Trước đây – trong một thư thăm, nhiều bạn văn có hỏi tôi một câu: “ Cuộc đời đã đưa đẩy thế nào để anh đến với cái nghề ” không thể nghĩ ra là ”Sửa Khóa và Làm Chìa” mà anh đã gắn bó gần suốt cuộc đời còn lại?”- tôi đã “phơt lờ” luôn – vì chưa thể tâm tình cùng bạn lúc ấy!
Đã nhiều năm qua – nhiều bạn văn cũng lại có “thắc mắc” vui tương tự vậy mỗi khi gặp nhau bên tách cafe ( hay ly rượu khề khà tán gẩu) – nên hôm nay, ngồi “không” mà bổng dưng nhớ lại! Xin đươc có đôi điều chia sẻ cùng anh em – cho vui!
Được trở về quê nhà vào năm 78 - phải rời trường Trung học Tổng hợp Nguyễn Huệ ( Tx Tuy hòa – Phú Yên) là nhiệm sở đang công tác - sau khi đã đôi lần “nuối tiếc’ cái nghề cầm phấn và bảng đen ( vì thực ra tôi cũng chưa có một cái nghề “tay trái” nào lúc ấy để có thể kiếm sống qua ngày giữa thời buổi rất lận đận và khó khổ đó cả, lúc trong tay không có chút tài sản náo có thể đổi…cơm áo cho con và bản thân) – nên đành lui tới Ty GD ( chưa thành lập Sở GD) để hỏi han tin tức về chuyện xin dạy trở lại, mà không có chút hứa hẹn nào – tôi biết là đã đến lúc phải “mất dạy” luôn rồi! ( Dạy văn thì “không được” – còn Anh văn thì…cũng “không thể” nốt! - nhà trường lúc bấy giờ chỉ dạy một sinh ngũ Nga văn thôi).
Sau một thời gian xin đi làm “tiểu công” ( khuân vác – phụ việc cho thợ xây đó mà) không kham nổi – Tôi quay sang làm “thợ đụng” ( ai có yêu cầu gì - thì làm theo họ - từ thợ điện, dọn vườn, phụ việc lặt vặt v v v) không có “thu nhập thường xuyên” - tôi đã quyết định vào Tuy Hòa – đến hoc nghề sửa chữa xe gắn máy với người bạn – anh Lê Tăng Mính ( nguyên là thanh tra Tiểu học vừa chuyễn…ngành sửa xe Honda sau 75) theo lời đề nghị giúp đỡ của anh! Tôi chỉ tốn tiền xe vào ra – còn mọi chi phí khác người bạn lo cho hết! ( anh dạy nghề - ăn ở tại nhà – chu toàn mọi việc). Sau hơn một tháng “khẩn trương” học ngày đêm – tôi về nhà, viết bảng hiệu trên tấm ván nhỏ “ Sửa Chữa Xe Gán Máy” – gắn vào thân cây dừa phía trước. Mấy tháng hành nghề - lèo tèo vài khách hàng, công việc ngày càng vắng vẻ! Trong một hoàn cảnh mà người có xe Honda đang tìm người có xe đạp để đổi – và xăng dầu phải mua theo tiêu chuẩn, tem phiếu ( ưu tiên cho cán bộ công nhân viên chức) – thì có ma nào ”dám” đi xe máy nổ? Tuy là treo bảng “Sửa Xe Honda” nhưng thực ra, sửa xe đạp là chính!
Nghề sửa xe đạp – Honda đòi hỏi các động tác mà căn bệnh thấp khớp mãn của tôi không thể đắp ứng. nên tôi cũng đang suy nghĩ – để “chuyễn nghề” cho phù hợp với khả nang và sức khỏe và “thời đại” (!).
Một lần đi Qui Nhơn thăm ông bà ngoại của các con – tôi đi lang thang dọc đường phổ Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu – các ngã phố Võ Tánh, Gia Long (cũ) – và bổng nhận ra chiếc tủ gỗ nhỏ của cậu em trạc 18 tuổi đặt ở góc đường. Đến gần, xem –hỏi han, chuyện trò cho vui! Cậu ấy rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi của tôi –như đã thân nhau. Khi biết rõ hoàn cảnh và ý định của tôi muốn “học nghề” – Cậu đã vui vẻ giới thiệu tôi đến gặp “sư phụ” đang hành nghề “sử khóa và làm chìa” ở đường PBC. Thế là tôi đã mời “sư phụ” lên nhà tôi một ngày – để “truyền nghề” – với sự đãi ngộ xứng đáng! Từ dạo ấy – vừa học, vừa làm ( có ghi chép cẩn thận vào mấy tập vở 100 trang như một “giáo án” ) suốt mấy chục năm qua…Để cho được “đủ ăn”, tôi làm thêm nghề “Bom Quẹt Gas”, cọng với chiếc tủ gổ nhỏ mua lại bên lề đường PBC của mấy gia đình chuẩn bị thu xếp để lên đường đi kinh tế mới với giá rẻ mạt làm tủ “ Sửa Kính Đeo Mắt”. Một người phải làm việc bàng ba – mới có thể sống được trong thời gạo châu củi quế nầy!
Có ai ngờ được rằng cái nghề mình đã đầu tư liên tục từ thưở lên sáu – ròng rã gần 20 năm, mà chỉ nuôi sống nổi mình được 12 năm – trong lúc, một cái “nghề khơi khơi” mà đã gắn bó và nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình được hơn 30 năm? Âu đó cũng là một “cái số” ? Cũng vui, trong ngần ấy năm – tôi cũng đã “truyền nghề” cho 10 “đệ tử” trong và ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống được – và đang chuẩn bị… “về hưu” ở tuổi 70…
Có vài người bạn “nhẹ dạ vàđa cảm” gặp tôi hành nghế “Sửa Khóa và Làm Chìa” ở góc phố chợ - mủi lòng, buồn! Họ cho biết không thể ngờ rằng tôi – một thời dạy học – viết văn. lại gặp cảnh ngộ bi đát đến vậy! Tôi chưa hề nghĩ mình “khổ” như lời chia sẻ của bạn – mà nghĩ, điều gì – rồi cũng có thể xảy đến cho tất cả! Hãy an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm – để có niềm hy vọng mà sống tiếp. Tôi đã “ứng khẩu’ đọc tặng anh mấy câu ( có phải là thơ không? vì tôi “không biết” làm thơ) như sau:
“Chữ Thơ – chữ Thợ, cũng gần,
Làm Thơ, làm Thợ - ta mần cả hai!
Làm Thợ thì để sinh nhai.
Làm Thơ thì để …lai rai, đỡ buồn!”
Bốn câu thơ ấy thuộc loại “văn chương truyền khẩu” – nhưng, qua bao năm-nó vẫn được bạn bè nhiều nơi thuộc và nhắc nhở, như một kỷ niêm vui!
Tôi vẫn thường tâm sự với vài ban thân: “Trước - làm Thây, ta vẫn vậy. Nay – làm Thơ, ta cũng chẳng khác!”
Đang vắng khách, tôi “tranh thủ” ghi lại đôi điều chia sẻ “đại khái” với quý bạn văn và bạn đọc thân mến nhé – cho dzui vậy!
Quê Nhà, tháng 8 năm 2012