Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.254
123.155.576
 
Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên
Lữ Quỳnh

 

Trước hai ngày xuống tàu để vượt biên, vào khoảng tháng 11 năm 1981, Nguyễn Mộng Giác đã lặng lẽ ngồi chờ tôi đi làm về ở một quán cóc ngay dưới chân chiếc cầu gỗ xóm Chùa. Gọi là đi làm, chứ thực ra tôi được người ta thuê ngồi bán vỏ xe trên đường Trần Hưng Đạo, mà tiền lương không đủ để đong gạo cho gia đình. Lúc tôi đạp xe xuống dốc cầu, Giác ra đường gọi tôi lại. Hai anh em vào quán. Quán vắng, hiu hắt nắng cuối thu. Trước mặt là giòng kênh nước đen Nhiêu Lộc. Giác nói nhỏ vừa đủ tôi nghe :

 

- Mình sắp đi rồi, đi với Gin. Mình muốn đem theo Hải. Quỳnh thấy thế nào?

 

Tôi bàng hoàng, không ngờ anh lại có ý định khó khăn như thế. Giác nói tiếp :

 

- Chủ tàu là bạn học của Nhung. Hãy đến nhà nói với cô ấy là anh Giác chịu đem hai cháu đi. Mình tin thế nào cô ta cũng bằng lòng. Gấp lắm rồi, nói Nhung gặp ngay tối nay.

 

Rồi anh vội vã ra về. Tôi ngồi lặng nhìn theo anh dắt xe qua cầu, lòng ngổn ngang lo lắng. Chuyến đi đó của Giác, tôi không gửi theo con trai được. Chủ tàu từ chối vì con nít nhiều quá, mà mọi việc đã chuẩn bị xong cả rồi.

 

 

Chân dung Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường vẽ.

 

Tuần lễ trước đó anh thường ghé chỗ tôi ở, cho xem bản thảo viết tay Sông Côn Mùa Lũ, bảo tôi đọc vài chương, nhưng tôi không thể nào tập trung đầu óc để đọc được. Anh đem tặng tôi tập truyện ngắn của Chekhov và cuốn Doctor Zhivago bìa bọc vải, anh nói để làm kỷ niệm. Thời gian này  Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Chí Kham thường lui tới thăm anh ở nhà Thị Nghè.

 

Mấy tuần sau Diệu Chi báo tin vui là Giác đã tới đảo. Tôi nhớ thời gian này chị phải đối phó, “đóng kịch” với công an phường về sự vắng mặt của anh thật khó khăn.

 

Năm 2000 tôi đến Mỹ, xuống thành phố San Jose. Chỉ hơn tuần sau, Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Bá Trạc đến thăm. Giác từ Orange County lên, còn Trạc lúc này đang làm việc ở báo Viet Mercury. Hai bạn đưa tôi đi ăn, ghé thăm nhà vợ chồng Trạc, cô vợ người Phần Lan của anh rất dịu dàng. Trước khi chia tay, Giác và Trạc còn bàn với nhau kiếm cho tôi một việc làm. Sau này mỗi lần về Quận Cam, tôi đều gọi phone cho Giác ra đón. Lúc này anh đang làm tờ Văn Học. Một mình anh vừa đánh máy, vừa layout, vừa đem in và gửi báo qua bưu điện cho độc giả dài hạn. Công việc nhiều, nhưng qua anh, tôi thấy thật gọn nhẹ.

 

Ở San Jose hơn một năm, tôi bị nghỉ việc nên về Việt Nam nghỉ ngơi. Trong thời gian này anh Giác chuẩn bị làm số Văn Học Tưởng Niệm Trịnh Công Sơn, nhắn tôi lấy giúp bài của các bạn trong nước. Gặp Bửu Ý  đang có sẵn bài Đèn Thắp Thì Mờ, tôi vội lấy gửi qua cho anh. Số báo Văn Học này có thể nói là một tập hợp những bài viết rất giá trị. Nguyễn Mộng Giác vui lắm, có lần anh nói, có lẽ đây là tuyển tập nghiêm túc và trang nhã nhất nhận định về Trịnh Công Sơn. Số Văn Học đặc biệt này đã tuyệt bản từ nhiều năm trước.

 

Từ Việt Nam về lại Mỹ, không kiếm được việc làm ở San Jose, tôi lấy vé máy bay đi Houston, ở đó người cháu đã kiếm được việc làm, lo luôn cả chỗ ở cho tôi rồi.

 

Trước khi đi, tôi quyết định xuống nam Cali thăm bạn bè. Lại phone Nguyễn Mộng Giác lái xe đón về nhà. Tôi báo với Giác là mình sẽ di chuyển qua Texas, anh không nói gì nhưng có vẻ tư lự . Đến lúc, vào một buổi sáng ngồi uống cà phê với Nguyễn Chí Kham, Tạ Chí Đại Trường, Hoàng Khởi Phong… Nguyễn Mộng Giác mới lên tiếng báo các anh về quyết định của tôi. Anh Giác khuyên tôi không nên rời Cali, các bạn cũng đưa ra nhiều lý do để tôi bỏ ý định, nào khí hậu bên đó không thích hợp cho sức khỏe, nào sinh hoạt văn học này nọ… vân vân và vân vân. Nhưng vấn đề chính vẫn là công việc? Thế rồi các bạn hứa sẽ tìm việc làm cho tôi ngay tại đây. Chỉ vài ngày sau anh Giác tìm ra một địa chỉ nhận giới thiệu việc làm cho các hãng, đó là Cambodian family, nơi anh Tôn Thất Ngự làm việc. Anh Ngự rất vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ đồng hương. Anh lái xe đưa chúng tôi đến nhiều nơi để hỏi việc. Cuối cùng, vợ chồng tôi được hãng Craftech tuyển dụng. Tôi làm ca ba từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng; Nhung làm ca một từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mỗi buổi sáng chúng tôi chỉ kịp vẫy tay chào nhau, rồi người vào ca, người về nhà ngủ. Một hai năm sau, anh Tôn Thất Ngự nghỉ hưu. Anh đã dành thời gian  này để sáng tác. Với bút hiệu Ngự Thuyết, anh đã cho xuất bản nhiều tác phẩm giá tri. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở nhà Giác.

 

Biến cố tháng 4-75 đã để lại nhiều vết xước trong tâm hồn thế hệ chúng tôi. Có quá nhiều gia đình mất mát, đổ vỡ, ly tán. Một lần Nguyễn Mộng Giác lái xe đưa tôi về từ nhà xuất bản Văn Mới, chúng tôi đã chia sẻ với nhau, ngẫm cho cùng thì tụi mình may mắn thật, đã có những người vợ vượt qua bao khó khăn gian khổ, trong thời gian vắng chồng vì tù tội, mà vẫn nuôi dạy con cái nên người. Sự hãnh diện này dành cho những người chồng may mắn.

 

Giữa năm 2003, Nguyễn Mộng Giác nghỉ việc sau rất nhiều năm chỉ làm cho một hãng. Nhờ thời gian rảnh rỗi này, anh đi khám sức khỏe tổng quát và sau nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ phát hiện anh bị ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình lo nhưng cũng mừng vì biết bệnh sớm thì hy vọng chữa khỏi nhiều hơn. Tháng 8 năm đó, anh được giải phẫu lần đầu tiên ở bệnh viện City of Hope. Tôi vào thăm anh, lúc anh còn nửa tỉnh nửa mê vì thuốc. Những ngày này anh chị Châu Văn Thọ vào thăm anh thường xuyên. Ca mỗ thành công. Sau khi xuất viện, Nguyễn Mộng Giác rất lạc quan, vài tháng mới tái khám môt lần, và lần nào cũng tạm ổn cả. Công việc của anh bây giờ là lo tờ Văn Học và đi chơi casino. Tại những sòng bài này chúng tôi đã đóng tiền điện nước không ít cho họ. Giác nói vào các casino mới thấy không ở đâu bình đẳng bằng ở đây. Tôi và Tạ Chí Đại Trường thỉnh thoảng tháp tùng anh với Diệu Chi. Tôi nghĩ không có cặp vợ chồng nào bình đẳng như của anh chị. Diệu Chi gọi anh bằng tên. Nhung với Chi là học trò của anh ở trường Đồng Khánh. Tôi hỏi anh lúc đi dạy, anh đã phê học bạ của hai cô này thế nào? Anh nói, mình phê chăm và ngoan, mà cho đến bây giờ mình vẫn thấy các cô chăm và ngoan thật. Chúng tôi cười vui với nhau. Tôi thích không khí ở casino nhiều hơn là ngồi kéo máy. Chọn một quầy rượu, gọi chai bia ngồi nhìn thiên hạ đi lại, đủ màu da, đủ quốc tịch. Đúng như anh Giác nói, không ở đâu bình đẳng và thân thiện như ở đây!

 

Kể từ lần giải phẫu đầu tiên cho đến vài năm gần đây, Nguyễn Mộng Giác phải nhập viện nhiều lần nữa. Sức khỏe anh có lúc rất tồi tệ, tưởng như không qua khỏi, nhưng rồi anh gượng được. Tôi nhớ một lần họp mặt tân niên ở nhà anh, mồng 2 tết năm 2010, có anh chị Võ Phiến, các anh Trúc Chi, Tôn Thất Khoát, Tạ Chí Đại Trường và vài cặp vợ chồng khác nữa. Không khí bữa ăn im ắng. Anh Võ Phiến luôn với nụ cười hiền, bao dung, ít nói. Nguyễn Mộng Giác ngồi ở đầu bàn cũng ít nói, cầm đũa mà không ăn. Giữa bữa, Giác kêu mệt, một bạn dìu anh vào phòng nghỉ. Quanh bàn ăn nhìn nhau ái ngại. Trưa hôm đó nhiều máy ảnh được bấm liên tục. Có bạn nói nhỏ, không biết tết sang năm có còn đông đủ thế này không? Ai cũng lo cho Giác vì thấy anh yếu quá. Thế mà rồi anh lần lữa qua thêm hai cái tết nữa. Mệt, ngồi dậy không nổi nhưng có bạn đến thăm hoặc phone, bao giờ anh cũng nói chuyện như người khỏe, khoe cái gan của mình bác sĩ bảo tốt rồi và nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Anh bệnh nhưng không nghĩ đến cái chết. Đôi khi còn dí dỏm với cuộc đời. Có lần anh đề nghị anh Trường chở chúng tôi ra Factory, quán cà phê mà anh em thường ngồi. Anh yếu ớt đưa tay chào lại bạn bè. Anh nhìn quanh rồi nói, cái quán này càng ngày càng vắng thêm nhiều khuôn mặt. Anh muốn nhắc đến những bạn bè văn nghệ từng ngồi đây mỗi ngày, đã vĩnh viễn ra đi.

 

 

Ảnh: Từ trái qua phải: nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhà thơ Đặng Hiền, nhà thơ Nguyễn Tiến Đức, nhạc sĩ Cao Thanh Tùng, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, nhà văn Lữ Quỳnh, Song Thao (Santa Ana, California, 12/2006)

 

Sau gần mười năm ở nam Cali, chúng tôi về lại San Jose. Thời gian này tôi liên lạc với Nguyễn Mộng Giác qua điện thoại. Suốt thời gian sống gần nhau, chúng tôi đã trao đổi đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, đến chuyện trong nước ngoài nước. Có lần tôi nói với anh, điều mà tôi không nói với ngay cả gia đình, về Sự Chết. Ở tuổi anh em mình chẳng cần phải húy kỵ gì nữa, là sau này khi chết đi xin được hỏa thiêu và rải tro xuống một sông, biển nào đó. Cát bụi trả về sông nước. Anh Giác cười, thì cuối cùng phải thế thôi.Tôi cũng cười, tôi không biết tro của mình sẽ rải xuống sông biển nào, còn anh đã có sông Côn ở quê nhà, không phải sông Côn mùa lũ, mà là một sông Côn ngày nắng đẹp.

 

Và rồi anh nằm xuống. Anh giã từ bạn bè vào một ngày đầu tuần, đầu tháng : 22 giờ 15, ngày 2-7-2012 tại Westminster, Orange County. Tôi không  tiễn đưa anh lần cuối cùng được. Mấy mạch máu não của tôi trở chứng phù lên và tôi bận làm cho nó xẹp lại.

 

Nhung, cô học trò chăm và ngoan của anh, đã thay tôi tiễn anh, hai ngày ngồi với chị Diệu Chi và các cháu. Chị đã quá vất vả nhưng lúc nào cũng vui vẻ chăm sóc anh gần mười năm nay. Các con tôi ở Sài gòn gửi điện thư chia buồn, không những với cô giáo cũ Diệu Chi, mà còn với ba me về sự ra đi của bác Giác.

 

Trong nỗi buồn về sự thiếu vắng Nguyễn Mộng Giác từ đây, tôi lại thấy thấp thoáng nụ cười hiền, bình an của anh ở một cõi nào, không phải là nơi có bão rớt với những mùa biển động như ở trần gian.

 

San Jose, 7-2012

 

 

Lữ Quỳnh
Số lần đọc: 2208
Ngày đăng: 08.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang Thang Trong Những Rừng Ma - Nguyễn Hàng Tình
Sơn La Ký Sự 7 - Nguyễn Khôi
Lê Hoàng Hoa: Người dựng nên lịch sử ngành truyền hình không chỉ của Việt Nam Cộng Hòa - Lê Hải*
Nốt Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn La Ký Sự 6 - Nguyễn Khôi
Trường Sa Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
Nước Mắt Lâm Tặc - Nguyễn Hàng Tình
Một vài kỷ niệm sống động - Nguyễn Đăng Trúc
Sơn La Ký Sự 5 - Nguyễn Khôi
Sơn La Ký Sự 4 - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Bóng tối dưới hầm (truyện ngắn)
Sông sương mù (truyện ngắn)
Chỉ có kẻ còn lại (truyện ngắn)
Cõi yên nghỉ (truyện ngắn)
Cát vàng (truyện ngắn)
Cuộc Chơi (truyện ngắn)
Ngõ Cụt (truyện ngắn)
người tù (truyện ngắn)
Mùa Xuân Hư Vô * (truyện ngắn)
Cam Lâm (thơ)
Ngõ cụt (truyện ngắn)