Trên trang Website vanchuongviet.org vừa có cập nhật bài viết “ Về Những Tập Truyện Ngắn” của anh Nguyễn Hòa vcv.(thứ 2 ngày 13 tháng 8/2012) Từ gần chục năm – vanchuongviet vẫn là trang Web lớn trong lãnh vực VHNT và Tư Liệu; rất có uy tín trong và ngoài nước! Nó đã đáp ứng - dù chưa được hoàn hảo về nhiều lãnh vực trong mọi sinh hoạt VHNT, đời sống xã hội, chánh trị, lịch sử, tôn giáo (…) – nhưng VCV đã làm tốt trong một hoàn cảnh rất khó khăn ( chủ quan và khách quan) để đáp ứng cho nhiều nhu cầu ngày càng cao và rộng lớn của bạn đọc. Bài tạp ghi của anh Nguyễn Hòa vcv về truyện ngắn là một vấn đề cần thiết mà giới cầm bút cần quan tâm!
Là một người cũng có tham gia sinh hoạt viết lách trong hơn 40 năm (với 14 tập truyện ngắn được xuất bản) – tôi cũng đã luôn ưu tư, trăn trở - cho thể loại văn học nầy! Tôi vẫn luôn nghĩ mỗi khi đặt bút viết một truyện mới là: “ Truyện Ngắn – cũng như bất kỳ sinh hoạt văn học nghệ thuật nào, phải luôn đổi mới – làm mới cả hình thức diễn đạt và nội dung tìm ẩn, gởi gắm bên trong!” Nói nôm na – tác phẩm phải “lớn” cùng thời đại và đòi hỏi của con người!
Tôi “nhất trí” với anh Nguyễn Hòa vcv :“ (…)Yếu tố chuyện làm nên truyện, không nên hiểu truyện ngắn là “tác phẩm cỡ nhỏ”, có những truyện ngắn chứng minh không hề là nhỏ.” Xem như vậy – không phải căn cứ vào chuyện “ngắn và dài” mà đánh giá giá trị tác phẩm ( rõ ràng vậy rồi) – mà chính là điều nó ẩn chứa giải bày bên trong! Dù người viết có “tham vọng” làm mới bề ngoài ( hình thức) đến đâu - mà “bên trong”( nội dung tư tưởng) chẳng có chút gì mới lạ – cần thiết và sâu rộng để người đọc đồng cảm và chia sẻ và nuôi lớn ý thức, tâm hồn – thì cái “tham vọng làm mới” ấy – cũng chỉ là một sự đỏm dáng và cầu kỳ vô ích! Lại có nghe một nhà “nghiên cứu” phán: “ Viết truyện ngắn – phải ngắn, mới hay!”. Dĩ nhiên là không có ai hời hợt đến nỗi nghĩ rằng: “ Viết truyện ngắn, phải dài – mới là truyện!”. Xét cho cùng – việc ngắn dài không quyết định gì cho giá trị tác phẩm. Ngắn và dài còn tùy thuộc vào vấn để cần bày tỏ và chia sẻ (nội dung). Không thể “làm mới” mà viết ngắn ( để được “khen” là hiện đại). Cũng không thể “gắng gượng” mà kéo dài. Điều quan yếu là cần kết thúc và chấm hết – nơi cần thiết.. ( tùy theo phong cách và khả năng sáng tạo riêng của mỗi tác giả)
Theo bài viết “ (..). Bạn đọc đừng cho rằng truyện cần phải có kết luận, vì quả tình truyện ngắn rất cần và chỉ cần yếu tố chuyện” – nói đơn giản vậy – xem ra còn thiếu sót chăng? Ba từ “ yếu tố truyện” chưa thể làm sáng tỏ vấn đề tương đối tế nhị và phức tạp nầy! Tôi nghĩ – tùy theo nội dung bảy tỏ (tư tưởng mà người viết muốn đạt đến và chia sẻ cùng người đọc) – thì “phần kết” sẽ thể hiện sao cho thích hợp và nghệ thuật ( không có “kết” mà “kết” – Có “kết” mà không “kết”- vậy thôi.). Cái “hình thức” ( hay “yêu cầu”) này không có gì quan trọng đối với một truyện ngắn hay!
Tôi xin được chia sẻ cùng anh NH ý tưởng nầy: “(..)Một truyện ngắn thế nào là hay? Hay hay dở (cũng như ngon và dở) tùy thuộc rất nhiều vào người thẩm vị. Song, cũng phải thừa nhận nó có mẫu số chung (Có nhiều nhà lý luận phân tích, cấu trúc liệt kê, bao nhiêu vấn đề và gọi là đủ truyện ngắn ) là có sức hút, khiến phải đọc liền một mạch, đọc rồi phải đọc lại vì yếu tố bất ngờ, đọc xong cứ ngẫm nghĩ hoặc vận vào chính mình, chí ít người đọc cũng được có những phút giây ái, ố, hỉ, nộ… cùng nhân vật”. Theo tôi – cái “mẫu số chung” ấy ( của các nhà lí luân và phê bình?) cũng không có gì rõ ràng và chính xác! Thiển nghĩ – Thơ và Văn, là hai thể loại văn học có cùng một “nguồn gốc và mục đích” : Diễn đạt bằng ngôn từ những ưu tư tình cảm và tâm sự và ươc vọng và phản ảnh hiện thực đời sống và xã hôi (…) – nên cũng sẽ có “chung một mẫu số” ( xin thưa – mẫu số chung cho Thơ tôi đã có dịp chia sẻ cùng bạn đọc ở trang VCV cách đây mấy năm ) – nay cũng xin nhắc lại ở đây: Đó là 1/ Xúc Cảm. 2/ Trí Tuệ. 3/ Nhân Văn. 4/ Nghệ Thuật! Ghi chú thêm – Xúc Cảm : Chân thật và trái lòng với từng con chữ trong trang viết. ( không viết theo thị hiếu,“đơn đặt hàng”,theo chỉ thị, theo yêu cầu nầy nọ,,,) Trí Tuệ: Chắt lọc điều cần thiết từ sự trải nghiêm của chính cuộc sống mình và mọi người – với cái nhìn nhạy cảm và sâu sắc và mới lạ (hay trong cái bình thường đã lãng quên và “bị” lãng quên). Nhân Bản: Viết cho con Người và vì con Người – đời sống cấn phải vươn đến sự Công Bằng và Hạnh Phúc – cho số đông. Nghệ Thuật : Luôn có một hình thức diễn đạt thích hợp với từng nội dung – để truyền đạt cao nhất và nhiều nhất những gì cần chia sẻ đến người đọc!
Bài tạp ghi “ Về Những Tập Truyện Ngắn” nêu trên cũng chưa ( hay không muốn?) đề cập nhiều đến “bên trong” (nội dung) tác phẩm ( cùng những tác động khách quan) đang rất cần thiết (vào giai đoạn nầy) – mà theo tôi – đó mới chính là điều làm cho tác phẩm hay và dở ( hay lớn và nhỏ) – mà tất cả những người cầm bút đang hết sức quan tâm !
Đôi điều xin được chia sẻ cùng anh Nguyễn Hòa vcv và Quý Bạn đọc…
Quê nhà, 13 tháng 8 năm 2012