CONFESSION Lev Tolstoy - Bản dịch: Đỗ Tư Nghĩa
* Nguyên tác tiếng Nga: Lev Tolstoy.
* Bản dịch tiếng Anh: David Patterson. NXB W.W. Norton & Company, Inch. New York . 1996.
* Bản dịch Việt ngữ: Đỗ Tư Nghĩa. NXB Văn hóa Sài Gòn. 2007.
[Phiên bản gửi đăng trên Văn chương Việt có nhiều chỉnh sửa so với bản đã in ].
Thân mến gửi bản dịch này đến tất cả những tâm hồn đồng điệu trên mặt đất –
những người luôn thao thức về câu hỏi: “ Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”
Đỗ Tư Nghĩa
Dalat. 14.7.2012.
* GHI CHÚ NGẮN CỦA NGƯỜI DỊCH BẢN VIỆT NGỮ:
1. Tất cả những chỗ in đậm, in nghiêng trong bản dịch Việt ngữ, đều là của người dịch.
2. Tất cả những cước chú [footnote] trong bản dịch này mà có ghi ĐTN, là của người dịch bản Việt ngữ; những cước chú khác, là của bản Anh ngữ.
3. Người dịch cố ý chua thêm một số từ tiếng Anh, để bạn đọc tham khảo thêm.
DẪN NHẬP
Vào mùa thu năm 1879, Lev Tolstoy, tác giả của Chiến tranh và Hòa bình (1869) và Anna Karenina (1877), lúc ấy 51 tuổi, đi tới chỗ tin rằng ông đã không thành tựu được gì trong đời, và rằng đời ông là vô nghĩa. Một trong hai tác phẩm này có lẽ đã bảo đảm cho ông một chỗ thường hằng trong những cuốn sử biên niên của văn học thế giới; cả hai đều chứng minh cho chiều sâu của thiên tài và tính sáng tạo của ông. Nếu thành tựu nghệ thuật với độ lớn này không thể truyền ý nghĩa vào cho cuộc sống, thì phải tìm ý nghĩa ở nơi đâu ? Đó là “câu hỏi về cuộc sống” mà Tolstoy đã nêu ra trong Tự Thú của ông, một câu hỏi cũng phi thời gian [1] như tinh thần [2] vậy.
Ernest J. Simmon đã mô tả Tự Thú như là “một trong những phát ngôn [3] cao cả nhất và can đảm nhất của con người, những tuôn trào [4] của một linh hồn bị bối rối cực độ bởi vấn đề lớn của cuộc sống – mối quan hệ của con người với cái vô hạn – nhưng được thực hiện với sự chân thành hoàn toàn và nghệ thuật cao.” [5] Đó là một câu chuyện kể về cuộc khủng hoảng tâm linh xảy ra vào lúc nửa đời, mà những thành tố của nó đã “ủ men” trong con người này từ trong tuổi trẻ của ông. Như thế, Tự Thú đánh dấu một khúc ngoặt trong mối quan tâm của Tolstoy với tư cách là một tác giả, và sau 1880, sự chú tâm của ông được tập trung một cách hoàn toàn tường minh và hầu như chuyên nhất vào cuộc sống tôn giáo mà ông tin là được lý tưởng hóa [6] trong người nông dân.
Mặc dù có những tương đương trùng hợp giữa những vò xé của Levin trong Anna Karenina và những xung đột của chính Tolstoy trong Tự Thú, cuốn sau được viết ra 2 năm sau khi ông cho xuất bản cuốn trước, và trình bày một suy tưởng được khai triển nhiều hơn về câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và những vấn đề bao quanh đức tin; quả thực, đây chính là những khó khăn mà nhiều nhân vật về sau của ông phải đương đầu, bao gồm những nhân vật có chức danh trong Cái chết của Ivan Illich (1886), và Cha Sergius (1896), cũng như Brekhunov trong Chủ và Tớ (Master and Man. 1895), và Nekhlyudov trong Phục sinh (1900). Sau khi hoàn thành Anna Karenina, Tolstoy toan tính làm một ít phác thảo có tính thôn dã [7] về cuộc sống nông dân, nhưng mối bận tâm của ông với đức tin, cái chết và ý nghĩa cuộc sống khiến cho ông khó viết gì được.
Vào khoảng cuối năm 1877, Tolstoy bị chìm sâu trong cuộc xung đột giữa đức tin và lý tính. [8] Vào mùa đông của năm 1877-78, chẳng hạn, ông viết một ít cho 2 tiểu phẩm nhan đề Một tranh luận về Đức tin tại Kremlin và Những người đàm thoại (The Interlocutors) trong đó ông đưa ra những thảo luận về đức tin giữa những kẻ có đức tin [9] và những kẻ vô tín [10]. Rồi ông đặt những dự án này sang một bên để bắt đầu việc khảo cứu cho một cuốn (xem như phần) tiếp theo của Chiến tranh và Hòa bình được gọi là Những người tháng Chạp, nhưng công việc của ông trên cuốn tiểu thuyết mới này bị ngắt quãng hơn một tháng vào mùa hạ năm 1878 – lúc đó, ông làm một chuyến đi ẩn dật tôn giáo [11] tới Samara tại miền Nam nước Nga. Không bao lâu sau, ông trở về nhà vào ngày 3 tháng 8, hòa giải một mối cừu hận với Turgenev mà đã kéo dài 17 năm. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 1879, ông hoàn toàn ngừng công việc của ông trên Những người tháng Chạp mà không có lời giải thích nào.
Tolstoy tin rằng một trong những câu hỏi vĩnh cửu đối với mọi người là cái mức độ mà y phụng sự Thượng đế hay thần tiền tài vật chất. Chính là với câu hỏi này trong tâm trí mà ông đã bắt đầu những chuẩn bị cho một cuốn tiểu thuyết khác, Một trăm năm. Tác phẩm mới này sẽ nói về Peter Đại Đế, nhưng vào khoảng mùa hè năm 1879, Tolstoy cảm thấy ông không có đủ nghị lực để tiếp tục cái dự án đó. Vào 14 tháng 6, ông lại làm một chuyến đi ẩn dật tôn giáo khác, lần này đến Tu viện Hang Động tại Kiev, nơi mà ông tìm thấy những tu sĩ mộc mạc sống đời họ theo “ những đường lối Kytô cổ xưa”. Chuyến đi tới Kiev đã phục hồi tinh thần của ông nhiều đến mức bây giờ ông có đủ nghị lực để hoàn toàn cắt đứt với Hội thánh Chính thống Giáo, và ngay sau đó, ông khởi sự chứng minh rằng những lời dạy của Hội thánh thì chẳng phù hợp chút nào với Phúc Âm. Chắc chắn là Tự Thú ban đầu có một tiểu đề : Dẫn nhập vào một tác phẩm chưa xuất Bản, tác phẩm đó là Một điều nghiên về Thần học Giáo điều, trong đó Tolstoy thực hiện một trong dăm bảy cuộc tấn công của ông nhắm vào Hội thánh.
Sau khi hoàn tất một bản thảo sơ lược của Tự Thú vào cuối năm 1879, Tolstoy hiệu đính nó bằng cách sử dụng tư liệu từ tiểu luận mang tính tự truyện – chưa đầy đủ – của ông, “Tôi là cái Gì?” Tự Thú được dự tính là sẽ xuất hiện vào năm 1882, trong một số của tạp chí Russkaya mysl’, nhưng do những khó khăn về kiểm duyệt, mãi đến 1884 nó mới xuất hiện, khi mà nó được xuất bản tại Geneva. [12] Nên ghi nhận rằng cho mãi đến khi nó ra đời trong ấn bản tại Geneva, nó mới mang cái nhan đề Tự Thú.
Để chứng minh cái gì đã bị nhà kiểm duyệt xem là hết sức đáng chê trách về Tự Thú, có lẽ là hữu ích, khi trích dẫn lại ở đây trang đầu tiên của ấn bản tại Geneva, được dự tính là một dẫn nhập cho ấn bản “bị sẩy thai” [13] tại Nga.
Trong tác phẩm này của Bá tước L.N. Tolstoy, mà chúng tôi xuất bản ở đây, có một tấn kịch nội tâm của một tâm hồn mạnh mẽ trong tất cả chiều sâu và sự thâm thúy của nó, với tất cả cái xáo động khủng khiếp và bi đát của nó. Đây là một tâm hồn được phú bẩm một năng lực sáng tạo sung mãn, phấn đấu tiến về sự tự hoàn thiện [14] từ những năm thơ ấu; nhưng đây cũng là một tâm hồn được giáo dục trong những môi trường nơi mà mọi người sống theo những nguồn gốc cơ bản [15] của họ; những nguồn gốc ấy không những không dính dáng gì tới những lời dạy của giáo lý, mà phần lớn, trái nghịch lại với chúng – ‘bất cứ nơi nào những lời dạy của giáo lý hiện hữu’, được dạy một cách lạnh lùng và hình thức, ‘được hỗ trợ bởi bạo lực, thì những lời dạy kia không phải là một phần của đời sống của những con người và những mối quan hệ giữa họ.’
Ở đây trải ra một tấn kịch của một tâm hồn mà đã tìm kiếm – từ những năm thơ ấu – một lối đi tới chân lý, hay như tác giả nói, ‘ý nghĩa của cuộc sống’. Đây là một tâm hồn phấn đấu với tất cả năng lực nội tâm của mình tiến về làn ánh sáng mà nó định hình ông và soi sáng cho ông ; ông cũng phấn đấu không kém, bằng phương tiện của một cuộc điều tra có tính khoa học, lạnh lùng, thuần lý và trừu tượng, mà sau cùng dẫn tới Thượng Đế và chân lý thiêng liêng. Nó thật sự là một tấn kịch huy hoàng cho bất cứ ai mà linh hồn sống động của y có cái năng lực để hiểu biết và tri giác [16] cái ý nghĩa thâm sâu của nó; nó được viết bởi bàn tay của một kẻ đã sống qua tất cả những va chạm, vò xé và thống khổ nội tâm, bởi bàn tay của nhà văn tài ba của chúng ta. Trong những hoàn cảnh như thế, thì bất cứ cái gì mà người ta có thể nói về tác phẩm này sẽ dường như là thừa thãi. Tuy nhiên, chúng tôi mong ước cảnh giác với bạn đọc, xin đừng phạm phải cái sai lầm (mà) dễ dàng phạm phải bởi bất cứ ai nhặt lên một tác phẩm mới xuất bản, bất luận nó bàn về thiên nhiên vô hồn [17] hay bàn về tinh thần, là địa hạt của văn học. Cái sai lầm này phát xuất từ cái thể cách mà trong đó bạn đọc đối xử với tác phẩm này, cái cách mà bạn đọc tiếp cận nó và những điều mà y yêu sách từ nó. Không nên để cho bất cứ cái gì thuộc loại đó làm méo mó những tư tưởng của tác giả; đừng nên để cho bất cứ cái gì làm sai lạc hay làm tối tăm cái ý nghĩa chân thực của tác phẩm của ông, chẳng hạn như những định kiến [18] của chúng ta, theo đó chúng ta có thể nhìn tác phẩm bất cứ khi nào chúng ta bước vào nó với những câu hỏi võ đoán mà tác giả không mong ước trả lời và (hẳn là) ông cũng không nghĩ là ông quan tâm đến chúng [19]
Sau cùng, người ta có thể hỏi, liệu Tolstoy có bao giờ thực sự tìm thấy cái ý nghĩa của cuộc sống hay cái chân lý mà ông tìm kiếm ? Về mặt này, bất luận người ta có nói gì đi nữa, thì rõ ràng là ông đã tiếp tục cuộc truy tầm của mình cho đến ngày nhắm mắt vào năm 1910: đời ông là một cuộc đời đặc trưng hóa bởi nhiều sự tìm kiếm, cũng nhiều bằng sự tìm thấy.[20] Quả thật, cái ý nghĩa mà ông phấn đấu để đạt tới, nó tự tiết lộ ra trong cuộc truy tầm nhiều hơn là trong sự phát hiện và việc nêu câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì quan trọng hơn là việc trả lời câu hỏi ấy. [21] Bởi vì, chính bằng cách nêu câu hỏi, mà tinh thần[22] dấn mình vào một cuộc tranh đấu cho một giọng nói, một cuộc đấu tranh mà tìm thấy sự biểu đạt của nó trong những tác phẩm như Tự Thú.
DAVID PATTERSON
CHƯƠNG I
Tôi được rửa tội và giáo dục theo đức tin Ky Tô giáo Chính Thống. [23] Ngay từ tấm bé và suốt thời thiếu niên và thanh niên, tôi đã được rèn luyện theo tín ngưỡng của Giáo hội Chính thống. Nhưng ở tuổi 18, khi tôi rời bỏ trường đại học vào năm thứ hai,[24] tôi đã mất hết niềm tin vào những gì mà tôi đã được dạy.
Nếu xét theo những gì mà tôi có thể nhớ được, thì tôi đã chưa bao giờ thực sự có một niềm tin nghiêm túc. Tôi chỉ đơn giản tin cậy vào những gì mà tôi đã được dạy và vào những điều mà những bậc đàn anh của tôi đã tin tưởng, gắn bó một cách trung thành. Nhưng ngay cả sự tin cậy này cũng rất bấp bênh.
Tôi nhớ rằng khi tôi 11 tuổi, một cậu học sinh trung học tên là Volodin’ka M, đã chết từ lâu, đến thăm viếng chúng tôi vào một ngày chủ nhật, thông báo về phát hiện mới nhất (được lưu hành ) tại trường cậu. Cái phát hiện đó, là không có Thượng đế, và những điều mà người ta đang dạy chúng tôi chỉ là những câu chuyện cổ tích (đó là vào năm 1838). [25] Tôi nhớ, cái tin này đã cuốn hút sự quan tâm của các anh trai tôi như thế nào; thậm chí họ còn cho tôi tham dự vào những cuộc thảo luận của họ. Tôi nhớ rằng tất cả chúng tôi đều rất phấn khích, và chúng tôi xem cái tin này vừa là khá hấp dẫn, vừa hoàn toàn có thể là đúng sự thật.
Tôi cũng nhớ cái thời gian khi mà anh trai tôi, Dmitri, lúc ấy đang học tại trường đại học, bỗng nhiên hiến mình cho đức tin với tất cả sự đam mê cuồng nhiệt, một đam mê khác thường, vốn phù hợp với bản chất của anh; anh bắt đầu tham dự tất cả những khóa lễ tại nhà thờ, ăn kiêng, và sống một đời sống trong sạch và đạo đức. Tất cả chúng tôi, bao gồm cả những người lớn tuổi hơn, liên tục chế giễu anh, và vì một lý do nào đó, tặng cho anh biệt danh là Noah. [26] Tôi nhớ rằng khi Musin-Pushkin, lúc bấy giờ là một ủy viên quản trị của đại học Kazan, mời chúng tôi tới dự một buổi dạ vũ, anh tôi đã từ chối lời mời đó. Musin-Pushkin, với một chút giễu cợt, cố thuyết phục anh đến dự, nói rằng ngay cả David [27] cũng nhảy múa trước con thuyền lớn đấy thôi. Lúc bấy giờ, tôi đồng tình với những lời nói đùa từ các bậc đàn anh của tôi, và họ dẫn tôi đến kết luận rằng: tôi phải học sách giáo lý vấn đáp và đi lễ nhà thờ, nhưng không cần thiết phải xem trọng tất cả mọi thứ này. Tôi cũng nhớ là đã đọc Voltaire [28] khi tôi còn rất bé, và tôi không những là không khó chịu với sự giễu cợt của ông, mà thực sự còn thấy nó rất thú vị nữa.
Sự cắt đứt với đức tin xảy ra trong tôi như nó đã xảy ra và vẫn còn xảy ra giữa những người thuộc loại chúng tôi, xét về mặt xã hội và văn hóa. Theo như tôi thấy, thì trong phần lớn trường hợp, nó xảy ra như vầy: người ta sống như mọi người sống, nhưng tất cả họ đều sống theo những nguyên tắc mà không những không dính líu gì tới những lời dạy của đức tin, mà phần lớn là ngược lại với những lời dạy đó. [29] Những lời dạy của đức tin không có chỗ trong cuộc sống và không bao giờ được thể hiện trong những mối quan hệ giữa con người; chúng chỉ đơn giản không đóng vai trò nào trong cuộc sống. Những lời dạy của đức tin thì được phó thác cho một lãnh vực nào khác, tách rời khỏi cuộc sống và độc lập với nó. Nếu tình cờ mà người ta gặp phải chúng, thì đó chỉ như là một hiện tượng hời hợt nào đó, không dính dáng gì tới cuộc sống.
Ngày nay, như những ngày của quá khứ, nếu căn cứ vào cuộc sống và những hành động của một người, thì không có cách nào nói được rằng họ có phải là một kẻ có đức tin hay không. Nếu quả thật không có khác biệt nào giữa những người mà (trên bề mặt. ĐTN) rõ ràng là những tín đồ của đức tin Chính Thống và những người phủ nhận nó, thì sẽ không thuận lợi cho nhóm trước. Rồi thì, như bây giờ, những người công khai tự xưng là tín đồ của đức tin Chính Thống, thì phần lớn họ đều là những kẻ cố chấp, hẹp hòi, tàn nhẫn và vô đạo, bị gói kín trong cái tự cao tự đại của chính họ. Trái lại, trí tuệ, sự chính trực, tính thẳng thắn, tính hiền lành đôn hậu, và tính đạo đức, thì phần lớn được tìm thấy giữa những người tự xưng là những kẻ vô-tín.
Người ta dạy sách giáo lý vấn đáp [30] trong các trường học và đưa học sinh tới nhà thờ; những viên chức phải có giấy chứng nhận [31] để cho thấy rằng họ đã chịu phép ban thánh thể [32]. Nhưng bây giờ, và thậm chí càng như thế trong quá khứ, một người thuộc giai cấp chúng tôi mà không còn ở trường và chưa đi làm cho nhà nước, có thể sống hằng mấy chục năm mà không một lần được nhắc nhở rằng anh ta đang sống giữa những người Kytô giáo, trong khi chính anh ta thì được xem là một tín đồ của đức tin Ky tô giáo Chính thống.
Hôm nay, như trong quá khứ, những lời dạy về đức tin, được chấp nhận theo kiểu tạm ứng, và được duy trì bởi áp lực bên ngoài, dần dần phai nhạt đi dưới ảnh hưởng của kiến thức và những kinh nghiệm sống, vốn đối nghịch với những lời dạy này. Rất thường khi, một người cứ tiếp tục – trong nhiều năm – ngỡ rằng lời dạy tôn giáo đã được truyền vào cho anh ta từ thời thơ ấu thì vẫn còn nguyên vẹn, nhưng thực ra, trong mọi lúc không có một dấu vết nào của nó (lời dạy) còn sót lại trong anh ta.
Có một người thông minh và trung thực, tên là S. đã một lần kể cho tôi câu chuyện anh ta đã thôi không còn là tín đồ như thế nào. Vào tuổi 26, trong khi tìm chỗ trú qua đêm trong một chuyến đi săn, anh đã quỳ xuống để cầu nguyện vào buổi chiều tối, như thói quen của anh từ ấu thơ. Anh trai của anh, đã đi cùng anh trong chuyến đi săn, thì đang nằm xuống nghỉ trên một tấm rơm và đang quan sát anh. Khi S. đã cầu kinh xong và chuẩn bị nằm xuống, người anh trai nói với anh, “Hóa ra là em vẫn còn làm việc đó.” Và họ không nói gì thêm với nhau. Từ ngày ấy về sau, S. từ bỏ việc cầu kinh và việc đi nhà thờ. Và 30 năm nay anh đã không cầu nguyện, không chịu phép ban thánh thể, và không đi nhà thờ nữa. Không phải bởi vì anh chia sẻ những xác tín của người anh trai và sống theo chúng; cũng không phải bởi vì anh đã quyết định về cái này hay cái nọ trong chính tâm hồn mình. Chỉ đơn giản là, lời nhận xét của người anh, nó giống như cái thúc nhẹ của một ngón tay chạm vào bức tường sắp sụp xuống do cái trọng lượng của chính nó. Lời nhận xét của người anh trai đã chỉ ra cho anh thấy, rằng cái nơi chốn mà anh nghĩ là đức tin đã có mặt, hóa ra nó đã từ lâu trống rỗng; do vậy, những lời anh nói, những dấu thánh giá mà anh làm, và sự cúi đầu khi cầu nguyện, thì trong bản chất là những hành vi hoàn toàn vô nghĩa. Một khi đã thừa nhận sự vô nghĩa của những cử chỉ này, anh đã không thể nào tiếp tục chúng được nữa.
Nó đã xảy ra như thế, và tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục xảy ra, với đại đa số người. Tôi đang nói đến những người cùng một loại trong chúng tôi, xét về mặt văn hóa và xã hội, những người trung thực với chính mình, chứ không phải là những người dùng đức tin như một phương tiện để đạt một mục tiêu tạm bợ nào đó. (Những người này là những kẻ vô tín triệt để nhất; vì nếu đức tin, theo quan điểm của họ, là một phương tiện để đạt tới một mục đích trần thế nào đó, thì quả thật, đó chẳng phải là đức tin gì cả). Những người cùng loại với chúng tôi thì ở trong một vị trí nơi mà ánh sáng của kiến thức và của cuộc sống đã phá sập cái cấu trúc giả tạo đó, và họ, hoặc là đã nhận ra điều này và đã bỏ nó lại đằng sau, hoặc là họ đã không còn ý thức đến nó nữa.
Những lời dạy của đức tin được truyền dần vào trong tôi từ thời thơ ấu đã lìa bỏ tôi, y như chúng đã lìa bỏ những người khác; sự khác biệt duy nhất là, ngay từ rất sớm, từ khi tôi bắt đầu đọc sách và suy nghĩ nhiều, tôi đã sớm ý thức rằng tôi đã từ bỏ những lời dạy của đức tin. Từ tuổi 16, tôi đã bỏ cầu nguyện, bỏ đi nhà thờ và bỏ ăn kiêng. [33] Tôi ngừng tin vào cái đã được truyền dần vào tôi từ tuổi thơ, thế nhưng tôi thật sự tin vào một cái gì đó, mặc dù tôi không thể nói đó là cái gì. Tôi thậm chí tin vào Thượng đế – hay đúng hơn, tôi không phủ nhận Thượng đế – nhưng tôi không thể nói đó là loại Thượng đế nào; tôi cũng không phủ nhận Chúa Kytô và những lời dạy của Ngài, nhưng tôi không thể nói là những lời dạy đó bao gồm những gì.
Bây giờ, khi nhìn lại thời gian đó, tôi thấy rõ rằng, trừ ra cái bản năng thú vật, thì cái niềm tin mà đã tác động đến đời tôi, cái niềm tin đích thực duy nhất mà tôi đã có, là niềm tin vào sự hoàn hảo [34]. Nhưng lúc bấy giờ tôi đã không thể nói sự hoàn hảo đó bao gồm cái gì, hay mục đích của nó có thể là cái gì. Tôi cố đạt tới sự hoàn hảo về tri thức [35]; tôi học hỏi mọi thứ mà tôi có thể, mọi thứ mà cuộc sống đã cho tôi một cơ hội để học. Tôi cố hoàn thiện ý chí của mình và tự đề ra những luật tắc cho chính mình mà tôi nỗ lực tuân thủ. Tôi phấn đấu để đạt tới sự hoàn hảo về thể lực, bằng cách thực hành mọi bài tập thể dục nhằm phát triển sức mạnh và sự nhanh nhẹn, và bằng cách kinh qua tất cả những khó khăn vất vả nhằm chế ngự bản ngã qua sự chịu đựng và kiên nhẫn. Tôi xem mọi thứ này là những cái phải làm để đạt tới sự hoàn hảo. Dĩ nhiên, mục đích ban đầu của mọi thứ này là nhằm đạt tới sự hoàn hảo về đạo đức, nhưng rồi điều này nhanh chóng được thay thế bằng một niềm tin vào sự hoàn hảo toàn diện, có nghĩa là, một ham muốn trở nên tốt hơn, không phải trong mắt của riêng tôi hay trong mắt Thượng đế, mà đúng hơn, là một ham muốn trở nên tốt hơn trong mắt của người khác. Và cái nỗ lực này – trở nên tốt hơn trong mắt người khác – thì nhanh chóng được thay thế bằng một hoài vọng trở nên mạnh mẽ hơn những người khác, có nghĩa là, được nổi tiếng nhiều hơn, quan trọng nhiều hơn, và giàu có hơn những người khác. [36]
CHƯƠNG II
Một ngày nào đó, tôi sẽ kể câu chuyện đời tôi, bao gồm cả những khía cạnh đáng thương [37] lẫn (những khía cạnh) bổ ích [38] của 10 năm đó, trong thời tuổi trẻ của tôi.
Tôi nghĩ rằng nhiều người, rất nhiều người, đã có những kinh nghiệm tương tự. Với tất cả tâm hồn, tôi khát khao muốn được thiện lành; nhưng mà tôi thì còn trẻ, tôi có những đam mê, và tôi cô độc, hoàn toàn cô độc, bất cứ khi nào tôi tìm kiếm cái gì (là) tốt lành. Cứ mỗi lần tôi cố biểu lộ những mong ước chân thành tâm huyết nhất của tôi – mong ước trở nên tốt lành về mặt đạo đức – thì tôi gặp phải sự khinh miệt, sự chế giễu; và ngay khi tôi buông mình vào những đam mê thấp hèn, tôi được ngợi khen và cổ vũ. Tham vọng, lòng yêu quyền lực, quyền lợi cá nhân, sự dâm đãng, tính kiêu ngạo, sự giận dữ, sự trả thù – tất cả mọi thứ này thì rất được nể trọng. [39] Khi tôi tự nộp mình cho những đam mê này, tôi trở nên giống như những bậc đàn anh của tôi, và tôi cảm thấy rằng họ hài lòng với tôi. Một bà cô tốt bụng của tôi, mà với bà tôi đã sống – một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất – thì luôn bảo tôi rằng cái mong muốn tha thiết nhất của bà, là tôi có một cuộc tình với một người phụ nữ đã có chồng. [40] “Rien ne forme un jeune homme comme une liaison avec une femme comme il faut. [41] Một niềm hạnh phúc khác mà bà mong ước cho tôi, là tôi trở nên một quan phụ tá, cho hoàng đế càng tốt. Và niềm hạnh phúc lớn nhất cho tôi, sẽ là cưới một tiểu thư con nhà giàu (mà) có thể đem lại cho tôi càng nhiều nông nô càng tốt.
Tôi không thể nào hồi tưởng lại những năm tháng này mà không có niềm kinh hãi, sự ghê tởm, và nỗi đau xé lòng. Tôi giết người trong chiến tranh, thách đấu súng với mục đích giết chết đối thủ, và thua bạc; tôi đã phung phí những thành quả lao động của những nông dân và rồi ngược đãi họ; tôi đã từng là một kẻ thông dâm và một kẻ lừa đảo. Nói dối, trộm cắp, bừa bãi và lang chạ đủ kiểu, rượu chè, bạo động, sát nhân – không có tội ác nào mà tôi đã không phạm phải; [42] mặc dù thế, tôi được ca ngợi, và những đồng nghiệp của tôi đã và vẫn đang thực sự xem tôi là một người tương đối có đạo đức. [43]
Tôi đã sống 10 năm như thế.
Trong thời gian này, tôi bắt đầu viết vì hư danh, quyền lợi riêng tư và lòng kiêu mạn. [44]Trong tác phẩm, tôi làm cái mà tôi đã làm trong cuộc sống của mình. Để đạt được danh vọng và tiền bạc – là mục đích của tôi khi tôi viết – thì cần thiết phải giấu đi cái tốt và phô trương cái xấu; và tôi đã làm như vậy. Lần này sang lần nọ, trong những tác phẩm của mình, tôi thường âm mưu che giấu những khát vọng về một cái gì đó mà sẽ mang lại ý nghĩa cho đời tôi – che giấu chúng dưới cái mặt nạ của sự thờ ơ hay thậm chí sự đùa cợt nữa. Và tôi thành công trong việc này và được khen ngợi.
Vào tuổi 26, khi chiến tranh [45] đã chấm dứt, tôi đến St Peterburg và dần quen biết những nhà văn tại đó. Họ chấp nhận tôi như là một thành viên thuộc phe nhóm của họ, chồng chất lên tôi sự vuốt ve tâng bốc. Trước khi tôi kịp ngoái cổ nhìn ra đằng sau, thì những quan điểm của họ về cuộc sống – riêng cho phe nhóm của họ – đã trở thành những quan điểm của chính tôi, và chẳng bao lâu sau, tất cả những nỗ lực trước đây của tôi – nỗ lực muốn trở nên tốt hơn – đã hoàn toàn chấm dứt. Không có kỷ luật nào kiềm chế nữa, tôi để cho những quan điểm này biện minh cho đời mình.
Cái lý thuyết được áp dụng bởi những người này, những văn hữu của tôi, là: cuộc sống diễn tiến theo một sự phát triển chung, và những nhà tư tưởng đóng vai trò hàng đầu trong sự phát triển ấy; và rồi, chúng tôi (phe nhóm chúng tôi), những nghệ sĩ và những nhà thơ, lại có ảnh hưởng lớn nhất trên những nhà tư tưởng. Sứ mệnh của chúng tôi là giáo dục những con người. Để tránh câu hỏi hiển nhiên: “Tôi biết những gì và tôi có thể dạy những gì?”, lý thuyết đó giải thích rằng không cần biết cái gì cả, và nhà nghệ sĩ và nhà thơ dạy một cách vô thức. [46] Bởi vì tôi được xem là một nghệ sĩ và một nhà thơ đáng kể, đương nhiên là tôi tán thành cái lý thuyết này. Với tư cách là một nghệ sĩ và nhà thơ, tôi viết và dạy mà chính tôi không biết tôi đang dạy cái gì. Làm việc này, tôi thu nhận tiền bạc; tôi tận hưởng đàn bà, nhà trọ [47], sự giao du với tầng lớp thượng lưu – tất cả đều tuyệt diệu; tôi nổi danh. Do vậy, bất cứ cái gì mà tôi đang dạy thuở ấy phải là rất tốt. Niềm tin vào kiến thức, thi ca, và sự tiến hóa của sự sống quả thật là một đức tin, và tôi là một trong những giáo sĩ của nó. Là một trong những giáo sĩ của nó – đây là một điều rất có lợi lộc và rất thú vị. Tôi sống một thời gian khá dài trong đức tin này, mà không hề nghi ngờ cái chân lý của nó. Nhưng vào năm thứ hai và nhất là năm thứ ba của một cuộc sống như thế, tôi bắt đầu nghi ngờ sự không-thể-sai-lầm [48] của đức tin này và bắt đầu xem xét nó một cách sát sao hơn. Điều đầu tiên dẫn tôi đến sự nghi ngờ là: tôi bắt đầu nhận thấy rằng chính những “giáo sĩ” rao giảng đức tin này (this faith) cũng không đồng ý với nhau. Vài người thường nói, “Trong số những vị thầy, chúng tôi là những vị thầy giỏi nhất và hữu ích nhất, bởi vì chúng tôi dạy những cái cần thiết, trong khi những vị thầy khác đều sai lầm.” Những người khác sẽ nói, “Không, chúng tôi là những người thầy đích thực. Chính các ông mới là sai lầm.”
Họ tranh luận, cãi vả, lăng mạ, dối gạt, và lừa đảo lẫn nhau. Thêm vào đó, trong số chúng tôi, có nhiều người thậm chí không quan tâm đến việc ai sai và ai đúng; họ chỉ đơn giản theo đuổi những cùng đích ích kỷ của họ và có sự hỗ trợ từ hoạt động của chúng tôi. Tất cả những sự kiện này buộc tôi phải nghi ngờ cái chân lý của đức tin của chúng tôi.
Hơn nữa, một khi tôi đã đi tới chỗ nghi ngờ cái đức tin của những nhà văn này, tôi bắt đầu quan sát những “giáo sĩ” của nó một cách kỹ càng hơn, và trở nên xác tín rằng, gần như tất cả những giáo sĩ của đức tin này (this faith) là những kẻ vô đạo đức, [49]và trong phần lớn trường hợp, họ thiếu nhân cách, đê tiện và không xứng đáng. Nhiều người trong số họ thì còn thấp kém hơn những người mà tôi đã gặp trước đây trong cuộc đời quân ngũ phóng đãng của tôi, nhưng họ hài lòng và tự mãn đến cái mức độ mà người ta chỉ có thể tìm thấy hoặc là ở những vị thánh toàn thiện, hoặc là nơi những kẻ không biết sự thiêng liêng linh thánh là cái gì. Mọi người trở nên đáng tởm [50] trong mắt tôi, và tôi trở đáng tởm trong mắt chính mình. Và tôi nhận thức rằng cái đức tin này là một ảo tưởng lừa dối [51]
Và điều lạ, là cho dù tôi nhanh chóng nhận ra sự dối trá hoàn toàn của niềm tin này và từ bỏ nó, tôi vẫn không từ bỏ cái địa vị được ban tặng cho tôi bởi những người này, cái địa vị của một nghệ sĩ, một nhà thơ, và một vị thầy. Tôi ngây thơ tưởng tượng rằng tôi là một nhà thơ và một nghệ sĩ, và tôi có thể dạy mọi con người mà chính tôi không biết tôi đang dạy cái gì. Và do vậy, tôi cứ tiếp tục.
Hậu quả của việc liên hệ với những người này, là tôi mắc phải một tật xấu mới: tôi phát triển một niềm tự hào bệnh hoạn và cái xác tín điên rồ rằng, sứ mệnh của tôi là dạy mọi người mà không cần biết tôi đang dạy họ cái gì.
Bây giờ khi nhìn lại giai đoạn đó và hồi tưởng lại cái tâm trạng của tôi và tâm trạng của những người này (một tâm trạng, nhân thể nói luôn, vẫn còn tồn tại giữa hằng ngàn người), tôi thấy mọi thứ đó có vẻ thật là đáng thương, khủng khiếp và lố bịch; nó gợi lên những cảm nhận tương tự như những cảm nhận mà người ta có thể trải nghiệm trong một nhà thương điên.
Vào thời đó, tất cả chúng tôi đều xác tín rằng chúng tôi phải nói, viết, và xuất bản càng nhanh chóng càng tốt, càng nhiều càng tốt, và rằng, điều ấy (thì) cần thiết cho sự tốt lành của nhân loại. Hằng ngàn người trong chúng tôi xuất bản sách và viết với một nỗ lực để dạy những người khác, trong khi đó, lại bài bác và xỉ vả lẫn nhau. Không để tâm đến cái sự kiện rằng chúng tôi chẳng biết gì cả, rằng chúng tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi đơn giản nhất của cuộc đời, câu hỏi về cái gì là đúng và cái gì là sai, tất cả chúng tôi tiếp tục nói mà không còn lắng nghe nhau nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi chiều chuộng và ca tụng lẫn nhau với điều kiện là chúng tôi được chiều chuộng và được ca tụng trở lại; vào những lúc khác, chúng tôi thường chọc tức và quát tháo lẫn nhau y hệt như trong một nhà thương điên.
Hằng ngàn công nhân lao động vất vả ngày đêm, bằng tất cả sức lực của họ, thu thập và in ấn hằng triệu chữ để phát hành qua bưu điện đi khắp nước Nga. Chúng tôi tiếp tục dạy, dạy, và dạy thêm mãi, và dạy tất cả mọi thứ đó, mà chưa từng có cách nào để dạy; và rồi chúng tôi thường nổi giận bởi vì người ta ít chú tâm đến chúng tôi.
Quả thật kỳ lạ, nhưng bây giờ tôi hiểu điều đó. Lý do đích thực đằng sau cái mà chúng tôi đang làm là: chúng tôi muốn kiếm được càng nhiều tiền bạc và lời khen càng tốt. Viết sách và làm báo là cái duy nhất mà chúng tôi biết cách làm để đạt tới mục đích này. Và do vậy, đó là cái mà chúng tôi đã làm. Nhưng mà để dấn mình vào một cái gì quá vô ích như thế và đồng thời duy trì được cái xác tín rằng chúng tôi là những người quan trọng, chúng tôi cần một “cơ sở hợp lý” [52] để biện minh cho cái mà chúng tôi đang làm. Và do vậy, chúng tôi dựa vào cái cơ sở sau đây: tất cả những gì tồn tại thì đều phù hợp với lý tính [53] . Hơn nữa, tất cả những gì tồn tại thì đang tiến hóa. Và nó đang tiến hóa qua phương tiện của một sự “giác ngộ.” [54] Sự giác ngộ, đến lượt nó, trải qua sự thay đổi nhờ việc lưu hành những cuốn sách và tạp chí định kỳ. Chúng tôi được trả tiền và được kính nể do việc viết sách và báo, và bởi thế, chúng tôi là những con người hữu ích và ưu tú nhất. Cái lý luận này chắc đã có hiệu quả rất tốt, nếu tất cả chúng tôi đều đồng ý với nhau; nhưng thực trạng lại như vầy: cứ một người phát biểu một quan niệm nào đó, lại có một người khác, phát biểu một quan niệm đối nghịch hoàn toàn với nó – sự kiện này lẽ ra phải dẫn chúng tôi đến chỗ xem xét lại vấn đề. Nhưng chúng tôi đã không bao giờ nhận ra điều ấy. Chúng tôi nhận tiền, và những người thuộc tầng lớp chúng tôi ca ngợi chúng tôi; như thế, mỗi một người trong chúng tôi đều tin rằng chính mình đúng.
Bây giờ thì tôi thấy rõ rằng không có sự khác biệt nào giữa chúng tôi và những người điên đang sống trong một nhà thương điên; vào thời ấy, tôi chỉ mơ hồ thoáng thấy điều này; và, giống như tất cả mọi người điên, tôi nghĩ rằng trừ tôi ra, tất cả mọi người khác đều điên cả.
CHƯƠNG III
Tôi đã sống như thế, buông mình vào trong cái sự điên rồ này thêm 6 năm nữa, cho đến khi tôi kết hôn. [55] Trong suốt thời gian này, tôi đi ra nước ngoài. Cuộc sống của tôi tại châu Âu và sự quen biết của tôi với những người châu Âu nổi tiếng và thông thái, lại càng củng cố niềm tin của tôi vào cái khả-năng-trở-nên-hoàn-hảo nói chung, [56] bởi vì tôi cũng tìm thấy nơi họ một niềm tin tương tự. Niềm tin của tôi thuở ấy mang một hình thức tương tự như cái hình thức mà vẫn đang thịnh hành ở những người “ có học” [57] hiện nay của thời đại chúng ta. Niềm tin này được diễn đạt bởi cái từ “tiến bộ.” Vào thời ấy, đối với tôi, dường như cái từ này có ý nghĩa. Giống như bất cứ cá nhân nào đang sống, tôi bị dày vò bởi câu hỏi: “Làm thế nào để sống tốt hơn?” Tôi vẫn chưa hiểu được rằng, khi trả lời rằng người ta phải sống theo sự tiến bộ, thì tôi chỉ đang nói giống hệt như một người ở trong một chiếc xuồng đang bị sóng và gió cuốn đi; đáp lại câu hỏi quan trọng duy nhất – “Chúng ta phải lái về đâu?” – một người như thế nói, “Chúng ta đang bị cuốn đi tới một nơi nào đó.”
Vào thời đó, tôi đã không nhận ra điều này. Chỉ thỉnh thoảng, những cảm xúc chứ không phải lý tính của tôi, phản kháng lại cái sự mê tín này, sự mê tín phổ biến của thời đại, mà nhờ nó người tự che giấu sự dốt nát của chính bản thân về cuộc sống – để khỏi nhìn thấy nó. Trong thời gian tôi lưu lại Paris như thế, thì cảnh tượng của một cuộc hành hình đã phát hiện cho tôi sự mỏng manh thiếu vững chắc của niềm tin mê tín của tôi vào sự tiến bộ.[58] Khi tôi thấy cái đầu bị tách lìa khỏi thân xác và nghe tiếng “bộp” của mỗi bộ phận khi nó rơi vào trong cái hộp (box), tôi đã hiểu, không phải với trí năng của tôi, mà với toàn bộ con người tôi, rằng không có lý thuyết nào về cái hữu lý [59] của sự hiện hữu hay của sự tiến bộ có thể biện minh cho một hành vi như thế; tôi nhận thức rằng, cho dù tất cả mọi người trên thế gian kể từ ngày sáng thế, xem cái việc hành hình này là cần thiết [60] theo bất cứ lý thuyết nào, thì tôi vẫn biết rằng nó không cần thiết, và nó sai trái. Bởi vậy, những phán đoán của tôi phải được đặt nền tảng trên cái gì là đúng và cần thiết, chứ không phải trên cái mà người ta nói và làm; tôi không nên phán đoán theo sự tiến bộ, mà phải phán đoán theo trái tim của riêng tôi. Cái chết của anh trai tôi là một thí dụ khác mà qua đó tôi nhận thức cái thiếu sót, bất cập của sự mê tín về sự tiến bộ trong mối quan hệ với cuộc sống. [61] Một con người nghiêm túc, thông minh, thiện lành, anh vẫn còn trẻ khi anh ngã bệnh. Anh chịu khổ sở trong hơn 1 năm và chết một cái chết đau đớn mà chưa từng hiểu tại sao anh sống và càng ít hiểu tại sao anh đang nằm hấp hối. Không có lý thuyết nào có thể cung cấp bất cứ câu trả lời nào cho những câu hỏi này, hoặc cho anh, hoặc cho tôi, trong cái chết chầm chậm và đau đớn của anh.
Nhưng đây chỉ là những thí dụ hiếm hoi của sự nghi ngờ; nhìn chung, tôi vẫn tiếp tục sống, có một niềm tin duy nhất vào sự tiến bộ. “Mọi sự thì đang phát triển, và tôi đang phát triển; cái lý do tại sao tôi đang phát triển trong cách thức này, nó sẽ hiện ra ánh sáng, cùng với mọi thứ khác.” Vào thời đó, tôi được dẫn đến chỗ công thức hóa cái “đức tin” của tôi như vậy .
Khi tôi trở về nước, tôi định cư tại vùng quê và dồn hết tâm sức vào những trường học nông dân. Công việc này thì đặc biệt thân thiết với trái tim tôi, bởi vì nó không dính líu gì đến những lời dối trá mà đã trở thành hiển nhiên với tôi, những dối trá mà đã làm tôi khó chịu khi tôi là một vị thầy văn học. Ở đây tôi cũng đang hành động nhân danh sự tiến bộ, nhưng tôi giữ một thái độ phê phán đối với sự tiến bộ. Tôi tự nhủ thầm rằng trong nhiều hình thức của nó, sự tiến bộ đã không diễn ra như lẽ ra nó phải, và rằng ở đây, cần phải để cho một dân tộc bán khai [62], những đứa trẻ nông dân, hoàn toàn tự do để chọn con đường của tiến bộ mà họ muốn.
Về bản chất, tôi vẫn đối mặt với cùng một vấn đề không thể giải quyết: tôi làm thế nào để dạy, mà không biết tôi đang dạy cái gì. Trong những lãnh vực cao hơn của văn học, rõ ràng là tôi không thể dạy mà không biết mình đang dạy cái gì; bởi vì tôi thấy rằng mọi người dạy một cách khác nhau, và rằng trong những luận cứ mà họ có, hầu như họ không che giấu nhau sự dốt nát của họ. Nhưng ở đây, với con cái của nông dân, tôi nghĩ tôi có thể tránh né sự khó khăn này bằng cách cho phép lũ trẻ học bất cứ cái gì mà chúng thích. Bây giờ, điều ấy dường như lố bịch đối với tôi khi tôi hồi tưởng lại, như thế nào mà tôi đã thử làm điều này điều nọ để thực hiện cái ý muốn bốc đồng này – cái ý muốn dạy dỗ của tôi – trong lúc đó tôi biết rất rõ trong sâu thẳm linh hồn tôi rằng, không có cách gì tôi có thể dạy cái cần thiết cho mọi người, bởi vì tôi không biết cái gì là cần thiết. Sau một năm bận bịu với trường học, tôi lại ra nước ngoài để tìm kiếm xem làm thế nào để dạy trong điều kiện chính tôi không biết phải dạy như thế nào.
Tôi tin rằng tôi đã tìm ra một giải pháp ở nước ngoài, và được trang bị bằng tất cả sự khôn ngoan này, tôi trở lại nước Nga vào cái năm khi mà những nông nô được giải phóng.[63] Tôi nhận chức vụ của một trọng tài và bắt đầu dạy những người mù chữ trong những trường học và những người biết chữ thông qua những tạp chí định kỳ mà tôi đã bắt đầu xuất bản. Mọi sự có vẻ tiến hành tốt, nhưng tôi cảm thấy rằng, sức khoẻ tinh thần của tôi thì không là cái mà nó phải là, và rằng tình trạng này không thể tiếp diễn lâu.
Ngay cả lúc bấy giờ, có lẽ tôi đã rơi vào nỗi tuyệt vọng mà sau này sẽ đến với tôi vào tuổi 50, nếu không nhờ một khía cạnh khác nữa của cuộc đời mà trước đây tôi chưa trải nghiệm, nó hứa hẹn sự cứu rỗi: cuộc sống hôn nhân. [64]
Trong 1 năm, tôi bận bịu với việc làm trọng tài, với các trường học, và với cái tạp chí (của tôi). Nhưng chẳng bao lâu tôi mệt nhoài kiệt sức vì bị vướng kẹt vào trong toàn bộ sự việc. Cuộc đấu tranh với công việc trọng tài trở nên nặng nề với tôi; hoạt động của tôi tại các trường học thì quá rắc rối phiền nhiễu, và sự lê lết của tôi với cái tạp chí trở nên khó chịu đối với tôi, bởi vì nó muôn đời đặt trọng tâm vào cùng một chuyện – cái ước muốn dạy mọi người trong khi che giấu đi cái sự kiện rằng tôi không biết tôi đang dạy cái gì. Sau cùng, sự việc đi tới một điểm, tại đó tôi ngã bệnh, về tinh thần hơn là về thể xác; tôi từ bỏ hết mọi thứ và đi tới vùng thảo nguyên của những người Bashkirs để thở không khí trong lành; uống koumiss . [65] và sống một cuộc sống của loài thú. [66]
Sau khi trở lại, tôi lập gia đình. Hoàn cảnh mới của một gia đình hạnh phúc đưa tôi trệch hoàn toàn ra khỏi bất cứ sự tìm kiếm nào về cái ý nghĩa toàn diện của cuộc đời. Vào thời đó, toàn bộ đời tôi tập trung vào gia đình tôi, vợ tôi, con cái tôi, và như thế, vào một mối quan tâm đến việc cải thiện cách sống của chúng tôi. Việc phấn đấu cho sự hoàn hảo cá nhân, mà đã được thay thế bằng một phấn đấu cho sự hoàn hảo nói chung, một phấn đấu cho sự tiến bộ, bây giờ trở thành một phấn đấu cho cái tốt nhất cho gia đình tôi và cho tôi.
Mười lăm (15) năm nữa đã trôi đi như thế.
Mặc dù trong suốt 15 năm này, tôi đã xem việc viết lách như là một nỗ lực vặt vãnh, [67] tôi vẫn tiếp tục viết. [68] Tôi đã nếm vị ngọt cám dỗ của nghề viết văn, những cám dỗ của những phần thưởng to lớn về tiền bạc và sự hoan nghênh cho công việc vô giá trị, và tôi buông mình vào nó như là một phương tiện để cải thiện cái tình huống vật chất của tôi và như là một cách để bóp nghẹt bất cứ câu hỏi nào trong tâm hồn tôi liên quan đến ý nghĩa của đời tôi và cuộc sống nói chung.
Khi tôi viết, tôi dạy cái mà với tôi là chân lý duy nhất: rằng chúng ta phải sống cho bất cứ cái gì là tốt nhất cho chính chúng ta và gia đình chúng ta.
Và tôi đã sống như vậy. Nhưng cách đây 5 năm, một cái gì đó rất lạ kỳ đã xảy đến với tôi. Thoạt tiên, tôi bắt đầu có những khoảnh khắc bối rối ngỡ ngàng,[69] khi đời tôi đi tới một sự bế tắc, như thể là tôi không biết sống ra sao hay phải làm cái gì. tôi thường đánh mất sự nhanh trí [70] và rơi vào trong một trạng thái trầm cảm, chán chường.[71] Nhưng trạng thái này qua đi, và tôi tiếp tục sống như trước đây. Rồi những khoảnh khắc ngỡ ngàng bối rối hoang mang lại tái xuất hiện thường xuyên hơn, và chúng luôn có cùng một hình thức. Bất cứ khi nào cuộc đời tôi đi tới chỗ bế tắc, những câu hỏi thường nổi lên: “Tại sao? Và cái gì tiếp theo?”
Ban đầu, tôi nghĩ đây là những câu hỏi không đâu, và không ăn nhập gì đến tôi. Tôi nghĩ rằng những câu trả lời cho chúng thì đã được nhiều người biết tới, và rằng, nếu tôi có bao giờ muốn giải đáp chúng, thì việc ấy cũng không quá khó đối với tôi; chỉ có điều, là bây giờ tôi chưa cần phải bận tâm tới việc đó, nhưng nếu tôi phải tự mình giải đáp những câu hỏi đó, thì tôi sẽ tìm thấy những câu trả lời. Nhưng những câu hỏi bắt đầu hiện lên mỗi lúc một thường xuyên, và những yêu sách đòi hỏi câu trả lời trở nên ngày càng khẩn cấp. Và giống như những điểm [72] được tập trung vào trong một vị trí duy nhất, những câu hỏi không có câu trả lời này cứ tụ lại cùng nhau để tạo thành một vết đen duy nhất.
Nó đã xảy ra với tôi như nó thường xảy ra với bất cứ ai mắc phải một cơn bệnh nội tâm chết người. Ban đầu, có những triệu chứng không đáng kể của một cơn bệnh, mà bệnh nhân bỏ lơ đi; rồi những triệu chứng này tái xuất hiện mỗi lúc một thường xuyên hơn, cho đến khi chúng đổ dồn vào thành một nỗi khổ không dứt. Sự khổ đau gia tăng, và trước khi bệnh nhân có thể ngoái cổ nhìn ra sau, y khám phá ra cái mà y đã biết : cái mà y đã xem chỉ là một sự se mình, khó ở – cái đó lại là cái quan trọng nhất trên thế gian đối với y; thật ra, cái đó chính là cái chết. [73]
Chính đây là cái đã xảy đến cho tôi. Tôi nhận thức rằng đây không phải là một cơn bệnh tình cờ thoáng qua, mà là một cái gì đó rất nghiêm trọng, và rằng, nếu những câu hỏi tương tự còn tiếp tục tái diễn, tôi sẽ phải trả lời chúng. Và tôi cố trả lời chúng. Những câu hỏi này có vẻ như là những câu hỏi ngờ nghệch[74], giản đơn và trẻ con. Nhưng ngay khi tôi đặt hai bàn tay lên chúng và cố giải đáp chúng, tôi liền xác tín ngay rằng, trước tiên, chúng không phải là những câu hỏi ngờ nghệch và trẻ con, mà chúng là những câu hỏi sâu xa và cốt tủy nhất trong đời, và, thứ hai, cho dẫu tôi có suy ngẫm về chúng nhiều thế nào đi nữa, tôi cũng không có cách gì giải đáp chúng. Trước khi tôi có thể bận tâm với trang trại Samara, với sự giáo dục con trai tôi, hay với việc viết những quyển sách, tôi phải biết tại sao tôi đang làm những điều này. Chừng nào mà tôi không biết lý do tại sao, tôi không thể làm cái gì cả. Giữa cái mối quan tâm của tôi với gia đình, mà vào thời đó giữ cho tôi khá bận rộn, một câu hỏi bỗng nhiên đến trong đầu tôi: “ Rất tốt, bạn sẽ có 6.000 desiatin [75] tại tỉnh Samara, cũng như 300 con ngựa; rồi sao nữa ?” Và tôi hoàn toàn bị bất ngờ và không biết phải nghĩ gì khác. Ngay khi tôi bắt đầu nghĩ về việc giáo dục các con tôi, tôi thường tự hỏi, “Tại sao ?” Hay tôi thường suy tưởng : bằng cách nào mà người ta có thể đạt được sự thịnh vượng, và tôi thường bất giác tự hỏi, “ Nó có quan hệ gì đến tôi?” Hay giữa sự suy nghĩ của tôi về danh vọng mà những tác phẩm của tôi đang mang đến cho tôi, tôi thường tự hỏi, “Rất tốt, bạn sẽ nổi danh hơn cả Gogol, Pushkin, Shakespeare, Moliere, nổi danh hơn cả tất cả những nhà văn trên thế giới – vậy thì sao ?”
Và tôi tuyệt đối không thể tìm thấy một câu trả lời nào.
CHƯƠNG IV
Đời tôi đi tới chỗ bế tắc. Tôi có thể thở, ăn, uống, và ngủ; quả thật, tôi không thể không thở, không ăn, và không ngủ. Nhưng không có chút sự sống nào trong tôi, bởi vì tôi đã không có một ước vọng nào; giá như mà tôi có, thì thì hẳn tôi đã thấy sự thỏa mãn nó là có lý. [76] Nếu tôi đã muốn một cái gì đó, thì tôi đã biết trước rằng, dù có đạt được nó hay không, thì cũng chừng ấy chuyện.
Nếu một bà tiên đến và có nhã ý cho tôi được thỏa mãn mọi ước vọng của tôi, thì có lẽ tôi đã không biết tôi mong ước cái gì. [77] Nếu trong những khoảnh khắc say sưa, [78] tôi không có những ước vọng nào ngoài những ước vọng cũ đã thành thói quen, thì trong những khoảnh khắc tỉnh táo, [79] tôi biết rằng tất cả đó chỉ là một ảo ảnh lừa dối; rằng tôi đã thực sự không ước vọng điều gì. Tôi thậm chí không còn muốn khám phá chân lý bởi vì tôi đã đoán trước nó là cái gì. Chân lý đó là: cuộc đời là vô nghĩa.[80]
Sự việc diễn ra như thể tôi đã sống một ít, lang thang một ít, cho đến khi tôi đến cái vực thẳm, và tôi thấy một cách rõ ràng rằng không có gì phía trước ngoài ra sự đổ nát. Và tôi không thể ngừng lại, không thể quay trở lại, không thể nhắm mắt lại để khỏi thấy rằng không có gì ở phía trước, ngoại trừ cái ảo ảnh lừa dối của cuộc đời, của hạnh phúc, và cái thực tại của đau khổ và sự chết, của sự hủy diệt hoàn toàn.
Tôi đâm ra chán cuộc sống; một sức mạnh bất khả kháng nào đó đang dẫn tôi đến chỗ muốn loại bỏ nó bằng cách nào đó. Không phải là tôi muốn tự kết liễu đời mình. Cái sức mạnh vốn đang dẫn tôi rời khỏi cuộc sống thì mạnh mẽ hơn, tuyệt đối hơn, bao trùm toàn diện hơn bất cứ ước vọng nào. Với tất cả sức lực của tôi, tôi vùng vẫy để rời khỏi cuộc đời. Lúc bấy giờ, cái ý tưởng tự vẫn đến với tôi một cách cũng tự nhiên như cái ý tưởng về việc cải thiện cuộc sống vốn đã đến với tôi trước đó. Cái ý tưởng này có sức cám dỗ quá mạnh mẽ, đến nỗi tôi phải dùng thủ đoạn mưu mẹo chống lại chính mình, để không phải thực hiện nó việc tự vẫn một cách quá vội vã. Tôi không muốn vội vàng chỉ vì tôi muốn sử dụng tất cả sức mạnh [81] của tôi để gỡ rối những ý tưởng của mình. Nếu không thể gỡ rối chúng, tôi tự nhủ, tôi luôn luôn có thể tiến hành việc tự vẫn. Và hãy nhìn tôi kia – một con người may mắn – lại phải mang một sợi dây thừng ra khỏi căn phòng, nơi tôi ở một mình mỗi đêm khi thay quần áo, để sẽ không tự treo cổ từ cái xà ngang giữa những cái tủ. Và tôi từ bỏ việc đi săn với một khẩu súng ngắn, để sẽ không bị cám dỗ một cách dễ dàng đi tới chỗ loại bỏ chính mình. Chính tôi không biết là tôi muốn cái gì. Tôi sợ cuộc sống, tôi vùng vẫy để loại bỏ nó, và tuy vậy, tôi vẫn hy vọng về một cái gì đó từ nó.
Và điều này đang xảy ra cho tôi vào một thời điểm mà, từ mọi dấu chỉ, [82] lẽ ra tôi nên được xem là một người hoàn toàn hạnh phúc; [83] sự việc này xảy ra khi tôi chưa đầy 50 tuổi. Tôi có một người vợ tốt, nàng yêu tôi và tôi tha thiết yêu nàng, những đứa con xinh xắn và một bất động sản lớn đang phát triển và bành trướng mà tôi khỏi cần có nỗ lực nào. Hơn bao giờ cả, tôi được kính nể bởi bạn hữu và người quen, được ca ngợi bởi những người lạ, và tôi có thể tự đòi hỏi [84] một danh tiếng nào đó mà thực sự không tự lừa dối mình. Hơn nữa, tôi không bệnh hoạn về thể xác và tinh thần; [85] trái lại, tôi được hưởng một khí lực mạnh mẽ về cả thể xác lẫn tinh thần, mà tôi hiếm khi gặp được trong số những người cùng lứa tuổi với tôi. Về mặt thể lực, tôi có thể theo kịp những nông dân làm việc trên cánh đồng; về mặt tâm thần, tôi có thể làm việc 8 - 10 tiếng đồng hồ liên tiếp mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào từ sự căng thẳng đó. Và trong cái hiện tình như thế, tôi đã đi tới một điểm mà tại đó tôi không thể sống; và cho dù tôi không sợ hãi cái chết, tôi đã phải sử dụng những mưu mẹo chống lại chính mình để giữ cho mình khỏi tự vẫn.
Tôi đã mô tả cái điều kiện tâm linh của tôi cho chính mình trong cách này: đời tôi là một loại trò đùa ngu xuẩn và ác độc mà một ai đó đang chơi, nhắm vào tôi. Mặc dù sự kiện rằng tôi không công nhận sự hiện hữu của một ai đó mà có lẽ đã sáng tạo ra tôi [86] – mặc dù vậy, cái ý niệm rằng một ai đó đã cho tôi ra đời như là một trò đùa ngu xuẩn và độc ác, cái ý niệm ấy dường như là cách tự nhiên nhất để mô tả cái tình trạng [87] của tôi.
Tôi đã không thể không tưởng tượng rằng, một ai đó đang tự lấy làm thích chí, đang cười nhạo tôi và cái cách mà tôi đã sống 30-40 năm, học tập, phát triển, tăng trưởng về thể xác và tinh thần ; cười nhạo tôi về việc bằng cách nào mà tôi đã (trở nên) hoàn toàn chín chắn về mặt trí năng và đã tới cái chóp đỉnh mà từ đó cuộc sống tự phát lộ chính nó – chỉ để đứng ở đó giống như một gã khờ chính hiệu, thấy rõ rằng không có gì trong cuộc đời, rằng đã không bao giờ có và sẽ không bao giờ có. “Và điều đó khiến cho y (một ai đó) cười lớn …”
Nhưng dù thực sự có hay không có một ai đó (mà) đang chế giễu tôi, cái điều ấy cũng không khiến cho tôi dễ chịu hơn chút nào. Tôi không thể gắn một ý nghĩa hợp lý [88] nào vào một hành vi đơn lẻ nào trong toàn bộ đời tôi. Cái điều duy nhất khiến cho tôi kinh ngạc, là làm sao mà tôi đã không nhận thức ra điều này ngay từ đầu. Đã từ lâu, mọi thứ này là điều mà ai cũng biết. Nếu không phải hôm nay, thì ngày mai, bệnh tật và cái chết sẽ đến (quả thật, chúng đang đến gần rồi) với mọi người, với tôi, và sẽ không có gì còn lại ngoài cái mùi hôi hám và lũ bọ giòi. Những hành động của tôi, dù chúng có thể là cái gì đi nữa, cũng sẽ bị lãng quên sớm hay muộn, và chính tôi sẽ không còn nữa. Vậy thì, tại sao phải làm một cái gì đó ? Làm sao người ta có thể không thấy điều này và có thể sống chứ ? Cái đó là điều đáng ngạc nhiên! Chúng ta có thể sống chừng nào mà cuộc sống làm say sưa mê muội [89] chúng ta; một khi chúng ta tỉnh táo, chúng ta không thể không thấy rằng tất cả mọi thứ đó đều là một ảo ảnh lừa dối, một ảo ảnh ngu xuẩn [90] ! Cũng như không có gì là buồn cười hay dí dỏm về điều ấy; nó chỉ là tàn nhẫn và ngu xuẩn.
Có một chuyện ngụ ngôn cổ phương Đông, [91] về một kẻ lữ hành bị bất ngờ trên thảo nguyên bởi một con dã thú đang hoành hành. Cố cứu mình thoát khỏi con dã thú, người lữ hành nhảy vào trong một cái giếng đã cạn nước; nhưng ở dưới đáy giếng, y thấy một con rồng đang giương móng vuốt ra chờ vồ lấy y. Kẻ bất hạnh không dám leo ra vì sợ bị con dã thú giết, y cũng không dám nhảy xuống đáy giếng vì sợ bị con rồng vồ. Bởi vậy, y bám vào một cành của một bụi cây hoang dã đang mọc trong những kẽ nứt của cái giếng, và níu vào đó. Hai cánh tay y trở nên yếu dần và y cảm thấy rằng chẳng bao lâu nữa, y sẽ phải làm mồi cho Thần Chết đang đợi y ở cả hai phía. Thế nhưng y vẫn cứ níu vào đó; và khi đang níu vào cành cây, y nhìn lên, thấy 2 con chuột, một đen một trắng, đang gặm vào xung quanh cái bụi cây nơi mà y đang treo lủng lẳng. Chẳng bao lâu bụi cây sẽ gãy và đổ xuống, và y sẽ rơi vào trong nanh vuốt của con rồng. Người lữ hành thấy điều này và biết rằng y chắc chắn sẽ chết. Nhưng trong khi y đang treo lủng lẳng ở đó, y nhìn quanh và thấy những giọt mật trên những chiếc lá của bụi cây, và y lè lưỡi ra và liếm chúng. Tôi cũng đang đeo níu vào cành cây của đời như thế, biết rằng tất yếu con rồng của sự chết đang chờ đợi, sẵn sàng xé tôi ra từng mảnh; và tôi không thể hiểu tại sao cái sự tra tấn này đã đổ xuống tôi. Tôi cố mút những giọt mật vốn đã một lần an ủi tôi, nhưng mật thì không còn ngọt nữa. Ngày và đêm, con chuột trắng và đen đang gặm cái cành cây mà tôi đang níu vào. Tôi thấy con rồng một cách rõ ràng, và mật đã mất hết tất cả cái vị ngọt của nó. Tôi chỉ thấy con rồng mà tôi không thể trốn thoát và những con chuột, và tôi không thể quay mắt khỏi chúng. Đây không phải là câu chuyện cổ tích, mà là chân lý không thể bác bỏ, và được hiểu bởi mọi người.
Cái ảo ảnh của hạnh phúc cuộc đời, mà trước đây đã bịt mắt tôi lại trước cái sự khủng khiếp của con rồng, bây giờ không còn lừa dối tôi được nữa. Dù tôi có tự khuyên nhủ chính mình thế nào đi nữa, rằng tôi không thể hiểu ý nghĩa của cuộc đời, rằng tôi nên sống mà không nghĩ về nó – tôi không thể làm điều này bởi vì tôi đã làm điều này quá lâu rồi. Bây giờ tôi không thể không thấy những ngày và đêm đang lao nhanh về phía tôi và dẫn tôi đến sự chết. Tôi chỉ thấy điều này, và chỉ điều này thôi, là chân lý. Mọi thứ khác chỉ là sự dối trá.
Hai giọt mật mà, hơn bất cứ cái gì khác, đã làm mắt tôi xoay hướng, trệch khỏi cái chân lý tàn nhẫn này, là tình yêu dành cho gia đình tôi, và việc viết lách của tôi, mà tôi đề cập đến như là nghệ thuật; thế nhưng thứ mật này đã mất hết vị ngọt đối với tôi.
“ Gia đình tôi…,” tôi nhủ thầm. Nhưng gia đình tôi, vợ tôi và con tôi, cũng là những con người. Họ cũng đang chịu những điều kiện tương tự như tôi : họ phải hoặc là sống trong dối trá hoặc là phải đối mặt với cái chân lý khủng khiếp đó. Tại sao họ nên sống ? Tại sao tôi nên thương yêu họ ? Tại sao quan tâm tới họ, nuôi nấng họ, và chăm nom họ ? Hãy để cho họ có thể chìm vào trong nỗi tuyệt vọng, cái đang ăn mòn tôi, hay cứ để họ tiếp tục sống với sự ngu xuẩn [92] ? Nếu tôi yêu thương họ, thì tôi không thể không phơi bày cái sự thật này cho họ thấy. Mọi bước chân mà họ đang đi trong kiến thức [93] đều sẽ dẫn họ tới cái chân lý này. Và cái chân lý này là sự chết.
“Nghệ thuật, văn học…?” Dưới ảnh hưởng của sự thành công và sự ca tụng từ những người khác, tôi đã tự thuyết phục mình một thời gian dài rằng có lẽ đây là cái mà tôi nên làm, mặc dù cái chết đang tới và nó sẽ hư vô hóa mọi sự – chính tôi, tác phẩm của tôi, và cái ký ức về chúng. Nhưng chẳng bao lâu tôi thấy cả cái này nữa, là một ảo ảnh lừa dối. Mỗi lúc, tôi càng thấy rõ ràng rằng nghệ thuật là một sự trang trí của cuộc sống, một cái gì đó khuyến dụ chúng ta vào với cuộc đời. Nhưng cuộc sống đã đánh mất sự quyến rũ của nó đối với tôi, vậy thì tôi làm sao để quyến rũ kẻ khác ? Chừng nào tôi không đang sống cuộc đời của chính mình, mà chỉ sống cuộc đời của một người khác, cuộc đời ấy như một ngọn sóng đang mang tôi đi trên cái chóp đỉnh của nó [94]; chừng nào mà tôi tin rằng cuộc sống có một ý nghĩa – mặc dù tôi không thể diễn đạt nó – thì cái phản ảnh của mọi thứ về cuộc sống qua văn học và nghệ thuật mang đến cho tôi lạc thú; tôi hưởng thụ việc nhìn đời trong tấm gương soi của nghệ thuật. Nhưng khi tôi bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, khi tôi bắt đầu cảm thấy cái nhu cầu phải sống, thì cái tấm gương soi này lại trở thành hoặc là cái vò xé tâm hồn tôi, hoặc là nó trở nên không cần thiết, dư thừa, và lố bịch. [95] Tôi không còn có thể được an ủi bởi cái mà tôi thấy ở trong tấm gương, bởi vì tôi có thể thấy rằng cái tình huống của tôi là ngu xuẩn và đầy tuyệt vọng. Thật tốt cho tôi để mà hân hoan, khi nào tận đáy linh hồn tôi, tôi tin rằng đời tôi có ý nghĩa. Khi nào tin như vậy, thì cái trò chơi của ánh sáng và bóng tối, trò chơi của cái hài, cái bi, cái gây xúc động, cái đẹp, và những thành tố khủng khiếp trong cuộc sống đã an ủi tôi. Nhưng một khi tôi đã thấy cuộc sống là vô nghĩa và khủng khiếp, thì cái trò chơi trong tấm gương không thể làm vui tôi được nữa. Dù mật có ngọt tới đâu chăng nữa, nó không thể ngọt đối với tôi, vì tôi thấy con rồng và những con chuột đang gặm vào cái trụ cột đang nâng đỡ tôi.
Nhưng mà sự việc không dừng lại ở đây. Nếu tôi chỉ đơn giản hiểu rằng đời không có ý nghĩa, có lẽ tôi đã có khả năng chấp nhận nó một cách bình thản; có lẽ tôi đã công nhận rằng số phận của tôi là như thế. Nhưng tôi đã không thể thỏa mãn với chừng đó. Nếu tôi là một người sống trong một khu rừng, từ đó không có lối nào thoát ra, có lẽ tôi đã có khả năng tiếp tục sống; nhưng tôi giống như người lạc lối trong rừng, kinh hãi bởi sự kiện rằng y bị lạc; giống như một người cứ chạy vòng quanh, mong ước tìm đường ra, và biết rằng mọi bước chân đều dẫn y vào trong sự hỗn loạn sâu hơn, và thế nhưng, lại không thể không chạy vòng quanh như thế.
Nỗi khủng khiếp đó là như vậy. Và để được giải phóng khỏi nỗi khủng khiếp đó, tôi đã muốn tự kết liễu đời mình. Tôi cảm thấy sự khủng khiếp của cái đang đợi tôi; tôi biết rằng sự khủng khiếp này thì ghê rợn hơn cái tình huống hiện tại của mình, nhưng tôi không thể ngăn bước đi của nó, và tôi không có sự kiên nhẫn để chờ sự kết thúc. Cho dù cái lập luận rằng, một mạch máu nào đó trong quả tim tôi dù sao cũng sẽ vỡ; rằng một cái gì khác sẽ làm cho nó vỡ, và mọi sự sẽ kết thúc – dù cái lập luận này có thuyết phục đến đâu chăng nữa, thì tôi cũng không thể kiên nhẫn chờ đợi sự kết thúc. Cái khủng khiếp của bóng tối thì quá lớn, và tôi muốn thoát khỏi nó càng nhanh càng tốt, bằng một sợi dây thừng, hay một viên đạn. Chính cái cảm nhận này, mạnh mẽ hơn bất kỳ cảm nhận nào khác, chính nó đang dẫn tôi về phía sự quyên sinh..
CHƯƠNG V
Dăm bảy lần tôi tự hỏi, “ Phải chăng là tôi đã bỏ qua một cái gì đó; phải chăng là có một cái gì đó mà tôi đã không hiểu được ? Há chẳng phải, có thể trạng thái tuyệt vọng này là chung cho mọi người ?” Và tôi tìm kiếm một câu trả lời cho những câu hỏi của tôi, trong mọi lãnh vực của kiến thức đã thủ đắc bởi con người. [96] Trong một thời gian dài, tôi thực hiện cuộc tìm kiếm vất vả của mình; tôi không kiếm tìm một cách ngẫu hứng tùy tiện, chỉ do sự hiếu kỳ, nhưng một cách đau đớn,[97] kiên trì dai dẳng, ngày đêm, giống như một người hấp hối đang tìm kiếm sự cứu rỗi. Tôi đã không tìm thấy gì.
Tôi lục soát [98] mọi lãnh vực của kiến thức, và tôi không chỉ không thấy một cái gì, mà tôi còn xác tín rằng, tất cả những người mà đã thám hiểm kiến thức như tôi, sau cùng họ cũng không tìm thấy gì. Họ không chỉ không tìm thấy gì, mà họ còn công nhận một cách rõ ràng cùng một điều tương tự, cái điều mà đã mang đến nỗi tuyệt vọng cho tôi: kiến thức độc nhất mà con người có thể đạt tới, đó là: cuộc sống là vô nghĩa. [99]
Tôi lùng sục khắp nơi. Và nhờ vào một cuộc đời trải qua trong nghiên cứu, nhờ vào những mối quan hệ của tôi với thế giới có học thức, tôi đã tiếp cận những người thông thái nhất trong tất cả mọi lãnh vực đa dạng của kiến thức. Những học giả này không từ chối tiết lộ cho tôi cái tổng số kiến thức của họ, không chỉ qua những cuốn sách của họ, mà còn qua những cuộc trò chuyện với họ; tôi biết mọi thứ mà kiến thức đã có để trả lời câu hỏi về cuộc sống..
Trong một thời gian dài, tôi đã không thể đưa chính mình tới chỗ tin rằng kiến thức không có câu trả lời nào cho câu hỏi về cuộc sống ngoài cái câu trả lời mà tôi đã gặp, đã tìm thấy. Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng có lẽ tôi đã hiểu nhầm một cái gì đó, khi tôi quan sát kỹ càng sự nghiêm trọng trọng [100] và tính nghiêm túc [101] trong cái giọng điệu của khoa học, xác tín trong cái lập trường của nó, trong khi nó lại không dính dáng gì tới cái câu hỏi về cuộc sống của con người. Trong một thời gian dài, tôi rụt rè [102] xung quanh kiến thức, và tôi nghĩ rằng cái sự phi lý [103] của những câu trả lời đã được cung cấp cho câu hỏi của tôi, thì không phải là lỗi của kiến thức, mà là do sự ngu dốt của riêng tôi; nhưng có điều là, đối với tôi, đây không phải là một trò đùa, một trò chơi, mà là một vấn đề sinh tử; và sau cùng tôi đi tới kết luận rằng, những câu hỏi của tôi là những câu hỏi chính đáng duy nhất làm cơ sở cho mọi kiến thức, và rằng, không phải tôi, mà khoa học đã phạm tội [104] trước những câu hỏi của tôi nếu nó làm ra vẻ [105] như muốn trả lời những câu hỏi này.
Câu hỏi của tôi, cái câu hỏi mà đã đưa tôi tới bờ mép của sự quyên sinh khi tôi 50 tuổi, là câu hỏi đơn giản nhất nằm trong tâm hồn của mọi con người, từ một đứa trẻ ngờ nghệch cho đến những bậc cao niên khôn ngoan nhất, câu hỏi mà thiếu nó thì không thể sống được; đó là cái cách mà tôi đã cảm nhận về vấn đề này. Câu hỏi đó là như vầy: “Cái gì sẽ xảy ra với cái mà tôi làm hôm nay và ngày mai ? Cái gì sẽ xảy ra với toàn bộ đời tôi ?”
Diễn đạt một cách khác, câu hỏi có lẽ là: “ Tại sao tôi nên sống ? Tại sao tôi nên ao ước một điều gì đó, hay làm một cái gì đó?” Hay, nói một cách khác nữa: “Có chăng một ý nghĩa trong đời tôi, [106] cái ý nghĩa mà sẽ không bị hủy diệt bởi cái chết của tôi – cái chết tất yếu, và đang tới gần ?
Qua suốt kiến thức con người, tôi đã tìm kiếm một câu trả lời cho câu hỏi này – chỉ là một câu hỏi độc nhất được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Và tôi thấy rằng về câu hỏi này, thì cái tổng số kiến thức của con người dường như được chia thành hai bán cầu nằm đối diện với nhau, thành hai đối cực chiếm giữ hai cực, một dương [107] và một âm.[108] Nhưng, ở cả hai cực đó, không có câu trả lời nào cho câu hỏi về cuộc sống.
Một lãnh vực của kiến thức thì thậm chí không công nhận câu hỏi đó, cho dù nó trả lời một cách rõ ràng và chính xác những câu hỏi mà nó đã đặt ra một cách độc lập. Đây là lãnh vực của khoa học thực nghiệm, và cái đầu mút tận cùng [109] của nó là toán học. Lãnh vực kia của kiến thức thì công nhận câu hỏi đó, nhưng không trả lời nó. Đây là lãnh vực của triết học tư biện [110] và tận cuối của nó là siêu hình học.
Từ thuở còn rất trẻ, tôi đã nghiên cứu triết học tư biện, nhưng về sau, cả toán học lẫn những khoa học tự nhiên đã hấp dẫn tôi. Và tôi thỏa mãn với những câu trả lời giả mạo [111] mà kiến thức đã có để cung ứng, cho đến khi tôi đặt câu hỏi này một cách rõ ràng cho chính mình, cho đến khi chính câu hỏi lớn dần lên bên trong tôi và khẩn cấp đòi hỏi một giải đáp.
Về lãnh vực của kinh nghiệm, tôi tự nhủ, “Mọi sự thì đang phát triển, và đang bị sai biệt hóa [112] trở nên ngày càng phức tạp và tiến về sự hoàn hảo, và có những định luật điều khiển cái tiến trình này. Bạn là một phần của cái toàn thể. Nếu bạn biết càng nhiều càng tốt về cái toàn thể và nếu bạn biết cái qui luật của sự phát triển của nó, bạn sẽ đi tới chỗ biết vị trí của bạn trong cái toàn thể và biết chính bạn.” Mặc dù tôi xấu hổ nhiều khi thú nhận, đã có một thời gian dường như tôi cũng rất thỏa mãn với cái câu trả lời này. Chính vào thời điểm này mà bản thân tôi đang phát triển và đang trở nên phức tạp hơn. Những bắp thịt của tôi đang tăng trưởng và trở nên mạnh mẽ hơn, trí nhớ của tôi đang được bồi đắp, khả năng suy tưởng và thông hiểu của tôi cũng đang trở nên lớn hơn; tôi đang tăng trưởng và phát triển. Cảm nhận sự tăng trưởng bên trong tôi, thật tự nhiên khi tôi tin rằng sự có-thể-hoàn-thiện [113] quả thật là qui luật của toàn vũ trụ và rằng, trong cái ý tưởng này, tôi có thể tìm thấy những câu trả lời cho những câu hỏi của đời tôi. Nhưng đến một lúc, khi mà tôi ngừng tăng trưởng; tôi cảm thấy rằng tôi không đang tăng trưởng, mà đang khô cạn đi. Những bắp thịt của tôi đang trở nên yếu hơn, những cái răng của tôi đang rơi ra, và tôi thấy rằng, không những cái qui luật này không giải thích điều gì cho tôi, mà tôi còn thấy rằng, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có thể có một qui luật thuộc loại này. Tôi chỉ nhầm lẫn xem một cái gì đó – mà tôi đã tình cờ tìm thấy trong chính bản thân mình vào một thời điểm nhất định nào đó trong đời tôi – là một quy luật Khi tôi xem xét bản chất của cái qui luật này một cách cặn kẽ, tôi thấy rõ rằng không thể có qui luật nào như thế – cái qui luật về sự phát triển có tính thường hằng, vĩnh cửu [114]. Tôi thấy rõ là, nói rằng mọi sự thì đang phát triển, trở nên hoàn hảo hơn, phức tạp hơn và sai biệt hơn trong không gian và thời gian vô tận – nói như vậy, thì cũng như không nói gì cả. Không có từ nào trong số này có chút ý nghĩa nào, bởi vì trong cái vô hạn không có cái gì là đơn giản hay phức tạp, không có cái gì trước hay sau, không có cái gì tốt hơn hay xấu hơn.
Cái điều chính yếu là: câu hỏi riêng tư của tôi, câu hỏi: “ Tôi là cái gì, với tất cả những khát vọng của tôi?” – câu hỏi ấy vẫn còn hoàn toàn không được trả lời. Tôi nhận thức rằng, những lãnh vực kiến thức này có thể rất thú vị và hấp dẫn, nhưng sự minh bạch và sự chính xác của chúng thì tỷ lệ nghịch với việc có thể áp dụng chúng vào câu hỏi về cuộc sống. Chúng càng ít dính líu đến những câu hỏi về cuộc sống, thì chúng càng minh bạch và chính xác. Nhưng chúng càng cố gắng cung cấp những câu trả lời cho những câu hỏi về cuộc sống, thì chúng càng trở nên mơ hồ và thiếu hấp dẫn. Nếu chúng ta xoay hướng sang những lãnh vực kiến thức vốn cố gắng mang đến những câu trả lời cho những câu hỏi – chẳng hạn như như lãnh vực của sinh lý học, tâm lý học, sinh vật học, xã hội học– thì chúng ta gặp phải một sự nghèo nàn đáng chú ý về tư tưởng và sự tối tăm lớn nhất; chúng ta thấy trong chúng một cao vọng [115] hoàn toàn không được biện minh – cao vọng muốn quyết định những câu hỏi nằm bên ngoài phạm vi của chúng; trong những lãnh vực nói trên, chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẫn liên miên giữa một nhà tư tưởng này và một nhà tư tưởng khác, và thậm chí, mỗi nhà tư tưởng cũng tự mâu thuẫn với chính mình. Nếu chúng ta quay sang những lãnh vực kiến thức không quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi về cuộc sống, mà chỉ quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi đặc thù, có tính khoa học của chúng, rồi thì chúng ta có thể bị “ngợp”[116] bởi cái quyền lực của trí năng con người, nhưng chúng ta biết trước rằng chúng ta sẽ không tìm thấy câu trả lời nào cho những câu hỏi về cuộc sống. Những lãnh vực kiến thức này hoàn toàn bỏ qua câu hỏi về cuộc sống. Chúng nói, “ Chúng tôi không thể nói cho bạn biết bạn là cái gì, và tại sao bạn sống; chúng tôi không có những câu trả lời cho những câu hỏi này, và chúng tôi không quan tâm đến chúng.Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết về những qui luật của ánh sáng, hay về những hợp chất hóa học, hay những qui luật điều khiển sự phát triển của những cơ thể sống [117] ; nếu bạn muốn biết về những qui luật điều khiển những cơ thể vật lý, những hình thái của chúng và mối liên hệ giữa kích cỡ và số lượng của chúng; nếu bạn muốn biết về những qui luật của trí óc bạn – thì về tất cả những thứ này, chúng tôi có những câu trả lời rõ ràng, chính xác, và không thể nghi ngờ.”
Nhìn chung, sự quan hệ giữa những khoa học thực nghiệm và câu hỏi về cuộc sống có thể được diễn đạt trong cách này: Câu hỏi: Tại sao tôi sống ? Trả lời: Trong không gian vô hạn, trong thời gian vô hạn, những hạt cực nhỏ trải qua những biến thái [118] phức tạp vô hạn, và khi bạn hiểu những qui luật điều khiển những biến thái này, thì bạn sẽ hiểu tại sao bạn sống.
Rồi đi dọc theo những đường lối tư biện, tôi thường tự nhủ, “ Tất cả nhân loại sống và phát triển theo những nguyên lý tâm linh, theo những lý tưởng chỉ đạo nó. Những lý tưởng này tìm thấy sự biểu đạt trong những tôn giáo, nghệ thuật, những khoa học, và những hình thức chính quyền. Khi những lý tưởng này ngày càng được nâng cao, nhân loại sẽ tiến tới hạnh phúc lớn hơn. Tôi là một phần của nhân loại, và do vậy, cái sứ mệnh của tôi nằm ở chỗ giúp đỡ nhân loại thông qua việc ý thức và thực hiện những lý tưởng này.” Trong trạng thái “đần độn” [119] của trí óc, tôi đã tự thoả mãn với điều này. Nhưng ngay khi câu hỏi về cuộc sống bắt đầu hiện lên một cách rõ ràng bên trong tôi, thì toàn bộ cái lý thuyết này đã sụp đổ ngay lập tức. Do bất cẩn, loại kiến thức này thường rút ra những kết luận thiếu chính xác; sau khi chỉ mới nghiên cứu một mảng nhỏ của nhân loại, người ta đã vội vàng đưa ra những khẳng định khái quát về nó. Ngoài ra, về câu hỏi : “ những lý tưởng của con người bao gồm những gì?” – thì những người cổ xúy cho cái quan điểm này cũng mâu thuẫn với nhau. Sự kỳ lạ, nếu không phải là sự ngu xuẩn, của cái quan điểm này là: để trả lời câu hỏi thường hiện ra cho mọi người: “ Tôi là cái gì ?” hay, “ Tại sao tôi sống?” hay, “Tôi phải làm cái gì? “ – thì một câu hỏi khác phải được giải đáp trước tiên: “Cuộc sống của nhân loại nói chung – cái mà chúng ta không biết tới, cái cuộc sống mà chúng ta chỉ có thể biết một mảng nhỏ, qua một giai đoạn thời gian ngắn – cái đó là cái gì?” Để biết y là cái gì, một người trước hết phải biết tổng số của cái nhân loại bí hiểm này [120] là cái gì – một nhân loại được cấu thành bởi những con người mà, giống như chính y, cũng không hiểu họ là cái gì.
Tôi phải thú nhận rằng có một thời gian tôi đã tin điều này. Đó là trong suốt thời gian khi mà tôi có những lý tưởng ưa thích của riêng tôi để biện minh cho những thị hiếu bốc đồng [121] của tôi; khi mà tôi cố sáng chế ra một lý thuyết này hay lý thuyết nọ để tôi có thể nhìn những thị hiếu bốc đồng của tôi như là những qui luật điều khiển con người. Nhưng ngay khi câu hỏi về cuộc sống bắt đầu nổi lên trong tâm hồn tôi với tất cả sự minh bạch của nó, thì câu trả lời này bỗng nhiên biến thành tro bụi. Và tôi nhận thức rằng, bên trong những khoa học thực nghiệm, có những ngành là khoa học đích thực, và có những ngành chỉ là bán khoa học [122] – những ngành bán khoa học này cố trả lời những câu hỏi hoàn toàn vượt quá phạm vi của chúng. Như thế, tôi nhận thức rằng có một loạt những lãnh vực kiến thức đa dạng nhất, mà cố trả lời những câu hỏi vượt quá phạm vi của chúng. Những ngành chỉ là những ngành bán khoa học gồm có: ngành tư pháp, khoa học về xã hội, hay là khoa học về lịch sử ; trong cách thức riêng của nó, mỗi trong số những khoa học đó cố quyết định những câu hỏi liên quan đến cá nhân bằng cách có vẻ như muốn quyết định câu hỏi về cuộc sống liên quan đến tất cả nhân loại.
Nhưng, như trong địa hạt của những khoa học thực nghiệm, nếu một người chân thành tự hỏi là y phải sống như thế nào, thì y không thể thoả mãn với một câu trả lời : “Hãy nghiên cứu những cái phức tạp vô hạn và những thay đổi vô hạn mà một số lượng vô hạn của những phân tử [123] có thể kinh qua trong một không gian và thời gian vô hạn;” và trong một cách tương tự, một con người chân thành không thể thỏa mãn với một câu trả lời như: “ Hãy nghiên cứu toàn bộ nhân loại – cái nhân loại mà sự bắt đầu và kết thúc của nó chúng ta không thể biết – và những bộ phận của nó nằm ngoài tầm với của chúng ta.” Những ngành bán khoa học [124] cũng tương tự như những khoa học bán thực nghiệm [125] : chúng càng bị dính kẹt trong sự tối tăm, sự thiếu chính xác, sự ngu xuẩn, và sự mâu thuẫn bao nhiêu, thì chúng càng trệch xa ra khỏi cái nhiệm vụ đích thực của chúng bấy nhiêu. Nhiệm vụ của khoa học thực nghiệm là qui định mối quan hệ nhân quả của những hiện tượng vật chất. Nếu những khoa học thực nghiệm tình cờ chạy (lạc) vào trong một câu hỏi có liên quan đến cái nguyên nhân sau cùng, thì nó vấp té vào sự vớ vẩn vô nghĩa. [126]
Nhiệm vụ của khoa học tư biện là khám phá ra cái bản chất, yếu tính [127] của sự sống nằm phía bên kia nhân và quả. Nếu sự khảo sát của nó tình cờ chạy lạc vào trong những hiện tượng có tính nhân quả, như những hiện tượng xã hội và lịch sử, thì khoa học tư biện cũng vấp té vào cái sự vớ vẩn vô nghĩa.
Vậy thì, khoa học thực nghiệm chỉ quan tâm đến cái kiến thức xác thực và phát lộ sự vĩ đại của trí năng con người bất cứ khi nào những cuộc khảo sát của nó không đi vào những nguyên nhân tối hậu. Và, mặt khác, khoa học tư biện phát lộ cái vĩ đại của trí năng con người chỉ khi nào nó hoàn toàn loại bỏ tất cả những câu hỏi liên quan đến cái chuỗi nối tiếp của những hiện tượng có tính nhân quả, và chỉ xem xét con người trong mối quan hệ với một nguyên nhân tối hậu. Siêu hình học, hay triết học tư biện, chiếm cứ cái đầu mút nằm ở cuối tấm quang phổ [128] của những khoa học tư biện. Khoa học này, một cách minh bạch, đặt câu hỏi : “Tôi là gì? Vũ trụ là gì?”, câu hỏi “Tại sao tôi sống và tại sao vũ trụ hiện hữu?” Và ngay từ buổi đầu tiên của nó, nó luôn trả lời cùng một cách giống nhau. Bất luận nhà triết học gọi cái yếu tính của sự sống ở bên trong tôi và trong tất cả mọi sinh vật thụ tạo là cái gì – một ý tưởng, một bản chất,[129] một tinh thần, [130] hay một ý chí – ông ta vẫn đang nói rằng cái yếu tính này hiện hữu và rằng tôi là cái yếu tính này; nhưng tại sao nó có mặt ở đó, ông ta không biết, và nếu ông ta là một nhà tư tưởng chính xác, ông ta không trả lời. Tôi hỏi, “Tại sao cái yếu tính này hiện hữu, và cái gì xảy đến cho cái sự kiện rằng nó đang hiện hữu và sẽ hiện hữu?” Và không những triết học bỏ qua không trả lời, mà tất cả những gì mà chính nó có thể làm, là đặt ra câu hỏi tương tự. Và nếu nó là một triết học đích thực, rồi thì tổng số cái lao động của nó nằm trong việc đặt câu hỏi này một cách minh bạch. Và nếu nó kiên trì bám chắc nhiệm vụ của nó, rồi thì nó chỉ có độc nhất một câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là cái gì? Vũ trụ là cái gì?”. Câu trả lời đó là: tất cả, và không là gì cả. Và để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao vũ trụ hiện hữu?” và “Tại sao tôi hiện hữu?” nó chỉ trả lời: “Tôi không biết.”
Cho dù tôi có xoay đi đảo lại [131] những câu trả lời tư biện [132] của triết học như thế, tôi cũng không thể đạt tới một cái gì giống như một câu trả lời; không phải bởi vì câu trả lời đó không liên quan gì tới câu hỏi của tôi – như trong trường hợp những khoa học thực nghiệm chính xác, rõ ràng – nhưng bởi vì, cho dẫu tổng số của cái lao động trí năng ở đây đều được hướng về câu hỏi của tôi, thì cũng không có câu trả lời. Và thay vì một câu trả lời, tất cả những gì mà người ta có thể đạt tới, là chính câu hỏi tương tự, được đặt ra trong một hình thức rối rắm phức tạp.
[5]Ernest J. Simmons, Leo Tolstoy ( Boston : Little, Brown and Co. 1946), p. 326.
[8]Mối quan hệ giữa đức tin [ faith] v lý tính [ reason] l một vấn đề rất quan trọng. Đức tin v lý tính xung đột với nhau, hay bổ tc, soi sng cho nhau? Đy l cu hỏi đ lm tốn rất nhiều giấy mực! (ĐTN).
[12] Như vậy, ấn bản tiếng Nga của Tự Thú [ vào thời đó] không được in tại Nga. Và ấn bản tại Geneva, chắc hẳn chỉ là một bản dịch.? (ĐTN).
[19] Dịch từ N. N. Gusev, Lev N. Tolstoy, vol. 3. Moscow, 1963. t. 593.
[20] His life is characterized as much by seeking as by finding.
[21] David Patterson tỏ ra rất “ tri âm” với Tolstoy, khi ông đưa ra nhận định này. Nêu câu hỏi, thì quan trọng hơn là trả lời nó. Câu nói này có vẻ nghịch lý, nhưng rất đáng suy ngẫm. (ĐTN).
[23] Một giáo phái của Kytô giáo. Vào thế kỉ thứ 11, xảy ra cuộc Ly giáo Đông - Tây năm 1054, phân chia thành Chính Thống giáo Đông phương và Công giáo Roma. (ĐTN).
[24] Vào ngày 12 tháng 4 năm 1847, Tolstoy xin thôi học đại học Kazan vì những lý do sức khoẻ. Không lâu sau đó, ông trở lại trang viên của mình tại Yasnaya Polyana, cách Maskơva 130 dặm.
[25] Vào 25 tháng 5 năm này, Bà của Tolstoy mất. Sự qua đời của bà gây cho ông nỗi hãi hùng và khiến cho ông rất đỗi quan tâm về sự chết nhiều tháng sau đó.
[26] Noah: ( Cựu ước). Tên một tộc trưởng. Để trừng phạt loài người, Đức Chúa Trời đã tạo ra cơn Đại hồng hủy, song Ngài ra lệnh cho ông đóng một con thuyền lớn, nhờ vậy mà gia đình ông và các loài thú khỏi bị tuyệt chủng. (ĐTN).
[27] David: ( Cựu ước): Vua của Israel, tác giả của Thánh vịnh (psalms). (ĐTN).
[28] Francois Marie Arouet de Voltaire ( 1694 – 17778): là một triết gia, nhà viết kịch, nhà viết tiểu luận, nhà thơ, nhà sử học và nhà châm biếm của Pháp. Là một trung tâm tranh cãi suốt đời ông, Voltaire trở thành phát ngôn viên cho những ý tưởng duy lý, chống giai cấp tăng lữ của Thời đại Ánh sáng.
[29] Đây là một thực tế, vốn xảy ra trong tất cả tôn giáo có tổ chức, và không có ngoại lệ! ( ĐTN).
[33] Như vậy, Tolstoy từ bỏ đức tin rất sớm. ( ĐTN).
[35] Intellectual perfection.
[36] Niềm “ hoài vọng” này đã dẫn Tolstoy đi lạc đường rồi! ( ĐTN).
[39] Điều này cho thấy cái xã hội mà trong đó Tolstoy đang sống, nó sa đọa như thế nào! ( ĐTN).
[40] “… Her fondest desire was for me to have an affair with a married woman.” Tôi dịch sát nguyên văn. Chưa hiểu rõ ý của tác giả. ( ĐTN).
[41] Tiếng Pháp trong nguyên tác tiếng Nga. Tạm dịch: “ Không có gì hình thành một chàng trai trẻ cho bằng một cuộc dan díu với một người phụ nữ lịch thiệp.”
[42] Dám phô bày hết những cái xấu xa của mình, Tolstoy thật trung thực và dũng cảm. J.J. Rousseau cũng viết một cuốn “Tự Thú”, nhưng còn có ý muốn tự biện minh cho mình; nếu so sánh, thì Rousseau không trung thực và chân thành bằng Tolstoy. ( ĐTN).
[43] Quả thực, Tolstoy là một người hết sức trung thực. Nhưng cũng thật mỉa mai, mặc dù ông phạm phải nhiều “ tội ác” như thế, mà vẫn được xã hội thời đó xem như là người “ tương đối có đạo đức” ! (ĐTN).
[44] Thời nào cũng có những “ nhà văn” viết vì hư danh, quyền lợi riêng tư và lòng kiêu mạn, nhưng đã mấy ai dám công khai “ tự thú” như Tolstoy! ( ĐTN).
[45] Đây là cuộc chiến tranh Cremea ( 1853 – 1856), trong đó Anh quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Sardinia hợp lực để đánh bại Nga.
[46] Thật là ngụy biện! ( ĐTN).
[49] Nhân loại vẫn luôn là nạn nhân của những “ giáo sĩ” kiểu này ! ( ĐTN).
[53] Everything that exists is rational.
[55] Vào ngày 23. 9. 1862, lúc 34 tuổi, Tolstoy cưới Sofia Andrevna Bers, mới 18 tuổi.
[56] General perfectibility.
[58] Vào ngày 25. 3. 1857, Francoise Riche bị hành quyết về tội sát nhân. Vào 6. 4, Tolstoy đề cập đến cuộc hành quyết này trong nhật ký của ông: “ Anh ta hôn cuốn Phúc Âm và rồi - cái chết. Thật là một sự điên rồ!”
[60] Necessary. Cũng có nghĩa là “ tất yếu.”
[61] Người anh trai mà Tolstoy đặc biệt yêu quý, Nikolai, chết vì bệnh lao phổi vào ngày 20. 9. 1860, ở tuổi 37. Trước đó, vào 21. 1. 1856, anh trai Dmitri của Tolstoy đã chết ở tuổi 28, cũng vì bệnh lao phổi. Mặc dù Dmitri được dùng làm người mẫu cho người anh trai của Levin trong Anna Karenina (1877), ở đây, chắc hẳn Tolstoy đang nói đến cái chết của Nikolai.
[63] Vào ngày 18. 2. 1861, Nga Hoàng Alexander II ban hành chiếu chỉ bãi bỏ chế độ nông nô.
[64] Thực ra, cuộc sống hôn nhân hầu như không “ cứu rỗi” được gì cho Tolstoy, mà nó còn [ góp phần] biến đời ông thành… bi kịch! ( ĐTN).
[65] Một loại sữa bò. ( ĐTN).
[67] Chính trong giai đoạn này, khi ông “xem việc viết văn như là một nỗ lực vặt vãnh”, mà ông đã cho ra đời tác phẩm Chiến tranh & Hoà bình ( 1869).
[68] Chiến tranh & Hòa bình luôn được xem là một kiệt tác của nền văn học thế giới. Nhưng lại được Tolstoy xem chỉ là một “ nỗ lực vặt vãnh” mà thôi! Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trên phương diện văn học, nó là một kiệt tác. Nhưng cái mà Tolstoy đang tìm kiếm, là “ ý nghĩa của cuộc sống” – mà văn học chỉ là một thành tố góp phần tạo nên cái “ ý nghĩa” đó. (ĐTN).
[73] Cái chết ! Đây có phải là một vấn đề “ quan trọng nhất” ? Câu trả lời có thể rất khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, đa phần nhân loại xem cái chết là điều “ tự nhiên”, và họ gạt nó sang một bên, không nghĩ về nó nữa. Theo ĐTN, cái chết là một vấn đề rất lớn, bởi vì quan niệm của ta về sự chết, sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn trên cách sống của ta. ( ĐTN).
[75] 1 desyatin = 2. 7 mẫu Tây. Như vậy, Tolstoy có 16. 200 mẫu Tây tại tỉnh Samsara.
[77] Trong một lúc nào đó, chắc nhiều người cũng có ý tưởng này, giống như Tolstoy? ( ĐTN).
[80] Jean-Paul Sartre và Albert Camus … cũng có quan niệm tương tự. Nhưng thực ra, đây là cũng chỉ là một trong số những cách nhìn về cuộc đời. Còn có rất nhiều quan niệm khác “ tích cực” hơn thế rất nhiều! ( ĐTN).
[83] Quả vậy, Tolstoy có đủ “ tiền tài, danh vọng; vợ đẹp, con khôn” – ông không thiếu một cái gì trong số đó! Nếu theo tiêu chí thông thường, thì ông là người “hoàn toàn hạnh phúc.” Nhưng, kẻ ấy, lại luôn muốn tự vẫn ! Có lẽ, đó là bi kịch, và cũng là sự vĩ đại của đời ông. (ĐTN).
[86] “ Một ai đó” này, hẳn là Thượng đế. ( ĐTN).
[91] Đây là một câu chuyện ngụ ngôn thật hay, đáng cho ta suy ngẫm. ( ĐTN).
[94] Có lẽ, Tolstoy muốn ví những người dân lao động là những ngọn sóng, và ông thuộc giai cấp được ưu đãi, sống ăn bám vào quần chúng lao động, và được họ mang đi, cưỡi trên chóp đỉnh của những ngọn sóng đó? ( ĐTN).
[96] Trong lịch sử nhân loại, những kẻ “ miệt mài đi tìm chân lý” như Tolstoy không phải là không có. Nhưng có lẽ, cũng không nhiều lắm? ( ĐTN).
[99] Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là quan niệm riêng của những người này mà thôi; nó không phải là chân lý phổ quát mà mọi người phải chấp nhận. ( ĐTN).
[106] Đây là một câu hỏi mà một kẻ trung thực không thể nào không đặt ra cho mình. ( ĐTN).
[110] Speculative philosophy.
[111] Counterfeit answers.
[114] Law of eternal development.
[116] To be carried away.
[120] The sum of this mysterious humanity. Nếu đúng như vậy, thì đây là điều quá khó khăn, nếu không nói là bất khả! ( ĐTN).
[125] Semi-experimental sciences.
[131] Twist and turn : đi vào mọi ngóc ngách.
[132] Speculative answers.