Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.042
123.197.705
 
Nụ Cười Bình Yên
Ban Mai

 

Tôi viết những dòng này khi thân xác ông đã thành tro bụi, có lẽ rồi sẽ được đem về rải trên dòng sông Côn quê hương ông.

 

Tôi nhớ, hơn mười năm trước tình cờ nghe trên sóng phát thanh “Đọc truyện đêm khuya” trích đọc tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ”  từng kỳ. Thật bất ngờ, nó gây cho tôi một cảm xúc mạnh. Có lẽ vì đêm khuya thanh vắng con người dễ xúc động, cũng có thể vì giọng người đọc truyền cảm làm tôi lắng nghe. Đêm đông, gió qua những đụn cát như từ làng An Thái thổi vào phòng tôi. Nằm trong chăn ấm, không gì thú bằng đón nghe giọng nói nhẹ nhàng của người kể chuyện như nghe chính tâm tình của các nhân vật. Vậy là hàng đêm tôi trôi lững lờ bên dòng sông Côn, lắng nghe tiếng thì thầm của Huệ, nhịp tim run rẩy của An, thao thức cùng mối tình trong sáng nhưng truân chuyên của họ… rồi chìm vào giấc ngủ.

 

Rồi một ngày, tôi cũng đi tìm bộ trường thiên này. Sách tái bản lần 2 giấy trắng in đẹp, đóng bìa cứng trang trọng nhưng… thời gian đó giá bộ sách quá đắt so với tôi. Tôi không thể mua mà chỉ đứng đọc trong cửa hàng sách Fahasa, sau đó tìm đọc trong thư viện trường.

 

Tôi gặp ông cũng thật kỳ lạ.

 

Với tôi là một bất ngờ vì tôi không hề nghĩ đến.

 

Nhưng với ông là một dự tính. Ông nói với tôi như vậy. Khi về Quy Nhơn ông đã nhờ người tìm tôi, vì sự cố tôi gặp khi lần đầu tiên đăng bài trên tạp chí Văn học lúc Cao Xuân Huy làm chủ biên. Có người đã viết bài phê bình trên talawas gây cho tôi một cú sốc.

 

Lần ấy, ông hỏi tôi cặn kẽ mọi việc. Nói tôi dám chịu trách nhiệm trả lời tường tận trên talawas là một thái độ can đảm. Trách tôi trước khi gửi bài sao không cẩn thận hơn. Phê bài trả lời của tôi với ông VĐN tốt nhưng hơi dài. Ông cảm thấy áy náy sau sự việc này dù lúc ấy ông không còn làm chủ biên nhưng vẫn cảm thấy có trách nhiệm. Ông muốn biết tôi đang sống ra sao, có ảnh hưởng gì đến tôi không?.

 

Ấn tượng đầu tiên mà tôi kính trọng ở ông chính là tinh thần chịu trách nhiệm của một cựu chủ biên này.

Tôi hỏi ông về tình hình văn học ở hải ngoại, những suy nghĩ của mình khi đọc Mùa biển động, Ngựa nản chân bon… những thắc mắc mà tôi muốn tìm hiểu.

 

Sau này, tôi mới biết nhà văn Nguyễn Mộng Giác không xa lạ gì với những người thân bên cạnh tôi. Những ông cậu, dượng của Ng cùng làm việc với ông ở Sở học chánh biết ông từ thuở ban sơ, ông mời họ về làm việc khi được bổ nhiệm làm Chánh sự vụ Sở học chánh. Bà mợ kể là bạn học với ông thời còn để tóc bum bê nhảy lò cò, thầy Châu là ba ông dạy học, ông theo cha đến lớp học luôn. Buồn cười là cô Nh bên phía mẹ tôi lại là em dâu của ông. Lúc xưa, cô Nh dắt tôi đến xem mắt bồ của cô lúc ông ấy mới đi cải tạo về, nghe đâu trước đây dạy ở Hải quân Nha Trang. Cũng cầu thang ngoài trời, cũng chiếc xe đạp cuộc, và ông bồ cô sao ốm nhom và xanh lét tôi chê. Căn nhà có cổng sắt sơn xanh trên đường Lê Lợi, hôm nay cũng cầu thang ngoài trời, cũng chiếc xe đạp cuộc, và ông bồ cô (giờ đã là chồng) mới vừa đi ngang,  tôi ngạc nhiên khi biết đó là em trai ông… Tôi thật không ngờ cái tỉnh miền biển này quá nhỏ bé, dây mơ rể má gì mà nhìn đâu cũng thấy toàn người quen là quen.

 

Lần mẹ ông mất, tôi đến thăm. Mấy ngày sau, sợ ông buồn, tôi và Ng mời ông ăn sáng và đi dã ngoại. Tôi nói: “Có quán bánh xèo tôm nhảy, rau mầm này ngon lắm thầy, đặc sản Bình Định, bán trong quán ngôi nhà cổ đối diện tháp đôi. Ăn sáng xong đi Tuy Phước ra vùng quê nghen thầy.” Hôm ấy, ông vui lắm. Nhìn rất thanh niên, quần kaki màu kem, áo sơ-mi xanh nhạt, ông đeo máy ảnh ngồi phía sau Ng chở. Tôi lái xe bên cạnh, hình như có đuôi bám theo. Ông nói việc của người ta ăn lương mà, công việc của họ, mấy cậu trẻ này cũng có văn hóa, trách nhiệm giao họ phải làm thôi, có lần thầy mời ngồi uống cà phê nói chuyện phiếm nữa.

 

Hôm đi chơi đó không thành, bất ngờ ông đột quỵ, tôi sợ hãi gọi taxi chở ông đi cấp cứu. Cũng may hôm ấy Dao Tiên con gái ông vừa về đến Quy Nhơn.

 

Mấy hôm sau tôi đến nhà thăm. Ông ngồi trên giường tập vật lý trị liệu. Tôi hỏi thầy đã khỏe chưa. Ông cười, còn ngồi nói chuyện với em được là biết khỏe rồi. Tôi đùa, nhìn thầy giống đang luyện môn “Cửu âm Bạch cốt trảo” trong Cửu Âm chân kinh. Lúc đó hai tay ông đang quơ chụp, quơ chụp trong không trung, câu nói của tôi làm ông cười lớn. Môn đó lợi hại lắm thầy, luyện thành công là thành bá chủ võ lâm. Nghe đến môn “Bạch Cốt trảo” của nữ ma đầu Mai Siêu Phong  trong “Thần điêu đại hiệp” là ông khoái rồi. Ông bắt đầu thao thao bất tuyệt về những nhân vật kiếm hiếp, những ân oán giang hồ, sao gọi là chính, sao gọi tà, biết ai là tà, biết ai là chính. Cuộc đời làm gì có chính tà phân minh. Như nhân vật Nhạc Bất Quần trong “Tiếu ngạo giang hồ”, suốt truyện người đọc mê say là một chính nhân quân tử, nhưng cuối cùng lại là một ngụy quân tử thượng thừa.

 

Tôi nhớ trong cuốn tiểu luận “Nỗi băn khoăn của Kim Dung” ông từng nhận định: “Động cơ chính của tất cả mọi anh hùng hào kiệt chính phái không phải là thù nhà, không phải là hành hiệp trượng nghĩa, không phải là thi hành công lý nhân danh xã hội con người. Đằng sau lớp sơn lòe loẹt, là tham vọng …nếm được hương vị đệ nhất cao thủ võ lâm”.

 

Trong cuộc đời này, phải có một trực giác sáng suốt, có cái nhìn trong sáng chưa từng bị thành kiến chi phối, chưa bị ảnh hưởng lệch lạc của xã hội. chút ít kinh nghiệm người ta mới có thể phân biệt được hai nẻo chính tà.”

 

 

Mấy năm trước tôi bị “đánh tơi bời” trên mặt báo vì cuốn sách viết về TCS, trong lòng quá bối rối tôi điện thoại cho ông, cách nữa vòng trái đất mà giọng ông vẫn âm vang như thầy giáo giảng bài. Bây giờ em đã hiểu “Văn trường là chiến trường” như thế nào rồi phải không,  bác VP và TCĐT đang ngồi nhà thầy nghe chuyện còn kháo nhau: “mấy ông Bình Định quê ta tự dưng lăng xê con nhỏ nổi như cồn mà không mất tiền. Mất mặt quá.”

 

Tôi biết ông đang đùa trấn an cho tôi vui, khi nghe giọng tôi lúc ấy đầy khẩn thiết.

 

Mỗi lần nhớ đến ông, tôi lại nhớ đến nụ cười bình yên, giọng nói ôn tồn. Mặc dù ông đang bệnh nặng nhưng trong ông lúc nào cũng yêu đời. Ông sống an nhiên, có lẽ vì hiểu rỏ sống–chết vô thường. Có lần ông còn nói đùa bác VP già rồi mà nhát lắm, nghe nói đến chết là sợ, nghe nói đến nhà thương là run.

 

Mỗi năm Tết đến tôi đều gọi điện chúc xuân, thường là cô Chi bắt máy ríu rít một hồi rồi cô mới chuyền máy cho thầy, cô nói mỗi lần nhận điện bên nhà ông mừng lắm đó, ông ấy đang chờ cô đưa máy đây.

 

Tết vừa rồi, tôi điện thoại vẫn cô Chi bắt máy, cô nói dạo này ông ấy mệt nhiều ra vào nhà thương luôn, thầy đã buông bút rồi em. Tôi nghe ngậm ngùi quá, rồi cô chuyền máy cho thầy nói chuyện. Tôi không biết có đúng vậy không, nhưng sao tôi vẫn nghe giọng nói của thầy còn “hào sảng”, thầy vẫn cười giòn trên điện thoại. Tôi kể về những dự định của mình, ông khuyến khích hãy làm đi, em cứ làm đi.

 

Tôi email cho V hỏi thăm về thầy. V mới qua Mỹ đến bệnh viện thăm thầy mấy tháng trước. V cho hay thầy vẫn minh mẫn, vẫn còn bàn luận về văn chương như suốt cuộc đời ông say mê…Tôi nuôi hy vọng thầy còn trụ được, rồi sẽ gặp thầy, rồi sẽ nghe giọng thầy lần nữa.

 

Bây giờ, mỗi lần nghĩ đến ông tôi lại nhớ đến nụ cười hồn hậu, nhớ đến những lần nói chuyện cùng ông, mà thật lạ, lần nào cũng vậy, mỗi lần nói chuyện xong tôi đều cảm thấy bình yên.

 

Đúng vậy, thật bình yên trong tâm hồn.

 

Quy Nhơn, ngày 10/8/2012

 

Ban Mai
Số lần đọc: 1948
Ngày đăng: 18.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dù thế nào em vẫn yêu anh - Lâm Bích Thủy
Nhà thơ Xuân Diệu trong mắt tôi - Lâm Bích Thủy
Trên Thảo Nguyên M’drak - Nguyễn Hàng Tình
Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên - Lữ Quỳnh
Lang Thang Trong Những Rừng Ma - Nguyễn Hàng Tình
Sơn La Ký Sự 7 - Nguyễn Khôi
Lê Hoàng Hoa: Người dựng nên lịch sử ngành truyền hình không chỉ của Việt Nam Cộng Hòa - Lê Hải*
Nốt Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn La Ký Sự 6 - Nguyễn Khôi
Trường Sa Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Thời gian (tạp văn)