Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.144.447
 
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 1
Trần Đình Khiêm

 

I)Một số vấn đề thuộc về ly luận:

 

1)Thi trung hữu nhạc:

 

1.1)Thơ và nhạc:

 

Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ảnh cuộc sống thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn từ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhạc điệu. Bàn về thơ  Sóng Hồng có viết ”Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt, nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lý trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua lời thơ trong sáng vang lên nhịp điệu khác thường “[20,210]. Trong thơ, nhạc tính rất quan trọng, vì thế Chế Lan Viên và nhiều người khác đã khẳng định : “Thơ đi giữa ý và nhạc”.

           

Khác với thơ, nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện để diễn đạt tư tưởng tình cảm. Nhưng không phải âm thanh nào cũng gọi là âm nhạc. Những tiếng động không có độ cao như tiếng gõ, tiếng đập, tiếng rì rào của cây cỏ, tiếng sấm, những âm thanh này không gọi là âm nhạc. “Những âm thanh có tính nhạc được xác định bởi bốn thuộc tính-độ cao, độ dài, độ mạnh, độ nhẹ và âm sắc “[67, 4]

 

1.2) Sự gặp gỡ giữa thơ và nhạc:

 

Trong bảy loại hình nghệ thuật đơn tính–điêu khắc, hội hoạ, văn chương, âm nhạc, múa, sân khấu, phim ( điện ảnh, truyền hình ) ranh giới thơ và nhạc gần gũi nhất. Ông Lê Đình Diên khẳng định“Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự biểu hiện của thơ .Tình rung động phát ra thành thanh, người ta có thanh rồi sau đó có thơ. Thanh biểu hiện ra lời, nhạc có thơ mà sau đó có thanh. Cho nên biết chỗ giống nhau của chúng cũng nên biết chỗ khác nhau của chúng “.[39,158]. Còn ông Nguyễn Văn Hạnh thì khẳng định :”Trong văn chương thì thơ ca là loại thể gần âm nhạc vì có tính chất trực tiếp nhất, thiên về tự biểu hiện, gắn với cái tôi của người nghệ sĩ nhiều hơn, so với truyện ký văn xuôi nói chung .”[57,112]. Ong Hà Minh Đức thì cho rằng “Ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ có nhịp điệu” [13,151]. Bloc cũng định nghĩa “Nhà thơ là người mang tiết tấu”. Trong tiểu luận ngôn ngữ đại cương, Roman Jacobson cũng đã thừa nhận công thức của Valery: “Bài thơ là một sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa” [73,31]. Sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa âu cũng là sự tương tác giữa nội dung và hình thức, giữa cái biểu đạt và cái cần biểu đạt, giữa nhạc tính và các tầng nghĩa.

 

Rõ ràng điểm gặp gỡ lớn nhất giữa thơ và nhạc đó là nhịp điệu tiết tấu. Nhưng cần thấy thêm rằng nhịp trong thơ và nhịp trong nhạc vẫn có khoảng cách. Nhịp trong một bản nhạc tồn tại  thường mang tính chất ổn định còn nhịp trong thơ thường được các nhà thơ sử dụng rất biến hoá linh hoạt. Điều này xảy ra ngay cả đối với những tác phẩm được sáng tác dựa trên nền tảng của một thể thơ có những qui định rõ ràng về nhịp.

 

1.3) Cơ sở tính nhạc trong Truyện Kiều:

 

Ngôn ngữ Tiếng Việt:

 

Từ trong cội nguồn, qua các giai đoạn phát triển, Tiếng Việt tạo ra được bản sắc riêng .

 

* Về mặt loại hình ,Tiếng Việt là loại ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm này bộc lộ rõ rệt ở các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

 

*Về mặt ngữ âm : Mỗi tiếng là một âm tiết. Hệ thống âm vị Tiếng Việt phong phú và có tính cân đối tạo ra tiềm năng to lớn của ngữ âm Tiếng Việt trong việc thể hiện các đơn vị có nghĩa. Nhiều từ tượng hình, tượng thanh có giá trị gợi tả đặc sắc. Khi tạo câu, tạo lời, người viết rất chú ý đến sự hài hoà về ngữ âm, đến nhạc điệu của câu văn .

           

*Về đặc điểm từ vựng : Mỗi tiếng nói là một yếu tố có nghĩa. Từ tiếng, người ta tạo ra các đơn vị từ vựng khác để định danh sự vật, hiện tượng nhờ phương thức ghép, phương thức láy. Phương thức láy là một phương thức góp phần rất lớn trong việc tạo ra tính nhạc.

 

*Về đặc điểm ngữ pháp : Từ Tiếng Việt không biến đổi hình thái. Đặc điểm này chi phối các đặc điểm ngữ pháp khác. Khi kết hợp từ thành các kết cấu như ngữ, câu, tiếng Việt rất coi trọng phương thức trật tự từ và hư từ. Nếu một nhà văn nhà thơ có ý thức sử dụng trật tự từ cũng có thể tạo nên tính nhạc .

 

Đặc biệt so với ngôn ngữ Ấn Âu, ngôn ngữ Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Trong hệ thống thanh điệu của Tiếng việt có thanh  cao – ngang, ngã, sắc; có thanh  thấp – huyền, hỏi, nặng ; có thanh không bằng phẳng – ngã , hỏi, sắc, nặng; có thanh đổi hướng – ngã, hỏi; có thanh không đổi hướng, kết thúc bằng một nét tắc họng – sắc, nặng. Đặc điểm này không những là yêu cầu về mặt chính xác trong khu biệt nghĩa mà còn là yêu cầu về mặt nhạc tính của ngôn bản, nhất là ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ ca cổ truyền – lục bát, song thất lục bát, vè… , thơ Đường đều rất chú ý đến qui luật hài hoà về thanh điệu.

 

Nói chung, “Trong Tiếng Việt, sự cân đối, trầm bổng, nhịp nhàng, uyển chuyển, biện pháp trùng điệp, các thanh, vần, ngữ điệu, các từ tượng thanh, từ láy đều góp phần tạo nên nhạc tính cho câu thơ” [57,175]

 

Không riêng gì thơ, trong văn xuôi, một số nhà văn có ý thức cũng chú ý đến đặc điểm này để tạo ra nhạc tính:

 

-Trần Quốc Tuấn, một thiên tài quân sự đã để lại một kiệt tác văn chương “Hịch tướng sĩ ”. Trong bản dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt, người dịch đã cố gắng dịch gần như chính xác ngôn bản về nội dung lẫn nhịp điệu. Câu văn “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù …” là một câu văn có sự cân đối về nhịp ( 6-4, 4-4, 8-6).Vì thế, âm điệu khá nhịp nhàng rất dễ nhớ dễ thuộc.

 

-Câu văn“ Tre Đồng  Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi“trong tác phẩm “Cây tre” của Thép Mới có nhịp điệu rất nhịp nhàng  3-3 –6-6 và cân xứng về thanh bằng trắc – Vế một có 3 thanh bằng, vế hai lại 3 thanh trắc, vế ba có 3 bằng 3 trắc, vế bốn có 4 bằng 2 trắc. Nhờ sự cân xứng về nhịp, thanh, câu văn trở nên uyển chuyển. Hoặc câu “Cối xay tre, nặng nề quay, nghìn đời nay, xay nắm thóc “ngắt theo nhịp 3- 3-3-3 tạo ra được nhịp điệu lao động nặng nhọc, sự bền bỉ chịu đựng của người dân quê.

 

-“Tôi đi học”của Thanh Tịnh có âm điệu rất êm ái phù hợp với việc diễn tả những cảm giác sung sướng hạnh phúc, lâng lâng của cậu học sinh trong ngày đầu tiên đến trường. Khác với Thép Mới, Thanh Tịnh lại chú ý đến việc sử dụng những thành phần lặp lại và những từ láy âm để tạo ra nhạc tính: “...Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường

 

….Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi  đều thay đổi, vì chính lòng tôi có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học ...”.

 

2) Thể thơ lục bát:

 

*Nguồn gốc thơ lục bát:

 

Về nguồn gốc, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng, lục bát thoát thai từ ca dao, tục ngữ. Nó là con đẻ của ca dao. Thời gian định hình của thể lục bát hiện nay chưa xác định một cách chắc chắn. Có người cho rằng “Thời gian định hình của thể lục bát từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV. Trong thời gian này, giới trí thức chỉ lo làm các thể thơ gốc Trung Hoa. Các bài thơ thường viết bằng chữ Hán. Giới bình dân thường truyền miệng nhau những câu thành ngữ quen thuộc, những câu tục ngữ có giá trị đạo lý, lúc đầu chưa có điệu, chưa có vần nhưng dần dần được hoàn chỉnh để trở thành ca dao với vần điệu và âm vận rõ ràng”  [22,105].

 

Câu thơ lục bát lúc đầu chưa được thuần nhất, đôi khi còn vụng về, cứng nhắc, hình thức mộc mạc. “Trong nhiều truyện Nôm của dân gian được lưu truyền xuất hiện cuối Lê đầu Nguyễn hình thức ấy vẫn có nhiều: vần ở câu bát không gieo vào chữ thứ sáu mà gieo vào chữ thứ tư. Hoặc giả niêm luật bằng trắc của câu thơ cũng chưa cố định, qui luật nhạc điệu của câu thơ cũng chưa thành hình” ….[27,185]. Ngay cả Thiên Nam Ngữ Lục được viết vào thế kỷ XVII thể lục bát cũng chưa hoàn toàn ổn định về âm luật và vần. Hiện tượng chữ thứ hai vần trắc, chữ thứ 8 vẫn còn vần với chữ thứ tư:

 

Nghe nhau, ai nấy ngó nhau,            (4685)

Một đứa nhổ sào, cả vạn cũng xuôi. (4686)

 

Đến thế kỷ XVIII hiện tượng này ít thấy xuất hiện. Đặc biệt khi Nguyễn Du sử dụng thể lục bát để viết Truyện Kiều thì lục bát đã đạt đến đỉnh cao.

*Những nguyên tắc của thể thơ lục bát:

-Về số chữ trong thể thơ lục bát :

Lục bát theo nghĩa đen là sáu tám. Vì theo thể này cứ lần lượt đặt một câu sáu chữ lại đến một câu tám chữ, muốn đặt dài ngắn bao nhiêu cũng được, miễn là phải dừng lại ở cuối câu tám .

-Về luật bằng trắc , thể thơ lục bát được qui định như sau :

 

Câu sáu: 0b 0tr 0b

Câu tám:0b 0tr 0b 0b.

 

Ví dụ:              

Thân em như hạt mưa sa,(b-tr-b)

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.(b-tr-b-b)

 

Trong đó b – bằng; tr- trắc; 0-tự do (bằng hoặc trắc). Trong câu tám, tuy chữ thứ sáu và chữ thứ tám đều là tiếng bằng nhưng không được cùng một thanh, nghĩa là chữ thứ sáu thuộc phù bình thanh thì chữ thứ tám phải trầm bình thanh và ngược lại.

 

Ví dụ:                          

 

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

 

Trường hợp câu sáu chia thành hai đoạn dài bằng nhau thì chữ thứ hai có thể đổi bằng thành trắc:

                       

Ví dụ: Dù mặt lạ, đã lòng quen (Bích Câu kỳ ngộ)

 

-Vần và cách hiệp vần :

 

Vần trong thơ lục bát thường là vần bằng nhưng cũng có một số ít trường hợp là vần trắc:

                                   

Tò mò mà nuôi con nhện,

Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi            .

(Ca dao)

Cách gieo vần: Thơ lục bát vừa gieo vần chân vừa gieo vần lưng, tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng cuối câu bát lại gieo vần xuống tiếng cuối câu lục tiếp theo, thành ra câu tám có hai vần, một yêu vận ở chữ thứ sáu và một cước vận ở chữ thứ tám. Theo một số nhà nghiên cứu, vần lưng cũng có khi gieo ở chữ thứ tư câu tám, thí dụ:

 

-Núi cao chi lắm núi ơi,

Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.    

(Ca dao)

 

-Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.     

(Ca dao) -Nhịp và cách ngắt nhịp:

 

Xét về tính chất hoàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa cũng như ngữ âm và ngữ điệu thì   “cả cặp lục bát mười bốn từ được coi như một đơn vị nhịp điệu, trong đơn vị đó lại có thể ngắt ra từng tiết tấu tuỳ theo cách diễn đạt của câu thơ, do đó người ta có thể ngắt thành đơn vị tiết tấu mà ta gọi là nhịp hai, nhịp ba, nhịp bốn...”[ 4,174]

 

Nói chung, ngắt nhịp trong thơ lục bát thông thường ngắt theo nhịp chẵn, mỗi nhịp hai tiếng. Tuy vậy, ta có thể gặp lối ngắt nhịp lẻ, mỗi nhịp ba tiếng. Trường hợp này xuất hiện khi nào câu sáu chia thành hai đoạn dài bằng nhau:

 

Chồng gì anh/ vợ gì tôi,

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!

(Ca dao)

 

Ngoài ra, còn có lục bát biến thể. Thể này cũng là thể lục bát, nhưng thỉnh thoảng có xen vào một ít câu mà cách hiệp vần và luật bằng trắc khác thể lục bát nói trên. Thể này thường dùng để viết các truyện có tính cách bình dân như Quan Thế Âm, Phạm Công Cúc Hoa, Lý Công ...

 

-Ưu và nhược điểm trong thể thơ lục bát :

 

Ưu điểm:

 

Với số lượng thanh bằng nhiều trong một cặp lục bát- tối thiểu là 5 thanh bằng trong một cặp, tối đa là 12 thanh bằng trong một cặp, thể thơ lục bát có khả năng diễn tả cao đời sống tình cảm của người dân lao động .

 

Đối với những thể thơ khác, người làm thơ phải dùng nhiều câu mới tạo thành tác phẩm - ít nhất là 4 câu, còn lục bát chỉ cần một cặp câu cũng có thể tạo ra một chỉnh thể hoàn chỉnh. “Cái kỳ lạ của thơ lục bát và song thất lục bát là nó được cấu trúc ở đơn vị câu thơ, và đây là cấu trúc vừa khép vừa mở. Khép, vì nó liên hệ ràng buộc bên trong về thanh điệu, về nhịp, về vần làm cho mỗi câu thơ trở thành một cấp độ chỉnh thể (….). Mở, vì câu thơ lục bát và song thất lục bát luôn mở ra cấu trúc hoá với những câu thơ lục bát và song thất lục bát khác, một cách liền mạch và có thể nói là không giới hạn” [57,87]

 

Hạn chế của thơ lục bát :

 

Theo Nguyễn Khuyến thơ lục bát là một thể thơ rất khó viết dài, khó viết hay. Cụ là một nhà thơ lớn, nhưng không làm thơ lục bát. Người ta hỏi vì sao, cụ trả lời rằng “Thể thơ lục bát với những cái ngọt ngào tình tứ thì cụ Nguyễn Du vớt hết cả rồi. Nay có làm cũng chỉ vớt lấy những cái vẩn cặn” [63, 216]

 

Thể thơ lục bát hiếm có vần trắc. Vì thế nó khó tạo ra những âm hưởng mạnh mẽ, khó phác hoạ ra bức tranh hoành tráng, hùng vĩ những cảnh tượng đồ sộ. Nó nặng về diễn tả đời sống tình cảm.

 

Bên cạnh cái êm ái nhẹ nhàng, thơ lục bát vì có quá nhiều vần bằng nên tính đa dạng trong giọng điệu bị hạn chế.

 

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã phát huy được ưu điểm, khắc phục những hạn chế của thể thơ lục bát để viết một tác phẩm dài hơi có chất lượng, giàu nhạc điệu như tác phẩm Truyện Kiều.

 

II)Tính chất”Thi trung hữu nhạc” trong  tác phẩm Truyện Kiều:

 

Tính nhạc trong tác phẩm Truyện Kiều thể hiện ở các khía cạnh :

 

1) Tính nhạc thể hiện qua luật thơ:

 

1-1)-Vần:

 

Theo các nhà lý luận “vần” là một phương tiện tổ chức văn bản thơ dựa trên sự lặp lại không trùng khớp hoàn toàn của các tiếng ở những vị trí nhất định của dòng thơ. Nó có ba chức năng- tách biệt các dòng thơ và tạo nên sự liên kết giữa chúng với nhau, tạo âm hưởng, tiếng vang trong thơ, tạo tâm thế chờ đợi vần đối với các tiếng xuất hiện sau đó nhằm làm nổi bật ý nghĩa. Có nhiều loại vần –vần chân, vần lưng, vần chính, vần thông. Trong đó “Vần lưng là hiện tượng đặc sắc của luật vần Việt Nam, tạo nên tính chất giàu nhạc điệu của tiếng Việt và câu thơ Việt Nam” [20, 292]. So với thơ tự do, vần trong thơ lục bát rất quan trọng. Nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều, ta thấy có hai loại vần chủ yếu góp phần rất lớn trong việc tạo nên tính nhạc:  

 

1.1.1)Vần trên trục ngang:

 

Đây là hiện tượng nằm ngoài luật thơ lục bát. Nó thường xuất hiện nhiều trong những câu tục ngữ (Tốt danh hơn lành áo; Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh; Con hơn cha là nhà có phúc...). Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng nó như một biện pháp tạo ra nhạc điệu. Nếu vần chân và vần lưng tạo nên tính nhạc trên trục hàng dọc thì vần trong câu tạo nên tiết điệu trên trục hàng ngang. Trong 3254 câu thơ lục bát có 156 lần Nguyễn Du sử dụng vần trong câu, chiếm tỉ lệ 4,8%. Những trường hợp này ngoài việc tạo ra nhạc điệu, Nguyễn Du còn dùng nó để nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó:

 

Khi tả khung cảnh thiên nhiên, trong đó có bóng dáng con người nhạt nhoà xa vời thi hào viết :

Bóng chiều đa nga, dặm về còn xa.”                   (114)

Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:                   (1806)

Khi tâm trạng con người có sự âu lo, mang một niềm mơ tưởng, Nguyễn Du lại viết những dòng thơ miên man ngân nga như xoáy vào lòng người:

                       

Nàng càng thổn thức gan vàng ,                          (1125)

Còn ra khi đã da mồi, tóc sương .                       (2240)

Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng.   (2854)

 

Có lẽ, Tú Bà dạy những câu vần điệu như thế này Thuý Kiều sẽ dễ nhớ dễ thuộc hơn nhiều:

                       

Dạy rằng : “con lạy mẹ đây ,                               (951)

 

Những lời nhận xét, lời than, lời kiến nghị cần có nhiều vần, nhiều nhạc tính để người đọc suy nghiệm bày tỏ cảm xúc hoặc đánh giá cái gọi là “chân lý” của thời đại Nguyễn Du:

 

-Người hồng nhan thì:

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen .           (6)

-Nghề buôn phấn bán hương lại:

Đưa người cửa trước ,rước người cửa sau!”       (946)

 

Lời than vãn tâm tình đến tội nghiệp của nàng Kiều được thốt ra bằng những câu thơ nhiều vần điệu sẽ làm cho Thúc Sinh, Kim Trọng phải nao lòng :

 

Thôi thôi, ta đã mắc tay ai rồi !”                       (1826)

Co làm chi nữa, cái mình bo đi !                     (3146)

 

Nói chung, những trường hợp vần trong câu thường được sắp xếp ở nhiều vị trí khác nhau. Có lúc gieo vần kề, có lúc gieo vần cách. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự biến hoá, linh hoạt về âm điệu.

 

1-1-2) Vần trên trục dọc:

 

Ông Phan Ngọc cho rằng tính nhạc trong vần của thơ được qui định bởi tính đều đặn và tính đa dạng “Đều đặn nghĩa là nó chấp nhận một mô hình hiệp vần rất hẹp, thí dụ mô hình chung âm đồng nhất của Nguyễn Du, đa dạng nghĩa là trong nội bộ của mô hình ấy nó tận dụng được tất cả mọi khả năng mà mô hình cho phép” [63, 265]. Cả hai yêu cầu trên, theo ông, Truyện Kiều của Nguyễn Du đều đảm bảo. Trong số 4480 vần của Truyện Kiều chỉ có một ngoại lệ (Tin nhà ngày một vắng tin, Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang.)(Câu 1479-1480), trong khi đó “Song tinh bất dạ” với 212 câu lục bát đã có 5 ngoại lệ về chung âm (an- thanh, chàng –con, hư- qua, ai-yên, bàn-vàng; “Sơ kính tân trang” của Phạm Thái có 6 ngoại lệ (đàn- chàng, tràng an-hang, chàng-than, phù-lưu, trướng-mượn, ru-sầu); “Tỳ bà Hành” của Phan Huy Thực có một ngoại lệ (nước-sạt). Theo thống kê của Phạm Đan Quế “Trong Truyện Kiều viết bằng thể thơ lục bát, Nguyễn Du dùng tới 64/74 vần bằng tức tác giả đã sử dụng tới 86,5% khuôn vần bằng, một tỉ lệ khá cao để các vần được đa dạng” [71,117]. Như vậy, so với 74 khuôn vần bằng của Tiếng Việt, Truyện Kiều chỉ thiếu 11 khuôn vần bằng, đó là những khuôn vần ít thông dụng- eng, om, oong, um, ưm, ưn, ưi, ưu, ươn, ươu. Sử dụng nhiều khuôn vần bằng tạo nên sự biến điệu trên cái nền chung- êm ả, nhẹ nhàng, lan tỏa, mênh mông. Ngược lại, nếu sử dụng nhiều khuôn vần trắc sẽ tạo nên nhiều sắc thái của các hoạt động- mạnh mẽ, dữ dội, tâm trạng dằn vặt...Mặc dù khuôn vần trắc chỉ xuất hiện rải rác trong một số câu thơ trên trục ngang song nhờ nó âm hưởng trong bản hòa tấu Kiều phong phú hơn.

 

Nói về cách gieo vần, từ xưa đến nay các nhà nghiên cứu đều tỏ ra thán phục trước tài năng của thi hào Nguyễn Du. Nhà văn Nguyễn Tường Tam cho rằng “Muốn cho văn trơn tru cần phải gieo vần cho hợp; tưởng thế cũng là một việc khó lắm, có khi nghĩ mãi mệt cả óc, lựa mãi mỏi cả mồm cũng không tìm được một vần xứng đáng …Về phần cụ Nguyễn Du không biết cụ lựa vần có phải khó nhọc thế không hay cụ đặt bút là có vần rồi? Văn cụ không câu nào lạc vần cả, nên đọc đến trơn tru lưu loát lắm. Câu văn như lướt theo tư tưởng.” [76, 64]

 

1-2)Nhịp :

 

“Nhịp tức là cách lặp lại một cách đều đặn một đơn vị thời gian, một số âm tiết trong dòng thơ, câu thơ hoặc bài thơ. Yếu tố tạo nhịp quan trọng nhất trong bài thơ là dòng thơ. Cuối mỗi dòng thơ là một chỗ nghỉ hơi kéo dài chấm dứt rõ rệt một nhịp để lại bắt đầu một nhịp mới” [57,83]. Thơ có thể bỏ vần, bỏ quan hệ đều đặn về số chữ, bỏ qui luật bằng trắc nhưng không thể vứt bỏ nhịp điệu. Bởi vì nhịp là xương sống của thơ. Nhịp điệu nền của thơ lục bát là nhịp chẵn. Truyện Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Vậy làm thế nào để tạo ra một tác phẩm Truyện Kiều khác với những truyện Nôm khác. Theo ông Nguyễn Lộc: “Truyện Kiều kết hợp được một cách hài hoà, biện chứng đặc điểm vốn có về nhịp điệu của thơ lục bát do đặc trưng vốn có của ngôn ngữ qui định với việc dùng cách ngắt nhịp như một biện pháp tu từ để bộc lộ ý nghĩa, bộc lộ nội dung.” [49, 435]

 

Nhịp trong thơ lục bát thường là nhịp chẵn. Nhưng nếu chỉ sử dụng nhịp điệu đều đặn này để viết 3254 câu thơ lục bát thì tác phẩm Truyện Kiều sẽ trở nên đơn  điệu, thi hào Nguyễn Du đã biến hoá thành rất nhiều nhịp khác nhau:

 

Trong Truyện Kiều, câu lục có các nhịp 2-2-2, 3-3, 1-5, 2-4, 4-2, câu bát có các nhịp 2-2-2-2, 4-4, 6-2, 2-6, 3-3-2, 3-5, 3-1-4, 2-2-4, 2-4-2. Như vậy, không kể nhịp điệu nền, Truyện Kiều đã có 4 lần biến nhịp trong câu lục và 8 lần biến nhịp trong câu bát. Cả câu lục và câu bát có tới 12 lần biến nhịp.

 

Xét về mối quan hệ giữa hình thức biến nhịp và nội dung cần chuyển tải, nhóm Cao Thuý Ái Bích, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Mộc, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Bạch Nhạn đã có bài viết “Vài nhận xét sơ bộ về một số câu có cách ngắt quãng không bình thường trong Truyện Kiều của Nguyễn Du” [5] và  Phan Ngọc đã kết luận như sau:

 

Số câu chia làm hai vế cân đối 3-3, 4-4 chiếm một tỉ lệ khá lớn. Trong truyện Kiều có 80 câu theo nhịp 3-3 tỉ lệ 4,9 % trong số 1627 câu lục của toàn bộ tác phẩm, có 312 câu theo nhịp 4-4 tỉ lệ 19,1%.

 

-Nhịp thơ 1-5 trong câu lục được sử dụng 28 lần. Nhưng trước sau chỉ bó hẹp vào việc mở đầu một câu chuyện kể, chữ thứ nhất là rằng, và sau đó là 5 chữ khác :

Rằng:

“Trăm năm cũng từ đây,                                            (355)

Rằng : “Ta có ngựa truy phong,                             (1107)

Rằng :”Con biết tội đã nhiều,                                 (1395)

 

-Nhịp thơ 2-4 cũng dùng với mục đích giới thiệu một lời nói :

           

Sinh rằng :”lân lí ra vào,                                        (311)

Nàng rằng : “Xin hãy rốn ngồi,                               (2351)

 

Hai nhịp này làm cho câu thơ đa dạng nhưng không đem đến một chức năng biểu cảm riêng .

-Nhịp thơ 3-5 xuất hiện 12 lần. Nó đem đến sự đa dạng trong cách đọc, trong nhạc điệu :

 

Nửa chừng xuân,/ thoắt gãy cành thiên hương      (66)

Vạch da cây /, vịnh bốn câu ba vần                         (100)

Với Vương quan, /trước vốn trước là đồng thân.   (154)

 

-Nhịp 2-6 cũng như ba nhịp trên :

 

Thưa rằng :/“Ai có muốn đâu thế này”.               (1022)

Mắng rằng /:“Những giống bơ thờ quen thân,”   (1728)

 

-Nhịp 6-2 xuất hiện khá ít 8 lần nhưng mang một ý nghĩa quan trọng và sức nặng ý nghĩa dồn vào hai chữ cuối :

           

Rộn đường gần với nỗi xa / bời bời :                     (178)

 

Hoặc nó khẳng định một sự ngờ vực :

Mắt xanh chẳng để ai vào ,/có không ?               (2182)

Oan này còn một kêu trời /,nhưng xa !                 (596)

 

Hoặc gây nên sự tương phản, thúc đẩy sự suy nghĩ:

Để sau nên thẹn cùng chàng /bởi ai ?                  (520)

Thiệt mình mà hại đến ta /hay gì ?                      (1014)

 

-Nhịp 3-3-2 thể hiện trong 23 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp 6 chữ đầu mang hình thức tiểu đối :

 

Vẻ non xa,/ tấm trăng gần ,/ở chung .                  (1034)

Đĩa dầu vơi,/ nước mắt đầy,/ năm canh                (1884)

 

Trong 14 trường hợp còn lại, không có hình thức tiểu đối ở 6 chữ đầu:

Đoá trà mi đã ngậm gương/ nửa vành.                  (1092)

Theo nghiêm đường mở ngôi hàng /Lâm Truy.     (1278)

-Nhiều khi cách ngắt nhịp còn phá vỡ cấu trúc quen thuộc vì vần lưng của câu bát lại rơi vào giữa từ láy âm hoặc vần chia cắt hẳn một từ kép song tiết :

 

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,                              (251)

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.            (252)

Trót vì tay đã nhúng chàm,                                   (1397)

Dại rồi, còn biết khôn làm sao đây?                    (1398)

 

Nói chung, “Câu thơ lục bát đã đạt đến mức đa dạng tối đa về nhịp, nhờ đó mà không đơn điệu.”[65,224]

 

1-3) Luật bằng trắc:

 

Như trên đã nói, trong thể lục bát thanh bằng nhiều hơn thanh trắc. Bình thường câu lục chỉ bắt buộc có một thanh trắc (chữ thứ tư) còn câu bát cũng chỉ bắt buộc có một thanh trắc (cũng chữ thứ tư). Nếu tỉ lệ thanh trắc quá thấp tác phẩm sẽ “mất đi sức mạnh và tính đa dạng” ( chữ dùng của Phan Ngọc). Để khắc phục những hạn chế này, thi hào đã phải dùng đến hiện tượng phá khuôn hoặc sử dụng tối đa thanh trắc ở những chữ luật thơ không bắt buộc.

 

Hiện tượng phá khuôn thường rơi vào những trường hợp câu lục được ngắt theo nhịp 3-3. Trong những trường hợp này thanh trắc từ một tăng lên hai, ba. Chẳng hạn như câu:

 

Mai cốt cách, tuyết  tinh thần,                (17)

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,                    (25)

 

Khi cần diễn đạt những nội dung mạnh me, Nguyễn Du cũng tăng số lượng thanh trắc ở những chữ luật thơ không bắt buộc. Toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều có 215 câu thơ có từ 4 thanh trắc trở lên.

 

Đoạn nói về Kiều bị Hoạn Thư hành hạ là đoạn thơ có nhiều thanh trắc nhất (câu1835, 1837,1838,1840,1841,1859, 1860, 1861).

 

Những câu thơ có nhiều thanh trắc thường được Nguyễn Du chuyển tải những nội dung nhất định:

 

-Câu thơ có nhiều thanh trắc rất phù hợp với việc diễn tả những hoạt động huyên náo, mạnh mẽ, sự xuất hiện đột ngột, tai họa ập đến bất ngờ, sự vận động khó khăn, thông tin nhanh chóng, cảnh đánh đập dữ dội, cảnh sóng nước mạnh mẽ, cảnh báo óan:                                  

 

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh.                (44)

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.   (870)

Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay.        (120)

Sự đâu sóng gió bất kỳ.                          (729)

Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng. (1128)

Một đoàn đổ dến trước sau,                    ( 1131)

Tú Bà tốc thẳng tới nơi,                           (1133)

Hết lời thú phục, khẩn cầu,                       (1139)

Uốn lưng thịt đổ, dập đầu dầu máu sa.    (1140)

Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.            (1562)

Bắn tin đến mặt Tú Bà,                            (1375)

Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi,                          (2671)

 

-Những câu thơ có nhiều thanh trắc còn góp phần diễn tả tình cảm trào dâng, sự suy nghĩ đắn đo dằn vặt, nỗi đắng cay chua chát, những quyết định dứt khóat, sự chia lìa:

 

Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi,                                 (221)

Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người!                       (594)

Nghĩ đi, nghĩ lại, một mình:                                (859)

Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.                 (1396)

Nghĩ mình, mặt nước, cánh bèo,                        (2475)

Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.                  (3036)

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,                                (619)

Rỉ rằng:” nhân quả dở dang,                                (995)

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao ?         (996)

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.           (1526)

Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,                               (2383)

Tú Bà với Mã giám Sinh,                                    (2385)

Tóc tơ các tích mọi khi .                                      (2907)

Oán thì trả oán, ân thì trả ân.                             (2908)

 

-Để góp phần diễn tả khát vọng tự do và đòan quân hùng dũng cuả Từ Hải, Nguyễn Du cũng dùng tới những câu thơ có nhiều thanh trắc:

                       

Chọc trời, khuấy nước, mặc dầu,                     (2471)

Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la.                 (2258)

Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu.          (2262)

Trúc tơ nổi trước kiệu vàng theo sau .              (2268)

Kéo cờ luỹ, phát súng thành,                            (2271)

 

-Tiếng đàn của Thúy Kiều khi được đẩy lên “tone” cao, mạnh mẽ, Nguyễn Du lại dùng câu thơ có nhiều thanh trắc:

          

Khúc đâu Hán, Sở chiến trường,                        (475)

 

Cùng với việc sử dụng thanh trắc trong khuôn khổ cho phép, Nguyễn Du còn sử dụng tối đa thanh bằng ở những chỗ cần thiết. Truyện Kiều có 217 câu có số lượng 5 thanh bằng trong câu lục và 7 thanh bằng trong câu bát. Đoạn có nhiều thanh bằng là đoạn nói về cuộc gặp gỡ giữa Từ Hải và Thuý Kiều và cảnh sum họp đoàn tụ gia đình ( câu 2181, 2182, 2188, 3010, 3011, 3013, 3019, 3187, 3191, 3193…). Những câu thơ có nhiều thanh bằng thường sử dụng trong các trường hợp:

 

-Trong ngôn ngữ kể hoặc đối thoại Nguyễn Du thường dùng những câu thơ có nhiều thanh bằng- câu 9, 59, 107, 193, 331, 677, 1105, 1167, 1175, 1176, 1315, 1329, 1333, 1505, 1901, 2219, 2321, 2381, 2549, 2679, 2844, 2959, 3091, 3193. Có thể đơn cử một số trường hợp:

 

Rằng: năm Gia tĩnh triều Minh,                               (9)

Thưa rằng : “Thanh khí xưa nay,                          (193)

Ngần ngừ nàng mới thưa rằng :                             (331)

Rằng không, thì cũng vâng lời rằng  không!”        (1176)

Sinh rằng:  “Từ thuở tương tri,                             (1329)

Rằng: “Tài nên trọn, mà tình nên thương !            (1901)

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,                              (2219)

 

Nếu trong lời thoại số thanh trắc tăng lên số thanh bằng giảm xuống thì nội hàm ý nghĩa lại khác. Điều này ta thấy rất rõ trong câu: Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh, Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần(625-626). Đây không còn là những lời nói êm nhẹ mà là những ngôn từ cộc lộc thiếu văn hoá.

 

-Những cảnh tượng êm đềm vắng lặng, có lẽ dùng những câu thơ có nhiều thanh bằng là phù hợp nhất:

 Ngày xuân con én đưa thoi                     (39)

Gương nga chênh chếch dòm song,      (173)

Trông theo nào thấy đâu nào,                (215)

Buồn trông phong cảnh quê người,        (565)

 Vi lô san sát hơi mây,                           (913)

Rừng thu từng biếc chen hồng,              (917)

 

-Khi diễn tả tình cảm nhẹ nhàng, sự quyến luyến, nỗi buồn miên man, nỗi khổ triền miên, sự kiên nhẫn, lời thề sắt son, những thông tin như ngày càng mở rộng, Nguyễn Du cũng dùng rất nhiều thanh bằng trong một câu thơ:

 

Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.                   (1064)

Song sa vò võ phương trời,                                   (1267)

Chàng càng nghe nói, càng dàu như dưa .               (2794)

Sinh càng trông thấy, càng thương,                         (2809)

Càng âu duyên mới, càng dài tình xưa.                     (2846)

Càng yêu vì nết, càng say vì tình.                             (3188)

Tình xưa lai láng khôn hàn,                                     (3191)

Dòng thu như gội cơn sầu,                                   (2533)

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.                          (2668)

Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường.                       (2696)

Trăng thề còn đó trơ trơ,                                         (541)

Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao.                          (622)

 

- Nguyễn Du còn dùng những câu thơ có nhiều thanh bằng để diễn tả thời gian chuyển đổi hay không gian mênh mông – câu 867, 881, 942, 1006, 1083, 1091, 1494, 1791, 1796, 2033, 2215, 2635, 2555, 2703, 2741 :

Lầu mai vừa rúc còi sương,                                 (867)

Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu.         (942)

Hoa xuân đương nhuỵ, ngày xuân còn dài.         (1006)

Chim hôm thoi thóp về rừng,                             (1091)

Lâm Truy từ thuở uyên bay,                               (1791)

Trời đông vừa rạng ngàn dâu,                            (2033)

Trông vời con nước mênh mông,                        (2635)

 

Thanh bằng chiếm một tỉ lệ khá lớn trong thơ lục bát, ”Định thức này đã làm ra sự tuyệt mỹ của thể thơ lục bát” (Chữ dùng của Nguyễn Bách Khoa). Lục bát lại là sở trường của thi hào và ông đã đưa nó lên đến tột đỉnh vinh quang. Và vì thế “Đọc thơ Kiều ta có cảm tưởng ngồi trên một con thuyền êm ấm trôi xuôi theo dòng nước hiền lành đầy ánh trăng mát dịu của đêm thu;  ta có cảm tưởng được vào một thế giơí trong đó cái gì cũng mong manh, mềm yếu, lả lướt, cái gì cũng như đang biến ra chất khói, chất mây, cái gì cũng bay bổng nhẹ nhàng trên cánh nhung của mộng ảo. Đó là thế giới của thơ, của sầu muộn, của ai oán, của giấc mơ, của tàn tạ.” [76, 89] .

 

Để góp phần tạo nên tính nhạc-lúc trầm, lúc bổng, lúc lên, lúc xuống,  Nguyễn Du còn tạo ra sự cân đối về thanh, cứ một câu thơ có nhiều thanh bằng thì lại có một, hai câu thơ có nhiều thanh trắc hoặc ngược lại. Định thức này không chỉ được sắp đặt theo kiểu câu lục rồi đến câu bát mà còn được sắp đặt theo kiểu ngược lại. Câu 1-2, 1063-1064, 1101-1102, 1341-1342, 1525-1526, 2186-2187, 2211-2222, 2451-2452, 2467-2468, 2414-2415, 2608-2609-2610, 2702-2703 là những câu thơ có sự phối hợp như vậy :

 

Trăm năm, trong cõi người ta,                                (1)

Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.                    (2)

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,                            (2211)

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cỡi rồng.      (2212)

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương        (2114)

Trông vời trời bể mênh mang,                                     (2115)

Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào?                      (2608)

Duyên đâu, ai dứt tơ đào,                                         (2609)

Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay?                                   (2610)

 

Qua sự khảo sát trên, ta nhận thấy rằng: thanh bằng, thanh trắc khi sáng tác ít khi người ta tính toán đến. Song đối với Nguyễn Du, nó đã trở thành máu thịt. Khi cần diễn đạt một nội dung nào đó ông có thể dùng ngay những hình thức ngữ âm phù hợp.

 

Trần Đình Khiêm
Số lần đọc: 7302
Ngày đăng: 18.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường Bay Của Chữ - Nguyễn Ước
Ba đồng vàng 1 - Nguyễn Thành Nhân
Các giá trị tinh thần trước những thách đố của kỷ nguyên mới - Nguyễn Đăng Trúc
Tím Ngát Màu Thời Gian - Chế Diễm Trâm
Thêm Tài Liệu Về Nguyễn An Ninh Và Báo “Trung Lập” - Lại Nguyên Ân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -4 - Đỗ Thế Cường
Tế Hanh, dòng sông, mùa hạ - Đặng Tiến
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -3 - Đỗ Thế Cường
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -2 - Đỗ Thế Cường
Văn Kết Hợp Báo Trong Tiểu Thuyết “Pa Ri 11 Tháng 8” Của Thuận - Lê Thị Hải Vân