguyễn An Ninh cùng có những liên hệ gắn bó với hoạt động cuối đời của Phan Châu Trinh sẽ giải thích cho một số sự việc diễn ra về sau, trong đó có việc Phan Khôi lặng lẽ đồng ý để Nguyễn An Ninh viết trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo trên nhật báo “Trung Lập” vào một số thời gian nhất định trong các năm 1932, 1933.
Việc Nguyễn An Ninh tham dự nhật báo “Trung Lập” được Phương Lan Bùi Thế Mỹ nhắc đến trong khá nhiều chỗ:
“Và lắm lúc Ninh vì lòng vị tha, vị bạn, hơi yếu mềm, nhơn đạo ấy mà trong đời cách mạng của Ninh, đôi khi bị người khác làm hoen ố cái đức tính cao cả vô biên, cách mạng tính, quân tử tính của Ninh. Như lúc vị tình Nguyễn Văn Tạo, một lãnh tụ Đệ Tam Quốc Tế trong nhóm “La Lutte” của Tạ Thu Thâu, vào viết giúp cho tờ nhật báo “Trung Lập” của ông bà Trần Thiện Quý, Ninh phụ trách mục “Bia miệng”, dưới ký tên Thông Reo, thay cho Tú Phan Khôi, đảm trách mục này từ lâu, nay cùng Bùi Thế Mỹ, vị chủ bút báo này, sang qua “Phụ nữ tân văn” (tr. 118)
“Đến lúc vào giúp việc chung với Tạo cho tờ “Trung Lập”, lao mình vào cuộc bút chiến dơ dáy hạ bệ vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ “Phụ nữ tân văn” trong tổ chức Hội chợ, một hội chợ vĩ đại, thành công chưa hề có trong lịch sử từ Pháp đô hộ tới giờ, gây quỹ cho hội Dục Anh hiện giờ còn tồn tại ở đường Cống Quỳnh, còn treo hình người giám đốc sáng lập viên là bà Cao Thị Khanh, tức Nguyễn Đức Nhuận phu nhân, cuộc bút chiến đến đưa ra tòa, Tòa nhìn nhận Ban tổ chức, ông bà Nguyễn Đức Nhuận nói riêng, không có gian lận, thế mà hai tờ nhật báo do hai bà chủ nhiệm đứng tên công kích không tiếc một lời nào”. (tr. 124-125)
“Và trong cuộc bút chiến này, giữa lúc Nguyễn An Ninh cọng tác với Tạo trong tờ “Trung Lập”, cũng bị tổn thương ít nhiều uy tín. Vô tình, Ninh chen giữa cuộc chiến dơ dáy này, Ninh sao khỏi dính ít nhiều bùn nhơ của cuộc bút chiến do bên kia tự vệ bắn trả. Họ điên tiết lên, rồi quơ đũa cả nắm là đó.” (tr. 128)
“Đến cuộc tuyển cử Hội đồng thành phố vào tháng tư năm 1933, Tạo vẫn còn nhờ con cờ Nguyễn An Ninh được nhiều cảm tình của nhân dân thời này, làm chủ tịch các phiên nhóm hay nói chuyện với quần chúng. Vì Tạo nói tiếng Việt rất dở. Nhờ cá nhân tên Nguyễn An Ninh mà sổ lao động của Tạo được đứng đầu sổ.
[…..] Chính Ninh viết bài cổ động cho cuộc tuyển cử, nào trên tờ “Trung Lập”, nào trên tờ “La Lutte”, Ninh làm việc thật hăng say […..]
Tờ “La Lutte” ra được vài số là đình bản, một lẽ vì thiếu vốn, cũng có một lẽ cuộc tuyển cử cũng thành công rồi. Còn tờ “Trung Lập” cũng bị nhà đương cuộc thâu hồi giấy phép, cho đóng cửa tờ báo luôn. Ninh trở lại thất nghiệp, không ở Sài Gòn, lại về Mỹ Hòa với vợ con.” (tr. 204, 206).
Đối chiếu với tư liệu báo chí hiện còn trong các sưu tập, có thể thấy là những đoạn hồi ức trên gắn với 2 thời gian khác nhau khi Nguyễn An Ninh cộng tác với “Trung Lập”: một là từ tháng 5/1932, khi nổ ra tranh cãi sau Hội chợ phụ nữ; hai là từ tháng 3/1933, khi có cuộc vận động bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn.
Về đoạn thời gian sau (từ tháng 3/1933), những điều tôi trình bày trong bài báo trước đã là đủ, không có gì khác biệt để bàn lại tại đây.
Riêng về đoạn thời gian từ tháng 5/1932, nhất là việc Nguyễn An Ninh viết thay Phan Khôi ở mục có ký tên Thông Reo, là điều cần được biện giải lại, nhân có tài liệu mới này.
Có một loạt chi tiết (như cho rằng Nguyễn An Ninh tham gia viết cho “Trung Lập” là do quá “vị tình” với Nguyễn Văn Tạo, hoặc cho rằng sau sự kiện Hội chợ phụ nữ 1932, việc Nguyễn An Ninh viết loạt bài đả kích vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận chủ nhân “Phụ nữ tân văn” được cho là “cuộc bút chiến dơ dáy”, …) là ý kiến đánh giá riêng của tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ, cũng có thể dựa vào ký ức của bà về dư luận trong báo giới Sài Gòn đương thời; tuy vậy ta chỉ nên quan tâm đến phương diện sự kiện trong các đoạn hồi ức của bà.
Mục “Bia miệng” mà bà nói trong hồi ức, thực tế không có trên nhật báo “Trung Lập”; đúng ra, có thể đoán, đó là bà nhớ đến mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo; và bà cũng nhớ đúng rằng ông Tú Phan Khôi “đảm trách mục này từ lâu”. Hồi ức của bà đưa tới một nhận định về sự chia sẻ tác quyền giữa Phan Khôi và Nguyễn An Ninh trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo trên nhật báo “Trung Lập” sau sự kiện Hội chợ phụ nữ 1932 ở Sài Gòn.
Đây là những điều rất phức tạp, vì đúng ra chỉ những người trong cuộc là biết rõ việc ai đã viết những bài nào. Do vậy, khi cả hai tác giả đã là người thiên cổ, thì khả năng giải đoán và phân giới chính xác, hầu như đã là điều không tưởng; hậu thế chẳng còn gì (bút tích, chứng nhận của người trong cuộc) ngoài các trang báo in cũ, những bài cùng ký một bút danh Thông Reo. Công việc phân tích văn phong có thể đưa tới một số kết quả nào đấy, nhưng trong thể văn hài đàm, khả năng cách điệu hóa lời văn là khá lớn, vài ba tác giả khác nhau cũng có thể viết theo một văn phong gần nhau, dưới một “mặt nạ tác giả”, ký chung một bút danh.
Do vậy, giờ đây, dựa vào hồi ức một nhân chứng, ta chỉ có thể ghi nhận rằng trên thực tế có sự việc Nguyễn An Ninh đã viết những bài trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo trên nhật báo “Trung Lập” với nội dung đả kích vợ chồng chủ nhân “Phụ nữ tân văn” sau Hội chợ phụ nữ, tháng 4/1932.
Dấu hiệu để xác định loạt bài này (do Nguyễn An Ninh viết) có thể là chính nội dung khá cụ thể đó (đả kích việc tổ chức hội chợ, coi đó là làm tiền không chính đáng, châm biếm tư cách “con buôn” hai vợ chồng chủ nhân tờ “Phụ nữ tân văn”,…), đồng thời liên quan đến thời điểm xảy ra sự việc Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút “Trung Lập” (9/6/1932) cùng một số người được coi là thân thiết với gia đình chủ nhân “Phụ nữ tân văn” như Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Thiếu Sơn… đều thôi đăng bài trên “Trung Lập”.
Về “nội dung” đã nói thì loạt bài này đã bắt đầu từ 23/5/1932 (Trả lời cho “Sài Thành”, đăng trong mục này nhưng không ký tên, có thể là của chủ bút “Trung Lập”), hoặc từ 01/6/1932 (Có sừng có mỏ thì gõ với nhau, ký Thông Reo); đó là loạt bài hầu như liên tục quần đảo quanh nội dung này:
01/6/1932 (Có sừng có mỏ thì gõ với nhau);
02/6/1932 (Ăn cắp với ăn cắp);
04/6/1932 (Thùng thùng thùng, beng beng beng);
06/6/1932 (Giống gì mà dữ vậy?);
07/6/1932 (Cái lõi của con người);
08/6/1932 (Khôn thì sống, bống thì chết);
09/6/1932 (Thứ đồ điên);
10/6/1932 (Độc khử độc);
11/6/1932 (Cây búa với hòn đe);
13/6/1932 (Cái thiên chức của cây búa);
14/6/1932 (Thôi đừng hỏi nữa);
15/6/1932 (Cùng cô Phan Thị Na ở Hà Nội);
17/6/1932 (Vàng thiệt không sợ lửa);
20/6/1932 (Nói thật cái mau nghe);
21/6/1932 (Quân tử mà làm gì);
22/6/1932 (Nhơn tâm nan trắc);
23/6/1932 (Cái khó mạ vàng);
25/6/1932 (“Hãng buôn phụ nữ”, “bạn hát nam nhi”);
05/7/1932 (Khóc “Phụ nữ tân văn” ngày nay);
08/7/1932 (Tính sao cũng được);
16/7/1932 (Tốt danh hơn lành áo);
21/7/1932 (Tính già ra non);
22/7/1932 (Ông tý nhà ta);
27/7/1932 (Hay lam hay làm);
04/8/1932 (Cái giá của con người);
7&8/6/1932 (Xinh đẹp mà chi);
12/8/1932 (Chuyện một cái bóp-phơi);
15&16/8/1932 (Lại mấy cách làm quảng cáo nữa);
18/8/1932 (Những “sự thiệt” nho nhỏ);
19/8/1932 (Vua Midas tai lừa);
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, ngay trong thời gian đăng loạt bài trên, trong mục “Những điều nghe thấy” còn xen những bài mang nội dung khác; đó là:
16/6/1932 (Ngọn đèn xanh);
24/6/1932 (Ngang dọc một thời);
28/6/1932 (Không bỏ được đâu);
29/6/1932 (Cụ Bùi diễn thuyết);
30/6/1932 (Cái thiên hạ đã có);
01/7/1932 (Mộng du kim cổ);
06/7/1932 (Ai sợ tẩy chay hôn?);
07/7/1932 (Không bằng con ếch);
09/7/1932 (Ông già mộ thể thao);
10&11/7/1932 (Cái nghề nguy hiểm);
14&15/7/1932 (Trời gần trời xa);
19/7/1932 (Khôn sống lâu hay dại sống lâu?);
20/7/1932 (Nói là bạc mà nín là vàng);
26/7/1932 (Nhà nông ta có phước);
28/7/1932 (Hãy để cho họ hát);
30/7/1932 (Văn sĩ với con buôn);
31/7&01/8/1932 (Cái đầu chặt rồi mà);
03/8/1932 (Hội đồng đưa đò);
06/8/1932 (Quảng cáo quá lố);
09/8/1932 (Tình bạn bè giữa trai và gái);
10/8/1932 (Chó ăn nem, bò uống rượu);
11/8/1932 (Dân vi quý);
13/8/1932 (Hội nghị chế độ);
17/8/1932 (Những điều mâu thuẫn); [3]
Nếu căn cứ vào hồi ức của bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ theo đó Nguyễn An Ninh viết thay Phan Khôi trong mục “Những điều nghe thấy” để công kích chủ nhân “Phụ nữ tân văn”, thì loạt bài có nội dung trực tiếp ấy (phần kê trên, từ 01/6/1932 đến 19/8/1932) có thể cho là hoàn toàn thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh. Thế nhưng những bài không trực tiếp có nội dung ấy cũng đăng xen lẫn loạt bài trên trong thời gian này (phần kể sau, từ 16/6/1932 đến 17/8/1932) thì phải chăng cũng thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh?
Xem kỹ loại bài này sẽ thấy không giản đơn như vậy. Có những loại đề tài xem ra Nguyễn An Ninh quan tâm nhiều hơn, lại có những đề tài dường như cả Nguyễn An Ninh lẫn Phan Khôi đều quan tâm và đều có thể viết hay, nhưng cũng có một vài đề tài chỉ Phan Khôi quan tâm và đặt bút mà thôi. Một bài như Văn sĩ với con buôn, nói đến “Phụ nữ tân văn” với giọng mỉa mai khá nhẹ, nội dung còn lại như là được dịp để quảng cáo cho một số bài của Phan Khôi, nhất là loạt bài giảng Hán văn độc tu khi ấy khởi đăng “Phụ nữ tân văn”; điều này xui người ta xem bài này là do Phan Khôi viết để tự giới thiệu bài vở của mình hơn là của ai khác.
Xem lại mục “Những điều nghe thấy” trên báo “Trung Lập” trong năm 1932, tôi thấy có thể dự đoán rằng Nguyễn An Ninh chỉ viết từ đầu tháng 6/1932 đến giữa tháng 7/1932, tập trung vào việc công kích chủ nhân “Phụ nữ tân văn”, ngoài ra có lẽ cũng đề cập một vài đề tài khác; sang tháng 8, Nguyễn An Ninh dường như viết thưa dần và đến cuối tháng 8 thì giọng điệu Phan Khôi đã trở lại trong mục này khá rõ. Có những bài như Ông Tú sửa sách (28&29/8/1932), nhất là Quân tử oán tam niên (30/8/1932) chỉ có thể là của Phan Khôi, bởi chỉ tình bạn của ông với Đào Trinh Nhất mới khiến ông dùng mục “Những điều nghe thấy” trên “Trung Lập” để cự lại những ý kiến thóa mạ bạn mình trên chính tờ “Trung Lập”, lại cũng được dịp bày tỏ sự không đồng tình với một số toan tính cực đoan của hai phe chống đối nhau quanh vụ Hội chợ phụ nữ; bài này có thái độ hoàn toàn ngược lại với giọng điệu công kích chủ nhân “Phụ nữ tân văn” trong loạt bài dẫn trên, nghĩa là không thể do Nguyễn An Ninh viết. Đây có thể là dấu hiệu Phan Khôi đã lặng lẽ trở lại trong mục “Những điều nghe thấy” của mình trên nhật báo “Trung Lập” và sẽ viết liên tục trong mục này đến tận cuối tháng 2/1933. Còn Nguyễn An Ninh thì từ giữa tháng 8/1932 cũng tạm ngừng viết cho “Trung Lập”. Chỉ đến khoảng nửa năm sau, từ đầu tháng 3/1933, Nguyễn An Ninh mới trở lại tòa soạn với tuyên ngôn rõ ràng, viết đăng báo này với nhiều bút danh, kể cả việc thay Phan Khôi viết tiếp mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo cho đến khi “Trung Lập” bị đóng cửa (30/5/1933), như tôi đã nêu kỹ trong bài trước.
*
Trên đây là những điều mà tôi thấy cần nói thêm, nhân có được tài liệu của một người có tính cách nhân chứng về các sự việc liên quan.
Thật ra, việc Phan Khôi đặt ra mục “Những điều nghe thấy” ký bút danh Thông Reo và viết trong nhiều năm khác nhau dưới bút danh này, tự thân sự việc đã cho thấy ông là chủ nhân duy nhất của bút danh ấy. Các phản hồi trên báo chí đương thời, ví dụ của Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất, Hoàng Tích Chu, Huỳnh Thúc Kháng, đều khẳng định điều này. Trong mục “Những điều nghe thấy” ở nhật báo “Trung Lập” đôi khi cũng có những người khác tham gia viết, nhưng thông thường là họ ký những tên khác, như Tạm Chức (?), Mộng Lan (Đoàn Trung Còn), Phiêu Linh (Bùi Thế Mỹ),… Chỉ khi người khác viết nhưng lại vẫn ký bút danh Thông Reo của Phan Khôi, như trường hợp Nguyễn An Ninh − mà một số tư liệu mới tìm được đang chứng tỏ, − thì sự việc mới trở nên phức tạp đến mức khó gỡ, khi những người trong cuộc đã không còn. Sự đoán định tôi trình bày ở trên, dù sao cũng chỉ là một phỏng đoán. Rất cần có những tư liệu khác được phát hiện thêm để làm rõ hơn sự việc này.
Đặc biệt đáng chờ đợi là những tư liệu từ phía thân nhân hai nhân vật Phan Khôi và Nguyễn An Ninh. Thiết nghĩ, khi thân nhân của Nguyễn An Ninh đã lấy một loạt bài báo ký tên Thông Reo đưa, không chỉ một lần, vào tuyển tập của tác gia quá cố, thì hẳn trong gia đình vẫn còn giữ được một số chứng tích nào đấy, ít nhất là những di ngôn được truyền lại. Rất mong những ký ức đó cũng được bộc lộ, làm tư liệu hoặc làm căn cứ cho giới nghiên cứu hiện nay và mai sau.
25/04/2011
Chú thích
[1] Xem: Hai tài liệu liên quan đến tiểu sử Phan Khôi, trong sách: Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn (2005): Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, H: Nxb. Hội nhà văn – Trung tâm VHNN Đông Tây, 2005, tr. 858-861.
[2] Phương Lan Bùi Thế Mỹ (1970): Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899 – 1943, Sài Gòn: Ấn quán Thúy Phương, 1970, tr. 130.
[3] Xem loạt bài trên trong sưu tập: Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn (2010): Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932, H: Nxb. Tri Thức, 2010, tr. 420-490.