Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.838
 
Asa – Điều Thiện
Nguyễn Hồng Nhung

 

HAMVAS BÉLA - Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

 

 

( Trích tiểu luận triết học:Scientia sacra)

 

1.

Từ ASA trong thời cổ nằm giữa các từ ngữ lớn lao, như Đạo của Trung quốc, Atman của Ấn độ, vidja hoặc szamszara, Logos của Hy lạp, daimon hoặc idea. Từ này trong tiếng Iran, Zarathusra thường xuyên sử dụng, nhưng cũng trong ý nghĩa này chắc chắn đã có từ hàng ngàn năm.

 

Các tác phẩm nói về Iran cổ thường liên hệ đến từ rta của tiếng Sankrit, và người ta cho rằng nó có nghĩa là một trật tự thế gian chân chính. Cũng như vậy nó có quan hệ với từ dharma của Ấn độ, mang nghĩa: trật tự hợp lý của thế gian, với từ kozmos của Hy lạp có nghĩa: một vũ trụ sắp xếp hợp lý trong tinh thần của sự thật và cái đẹp.

 

Trước khi nói về bản chất của từ này, cần nhớ điều sau đây: cuối thời Zarathustra, khoảng sáu trăm năm trước công nguyên, ở Iran cũng như ở mọi nơi trên quả đất có thể nhận thấy những dấu hiệu của một sự thay đổi mang tính chất quyết định. Những dạy dỗ, những bài ca, những lời tiên tri của Zarathustra phần lớn vang lên chống lại sự thay đổi đáng sợ này.

 

Ngày nay sự chống trả này chỉ dành cho những người hiểu được ý nghĩa đặc biệt của lời cảnh báo của Zarathustra chống lại sự sùng bái Haoma. Haom giống như từ soma của Ấn độ, một thức uống bí hiểm, nước của đời sống, thức uống của đời sống vĩnh cửu, rượu của thượng đế.

 

Trong thời lịch sử điều gây tranh cãi nhiều là thức uống này làm từ vật chất gì, khi nào người ta uống, những ai uống, vị của thức uống bí hiểm này ra sao và tác dụng của nó thế nào. Như đại đa số trường hợp, sự nhầm lẫn tiếp theo là người ta nghĩ theo nghĩa của những từ ngữ nói về dấu tích đời sống của con người cổ và nghĩ một cách vật chất hóa.

 

Haoma trong khi đó mang rất ít ý nghĩa của một thức uống vật chất, giống như vàng của các nhà giả kim không phải là vàng vật chất, đá của các nhà thông thái không phải đá vật chất, và tất nhiên lấy như một ví dụ, lửa của đời sống không phải lửa vật lý, và nước của đời sống không phải thứ vật chất loãng.

Thức uống Haoma trong thời cổ được hiểu như sự tham dự vào đời sống hứng khởi và niềm hưởng lạc đời sống này. Các vị thần linh uống chất mật ngọt, vì họ sống trong sự sống hạnh phúc hứng khởi. Linh hồn con người rơi vào thiên đường của thế giới bên kia uống soma, bởi linh hồn sống trong thế giới của thiên đường.

 

Nhưng trong thế giới vật chất cũng từng có haoma. Giáo chủ phân phát trong những sự kiện đặc biệt thức uống này cho nhà vua, cho các quân nhân, các thủ lĩnh, các nhà giáo, các nhà trồng trọt. Sự phân phát này như mở ra những bí ẩn của sự sống hứng khởi, để người sống có thể dự phần vào niềm hạnh phúc và cái vĩnh cửu của sự sống.

 

Uống haoma có nghĩa là: từ sự vật chất hóa nhiễu nhương của đời sống con người, nâng cao và thở hít trong sự trong sạch vĩnh cửu của sự sống trong lành: là sự đối diện với vẻ rạng ngời của linh hồn vĩnh cửu, và thức tỉnh trong tri thức, rằng linh hồn tốt đẹp này chính là bản thân con người.

Hậu quả của soma, thức uống haoma, vị mật ngọt chính là niềm cảm hứng, sự quên lãng, trạng thái hưng phấn, khi con người trong những khảnh khắc lớn lao thành công trong việc tự trút bỏ đời sống khỏi bản thân và tan hòa vào sự sống.

 

Đây là điều yoga Ấn độ gọi là dhjana, hoặc trạng thái hứng khởi ở cấp độ cao hơn gọi là szamadhi. Con người thời lịch sử tưởng rằng soma là thức uống có thể say, mà tác động của nó làm ngây ngất, như của rượu mạnh và ngọt. Đúng là ngây ngất thật, nhưng không phải về thân xác và vật chất, mà là trạng thái tinh thần hứng khởi, hưng phấn. Là hướng dẫn dắt thế gian đến sự sùng bái Dionüs, mà sau này, muộn hơn một chút biến thành trạng thái cảm hứng từ rượu mà ra.

 

Bởi vì, con người trong thế giới vật chất, muốn hòa làm một với sự sống, cần phải bước ra khỏi cái TÔI vật chất.

Trong thời đại của Zarathustra, buổi đầu của một thay đổi lớn, ý nghĩa phổ quát của sùng bái haoma bắt đầu biến mất, và cảm hứng haoma từ từ biến thành sự vụ cá nhân của cái TÔI cá nhân.

 

Giáo chủ bắt đầu phân phát haoma khi hoàn cảnh thế gian vũ trụ cho phép, trong những buổi lễ. Đây là Bí Tích Thánh Thể (eucharist), luôn luôn và trong mọi trường hợp đều là sự vụ của nhân loại phổ quát, của tất cả các dân tộc, của mọi con người, và là ngay cả bản thân tư tưởng bổ báng thánh thần, để luôn luôn có một ai đấy nhận phần haoma nhiều hơn những người khác, chưa nói đến việc có nhu cầu uống haoma nhiều hơn phần được giáo chủ phân phát. Người ta không phân phát haoma cho cái TÔI cá nhân cụ thể mà cho giống người, cho cộng đồng, cho dân tộc.

 

Nhưng theo thời gian, sự sùng bái haoma bắt đầu cá nhân hóa. Nổi lên một số người có nhu cầu nhiều hơn về niềm hứng khởi và niềm hạnh phúc dành riêng cho họ. Họ bắt đầu xây những con đường cá nhân dẫn đến niềm hạnh phúc, và những cái TÔI cá nhân bắt đầu sống một cuộc sống tùy tiện, muốn đạt đến niềm hạnh phúc thánh thiện bứt mình ra khỏi cộng đồng, chỉ một mình, thậm chí đối nghịch với cộng đồng.

 

Đạo Tin Lành chính là điều này, khi con người đứng về mặt cá nhân bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn những gì mà cộng đồng nhà thờ phân phát xứng đáng cho họ. Hậu quả đầu tiên của sùng bái haoma cá nhân là những cái TÔI bí mật uống thức uống của thượng đế. Không còn cho cộng đồng nữa, và vì cộng đồng không nhận được nữa, nên cũng không còn thứ thức uống cân đối hóa, một đạo luật mức độ dành cho các thành viên cộng đồng nữa. Từ nỗi thiếu thốn thức uống thiêng liêng cân đối này, cộng đồng bắt đầu lỏng lẻo.

 

Zarathustra nhìn thấy điều này. Ngài biết nếu sự sùng bái haoma nổi lên, sẽ dẫn đến sự tan rã cộng đồng. Ở Iran xảy ra như vậy, như ở Hy lạp, và trước sự thay đổi này,vị trí của Zarathustra trở nên có ý nghĩa hơn, giống như vị trí của Heracleitos hoặc Pitago. Ở Iran cũng xảy ra như ở Ấn độ và Trung quốc, nhưng vị trí của Zarathustra trái ngược hẳn với Buddha ở Ấn độ hay Khổng Tử ở Trung quốc.

 

Khắp nơi trên trái đất trong thời gian này những thể thống nhất của những cộng đồng lớn bắt đầu lỏng lẻo, con người bắt đầu trở thành những cái TÔI cá nhân, trong niềm hạnh phúc, trong tri thức, trong đời sống thiêng, các dân tộc không cùng tham dự vào sự sống thiêng nữa, mà trở thành những cá nhân cái TÔI riêng rẽ.

 

Zarathustra, Heracleitos, Pitago bằng tất cả sức lực của mình muốn ngăn cản nhân loại đang vỡ ra từng mảnh. Còn Khổng tử và Buddha ngược lại, truyền bá một sự dạy dỗ hưởng thụ haoma cá nhân trong tri thức cá nhân, trong hứng khởi cá nhân.

 

Tại Iran cuộc chống trả này sắc bén hơn cả ở Ấn độ, Trung quốc hay Hy lạp. Tinh thần lửa của Zarathustra cố gắng chặn lại tình thế: nguyền rủa sự sùng bái haoma cá nhân và gọi đó là các thế lực đen tối ahrimani. Zarathustra đào sâu trở lại truyền thống cổ để cứu vớt sự thống nhất của con người bằng tri thức thu được từ đấy.

 

Và như vậy một vốn cổ đã lộ diện: đấy là ASA

 

2.

Thông thường người ta dịch asa nghĩa là một sự thật được xây dựng bằng trật tự. Nhưng bản thân từ này, cũng như tất cả các từ ngữ của nhân loại cổ, không thể dịch nổi chỉ bằng một miêu tả.

 

Asa có quan hệ với sự dâng hiến và sự sùng bái, nhưng kẻ hiến dâng và nhân vật dâng bái vật không phải linh mục mà là chủ gia đình. Và chủ gia đình bằng điều này trở thành linh mục, trở thành một nhân vật thánh linh hóa. Khi người này lập gia đình, làm chủ, nuôi dạy con cái, đi làm, tham gia vào sự gìn giữ nhà nước, hoặc tham gia bộ máy nhà nước, khi anh ta sống một đời sống, cần trở thành kẻ hộ trì cho một trật tự xây nên sự thật này.

 

Asa ở đây có nghĩa là người chủ gia đình, là kẻ bảo vệ asa và là người thu thập asa. Asa không phải của anh ta, mà là của gia đình, nhưng cũng không phải của gia đình, mà là của đẳng cấp, nhưng cũng không phải của đẳng cấp, mà là của dân tộc, của toàn bộ nhân loại. Hành động của người chủ gia đình „ Là tác phẩm nuôi dưỡng thế gian”. Và để thế gian tăng trưởng giàu có, đẹp đẽ, trong sạch, rõ ràng, thật sự, cần phải có asa.

Ahura Mazda: TẠO HÓA sở dĩ tạo dựng asa là để thế gian rạng rỡ long lanh và dâng tràn.

 

Asa nghĩa là trật tự của đời sống gia đình, là sự trong sạch của tình yêu, sự bình yên hạnh phúc của đời sống lứa đôi, sự tăng trưởng của cải, sự sinh sôi của cải của đất, của gia cầm, asa có nghĩa là đời sống công cộng tốt, là sự trực tiếp và ấm áp của giao tiếp con người với nhau, có nghĩa là vi phạm trật tự thiên nhiên không xảy ra, có nghĩa là tia sáng của các sức mạnh vũ trụ hài hòa.

 

Trên các cánh đồng đầy hoa ẩm ướt asa hiển hiện rực rỡ và asa rơi xuống đất trong màn mưa xuân ấm áp. Asa kết cậu thiếu niên và cô thiếu nữ lại với nhau để tình yêu mang lại cho thế gian nhiều đứa trẻ khỏe mạnh, nhà cửa được xây dựng đẹp đẽ vì làm tăng trưởng trái đất bằng cái đẹp của nó. Asa là sự dạy dỗ của những người thày, bởi con người trở nên thông thái vì asa.

 

Asa là một từ nói về ý thức trong con người, vì sao họ sống: để biến trái đất thành thiên đường. Không phải những mục đích cá nhân, lợi nhuận cá nhân, sự hưởng thụ haoma cá nhân! Không! Asa! Nghĩa của asa chỉ có ngần này: Hãy tươi tỉnh! Lời chào hỏi, sự tươi tỉnh, sự chúc phúc. Khi một người gặp bạn của mình, người ấy kêu lên: Asa! Xin chào!

 

’’Bây giờ ta sẽ đọc kinh-asa – Zarathustra nói – và khi ta đọc kinh-asa, ta chuẩn bị con đường thiêng của mọi bất tử; bởi con người chân chính với tư tưởng tốt, con người chân chính với những lời nói tốt, con người chân chính với hành động tốt, sẽ bảo vệ con đường dẫn tới Thiên Đàng của Thượng Đế.”

 

Asa là bản thể bí ẩn của mọi hành động đúng đắn, mọi từ ngữ đúng đắn, mọi tư tưởng sâu sắc, tăng trưởng trong trái tim của thế gian và trong linh hồn của Thượng đế. Nếu một người yêu sâu sắc, sẽ làm tăng asa, nếu một người tạo dựng tác phẩm đẹp, sẽ làm tăng asa, nếu một người canh tác kỹ càng đất đai, sẽ làm tăng asa, nếu một người cầu nguyện chân thành, sẽ làm tăng asa.

 

Nhưng mọi tư tưởng, từ ngữ, hành động tối tăm, giả dối, ích kỷ, độc ác sẽ làm giảm asa; mọi tội ác sẽ làm asa ít đi một chút, asa đối với sự sống thế gian quan trọng hơn cả thức ăn, và quan trọng hơn cả ánh nắng mặt trời. Con người sống để thu thập asa vào cái kho bí ẩn của nó, vào linh hồn của Thượng đế, và mỗi một giọt asa khiến con người, nhân loại và toàn bộ thế gian trở nên sáng sủa hơn, giàu có hơn, tốt đẹp hơn, chân thực hơn.

 Sống một đời sống asa chỉ có ngần này ý nghĩa và ngần này điều con người đạt được: được tinh thần hóa, nâng lên cao, soi rọi và thánh thiện hóa đời sống. Và sự thánh thiện hóa này, sự sáng sủa, cái tinh thần này càng tăng lên ở đâu đấy, trong vô hình: thế gian càng ngày càng tốt đẹp hơn, rạng rỡ hơn. Sự tối tăm, tội ác, sự nhiễu nhương, gánh nặng ngày càng suy giảm.

 

Con người có thể giải quyết những gì là gánh nặng và sự độc ác bằng hành động-asa, tư tưởng-asa, lời nói-asa. Mục đích của hoạt động con người là tinh thần hóa, nâng cao thế gian trở lại trạng thái cổ đầu tiên, nâng trở lại trạng thái vườn Địa Đàng.

 Mọi hành động hữu hình đều mang một hậu quả vô hình, những hậu quả này còn lại và ghi lại ở đâu đấy: hành động xấu làm thế gian thêm tối tăm, hành động tốt làm thế gian rực rỡ. Asa là thứ ánh sáng vàng, là niềm hạnh phúc, niềm vui , sắc đẹp, sự giàu có và là lửa của thế gian.

 

3.

Asa là bản thể tinh thần vô hình bí ẩn xây đắp nên sự sống vĩnh cửu của niềm hạnh phúc thiên đàng: là một cái gì đó không nắm bắt được, là thế gian của những niềm hứng khởi. Nhiệm vụ của con người là bằng số phận đã nhận được cần tạo dựng một số lượng nhất định những điều thiện (asa), để tự mình góp công xây dựng thiên đường.

 

Con người trong thế gian vật chất thu thập asa bằng những hoạt động của mình: bằng các tư tưởng, bằng lời nói và bằng các hành động.Ở một nơi nào đó người ta đo những tư tưởng, lời nói và hành động. Nếu xấu, người ta vứt đi; vô ích, có hại, làm tăng sự tăm tối, làm đời sống nặng nề khó khăn, lao động trở nên mệt nhọc, mang lại tội ác, đói khát, chiến tranh, dịch bệch. Ahriman là vua của sự tăm tối, sự hư hỏng, hủy diệt, sự sợ hãi, nạn đói, là kẻ thù của asa.

 

Nếu tư tưởng, ngôn từ, hành động tốt, sẽ biến thành asa. Và sự sống bằng tư tưởng-asa, ngôn từ-asa, hành động-asa sẽ đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn, sáng sủa hơn và thiên đường hơn. Đến một hành động duy nhất cũng không thể dấu diếm. Nếu một người trong dãy núi cô đơn, trong hang đá biệt lập nghĩ đến một sự thật rồi chết mà không ai nghe thấy bao giờ, sự thật ấy được ghi nhớ và bảo vệ ở một nơi nào đấy, và do sự thật này thế gian sáng sủa hơn.

 

Mọi hành động, tư tưởng, ngôn từ nếu xấu, sẽ làm đau khổ tăng lên, nhưng nếu đấy là asa, lại làm cho quả đất hạnh phúc hơn. Và duy nhất một con người bằng một hành động duy nhất, một ngôn từ duy nhất, một tư tưởng duy nhất tạo dựng asa lan truyền vĩnh cửu đến tất cả các dân tộc.

 

Mọi hành động của mọi con người, mọi suy tưởng trong các giấc mơ của họ, mọi ý nghĩ vụt qua, bị cất dấu, bị bỏ quên của họ, mọi cử chỉ của họ đều có tác dụng phổ quát, và hậu quả của chúng tất cả mọi con người, mọi động vật, thực vật  sống ở đâu đó, sinh ra ở đâu đó đều cảm thấy và biết rõ.

Văn hóa cổ truyền: là asa-điều thiện.

 

Điều này có nghĩa là con người cổ không tạo dựng văn hóa mà muốn làm cho trái đất trở thành thiên đường. Thành thiên đường không có nghĩa là sống trong vô tư vật chất, mà là sống trong sự hứng khởi của niềm hạnh phúc đã tinh thần hóa, một cách thiêng liêng, trong ánh sáng và sự phì nhiêu của thế gian, trong cái đẹp và sự nở hoa không bao giờ cạn của thiên nhiên đã tinh thần hóa.

 Hoạt động của con người cổ chỉ có thể hiểu được từ sự sùng bái, và ý nghĩa của sự sùng bái là: biến thế gian thành asa-điều thiện.

 

4.

Trong sâu thẳm của các nền văn hóa thời lịch sử luôn luôn có một hình ảnh thế giới nào đó. Trong sâu thẳm của văn hóa cổ là hình ảnh con người siêu việt thiêng liêng. Bởi vậy văn hóa thời lịch sử luôn luôn tạo dựng một thế giới nào đấy; văn hóa cổ tinh thần hóa và nâng cái thế giới vật chất lên.

 

Văn hóa thời lịch sử muốn cưỡng bức thiên nhiên phục vụ nó, và tạo dựng ra công cụ để chinh phục vật chất, nhưng điều nó đạt được lại là: con người trở thành nô lệ cho thiên nhiên, và con người bắt buộc phải phục vụ vật chất.

 

Nền văn hóa cổ phục vụ thiên nhiên, bằng sự phục vụ này đã đạt đến mức: thiên nhiên cúi đầu và trải mọi báu vật quý giá ra trước nó. Sự khác biệt giữa văn hóa cổ và văn hóa thời lịch sử: con người thời lịch sử là kẻ cướp của thiên nhiên, còn con người thời cổ là người cha của thiên nhiên. Bởi vậy tư tưởng cơ bản của văn hóa con người thời lịch sử: quyền lực; tư tưởng cơ bản của văn hóa con người thời cổ: sự sùng bái.

 

Sự sùng bái là tình yêu thương của người cha từ con người, là sự âu yếm, niềm vui và sự phục vụ của người cha đối với thiên nhiên. Con người biết rằng, từ buổi ban đầu thời gian của tạo hóa, nó đã là chủ của một thiên nhiên hạnh phúc, thanh bình, mang tính chất thiên đường. Khi con người bị vật chất hóa, và phạm tội nó đã rơi xuống mang theo cả thiên nhiên vật chất.

 

Không phải thiên nhiên làm mờ ám sự sống con người mà sự thất bại của con người đã làm tối tăm, mờ ám cả thiên nhiên. Con người giờ đây cần trả thiên nhiên lại cho trạng thái cổ của nó, và cần một lần nữa biến trái đất thành thiên đường, như lúc ban đầu.

 

Sự sùng bái là một hoạt động mà ý nghĩa, động lực, mục đích của nó là để thiên nhiên một lần nữa là thiên nhiên của Trời, và đất một lần nữa là đất của Trời. Con người đã được khai sáng nâng thiên nhiên lên, và thiên nhiên đã được khai sáng mới chính là quê hương của con người.Sự khai sáng này là: asa-điều thiện.

 

Và giờ đây trọng tâm một lần nữa không phải là con người, như con người lịch sử tưởng vậy. Nâng cao tầm thiên nhiên, tinh thần hóa và đặt thiên nhiên trở về vị trí ban đầu của nó, điều này không diễn ra vì con người, mà vì niềm kiêu hãnh của Thượng đế, bởi con người là con trai đầu tiên, là kẻ hầu hạ, là ý nghĩa và là hoạt động của Thượng đế. Với mục đích: vinh danh Thượng đế. Và điều nay một lần nữa chính là asa-điều thiện.

 

Hoạt động trần thế của con người là sự sùng bái, sự dâng hiến, là tư tưởng,  ngôn từ, hành động, sự phục vụ đã linh thiêng hóa, tinh thần hóa. Chỉ như vậy hoạt động trần thế của con người mới có ý nghĩa. Nếu không là sùng bái, dâng hiến, nếu không là quá trình tinh thần hóa vật chất, nâng cao tầm thiên nhiên, khi đó hoạt động chỉ là lao động vô nghĩa, trống rỗng, vô ích, nặng nhọc, cay đắng.

 

Mọi hoạt động hãy vinh danh Thượng đế, như một sùng bái, như một sự phục vụ: lúc đó trái đất sẽ tăng trưởng và giàu có, và con người khi nâng tầm thiên nhiên trả nó lại vị trí ban đầu, lúc đó sự sùng bái mới chân chính, đẹp đẽ, đầy niềm vui; nếu hành động chỉ để thu lợi cho bản thân con người, lúc đó quả đất teo tóp, hao mòn, thiên nhiên ngày càng tăm tối và nặng nề, ý nghĩa của  sùng bái bị đánh mất: lúc đó con người chỉ còn biết đến lao động. Sự sùng bái không là gì khác ngoài một hoạt động thiêng liêng hóa, còn lao động là một hoạt động chưa được thánh linh hóa.

 

Thượng đế muốn con người và thiên nhiên nở hoa. Sự nở hoa này là văn hóa, tạo dựng bởi sự hoạt động đã thiêng liêng hóa của sự sùng bái của con người. Con người và thiên nhiên chỉ nở hoa nếu bên trong nó có ý nghĩa, có tinh thần, cái đẹp, sự thật, hòa bình, nếu bên trong nó có asa. Chỉ lúc đó là văn hóa. Và chỉ có ý nghĩa, tinh thần, cái đẹp, sự thật, hòa bình nếu có sự sùng bái, mục đích của hoạt động thiêng liêng: trái đất hãy nở hoa! Hãy là asa- điều thiện! Tất cả mọi người hãy rạng rỡ, những người sống trong đó! Hãy vui mừng với người sáng tạo, người là chủ nhân trái đất! Thượng đế muốn như vậy.

 

Điều này cần loại bỏ lợi ích cá nhân. Bởi con người cần nhận ra rằng, không có cái gì là sở hữu của nó cả, đến mức đứa trẻ không phải là sở hữu của người cha. Thế gian là của Thượng đế, trái đất cũng vậy, như một khả năng để canh tác đất, như cái đẹp, như sự thật, sự giàu có và niềm vui. Mục đích của sự sùng bái là biến trái đất một lần nữa của Thượng đế, là làm thay đổi thiên nhiên vật chất. Một lần nữa: asa-điều thiện.

 

Các sự vật, các vật thể, máy móc, các công cụ, các sinh vật hoa trái không phải sở hữu của con người. Asa tạo ra chúng, cho con người để con người tinh thần hóa chúng. Chiếc sọt mà người đàn bà da đỏ đan bằng những cành liễu bên bờ sông không phải vật sở hữu của bà ta. Đấy là vật thể văn hóa, mà bằng nó giúp con người tinh thần hóa thế gian, bằng nó tăng thêm asa và làm cho thế gian thêm giàu có.

 

Vật thể văn hóa là cái sọt, áo quần, con dao, cái bút, cái cốc, nồi niêu, chiếc xe, cũng như hoạt động văn hóa là viết, ăn, nói, dạo chơi: bằng những điều này tôi nói lên sự thật, một cách tốt đẹp và nghiêm chỉnh, để niềm hứng khởi của thế gian tăng lên. Sự thưởng thức nỗi hân hoan này là tự do: tất cả mọi người có thể tìm niềm vui trong ánh sáng và cái đẹp.

Một lần nữa: đây là asa.

 

5.

Từ có âm và nghĩa gần trong tiếng Iran có thể làm ta hiểu rõ hơn từ asa.

 

Đấy là từ frasa, dịch sát nghĩa là tôn vinh. Zarathustra nói như sau:” Trên khắp trái đất, giữa các dân tộc chúng ta hãy là những người biến sự sống thành frasa”, thành tôn vinh, thành cái đã tinh thần hóa.” Ý chí và sức mạnh của con người là công cụ của Thượng đế: bằng điều này đã thánh thiện hóa cả thế gian”- biến thành frasa.

 

’’Chúng ta cầu nguyện, để trời sà xuống và trên trái đất sự sống Trời được thực hiện. Con cháu chúng ta được sống trong thế gian đã được tôn vinh.” „Kẻ nào trong hành động càng nhiều frasa, kẻ đó càng đến gần sự sống.”

 

Frasa có nghĩa là sức mạnh đã thánh thiện, nhưng cũng có nghĩa là tinh thần. Một hoạt động đã thánh thiện, cũng chính là frasa như bản thân tinh thần. Frasa là thế giới tinh thần, là TRỜI mang tính chất siêu việt: là sự vinh quang, sự rạng ngời, sự hạnh phúc, niềm vui sáng sủa.

 

Nhưng hành động muốn thực hiện một trái đất Trời trong thiên nhiên vật chất, thực chất cũng từ một thứ vật chất như bầu trời. Thứ vật chất này, là sức mạnh, là bản thể và là sự hoạt động nữa, là sự sống, đây là frasa.

 

Giờ đây đã rõ ràng, asa không chỉ có quan hệ chặt chẽ với thời hoàng kim mà còn không là gì khác: chính nó là thời hoàng kim. Không phải là thời hoàng kim mà những cuốn sách cổ đã nói về sự sống đã mất, thời gian đã mất. Asa là ý nghĩa duy nhất của hoạt động con người tạo dựng ra sự trù phú, cái đẹp, sự tăng trưởng, sự thật: bởi vậy nó sáng tạo ra công cụ và các đồ vật, bởi vậy nó duy trì các đạo luật, bởi vậy nó vận áo quần đẹp, bởi vậy nó học hành, ca hát, bởi vậy nó chăm sóc súc vật và trái đất, điều hành nhà nước với tinh thần của sự thật.

 

Cần tạo dựng thời hoàng kim- không phải một thế giới như thế nào đấy, mà là một thế giới trên mọi thế giới. Và đây là thế giới mà con người xây dựng bằng tư tưởng, ngôn từ và hành động với một cách thức bí ẩn: từ asa, do asa và trong asa.

 

Bởi thời kỳ hoàng kim không thể xây dựng bằng tư tưởng, ngôn từ, hành động độc ác, tối tăm, nhầu nát, vô thần. Hành động độc ác xây dựng một thế giới”khác”, thế giới” drug” của sự đổ nát, của Ahriman. Thời hoàng kim chỉ có thể xây dựng bằng hành động đã thánh hóa, hành động-asa

 

’’Ta ngợi ca asa! Ta chọn lựa tế vật của Thượng đế của Ánh sáng!Ta gia nhập với Zarathustra, ta là kẻ thù của drug…Ta muốn xướng danh asa rạng ngời nhất!”

 

Tế vật cho Thượng đế của Ánh sáng là gì? là ngôn từ -asa, là tư tưởng-asa, là hành động asa. Là hành động đời sống đã linh thiêng hóa, bằng ý thức rõ ràng và tất cả sức lực phục vụ thế giới của ánh sáng.” Kẻ gieo lúa, mang lại asa, kẻ sinh con, mang lại asa, nhưng kẻ tiêu diệt những sinh linh độc hại, hoang dữ, vô thần, có hại, kẻ đó cũng mang lại asa”.

 

Đời sống-asa không ngừng chống lại thế giới ”kia”, thế giới” drug” của sự tăm tối. „drug” không muốn thế giới, sự tăm tối không có nghĩa là nó muốn xây dựng một thế giới của tăm tối đối nghịch với thế giới của ánh sáng. Drug muốn tiêu diệt: phá tan, giết, hủy diệt. Thế giới của Ahriman không phải thế giới tăm tối mà là cái không có gì. Là sự giả dối, sự lười biếng, sự hèn nhát, là bệnh tật, cái chết.

 

Con người có trong thiên nhiên vật chất để chiến thắng cái thế giới tối tăm, giả dối, hèn nhát, bệnh tật, bất lực, và mang đến ánh sáng, sự tăng trưởng, sự trù phú, cái đẹp, sự vui vẻ, tiếng hát, sự tươi tỉnh, niềm vui, hoa lá.

 

Bằng các hành động giải phóng asa trong thiên nhiên và làm cho trái đất ngày càng frasa hơn, tinh tế hơn, thiêng liêng hơn. Để một lần nữa nâng dậy thời hoàng kim đã bị chìm vào thiên nhiên ngay từ buổi đầu của mọi thời gian:bằng tư tưởng và ngôn từ của tất cả, hãy nâng cao lên một chút một chút thôi, bằng sự hoạt động của mình hãy đẩy cao thêm một mức nữa, với đám gia súc, với các hòn đá, các loài thực vật và các vì sao.

 

Khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng chính là asa, như gia đình đông đảo trong sự sống sung túc, như người đàn bà đẹp, như triều vua hiền minh, như đám cưới giàu có, như đội quân ca hát vui vẻ của các thiếu niên và các cô gái nhảy múa. Thượng đế từ con người mong muốn: hãy biến đất thành asa, thành thời hoàng kim, thành cái đẹp, sự giàu có, niềm hạnh phúc, sự thanh bình và rạng ngời.

 

6.

Ý nghĩa của sự sùng bái không phải là tôi canh tác một miếng đất, nuôi dạy một vài con người, chăn nuôi súc vật, xây nhà hoặc hoàn thiện một tài năng nào đó của tôi. Sự canh tác như thế có thể mang ý nghĩa rằng tôi làm tất cả cho lợi ích của tôi, và sự giàu có từ canh tác thiên nhiên tôi giữ cho tôi, không cho bất cứ ai hết: đất, đồ vật, con trẻ, súc vật, tài năng, tôi sở hữu cho tôi hết.

 

Đấy không phải sự sùng bái. Đấy là lao động.

 

Bởi đằng sau nó là lợi ích của cái TÔI. Đấy không phải asa cũng không sản sinh ra asa. Bằng lao động không bao giờ, không ai có thể thành công đặt nổi một viên gạch xây dựng thời hoàng kim. Lao động không phải vật tế tự nguyện, mà là sự nô lệ và cưỡng bức.

 

Ý nghĩa của sự sùng bái là: đất, con người, khả năng, những thứ tôi canh tác bằng hoạt động của tôi, bằng vật tế tự nguyện, như nâng một mẩu của thế gian đến gần Thượng đế và đặt trở lại vị trí ban đầu của nó: lên Trời, vào thiên đường, vào thời hoàng kim. Tôi biến nó thành asa.

 

Hình thức cổ của tất cả sự sùng bái: lời kinh. Lời kinh, lời cầu nguyện là sự phục vụ trực tiếp. Là chính vật tế. Là khi con người trực tiếp trở thành của Thượng đế. Tôi cầu kinh vì bản thân tôi? Không. Tôi mang thế gian theo mình đến với Thượng đế. Tôi cất lời và thông qua tôi từng hạt bụi của đất cất lời.

Hoạt động của tôi, nếu là asa sẽ giống như lời kinh. Bằng những hành động của tôi, tư tưởng của tôi, nếu đấy là asa, tôi nâng thế gian lên và đặt vào tay Thượng đế.

 

Tất cả mọi cái TÔI, nhấn mạnh đến một cá nhân, và vì thế loại trừ người khác, khiến lời kinh sẽ mất đi hiệu lực. Tất cả mọi ý nghĩ, nhân danh nhân loại tôi nghĩ. Tất cả ngôn từ tôi xướng lên nhân danh nhân loại. Tất cả mọi hành động tôi làm nhân danh nhân loại. Toàn bộ cuộc đời tôi sống nhân danh nhân loại. Trong từng giây phút của đời mình,  tôi cần giữ toàn bộ thế gian trên vai và nâng lên, nâng lên cao tận cùng ánh sáng với tất cả mọi người, về phía Thượng đế. „ Chúng ta hãy là những kẻ tôn vinh sự sống!”- „ Chúng ta hãy cầu nguyện để Trời sà xuống đất và sự sống Trời được thực hiện!

 

Thế gian tin tưởng vào tôi, tôi cần nâng nó lên và tinh tế hóa, thánh thiện hóa đến từng hạt bụi. Đối nghịch và quay ngược lại của hành động-frasa này, của sự sùng bái và vật tế dâng hiến này từ sự ích kỷ, từ lợi ích, sẽ trở nên thành định mệnh. Mục đích của mọi hoạt động cần hiện thực hóa sự sống siêu việt, khi đó hoạt động sẽ là asa. Nếu mục đích không phải là sự sống siêu việt, lúc đó là ích kỷ và lợi ích. Lúc đó hoạt động bất hạnh và tăm tối, lúc đó là: lao động.

Asa của Zarathustra là tác phẩm- hoàng kim có ý thức.

 

Trái ngược với sùng bái haoma cá nhân là sùng bái nhân loại phổ quát.  Không là nghi thức đặc biệt trong ngày lễ, mà là sự lan truyền tất nhiên tự nó có thể hiểu được trong từng hành vi của đời sống người. Sự sùng bái trang phục, ẩm thực, tình yêu, đi lại, nói, suy nghĩ. Con người bằng hoạt động trong đời sống hoặc xây dựng thời hoàng kim hoặc tiêu diệt nó đi.

 

Mọi hành động được đo lường tại một nơi nào đấy, như Tử thư Ai cập (Pert em heru) nói: asa hoặc drug, sáng sủa hoặc tăm tối, đúng hoặc giả dối, làm   đời sống sinh sôi hay giết đời sống đi.

 

Không chỉ Zarathustra nhắc đến sự sáng tạo- hoàng kim có ý thức trong thời cổ. Echnaton nói như sau: „ Để nâng toàn bộ trái đất lên trời, con người dâng toàn bộ hoạt động của nó, toàn bộ tư tưởng của nó, toàn bộ ngôn từ của nó, sự cố gắng của nó cho thần Mặt trời.” Đây là sự sùng bái.

 

Người Tolték ở Mexico, những kẻ sáng tạo đã được thánh hóa, sự sùng bái của họ là tạo dựng ra những đồ vật đẹp, nghệ thuật chính là kẻ sáng tạo thời hoàng kim.Nguồn gốc nghệ thuật ở đây. Nghệ thuật là sự sùng bái, có nghĩa là những đồ vật đẹp, những bài hát, những thi phẩm hay tô điểm thế gian, làm tăng asa-điều thiện.

 

Ở con người, đẳng cấp, dân tộc Tolték sự sáng tạo thời hoàng kim là có ý thức. Họ tạo ra màu sắc, âm thanh, từ ngữ, đồ vật trong các hình dáng  nghệ thuật và do nghệ thuật, tất cả đều tinh tế hóa, thánh thiện hóa, biến thành frasa, thành niềm hứng khởi, và trở về nơi ban đầu, từ nơi nó bị rớt xuống, trở về tay Thượng đế. Nghệ thuật là sự sùng bái: sự sáng tạo của người nghệ sĩ là asa: vì cảm hứng , vì sắc đẹp, niềm vui của thế gian mà nghệ thuật ra đời.

 

Ở những dân tộc lớn như Mexico, Inka, Ai cập, Hy lạp,  Mặt trời-asa là hình ảnh tượng trưng. Mặt trời-asa ánh sáng. Sự sùng bái mặt trời chỉ có thế này: như sự sùng bái thời hoàng kim. Sự phục vụ ánh sáng. Ánh sáng, Mặt trời, asa-vàng- không thể là sở hữu của cái TÔI cá nhân, mà của toàn nhân loại. Của nhân loại thời hoàng kim.

 

Asa-điều thiện!- Niềm hứng khởi!

                                                                                                                           

( Budapest.2012.07.08)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2908
Ngày đăng: 02.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 13 - Nguyễn Quỳnh USA
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 12 - Nguyễn Quỳnh USA
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 11 - Nguyễn Quỳnh USA
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 10 - Nguyễn Quỳnh USA
Tìm-Hiểu Lí-Thuyết Fê-Bình Trong Xã-Hội Và Chính-Trị - 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 9 - Nguyễn Quỳnh USA
Quan Niệm Tam Tài Với Con Người - Nguyễn Văn Thọ
Cổ Tích Da Đỏ - Nguyễn Hồng Nhung
Tìm-Hiểu Lí-Thuyết Fê-Bình Trong Xã-Hội Và Chính-Trị - Nguyễn Quỳnh USA
Bàn Về Vẻ-Đẹp Và Nét-Sáng-Tạo Của Những Vật Tầm-Thường - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)