1.
Tôi có một thói quen đến Chủ Nhật thường hay ra ngoài ngã tư phố ngồi nói chuyện với bà Liển. Người bán bánh mì theo chỗ tôi biết đã đến ở nơi đây ít nhất cũng trên hai chục năm nghĩa là hồi mới năm mươi tuổi.
Vừa nói chuyện với bà Liễn – ở ngã tư nầy ai cũng hay gọi bà theo nghề bà đang làm bà "Bánh mì" - tôi vừa nhẩn nha ăn ổ bánh mì nóng giòn, béo, thơm thật thú vị. Với tôi chuyện ở cơ quan, chuyện ở tổ dân phố hay chuyện ở quán cà phê chẳng thấm tháp gì so với những chuyện nghe được ở đây do chính bà “Bánh mì” cung cấp.
“Cậu” bà gọi tôi bằng cậu không biết do tôi có lần nói tôi đã trên năm lăm tuổi tức là kém bà gần hai chục tuổi hay do trong con mắt của bà tôi tuy già, tóc đã bắt đầu chuyển từ màu đen toàn phần sang có nhiều sợi màu trắng cũng chưa là gì cả so với nhiều người cùng tuổi nên kêu cậu cho dễ nghe.
“Cậu biết bà Cả tổ 2 không?”.
“Bà đeo mắt kiếng dày mấy diop?”.
“Ờ đúng đó!”.
Tôi hỏi:
“Có gì quan trọng?”.
Bà “Bánh mì” đáp:
“Tuỳ cậu muốn nghĩ kiểu gì cũng được!”.
“Tức là...”.
Tôi đang định nói... lại nghĩ có nên nói hết câu không nên dừng lại.
Bà “Bánh mì” hiểu theo ý khác:
“Cậu biết hết rồi chứ gi?. Nếu thế thì thôi...”.
Xong bà chúi đầu vào xe bánh mì thao tác các công đoạn xẻ bánh, bỏ thịt, chả, dăm bông, bơ, rau, dưa leo... và cuối cùng chan mấy muỗng canh nước có màu vàng óng vào ổ bánh mì... Rồi lấy một miếng giấy báo đã cắt xén tư vuông kẹp ổ bánh mì đưa cho khách. Từng ấy công đoạn bà làm hoài nay thành quán tính và nhanh gọn không chê vào đâu được. Ế, đắt cũng chừng nấy việc không bao giờ bỏ sót một khâu nào. Khách hàng của bà đủ hạng người nhưng ai cũng sành ăn bánh mì nên không biết có đúng không theo tôi, ai đi đâu ở đâu muốn ăn bánh mì ngon phải ghé lại ngã tư nầy!. Ấy là suy bụng ta ra bụng người!.
Buổi sáng mới đó mà đã trên chín giờ rồi. Cơn mưa đổ xuống do ảnh hưởng cơn bão số 2 nghe đâu còn cách bờ biển Vũng Tàu trăm mấy chục cây số, không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ đủ làm cho con đường ngập nước nếu mưa kéo dài đôi tiếng đồng hồ. Bầu trời thành phố mà không ở tổ dân phố nầy sẩm tối. Mưa thôi không hề gì vì cái xe bánh mì của bà “Bánh mì” được che chái khá rộng chỉ sợ gió, gió mà thổi mạnh một chút sẽ tạt nước mưa vào tận mấy chiếc bàn ghế nhựa cũ kỷ dùng làm nơi khách ngồi ăn bánh uống nước chè xanh nói lai rai đủ thứ chuyện!.
Ngơi tay bán một lát bà “Bánh mì” quay lại hỏi:
“Cậu còn ngồi?”.
Tôi nói:
“Hôm nay Chủ Nhật”.
“Lẹ quá mới thứ Hai đó mà hết tuần rồi!”. Bà “Bánh mì” nói.
“Dạ!”.
Tôi chỉ “dạ!”. Bà “Bánh mì” hỏi tiếp:
“Cậu biết bà Cả?”.
“Bà đeo kiếng dày cả chục diop phải không?”. Tôi nghĩ người có tuổi rồi hay lặp đi lặp lại một câu đã nói!.
“Đúng bà “đeo kiếng”. Bà nói.
Đến nước nầy tôi phải hỏi cho ra chuyện chứ nói kiểu úp úp mở mở nghe bất mệt.
Tôi hỏi:
“Có liên quan gì tới Chủ Nhật?”.
Một chiếc xe màu đen bốn chỗ ngồi lên nước bóng loáng bên trong có ba người: người ngồi chỗ vô lăng lái xe, người ngồi ghế bên phải ôm con chó Nhật với một đứa trẻ lên sáu lên bảy gì đó. Xe chạy đến ngã tư dừng lại. Người ngồi ghế bên phải là phụ nữ để đứa con nít ngồi trên ghế, mở cánh cửa xe dắt con chó Nhật đi theo vào cửa hàng tạp hoá đối diện ngã tư bà “Bánh mì”. Một lát sau người phụ nữ dắt con chó, còn cô con gái chắc là người phụ bán hàng ở cửa hàng, mang xách lỉnh kỉnh các thứ hàng hoá để trong các thùng kết mì tôm đưa lên xe cho người đàn ông qua cửa kính xe mở lửng... Họ làm như thể từng quen biết nhau, chụm đầu nói điều gì đó mà vui lắm vì chỉ có chuyện vui mới nói cười thoả thích như vậy được.
Tôi thấy bà “Bánh mì” chăm chú nhìn chiếc xe và cả mấy người đi xuống và trở lại lên xe thật gọn gàng như làm đúng lập trình cài sẵn.
Trên xe nãy giờ người ngồi chỗ vô lăng nghe nhạc. Bài hát đang nghe là bài nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...”.
Người phụ nữ lên xe xong, xe chạy vù lên phía trước.
Bà “Bánh mì” nói:
“Con trai, con dâu và cháu nội bà “đeo kiếng” đó!”.
“À!”.
Tôi cũng chỉ “à!” chứ chưa biết ất giáp gì!.
Lúc này bà “Bánh mì” có vẻ hơi nóng tính nói quạu:
“Mệt cậu quá!. Cái gì cùng à!”.
“Dạ thì bà nói đi!”.
*
Lấy từ trong cái thoạ xe bánh mì ra một tờ báo cũ nhưng được xếp gấp tư trông sạch sẽ, bà “Bánh mì” bước tới chỗ tôi ngồi nói như lệnh:
“Cậu xem xong trả lại cho “chị” sẽ biết!”.
Có điều gì ở cái tổ dân phố heo hút ở ngoại thành nầy mà lên báo. Tôi vừa cầm tờ báo vừa nói trong bụng như thế!.
Tôi xin chép lại nguyên xi bài báo: "Mẹ và con
Cạnh nhà tôi có đám tang. Người quá cố là cụ bà gần 80 tuổi. Cụ ông mất đã ba mươi năm. Con thì đông nhưng hiếm khi thấy chúng về thăm hỏi mẹ, đổi lại bổn phận chăm sóc mẹ bằng cách thuê người giúp việc thay mình lo chuyện cơm nước, hoặc khi mẹ ốm đau.
Có lần cụ bà ốm nặng, người giúp việc chạy đôn chạy đáo nhắn tin, gọi điện lên Sài Gòn, rồi chỉ thấy mỗi thằng út lái xe bốn bánh sang trọng về thăm với lủ khủ bánh mứt, trái cây, sữa ngoại nhập. Nó nói mấy người kia bận chuyện kinh doanh nên không về chỉ gửi khá nhiều tiền, quà cho mẹ với lời nhắn “mẹ thông cảm chúng con bận quá, mẹ có thèm gì thì ăn nấy, đừng tiếc tiền”. Cụ buồn lắm. Gần đất xa trời như cụ thì có ham muốn ăn uống gì nữa đâu, chỉ mong gặp mặt con cháu nhiều hơn giữa không gian luôn quạnh quẽ đến nao lòng.
Nhiều lúc rảnh rỗi, cụ chống gậy sang nhà hàng xóm tâm sự. Cụ nói sợ nhất là lúc đêm về, nỗi cô đơn trống vắng tình thương gia đình làm cụ không sao ngủ được. Vậy là thức trắng để nhớ con nhớ cháu, nhớ cái thuở hàn vi nhưng hạnh phúc, bởi mỗi ngày bên mâm cơm đạm bạc luôn có đủ mặt các thành viên trong gia đình. Giờ đây tám đứa con đều thành đạt, có địa vị xã hội từ sự tảo tần, gian khổ của đôi vợ chồng quê chân chất một chữ bẻ đôi không biết nhưng luôn chăm sóc, lo toan, chở che nâng niu lũ con mình. Lạy trời. Đứa nào cũng học giỏi, đứa là bác sĩ, đứa kỹ sư, giám đốc... đủ cả. Vậy mà giờ đây cụ cô đơn trong căn nhà 3 tầng sang trọng to nhất khu phố này. Nhà cao và rộng, các con xây để về tụ họp khi đến kỳ giỗ ba chúng. Mỗi năm cụ chỉ có được một ngày hạnh phúc vì gặp đầy đủ con cháu, hôm sau thì vắng tanh, chỉ còn cụ và người giúp việc. Đến tết chúng cũng ít khi có mặt đầy đủ vì phải đi ngoại giao chúc tết, tiếp khách lu bù. Đêm giao thừa nào cụ cũng khóc và thức đến sáng.
Đám tang cụ khá linh đình, nhạc tây nhạc ta inh ỏi nối tiếp nhau sau các đợt tụng kinh siêu thoát. Xe du lịch của bạn bè lũ con đậu kín con đường to rộng. Bàn nhậu này tiếp theo bàn nhậu khác rôm rả. Các con còn mướn cả đoàn nhạc và xiếc từ Sài Gòn về phục vụ suốt đêm. Nghe đâu cái quan tài cho cụ trị giá gần trăm triệu đồng. Chúng còn mua đất tốt trong nghĩa trang tư nhân cao cấp hàng chục triệu đồng để mẹ an nghỉ.
Nhưng tuyệt nhiên không thấy một giọt nước mắt nào. Có lẽ những người con báo hiếu ấy đã thấy lòng nhẹ nhõm vì từ nay không sợ người đời cho là bất hiếu nữa, từ nay khỏi phải điện thoại thăm nom, hoặc phải phóng xe hàng trăm cây số về thăm khi mẹ trái gió trở trời.
Riêng tôi cứ thấy ngậm ngùi thương bà cụ.".
Câu cuối cùng là cảm nghĩ của tác giả bài báo Tô Phục Sinh.(*)
*
Chủ Nhật...
Ra tới ngã tư đứng buổi lâu chẳng thấy bà “Bánh mì” tới mở xe, dọn quán như thường lệ, tôi lơ ngơ... Có một ông hình như gặp ở đây nhiều lần rồi tuổi có thể cao hơn bà “Bánh mì” đâu năm, sáu tuổi, được cái trông bộ dạng còn linh hoạt, da đỏ hây hây, mặt đầy dặn, nhất là có bộ râu bạc phơ hệt râu ông bụt trong chuyện cổ tích hồi tôi còn con nít được bà ngoại hay kể đến thuộc lòng.
Ông bước nhanh tới nơi tôi đứng hỏi:
“Anh đợi ai?”.
Tôi hơi bối rối, lí nhí trả lời:
“Dạ thưa ... Tôi chờ bà “Bánh mì”!.
“Tôi cũng chờ hồi nãy giờ mà đứng bên cửa hàng tạp hoá cô Mai bên kia!”.
“Ông mua bánh mì?”. Tôi hỏi lại.
“Vâng! Mua cho thằng cháu nội. Nó ghiền bà...”.
Ông râu bạc phơ bỏ dỡ câu nói khi có ai đó chạy xe ghé vào báo tin bà “Bánh mì” đi cấp cứu hồi mờ mờ sáng rồi!.
Ông râu bạc phơ hỏi liền:
“Tại sao?. Ở bệnh viện nào?.”.
Ông hỏi y chang bà là gì thân cận với ổng khiến anh thanh niên người biết chuyện không kịp trả lời.
Nghe tin bà “Bánh mì” bị đột quỵ trên đường khi đứa cháu kêu bằng cô ruột chở bà từ nhà cách đây bảy cây số đến ngã tư bán bánh mì sáng nay, ai cũng xao lòng!.
Tôi cùng ông râu bạc phơ băng bộ đến bệnh viện quận Tâm Bình, hỏi thăm nhiều người cuối cùng tìm được nơi bà “Bánh mì” nằm. Thấy người quen bà muốn chồm ngồi dậy nhưng cô điều dưỡng khoát tay chặn lại:
“Chưa được bà ơi!. Ráng ít nhất cũng tới chiều họa may...”.
Điều này sau tôi mới biết khi ấy bà đang ở tình trạng nguy cấp!. Sự biến đổi từ trạng thái nửa tỉnh nửa mê sang mê hoàn toàn là có khả năng xảy ra.
Cô điều dưỡng nói:
“Hên quá thêm một người nhà bệnh nhân đến!. Ông và anh đứng đây nghe đợi anh gì kêu bà bằng cô đi nộp tiền ứng viện phí quay trở lại mới đi đâu thì đi!. Bà đang cần có ít nhất một người ở bên cạnh. Có gì gọi ngay bác sĩ ở phòng trực kế bên!.”. Cô điều dưỡng nói một hồi giống như sợ nghỉ nói tôi và ông râu bạc phơ bỏ chạy. Mà thiệt như thế!. Ông Lân (Lân là tên ông râu bạc phơ, tôi biết được do cô điều dưỡng hỏi xong ghi vào tờ giấy chắc là bệnh án...) và tôi ngồi xuống hai chiếc ghế nhựa đặt cạnh gường bệnh nhân một lát anh ở nuôi một bệnh nhân cùng phòng cấp cứu nầy nói như kể chuyện: “Ở đây họ hay nói kiểu như thế vì nhiều khi mới nói nửa chừng một số người không thèm nghe nửa bỏ đi luôn và không quay trở lại nữa... cô điều dưởng phải ở trực người bệnh!”.
“Hai ông thông cảm!”. Anh nói một câu như cô điều dưỡng là người quen của ảnh.
Ông Lân và tôi cười tươi... bà “Bánh mì” cũng cười tươi!.
Đâu gần trưa anh kêu bà “Bánh mì” bằng cô mới ghé lại bệnh viện. Anh xách một xách trái cam tươi, một xách khác là mùng mền, khăn lược... Bước vào phòng anh kêu bà “Bánh mì” bằng cô gật đầu chào ông Lân và tôi một cách hết sức trân trọng và nói:
“Cảm ơn! Cảm ơn! Hai ông đến với cô năm Liễn.”.
Anh vừa nói chuyện vừa sửa soạn lại tấm ra, lấy tấm chăn mới đem vào giũ giũ rồi đắp lên ngang tới ngực cho cô. Theo anh từ sáng sớm đến giờ để có tiền nộp tiến tạm ứng bệnh viện phí anh đã chạy về nhà chở đứa con gái đầu đang học Đại học Bách khoa xuống ngã tư nhận bánh mì do mối thường ngày đến bỏ, bán bánh mì cho hết hàng trăm ngàn đồng, tiền nào là thịt heo xíu, chả, nghĩa là các món gia vị trong mỗi ổ bánh mì mà hằng ngày bà năm Liễu thường bán.
Được cái nghe tin bà năm Liễn ngã bệnh đột ngột không đến đây bán được, ai cũng thương bà và mua bánh mì. Anh nói mấy bữa cổ bán cả ngày nay con gái và tôi bán chỉ bán có non buổi. Có người mua bánh mì nói thôi chú làm đơn giản cũng được – Ý nói không cần bán đàng hoàng như bà năm Liễn cũng được – Mua giùm cho bà mà!. Rất nhiều bạn hàng lấy bánh mì xong không nhận tiền thối, có người còn gởi thêm năm chục, một trăm nữa... Nghe anh cháu bà năm Liễn kể ông Lân vui lắm, ông nói:
“Có cần ai vận động đâu? Cái gì hợp lòng người đúng đạo lý sẽ được tất!”.
Ngồi với bà năm Liễn sáng đến giờ cả ông Lân và tôi quên bẵng là ai cũng chưa điểm tâm buổi sáng thế mà chẳng thấy đói khát là gì. Đúng y như ông bà ta thường nói có chuyện lo ngày ngạy bụng dạ đã lo ngày ngạy nên còn chỗ nào cho cái đói khát len vào... Thấy bà năm Liễn tạm ổn tôi nói với cháu kêu bà năm Liễn bằng cô:
“Giờ anh ở với bà nghe! Có gì điện số... cho tôi hay!”.
Ông Lận gật đầu đồng ý xong lại sát bên bà năm Liễn nói:
“Ổn rồi bà ở đây năm ba bữa về nhớ lên ngã tư bán bánh mì nghe!”.
Bà năm Liễn cười cười, kiểu cười như vậy biết bà có ý nói không biết có đi lại được không mà bán mua. Đó là tôi suy ra thôi chứ chưa chắc bà nghĩ vậy, mà tôi đoán qua trận đau nầy nếu có muốn cũng khó đi lại như trước nữa được rồi. May mà bây giờ thuốc men đầy đủ kịp thời nên tai biến được điều trị có hiệu quả. Đó là nói người còn trẻ trung kia sức đề kháng còn nhiều, họ có thể tập phục hồi chức năng năm bảy tháng, một năm sau đó sẽ bình thường ví như trường hợp cô An giáo viện dạy trường Trung học cơ sở phường Nhân Nghĩa. Trường hợp bà năm Liễn gay go hơn. Thoát được cái chết mà sống sao đây?. Khi bà có cháu kêu bằng cô mà trông anh ta cũng chẳng khá giả gì?. Con cái thì không có. Số phận... có lần bà năm Liễn kể với ông Lân bà có chồng mà không con sau ông chồng mất bà ở vậy đến tuổi xế già, hơn hai chục năm rồi ở với cháu...
Ông Lân khi nãy nói với tôi như vậy. Giờ ông nói chắc là để động viên cho bà yên lòng dưỡng bệnh!.
Anh cháu bà năm Liễn tiễn tôi và ông Lân đi một đoạn rồi chào xin phép vô với cô.
Bệnh viện đông người thăm khám bệnh, đã 11 giờ rồi mà các phòng khám vẫn
chưa ngơi bớt người.
Một người bán báo dạo trong bệnh viện cầm tờ báo hươ hươ và nói:
“Bò tót húc chết bà già!!!”.
“Lại thêm một chuyện gì đây!”. Tôi nghĩ bụng rồi mua một tờ.
“Cảm thương cụ bà sống neo đơn bị bò tót húc chết
Ở tuổi 85, nhà nghèo, trong lúc đang băng qua đường chuẩn bị đi ăn sáng thì bị bò húc chết.
Đó là bà cụ Thêm, trú tại tổ... phường... , thị xã... Theo lời kể của cháu gọi bà Thêm bằng O ruột, đêm ... ngày... bà Thêm ở lại ngủ, đến sáng nay thì nói đi về nhà.
Thế mà trong cả buổi sáng, mọi người không thấy bà về nên đi tìm nhưng không gặp, đến chiều, người cháu mới phát hiện bà nằm bên hàng rào, cách con đường nhỏ khoảng năm mét, áo quần rách tơi tã, kiến bu khắp người, máu chảy nhiều, ở má bên trái bị rách một lỗ, xung quanh hiện trường có nhiều dấu chân bò.
Còn theo lời kể của chị trú cùng phường thì cách đây khoảng bốn, năm ngày, có thấy một con bò to lớn, giống đực, trên lưng có u to, lông màu vàng và rất dữ. Sau này xem lại ảnh trên báo chí mới biết đó là bò tót.
Con út của cụ khi nghe tin cụ mất đã tức tốc gom áo quần về nhà lo đám tang cho cụ nói: “Cả nhà có mình tôi là con trai suốt đời lam lũ với ruộng đồng, kể từ ngày ba tôi qua đời, bà sống với tôi, nhưng được thời gian bà về lại quê để sống, suốt cuộc đời lầm lũi nuôi con, nhưng vì mưu sinh các con đều xa mẹ, đến khi chết mới có dịp trở về, nhưng về thì mẹ đã ra đi”.
Tổ trưởng tổ dân phố nơi bà Thêm sinh sống cho biết, nhà bà rất nghèo, khi còn trẻ bà đã phải vất vả nuôi 3 đứa con, nhưng lớn lên mỗi đứa ở mỗi ngã, cả 3 đứa đều ở xa cụ, cuối cùng bà chọn cách sống một mình ở khu cồn này.
Ngay sau sự vụ xảy ra, gia đình đã báo với các lực lượng chức năng để điều tra làm rõ.".(**)
Ông Lân nói :
“Họa vô đơn chí”
2.
Bà “đeo kiếng” nói với bà năm Liễn:
“Bà vậy còn có phúc lớn!. Chứ như bà Thêm... báo đăng, đài nói mấy bữa nay thiệt tội!”.
Từ hôm ra viện đến nay hết người nầy tới người kia thăm viếng, bà năm Liễn cảm nhận ra bao điều mà lúc trước thường ngày bà hay hiểu nhầm... Như bà
“đeo kiếng” đây chẳng hạn.
Mỗi lần thấy chiếc xe màu đen bóng loáng bấm còi chạy ngang qua ngã tư bà năm Liễn cứ tưởng... bà “đeo kiếng” có phần số lớn, được hưởng cảnh cao sang giàu có, thừa mứa vật chất, thoả thê tinh thần. Đàng nầy chính miệng bà “đeo kiếng” nói mới tin chớ nghe qua ai đó nhứt định sẽ nghĩ “Thấy thiện hạ sung sướng ghen tức!”.
Anh con trai người bà năm Liễn gọi là người ngồi ghế vô lăng xe, ăn học đàng hoàng bằng cấp hẵng hoi, chức cao phận quý, ở cơ quan anh luôn luôn là xếp đầy trách nhiệm, năng động, nói đi đôi với làm. Nhất là lúc đăng đàn phát biểu thì nào là... phải như thế nầy, phải như thế kia... mới trở thành con người tốt, mới đem hết tài năng ra phục vụ... Đôi khi anh vui lại nói đến chuyện gia đình, dòng tộc, cộng đồng. Tất cả những lời anh nói thành khuôn vàng thước ngọc để mọi người làm theo.
Bà “đeo kiếng” đến thăm bà năm Liễn khen cháu bà vậy mà lo cho cô quá đầy đủ không phải ai cũng làm được như thế đâu?. Chuyện bà đi bán bánh mì có khi có người bảo tội, giờ chính bà nói “hắn đâu cho” mà tôi “đi như vậy mới thấy khoẻ và vui!”. Có hồi thử ở nhà mấy bữa thấy khó chịu, chân tay rã rời và nhớ cái ngã tư phố quá!.
“Nhưng giờ thôi nghe!”. Bà “đeo kiếng” nói.
Bà năm Liễn buồn buồn, trên khoé mắt hình như ươn ướt, chực khóc.
“Đành chịu thôi!. Mong sao hai tay hai chân cụ cựa, tự lo được một số việc cá nhân là mừng rồi!”. Bà năm Liễn tâm sự.
“Ừ! Cầu Phật cho bà được như vậy tôi mừng!”.
Bà “đeo kiếng” than thở:
“Tôi nói mà có ai nghe đâu!. Cái nhà cũ tự tay ông nhà tôi xây cất mới ở hai mươi mấy năm đà suy suyễn gì thế mà mấy thằng con trai tôi phá đi, ngôi nhà hai tầng bà thấy đó tôi chỉ ở một góc, còn lại già cả hơi sức đâu lên lầu lên gác!. Chủ yếu cho mèo và chuột nó làm sân giỡn chơi!. Nhiều khi bực bội!.”.
Bà “đeo kiếng” nói một hơi như sợ ai giành!.
Anh cháu kêu bà năm Liễn bằng cô, đi làm về mang theo lỉnh kỉnh đồ, vợ anh nhanh nhẹn ra xe mang vào nhà.
Anh nói:
“Em lấy ngay tô cháo vịt ở cà mèn lên cho cô ăn lót dạ trước khi ăn tối nghe!”.
“Dạ!”.
Thời giờ qua đi nhanh thật... bà “đeo kiếng” nói thầm.
Đã bốn giờ chiều rồi, đứng dậy bước ra cửa phòng bà “đeo kiếng” còn nói với vào:
“Mai mốt nói cháu bà chở tới ở chơi với tôi mấy bữa cho vui nghe!.”.
Nói xong mới sực nhớ làm gì được bà năm Liễn còn đi lại bằng xe lăn mà!.
*
Ông Lân mạnh khoẻ là thế mà mất rồi!. Tôi báo tin nầy cho bà năm Liễn, bà “đeo kiếng” và các ông già bà cả trong khu phố trong tâm trạng rối bời...
Ai nấy hay tin cũng bần thần rồi nói: "Tôi đến nhà ổng ngay!".
Một đời khi trai trẻ bôn ba hết buôn tới bán về sau lập công ty làm ăn nên nổi ông Lân có tâm có tình với dòng tộc, gia đình, quê hương. Ngôi trường Tiểu học ở quê cũ hàng tỷ đồng là công trình không chỉ của riêng ông mà có sự đóng góp rất nhiệt tình của gia đình ba người con trai và cô con gái.
Hôm tôi ghé nhà thăm chơi ông chiếu đĩa CD lễ khánh thành ngôi trường. Phải nói không phải có tiền có của thiên hạ trọng đâu chỉ khi nào đồng tiền được đặt đúng vị trí với cả tâm tình trong sáng mới tôn vinh người làm ra và xử dụng nó!.
Đám tang ông Lân được cử hành trang trọng ấm cúng và rất tiết kiệm. Tiền phúng điếu, hiếu để... được chuyển thành một trương mục ở ngân hàng, tiền lãi hằng năm làng Nhân Tâm - nơi ông Lân chôn nhau cắt rốn - nhận làm quỹ Khuyến học, hỗ trợ học sinh, sinh viên học hành...
Hôm đưa tiễn ông Lân... Người già ai nấy cũng buồn buồn...
- (*): Theo TNO
- (**): Theo GD-TĐ (Tên người đã được thay đổi)