Chuyến công tác của tôi ở Đà Lạt đã bước sang ngày thứ ba, mọi công việc với phía đối tác đã hoàn tất, chỉ còn chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên. Thời gian nhàn rỗi, tôi lững thững đi dạo phố ngắm hoa, mua sắm mấy món hàng đặc sản về làm quà cho gia đình. Vừa rời khỏi nhà nghỉ vài trăm mét, tới ngang đường Trần Hưng Đạo, nhìn sang bên trái thấy một khu resort rộng lớn, bên trong có khá đông người đi lại nhộn nhịp. Tôi dừng bước ghé vào nghỉ chân uống cà phê, ngắm hoa, nghe nhạc: “Đà Lạt ơi có hay chăng khúc tình đầu dang dở...” Khúc nhạc trầm bổng ru hồn tôi vào cõi mộng mơ.
Tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm phức trong tiết trời se lạnh thì có một phụ nữ chừng ngoài năm mươi tuổi, vận bộ áo váy màu nâu nhạt, bên ngoài khoác hờ một chiếc áo gió màu xanh nhạt. Gương mặt tròn, nước da trắng hồng, đôi mắt đen lánh, trên gương mặt đã xuất hiện những nếp nhăn nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp dịu hiền, tươi trẻ. Người phụ nữ đến bên bàn của tôi khẽ cúi đầu chào hỏi rất lịch thiệp và chị tự giới thiệu:
- Xin phép, được tự giới thiệu. Em tên là Thanh, chủ resort. Chào mừng anh đến thăm. - Giọng Hà Nội rất chuẩn. Tôi đứng dậy chào đáp lại và kéo ghế mời chị ngồi. Thanh nhẹ nhàng ngồi xuống ghế trò chuyện với tôi bằng một cử chỉ cởi mở, thân thiện. Trong lúc ngồi đối diện chuyện trò, tôi mới nhận ra bà chủ resort này có nhiều nét giống cô bạn người cùng phố với tôi năm xưa ở Hà Nội cũng có tên là Thanh. Từ đôi mắt thẳm sâu đến nụ cười tươi tắn, hồn nhiên. Đặc biệt là hàm răng. Hàm răng trắng đều tăm tắp, giống hệt hàm răng của bạn tôi. Ngày ở Hà Nội tôi với Thanh học chung một lớp từ cấp hai lên đến hết cấp ba, tôi đã si mê hàm răng của Thanh, giờ ra chơi, tôi với vài đứa bạn chỉ muốn chọc cho Thanh cười để được ngắm hàm răng của nàng. Không nhè đây lại là Thanh, bạn mình thiệt sao?. Tôi thầm nghĩ trong bụng. Chỉ có điều tôi với Thanh xa nhau quá lâu rồi. Kể từ ngày tôi rời Hà Nội vào Nha Trang sinh sống tính đến nay đã ngót ba chục năm, hơn nữa từ ngày Thanh bỏ ba về sống với bà ngoại ở Nam Định giữa chúng tôi không hề có liên lạc. Tuy là bạn cùng phố, học chung cùng lớp nhưng gia đình tôi và gia đình Thanh thuộc hai đẳng cấp khác nhau. Bố Thanh làm Thứ trưởng, mẹ Thanh là giáo viên. Gia đình tôi, bố mẹ đều là công chức bình thường. Bố là thợ điện, mẹ là nhân viên bán hàng thực phẩm. Vì vậy mối quan hệ giữa tôi với Thanh không thân thiết lắm. Để làm rõ sự hoài nghi của mình. Tôi mạnh dạn hỏi:
- Xin lỗi. Tôi tò mò muốn biết chị Thanh là người quê vùng nào ngoài Bắc?
- Dạ. Thưa em quê ở đất Hà Thành.
- Chị ở phố nào?
- Em ở phố Hàng Bông. Còn anh, anh cũng... ở...
- Tôi cũng ở phố Hàng Bông. Vậy chị có biết gia đình ông Giảng Thứ trưởng Bộ... tôi hỏi chưa dứt câu
Thanh đã xen vào, cắt ngang.
- Ông Giảng là ba Thanh. Còn anh, anh có phải là... anh Trung con bác Nam không ạ?
- Đúng rồi. Tôi là Trung con ông Nam thợ điện đây - Thanh kêu lên:
- Trời ơi! Chúng ta xa nhau lâu quá rồi. Không ngờ hôm nay lại có cơ may gặp lại nhau ở phố núi cao nguyên này. - Thanh bối rối xúc động. Thú thực lúc đầu thoạt nhìn Trung mình cũng ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Trung giờ có già đi nhưng vẫn không khác xưa là mấy. Cảm ơn trời đất cho chúng mình gặp lại nhau. Hôm nay mình mời Trung về nhà chơi để chúng mình còn nói chuyện được nhiều. Xa Hà Nội, xa bạn bè lâu quá rồi, mình nhớ Hà Nội nhớ bạn bè nhiều lắm! - Nói đến đây hai mắt Thanh ngấn lệ làm cho tôi cũng bồi hồi xúc động.
Uống cà phê xong, Thanh lấy xe con đưa tôi về nhà. Nhà Thanh ở trong một ngôi biệt thự cũ, nhỏ nhắn nằm ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu mặt nhìn xuống Hồ Xuân Hương thơ mộng. Thanh có một gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng với hai con. Chồng Thanh là nhà doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Hai con Thanh đã trưởng thành. Con trai đầu có vợ và một con nhỏ hai tuổi. Cô con gái đang làm việc dưới Sài Gòn. Giữa lúc tôi và Thanh đang ngồi nói chuyện trong phòng khách thì một chàng trai cao lớn, vạm vỡ chừng ngoài bốn mươi tuổi từ trong nhà trong bước ra. Thoạt nhìn tôi ngỡ đó là con trai Thanh. Đang định hỏi thì Thanh đã kịp lên tiếng:
- Giới thiệu với anh, đây là Ánh, em trai của Thanh mới từ Mỹ về thăm - Thanh quay sang phía cậu em, - Ánh, em không nhận ra anh Trung sao? - Ánh ngước mắt nhìn tôi giây lát rồi đột ngột reo lên:
Trời! Anh Trung, vậy mà em không nhận ra. Anh khác trước nhiều quá! - Ánh chạy lại ôm tôi, ghì chặt trong vòng tay vạm vỡ làm tôi đau điếng.
Anh nhìn chú cũng khác trước nhiều. Nếu gặp nhau ở ngoài đường hẳn không nhận ra nhau. Thế nào, có vợ con chưa? Làm ăn ở nước ngoài khá lắm nhỉ?
- Em có vợ với hai con. Một trai, một gái. Các cháu còn đang đi học. Vợ em là người Canađa gốc Việt. Cuộc sống gia đình ổn định. Còn anh. Vẫn ở đất Hà Thành chứ?
- Mình đưa cả gia đình vào sống ở Nha Trang đã hơn hai chục năm rồi. Cuộc sống bình thường như mọi người.
Buổi trưa đó Thanh thiết đãi tôi một bữa toàn món ăn Hà Nội do chính tay Thanh nấu. Được gặp lại chị em Thanh, gợi cho tôi nhớ về bao câu chuyện buồn vui của gia đình Thanh khi xưa trên đất Hà Thành mà tôi từng chứng kiến.
*
Ở vào thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước, khi ấy ba của Thanh, ông Lê Xuân Giảng làm Thứ trưởng một Bộ lớn, mẹ Thanh, bà Nguyễn Thị Bích Hồng, người gốc Nam Định là giáo viên Trung học. Nhờ có ba làm Thứ trưởng, lương cao, bổng lộc nhiều nên đời sống gia đình rất đầy đủ. Nhà Thanh lúc nào cũng ăn cơm gạo trắng muốt. Trong khi ấy cả nước phải ăn cơm độn bobo, độn sắn khoai. Thịt cá trong nhà Thanh không thiếu. Nhiều bữa thịt cá ăn không hết, bà Hồng sai con đem ra đổ vào thùng rác công cộng.
Cuộc sống đủ đầy, nhưng gia đình chẳng mấy yên ổn. Ông Giảng là một người đàn ông cao lớn, lịch lãm, ăn nói lưu loát giống hệt giọng Hà Nội nhưng đôi khi vẫn để lộ ra chất giọng nhà quê “trọ chẹ”. Ông sống khá lạnh lùng, gia trưởng. Luôn nghiêm khắc với vợ con. Ông thường dạy vợ con phải sống theo khuôn phép. Vợ ông là giáo viên, một người có trình độ hiểu biết nhất định nhưng không dám há miệng nói lại ông lấy một lời. Bà biết nhiều khi ông xử sự với vợ con thô bạo, buộc vợ con phải tuân theo những quy định vô lý của ông. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng như dây đờn. Tôi nhớ có một lần vào buổi chiều chủ nhật, tôi sang nhà Thanh, rủ Thanh đi sinh hoạt Đoàn trường. Vừa bước chân đến đầu ngõ đã nghe giọng ông Giảng oang oang răn dạy vợ con. Tôi nhẹ nhàng lẻn ra sau nhà đứng nghe lỏm. Ông Giảng cao giọng: “Tôi đường đường là cán bộ cấp cao, là Thứ trưởng lại là Bí thư Đảng ủy, vợ con phải biết giữ thể diện cho tôi. Từ cách đi đứng, ăn nói với người ngoài phải thể hiện mình là gia đình cán bộ cao cấp. Ông đưa mắt về phía Thanh và Ánh: Từ nay tao cấm con Thanh và thằng Ánh không được giao du với lũ trẻ con thấp hèn ngoài phố. Còn bà, ngày lên lớp, hết giờ phải về nhà phục vụ cơm nước cho chu đáo để tôi có sức khỏe làm việc phục vụ nhân dân”. Đứng ngoài nghe ông “giảng đạo” cho vợ con làm tôi vãi đái ra quần.
Ở nhà đã vậy, đến cơ quan ông luôn hà khắc với cán bộ cấp dưới. Trong cơ quan Bộ có ai sống thiếu nghiêm túc một chút như nam để tóc dài, nữ mặc áo hở ngực, quần ống loe là ông phê phán dữ dội, đe dọa cách chức, đuổi việc. Ông thường cao đạo giảng giải cho mọi người về lý tưởng Cộng sản, về chủ nghĩa Mác Lênin. Mặc dù ai cũng biết rất rõ ông chưa bao giờ đọc sách nhất là sách chủ nghĩa Mác. Bởi ông mắc chứng bệnh chảy nước mắt. Nhiều khi đọc một văn bản đôi ba trang của cấp trên gửi xuống ông vừa đọc vừa nghỉ cả giờ đồng hồ mới đọc xong.
Trong gia đình phải sống trong bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt bà Hồng mắc chứng bệnh trầm cảm. Lúc nào cũng thẫn thờ như người mất hồn. Lên lớp nói trước quên sau. Cô giáo giảng bài học sinh không hiểu, la ó om xòm. Ban giám hiệu nhà trường phải cho bà nghỉ dậy, về nhà đi điều trị bệnh. Suốt hai năm chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện kia bệnh của bà vẫn không khỏi mà còn nặng thêm. Khi bà biết tin chồng mình có quan hệ bất chính với cô thư ký riêng làm cho bà phát điên, suốt ngày ngồi xó nhà xé quần áo, gào thét om xòm.
Từ khi vợ bị điên, ông Giảng bỏ mặc, chẳng ngó ngàng gì đến vợ. Hàng ngày, hết giờ làm việc nơi công sở, ông lại đi ăn nhậu, dùng thời gian hú hí với bồ nhí. Ông công khai quan hệ với Lê Mai, cô thư ký riêng của mình. Hai người đưa nhau đi chơi bời, nghỉ mát hết Hạ Long đến Sầm Sơn...
Bà Hồng bệnh ngày một nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Bà Hồng mất, ông Giảng bày biện ra tang lễ rất linh đình. Mục đích của ông để che mắt thiên hạ, cho mọi người biết mình rất quan tâm đến vợ; mặt khác để ông có cơ hội thu được thiệt nhiều tiền phúng viếng. “Đây cũng là mánh khóe của không ít quan chức thời nay”.
Vợ chết vừa tròn một năm, ông Giảng làm đám cưới với Lê Mai, cô thư ký xinh đẹp mới ngoài ba chục tuổi. Lê Mai là một cô gái xứ Thanh sắc xảo, có đôi mắt lẳng lơ, hút hồn đàn ông. Gả đàn ông nào chỉ gặp Mai một lần thì khó mà dứt ra được. Mai lấy ông Giảng một người hơn mình ngót ba chục tuổi, cha mẹ, bạn bè phản đối quyết liệt nhưng Lê Mai không từ bỏ thành hôn với ông Giảng. Lê Mai lấy ông Giảng không phải vì tình mà vì tiền, vì cái tài sản kếch xù của ông. Một ngôi biệt thự sang trọng giữa trung tâm thành phố cùng với mấy héc ta đất ở nơi đắc địa trong thành phố.
Hai người lấy nhau sinh được một quý tử cũng là lúc ông Giảng nhận quyết định nghỉ hưu. Ông Giảng được hạ cánh an toàn, về sống với cô vợ xinh đẹp cùng cậu con quý tử, không mấy quan tâm đến chị em Thanh. Bà mẹ kế chỉ ngang với tuổi của Thanh, nhưng dựa vào sự cưng chiều của chồng, cư xử với chị em Thanh rất bạc bẽo. Nhiều khi Lê Mai còn bịa đặt nói xấu hai đứa con riêng của chồng, xúi giục chồng ruồng bỏ Thanh và Ánh. Mai tính toán chi ly từng xu, buộc chị em Thanh phải lệ thuộc vào mình, phải cung phụng hầu hạ mình, làm đủ mọi việc trong gia đình, biến chị em Thanh thành kẻ hầu người hạ. Lúc này chị em Thanh sống rất khổ sở. Không khí trong gia đình luôn luôn bất hòa. Ông Giảng binh vợ, thường xuyên chửi mắng Thanh và Ánh. Rất nhiều lần ba cha con cãi nhau lớn tiếng làm náo động cả khu phố. Ánh khi đó đã lớn, có hiểu biết. Ánh không còn biết sợ ba như ngày còn nhỏ, ba bảo gì nghe vậy, răm rắp tuân theo mệnh lệnh của ba, tôn thờ ba như một nhà hiền triết vĩ đại. Nhiều lần tôi từng chứng kiến những cuộc cãi nhau nẩy lửa của hai cha con họ. Ông Giảng gào thét chửi Ánh: “Mày là đồ mất dạy, đồ bỏ đi. Tao không có một thằng con như mày...”. Ánh không chịu thua, lớn tiếng đốp lại: “Ông nghĩ ông là người tốt, người thánh thiện lắm sao? Vì ông mà mẹ tôi lâm bệnh dẫn đến cái chết thê thảm. Mẹ tôi chết mộ chưa xanh cỏ ông lấy vợ bé, rước mụ đàn bà thối tha kia về làm khổ chị em tôi. Chị em tôi chán ông lắm rồi. Không còn tin vào cái đạo đức giả của ông; không còn tin vào những lời rao giảng giáo điều cái thứ chủ nghĩa hão huyền của ông. “Ông Giảng giận dữ như con thú bị thương, lao tới, giang tay tát vào mặt Ánh, cú tát mạnh làm cho Ánh ngã rụi xuống sàn nhà. Ánh chống tay đứng dậy, chỉ tay vào mặt ông Giảng nói lớn: “Đã đến nước này thì chị em tôi không còn gì để nói với ông. Chi em tôi không thể chung sống với một người cha bạc tình, bạc nghĩa như ông”. Nói xong, Ánh co chân đạp tung cửa phòng, lấy đồ đạc ra khỏi nhà. Ngày hôm sau Thanh cũng từ bỏ ông, bắt xe về Nam Định sống với bà ngoại. Trong nhà chỉ còn lại vợ chồng ông Giảng và cậu con trai một tuổi.
Từ ngày chị em Thanh bỏ nhà đi, nhà ông Giảng trở nên vắng vẻ, cô quạnh. Bà con lối phố chẳng ai thèm bước chân vào nhà ông. Họ coi gia đình ông như một gia đình có người mắc bệnh “truyền nhiễm”, không ai thèm bước chân vào. Có người đi ngang qua còn nhổ nước miếng vào cổng, trẻ con trong phố bốc phân lợn, phân gà chất đầy lên cánh cổng gỗ nhà ông. Con Vàng, con chó gia đình ông nuôi cả hơn chục năm, Thanh và Ánh rất quý nó, giờ Thanh và Ánh bỏ đi nó cũng bỏ ông mà đi.
Lê Mai, sẵn có của cải, tiền bạc thỏa sức mà ăn diện, lao vào những cuộc “đỏ đen”, “mây mưa”, nay đi với gã này, mai đi với gã đàn ông khác, bỏ mặc ông Giảng với thằng con còn chưa biết đi.
Khi tiền bạc trong nhà sạch sành sanh, mấy ha đất trong nội thành Lê Mai cũng bán hết trả nợ cho những phi vụ làm ăn đổ bể. Ngay cả ngôi biệt thự sang trọng vợ chồng đang ở Mai cũng mang thế chấp ngân hàng. Ông Giảng giờ trở nên một kẻ trắng tay. Ông chỉ còn hy vọng vào thằng con nhỏ bé làm chỗ dựa tinh thần.
Sau chuyến đi du lịch dài ngày ở Thái Lan với một gã nhân tình về, Lê Mai kêu người đàn bà to béo giống như mụ tú bà đến nhà, Mai giằng lấy thằng nhỏ ông Giảng đang bế trên tay, làm nó sợ khóc thét lên, đưa cho người đàn bà xa lạ. Mai nói với người đàn bà: “Bà mang nó đi, đi càng xa càng tốt. Đừng để cho nó sau này lớn lên biết cha mẹ nó là ai”. Người đàn bà dúi một xấp tiền mới cứng vào tay Mai, ôm vội thằng nhỏ lên xe vù đi, để lại một vệt khói dài phía sau cay xè. Ông Giảng chạy theo gào thét: “Con... ơi! Con trai của... tôi!”. Bỗng mắt ông tối sầm, người lảo đảo rồi ngã lăn ra trước cổng. Đầu đập vào cánh cửa cổng. Lê Mai không biết đến sự sống còn của chồng, bước qua thân xác chồng, chạy vội ra nơi một chiếc xe con đen bóng đang chờ sẵn ngoài ngõ, lên xe giục tài xế vù đi lẹ. Bà con lối phố chạy đến khiêng ông vào nhà, gọi xe cấp cứu. Xe chưa kịp tới ông đã tắt thở. Ông Giảng chết trong cô quạnh, không một người thân ruột thịt. Ba đứa con, không một đứa nào có mặt trong lúc ông lâm chung. Đám tang ông tẻ nhạt không kèn, không trống và không hề có người đội tang.
*
Sau bữa cơm trưa với Thanh và Ánh, giữa thành phố Đà Lạt giá rét mà ấm áp tình người. Lúc chia tay Ánh xiết chặt tay tôi, ngậm ngùi nói: “Chuyện cũ lâu rồi, cho qua, giờ chúng ta cùng nhau dựng xây một cuộc đời mới!”. “Anh tin, anh tin vào điều đó” - Tôi nói với Ánh. Chúng tôi lưu luyến chia tay khi hoàng hôn rực đỏ sau những hàng thông xanh xa xa.
Nhà Sáng tác Đà Lạt, tháng 5/2012