Hôm nay tuần tra biên giới. Bao nhiêu năm ở đây, Hải đã quen. Quen từng cánh rừng, từng dòng suối, bản làng. Hải nghĩ là mình sinh ra ở đây. Còn thành phố chỉ là nơi ở tạm của cái thời thiếu niên. Thành phố có rất nhiều ánh sáng nhưng tăm tối cũng nhiều. Chỉ có nơi đây là đời sống của Hải.
Chầm chậm rồi đứng lại bên dòng suối, mang lá thư ra. Đọc rồi gấp, Hải tần ngần, lại đọc.
Thư viết. Mùa tuyển sinh vừa xong. Con đỗ vào đại học, điểm cao nhưng không phải là thủ khoa. Hai mươi năm qua, nhìn vào ai cũng bảo em là người hạnh phúc. Gia đình giàu có, chồng thành đạt. Ai biết được hai mươi năm em đã nén nhịn, chấp nhận sống gửi mà chỉ riêng em biết. Em đã sống với sự bần cùng của tình cảm. Em đã sống giả tạo.
Em muốn khóc, nhưng em kể hết rồi em sẽ khóc.
Anh ạ. Ngày đó, khi về làm dâu. Chồng em không phải mẫu người của em yêu. Mỗi lần đến, anh ta đều ngồi trên xe. Ngày yêu nhau, chúng em loanh quanh cà phê, quán ăn. Khi đã thành vợ chồng em mới để ý thật kỹ. Chồng em hay mặc com lê, đi tất giãn. Bố chồng dáng thoăn thoát. Trong mỗi bữa ăn ông hay kể câu chuyện mà trước kia ông đã từng trải qua. Ông biến hóa khôn lường. Khi cần ai ông lụy đến cùng. Ông là nhà báo tỉnh lẻ kiêm nhân viên quảng cáo. Ông viết bài lăng xê, ông khen người đó có dáng ngồi, điệu cười, lời nói mã thượng mang tầm vóc văn hóa người làm kinh doanh. Trong các bài viết của bố chồng em, mấy ông chủ doanh nghiệp nổi lên như triết gia, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách có tầm chiến lược. Bố em từng viết một bài báo thật hay về vương quốc dâu tằm tơ Bảo Lộc, một bài bút ký về ngành xi măng gắn kết các công trình, một bài báo về ngành mía đường ngọt ngào hướng tới tương lai, mấy bài bút ký viết riêng cho giám đốc. Trong câu chuyện của năm xưa, của mười năm xưa, của hai mươi năm xưa... vị này sinh ra để làm những điều vĩ đại. Các bút ký đăng rải rác trên các báo, chắc chắn họ sẽ hài lòng vì có bài viết khen. Em mắc bệnh tiếc tiền cho người khác, trong chuyện này em tiếc giấy mực. Thế nhưng bố chồng em là người thành công. Bài viết có tài trợ. Nhờ tài trợ, bố em đưa gia đình từ miền quê về Hà Nội. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Chồng em học xong đại học cũng đi theo lối tư duy “tùng, bách” bố em. Chồng em, giọng văn phát thanh, khen giám đốc theo kiểu tường thuật trực tiếp. Em phàn nàn, thất vọng đọc bài viết. Chồng em bảo tất cả vì tiền. Sao anh ta không tự nhận là năng lực kém. Rồi em ngờ ngợ luận văn tiến sĩ xào nấu. Chờ lâu lắm mà chưa được bảo vệ nên thiu. Lại phải phong bì dày.
Với mẹ chồng, khi bà còn là một bà giáo dưới quê. Bà kể câu chuyện nhà giáo lúc hai mẹ con nấu cơm chiều. Bà hay nhờ học trò đến giúp gia đình làm cỏ vườn, đôn cau, thau nước giếng. Bọn nó choăn choắt nhưng khỏe. Có lần, đứa học sinh đến làm giúp, đến trưa mới xong việc. Nó nằm bẹp trong ghế dài một lúc rồi gượng dậy đi, mẹ hỏi nó bị sao thì nó lắc đầu không nói, mấy đứa bạn bảo chắc thằng này bị đói, trong chạn vẫn còn cơm nhưng mẹ đã lờ đi như không nghe. Cơm đó là của chồng con. Học trò về, giữa đường mệt vì đói lả, hai hôm sau nghỉ học. Mẹ không ân hận mà muốn đền bù cho. Bài tập làm văn mẹ cho điểm 8. Bạn bè khen lao động tích cực nên được điểm cao! Thằng bé xấu hổ bỏ học. Em lặt rau muống, nghe chuyện. Một luồng gió buốt lạnh băng qua. Con quỷ.- Em buột miệng.
Biết chuyện em có vài mối tình trước khi lấy chồng. Bà thở dài, cả đời bà chỉ yêu có một người và lấy người ấy làm chồng. Yêu nhiều đâu phải tốt. Từ đó bà bóng gió con nhà nọ, cháu nhà kia.. tốt số lấy được vợ ngoan hiền. Em cũng khen chồng chị nọ, phu quân của cô kia đi vững, đứng đẹp. Bà nguýt ngoát, giọng xa vời, tốt cây xấu củ. Nhà em, nhà báo. Báo bố, phóng viên con viết bài ca ngợi nhà máy xi măng phụt khói lên trời. Xê ri năm mươi bài viết nâng đời cho chợ thành trung tâm thương mại, xóa đi linh hồn chợ quê lều tranh. Cái ụ bê tông mái tôn lộp dộp vẫn ca ngợi có.. hồn. Mười mấy bài hoan ca bệnh viện.. giết người. Trường học, ủy ban xã vênh vác trên mặt báo bằng những câu sêu của hàng rong bến xe. Mấy ông bà giáo viên bóc lột sức lao động của học trò được ca ngợi là rèn người đến nơi đến chốn. Đó là sự đồng điệu, làm tiền.
Ở nhà em toàn đọc những bài báo của bố chồng. Bài nào em cũng tấm tắc khen hay! Em tha hóa để sống. Chồng em, tính tình giống mẹ. Mẹ chồng ra chợ như người nghiên cứu thị trường. Bà mua mớ rau muống, câu đầu tiên là hỏi rau có bèo không. Bà bán rau mấy hôm bị mẹ em mở hàng, ế quá nên hậm hực. Mẹ em điệp khúc: Rau có bèo không? Nó cầm mớ rau dí vào mặt, mù à. Mẹ cun cút đi.
Chồng em ăn xong chẹp mồm liên tục. Bố chồng ngậm điếu thuốc lá thỉnh thoảng nhếch mép khói bắn ra, tính tính toán toán mấy cái quảng cáo, tài trợ. Dì bên chồng gọi điện sang ăn lẩu. Chú ấy chơi chứng khoán thu về 5 tỉ đồng mua nhà, mua xe. Có hai vợ chồng, hai mụn con gái, ba căn nhà. Con gái đắt chồng đấy. Dì vẫn lo lắm, vẫn thu vén gia đình. Dì khoe. Ở cơ quan liên hoan xong dì thu gom nước với rau sống cho vào túi bóng mang về. Dì nhăn mặt, có ăn uống được gì đâu. Mẹ khỏa nắm rau trong túi bóng cho vào rổ, dốc nước còn thừa đun sôi, miệng càm ràm. Rau này ăn tốt đây. Rau ngoài chợ toàn thuốc trừ sâu, phân hóa học.
Điệp khúc đi công tác, ký hợp đồng, quen mất rồi. Chuyến đi Nam, có lãi. Chồng em bảo bố viết bài đăng ở báo con. Bố bảo, tao viết xong rồi, bố nhìn sang em tủm tỉm, con dâu đọc giúp bố tí. Em nhìn chồng, sao bố không nhờ… tiến sĩ. Tiến sĩ gương mặt trắng nhợt nhạt trong ánh sáng điện nê ông hệt như xác ướp. Em đọc một lèo mấy bài viết. Bài thứ nhất kể về ông giám đốc quê Hải Hậu, Nam Định. Giọng văn véo von. Anh sinh ra ở vùng quê gạo tám thơm ngon nổi tiếng nhất đồng bằng sông Hồng. Chính từ cái vùng đất này đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, kết tinh anh thành một nhà doanh nghiệp tài ba, quyết đoán. Có lúc doanh nghiệp của anh đã đứng bên bờ vực của phá sản, nhưng do cách nghĩ, cách làm, cách nắm bắt thị trường anh đã vực dậy, đi lên. Em chẹp miệng, ông hỏi bài thế nào. Em đáp, bất hủ! Ông cười. Bài thứ hai, giọng văn đã định. Ông giám đốc sinh năm nhâm tí. Trai đinh, nhâm, quý thì tài, anh đúng là con người hội tụ khí đất khí trời sinh ra để làm… giám đốc. Liếc thấy tít bài, ông phân trần. Bố phải cắn nát cái bút bi mới viết được như thế đấy. Bài thứ ba, không phải trai Hải Hậu, không phải trai đinh, nhâm, quý. Ông giám đốc này quê xứ Thanh. Ông vào đầu bài viết: ấy là anh không thuộc hàng can chi thuận, nhưng anh có bản lĩnh của trai xứ Thanh. Như một câu ca từng nói trai Thanh, chè Thái, gái Tuyên. Quả là danh bất hư truyền… Đến đây em xin dừng đọc, bố ơi bài này tài trợ bao nhiêu. Ba chục, ba chục con ạ. Chồng mày cắt lại cho bố 70% đấy. Mày sinh cho bố một thằng cháu đích tôn đi. Bố cho tiền vào bệnh viện Việt- Nhật mà đẻ.
Em thở dài đi về phòng ngủ. Cảm giác chòng chành vô định. Em giống như một người đi thử việc đã lâu mà vẫn chưa chứng minh năng lực của mình, chưa được ký hợp đồng, chưa được đóng bảo hiểm. Ai có thể hiểu được rằng cái hợp đồng chưa được ký lỗi không phải ở em mà là người ký.
Một lần đi du lịch em mới quan sát dáng chồng em. Dáng đi chẹo vẹo. Em ngồi xuống đám cỏ và tự trách mình qua mấy lần yêu mà sao chọn chồng vẫn lầm nhỉ. Bước chân vào hạnh phúc gia đình em đã chọn giải pháp an toàn. Vì quá nương vào giải pháp nên đáp số đi trệch. Tiếc. Giá như chọn một cuộc phiêu lưu biết đâu sẽ tốt hơn. Nhưng thôi. Nếu trời cho đứa con trai nó không lặp lại cái dáng thoăn thoắt của bố chồng thì lại rơi vào cái dáng chẹo vẹo của chồng. Lấy đâu ra cầu thủ, vận động viên. Rặt những bài báo nhàm chán. Em ngu. Tính toán cho hạnh phúc của em mà lại không tính toán hạnh phúc con em. Em buồn quá. Trong nỗi cô đơn em đã làm một chuyến đi xa.
Đêm hôm đó ngồi bên đống lửa bên góc rừng, anh đã kể chuyện Mường. Đêm Mường, đêm của bao đời tối tăm, thẳng hoặc le lói ánh lửa hồng của bó đuốc, của bếp lửa. Tất cả chỉ là một quầng sáng nhỏ nhoi giữa rừng sâu thăm thẳm. Trong màn đêm lẻ loi, người ta chỉ khao khát, chỉ chờ đợi một... vầng trăng. Mỗi mùa trăng qua đi, nỗi buồn ập đến. Nỗi buồn như tấm khăn đen, như cánh rừng đầy ma lực. Trong đêm, người ta chẳng biết làm gì, ngoài việc uống rượu và nói lầm bầm cho đến say mềm bên bếp lửa. Em đã thèm cảm giác... say.
Giữa núi rừng mịt mùng em không thấy mình cô đơn. Hôm sau theo anh đi qua dòng suối. Không một bóng người, chỉ có rừng và suối chảy. Đứng bên dòng nước em muốn viết cho mình một câu chuyện...
Về Hà Nội. Em đã khóc. Em đã không can đảm ở lại núi rừng. Em đã khóc vì đời em có quá nhiều ràng buộc. Rồi lòng lạnh băng. Em đã sinh con. Ba năm sau nghe tin anh về phép và em đã bồng con về ngoại. Lại một lần nữa chúng ta đến với nhau. Bây giờ hai con đứa đã lớn. Chồng em cũng tiến thân trong xã hội. Còn em, em đóng vai một người phụ nữ tử tế. Hai đứa con đó chỉ có em biết... Anh tha thứ cho em. Tình yêu! Đó là tình yêu!…
*
Bất chợt nhìn lại nơi Hải đã sống. Hơn hai mươi năm qua đã đổi thay nhiều.../.