Nghe Bà Nà đã lâu, nay mới có dịp đến thăm. Người hướng dẫn du lịch giải thích Bà Nà là do chữ “Banane” mà ra. Người Pháp thấy vùng này có nhiều cây chuối nên gọi là Banane, và dân địa phương đọc trại ra thành Bà Nà! Chuyện khó tin bởi vì bây giờ đến Bà Nà đâu có thấy chuối thấy cau gì đâu! Theo nhà văn Nguyên Ngọc, Bà Nà là tiếng Katu, có nghĩa là "núi của tui". Điều này có lý hơn. Cũng như Buôn Ma Thuột, gọi tắt của “Buôn Ama Y Thuột” là tiếng Rhadé, có nghĩa là “Làng của cha cậu Y Thuột” (theo Võ Phiến). Có thuyết cho rằng Bà Nà là tên gọi tắt của Bà Ponagar, tức bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Trên đỉnh Bà Nà, cao 1487m cách mặt nước biển có đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, có thể là Thiên Y A Na thánh mẫu đó chăng?
Bà Nà được người Pháp khám phá năm 1901, nay là một điểm du lịch tuyệt vời, không thua Đà lạt, mà chỉ cách Đà Nẵng khoảng vài ba chục cây số về phía tây nam. Đang cháy rát vì cái nắng hực miền Trung thì bỗng mát rượi với Bà Nà chót vót. Nhờ có cáp treo, tuyến cáp dài 6000m, với độ chênh hơn 1200m, đi Bà Nà lúc này dễ hơn xưa nhiều. Nhưng thực ra, nếu đi được đường bộ như ngày xưa thì… tốt hơn, vì mới thưởng thức được hết cái vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, mới tắm được Suối Mơ, ngắm thác Tóc Tiên chín tầng và có dịp thăm bao nhiêu loài cỏ cây, muông thú. Hệ thực vật ở đây có hằng mấy trăm loài trong đó có hơn hai trăm là dược thảo. Hệ động vật cơ man là thú rừng, chim muông, bò sát. Có người kể hồi xưa, khỉ vọc vùng này nhiều lắm, mà nay… người ta nhậu cũng gần cạn rồi. May thay, đã thấy có lệnh cấm! Coi lại mấy cái hình cũ chụp thời Pháp, thấy người ta đi Bà Nà bằng cáng cũng hay! Tiếc không có bài thơ nào như của Nguyễn Nhược Pháp với chùa Hương: “… hoa cỏ mờ hơi sương/ cùng thầy me em dậy/ em vấn đầu soi gương….”, nhưng cũng đã có nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982), người Hòa Vang, Đà Nẵng, cũng đã viết trong Bà Nà du ký ( tạp chí Nam Phong, số 163, 1931): "Có cơm ăn, có phòng trọ, có chớp bóng, có thể thao, đủ các cuộc tiêu khiển, lại bao cả việc vận chuyển thư từ hàng hóa và kiêm việc mướn kiệu thuê xe nữa".
Người ta nói Bà Nà trong một ngày có đủ cả bốn mùa cũng phải. Thời tiết thay đổi đột ngột. Mới sương khói lênh đênh buổi sớm, rồi lừng lững nắng vàng, rồi lãng đãng mênh mang, rồi chìm vào giá buốt. Núi chập chùng. Tầng tầng lớp lớp. Cành khô chới với nhấp nhô. Con đường cắt ngang núi, quanh co, khúc khuỷu. Đã có một thời tiêu thổ đốt sạch phá sạch. May còn mấy đống gạch vụn, chiếc lò sưởi ma quái nhắc nhở một thuở nào xa. Một cái hồ nhỏ đọng đầy nước mưa, cạnh những bức tường hoang, có vẻ xưa là hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. Chuồng ngựa, hầm rượu, vườn hoa… những dấu tích của một thời thuộc địa. Ngôi chùa Linh Ứng mới xây khá khang trang. Tượng Phật uy nghiêm nhô cao giữa rừng chiều. Bên dưới lòng đất bây giờ là khu giải trí hiện đại, ồn ào xanh đỏ, nhộn nhịp người lớn trẻ con. Sáng sớm, bướm ơi là bướm, rơi rụng khắp sân. Con nào con nấy to như bàn tay, nặng trỉu bay không nổi. Thả bộ lên triền dốc, đến đỉnh cao 1487m, nhìn về xuôi trọn vẹn một Bà Nà. Nay đã có một ngôi chùa nho nhỏ, bồ tát Di Lặc cười trong nắng sớm.
Hoa Đào Nhật Bản cũng đã có mặt tại Bà Nà
Đà Nẵng đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng nhìn ra biển rộng mang mang nỗi buồn. Chỉ còn trong viện Bảo tàng Đà Nẵng mới thấy một câu nói của vua Lê Thánh Tông (1442-1497): “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?...”
Đà Nẵng 7.2012