Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.139.636
 
Ngôi Nhà Số 2501 Đường Alvin
Hồ Thị Mộng Loan

 

Chúng tôi trở lại ngôi  nhà số 2501 sau chín tháng trở về quê . Khoảng sân rộng để xe phía trước nhà đã đầy xe ô tô đậu thẳng tắp theo thứ tự. Những cây cao xanh lá cuối xuân tỏa bóng mát dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Sát bên đường dẫn vào nhà là một dãy hàng rào hoa thấp màu tím ngát. Cổng nhà là hai lớp cửa kính đóng kín một màu xanh. Những bông hoa nâu đỏ và vàng nhạt nghiêng bên thềm. Thật yên lặng ngoài một chút gió lao xao..

 

Bước vào sảnh, nhận ra  ngay một mùi thơm quen thuộc - mùi cà phê- thật dễ chịu . Lòng chúng tôi thì rộn ràng mà chung quanh thì rất im ắng. Không gian đẹp và ấm cúng nhờ nụ cười của cô tiếp tân và những bông hoa tươi thắm trong lọ viết, trên bàn xa-lông và bên cửa sổ.Trên trần treo đèn và những lẳng hoa giấy nhiều màu.

 

Chúng tôi đi vào phòng ăn. Phòng rộng có nhiều bàn tròn lớn, mỗi bàn có ba hoặc bốn người đều ngồi trên xe lăn. Má đang ngồi ờ bàn số 2 từ trái vào. Má mừng rỡ.  Chúng tôi ôm Má. Má ờ đây đã mười một tháng kể từ ngày ở bệnh viện về. Má cũng đang ngồi trên chiếc xe lăn mà Má sử dụng rất thành thạo.  Má và mọi người đang chờ được phục vụ  bữa ăn trưa. Trên cổ Má và mọi người đã được mang tạp dề màu tím nhạt vừa giặt và sấy xong đang còn hơi ấm. Ngồi chung bàn với Má là hai người bạn chung nhà, một bà và một ông. Người đàn bà trẻ tuổi hơn Má (năm nay Má đã 94 tuổi ) và người đàn ông cũng vậy nhưng trông tiều tụy và một tay thu vào trong áo. Cả hai đang gục đầu xuống ngực ngủ ! Phòng ăn chứa khoảng mười bàn tròn để cách nhau, có để dành lối đi rộng cho những chiếc xe lăn dễ di chuyển. Nhìn quanh hầu hết đều ngủ gục!! Một vài người thức lơ đãng nghe nhạc hòa tấu  êm dịu từ chiếc TiVi lớn phát ra.

 

Chúng tôi rộn ràng mừng vui gặp Má làm khuấy động một chút không khí yên lặng trong phòng khiến vài  người còn thức đưa mắt nhìn. Các cô phục vụ đang đặt những tấm lót bàn ăn bằng nhựa in nổi hoa văn  màu trắng trước mặt mỗi người. Má cười với các cô và luôn miệng “Thank you”. Bữa ăn được lần lượt dọn ra cho từng người . Chúng tôi để ý thấy các khẩu  phần ăn đều  khác nhau. Phần ăn được đặt trong khay nhựa màu nâu, bưng đến trước mỗi người mới sắp ra trên tấm lót bằng  nhựa trắng. Kèm theo thức ăn là một tờ giấy có ghi tên người ăn và số lượng thức ăn được chuẩn bị theo chỉ đạo của chuyên viên y tế và dinh dưỡng cho riêng từng người. Bữa ăn trưa nay  của Má  gồm có một ly sửa nhỏ không béo, một ly nước trái cây màu đỏ (có thuốc bổ),  một ly nước nóng có nắp đậy kèm một gói trà hòa tan, và  một chén  cocktail  trái cây cắt miếng nhỏ. Dĩa thức ăn chính  gồm một miếng thịt gà hầm mềm bằng bốn ngón tay , một chén cơm nhỏ úp tròn và cà rốt, su bông xanh luộc mềm. Chúng tôi khen Má ăn giống ngồi ăn ở nhà hàng quá! Má dùng nĩa và muỗng để xúc thức ăn. Má ăn miếng gà trước, sau khi đã cẩn thận gạt da gà qua một bên. Ăn một ít cà rốt và một phần tư chén cơm. Vừa ăn Má vừa uống sửa và nước trái cây. Trà thì chúng tôi đã bỏ vào  tách nước sôi trước khi ăn .

 

Má ngồi ăn khoan thai, không nhanh và cũng không chậm như vài người khác cùng ăn. Thỉnh thoảng nhìn quanh mọi người . Hôm nay có chúng tôi Má vui lắm. Má còn gọi cô phục vụ, xin cho chúng tôi nước uống nữa. Má nói  “Các con thấy phòng ăn đẹp không?”. Mà đẹp thật.Trên trần trang hoàng bằng những lẳng hoa và đèn bằng bìa được xếp rất mỹ thuật với  nhiều màu sắc tươi vui. Trên bàn ăn nào cũng có một bình hoa nhỏ. Má nói “Ở đây rất đầy đủ, món ăn  thay đổi từng bữa và từng ngày, có đủ cả gà, tôm, bò, heo, cá, mà lạ quá , ở nhà Má cứ bị phù hoài mà vô đây Má không bị phù .(Má đưa tay cho chúng tôi xem). Má bị gout ở nhà không được ăn thịt bò .Rứa mà vô đây họ cho Má ăn lại không sao! Chắc tại ở nhà mình ăn mặn, thường cho nước mắm với bột ngọt vô thức ăn nên Má hay bị đau.Từ ngày vô đây rất ít uống thuốc rứa mà Má lại không đau!”. Má nói tiếp  “Các con không nuôi và chăm sóc Má được như ở đây đâu.  Dẫu có nuôi người chăm sóc phụ cũng không được. Ở đây bao nhiêu người phục vụ Má , lo tắm cho Má một tuần hai lần, thay drap giường, phơi nệm, lo ăn uống, giặt giũ, thuốc men. ..Các em ở bên này ngày nào cũng  thay phiên nhau vào thăm Má. Má thấy Má sống như ri thiệt tốt .”  Trong lúc Má nói, tôi nhìn người đàn ông ngồi trước mặt Má. Phần ăn của ông  gồm một dĩa cơm với  thịt bò và rau củ, một trái chuối, ly sửa nhỏ, và tách trà . Một tay ông vẫn để dưới áo, một tay đưa trái chuối lên miệng, dùng miệng lột vỏ, cứ cắn một miếng chuối ông lại để xuống cầm muỗng xúc cơm ăn. Khi hết trái chuối, ông uống trà và không ăn cơm nữa. Dĩa cơm còn  hơn một nữa. Nét mặt buồn thiu, không hề nhìn lên …Bà ngồi bên trái Má thì lại ăn cái gì mà toàn đựng trong ba bốn cái chén để trước mặt, bà nhìn vào một cái chén, rồi đưa muỗng múc ăn một chút,  rồi lại đưa muỗng qua múc chén khác. Bà  đều đặn cứ thế  một cách uể oải. Khi nãy trước khi ăn, cô nhân viên phục vụ đã đánh thức bà hai lần bà mới dậy ăn. Tôi nhìn bà mĩm cười làm quen nhưng bà nhìn dững dưng như không hề thấy và không cười đáp lại. Má nhìn bàn ăn, còn nhiều thức ăn quá! Má nói bâng quơ  “Ở đây mà nuôi một con chó con hí!Thấy uổng quá!” Tôi nhìn Má cười. Sao Má lại nghĩ nuôi một con chó trong hoàn cảnh này nhỉ? Bao giờ Má cũng là một người phụ nữ biết tiện tặn, không hoang phí dù chỉ là một ít thức ăn thừa .

 

Bàn cạnh Má về bên phải có hai người đàn bà và một người đàn ông tương đối  còn trẻ.  Người đàn bà có trang điểm son phấn, trông dáng còn khỏe mạnh  tuy chắc chắn là  cũng đã qua 75. Bà ăn uống chậm rãi, bên cạnh có một túi xách lớn máng vào xe lăn. Qua giọng bà gọi cô phục vu lấy ly nước, tôi biết bà người Huế. Bà cũng ngồi xe lăn nhưng khi gọi cô phục vụ không được, tôi thấy bà đứng dậy ra bàn  lấy nước. Bà ngồi ngắm ba cái ly giấy màu trắng ở trước mặt, bà đổ nước từ ly này sang ly kia rồi lại sang ly thứ ba. Làm xong ngắm nghía một hồi bà lại đổ nước trở lại như cũ. Hai ba lần như thế rồi bà lấy hai ly bỏ vào túi xách, để một ly lại trên bàn.Tôi nhìn Má,  thấy Má cũng đang nhìn bà. Má nói bà sợ mất giấy tờ, đồ đạc nên đi đâu cũng bỏ vô  túi xách đem theo một bên. Một bà khác ngồi bên cạnh bà Huế quay lưng lại phía tôi nên không biết bà làm gì. Người đàn ông trẻ, nhìn còn tráng kiện, da dẽ hồng hào, đầu hơi nghiêng xuống bên phải, môt tay cũng bỏ trong tạp dề. Anh ta dùng muỗng xúc cơm bằng tay trái một cách khó khăn.

 

Phía trái bàn Má ngồi là một bàn có bốn người, ba người đàn ông và một người đàn bà đang nghẹo đầu ngủ. Người đàn bà được đánh thức hai lần không dậy. Khay thức ăn để nguyên như lúc vừa dọn. Ba người đàn ông ăn uống khá hơn, họ  chỉ bị băng ở chân nên họ tự ăn bằng muổng nĩa và ăn có vẻ ngon lành. Cả ba đều là người Mỹ, có một người khỏe mạnh còn trẻ, ăn rất khỏe phần mì của mình cùng kem, sữa, trái cây. Mặt mày trông tươi vui. Nghe em tôi nói anh chàng ni cũng phá làng phá xóm dữ lắm, cuối cùng bị tai nạn, người ta đưa vô đây, cho ở luôn đây nuôi ăn không mất tiền.Thật là một lối quản lý khá tốn kém,nhưng nhân đạo

 

Chúng tôi đưa Má về  phòng ngủ sau khi Má ăn hết chén trái cây và uống trà . Má không cho chúng tôi đẩy xe. Má nói để Má tự đi. Hai chân má chọi xuống đất như đang bước, tay Má vịn  trên vòng che bánh hai bên xe. Má đi nhanh, vừa đi Má vừa đọc số phòng Má  đang ở “One One Nine”(119) liên tục làm mấy cô nhân viên đi ngược lại cũng đọc theo Má và chào Má rất vui vẻ. Một cô y tá người Phi biết chúng tôi là khách mới đến thăm, dừng lại chào Má và giải thích ngày mới đổi phòng, sợ đi lạc  nên Má học thuộc số phòng để nếu lạc thì nhân viên đưa má về. Gặp ai Má cũng chào. Ai làm gì cho Má , Má cũng cám ơn.  Nhìn Má thật là thoải mái vui tươi.  Chúng tôi mừng lắm !

 

Về đến phòng 119, Má vào phòng vệ sinh, chúng tôi muốn giúp Má nhưng Má không cho. Má tự đứng dậy khỏi xe lăn, chậm chậm vịn vào vách tường để bước qua bồn đi vệ sinh, rữa tay, súc miệng,  rồi ngồi lên xe  tự đi ra giường ngủ .

 

Cùng nằm một phòng với Má là một bà nhỏ thó,  trắng trẻo mà năm trước vào đây, chúng tôi đã gặp bà vừa ngồi trên xe vừa đạp hai chân di chuyển trên hành lang  vừa nói lớn “Chào cô, Chào cô”. Bà chỉ nói chừng ấy tiếng và đưa tay về phía chúng tôi. Bây giờ bà nằm một chỗ trên giường, cách Má một tấm màn xanh. Thấy người vào, bà cũng kêu có vẻ khẩn thiết như năm trước “Cô, Cô” và đưa tay về phía chúng tôi.  Má nói bà vẫn thường kêu như vậy khi thấy có người. Người ta làm vệ sinh cho bà, hay khi đút cho bà ăn, bà đều kêu la, tiếng la nghe sốt cả ruột ,vừa la “Ê. Ê” vừa “Cám ơn cô,cám ơn cô!!” rối rít. Tôi nghe tiếng bà kêu  la mà không hiểu nổi là bà đau,  hay có nhu cầu muốn giao tiếp tuy không còn nói được bình thường!  Không thể giúp bà điều gì  vì không phải nhân viên sợ phạm nội quy, tôi chỉ  nhìn bà, nói  “Chào bà “ rồi quay mặt đi,  không khỏi có chút ngậm ngùi thương xót cho kiếp người. Má không thấy phiền vì tiềng ồn do bà ấy kêu la. Má  nói với lòng bao dung và thông cảm “Bà không làm chi được, không thể tự mình ăn và  đi vào phòng vệ sinh, nên nhân viên phải thay tả và đút cho bà ăn. Vì vậy, Má vô ra phòng vệ sinh một mình không phải chờ đợi như hồi ở phòng cũ, và cũng có thể tự giữ sạch sẽ hơn”. Nói xong,  Má lại chép miệng “Ở đời không có gì là hoàn hảo, được cái này thì mất cái kia …Thấy bà cũng tội,  con cái ít vào thăm nên thấy ai bà cũng kêu! .

 

Má lên giường ngủ trưa. Chúng tôi ra về sau khi đã treo bức tranh Mục đồng trong hoàng hôn lên mặt tường trước mặt, để Má có thể thường xuyên mở mắt ra là nhìn  thấy. Đây là  món quà duy nhất  từ Việt Nam  mà Má thích. Khi nghe tin chúng tôi sắp qua thăm, Má nhắc chúng tôi đem qua  cho Má  bức tranh có đồng lúa và chú bé chăn trâu đi về trong ánh hoàng hôn. Má vẫn thích buổi chiều thôn dã, và mới năm ngoái đây thôi, lúc còn ở một mình, những đêm không ngủ được, Má dậy lấy tập vở và bút, ngồi chép lại không sai một chữ  bài thơ “Trời chiều bãng lãng bóng hoàng hôn “ của Bà Huyện Thanh Quan mà Má học và thích từ gần 90 năm trước! Với bức tranh này, từ đây Má sẽ luôn có hình ảnh quê hương bên cạnh trong lúc không thể về để nhìn cảnh thật mà Má khao khát!

 

Chúng tôi phải đi thật mau ra khỏi phòng, sợ đánh thức người bạn cùng phòng của Má. Bước đi mà lòng cứ xốn xang! Kiếp người sao mà khổ quá !

 

Hằng  ngày, chúng tôi đến thăm Má hai lần vào buổi ăn trưa lúc 11 giờ 30 và buổi ăn chiều lúc 17 giờ 30. Vào sâu trong hè, khi ngày dài thêm, giờ ăn buổi chiều được đẩy lùi đến 17 giờ 45. Khi không có chúng tôi, các em  cũng thường đến giờ này, vừa thuận tiện cho người đi thăm và cũng không gây trở ngại cho hoạt động chăm sóc. Chúng tôi đến chỉ  ngồi nhìn Má ăn, không cần trợ giúp, nhưng mang đến cho Má niềm hạnh phúc đoàn tụ của bữa ăn gia đình. Má cũng biết điều đó, và cũng không dấu được niềm hãnh diện so với các bạn cùng cảnh ngộ chỉ ngồi ăn trong lặng lẽ. Riết rồi cái phòng ăn này và dãy ghế bọc nệm nâu đỏ sát tường sau lưng các bàn ăn trở thành nơi quen thuộc với chúng tôi.

 

Má luôn đến trước giờ ăn rất sớm, ngồi ở chỗ cố định, đọc báo, đọc sách, chép thơ hoặc nhìn mọi người xung quanh đang nghẹo đầu ngủ ! Má đang nghĩ gì vậy Má? Phòng ăn có hai cửa sổ lớn có kính, nhìn ra phía trước là bãi đậu xe rộng và xa xa là đường Alvin gần khu chợ Lion quen thuộc của cộng đồng người Việt. Từ chỗ Má ngồi nhìn ra , thấy bóng xe ô tô chạy qua và lá cây lay động. Cuộc sống ngoài kia và trong này khác nhau quá ! Ngoài kia nắng gió lao xao, trong này mát lạnh và chỉ nghe  tiếng nhạc nhè nhẹ thay cho tiếng nói cười .

 

Má nhìn quen nên Má có đôi mắt thản nhiên khi tôi rõi theo Má .Còn tôi ,tôi thấy sợ và buồn! Một cái gì nghẹn ngào không tả được cứ nặng nề ở ngực.Tuổi già rồi sẽ như thế này ư? Ai cũng sẽ trải qua như thế này sao? Làm sao hiểu nổi một bà cụ cứ ôm mãi con búp bê bằng vải khư khư trong tay sợ người ta lấy mất. Các cô nhân viên  đẩy xe  cho bà vào ăn cơm,  bà la hét đến nổi phải để bà yên với con búp bê vải!..Tiếp tục sẽ là gì đây nữa, bà ơi? Có một hôm, ở bàn bên phải của Má, người đàn ông trẻ có cô con gái chừng hai mươi tuổi đến thăm.Tôi đưa mắt nhìn anh và mừng thầm cho anh. Người con gái thấy tôi nhìn, e lệ và lúng túng bỏ ra đứng ngoài cửa. Đến lúc thức ăn dọn ra em mới vào đút cho cha ăn. Em còn dại quá nên đút cho cha ăn mà mắc cở nên trông rất là ngượng ngập. Còn người cha thì cứ nhìn nghiêng  về một phía, không một chút để ý, hết muỗng cơm này đến muỗng kia, nhai… nuốt ...

 

Khi ăn xong bữa, mọi người  lần lượt rời  phòng ăn để nhân viên dọn dẹp vệ sinh cho các sinh hoạt kế tiếp. Đa số  các ông bà trở về phòng riêng, nhưng một số người chọn  ngồi  lại trên hành lang trước phòng làm việc của các nhân viên, đa số là các cô, để nhìn các cô làm việc và người qua lại. Mỗi lần đưa Má về phòng, tôi phải đi qua trước mặt các người bạn chung nhà của Má. Họ  ngồi trên xe lăn, với nhiều kiểu ngồi khác nhau, ngước nhìn chúng tôi một vẻ vừa thờ ơ vừa tội nghiệp! Trong số đó,  có anh bố trẻ ngồi trước cửa phòng nghiêng đầu nhìn mọi người. Tôi muốn cười chào anh mà không dám. Nét nhìn của anh (trông anh  khoảng bằng tuổi em trai  tôi) cho tôi cảm giác anh không muốn thương hại! Một chút thắc mắc: vợ anh đâu nhỉ? Thoáng qua trong tôi là một bi kịch gia đình khi anh bị đột quị?

 

Tôi phải xua đuổi những ý tưởng tiếp nối qua từng hình ảnh trước mắt. Nếu không chắc tôi sẽ điên mất! Tôi nghĩ  “Mình thua Má! Má đúng là người can đảm!”. Má không hề sợ, không hề phàn nàn, Má tươi cười với mọi người. Má chào hỏi người bạn thân thương của Má là một phụ nữ người Tây ban Nha hay Bồ ĐàoNha gì đó, khoảng 75-80 tuổi, luôn luôn mặc quần jean,áo pull và khoác áo gió, chống gậy đi quanh suốt ngày. Bà rất đẹp lão, trông còn tráng kiện, không nói chỉ nhìn và cười với Má. Bà đưa tay bẹo má của Má và bao giờ Má cũng cầm tay bà đưa lên môi hôn và cám ơn bà. Tình bạn già thiệt dễ thương. Đâu cần phải nói với nhau mới có sự cảm thông. Ngắm hai người nhìn nhau, cười với nhau, nắm tay nhau, đã giải tỏa trong tôi bao điều đau xót. Ở đâu có tình thương, ở đó có mùa Xuân. Má vui  nhờ những niềm vui nhỏ. Má trở nên bao dung hơn với cuộc sống, nhờ tình người xung quanh. Chúng tôi đã thấy Má đổi khác như thế. Ở đây, ngay chốn này: Ngôi nhà chung 2501 đường Alvin.

 

Ngày thứ bày và chủ nhật là hai ngày rộn ràng nhất ở đây. Nhiều người thân, bạn bè, con cháu đến thăm hoặc đón các ông bà  về nhà đoàn tụ với gia đình,  hoặc đưa đi dạo phố ở các khu mua sắm,  ra công viên thở hít không khí thiên nhiên trong lành, hoặc đi ăn ở nhà hàng, mặc dù hàng tháng người ta vẫn đưa mọi người đến nhà hàng ở gần  để thưởng thức món ăn tùy thích. Má khoe tuần rồi Má ăn hoành thánh tôm. Má nói lần sau Má sẽ ăn bún thịt nướng. Sau giờ ăn, chúng tôi  thường ngồi chơi với Má ở phòng khách ngay tiền sảnh. Má rất thích hoa tươi cắm ở đây. Má nói họ thay hoa hàng ngày.  Hai hồ nuôi cá cảnh hình cầu  được gắn một nữa vào tường rất mỹ thuật, mấy con cá vàng  lượn lờ rất đẹp mắt trong đám rong xanh. Chúng tôi khuyến khích Má tự bước đi, và Má đẩy  xe đi bộ một vòng quanh phòng khách, tươi cười chụp hình với chúng tôi. Má còn cài một băng đô nhỏ lên tóc cho khỏi xỏa xuống trán.

 

Bên góc cửa sổ phía  tay phải của phòng khách, có một thanh niên đang cho cháu bé nằm trên xe bú sữa, tay chân cháu bé đạp lung tung, mắt nhìn một người đàn ông ngồi trên xe lăn quay lưng lại phía chúng tôi. Người đàn ông ngồi im bất động, đầu nghiêng về phía đứa bé. Má nói mới tuần trước ông còn khỏe lắm, không hiểu  vì sao bây giờ lại trông yếu …?Tôi hỏi người thanh niên: Ông cụ có biết cháu không ? Dạ biết nhưng không nói được .Ông nhớ cháu nội nên đem cháu vào thăm. Một tay anh đẩy xe cho cha, một tay anh đẩy xe cho con đưa cha về phòng. Em gái tôi nhìn theo và nói  “Cô con dâu nào đây cũng tốt lắm mới để cho chồng đem con vào đây thăm cha!” Tôi nhìn theo hình ành thật đẹp trước mắt của ba thế hệ : ông nội ngồi xe, cháu cũng nằm trên xe ,người đẩy hai chiếc xe là sự chuyển tiếp của hai giai đoạn trong cuộc đời con người !

 

Những ngày đến thăm Má, tôi đều có những cảm xúc khác nhau khi ra về. Tôi không nhìn vào mắt những người xung quanh nữa.Vì đôi mắt nào cũng làm tôi rưng rưng! Rưng rưng vì nghẹn ngào và rưng rưng vì vui mừng. Không còn sợ hải vì những cái chân bị thương đang băng bó, những nét mặt bị biến dạng vì bịnh tật, tai nạn và thời gian, những  tiếng kêu la và …cả sự im lặng không bình thường! Tôi vui mừng vì những nụ cười và vẻ nhanh nhẹn của những người phục vụ. Họ là  những đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, Mỹ, Mễ, Phi, Việt, da trắng, da đen, da vàng .., tất cả luôn luôn làm việc với nét tươi vui và với thái độ sẳn sàng giúp đở.  Bổn phận là một việc không liên quan gì đến tình người. Những tiếng gọi “má” hay “mama” thân mật, những nụ cười thân thiện trong lúc đang làm  những công việc dơ bẩn, nhọc nhằn mà người bình thường không dám làm. ..Không có tình người thì khó làm tốt bổn phận. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã ghê sợ lúc ban đầu.

 

Đi  ngang qua trước mặt những người bạn chung nhà của Má đang ngồi  trên xe lăn dọc hành lang với vẻ tiều tụy, tôi cám ơn Trời Phật đã cho Má khỏe và sáng suốt. Má còn rất minh mẫn, còn nhớ rất nhiều những chuyện xưa, còn biết hài hước trong cuộc sống và vui vẻ thích nghi với hoàn cảnh. Má chỉ hơi lãng tai và mau quên những chuyện xảy ra hôm qua hoặc nhầm lẫn chuyện  hôm nay với hôm khác! Mà nhớ làm chi cho nhiều chuyện ngày tháng phải không Má? Thế nhưng những chuyện thật xa, từ ngày còn nhỏ Má nhớ rất rõ và kể lại làm chúng tôi phải ngạc nhiên, ví dụ như chuyện Má đi học Nữ hộ sinh để  làm “cô mụ” hồi còn con gái , chuyện Má đi làm  ở Đà nẵng và Má gặp Ba…

 

Tôi nhớ cô giáo  Tôn Nữ Diệu Trang dạy Triết  cho chúng tôi ở Trường Quốc Học Huế đã từng nói với chúng tôi  “ Ký ức như một cái hộp, cái gì được bỏ vào trước thì nằm ở dưới đáy và còn hoài , còn khi hộp đã đầy cái gì bỏ vào cũng rơi ra ngoài. Vì thế mà những gì  thời còn trẻ thì nhớ hoài,  càng về già  thì những chuyện hôm qua hôm nay lại quên!”. Má cũng ở trong trường hợp đó và rồi ai cũng sẽ như thế! Già mà không lãng quên mới lạ, Chuyện lãng quên là chuyện thường tình, như ý trong thơ của chị Tôn Nữ Hỷ Khương.

 

Một tháng chúng tôi qua thăm Má trôi qua rất nhanh. Chúng tôi cũng có đi viếng cảnh, thăm bà con, gặp bạn bè, nhưng  phần lớn thời gian chỉ loanh quanh ở gần Má. Mỗi buổi chiều ngồi chơi với Má ở phòng khách, hoặc ở sân cỏ rộng  nằm giữa các dãy nhà, Má luôn tươi tắn và sạch sẽ cười vui với chúng tôi. Một số bà con và bạn bè  đến thăm Má đều nói Má có phước, ở đây sạch sẽ, chăm sóc chu đáo, quá tốt . Có lần nhà tôi nói lại với Má câu đó, Má trả lời trong tiếng cười  nhẹ làm chúng tôi nghẹn ngào “ Vô đây mà ở! ... Rồi biết! ...Buồn !”

 

Tất cả đều tốt, chỉ thiếu niềm vui ! Ôi, trong ngôi nhà của Má và của các bạn đồng cư, với biết bao bạn bè  và những người phục vụ chu đáo nhiều tình thương chung quanh, Má và tất cả  đều nghĩ như thế ư?  Ngôi  nhà số 2501 rộng lớn xây bằng tình thương, chứa không hết những nổi buồn thầm lặng! Má ơi, chúng con thương Má biết bao! Thương những người bạn đang cùng ở với Má. Thương cả những người lăn lộn trong cuộc sống để phục vụ,  sẻ chia sự đau đớn của mọi người. Thương chính bản thân mình đang đi nốt một kiếp người mà đoạn cuối nào cũng buồn !

 

Buổi chiều  hè ở đây nắng vàng thật là rực rỡ. Đêm chậm về, tám giờ tối mà như mới bốn giờ chiều. Mở cửa  chính bước ra là ánh nắng sáng rực rỡ phía dãy đồi thưa cây trước mặt đập vào mắt. Ôi cái nắng vàng buổi chiều sao mà xốn xang! Gió chiều rung lá cây lao xao lẫn với tiếng xe chạy rất xa …Tất cả  đều thấy rất thân quen và quyến luyến. Bởi vì  Má ở đây ! Đây là nhà của Má. Số 2501.

 

Khuya nay chúng tôi sẽ trở về quê nhà .Chúng tôi mang theo hình ảnh ngôi nhà chung và nụ cười buồn gắng gượng  của Má để trấn an chúng tôi khi chia tay “Các con yên tâm …Anh…chưa chết đâu em !”. Trong lúc buồn mà Má vẫn còn hài hước được ! Má của chúng con thiệt là…..hết sẩy !(nói theo từ của mấy đứa nhỏ là “trên cả tuyệt vời” đó Má!).  Má làm tụi con vừa khóc vừa cười khi ra về .

 

Má cứ bình an nghe Má. Chắc chắn chúng con sẽ trở lại thăm Má,và các bạn Má trong ngôi  nhà 2501 thân thương .

 

21/7/2012

Hồ Thị Mộng Loan
Số lần đọc: 1918
Ngày đăng: 11.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gái Đứng Trong Tối - Phạm Nga
Ghi Chép Tháng Tám 1 - Nguyễn Hồng Nhung
Lan Man… Chết – Sống - Nguyễn Đông Nhật
Thông Điệp của Olympic London 2012 - Vũ Ngọc Anh
Những Ghi Chép Nhỏ Ở Thailand - Nguyễn Thị Hậu
Nửa Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Những bình đất nung méo mó - Nguyễn Linh Khiếu
Một Người Anh - Trần Dzạ Lữ
Phạm Văn Nhàn, Những hiển lộ từ miền ký ức - Nguyễn Lệ Uyên
Chữ Tháng Sáu - Nguyễn Hồng Nhung