Nói đến điện ảnh Pháp là phải nói đến một Catherine Deneuve dịu dàng duyên dáng, một Sabine Azema thanh thoát lãng mạn, một Nathalie Baye nồng nàn kín đáo, một Miou-Miou đôn hậu mực thước, một Isabelle Adjani thơ ngây sắc sảo, một Fanny Ardant thông minh gợi cảm, một Isabelle Huppert quyến rũ kín đáo, một Arielle Dombasle huyền hoặc gần gũi, một Sandrine Bonnaire say đắm hồn nhiên, một Juliette Binoche tràn đầy sinh lực và một Beatrice Dale buông thả ngổ ngáo và còn nhiều nữa, nhiều nữa nếu buộc phải kể. Nhưng có lẽ sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến Brigitte Bardot dù mấy mươi năm nay Brigitte đã không còn xuất hiện trên màn ảnh, Brigitte vẫn cứ là một huyền thoại sống động và ly kỳ nhất của lịch sử điện ảnh Pháp.
Brigitte Bardot sinh ngày 28.9.1934 tại Lorvécienne, Pháp trong một gia đình nề nếp, có tiếng tăm ở Paris. Cha là nhà doanh nghiệp, chủ một hãng chế tạo khí lỏng, mẹ là giám đốc một công ty bảo hiểm đặt trụ sở tại Milan, Ý rất say mê nhạc kịch và múa. Mẹ của Brigitte rất mong ước có một đứa con trai, nhưng số phận đã không nuông chiều bà, nên đã dành cho bà hai cô con gái và đã làm bà thất vọng không ít. Điều này có thể giải thích tại sao trong cuộc đời, Brigitte luôn luôn có nhu cầu nóng bỏng được chiều chuộng vuốt ve và cần quyến rũ, làm vui lòng người khác.
Sau khi đậu tú tài phần I ( Bac I ), Brigitte theo học ở Học viện Nghệ thuật Paris với ước mơ trở thành một diễn viên múa ballet. Cũng vì mục đích đó mà Brigitte lại ghi tên theo học lớp hướng dẫn của B.Kniazef. Rồi lại tha thiết muốn làm một diễn viên sân khấu kịch nói, nên lại theo học với Réne Simon. Nhưng cuối cùng định mệnh đã đẩy đưa Brigitte đến với nghệ thuật thứ bảy.
Brigitte Bardot - francophilia.com
Cho đến nay, một trong hai vấn đề Brigitte không bao giờ chịu hé môi với các nhà báo là lý do nào và những bước đi ban đầu của cô đến với điện ảnh. Tuy nhiên, trong những trang tự thuật nhan đề D'une étoile l'autre (Từ Ngôi Sao này đến Ngôi Sao khác, Amazon, Paris 1986 ) gạt bỏ những đoạn nhảm nhí, tự đề cao trong mối quan hệ giữa mình và Brigitte, thì Roger Vadim đã hé lộ một phần sự thật về bước đầu của Brigitte với điện ảnh. Điều này có thể tin được, vì chính bà Hélène Lazarell bạn thân của Jane Markin, mẹ của Brigitte đã thực hiện một thiên phóng sự về Brigitte như một cô gái Pháp hiện đại, kèm theo những bức ảnh của Brigitte với một dáng vẻ vừa ngây thơ vừa sa đọa, vừa kiêu kỳ vừa vụng dại... Bài viết và những hình ảnh đó đã đến tay đạo diễn Marc Allégret. Ông này bị cô gái trẻ hấp dẫn, do đó ông đã viết thư đề nghị vợ chồng Bardot để ông hướng dẫn Brigitte bước vào nghành điện ảnh. Mọi việc ban đầu không có vẻ gì là suôn sẻ, vì ông Bardot không muốn cho con gái mình bước vào lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực mà ông cho rằng nó sẽ dẫn con ông đến chỗ sa đọa. Nhưng do ý muốn của vợ, ông miễn cưỡng chấp nhận. Và đó cũng là con đường đưa Brigitte tới với Roger Vadim, người mà Marc Allégret giao cho nhiệm vụ hướng dẫn diễn xuất cho Brigitte. Kết cuộc hình như không thể khác đi được về mối quan hệ giữa cô học trò 15, 16 tuổi mà “ở cô có một sự pha trộn kỳ lạ của sự ngây thơ vụng dại của nữ tính, của sự dạn dĩ và của sự nhút nhát” như Roger Vadim đã mô tả, với người thầy độc thân chỉ hơn cô chưa đầy sáu tuổi. Họ đã yêu nhau với tất cả những sôi nổi bồng bột, những đam mê cuồng dại của tuổi trẻ, bất chấp tất cả những cấm đoán của cha mẹ. Cuối năm 1952, họ chính thức làm lễ cưới, năm đó Brigitte đúng 18 tuổi.
Có thể nói nghệ thuật điện ảnh không chút rào đón, e dè nào đối với Brigitte khi cô tìm tới. Hình như tất cả đã chuẩn bị, chờ đợi để đón một bông hoa hương sắc rực rỡ và kỳ lạ chưa thấy bao giờ.
Ngay trong bộ phim đầu tiên Crazy of Love ( Le Trou Normand,1952) của Jean Boyer, nhân vật được giao cho Brigitte không thể coi là phụ. Nó đã báo hiệu cho sự ra đời của một bông hoa với những tố chất đặc biệt, không thể lẫn lộn với bất cứ một bông hoa nào khác.
Trước khi đầy 18 tuổi, Brigitte đã hóa thân thành nhân vật Marina trong Marina, Cô Gái Không Tấm Vải Che Thân (Manina,la fillesans voile 19ẻ) của Willy Rozier, với mái tóc bồng bềnh và chỉ vài centimètre vải trên thân thể, Brigitte Bardot hay B.B đã trở thành là nữ thần nhục thể của điện ảnh Pháp mà trước đó vẫn thuộc về Martine Carol.
Đến Les Grandes Manoeuvres (1955) của Réné Clair, Brigitte trong vai Lucie với vẻ đẹp ngây thơ man dại đã trở thành là đối tượng theo đuổi của một anh chàng kỵ binh; trong Ánh Sáng Trước Mặt (1955) của Georges Lacomb, Brigitte đóng vai Olivia, người yêu của Georges Marceau, một tài xế xe vận tải gặp phải tai nạn. Sau khi ra viện, bác sĩ ngăn cấm anh không được có quan hệ xác thịt, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Olivia biết rõ điều đó, nhưng vì yêu thương anh nên vẫn quyết tâm kết hôn với anh. Song chẳng bao lâu, Olivia nhận ra sự sai lầm của mình. Cô không thể chịu đựng nổi sự thiếu thốn bất bình thường đó, thế là cô lao vào những cuộc phiêu lưu... Tiếp đến, trong Cô Gái Hết Sẩy (1955) của Michel Boisrond lại xuất hiện một Brigitte ngổ ngáo, phóng túng tự tay đốt nhà, gia nhập một băng du thủ du thực gây náo loạn khắp nơi, nhưng sau đó đã quay về với người yêu cũ. Trong Cô Dâu quá xinh (La Mariée est trop belle,, 1956) của Pierre-Gaspard Huit, Brigitte là hóa thân của một cô gái tỉnh lẽ do có chút nhan sắc nên được báo chí đăng lên hình bìa. Từ đó, thường xuyên xảy ra bao nhiêu chuyện rắc rối, trái khoáy trên mục giải đáp tâm tình, hay tìm bạn bốn phương... Nhưng hình tượng mà Brigitte Bardot đã làm cho khán giả khắp nơi trên thế giới phải sửng sốt, bàng hoàng vì sắc đẹp man dại và nghệ thuật diễn xuất độc đáo của cô chính là nhân vật Juliette trong Và Thượng Đế Đã Sáng Tạo Ra Đàn Bà ( Et Dieu… créa la femme, 1956) của Roger Vadim. Ở đó, Juliette là một cô gái mồ côi được nuôi dưỡng bởi một cặp vợ chồng phúc hậu. Cô gái này làm cho mọi người chung quanh xốn xang, lên cơn sốt bởi cung cách ăn mặc, đi đứng rất ư là tự nhiên của mình. Hàng ngày, không biết bao nhiêu gã đàn ông chầu chực chung quanh nàng. Tất nhiên nàng phải lấy chồng, nhưng chỉ vài hôm thì nàng đã cắm sừng ngay ông chồng của mình - tình nhân của nàng lại chính là em trai chồng. Rồi bao nhiêu kẻ khác, những tên trọc phú bám riết lấy nàng... Cuối cùng, sau bao nhiêu cuộc chinh chiến, nàng quay trở về với đức ông chồng của mình, mà cũng chẳng có chi hứa hẹn rằng nàng sẽ không tiếp tục những cuộc phiêu lưu khác.
Nhân vật thôn nữ mồ côi và gợi cảm này ban đầu chỉ được dân chúng Pháp đón nhận một cách hờ hững. Nhưng tại Mỹ thì hoàn toàn khác, nó trở thành một quả bom ở miền đất đượm chất Thanh giáo: người Mỹ đòi kiểm duyệt, cấm chiếu, tổ chức biểu tình phản đối, tống giam các chủ rạp chiếu phim. Những người có thành kiến thì hết lời công kích - Sự kiện đó đồng nghĩa với sự bảo đảm về mặt doanh thu, bộ phim Và Thượng Đế Đã Sáng Tạo Ra Đàn Ba đã đi khắp thế giới, và đem về thật nhiều tiền cho nhà sản xuất Raoul Lévy không thua kém gì doanh thu xuất khẩu của hãng ô tô Renault, cũng như tạo dịp cho nước Pháp khám phá trở lại tác phẩm gây xì căng đan này, các rạp chiếu đông nghịt người. Nhưng đồng thời bộ phim cũng bị coi là nguyên nhân trực tiếp cho cái chết của một cụ già trên một chuyến xe lửa.
“Nữ thần điện ảnh” Pháp của thập niên 1960,
Một huyền thoại ra đời, báo chí bắt đầu rình rập chuyện đời tư của Brigitte, tìm kiếm những tin giật gân, trong khi các cô gái thì bằng đủ mọi cách bắt chước Brigitte Bardot. Không chỉ có thế, Nữ hoàng Anh mời Brigitte vào điện Buckingham trò chuyện, Tổng thống De Gaulle cũng mời Brigitte vào điện Elysée; và các nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng như Roland Barthe, Marguerite Duras, Francoise Sagan cũng dành cho Brigitte những bài viết trang trọng.
Sau Và Thượng Đế Đã Sáng Tạo Ra Đàn Bà, mọi vinh quang lại tiếp tục vẫy gọi ở phía trước, giờ đây vẻ mỹ miều của Brigitte là của một quả lê chín mọng... Một loạt phim với những đạo diễn tên tuổi như Jean-Luc Godard, H.G Clouzot, Louis Malle... đã làm cho tên tuổi của Brigitte trở nên bất tử trong các phim Anh Có Muốn Khiêu Vũ Với Em? (Voulez-vous danser avec moi, 1958), Sự Thật (La Vérité,1960), Đời Tư (1961), Người Chiến Binh Dừng Bước ( Le Repos du guerrier, 1962), Sự Khinh Bỉ (Le Mépris,1963), Hoan Hô Maria (Viva Maria1964) v.v...
Nói chung, với 18 bộ phim sáng giá nhất trong cuộc đời diễn viên của Brigitte Bardot, người ta lần lượt khám phá một thần tượng đã từng một thời làm say mê cả một thế hệ qua nhiều góc cạnh khác nhau, Brigitte Bardot gợi lên hình tượng một thần vệ nữ với vẻ duyên dáng lạ thường mỗi lần Brigitte cử động trước ống kính như chính Roger Vadim đã mô tả, còn Herve Mille, chủ bút tạp chí Paris Match (từ 1938-1968) không những cho rằng Brigitte ăn ảnh một cách thần kỳ, mà mỗi lần họp báo Brigitte có một lối trả đũa các nhà báo ma mãnh một cách thông minh, và một giọng khôi hài sâu sắc. Còn Francois Reichebach, người đã quay phim quảng cáo cho bộ phim Hoan Hô Maria của Louis Malle ở Mỹ thì tiết lộ tính tình bão tố của Brigitte khi thì vui sướng như trẻ con trước những thành công gặt hái được, lúc thì cáu giận như một con mèo ướt sũng bởi chính vinh quang đó. Nhưng có lẽ nhận định về Brigitte Bardot của đạo diễn Fédéric Mitérand, người đã thực hiện hàng loạt phim Các số phận rất danh tiếng, chuyên kể về đời sống của các danh nhân và các nhân vật lừng lẫy trên Đài truyền hình TF1: “Cuối cùng không phải với tư cách là một Thần vệ nữ Sexy mà Brigitte Bardot để lại dấu ấn khó phai mờ trong thời đại hiện nay mà chính nhờ lòng thẳng thắn, tính tự nhiên và quan niệm rộng rãi về quyền tự do của con người của cô” xem ra chính xác, và được rất nhiều người tán đồng. Thật vậy, cô gái trẻ trung và người đàn bà - trẻ con (femme-en-fant), với vẻ duyên dáng của loài báo, cái miệng làm nũng gây chao đảo, giọng nói nóng nảy nhưng trong trẻo và phương pháp khiêu gợi ngây thơ được cả nhân dân Pháp yêu mến, một phần nhờ vào cá tính mạnh mẽ của cô. Brigitte Bardot đã làm không những thay đổi mode áo quần, tóc tai của một phần châu Âu mà còn làm thay đổi cả nếp sống và quan niệm sống của rất nhiều người. Sự hiện diện của Brigitte Bardot một thời chói sáng đến nỗi suốt hơn mười năm Brigitte được chọn để tạc tượng Marianne, biểu tượng chính thức của nước Pháp.
BB Forever: Brigitte Bardot, the Legend – Photogaphy Exhibition
selectism.com
Tuy nhiên, trong cuộc sống tình cảm, Brigitte là một phụ nữ không may mắn. Sau khi ly dị với đạo diễn Roger Vadim, Brigitte trở thành người tình của Trintignant, Distel, để rồi lại nhận lời kết hôn với Jaques Charrier, nhưng hôn nhân mới không mang đến hạnh phúc phải đi đến giải pháp ly dị. Vết thương chưa lành, Brigitte lại chấp nhận lời cầu hôn của Gunter Sachs, và một lần nữa cuộc hôn nhân này không thay đổi được số phận của Brigitte, kết cuộc là nỗi đau và sự thất vọng.
Suốt một đời đóng vai mẫu người lý tưởng của hàng triệu đàn ông, rốt cuộc Brigitte vẫn cay đắng chưa có một người đàn ông thật sự trong đời.
Brigitte Bardot không đi tiếp cho hết cuộc đời nghệ thuật của mình như Simone Signoret hay Jeanne Moreau; cô cũng không tự kết liễu cuộc đời mình như trường hợp Marilyn Monroe, dù cô đã có lần thử làm; hai mươi mấy năm qua cô rút lui khỏi phim trường, đoạn tuyệt hẳn với giới điện ảnh; nhưng khác với Greta Garbo hoàn toàn ẩn tích, mai danh, Brigitte đi tìm niềm vui bên cạnh bầy chó, mèo những kẻ trung thành và yêu thương cô suốt đời.
Với sự chọn lựa của mình, Brigitte bày tỏ: “Khi tôi bỏ lĩnh vực điện ảnh, một số người nói tôi bảo vệ loài vật là để tự quảng cáo. Thẳng thắn mà nói, nếu có một phụ nữ nào trên thế giới không cần đến quảng cáo, người đó chính là tôi. Ngay cả bây giờ, vẫn có người hỏi tôi: Tại sao cô không giúp các em nhỏ, hay dân chúng ở Bosnia, hay những người già cả, hay nạn nhân của bệnh AIDS? Bao giờ cũng có một ai đó nói với tôi: tốt nhất là nên quan tâm đến một cái gì khác?
Có người cho rằng Brigitte yêu loài vật vì những người đàn ông đã làm cho Brigitte thất vọng. Nhưng tháng 6 năm 1992, tại một bữa tiệc ở nhà một người bạn làm nghề luật sư ở Saint Troper, Brigitte đã gặp Bernard A’Ormale, một chính trị gia, cố vấn của thủ lĩnh cực hữu phát xít Pháp Jean-Marie Lepen và không lâu sau đó (16.8), Brigitte làm lễ cưới lần thứ tư tại một nguyện đường Tin Lành trong một làng nhỏ. Về người chồng mới, Brigitte nói: “Đó là một người đàn ông thực sự, loại đàn ông đang trên đường biến mất. Anh ấy vừa có nỗi đam mê, niềm hy vọng và sự khôn ngoan (...) Anh ấy có kinh nghiệm đời và tình người khác hẳn với tôi nhưng lại cùng nỗi khát khao thật sự. Anh ấy có thể hiểu cá tính, đau khổ và đòi hỏi của tôi. Đám cưới lần này không giống những lần trước, bằng chứng là những lần đó đã không lâu bền. Ngày nay, nhờ Bernard mà tôi cảm thấy mình trẻ lại như lúc còn 20 tuổi, thậm chí 17, không còn buồn khổ, niềm đau sâu sắc, sự cô độc tàn phá nữa. Tim tôi đã tìm lại tuổi thanh xuân, một hơi thở thứ hai”.
Chân dung Bernard A’Ormale có đúng như Brigitte phác vẽ không, hay đó chỉ là hình bóng trong mơ tưởng, không có thực mà kẻ trong cuộc Brigitte bị che mờ chưa thực sự khám phá? Nhưng có điều oái oăm khi chọn Bernard A’Ormale, Brigitte đã bị những người thân, bạn bè bỏ rơi - phải chăng đến bây giờ người ta muốn lãng quên Brigitte Bardot?