Ngồi uống ly cà phê đầu ngày như thói quen đã hằng chục năm, uống một mình lại nhớ đến một thời tuổi trẻ ở Huế với những tháng ngày cùng bạn bè trong những quán cà phê xưa. Ly cà phê đầu đời có lẽ chưa thấy ngon, điếu thuốc còn đắng nghét, say say nhưng có một thời quán cà phê không chỉ là quán mà như là một nơi đầu tiên để những chàng trai mới lớn muốn thể hiện sự trưởng thành của mình, để tự thách thức vượt qua một điều vốn là cấm kỵ nghiêm khắc của gia đình, xã hội ở Huế bấy giờ, học trò đứa nào mà cà phê thuốc lá là không ra chi.
Nhớ lần uống cà phê đầu tiên, đúng ra chỉ là một ngụm, là hồi 9 tuổi, học lớp Nhì. Dạo đó ở với ông bà nội, ông nội chỉ uống trà mỗi sáng sớm, ông chú lại không thấy uống cà phê ở nhà, nhân có cà phê biếu một buổi sáng cuối tuần ông chú pha ly cà phê phin, uống nửa chừng không hiểu sao lại bỏ đi, chắc không uống được một mình nên đi tìm bạn, tuổi nhỏ tò mò, nhìn cái nước đen nâu đã chán nhưng ngửi thấy thơm, đổ thì tiếc nên uống một hơi, đắng ngắt như thuốc bắc, mặt nhăn lại, vị cà phê cả buổi chưa tan, người ngầy ngật cả ngày, đêm không ngủ được mắt mở thao láo, sáng người muốn bịnh, từ đó thấy cà phê như thấy tà. Lớn lên một chút thỉnh thoảng được mấy ông anh lớn dẫn đi uống cà phê Lạc Sơn ở phố nhưng chỉ được uống nước chanh, sữa nóng hay đá, có ông rót cho chút cà phê vào ly sữa cho có màu sắc chứ chẳng có vị gì. Những sáng mùa Đông trời lạnh ngồi nhìn quanh, ai cũng ly cà phê đen bốc khói, những điếu thuốc lẻ trong chiếc lon sữa bò trống thấy vừa ngồ ngộ vừa hay hay. Sau đó lại vài tuần một lần được ông chú chở vào thành nội uống cà phê mệ Tôn trước cửa Hiển nhơn, ngồi ăn tô bún bò nóng, uống cũng cứ là sữa nhưng không khí có vẻ khác hơn. Nơi đây khách toàn là văn nghệ sĩ, giáo sư hay sinh viên trông ai cũng chững chạc, trí thức, khói thuốc mù trời, có người đọc thơ, người hát khẻ cho nhau nghe, tranh luận cứ “moi” và “toi” nghe rất lạ, từ đó cậu bé lên 10 đã manh nha thấy cái quyến rũ của thú uống cà phê và đã cà phê là gắn liền với văn nghệ.
Từ năm cuối thập niên 60 Huế như trở mình. Khi chiến tranh đã không còn ở nơi nào xa xa, chỉ nghe thấy trên báo chí mà đã trực diện đối mặt trong thành phố, cửa nhà, thành quách tan hoang, xác người rải rác trên từng góc phố thì Huế như anh chàng thi sĩ bao năm qua mãi lim dim mơ màng với giòng sông, đồi núi thơ mộng, thành quách trầm mặc bỗng dưng có thằng ngang tàng tới xáng một bạt tai vào mặt toé máu, tỉnh cả người, lồm cồm ngồi dậy trở lại đời thuờng . Sau cuộc chiến rợn người vừa dứt, cùng với sự tái thiết thành phố Huế như cởi mở hơn bớt dần những thành kiến cố hữu, đường phố sinh động hẳn, đã có nhiều cặp yêu nhau dập dìu trên phố, bấy giờ trai thường là áo lính, gái áo dài hoa đủ màu sắc, những thiếu nữ khuê các cuối tuần cũng đã trang điểm ra phố chợ không còn ẩn mặt sau song cửa mà lòng ấm ức phải làm “người em sầu mộng” như trước nữa, và rồi những tiện nghi mới, những phương tiện giải trí cũng bắt đầu xâm nhập vào đời sống mỗi người, tuy không mạnh mẽ ào ạt nhưng dễ nhận ra. Với những chàng rất trẻ, tuổi dậy thì “ăn chưa no lo chưa tới” thì nhận rõ ràng nhất là ngoài những quán cà phê ở những nơi công cộng ngồi uống ai cũng chường mặt ra, đã có nhiều quán có vẻ riêng tư, ấm áp với ly cà phê cùng tiếng nhạc trữ tình, tình đủ thứ.
Thuở đó đa số những quán cà phê nhạc ở Huế đều hao hao nhau, có thể gọi là quán nhà, lấy nhà mặt trước làm quán sau ở, quán trang hoàng đơn giản, bàn ghế thâm thấp, thức uống, cà phê chẳng ai kén chọn lắm miễn là uống được, một dàn nhạc hay và quan trọng nhất vẫn là cô chủ quán dễ thương ngồi ở quầy là đủ dụ hoặc mấy con nhạn trẻ có trái tim còn rất rộng lượng. Không thể nhớ lúc nào, lần đầu uống ở quán nào hay cảm giác đầu tiên ra sao, chỉ độ chừng là vào năm đệ Tam, một năm đối với học sinh là năm thư giãn lại cũng là năm của tuổi bắt đầu có những khao khát đòi hỏi không tên, mọi việc đều xảy ra tự nhiên khi cùng bạn bè rong chơi và rồi là cà phê thuốc lá trong nhiều quán khắp thành phố, có những quán chỉ còn mang máng, có quán ghi những dấu ấn đến giờ vẫn nhớ.
Đời Nghiêng - Đường Hàn Mạc Tử, Vỹ Dạ, Huế
diemhenviet.com
Đường phố cổ Chi Lăng có hai quán cà phê gần sát nhau sớm đông khách với hai cung cách và thành phần khách khá khác biệt. Quán D.Th cà phê ngon, nhạc chọn lọc, yên tĩnh và ấm áp, có lẽ quán do hai anh chị chủ quán người lúc nào trông cũng điềm đạm nên khách thường là những người lớn tuổi hơn, dạo đó chỉ khi nào thích nghe nhạc hay đi với những ông anh mới vào, sau nầy càng lớn lại uống thường xuyên hơn. Quán D.Th rất lạ, chẳng có gì đặc biệt, nho nhỏ, những chiếc ghế dài chạy quanh tường, vài chiếc bàn ở giữa, quầy cashier khuất, vậy mà có một cái hồn quán rất lạ khó giải thích. Có những chiều buồn buồn thích ngồi một mình nghe nhạc, từ những bản nhạc tiền chiến đến những bản nhạc mới nhất, nhạc ngoại quốc nổi tiếng đều có đủ; nhớ những lần ngồi với những thằng bạn đi lính từ xa về phép, co ro bên ly càphê nóng, gói thuốc Bastos xanh thẳm vơi nhanh theo cái lạnh mùa Đông Huế, có thằng rối đi biệt không về. Quán quyến rũ có thể là do nhạc hay, được chọn lọc kỹ càng không thời thượng, có thể là thành phần khách khá giống nhau dễ tạo nên không khí đồng cảm, cũng có thể do thói quen, nhưng có lẽ trên hết là do quán lúc nào cũng như nhất không thay đổi rất lâu. Khi càng lúc càng có nhiều quán mở ra cạnh tranh khá mạnh, quán vẫn vậy, có người đi xa Huế cả hàng năm khi về lại ngồi quán cảm giác vẫn quen thuộc, rồi qua chiến cuộc kể cả cuộc đổi đời lịch sử quán vẫn tồn tại và vẫn vậy, như xưa. Đến bây giờ đã hơn 40 năm quán vẫn còn, tuổi thọ đã vượt quá những quán cà phê nổi tiếng ở Huế như Lạc Sơn, Asia, mệ Tôn... vốn đã chết từ lâu; lần về cách đây không lâu đi ngang quán, rũ thằng bạn ngày xưa cũng đã từng ngồi với nhau ở đây biết bao lần vào uống, nó lại chỉ thích đi nhậu, nghĩ thôi đành chịu, biết làm sao, quán còn lòng người đã khác, có ngồi cũng chẳng mong gì tìm được hồn xưa.
Quán SL lại khác toàn trẻ tuổi, cũng không lạ, quán có hai cô chủ quán xinh xắn, cô chị rụt rè ít ra mặt, cô em thường xuyên hơn và là cái đinh của quán, với gương mặt bầu bĩnh, không khéo tròn như trăng 16, ăn nói nhỏ nhẹ, nữ sinh Đồng Khánh lại là một Tôn nữ nên cũng như cô hàng cà phê ở cái chợ Dầu năm nào của Canh Thân làm chao đảo khá nhiều chàng trai. Mỗi chiều tối, nhất là cuối tuần quán lúc nào cũng đông nghẹt, ai qua đường nhìn vào cũng hết hồn, khói thuốc mù mịt như sương khói, tiếng nhạc văng vẳng trông chẳng khác nào cảnh tiên trong phim Tàu với những ông tiên mặt còn búng ra sữa, gầy guộc, phì phèo điếu thuốc, mắt lim dim như nhà thơ đợi mùa Thu rụng lá. Đứa nào cũng cố làm điệu gây chú ý cho cô chủ quán, có đứa trồng cây si khá nặng, tuổi trái tim mới chớm, dễ yêu đến lạ, đứa yêu đã đành, thằng không yêu cũng cố mà yêu, biết đâu được, thậm chí có thằng có người yêu rồi cũng cứ yêu thêm. Bởi vậy nơi đây mới ra đời hàng chục thi sĩ, hàng trăm bài thơ cho nàng chủ quán, có những vần thơ khiến cho Xuân Diệu, Huy Cận hay Nguyễn Bính…nếu có đọc chắc cũng phải có chút ghen tức với thứ ngôn ngữ tình chân chất; mà không phải chỉ quán nầy, quán nào có cô chủ quán xinh đẹp cũng vậy. Sau nầy quán mở rộng nhưng do chiến cuộc nhiều chàng trai nhập ngũ quán vắng dần, e cũng để lại hậu quả cho cô hàng cà phê, khi được yêu nhiều quá, yêu từ tứ phương tám hướng, rất dễ hoang mang không còn biết ai để yêu.
Nhớ trong thành nội có quán cà phê Ch. nằm trong hẽm sâu, quán nằm thất thế nhưng cô chủ quán quá xinh đẹp nên cũng khá nhiều khách. Có thằng bạn thân có sở thích đi bộ, mỗi lần nó đến nhà rũ đi uống quán nầy là phải đi bộ hơn 5 cây số, với nó là hơn 15 cây từ nhà nó tận dốc Nam Giao, chỉ đi bộ dứt khoát không xe đạp hay xe gắn máy, ngồi uống không nói năng chỉ nhìn cô chủ quán hàng giờ, được cô cười chào độ vài lần rồi đi bộ về, kiểu yêu nầy vất vả quá đáng lại hành hạ bạn bè, may mà sau nầy quán nằm gần trại lính nên nhiều sĩ quan ngấm nghé cô chủ, cỡ học trò đành bỏ quán chạy lấy người. Bên hữu ngạn cạnh song Hương có quán D.V cô chủ quán đẹp sắc sảo, ăn mặc như Tây, quán nhiều chàng trai bảnh bao nhưng thiếu hồn văn nghệ, có ngồi uống cũng mất sướng nếu không nhờ ánh mắt đa tình của cô chủ quán, mỗi lần được cô liếc nhìn là rêm cả người. Miệt Bến Ngự có quán nhà có nhiều con gái, lan can nhà có chin vòng tròn nên được nghịch ngơm gọi luôn cà phê chín lổ, chỉ uống vài lần là đủ hình dung kiểu Đông Chu liệt quốc của các chàng trồng cây si khi quán có đến 4,5 cô hàng cà phê. Lại nhớ quán cà phê S.X cạnh bờ sông Đập Đá, quán có vườn rộng, khách ngồi giữa những lùm cây mát mẻ, lạ nhất là có bà chị thỉnh thoảng rủ uống quán nầy để nghe chị kể chuyện tình buồn vui, vui ít buồn nhiều nên có khi ngồi uống cà phê mà nghe sụt sùi đầy nước mắt như trong truyện Quỳnh Dao, rất ái ngại. Thời lên sinh viên, Huế đã có những quán cà phê lớn hơn, đẹp và sang thường dành cho những người lớn tuổi, những cặp tình nhân, thì thú ngồi quán cà phê cũng khác trước, cà phê giờ là ở Tổng hội sinh viên, quán chị L. hay những quán vĩa hè để chơi cờ tướng, nói năng vung mạng chuyện văn chương triết học, nào là thân phận, chiến tranh… những chuyện chưa chắc đã hiểu gì hết, một thời ngông nghênh và ngây ngô của tuổi trẻ.
Khi trưởng thành cà phê vẫn uống, quán vẫn ngồi, quán giờ là một chỗ để gặp gỡ cho công việc, cho hẹn hò, nơi chuyển tiếp những chuyện đời thường hay chỉ là một thói quen, không còn cái thú nguyên trinh của những ngày xưa cũ. Đã qua hơn 40 năm từ ngày những chàng trai trẻ năm nào ngồi ngất ngây với ly cà phê, lâng lâng với điếu thuốc trên tay, đắm đuối nhìn cô hàng cà phê, hồn tinh khiết như sương mai. Một đoạn đường rất ngắn trong đời người, vậy mà ai đã đi qua và khi đã đi quá xa có ngoảnh lại nhìn mới biết rằng nó đã ghi một dấu ấn đậm biết bao, dấu ấn của một đoạn đường khi đã qua đi là vĩnh quyết, vĩnh viễn không bao giờ có lại được, dấu hồn nhiên./.