Nửa tháng bảy còn lại dành cho cuộc chu du EU của „tây ba lô”, được quyết định trong vòng nửa tiếng đồng hồ là cùng. Thế đấy, vẫn là: „ nắng bốc đồng, xe tăng ủi, đại bác tầm xa…”thôi người ơi!
Lên tàu hỏa từ mờ sáng, Budapest thức giấc sớm bằng hương cafe thơm lừng sân ga phía Đông. Khi tàu đang còn ở địa phận Hungary, hết sức ngạc nhiên tại sao tàu vắng thế? Xứ sở này đôi khi mang lại cảm giác giống như một hạt đậu nhỏ xíu, một lá mầm, một hạt bụi lơ mơ của Thượng đế, những gì nhìn thấy trên bề mặt chỉ lơ thơ, ngôn ngữ như độc thoại, còn chất sống cuồn cuộn chỉ nằm trong cái vô hình?
Nhưng càng đến gần Praha, người lên càng đông. Ồn ào náo nhiệt, vô ý vô tứ, hớn hở tung tóe - văn minh Szlav từng làm „thị dân Budapest” Marai Sándor”không chịu nổi” khi”lừ lừ” quan sát các chú lính Liên Xô đến đóng quân „bảo vệ”đất nước của ông!
May sao, đến Praha gần như cả tàu „đổ bộ”. Lại trống tuếch. Tha hồ ngắm những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực và những cánh đồng ngô bạt ngàn chạy qua vùn vụt. Tàu đến Berlin, đỗ lại ở một sân ga rất rộng, sáng choang, như chui vào một siêu thị, ngớ ra một chút, rồi tủm tỉm cười thầm: thì ra đây là lời giải thích cho cảm giác chán chường mỗi lần phải ra sân bay đây!
Tôi ghét nhất sân bay, ghét nhất phải đi máy bay. Như thể bị bắt cóc, như thể bị đứt đoạn….
Sân ga tàu hỏa mang lại sự bình yên và êm ấm như ta đang ở nhà, chả phải đi đâu hết, chỉ „bò” từ góc nọ sang góc kia. Cảm giác liên tục và vững chãi trên mặt đất hay ho thật. Và cũng chính vì cảm giác này, trên đường về, tôi đã trầm ngâm suy nghĩ về những năm tháng của Chiến Tranh Lạnh, thế giới chia làm hai, cùng trên một quả đất, nhưng nhân loại từng bị cắt rời nhau „tất nhiên” như thế đấy!
Sao có thể vậy nhỉ? Các loại”ý thức hệ” đã biến mỗi một góc của quả đất thành một đời sống người khác nhau, để con người tha hóa và đau khổ theo nhiều cách, để nơi trú ngụ duy nhất của con người trở thành những ốc đảo biệt lập, thậm chí điều đáng ngạc nhiên hơn cả là giờ này ở châu Á vẫn y thế!
Rời sân ga đi vào một thành phố trước kia thuộc Cộng Hòa Liên Bang Đức, hay còn gọi là Tây Đức. Nện gót trên một vỉa hè rợp ánh sáng từ các loại đèn chiếu sáng, hòa lẫn vào đám khách du lịch - lũ „tây ba lô” - bước vào những khu nhà trọ rẻ tiền, lại thấy mỗi đứa giơ ra một tờ giấy đặt chỗ từ mạng, giống như lúc người soát vé trên tàu xuất hiện, cũng nhận từ mỗi người một tờ giấy như thế. A! thời đại computer, thời đại máy tính, tất cả đều có thể giải quyết trên mạng, quên mất! điều hiển nhiên như giờ đây ta có thể thong thả đi tàu hỏa đến tất cả các nước trong khối EU, khỏi cần bàn cãi.
Ngẫm nghĩ lại vài thập kỷ trước đây, có bao giờ biết, một ngày nó sẽ đứng trên mảnh đất mà trí tưởng tưởng non nớt của tuổi ấu thơ, khi mê man đọc cuốn „Tây Bá Linh nóng bỏng” đã dệt lên bao hình ảnh ly kỳ xung quanh một cuộc chạy trốn của một gia đình ở Tây Đức sang Đông Đức. Vì chủ nghĩa phát xít, thời đó người ta viết. Khi bức tường Berlin được dựng lên, nó còn bé, nhưng vẫn nhớ lúc đó sách báo, người lớn bảo: để chống chủ nghĩa phát xít. Một nửa đời người trôi qua trong một thời đại chỉ có ý thức hệ chống phá, chọc ngoáy lẫn nhau, không có tý tư tưởng lớn lao nào dạy dỗ, hỏi làm sao hôm nay chúng ta không như những kẻ què quặt, đui mù, ngơ ngẩn?
Các loại tây ba lô túa ra phố, những mẩu phố con con trên trục phố chính, ở quốc gia nào cũng từa tựa như nhau bởi những cửa hàng điện thoại Thổ, cửa hiệu quần áo Tàu, hoặc các món ăn mang mùi vị”toàn cầu”: McDonald’s, bánh kẹp thịt nướng Thổ, quán ăn Tàu, cùng đội quân bới thùng rác và ngửa tay ăn xin không thể thiếu, nhìn họ, một ý nghĩ thoáng qua: „ dân Di gan hoặc Ru” không thể dập tắt trong đầu mỗi người. „ Toàn cầu hóa” châu Âu may sao có một điểm chung: mặc xác tất cả chúng bay, chúng bay cứ việc trình bày chúng bay, miễn đừng phạm luật.
Khư khư cuốn sách viết về thành phố này, nơi tôi định đến (mượn thư viện, mang theo từ nhà), mua tấm vé trọn ngày đi được tất cả các phương tiện giao thông công cộng, cùng tấm bản đồ phát không trong metro, tôi lần mò thơ thẩn khắp nơi trong cái thành phố cực kỳ xinh xắn, sạch sẽ, nhiều cây, có những ngôi nhà bằng gạch đỏ cổ kính, những nhà thờ trang nghiêm ẩn dịu dàng trong những khu vườn cây cỏ xanh tươi, những quảng trường đông vui, vỉa hè lát gạch, dẫn ra bờ sông thênh thang nắng gió.
Sau này nhiều người ngạc nhiên: sao mày đi du lịch một mình? Không buồn à? San sẻ nỗi niềm với ai? Đến lượt tôi ngạc nhiên : tại sao phải đi nhiều mình? Bê nguyên si cái thế giới hàng ngày chán ngấy từ xó thế gian này sang xó thế gian kia?
Đi du lịch một mình có thể ngắm hàng giờ một mảnh vườn, một ngôi nhà trông vô cùng quen thuộc, như từ những cuốn sách đã đọc hay trong một bộ phim, hay đơn giản trong một thành phố khác hình như mình đã thấy. Đi một mình và trò chuyện với những nhận xét chợt lóe ra trong đầu, kể cả lúc chỉ mình mình nơi vắng hay ở chốn đông người tấp nập. Cực kỳ bình yên. Đi một mình và nhấp nháp mùi vị, màu sắc toát lên từ cảnh vật và con người, ta chưa bao giờ nhìn thấy, dựng một hiện thực từ chỉ dẫn trong sách, xuyên qua bản đồ, biến thành một niềm vui khi nhìn thấy nó hóa xương thịt trước mắt.
Cảng hiện ra như thế đó. Theo sách và bản đồ, tôi cần đi metro ra cảng. Một cô gái có bím tóc dài vàng óng, nhảy lên như một vận động viên bóng rổ để chỉ vào một trong bốn cái bảng cao vút dưới metro chỉ lối cho tôi, cả hai khúc khích cười, vẫy tay chào nhau trước khi mỗi đứa lao về một hướng đuổi theo chuyến tàu đang tới.
Bước ra khỏi metro, gió biển ập tới xoa tóc rối, vuốt mắt căng, để miệng xuýt xoa thầm kêu lên:” Trời ơi! Biển!”. Không gì có thể so sánh với biển, nhất là khi ngồi sát gần mặt nước, chen vai sát cánh với những khuôn mặt tươi cười và hào hứng y như mình bên những bàn giải khát, và tự thưởng cho niềm cảm động một ly rượu đỏ! Toàn bộ ưu tư mệt nhọc biến mất trong gió biển lồng lộng, tôi chẳng biết mình đang ở đất nước nào nữa, chỉ thấy mình đã biến thành gió này, nắng này, những tiếng nói cười vui này, oh, cảm ơn cuộc đời, ta vẫn đang còn sống!
Rời cảng sau một hồi lâu loanh quanh, lên tàu xuống tàu, đi dọc đi ngang xuôi ngược, tôi lại vào phố, lần này đi hướng khác. Ngồi dưới chân một bức tượng thánh khá lớn cạnh nhà thờ, tôi cắm cúi xem bản đồ trong sách và bản đồ giao thông thành phố, rồi lên bus, xuống metro, lại leo lên, lại đi tiếp, ngắm nghía, chụp ảnh. Du lịch tây ba lô mà, quên sạch laptop, chữ, cùng những ảo ảnh nhớ thương, buồn khổ… do cái trí gây ra, hihihihi….
Đi qua một cửa hàng trên phố bỗng nghe thấy tiếng Việt, mắt nhìn lên: cửa hàng Azsia- châu Á. Bước vào, cạnh một büfe nho nhỏ được ăn một bát mỳ tôm” ’’theo yêu cầu” và bắt đầu mở miệng bằng tiếng mẹ đẻ chính cống. Một kinh nghiệm cho du lịch ba lô: ở đâu có tiếng Việt, sẽ không chỉ gặp món ăn VN mà còn tìm ra cả nơi ở trọ khá rẻ. Và kiểm chứng được điều này: đôi khi có những mối quan hệ cứ như từ trên trời rơi xuống.
Tôi gặp một cô gái cả hình thức bên ngoài lẫn giọng cười, cách nói năng giống hệt cô bạn thân đã mất của tôi. Hay thượng đế gửi nó xuống đây cho tôi một lần nữa? Không, cô gái này trẻ hơn, và các vấn đề của cô cũng trẻ như hiện thực, nghĩa là nóng bỏng, sát sạt từng phút giây cần giải quyết. Cô nhận đưa tôi đi chơi vài tiếng đồng hồ trước khi đi làm thuê. Sau khoản thời gian ngắn ngủi, chúng tôi thành bạn.
- Đi với chị một lúc, em hết mệt rồi đấy.
- Vì người ta vui buồn, mệt mỏi, yếu mạnh đều do tinh thần mà ra hết. Ban nãy em có vẻ buồn và căng thẳng.
- Vâng, lần đầu tiên em nghe thấy những điều như chị vừa nói với em, lần đầu tiên trong đời đấy, và rất đúng, không hiểu sao em tin ngay, cứ như chị biết trước những vấn đề của em ấy.
Cô gái này, như nhiều người cùng cảnh ngộ, đều thuộc diện được lĩnh tiền „xã hội”, tuy ít ỏi sau khi ra khỏi trại tỵ nạn. Và cũng giống họ, cô bắt buộc phải đi làm ”chui” để đủ chi tiêu cho cuộc sống của cô và một đứa con gái. Hàng tháng cô phải trả một khoản cho một người đàn ông nhận làm „bố” con gái cô, vì ông bố „thật” đã bị trục xuất về nước. Bởi vậy cô cần kết hôn, với một người đàn ông bản xứ, để đầy đủ giấy tờ và để đầy đủ nhiều điều kiện khác nữa cho một cuộc sống hợp pháp.
Chỉ vài ngày ở thành phố này và tình cờ nghe chuyện, nói chuyện với mấy người Việt khác cũng tình cờ, tôi mới biết khái niệm”kết hôn” và một „đàn ông bản xứ” là những khái niệm cấp bách và „chẳng của riêng ai” ở đây. Trong khi đó, ở một quốc gia khác, như Hungary chẳng hạn, không có chế độ tỵ nạn, không có chính sách xã hội lĩnh tiền trợ cấp như ở Đức, người Việt ở đó lại có những vấn đề khác hẳn.
Nhưng du lịch kiểu”tây ba lô” không đủ thời gian cho thảng thốt, hoặc cho bất cứ trạng thái tình cảm nào, tôi lên đường chu du tiếp, bỏ lại sau lưng những nơi đã đi qua và những vấn đề (chưa, hoặc chẳng bao giờ) giải quyết hết của những mẩu đời người cụ thể…
Và chỉ trở về nhà khi tháng bảy ngót dần…
Đợi lúc nào đó hoàn hồn, tôi sẽ gõ phím viết tiếp, những kỷ niệm du lịch ba lô…
2012-07-29