Nỗi bực bội tức tối lâu ngày nằm trong đầu óc Hảo nay đã nặng như một khối đá. Trong bữa ăn tối, đây là dịp tốt nhất để Hảo quẳng cái khối đá đó sang cho bà mẹ chồng ngồi ở đối diện.
“Tôi đi làm, ở nhà bà chỉ có việc coi cháu cũng không xong. Bà làm gì để đến nỗi nó té ngã bầm mặt mày như thế. Ngủ hả”
“Nào tôi có ngủ. Mới vừa vào bếp tắt cái bếp đun nồi thịt bò, ra đã thấy nó bò lên ghế rồi té xuống”.
“Thật vô tích sự. Từ ngày đón bà sang đây, cái gia đình này chẳng còn thấy hạnh phúc. Anh ấy bảo lãnh, sang thì tưởng có chút tiền già, chứ sang rồi bà sống nhờ ăn bám vào tụi tôi. Đi với diện cụ, còn khuya mới được nhà nước trợ cấp. Bây giờ thì các ông ấy khoán trắng cho con cái ponsore cho cụ”.
“Trời ơi, sao con lại nỡ lòng nói thế. Mẹ hồi đó đâu có muốn sang. Mẹ sang chẳng qua vì các con hối thúc, nài nỉ nên mẹ mới sang. Chứ ngần này tuổi đầu, sống ở đâu cũng được, ăn cái gì cũng xong, mẹ cần gì phải qua đây để làm phiền đến các con. Mẹ cứ nghĩ, mẹ chỉ có mình Thuận là con trai độc nhất, mẹ con xa nhau lòng mẹ chẳng lúc nào nguôi nhớ. Nghĩ thế, cho nên mẹ mới quyết định sang đây để gần con trai con dâu của mẹ”.
“Phải. Bà biết đơn giản chỉ có thế nhưng ở bên này, nó không đơn giản chỉ có thế thôi đâu bà. Bình thường không nói, lúc bệnh tật thì đào đâu ra tiền đi khám bệnh, đào đâu ra tiền đi nằm bệnh viện. Đấy là chưa nói đến lúc chết, áo quan phải mua, nhà quàn phải mướn, đất hay thiêu cũng phải có tiền, tính sơ sơ cả 10.000 lận”.
“Sao hồi đó các con không nói cho mẹ rõ”.
“Nói rõ để làm gì. Tôi là con dâu, chẳng mắc mớ sớ tới chuyện của anh ấy và bà. Một khi anh ấy muốn đón mẹ anh ấy qua đây, tôi xía vô để gây chuyện bất hòa vợ chồng sao chớ. Cho nên, tốt nhất là tôi cứ đứng ngoài hơn là nhẩy vô để mua trách nhiệm. Kể từ ngày đem bà sang đây, bà biết đấy, trước anh ấy chỉ làm một job, nay hai job vẫn còn thiếu trước thụt sau. Thế mà bà ở nhà có mỗi việc coi cháu, bà cũng coi không xong, để đến nỗi nó té ngã bầm giập mặt mày. Sang mà như thế, bà có cũng như không bà ạ”.
Nói mà như mắng tát nước vào mặt mẹ chồng được rồi, cái đầu Hảo nhẹ hẳn. Bà cụ giáo mẹ của Thuận thì ngồi bặm môi im lặng. Bát cơm không nuốt được, bà cụ đành bỏ dở đứng dậy. Thấy bà nội đi vô phòng, thằng Hùng vất cái máy bay bằng nhựa lon ton chạy theo. Hảo xẵng giọng gọi giựt thằng bé lại:
“Này. Lại đây. Mẹ cấm con vô đó”.
Nghe con dâu nạt cháu, bà cụ giáo thấy cay đắng xót xa cõi lòng. Biết chẳng nên nói ra nói vô thêm lắm chuyện, bà cụ nằm xuống giường, một tay vắt ngang trán. Mắt bà cụ thấy ướt. Vừa xúc động vừa tủi thân, bà cụ cố kìm hãm nhưng không thể kìm hãm nổi nước mắt ứa ra, ứa ra rồi chảy dài xuống má.
Lâu nay rồi, bà cụ đã đoán trước chuyện như thế này rồi sẽ phải xẩy ra. Như mây đen u ám bầu trời, khi nặng nước thì những túi mây chứa nước sẽ rách toác để đổ mưa xuống. Ăn ở chung đụng trong nhà, mẹ chồng nàng dâu không được thuận thảo, đến lúc sự chịu đựng hết còn chịu đựng nổi, thì chuyện gì đến nó phải đến.
Bữa bà cụ đi dự đám tiệc cưới con người bạn ở nhà hàng, bà cụ đã nghe mấy bà ngồi than thở đủ chuyện. Nào là chuyện con dâu hay con rể hỗn láo, xấc xược, vô lễ lời ăn tiếng nói đến cả cách cư xử với bố mẹ được một bà ngồi trong bàn tiệc kể ra. Đấy là
lúc chờ thức ăn đưa ra bàn, vui miệng lại vốn quen biết nhau, bà bạn ngồi gần bà trước còn nói xa nói gần, sau quay sang chuyện đời tư gia đình, mặt bà bỗng đổi sắc:
“Chỗ bạn bè tôi mới nói, chứ nói với người xa kẻ lạ, chẳng lẽ mình lại vô tình vạch áo cho người xem lưng coi sao được. Đứng ở ngoài nhìn vào, ai cũng nói tôi có số về già sống nhờ con cái. Mà con tôi lại là bác sĩ cơ đấy. Ở thì ở nhà cao cửa rộng, tiền bạc thì dư thừa, mình đến nỗi đâu phải nhờ vả tiền trợ cấp của chính phủ lo cho. Nhưng chị ạ, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Có sống trong nhà mới biết nhà từ nóc dột xuống. Thế cho nên, người ta cứ nói tôi có số sướng. Sướng hay khổ thì chỉ tôi biết thôiï”.
“Chị nói thế là nói thế nào. Con bác sĩ, chị không sướng thì ai sướng vào đó. Thú thực, nếu hoàn cảnh tôi mà được như chị, tôi mãn nguyện một đời rồi. Thiên hạ người ta có nói, họ nói đúng chứ có sai đâu. Con trai bác sĩ, con dâu nha sĩ, đã có chức lại có tiền, phúc đức được như vậy là lớn lắm”.
“Tôi không nói ngoa. Mà nói ai chứ nói con cái mình sinh ra, có đâu phải người dưng nước lã mà mình lại đặt điều bịa chuyện. Thực tình thực bụng kể cho chị nghe, tôi chỉ muốn tâm sự để giải tỏa cái ấm ức, cái phiền muộn mà bấy lâu nay, nó như cái mụn nhọt ung tấy đau đớn lòng mình. Tình thực có lúc tôi đã nghĩ tới chuyện về lại Sàigòn, ăn nhờ ở đợ với vợ chồng đứa con gái út, rồi đợi tới khi trăm tuổi nhẹ nhàng mà xuôi tay. Chứ còn ở đây, vật chất dù có dư thừa, tinh thần chẳng thoải mái, sống thế sao sống nổi hả chị. Tới nước chịu mãi không được, một là mình xin ký gửi cuộc đời ở nhà già, hai là ở share phòng một chỗ khác, còn hơn cứ bậm miệng cắn răng ngày ngày như con sò con hến”.
“Chị nói thế tôi nghe khó lọt tai. Chẳng lẽ con cái chị đành lòng cho chị về Việt Nam hay đi share phòng hay sao. Còn thể diện, tư cách, đạo đức con người, con chị chẳng nỡ lòng bỏ rơi chị lúc tuổi già sức yếu như thế được. Ở chung ở đụng, cảnh gia đình nào chẳng có lúc này lúc nọ, bát đĩa va chạm đụng nhau, cơm canh có lúc nóng lúc nguội, mình phải chín bỏ làm mười cho qua cơn nóng giận thái quá, bực bội phiền lòng không đâu, rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó tốt lành cả”.
“Nghe chị nói thì đúng là như vậy. Nhưng nhịn nhục, tha thứ cũng có chừng mực, có vừa phải, chứ đã đến lúc cứt lộn đầu tôm, dâu rể, con ruột chẳng còn biết điều phải trái, cứ một điều hỗn láo xấc xược, mình là thánh cũng phải nhẩy nhổm như đít ngồi trên ổ kiến lửa. Tôi chịu đủ điều rồi, nhưng con trai tôi hiền và sợ vợ. Vợ nó nói gì, bảo gì nó cũng coi là khuôn vàng thước ngọc, đúng như danh ngôn, nên nó coi khi tôi. Nó gắt, mắng, nạt coi tôi như tôi không phải là mẹ nó. Nuôi con khôn lớn, học hành thành tài, để đến bây giờ chưa nhờ vả được gì thì nó đã quên ơn quên nghĩa. Nhà cửa, tiền của, quyền hành, chị tính coi, một tay vợ nó nắm cả. Ở Mỹ này, có tiền là có quyền thao túng lộng hành. Không có tiền thì kể như phải nhờ vả, sống nhờ vào con cái hay ông nhà nước. Còn tình cảm ư, ở Mỹ này cái thứ đó nó nhẹ và rẻ như đồ vật hàng hóa bán ở chợ trời. Chị biết chợ trời chứ. Ở đây có đủ mặt hàng giá rẻ rề. Hai mươi nhăm cents cũng có đấy. Nói thực ra, chẳng cứ gì con cái trong nhà tôi bất hiếu bất mục, chứ ở cái xã hội Tây phương bên này, từ thằng Mỹ đến thằng Việt Nam đã Mỹ hóa, thì cái cách sống nó sống lạ lắm. Bố mẹ về già, cứ cái viện dưỡng lão đem bố mẹ tống vào đó ở. Ở tới ngày nhắm mắt, may ra có đứa nhớ đến đưa bố mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng, còn không may, chôn cất hay hỏa thiêu đã có người khác lo cho cả. Tôi nói thế có hơi nóng giận, vơ đũa cả nắm rồi, nhưng tôi nói không ngoa đâu chị ơi”.
Câu chuyện nhớ được đến đó thì cũng là lúc bà cụ đi vào giấc ngủ. Rạng sáng là giờ Thuận làm ca đêm về. Bà cụ thức khi bóng tối còn tối thẫm ngoài vườn cây. Có một con chim đánh thức buổi mai bằng một tiếng rúc nghe lạ.
Thuận về, giao con cho chồng thì cũng là lúc Hảo chuẩn bị rời nhà đến hãng. Khi Hảo đi rồi, ngồi vào bàn ăn bữa điểm tâm, bao giờ Thuận cũng vấn an mẹ bằng câu quá quen thuộc:
“Đêm qua, mẹ ngủ ngon giấc ạ”.
Đáp, bà cụ thường nói để con yên lòng:
“Mẹ ngủ được. Con ăn bánh mì với trứng ớp-la đi. Con làm đêm mất sức lắm. Mẹ thấy con vất vả, thực lòng mẹ không vui. Con làm gì mà làm tới hai jobs vậy”.
“Mẹ ơi, mẹ đừng bận tâm nghĩ ngợi làm gì về chuyện đó. Làm hai jobs mới giúp cho con dư giả tiền bạc để phòng khi lúc khó khăn. Bố ngày xưa thường răn dạy rằng: tích cốc phòng cơ mà mẹ”.
“Mẹ nói thế là mẹ lo cho sức khỏe của con. Làm quá mất sức, lúc ngã bệnh thì tiền của tích lũy cũng theo nhau đi. Ý mẹ muốn khuyên con là nên giữ gìn bản thân chứ đừng ỷ sức mà thái quá làm việc. Chuyện tính toán gầy dựng tương lai của hai vợ chồng con, mẹ biết gì mà bàn ngang tán dọc được. À Thuận. Mẹ có việc này muốn nói với con...”
Bà cụ ngập ngừng rồi ngưng không nói nữa. Thuận ngước mắt lên ngạc nhiên nhìn mẹ:
“Mẹ có gì muốn nói sao lại im”
“Mẹ biết nói ra làm con buồn. Nhưng trước sau gì mẹ cũng phải nói thôi. Thế này, mẹ muốn về lại Việt Nam”.
Thuận sững sờ để rớt cái muỗng xuống bàn:
“Ủa. Sao khi không mẹ lại nghĩ đến chuyện đó. Hay là mẹ ở với chúng con, chúng con có điều gì sơ suất làm mẹ phật ý chăng. Hay là nhà con ...”
“Không. Con và vợ con chẳng làm phiền lòng mẹ gì cả. Ý mẹ muốn về lại bên nhà là để được gần mồ mả bố con, sống ở nơi quê cha đất tổ, chỉ có thế thôi con”.
“Mẹ ạ. Ba con thì nay đã ra người thiên cổ. Mồ mả có nơi có chỗ ấm êm rồi. Con vô phước mất ba nay còn mẹ, mẹ nỡ nào lại bỏ con để trở về bên đó sống cô quạnh một mình. Hơn nữa, ở bên đó nay còn ai đâu ngoài cậu con ra”.
“Thì cậu con mẹ ở cũng có sao đâu. Cậu là em của mẹ, mẹ ở với cậu có chị có em. Ý mẹ nay đã quyết rồi. Nếu như con không chịu chiều lòng mẹ, mua vé máy bay cho mẹ về, thì ở đây, mẹ buồn bã héo hon chẳng chóng thì chầy cũng chết sớm thôi con. Mà chết ở xứ người, mẹ nhắm mắt không đặng. Thà là mẹ về rồi có đi về cõi khác, được nằm gần nơi ba con nằm, mẹ cũng ngậm cười nơi chín suối. Xa con, chẳng những con buồn mà mẹ cũng buồn lắm con ạ. Nhưng ở ...”
Bà cụ bỗng mếu máu. Cố trấn tĩnh, bà cụ gạt nước mắt nói với một giọng nói đanh thép dứt khoát:
“Con hãy cố gắng giúp mẹ. Mua cho mẹ vé máy bay nhé”.
Thấy Thuận ngồi lặng thinh, bà cụ buồn rầu nói:
“Hôm qua, mẹ vô ý để cháu Hùng nó té ngã. Trán nó đụng vào cạnh bàn xước một vết. Mẹ ở nhà chỉ có mỗi việc coi cháu mà để cháu thương tích như thế thì đoảng thật”.
“Thằng nhỏ nghịch ngợm lắm mẹ. Con có coi vết xước cũng không đến nỗi nào. Để mẹ trông nó, cực cho mẹ quá. Rồi ra, chúng con kiếm một người giữ trẻ để coi thằng nhỏ và phụ việc nhà tiếp mẹ. Mẹ lại có người chuyện trò cho đỡ buồn”.
“Ừ, con tính sao thì tính. Còn cái việc mẹ vừa nói với con, con nhớ để ý giúp cho mẹ.
Sớm được ngày nào hay ngày đó. Con nhé”.
“Mẹ ...”
“Không. Mẹ đã dứt khoát rồi”.
2.
“Con chào bà nội đi”
Nghe Thuận nói, thằng bé sà vào lòng bà cụ láu táu hỏi:
“Bà nội sao không ở đây với cháu. Bà về Việt Nam hả bà. Việt Nam ở đâu và xa đây không bà”
“Việt Nam ở tít bên kia bờ Thái Bình Dương. Mai này cháu lớn, ráng học rồi đọc sách vở, cháu sẽ hiểu nhiều về đất nước mình. Mà nhớ bà dặn đây, có giỏi tiếng Mỹ, tiếng Mễ, cháu vẫn phải nhớ tiếng Việt của mình là tiếng nước mình. Cháu dù sinh ra và lớn lên ở đây, nguồn gốc cội nguồn của cháu vẫn là nước Việt, dân Việt. Mãi mãi và như thế cháu nhé”.
“Mẹ nói thế thì nói chứ cháu nó làm sao hiểu được. Nhưng lời mẹ nhắc cháu chính là lời mẹ căn dặn chúng con và chúng con phải ghi nhớ đời đời. Con xin hứa với mẹ, con sẽ không để cháu mất gốc mất cội dù sau này cháu nói toàn tiếng Mỹ, nhưng tiếng mẹ đẻ cha dưỡng sẽ chẳng bao giờ mai một”.
“Đấy là điều mẹ mong ước. Chỉ có chừng đó thôi cũng đủ mẹ hởi lòng mãn nguyện rồi”.
“Đây là tấm vé máy bay và giấy tờ tùy thân của mẹ. Mẹ đưa con cái xách tay để con bỏ vào đó cho chắc. Cái ví mẹ phải nhớ giữ bên mình và cẩn thận đừng để quên hay rớt trên suốt cuộc hành trình. Cả lúc mẹ xuống phi trường, mẹ cũng nên để ý kẻ gian lấy mất của mẹ. Ngoài giấy tờ mang theo, còn có cả tiền bạc con đưa cho mẹ để sử dụng lúc sau này”.
“Con đừng quá lo cho mẹ. Tính mẹ xưa nay kỹ lưỡng cẩn thận, đâu đến nỗi sơ sẩy để rơi để rớt đồ vật bao giờ”.
“Con biết. Nhưng vẫn phải dặn mẹ mẹ ạ”.
“Vợ con đã đi làm. Lúc về, con nói lại mẹ có lời chào”.
Đã tới giờ phải ra phi trường, bà cụ còn quay sang bà mới đến coi trẻ, nói:
“Thôi. Bà ở lại mạnh khỏe. Được bà đến đây coi sóc cháu Hùng, thấy bà là người có tư cách, đứng đắn, đàng hoàng, tôi cũng mừng. Thời thế thay đổi, chứ không gặp cảnh nước mất nhà tan, vợ một ông Thiếu tá Quận trưởng có đâu đi làm công việc này. Sang đây, ai cũng đều đầu tắt mặt tối khổ cả. Mà không qua, sống với họ còn khổ như trâu như chó”.
“Vâng. Thưa cụ, hoàn cảnh đẩy đưa mình phải chấp nhận để sống. Con xin chúc cụ thượng lộ bình an”.
Thấy Thuận đã đưa xe ra đỗ trước nhà, bà cụ còn cố nắm tay bà đến giữ trẻ như không muốn buông ra. Rồi cũng phải buông khi nghe Thuận lên tiếng gọi mẹ. Ngồi cạnh con, bà nói với Thuận rằng:
“Cái bà ấy nom hiền lành tử tế. Có được một người như thế trông coi thằng Hùng mẹ cũng yên tâm. Vợ mấy ông HO qua đây ai cũng chịu khó cả. Chẳng thành kiến, mặc cảm để biết làm lại cuộc đời. Mẹ rất kính trọng họ con ạ”.
3.
Đêm ở phi trường, khu phòng đợi đông nghẹt hành khách. Cuối tháng ba, thời tiết vẫn còn lạnh. Buổi chiều, có một cơn mưa phùn làm bầu trời u ám và sũng sịt nước. Gió từ biển thổi về mang theo hơi ẩm ở thành phố trên độ cao.
Bây giờ Thuận và mẹ đã ngồi ở cái băng ghế trong phòng đợi. Phải nửa tiếng nữa máy bay mới cất cánh, thời gian đó đủ để hai mẹ con nói những chuyện cần thiết trước khi chia tay.
“Mẹ à, đấy là lời Thuận nói với bà mẹ. Mẹ biết con đi làm ở hãng, xin nghỉ dài hạn cũng có khó khăn, chừng nào con mới có cơ hội để về thăm mẹ được. Không nghĩ thì thôi, nghĩ đến con lại buồn”.
“Con chẳng cần bận tâm đến việc đó con ạ. Mẹ chỉ mong rằng ở bên này con lo cho gia đình và đi làm để có tiền bạc dư giả. Còn mẹ về bên đó, đã có cậu mợ con trông nom cho mẹ, mẹ thấy như thế là được rồi. Mà dù mẹ muốn ở lại đây với con với cháu, mẹ ở cũng không được đâu con. Hạnh phúc gia đình của con là điều không cho phép mẹ quấy rầy để rồi sau này hối hận. Mẹ muốn cứu vãn nó trước khi những chuyện không hay xẩy đến làm khổ cho con”.
“Con biết. Nhưng ...”.
Thuận cầm chặt bàn tay mẹ cố gắng gượng không khóc. Bà cụ bỗng nấc lên một tiếng rồi từ đôi mắt, những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra. Kềm chế xúc động để lấy lại can đảm và nghị lực trước mặt đứa con trai, bà cụ lấy lại vẻ mặt tự nhiên và bình thản:
“Con trai của mẹ. Mẹ không muốn thấy nước mắt của con. Nước mắt chỉ là sự ươn hèn đáng xấu hổ. Bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn và khổ cực như thế nào đi nữa, con phải như bố con vượt qua những chông gai và trở ngại để hãnh diện mình là con người. Sinh ra và lớn lên, bố con chưa hề bao giờ phải cúi đầu để chịu bị khuất phục trước mọi hoàn cảnh. Dù ngay cả lúc bố con còn ở tù, bị đánh đập, tra tấn, hành hạ thân xác một cách tàn tệ, bố vẫn ngẩng cao đầu và đi bằng đôi chân thẳng. Lúc nãy ngồi ở xe, mẹ có nói đến bà coi trẻ, đấy chỉ là cách gián tiếp nhắc cho con biết một điều, một điều nhẫn nhục và chịu đựng, can đảm và hi sinh. Con phải luôn luôn nhớ rằng, cuộc đời là một bức thảm trải ra để ta đi lên nó mà không phải là tấm thảm để nó phủ kín lên ta. Trước khi mẹ về lại quê nhà, mẹ chỉ muốn có ít lời nhắn nhủ con thế thôi”.
Khi bà cụ nói đến đó thì cũng là lúc hành lang xuống phi cơ đã mở và mọi người theo nhau bước vào. Bà cụ đứng dậy và lần đầu trong đời bà cụ, đôi môi khô héo nứt nẻ như trái quả già gắn vội lên má đứa con. Cái ngoái đầu, cái ngoắc tay để lại trước khi cái bóng dáng gầy guộc của bà cụ mất trong những người hành khách đang tiếp nối đi tới.
4.
Thuận vẫn đứng đó sau tấm kính ngó ra phi đạo. Tai chàng nghe tiếng gầm rú phát ra từ bầu ống phóng phản lực khi chiếc máy bay lướt trên đường băng cất mình lên bầu trời. Thuận vẫn đứng đó không phải để nhìn mà để khóc lúc trên nền mây đen thẫm, đốm đèn đỏ của chiếc máy bay chớp tắt rồi biến mất ở khoảng không vẫn chỉ là một màu đen, đen thẫm và đặc []