1.
Chuyện cái “thây ma” đội nắp quan tài ngồi dậy oặt oại như cọng bún, bước ra lựng cựng làm dậy cả vùng sông nước minh mông. Cứ qua một chuyến đò là chuyện được thêm nhưn thêm nhụy, thêm phần ly kỳ rùng rợn.
Xứ này theo lệ cứ “tử là táng”. Không để quá hai ngày. Và đám tang nào cũng vậy, dù nghèo tận số nhưng cuối dòng cáo phó cũng ghi mấy chữ “Tang gia xin miễn phúng điếu!”. Ở đây người ta quan niệm không để người chết phải mắc nợ trần, vậy thôi, nên mới sinh ra cái trại hòm “thí” cho người nghèo (mà miệt này nghèo muốn giáp xứ). Trại hòm “thí” là cách gọi dân dã xưa nay, giờ gọi trại hòm từ thiện, do những người tu tại gia trong ấp tự nguyện lập nên. Của “bố thí” nên cũng hết sức đơn giản, chủ yếu là ván gòn, không kiểu cọ cầu kỳ, không sơn son thếp vàng như thứ kinh doanh ở nơi khác.
Cái trại dựng đơn sơ gần lối vô nghĩa địa. Bốn bề trống trơn. Mái lợp qua loa che mưa nắng, sàn bằng ván xoài tránh ẩm ướt… Và tất nhiên là chẳng ai quản lý trông coi gì cả. Trong làng trong ấp có ai mãn phần cứ việc tự động tới “thỉnh” về mà lo hậu sự.
2.
Bợm rượu nát thây ở ấp này giờ có thằng Lượm – Là tay thường xuyên có mặt ở các đám ma, say mèm từ đầu tới cuối.
Thằng Lượm là con ông Giáo Mười, tên Lượm là do thầy bùa đặt hồi nhỏ - “Con cầu con khẩn” nên ổng cưng như cục vàng. Chuyện cưng con của ông Giáo thiên hạ cứ nhắc mãi, ông kể, đêm ngủ với con muỗi bu ông không đập, cứ trân mình cho nó cắn no nó khỏi cắn con mình!...
Vậy mà lớn lên học hành trầy trật không qua được cái cấp ba. Ổng đẩy nó vô Trung học sư phạm chín cộng ba, thôi thì hay dở cũng theo nghề cha. Nhưng chưa đầy năm nó bị buộc phải “ra trường” vì “thành tích” nhiều lần uống rượu quậy tưng bừng trong ký túc xá…
Ở nhà cà nhỏng còn nhậu sát số. Vợ ông rủa: “Đẻ mầy biết hồi đó tao đẻ trứng gà trứng vịt còn có ích”. Nó đốp liền: “Sao bà không đẻ cuộn kẽm gai mấy chục ký bán cho nó nhiều tiền!”.
Tới hồi ông Giáo “hết đường giáo dục” bỗng nhiên nó hứng lên xung phong đăng ký đi bộ đội!. Ổng mừng húm, hoan hô cả hai tay… Nhưng như “cóc bỏ dĩa”, đúng ba ngày thấy nó lù lù “xuất ngũ”!. Ngả nghiêng trong tình trạng “quên số quân”!. Mới ngớ, té ra nó đăng đi nghĩa vụ để được cớ… nhậu!. Chia tay anh em bạn bè: Ba ngày la liệt!. Ấp tổ chức liên hoan: Bí tỉ!. Xã họp mặt động viên: Quắc cần câu!... Lúc xuống tắc ráng về huyện, đoàn thể, bà con còn xúm nhét cho phong bì.
Mấy ngày sau “phục viên” túi còn rủng rỉnh, nhậu cả tháng!
Mấy năm đó ông Giáo thất nghiệp, vợ ổng bươn bả rồi sa vô đề đóm. Rồi lún vô làm thầu. Lúc đầu ông Giáo hơi khó chịu nhưng cảnh sống bám vợ nên đành ngậm bồ hòn. Vốn có chữ có nghĩa hơn thiên hạ, nhưng ngồi mài chữ ra mà ăn được à!. Nên chiều chiều vợ nhờ cộng giúp mấy cái “phơi” cho lẹ. Có vậy thôi…
Bỗng chiều nọ, ông Giáo phải “chấp nhận ra đi trước giờ xổ số” khi bất ngờ ba bốn anh hình sự mặc sơ-vin ập vô. Tang chứng ràng ràng, có cả máy fax, một xấp “phơi” với một đống tiền mặt. Ông Giáo mặt méo xẹo, cúi đầu nhận tội một mình. Vợ ổng chạy sấp ngửa, cuối cùng chịu mức án hai năm.
Ngồi trỏng chưa đầy năm thì ngoài này vợ ổng bể nợ, bán nhà, dắt theo đứa con gái đi Miên làm ăn, biệt tích!.
Thằng Lượm lúc thấy tấp tả theo đám thợ lặn dỡ chà, lúc theo tốp bốc vác lúa gạo nhà máy. Dân lặn hụp rượu phải uống bằng ấm đặng chống cảm lạnh, ngừa trúng nước. Còn dân bốc vác gồng lưng tối ngày nên cũng phải “mần” tối đa cho tan máu bầm, giãn gân cốt. Riết thành ma men, quên trời đất. Có lần giữa khuya đang vác gạo xuống ghe, nửa chừng rượu thấm, nó ngã ngang. Tới hồi ghe lui bến, chạy một mạch xế ngày hôm sau tới thành phố mới phát hiện nó còn nằm khò dưới khoang hầm. Vậy là sáng ngày chủ ghe mắc cho tiền nó đi xe đò về xứ!. Đúng là “nhậu tới bến”!
Giờ thì thối thây, “đuổi ruồi không bay” rồi!. Cứ tà lỏn với cái khăn rằn cũ mèm vắt vai, mình mẩy muỗi đốt, ghẻ chóc dày cui. Tối ngày xình xàng bước tới hai bước lui, gặp ai cứ ngữa tay xin một ngàn. Có người biết ý chỉ mua bánh trái cho ăn. Nhưng chỉ cần năm ba người cho tiền là đủ say mấy ngày… Rồi có hồi thấy nó mất tiêu đâu mươi ngày nửa tháng, có người đoán chắc chết bờ chết bụi đâu rồi. Lại thấy nó lù lù dẫn cái thây ma về, say chèm nhẹp.
Chiều qua đám tang ông Sáu Hung mới chôn. Nó uống ngất ngư còn mò ra mả xin dĩa “tam sên” với chai rượu cúng. Tới tối hù thấy nó còn té lên té xuống ngoài chòm mả.
3.
Thường mờ trời Bảy Láng ra chuồng vén mùng lùa bò ra khu nghĩa địa. (Xứ này muỗi mòng như vãi trấu nên chuồng bò chuồng heo cũng phải có mùng).
Mả mồ là cái yên phận đời người, chẳng gì phải ám ảnh nhưng đi ngang cái trại hòm “thí”, dòm vô mấy cái vuông vuông dài dài - cái “cỗ xe” chạy độc nhứt một tuyến Dương - Âm, “một đi không trở lại”, không vé khứ hồi, cảm giác cứ chờn chợn!...
Vừa vụt roi mấy con bò nhảy cựng lên leng keng bỗng một cái hòm tự nhiên chuyển động lụp cụp và... Bảy Láng cầm roi bò vừa chạy cóng cẳng vừa ú ớ la làng!...
Đám người mặt cắt không còn chút máu, kinh hồn bước tới, dạt lui:
- “Trời đất! Người hay ma! Thằng Lượm!... Ông nội mẹ ơi, nó…nó sống hay…!”
Thân hình lắc lư, nó cố giạng chân cho khỏi ngã. Tay huơ, mắt trừng trừng, miệng phun phèo phèo. Giọng nó đứt nghẹn:
- “Tui chưa chết đâu!... Mấy người…dòm cái mẹ gì?! Lạ lắm à?!... Tui sống… nhờ cái “mắc ma” này này!! (Nó vỗ nắp hòm bùm bùm)... Trâu bò mấy người còn có mùng mà!!...Tui ngủ đâu ở cái xứ… “chết dịch” này?! Há?!...”
Nói rồi nó kéo cái khăn rằn cũ mèm dụi mắt. Hình như nó khóc!...
Truyện đã in báo Tuổi Trẻ. Bài của tác giả gửi