Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.158.529
 
Về người đầu tiên chụp ảnh cầu Thê Húc-đền Ngọc Sơn
Đỗ Thế Cường

 

Và vài nét về quần thể danh-thắng hồ Hoàn Kiếm

 

 

Đây là tấm ảnh chụp cầu Thê Húc-đền Ngọc Sơn-trong bộ sưu tập ảnh Bắc Bộ 1884-1885 của

 

 

bác sĩ  Charles Édouard Hocquard.

 

Ông Hocquard là bác sĩ nhãn khoa sinh ngày 15-1-1853 tại Meurthe et Moselle Pháp, ngày 15-2-1884 ông có mặt ở vịnh Bắc bộ trong đoàn quân viễn chinh Pháp, bổ xung cho mặt trận sau khi thành Hà Nội đã bị thất thủ lần thứ hai hơn 2 năm (25 tháng 4 năm 1882). Thời gian trước đó khi còn làm việc tại bệnh viện mắt nhà binh ở Lyon, ông được bác sĩ trưởng khoa Gayer phân công chuyên làm ảnh truyền thông các bệnh lý về mắt, do tính chất công việc đã làm ông đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh từ lúc nào, ông cũng không nhớ. Khi gia nhập đội quân viễn chinh Pháp sang Đông Dương, với nhiệm vụ làm bác sĩ lưu động trong quân đoàn lục quân của tướng Millot, ông đem theo đầy đủ dụng cụ chụp, rửa ảnh gồm máy chụp, buồng tối, đèn, chân máy, hóa chất hãm, rửa ảnh…như dụng cụ chiến tranh cần có của một người lính bộ binh. Theo suốt cuộc chiến 1884-1885 tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, ngoài những cảnh chụp hoạt động của đội quân viễn chinh ông còn để lại hơn 400 bức ảnh về sinh hoạt dân gian, cảnh quan làng quê cũng như phố thị tại Bắc bộ… ở những nơi mà ông đã đi qua, giống như một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường, hơn là trong vai trò của một thầy thuốc lưu động thuộc binh đoàn quân viễn chinh Pháp. Tất cả những bức ảnh chụp trong 2 năm tại miền bắc Việt Nam thời đó đã được ông đem triển lãm tại Triển lãm ảnh quốc tế ở Anvers Bỉ năm 1885. Nhiều ảnh đình, chùa, thành cổ, quang cảnh phố xá cùng cảnh đổ nát của chiến tranh…ông đều chụp từ máy đặt trên chạc 3 chân và trước khi bấm máy lại chùm trên đầu bằng một tấm vải đen rộng nếu cảnh thiếu sáng, thì ông rọi bằng đèn lanterne kiểu cổ. Các loại “đồ nghề” ông phải thuê người lao công hoặc trẻ con bản xứ khuân vác đi theo đoàn quân vì thời đó dụng cụ để phục vụ cho việc chụp và rửa ảnh là khá cồng kềnh, trẻ con Việt thời đó gọi ông là “quan ké đèn”(mandarin lanterne) và họ tưởng đó như những dụng cụ chiến tranh của người Pháp.  Những tấm ảnh ông để lại thường có cỡ 69x117 hoặc 205x259 lớn nhất là 200x308 mm; thực hiện qua quá trình phóng ảnh. Ảnh ông chụp thời gian này đều sử dụng hỗn hợp hiện ảnh từ gélatine d’argent, cùng với thời gian những bức ảnh đó vẫn còn giữ được chất lượng rất cao nhờ tay nghề khá thành thạo của ông. Hiện nay,tại trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp, hồ sơ ảnh để lại của ông được coi như một tài liệu nhiếp ảnh vô giá về lịch sử, không những phản ánh trung thực một thời thực dân của nước Pháp mà còn của chính người Việt chúng ta, đặc biệt là chùm ảnh các sự kiện trong “trente mois au Tonkin” và “Campagne du Tonkin” có thể nói không ngoa rằng:-Đó là những hình ảnh độc nhất vô nhị của một thời loạn lạc nhưng cũng không kém phần thi vị từ một góc nhìn nào đó của lịch sử dân tộc…

 

 

Cổng thành Nam định bị pháo kích

 

 

Công sự đất của quân Cờ đen dọc Sông Hồng

 

(  ảnh chụp của bác sĩ  Charles Édouard Hocquard)

 

Trên cơ sở dữ liệu ảnh còn lưu trữ của Pháp thời đầu xâm chiếm Bắc bộ và qua hồ sơ ảnh của bác sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Hocquard, tấm ảnh chụp cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn ở trên ra đời vào giai đoạn 1884-1885 là tấm ảnh cầu Thê Húc đầu tiên được chụp hình và tác giả đầu tiên chụp bức ảnh đó chính là bác sĩ Charles Édouard Hocquard. Nhìn tấm ảnh chụp cây cầu hoang sơ như một sự tạm bợ không xứng với cảnh quan cũng như vẻ đẹp của ngôi đền, một câu hỏi được đặt ra là:-Đây có phải là cây cầu nguyên thủy sau khi đã được văn thần Nguyễn Văn Siêu đứng ra khởi xướng việc xây dựng từ 19 năm trước ngày quân Pháp xâm lăng Hà Nội lần thứ hai cũng như ngày có bức ảnh đầu tiên do bác sĩ Hocquard chụp hay không? Nếu không phải thì do đâu và kẻ nào đã tàn phá nó?Lịch Sử đã ghi lại việc cây cầu được xây dựng vào năm 1865 gồm 15 nhịp,32 chân trụ tròn bằng gỗ xếp thành 16 cặp. Trên cầu lát ván gỗ và sơn màu đỏ sẫm,chữ được thiếp vàng.Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn,còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được Trăng) nằm ẩn mình dưới bóng những cây đa cổ thụ ở cả trên bờ hồ cũng như phía cổng đền làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ và linh thiêng của cả quần thể kiến trúc tâm linh này…

 

 

Ảnh chụp cầu Thê Húc ngày nay sau 145 năm ngày Văn thần Nguyễn Văn Siêu khởi xướng xây dựng

Tên của cầu có nghĩa là "Nơi hội tụ ánh sáng Mặt Trời buổi sáng" (棲旭).

 

Nói về cầu Thê Húc mà không nhắc đến cả quần thể đền Ngọc Sơn là một thiếu sót lớn với lịch sử, khoảng một ngàn năm trước, ngôi đền cổ thuộc di tích này có tên gọi là đền Ngọc Tượng bên trong thờ Phật, ngôi đền nằm trên một cồn cát hoang sơ của khúc sông Nhị Hà (sông Hồng) uốn lượn chảy sâu vào phía nội thành Hà Nội ngày nay và có từ những năm đầu thời nhà Lý. Sang đời Trần vẫn trên cồn cát ấy ngôi đền được trùng tu và mở rộng thêm để thờ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống giặc Nguyên-Mông. Sau này trải qua nhiều biến cố binh lửa, đền bị đổ nát. Mãi đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739) chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và cho đắp hai quả núi đất ở trên bờ hồ phía Đông (đối diện với đền Ngọc Sơn bây giờ) gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội làm nơi vui chơi, tiêu khiển. Năm 1786 cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống đốt. Sau những năm loạn lạc triền miên cũng như chống lại sự xâm lăng của triều đình mãn Thanh, những kẻ sĩ đất Bắc lại tìm về nền đất bị tàn phá ấy để xây dựng lại những lâu đài văn hóa giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến...Giữa năm 1841 một thương nhân tên là Tín Trai đã dựng một ngôi đền nhỏ trên nền cung Khánh Thụy cũ để thờ Quan thánh đế quân (tức Quan Công đời nhà Hán bên Tàu) về sau thêm ban thờ ở hậu cung thờ Đức Thánh Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (vị tổng chỉ huy cuộc chiến 3 lần chống giặc Nguyên-Mông thế kỷ thứ 13). Năm 1842 trong đền có thêm ban thờ Văn Xương đế quân vị thần chủ trì về văn chương-khoa cử,sau đó còn có thêm ban thờ Lã Tể (tức Lã Đồng Tâm) vị tiên ông có tài chế thuốc chữa được bách bệnh.Năm 1843 khi đã hoàn thành sau mấy năm xây dựng kể từ ngày Tín Trai khởi xướng đền mới chính thức có tên gọi là Ngọc Sơn cho đến ngày nay,tuy rằng thời điểm đó quần thể ngôi đền vẫn chưa được hoàn chỉnh như bây giờ.Về kiến trúc, đền Ngọc Sơn là một dãy nhà hình chữ Tam gồm tòa tiền bái, tòa chính điện và hậu cung. Tòa tiền bái thờ Quan Công,tòa chính điện thờ Văn Xương đế quân và Tiên ông Lã Tể, tòa hậu cung thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà,điều này đã thể hiện rõ quan niệm về tam giáo đồng nguyên của người Việt là có từ rất lâu đời.Đúng 22 năm sau (1865) Văn thần Nguyễn Văn Siêu-hiệu là Phương Đình đứng ra vận động xây dựng và tu bổ đền Ngọc Sơn thành một biểu tượng văn hóa của kẻ sĩ Bắc Hà với một công trình liên hoàn bao gồm:-đền Ngọc Sơn-cầu Thê Húc-tháp Bút- đài Nghiên còn lại mãi cho đến tận ngày nay,tâm niệm của Nguyễn Văn Siêu về cây cầu Thê Húc “nơi hội tụ của ánh sáng mặt trời” cũng như tháp Bút - đài Nghiên với câu đối cổ:

 

Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn - Kình thiên bút thế thạch phong cao.Tạm dịch nghĩa:Ánh đảo, nước hồ đầy mực ngấn - Vút trời, tháp đá bút vươn cao vẫn còn nguyên giá trị vĩnh hằng bởi vẻ đẹp độc đáo cũng như tính biểu tượng muôn đời của trí tuệ trong mỗi con người Việt Nam qua mọi thời,xưa kia cũng như mãi mãi về sau …

 

Cây cầu đã trải qua hai lần sửa chữa lớn, kể từ khi hoàn thành năm 1865 thuộc triều vua Tự Đức. Lần thứ nhất là vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ hai là năm 1953 sau khi một nhịp cầu bị gãy vào đêm Giao thừa Tết Quí Tỵ vì khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông, trụ cầu làm bằng gỗ lâu ngày ngâm dưới nước dù được tẩm chất chống ngấm truyền thống cũng khó mà tồn tại mãi với thời tiết khá là khắc nghiệt, vì vậy toàn bộ trụ cầu và móng cầu đã được đúc lại bằng bê tông nhưng ván lát sàn và hệ thống lan can vẫn được làm bằng gỗ sơn màu đỏ như ta thấy ngày nay. Sau năm 1954 cách vài năm cầu lại được tu bổ, chủ yếu là sơn lại hoặc gia cố ở một vài vị trí,việc xây dựng gọi là lớn sau giai đoạn này dù không mấy liên quan đến cây cầu nhưng cũng góp phần tạo cho cảnh quan của quần thể di tích thêm khang trang, sạch sẽ đó là việc quanh hồ đã được làm kè bằng đá và bê tông.

 

Cũng nằm trong khu vực hồ Hoàn Kiếm là Tháp Rùa được xây dựng 2 năm sau ngày quân Pháp chiếm được thành Hà Nội lần thứ hai, mà lý do có việc xây cất này cũng thật là vô tiền khoáng hậu, khởi thủy thì nơi đây được dân gian gọi là Gò Rùa vì là nơi rùa thường lên phơi nắng. Từ thời vua Lê Thánh Tông, trên gò Rùa đã có Điếu Ngư Đài làm nơi cho nhà Vua ra câu cá, ngâm vịnh thơ ca. Sang đến thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh lại dựng Đình tả vọng trên đó làm nơi hóng mát vào mùa hè….Nhưng trước khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh đã cho phá bỏ tất cả những gì họ Trịnh dựng lên. Đình tả vọng vì thế cũng bị phá bỏ không thương tiếc,qua mấy chục năm binh lửa chiến tranh, Gò Rùa nằm trơ giữa hồ Hoàn Kiếm với cảnh đổ nát tan hoang chỉ còn lại phần thân dưới của Tả vọng Đình thuở trước.  Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa có vượng khí về phong thủy, là nơi đất phát “vạn đại công khanh” nên Bá hộ Kim (tức Nguyễn Hữu Kim 1832-1901) chạy chọt với chính quyền bảo hộ để được sử dụng gò Rùa và xuất tiền xây tháp trên gò với mục đích chôn hài cốt của cha,mẹ vào huyệt đạo này, ông được phép xây dựng ngôi tháp nhưng phải để nguyên phần còn lại của Tả Vọng Đình, đào móng xây thêm cho vững chắc và xây các tầng tháp mới lên trên. Ngay đêm hôm khai móng,cùng với một số người giúp việc ngầm đem hài cốt cha- mẹ ra chôn xuống giữa gò,ông bá hộ Kim cũng không thể ngờ được rằng liền sau đó có một bàn tay vô hình đã đào hai bộ hài cốt đó vứt xuống hồ,chỉ còn trơ lại trên gò hai cái quách rỗng? vì Bá hộ Kim đã trót hứa với quan trên,cho nên vẫn phải tiếp tục công việc xây dựng,ngọn Tháp bốn tầng được hoàn thành vào cuối năm 1886.Để thưởng công cho Bá hộ Kim, thực dân Pháp đặt tên là tháp "Bá Kim" nhưng đối với nhân dân Thủ Đô, vì tháp làm trên Gò Rùa nên vẫn gọi là Tháp Rùa cho đến tận ngày nay,sự kiện ông bá hộ Kim định táng cốt Cha, mẹ tại Gò Rùa là có thật hay chỉ là những lời đồn đại thì chưa có tài liệu nào khẳng định và chứng minh được, nhưng việc ông đứng ra xây tòa Tháp là sự thật lịch sử mà chúng ta cần phải ghi nhận và trân trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Thìn giáo sư đầu ngành sản khoa Bệnh viện C Hà Nội là cháu 5 đời thuộc chi trưởng của ông Bá hộ Kim, thì ông là một hào mục của làng Cựu Lâu (tức khu vực Tràng Tiền, Hàng Khay ngày nay) với hàm Bá hộ (là cấp hàm thấp trong quan chế thời xưa). Ông có một cửa hiệu bán đồ gỗ khảm trai lấy tên là Vĩnh Bảo,cũng theo tài liệu của Dumoutier trong tập sách Les Pagodes De Hanoi (in năm 1887) thì đường quan lộ của ông Bá hộ Kim như sau: "Viên quan xây Tháp Rùa, trước đây 3 năm làm Tri phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội" Tuy ông giúp việc cho thực dân song lại có một người con gái tham gia phong trào cùng với nhân dân Hà Nội chống Pháp.Có thể chính vì vậy mà ông đã bị Pháp nghi kỵ nên cách chức như những thông tin mà Dumoutier đã viết ở trên? ngoài ra ông Kim còn có một người cháu nội là ông Nguyễn Ngọc Vũ (1908-1932) từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương và hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò năm 1932. Bản thân ông từng là quan tri phủ rồi thương biện, sau về làm bá hộ thì thực chất là sự đi xuống của con đường danh vọng,cho nên việc có vài tài liệu cho rằng ông là Việt gian bán nước là khó thuyết phục… Những năm sau này(không rõ chính xác từ khi nào) trên tầng tháp cao nhất được dùng làm nơi thờ Phật,tầng bên dưới để thờ Thánh, Mẫu đó chính là “Đạo gốc” trong phong tục thờ Thần của người Việt cổ…Hồ Hoàn Kiếm là nơi hội tụ Linh khí của Trời-Đất ngàn năm và phải chăng chính vì điều này đã tạo nên địa điểm là nơi đầu tiên người Thăng Long xưa đến “xin” những cành Lộc đầu năm tại khu vực đền Ngọc Sơn mỗi dịp giao thừa rồi về sau phong tục đó mới lan rộng ra khắp “Tứ trấn” của kinh thành Hà Nội như lịch sử cũng như dã sử đã từng ghi nhận?...

 

 

Ảnh chụp Tháp Rùa sau 124 năm ngày ra đời 1886

 

Theo phát hiện về phong thủy của Ông,Cha ta truyền lại thì đảo Ngọc (đền Ngọc Sơn) chính là đầu Rồng còn Tháp Rùa là trái tim Rồng với rất nhiều truyền thuyết về tâm linh không thể giải thích được cho dù được soi rọi dưới “ánh sáng” của khoa học. Cũng theo dân gian thì thường dân không có mấy ai được bước chân lên Tháp Rùa để cầu xin Thánh-Mẫu, nơi được coi là đặc biệt linh thiêng vì là điểm “tụ khí” của trái tim Rồng.Tuy nhiên, vào đền Ngọc Sơn với những ai có niềm tin thì vẫn có thể cầu xin được những điều mong muốn như:-Cầu gia đạo bình an,tâm hồn thanh thản thì xin nơi cửa Phật.Làm ăn thuận lợi,trừ quỉ-diệt tà thì cầu đức Quan Công,có bệnh mong gặp Thầy giỏi, thuốc tốt thì cầu xin ngài Lã Tể. Thi cử, học hành, văn chương-thi phú,nghệ thuật…thì cầu đức thánh Văn Xương đế quân. Muốn xin công danh-sự nghiệp, đưa đường-chỉ lối, đạp bằng trở ngại trên bước đường đời,sát quỉ-trừ tà,tránh được những kẻ tiểu nhân…thì xin với Đức Thánh Trần.v.v…

 

Quần thể kiến trúc danh-thắng khu vực hồ Hoàn Kiếm là vùng đất linh thiêng không chỉ dành cho con dân nước Việt từ khắp mọi nơi tìm về, như cõi lòng của những người con xa xứ ngày xưa, hôm nay và mãi mãi sau này:-Từ thuở mang gươm đi mở cõi-Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long! mà còn là nơi du khách quốc tế không thể không ghé thăm mỗi khi có dịp đến với Hà Nội và đó cũng chính là địa chỉ đầu tiên mỗi khi giới thiệu về Việt Nam mà người nước ngoài nào cũng phải nói đến!.../.

 

Tp.HCM,tháng 6-7 năm 2012

 

Dựa theo bài viết của ông Trần Trọng Chiêm và tham khảo cuốn “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái cùng các nguồn tài liệu về Thăng Long-Hà Nội của nhiều tác giả khác…

 

Đỗ Thế Cường
Số lần đọc: 5036
Ngày đăng: 02.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon-Chợ Lớn (Phần 4) - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon-Chợ Lớn (Phần 3) - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon-Chợ Lớn (Phần 2) - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon-Chợ Lớn (Phần 1) - Nguyễn Đức Hiệp
Võ An Ninh: Nhiếp ảnh và cuộc đời - Nguyễn Đức Hiệp
Hữu Tiến: Cảm hứng sáng tạo từ người lao động - Trương Trọng Nghĩa
Thử đi tìm cái “ăn may” trong Nhiếp ảnh - Ngọc Hiệp
Vũ Anh Thư nữ sinh trường Mander portman woodward – london - Huỳnh Lê Nhật Tấn
Người đàn ông già - Vũ Anh Thư
Quả táo mốc - Vũ Anh Thư