Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
562
123.246.841
 
Rút lại lời phê
Phương Nam

Chữ viết xấu quá!

Vừa chấm bài, Vũ vừa bực bội thốt lên khi gặp phải một bài làm của học sinh có chữ viết xiêu vẹo, nguệch ngoạc.

Đã từ lâu rồi mỗi khi ngồi vào bàn chấm điểm bài làm cho học sinh Vũ đều tập trung chú ý bám sát thang điểm, đáp án để chấm sao cho thật khách quan. Gặp bài nào ý tứ chưa mạch lạc, câu, từ trúc trắc khó hiểu, Vũ cũng chịu khó đọc kỹ tìm ý chính, tìm nội dung với tinh thần “đãi cát, tìm vàng” để cho điểm và khuyến khích những học sinh có nhiều cố gắng, có hiểu bài song diễn đạt chưa tốt.

Thường khi chấm xong xấp bài của mỗi lớp Vũ mới sắp xếp lại theo thứ tự và lúc đó Vũ mới chú ý đến họ tên của học sinh để ghi lời phê và ghi điểm vào sổ tay. Vũ nghĩ rằng làm như vậy việc chấm điểm mới vô tư hơn, nếu xem họ tên học sinh rồi mới chấm bài có khi bị cảm tính chen vào làm ảnh hưởng.

Đối với các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa... thì việc chấm bài thường có tính khách quan cao, còn đàng này Vũ lại dạy Văn – một bộ môn khoa học xã hội do vậy tính chủ quan của người chấm bài là vấn đề cần chú ý để khắc phục, hạn chế sự thiên lệch. Việc đó đã trở thành thói quen của Vũ và là một thói quen tốt.

Tuy nhiên, Vũ rất dị ứng  với những bài làm có chữ viết xấu, cẩu thả, mất nét. Mỗi khi có dịp Vũ thường nhắc nhở học sinh của mình:

- Các em phải biết rằng đối với học sinh, văn hay chữ tốt thì mới thật là hay, văn hay mà chữ xấu thì không thể nói là hay được.

Hoặc:

- Nhìn chữ viết biết tính người! Các em phải chịu khó rèn chữ viết sao cho nét chữ đẹp, con chữ ngay ngắn, chân phương. Đồng thời với việc rèn chữ viết các em sẽ rèn được các đức tính tốt khác cho mình.

Có lúc cao hứng, Vũ kể cho học sinh nghe  các mẩu chuyện vui có ngụ ý phê phán cách viết chữ cẩu thả, câu cú lộn xộn dẫn đến hiểu lầm, gây hậu quả không tốt, đại loại như chuyện “cướp cò súng” thành ra “cướp có súng”; “cấm xả rác” thành ra “cần xả rác” hoặc chỉ thị “trâu, bò cày kéo không được giết thịt” lại bị đổi ra là “trâu bò cày kéo không được, giết thịt”... Mỗi lần như vậy cả lớp được dịp cười rộ vui vẻ nhưng cũng rất thấm thía, tâm đắc với những bài học tế nhị của Vũ.

Có lẽ vì thế mà nhiều học sinh đã nghe lời Vũ nắn nót lại chữ viết cho nên các lớp có giờ dạy của Vũ đều có học sinh viết chữ đẹp, chữ tốt, số học sinh viết chữ xấu giảm dần. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng Vũ vẫn phải gặp bài làm chữ viết xấu của học sinh. Vũ thường cho rằng bài chữ xấu của học sinh có nhiều nguyên nhân như do giấy xấu, viết xấu, mực không tốt hoặc bài làm dài, học sinh viết không kịp đành phải viết nhanh nên viết tháu, viết ẩu. Trong các bài như vậy thì điều khó chịu nhất đối với Vũ là những học sinh có thói quen viết chữ xấu, chữ tắt, viết sai chính tả đã lâu rồi bây giờ sửa chữa lại rất khó, nhiều lúc Vũ suy nghĩ:

- Biết làm sao được! Việc rèn chữ viết là ở bậc Tiểu học, bây giờ học sinh đã học lớp mười một, mười hai rồi, mình chỉ cố gắng giúp đỡ sửa chữa được phần nào hay phần ấy thôi. Có lẽ do mẫu chữ viết cải cách giáo dục không có yêu cầu cao về thẩm mỹ cho nên cả giáo viên và học sinh đều xem nhẹ yếu tố này trong dạy, học hàng chục năm nay rồi bây giờ để lại hậu quả.

Vũ nhớ lại ngày xưa, cái thời Vũ đi học lớp vỡ lòng, lớp năm (lớp một bây giờ) học trò phải tập đồ, tập viết đến mỏi tay, viết cả  bằng tay lẫn bằng miệng vẫn chưa xong. Đến khi nộp tập viết cho thầy hoặc viết bảng mà sai nét, sai chữ, tập vấy bẩn thầy còn dùng thước gỗ, roi tre khẻ vào tay đau buốt đến chảy nước mắt mà không dám khóc. Xong giai đoạn tập viết thì đến giai đoạn rèn chữ viết cho đẹp, phải tập viết nét đậm, nét nhạt, chữ nghiêng, chữ đứng, chữ hoa, chữ thường, viết đúng chính tả, đúng câu... Khi viết phải dùng viết ngòi lá tre, mực bình, viết vài ba chữ lại phải chấm mực một lần, không được dùng viết  máy. Khó khăn, khổ luyện như vậy  nên có nhiều học sinh viết chữ rất đẹp và viết đẹp cho đến già.

Bây giờ điều kiện, phương tiện, nội dung, mục đích dạy học đã có nhiều thay đổi, tiến bộ rất xa rồi, không còn như ngày xưa của Vũ nữa. Khối lượng kiến thức các môn học rất nhiều mà thời gian học mỗi ngày chỉ một buổi, vì vậy học sinh phải học nhanh, viết vội thì mới kịp. Nhưng dù sao đối với Vũ, học sinh không viết chữ đẹp thì cũng phải viết to đều, rõ chữ, rõ nét, từ ngữ, câu cú phân minh, nhất là trong học tập  môn Văn của Vũ.

*                         *

                                                              *

Năm học này, trường của Vũ tiếp tục thiếu giáo viên. Vũ vừa dạy hơn hai mươi tiết ở trường mình lại phải nhận dạy gần mười tiết cho các khối lớp mười, mười một nhô * ở một trường Trung học cơ sở cách đó hơn mười ki-lô-mét. Vũ phải đi đi, lại lại giữa hai trường để dạy mỗi tuần. Với gần mười lớp, hơn ba trăm học sinh, Vũ phải giảng dạy, chấm trả bài khá vất vả. Nhiều lần sau khi chấm bài xong, Vũ đọc nhẩm tên từng học sinh  có bài hay, bài kém mà không hình dung được đó là học sinh nào.

Hôm nay Vũ lại bực mình khi chấm xong một bài kiểm tra của học sinh có chữ viết quá xấu. Xem họ tên ghi trên giấy, Vũ ngẫm nghĩ:

- Trần Minh Tâm, lớp 10A2 ở điểm trường Trung học cơ sở! Lần trước khi kiểm tra đầu năm hình như mình đã có phê là chữ viết xấu, cần rèn luyện lại chữ viết. Tháng trước đây cũng vậy, bài này nữa là ba, cả ba bài đều là của Trần Minh Tâm mà thôi! Cả học kỳ rồi mà chưa có tiến bộ gì, chữ viết vẫn như cũ.

Vũ định đặt bút phê nhưng còn đắn đo.

- Tên thì không nhầm rồi! Nhưng Trần Minh Tâm là em nào? Có lẽ là em học sinh ngồi cuối  dãy bàn bên phải lớp 10A2 hay mặc áo dài tay quá khổ, khi ra chơi ít chịu chơi đùa đứng riêng một góc và thường cho tay vào túi quần thì phải.

Chợt nhớ ra có mấy lần Vũ định trong dịp trả bài kiểm tra cho học sinh sẽ nhắc nhở cho Tâm về chữ viết xấu tại lớp để rút kinh nghiệm, song các cơ hội như vậy lần lượt lại qua đi do Vũ quên, Vũ quá bận.

- Thôi! Đành dùng lời phê mạnh mẽ hơn để tác động đến học sinh  vậy. – Vũ nghĩ.

Với một chút nóng nảy, Vũ ghi lời phê:

“Chữ viết như cua bò không đọc được.

Phải sớm khắc phục và rèn luyện chữ viết cho tốt hơn”.

*                        *

                                                              *

Ngày 20/11, Vũ đến dự kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại điểm trường Trung học cơ sở...

Đến phần học sinh tặng hoa cho thầy cô giáo, Vũ chú ý nghe rõ mấy câu từ phía người điều khiển chương trình:

- Sau đây xin mời các em: Trần Minh Tâm, Nguyễn văn Phúc, Lê Thị Hiền... đại diện cho các học sinh vượt khó học tốt của khối học sinh cấp 3 đến tặng hoa cho thầy cô giáo.

Đối diện với Vũ là Trần Minh Tâm, da ngăm, mắt sáng đang tươi cười trao bó hoa tươi thắm cho thầy. Vũ vui vẻ nhận hoa và chìa tay phải ra trước mặt Tâm. Tâm rón rén nhận cái bắt tay với thầy. Vũ bỗng sửng sốt khi nhận thấy bàn tay phải của Tâm có cái gì là lạ giống như hai gọng kìm của một càng cua, yếu ớt kẹp lấy tay mình. Nhìn xuống, Vũ phát hiện ra bàn tay của Tâm chỉ còn có hai ngón.

Sau buổi lễ, mọi người ra về, Vũ hẹn gặp Tâm nơi phòng giáo viên, Vũ ân cần thăm hỏi:

- Bài kiểm tra môn Văn mới trả lại em có xem lời phê của thầy chưa? 

- Dạ! Em đã đọc.

- Thầy thành thật xin lỗi em về điều đó. Thầy không hiểu rõ được em có những khó khăn như thế nào khi viết, khi làm bài cho nên đã có những lời phê quá cay độc, nhẫn tâm! Thầy xin lỗi em!

- Thưa thầy!... Sao thầy lại làm như vậy. Em không dám. Thầy có phê gì đi nữa cũng là mong muốn dạy dỗ cho em học tốt mà thôi chứ đâu phải là ác ý. Chính em mới là có lỗi vì đã không gặp thầy báo cáo với thầy về hoàn cảnh của em và đã ba lần thầy đã nhắc nhở em chứ có ít đâu mà em vẫn im lặng... Mong thầy tha lỗi cho em. Em xin lỗi thầy!

- Tâm này! Lỗi là lỗi, thầy có lỗi, thầy xin lỗi em một cách thành thật, em đừng có ngại... Thầy rút lại lời phê, kể từ nay em có thể quên lời phê ấy đi... Bây giờ! Nếu được em có thể kể cho thầy nghe về những khó khăn của em khi viết như thế nào. May ra có cách gì đó nhà trường có thể giúp đỡ thêm cho em.

Qua lời kể, Vũ được biết Tâm nhà nghèo, mùa  hè vừa qua đã cùng gia đình đi suốt lúa mướn, không may bị bánh răng máy nghiến bàn tay phải. Tâm hoảng hốt dùng chân và tay trái chống chọi lại, thời may người ta tắt máy kịp thời nhưng tay phải bị mất ba ngón, chân và tay trái bị xây xát mới vừa được lành lặn trước khi khai giảng. Do vậy, Tâm phải viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải nên chữ xấu. Ngừng một lát Tâm nói thêm:

- Em đang tập viết bằng tay trái. Bây giờ em có thể viết được bằng cả hai tay, nhưng tay trái viết tốt hơn. Em sẽ cố gắng, chẳng bao lâu nữa em sẽ viết chữ đẹp như mọi người bằng tay trái thầy ạ!

- Thầy hoan nghênh em rất nhiều! Chúc em sớm thành công.

- Cảm ơn thầy. Thưa thầy! Em chào thầy. Em về trước thầy ạ!

- Ừ! Thì em về. Cảm ơn em.

Còn lại một mình trong phòng, chưa về vội! Vũ vừa uống trà vừa nghĩ ngợi:

- Mình dạy nhiều giờ, nhiều lớp quá khó có thể chăm sóc học sinh cho tốt được. Dạy văn cũng là dạy người. Mình đã vô tâm không chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện, tâm lý của học trò mình thì làm sao đánh giá đúng được những tiến bộ, khó khăn trong học tập, rèn luyện để giúp chúng nó hình thành, phát triển nhân cách. Cũng may và kịp thời, nếu không mình đã làm hằn thêm nỗi đau và mặc cảm của Tâm và vô ý khuấy đục một tâm hồn.





Phương Nam
Số lần đọc: 2129
Ngày đăng: 25.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con chim xanh định mệnh - Hồ Tĩnh Tâm
Tiếng bước chân - Anh Động
Chung kết - Anh Động
Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ
Mùa đông ấm áp - Nguyễn Thị Thu Huệ
Tiếng vạc sành - Phạm Trung Khâu
Tình quạ - Phạm Trung Khâu
Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán
Ông già xay lúa - Sơn Nam
Rạn vỡ - Hoàng Thu Dung
Cùng một tác giả
Mùa bông điên điển (truyện ngắn)
Thổi quốc (truyện ngắn)
Bông súng trắng (truyện ngắn)
Chim trời cá nước (truyện ngắn)
Lương sư trăn trở (truyện ngắn)
Con ma chòm mả lạng (truyện ngắn)
Nhắp vịt (truyện ngắn)
Rút lại lời phê (truyện ngắn)
Thương con (truyện ngắn)