Sau nhiều năm tháng, tôi đã viết một số lượng chữ tạm có thể gọi là… kha khá. Vừa do công việc, vừa do sở thích riêng. Cũng đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, đề tài, với nhiều hình thức và giọng điệu khác nhau… Nhưng không hiểu vì sao, chưa lần nào tôi đề cập ý niệm về NGƯỜI MẸ. Có phải vì điều ấy gần gũi quá chăng, gần đến độ lắm khi thờ ơ hoặc quên lãng? (Con người vẫn … bội bạc thế đấy, mà thường vẫn không nhận biết điều này!). Hay là, từ trong vô thức, tự biết rằng, rất khó có thể “diễn tả” được đôi điều liên quan đến khái niệm này?! Câu hỏi và trả lời ấy, đành xin dành cho những… bất khả vậy.
*
Dạy con, Má tôi ít khi phải dùng đến roi vọt. Mà mỗi lần, cũng chỉ vài roi. Nhưng rất đau. Má luôn “hài tội” tôi hư nghịch như thế nào, rồi: “Nhớ không con?” xong, mới vụt một roi. Khuôn mặt Má buồn bã, đôi mắt Má rươm rướm. Mấy anh chị em tôi đều hiểu lòng Má đau mỗi khi phải cầm đến cái roi mây, nên hầu như rất ít bị đòn…
Mùa đông năm ấy, Má mua cho tôi và người anh con ông bác (ở quê ra trọ học tại nhà tôi) mỗi đứa một cái áo ấm bằng nỉ bình thường. Tôi thích cái áo có cổ viền bằng nhung, và nằng nặc đòi. Hồi ấy, việc làm ăn gia đình tôi đã bắt đầu “đi xuống”. Má tôi chìu ý, nhưng khi đưa chiếc áo cho tôi, mắt Má buồn. Sau đó, tôi mới biết, cái áo tôi thích đắt tiền hơn… Mãi đến tận bây giờ, hơn 50 năm sau, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn ân hận vì điều ấy…
Rồi tôi lớn lên, đi học xa nhà. Cũng nhớ Má, nhưng những ảo tưởng, ảo vọng của tuổi 20 khiến cho tôi lao vào những cơn xoáy của lịch sử, nỗi nhớ cũng dần dần được quen - và - quên. Rồi một lần, Má gửi vào Sài Gòn cho tôi một khay nhỏ xôi đường (*). Mấy người bạn cùng trọ chung một căn gác, cùng là đồng hương, rất thích món ăn “quê nhà” ấy, nên… xơi sạch, quên không “để phần” cho tôi. Không thuộc tạng khỏe ăn, tôi ít chú ý việc ăn uống, nhưng chưa bao giờ tôi lại tức giận vì bị… mất ăn như lần ấy. Gần như tôi đã muốn khóc. Mấy anh bạn, khi đó mới giật mình, vì đã lỡ quên cái điều có vẻ nhỏ mọn mà lại thiêng liêng như thế…
*
Như bao người mẹ khác, Má tôi không muốn người khác phải bận lòng vì mình. Những ngày trước khi qua đời, em gái tôi đã lo liệu chu đáo mọi điều cho Má, Má vẫn tự lo việc vệ sinh cá nhân, dù đã có một người bên cạnh chăm sóc. Có một số tiền dành dụm, Má bảo tôi giữ để lo hậu sự. Cái tính thu xếp công việc cho vén khéo của người Mẹ Việt sao lại trùng hợp với điều mà người con Phật nên làm, trong ý nghĩa nhân quả. Tôi phải nhờ em gái giữ giúp, vì vốn hay… làm mất. Nhiều đêm, Má thì thầm khấn nguyện rất lâu: “Lạy Phật Bà, xin cho con được ra đi sớm…”. Vậy mà, trong khuya khoắt yên lặng, đôi lần Má nắm chặt tay tôi. Tôi hiểu, trong bóng tối của đôi mắt đã lòa và trong sự im lặng kéo dài của đôi tai đã không còn nghe rõ, cái bản năng sống của hằng bao kiếp đời và nghiệp lực đang lên tiếng… Buổi tối cuối cùng, tôi lên chùa cầu an cho Má xong, về nhà con gái tôi, tắt điện thoại và ngủ luôn đến 5 giờ sáng. Mở máy, mới đọc tin nhắn của vợ tôi: “Má mất lúc 11giờ…”. Qua nhà em gái, Má vẫn nằm đó, nhỏ bé, quắt queo. Tôi xoa dầu nóng và rượu gừng, sửa lại tư thế cho Má, vì không muốn để những người khâm liệm chuyên nghiệp làm Má đau. Phải mất gần ba giờ đồng hồ: Má tôi đã 96 tuổi, lại phải nằm một chỗ, sau lần bị té ngã cuối cùng…
*
Má tôi không biết chữ, dù nhà ông ngoại tôi không quá nghèo: Vào cuối thế kỷ 19, đầu 20, chẳng có mấy gia đình ở miền Trung cho con gái đi học. Con gái tôi nghe Bà Nội bàn luận những chuyện “đời xưa”, xuýt xoa: “Bà mà được đi học, chắc chắn sẽ học rất giỏi”. Ký ức của Má tôi tốt: Bà nhớ chi tiết nhiều chuyện, kể lại rất khúc chiết. Cả ngày - giờ, quang cảnh, thời tiết… lúc các con ra đời, Má đều nhớ rõ. Trong một lần bàn bạc việc gia đình, anh trai tôi bảo: “Cứ tưởng anh em mình có hiểu biết nhờ đọc được chút ít sách, hóa ra, Má giải quyết đúng hơn…”. Chính cái biết bình thường của một người bình dân giữ được “nếp nhà” đã làm nên sự sáng suốt, hơn hẳn mớ sách vở của chúng tôi. Có lần, tôi nói với các con: “Bà Nội không đi học ở trường, nhưng nơi Bà, còn quá nhiều điều mà chính Ba không học được”…
*
Đêm đầu tiên Má ra đi, anh chị em tôi và con cháu tề tựu trước quan tài. Tôi đã trò chuyện với Má, như lúc Má còn thở. Gia đình không báo tin cho ai và yêu cầu dịch vụ mai táng không cờ quạt, không kèn trống - âm nhạc. Nhưng nhà giữa phố, khó giấu được: người viếng quá đông. Giữa ý muốn giữ yên tĩnh cho đám tang và lòng biết ơn trước tình cảm - tập quán của quyến thuộc và bằng hữu, biết làm sao đây? Anh cả tôi đọc điếu văn, con cháu đều biết, người vừa ra đi là người… Biết quý từng chén cơm, dạy con lẽ cần kiệm thật thà / Coi trọng mỗi lời nói, răn cháu lý ăn ngay ở thẳng… Giọng anh nghẹn lại: MẤT - CÒN, TỬ - SINH vốn là MỘT / SỐNG - CHẾT, TỒN - DIỆT cũng là KHÔNG… Biết vậy, mà, mặc dù đã “cấm” các cháu không được khóc lóc, sao cổ họng tôi cứ thắt lại…
*
Bây giờ Má ở đâu?
Câu hỏi thường tình ấy, tôi biết, chỉ là cái quán tính của sự trói buộc tâm lý. Tin vào nhân quả như một định luật của vũ trụ, tôi biết, Má đang ở một nơi tốt đẹp hơn cõi sống này. Giản dị, chỉ vì Má đã sống gần trọn một trăm năm với tấm lòng chân thực và không hề chủ tâm gây ra điều ác cho người khác. Cũng như tám năm trước, khi Bà Ngoại của các con tôi ra đi, tôi tiễn Mẹ với lòng tin, Mẹ sẽ về nơi của những người bình thường - lương thiện / Những con người đổ mồ hôi trong chén cơm còn lưng / Những con người mà nếu không có họ / Cuộc đời này sẽ là sự trống không…
Má ơi…