Pierre Đại đế, tiếng Nga Пётр Великий (1672-1725) là người đã tiến hành cuộc cải tổ vĩ đại ở nước Nga Sa hoàng, làm cho nước Nga trở thành một đế quốc hùng cường. Sau khi trở thành cường quốc, Nga muốn tìm một lối thoát ra biển để tranh giành ảnh hưởng với các nước Tây Âu. Thoát ra Đại Tây Dương thì bị Anh chặn, thoát xuống Địa Trung Hải thì bị cả Anh và Pháp chặn ở eo biển Dardanelles, lên phía bắc thì Bắc Băng Dương đóng băng quanh năm. Nga chỉ còn một cách là ngoi qua phía Đông, vượt Sibérie mà ra Thái Bình Dương. Khoảng giữa thế kỉ 17, Nga đã tiến tới Hắc Long Giang (sông Amur) rồi bị Mãn Thanh chặn lại, hai bên ký với nhau Điều ước Nertchinsk (tiếng Nga: Нерчинский договор) vào ngày 27 /8/1689. Theo điều ước này Nga chấp nhận từ bỏ khu vực phía bắc Hắc Long Giang để giữ lấy khu vực giữa sông Argun và Hồ Baikal. Vào thời vua Đạo Quang (vua nhà Thanh trị vì từ năm 1821 đến 1850) nhân lúc Trung Quốc có nội loạn, Nga tìm cách lấn thêm đất. Nga lập thêm nhiều đồn doanh ở Hắc Long Giang, cắm cờ Nga, nhận là đất của Nga. Đến năm 1858 nhà Thanh đương bối rối vì loạn Thái Bình Thiên Quốc, Nga ép Trung Quốc ký với họ Hiệp ước Ái Huy. Đây là một hiệp ước bất bình đẳng, theo đó Trung Quốc phải nhượng cho Nga tất cả mọi vùng đất ở phía bắc sông Hắc Long Giang cùng với một phần lãnh thổ ở phía đông sông Ussuri. Năm 1860 Trung Quốc buộc phải ký với Anh và Pháp Điều ước Bắc Kinh. Nga viện lý do đã có công làm trung gian giúp nhà Thanh trong cuộc thương lượng với Anh và Pháp nên đòi ghi thêm vào Điều ước 15 khoản nữa. Những khoản chính có thể kể ra như sau:
1. Miền Đông sông Ussuri cho tới bờ biển thuộc hẳn về Nga,
2. Mở một nơi ở Tân Cương cho Nga lập thương điếm,
3. Thương nhân Nga được tự do ra vào Bắc Kinh.
Người Trung Hoa coi những khoản đó là nhục nhã nhất. Không tốn một viên đạn, không mất một tên lính mà Nga chiếm thêm được trên 2.000.000 dặm vuông, cổ kim chưa có trường hợp ngoại giao nào kỳ cục như vậy.
Thấy dễ ăn quá, mà miếng nào cũng ngon cả, Nga lại càng dấn tới. Năm 1871 (đời vua Đồng Trị), mặc dầu chẳng có loạn gì cả, Nga cũng viện cớ để duy trì sự trị an ở biên cảnh, tiến quân vào Y Lê, tuyên bố “tạm chiếm Y Lê, đợi khi nào nhà Thanh có đủ khả năng cai trị miền đó thì sẽ trả lại”. Y Lê là tên gọi một vùng đất xung quanh lưu vực sông Y Lê (Ili river). Sông này bắt nguồn trong dãy núi Thiên Sơn, chảy về phía đông một đoạn ngắn rồi đột ngột quay về phía tây, sau đó vượt hơn một nghìn cây số trước khi đổ vào Hồ Balkhas (Озеро Балхаш). Bảy năm sau, vào năm 1878 (đời vua Quang Tự) sau khi đã bình định được Tân Cương, nhà Thanh xin Nga trả lại Y Lê. Nga không chịu. Từ Hi Thái Hậu chuẩn bị chiến tranh với Nga. Nước Anh đứng ra dàn xếp để hai bên ký Điều ước Y Lê ở kinh đô Nga:
- Trung Quốc phải bồi thường 9 triệu rúp quân phí cho Nga.
- Cắt nhường miền Tây Y Lê cho Nga.
Vậy là bỗng dưng Trung Hoa mất thêm trên 660.000 dăm vuông ở biên cương Tây Bắc vào tay Nga.
Tất cả những biến cố lịch sử tôi kể ở trên để lại những dấu ấn sâu sắc trong các thế hệ người Trung Quốc, chỉ chờ có cơ hội là bùng phát. Trận đánh ngày 2/3/1969 giữa một đơn vị biên phòng Xô Viết và các lực lượng Trung Quốc xảy ra ác liệt trên hòn đảo Damansky (Остров Даманский) nằm giữa dòng sông Ussuri đã đẩy hai nước đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Vào thời gian ấy tác giả bài viết này là học sinh sĩ quan của Trường Tên lửa Phòng không Minsk (Минское Высшее Инженерное Зенитное Ракетное Училище). Tám giờ sáng ngày Thứ hai 3/3/1969 viên thiếu tá người Nga phụ trách hành chính Đoàn học sinh Việt Nam với vẻ mặt căng thẳng đứng trước hàng quân báo tin chẳng lành và trao cho chúng tôi một tập báo Sự Thật (Правда), mỗi tờ kèm theo 4 trang phụ trương in hình ảnh xác các binh lính và sĩ quan Xô Viết, cái cụt đầu, cái bị xẻo tai xẻo mũi với đủ cách hành xử dã man thời trung cổ. Và ngày nay những cái đầu nóng ở Trung Nam Hải đang toan tính thu hồi lại những lãnh thổ bị mất vào tay Nga Hoàng từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Nhiều tuyến đường bộ đang được thi công từ lãnh thổ Trung Quốc hướng về phía biên giới Nga, được đổ bằng bê tông, có khả năng vận chuyển các trang thiết bị và vũ khí quân sự. Khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng để vận chuyển lực lượng, trang thiết bị, vũ khí đến dọc biên giới Nga, Trung Quốc sẽ không có trở ngại nào nếu muốn thực hiện tập kích tấn công chiến lược. Nếu chiến tranh xảy ra, chỉ trong vòng 2-3 giờ, quân đội Trung Quốc có thể chiếm lĩnh được thành phố Khabarovsk. Khi thành phố này bị chiếm thì con đường sắt trên sông Amur cũng bị chiếm, các tuyến đường bộ, đường sắt khác trên con sông này cũng bị chiếm giữ. Như vậy, khu vực Viễn Đông sẽ hoàn toàn bị chia cắt. Trên thực tế, Nga không có năng lực để giúp đỡ khu vực này. Phần lớn trang thiết bị quân sự, vũ khí ở khu vực Viễn Đông rất lạc hậu, lực lượng lại mỏng; vì vậy lá chắn bảo vệ vùng Đông Siberia và khu vực Viễn Đông hầu như bị bỏ rơi. Trung Quốc có từ tên lửa chiến lược cho đến vũ khí tấn công hiện đại. Tên lửa của Trung Quốc có thể bắn tới thủ đô Moskva và thành phố Hạ Novogorod. Còn các khu vực khác như Ural, Đông Siberia, Kamtratka và Viễn Đông đều nằm dưới tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc. Máy bay Trung Quốc có thể tự do ra vào tại khu vực này bởi vì trên thực tế ở đó Nga không có lực lượng bảo vệ. Các tàu chiến của lực lượng Hải quân Trung Quốc về số lượng và chất lượng đã đuổi kịp và thậm chí còn vượt cả Nga. Tàu ngầm của Trung Quốc có thể tự do ra vào gần hải phận của Nga. Quân đội Trung Quốc có 2,250 triệu người, nhưng khi chiến tranh xảy ra, con số này sẽ là 208 triệu người. Quân đội Trung Quốc nếu bắt đầu tấn công theo đường bộ và đổ bộ hàng không thì họ sẽ nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn tại khu vực này và có thể tấn công đến vùng Ural và vùng đất Nga ở Châu Âu.
Thủ tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) đã nói: "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn". Đọc lại những trang sử viết về sự cạnh tranh sinh tồn khốc liệt mạnh được yếu thua giữa người Nga và người Trung Quốc từ thế kỷ 17 cho đến nay tôi bái phục ông này đã để lại cho đời một câu nói bất hủ. Còn trong Bài ca mùa xuân 1961 ông Tố Hữu viết: Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau. Thật là ngây thơ! Và không hiểu đó là ngây thơ thật hay là ngây thơ cụ.