Buổi sáng se se. Không nghe tiếng hót, anh mở tấm vải che chiếc lồng tre và thấy cái xác chim đã rũ tự lúc nào, trong đêm qua. Không hiểu sao, trang sách cũ tự dưng trở về: “Người thì sẽ chết. Aristote là người. Aristote sẽ chết”. Chút kiến thức về môn luận lý thời trung học chỉ còn lưu lại trong trí não chừng ấy. Mà không chỉ có luận lý học: vạn hữu rồi cũng đứng trước điều ấy. Vì sao ư? Vì đó là Sự Thật Vĩnh Cửu!
*
Thời gian là sự thật, nơi bôi - xóa, giấu - che và hiển - lộ tất cả. Trong nghĩa ấy, thời gian là lịch sử. Lịch sử được làm nên từ những ánh rực rỡ và những lặng thầm, trên đường đi của nhân loại. Dẫn những định nghĩa đến cuối nẻo suy nghiệm, thì, lịch sử là… những bộ xương: Cái Chết. Ấy tuy nhiên, điều đó không hề là một nhận thức nhuốm màu bi quan chủ nghĩa; bởi, con người vẫn biết phân định, đâu là lưu xú - đâu là lưu phương. Dưới góc nhìn tôn giáo, Chết không phải là hết mà chỉ chấm dứt một giai đoạn sống. Dưới nhãn quan lịch sử - xã hội, thì còn đó, người bình dân nào quên nhắc nhở: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Có ai không muốn giữ thơm? Nào người thích ghi vết xấu? Thuở chưa có nhiều phương tiện lưu giữ, con người đã biết khắc vào đá, vẽ lên mu rùa, ghi trên da thú… Như thế, Thời Gian vừa là sự lãng quên nhưng đồng thời cũng là nét ghi không mờ. Và cũng như thế, Lịch Sử là sự hủy diệt nhưng cũng lại là nguồn tái tạo. Như nét hiển minh của vũ điệu thần Shiva trong Ấn Độ giáo…
Và, anh thầm hỏi, trước cái chết, có ai không sợ hãi? Muôn đời không. Và, để chống lại cái chết, ngày xưa, có những vị vua chúa đã từng “say như mộng”, mê tìm thuốc trường sinh đến mức “quên sống”, đánh rơi chính hạnh phúc giản dị vốn nằm ngay trong đời thực. Rồi lan man, lại chợt nhớ đém một tập sách của Tây Tạng mà một người phương Tây đã dịch là “Tibetan book of the Dead”. Sách nói về những điều cần biết và cần làm trong giai đoạn của một người sắp ra đi và khoảng thời gian sau khi xác thân không còn hơi thở, nội dung mang tính chất tôn giáo. Người dịch sách đã bị ám ảnh đến mức không hiểu được rằng, sách đề cập cái chết, chính là để nói về sự sống…
Mà, sao anh cứ phải cà kê mãi về sự chết, giữa một buổi sáng xuân non? Bởi, “ai chẳng biết”, đang sống, cũng là đang chết đó sao? Vậy thì, “hệ luận” tất yếu chẳng lẽ không phải là, Cần - Phải - Sống - Vui hay chăng? Bởi, ngay ở cái thời khắc mà thói thường thiên hạ vẫn gọi - là “đau thương” ấy, chính khi ấy, chính cái chết, kỳ lạ thay, lại trở thành “một suối nguồn nâng đỡ to lớn; nó thực sự ban cho ta niềm hy vọng…”
*
Anh cầm xác chim ra khỏi lồng, chậm rãi bỏ vào cái túi ny lông. Ở thành phố, không còn cách “mai táng” nào khác: anh bỏ túi vào thùng đựng rác. Phải chi có khoảng sân nhỏ, anh sẽ chôn chim dưới một gốc cây. Nhưng mà, nghĩ cho cùng, dù có tiễn đưa theo cách nào, cũng chỉ là chuyện thuộc về tập quán: hỏa táng, địa táng, thủy táng rồi không táng, tùy từng nơi, từng cộng đồng người. Và hình thức, thì ngay bên cạnh kiểu cách này, vẫn tồn tại khuôn mẫu kia: bên bờ sông Hằng, vừa mói vài tháng trước, ngay cạnh lò hỏa táng, anh đã nhìn thấy người ta thả thẳng một thây người xuống dòng nước sông thiêng ấy. Với chính người vừa tăt thở và những người thân trong gia đình, thì đấy là một trong bốn điều hạnh phúc lớn nhất đời họ: được chết ở sông Hằng…
*
Bên lan can nhà hàng xóm, cô thiếu nữ xinh đang tỉa tót dò hoa vừa chớm hé: có lẽ, cô đang nghĩ đến một niềm vui nào đó. Cô biết, niềm vui vốn ít ỏi, nên nó càng đáng nâng niu biết bao. Như giọt nước long lanh còn đọng lại nơi cánh hoa này. Như trên xanh cao kia, mây đang bay về nơi nào khác…