2)Tính nhạc thể hiện ở một số hình thức khác:
2-1) Hình thức phối âm, điệp âm:
Trong ngôn ngữ quan hệ giữa ngữ âm và ngữ nghĩa có tính chất võ đoán. Tuy vậy trong một số trường hợp, ngữ âm có thể gợi ra những liên tưởng cảm xúc tương ứng với ngữ nghĩa. Chỉ xét về mặt ngữ âm thì “Ngữ âm tiếng Việt có những đặc điểm và những yếu tố rất thuận lợi trong việc tạo hình tạo nhạc cho thơ văn .[3,224]. Ở góc độ phong cách học, người ta đặc biệt chú ý đến sự đối lập ngữ âm chẳng hạn như nguyên âm trầm- nguyên âm bổng, nguyên âm sáng- nguyên âm tối, phụ âm hữu thanh- phụ âm vô thanh, thanh cao- thanh thấp. Trong Truyện Kiều, chúng ta nhận thấy rằng không ít trường hợp Nguyễn Du vận dụng một số hình thức ngữ âm trên để tạo ra nhạc tính.
Nếu câu thơ “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.” (870), Nguyễn Du không dùng tới những phụ âm “kh” “gh” khó phát âm hoặc phát âm rất nặng nề của lưỡi và họng, không dùng tới thanh cao (sắc) và thanh thấp (hỏi, nặng), không dùng nhiều thanh trắc và những từ có giá trị tạo hình “khấp khểnh, gập ghềnh” thì câu thơ mất đi tính hình tượng không tạo được nhịp điệu đặc biệt. Hai từ “khấp khểnh, gập ghềnh” xuất hiện trong một dòng thơ bổ sung nhau, nương tựa nhau. Nó không chỉ làm cho đọc nghe thấy mà còn nhìn thấy, nhìn thấy con đường gồ ghề, chỗ cao, chỗ thấp, lồi lõm đang hiện ra trước mắt, nghe thấy được nhịp điệu vật lý và nhịp điệu tâm lý. Nhịp điệu vật lý là những âm hưởng khô khốc nặng nề, lúc khoan lúc nhặt, lúc hiện lúc mất của tiếng vó ngựa trên con đường gập ghềnh trắc trở. Nhịp điệu tâm lý như đồng điệu với nhịp điệu vật lý. Đó chính là tiếng đập không bình thường đầy biến tấu, sự buồn bã, nôn nao, lo sợ. Thuý Kiều như linh cảm được những điều bất trắc sẽ xảy ra. Đọc câu thơ này không cần đến những nhạc sĩ cao tay, chỉ với một người có vốn hiểu biết căn bản về âm nhạc cũng có thể viết ngay thành một dòng nhạc.
Trong câu thơ “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”(1048) lại có sự kết hợp giữa âm “th” bật hơi với nguyên âm “a” - một loại âm mở tạo ra nhịp điệu êm ả, mở ra khung cảnh xa vời mênh mông, góp phần diễn tả cánh buồm nhỏ nhoi ẩn hiện nhạt nhoà trong niềm khát vọng tự do được trở về quê hương của nàng Kiều, một niềm khát vọng chính đáng nhưng chẳng được ai quan tâm ngoại trừ trái tim nhân đạo của thi hào và đọc giả đồng cảm.
Câu thơ ”Sự lòng ngỏ với băng nhân, Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao (621-622) có sự thay đổi tiết điệu bình thường sang tiết điệu mạnh nhanh là nhờ Nguyễn Du khéo léo thay đổi hình thức ngữ âm. Ở câu lục ông dùng nhiều âm họng“o”nhằm diễn tả những thông tin kín đáo chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng đến câu bát ông lại dùng nhiều âm “đ” tạo ấn tượng mạnh và âm mở “a”, âm bật hơi “x” để diễn tả cái thông tin Kiều bán mình ngày càng toả rộng vang xa.
Ngoài những hình thức ngữ âm đã nêu trên, khi khảo sát 3254 câu Kiều ta nhận thấy rằng, Nguyễn Du còn dùng tới hình thức điệp âm. Ở đây, luận văn chỉ khảo sát những trường hợp điệp âm 3 đi liền nhau, điệp âm 4, điệp âm 5, điệp âm 6 xuất hiện trong một dòng thơ. Toàn tác phẩm Truyện Kiều có:
144 câu điệp âm 3, chiếm tỉ lệ 4,5%
13 câu điệp âm 4, chiếm tỉ lệ 0,4%
1 câu điệp âm 5, chiếm tỉ lệ 0,03%
2 câu điệp âm 6, chiếm tỉ lệ 0,06% .
Trong những số liệu khảo sát trên, người viết nhận thấy rằng có một số trường hợp là sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng cũng có một số trường hợp có chủ đích.
-Một số điệp âm góp phần tạo nên nhạc điệu êm nhẹ:
Am “th ” là loại âm bật hơi đọc lên nhẹ nhàng không có độ vang to. Tận dụng đặc điểm của loại âm này, Nguyễn Du đã tạo ra nhiều câu thơ có nhạc điệu êm nhẹ nhằm diễn tả những lời tâm tình thủ thỉ, sự buông xuôi ngao ngán (câu 706, 981, 1144, 1204, 1224, 2616, 2633, 2645, 3048):
Thôi thì thôi, có tiếc gì! (981)
Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!” (1204)
Đã tu, tu trót qua thì, thì thôi ! (3048)
« Thôi đà mắc lận thì thôi ! (1157)
Thôi thì thôi, cũng chiều lòng, (1911)
Thương thay thân phận lạc loài , (1225)
Kiếp lạc loài ấy đâu có khi nào tự mình định đoạt cuộc đời. Vừa bước chân vào đời, Kiều gặp ngay một bọn súc sinh Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh. Gặp được Thúc Sinh như gặp được ân nhân, Kiều khẩn cầu đến tội nghiệp:
Thương sao cho vẹn thì thương, (1359)
Cũng là âm “th”nhưng đây lại là lời cảm thông của Giác Duyên trước cảnh ngộ éo le của Kiều :
Để nàng cho đến thế thì cũng thương ! (2078)
-Một số điệp âm góp phần tạo nên nhạc điệu nhanh, tiết tấu mạnh, nặng nề :
-Ngược với âm “th”, âm “đ” khi đọc lên thường tạo ấn tượng chắc chắn vững chải. Những câu thơ có nhiều âm “đ” chắc chắn sẽ góp phần tạo nên nhạc điệu mạnh phù hợp với việc diễn tả những hình tượng lớn lao, những hoạt động mạnh mẽ, sức mạnh phi thường, sự bền vững. Trong Truyện Kiều âm “đ” có 1 câu 6 âm, 5 câu 4 âm và 3 câu 3 âm đi liền nhau. Nó xuất hiện trong các trường hợp:
Trước hết đó là sự áp đảo và nhanh chóng của đoàn quân Tú Bà đến bắt Kiều khi Sở Khanh chuồn lối khác:
Một đoàn đổ đến trước sau , (1131)
Sức mạnh quyền lực của phủ đường-bắt và áp giải người được Nguyễn Du viết một câu thơ với ba âm “đ” đi liền nhau:
Đã đưa đến trước cửa công, (1461)
Đặc biệt, khi đề cập đến khí phách phi thường, sự hiên ngang, sức mạnh như vũ bão của đội quân Từ Hải, Nguyễn Du cũng sử dụng tới điệp âm này:
Đội trời, đạp đất, ở đời, (2171)
Đường đường một đấng anh hào , (2169)
Làm cho động địa kinh thiên đùng đùng (2924)
Đại quân đồn đóng cõi đông, (2925)
Rất táo bạo trong tình cảm nhưng không dễ dãi. Rất tự do trong tình yêu nhưng không quá trớn. Rất hiện đại nhưng không đánh mất truyền thống vốn có của gia phong. Vì vậy, trước sự bỡn cợt của Kim Trọng, Kiều không ngần ngại khi khẳng định “Mây mưa đánh đổ đá vàng ,”(513). Đó chính là lý do làm người đọc mãi mãi cảm phục trước tấm lòng kiên trinh, phẩm chất cao đẹp của Thuý Kiều.
Nỗi đau thân phận cùng với nỗi nhớ quê tha thiết tăng theo cấp số cộng trên từng bước chân của Kiều khi nàng cùng sở Khanh đi trốn, nỗi đau được ước lượng và cụ thể hóa bằng đoạn đường dài. Bốn âm “đ” xuất hiện trong câu thơ “Lòng quê đi được bước đường một đau.”(1122) đã làm cho câu thơ có tiết tấu nặng nề.
Không chỉ góp phần tạo nên nhạc điệu, điệp âm “đ” còn góp phần gợi lên cái lớn lao của cảnh chết chóc chất đầy như núi sau những cuộc binh đao :
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu. (2494)
Nổi bật và ấn tượng nhất là khi âm “đ” được dùng 6 âm trong một câu, một tần số rất cao. Nó tạo ra âm điệu bằng phẳng vững chải, diễn tả sự sum vầy đông đủ, sự đoàn viên hội ngộ của gia đình Thúy Kiều sau những ngày xa cách:
Lễ đà đủ lễ , đôi đà đủ đôi. (3134)
-Nỗi buồn hiu hắt của Thúy Kiều trước cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt, buồn chán lẫn quẫn đựơc thể hiện rõ trong câu thơ “Nay hòang hôn đã lại mai hôn hòang” (1268). Câu thơ không chỉ có hiện tượng điệp âm mà còn có hiện tượng đảo từ. So với từ “hòang hôn”, từ “hôn hòang” khó đọc hơn. Sự cộng hưởng của bốn âm này tạo nên một âm hưởng nặng nề, gợi ra được một tương lai mờ mịt. Có thể nói 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều là một con đường hầm đầy bóng tối ít có ánh sáng.
-Ba âm “v” đứng cuối câu thơ “Thổ quan theo vớt vội vàng,”(2637) vừa tạo ra sự liền mạch về âm hưởng vừa làm cho nhịp điệu tiết tấu câu thơ như nhanh hơn. Hành động nhanh chóng kịp thời khẩn ttrương của tên thổ quan chắc chắn sẽ được làm rõ .
-Âm “x” xuất hiện một lần 4 âm trong một câu, một lần 3 âm trong một câu. Âm “x” là một âm bật hơi có gió thường diễn tả những gì lan ra, toả rộng, vươn tới. Nhờ có âm ”x” âm điệu câu thơ ”Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê.”(36) liền mạch. Đằng sau âm hưởng ấy là một lời khẳng định: những thiếu nữ xuân sắc ấy đã hội đủ điều kiện về thể chất lẫn tâm hồn để đi vào một thế giới mới- thế giới của tình yêu. Và thế giới đó như mở rộng tầm tay, sẵn sàng đón nhận tất cả những ai đã đến tuổi trưởng thành. Mặc dù được xã hội cho phép nhưng điều vượt trội của Vân và Kiều là thái độ thản nhiên, lối sống ngăn nắp, nề nếp:
Êm đềm trướng rủ màn che, (38)
Tường đông ong bướm đi về mặc ai. (39)
-Một số điệp âm góp phần tạo nên nhạc điệu réo rắt du dương:
-Điệp âm “l” trong câu thơ “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.(1308) đã góp phần tạo nên nhạc điệu nhẹ nhàng du dương, vẽ ra sắc đỏ của hoa lựu như phun ra liên tiếp, rực sáng trong đêm.
-Điệp âm “ơ,” trong câu thơ “Lơ thơ tơ liễu buông mành,”(269) vừa có giá trị tạo hình- vẽ ra cảnh lá liễu mỏng manh nhỏ bé, lua tua rũ xuống, thướt tha vừa góp phần tạo nên âm điệu réo rắt.
Trong tác phẩm Truyện Kiều tính nhạc còn thể hiện ở cách sử dụng phối hợp giữa âm tiết ngắn và âm tiết dài. Trong tiếng Việt những âm tiết ngắn thường đọc nhanh, thông tin ngắn gọn, còn những âm tiết dài thường đọc chậm hơn. Khoảng cách thời gian đọc nhanh và chậm ít nhiều cũng góp phần tạo nên nhạc tính. Nếu cho từ có hai âm tố là những âm tiết ngắn thì trong Truyện Kiều có 30 câu mỗi câu có 4 âm tiết ngắn. Nó xuất hiện trong trường hợp khi cần diễn tả sự đông vui tấp nập, lời bộc bạch rất nhanh gọn, một lời hứa vội, một sự bơ vơ lạc lỏng hay sự nhanh nhảu:
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh . (44)
Có ta đây cũng chẳng can cớ gì !” (1112)
Ai ân ta có ngần này mà thôi ! (1973)
Chớ nề u hiển, mới là chị em” (128)
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. (532)
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà! (2034)
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên: (2886)
Bản hòa tấu Kiều sẽ giảm đi giá trị âm nhạc nếu như không có những hình thức ngữ âm được Nguyễn Du vận dụng một cách tài tình như thế.
2-2)Dùng từ láy từ ghép có âm giống nhau:
“Từ là một đơn vị có nhiều bình diện, trong đó không thể thiếu mặt âm thanh và hình thức cấu tạo. Am thanh và hình thức cấu tạo là mặt vật chất, là cái biểu đạt của từ. Trong chữ viết của ta thứ chữ theo nguyên tắc ghi âm, âm thanh và hình thức của từ được ghi lại bằng các chữ cái …”[3,188]. Vận dụng đặc điểm này, trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều từ láy, từ ghép có âm giống nhau để tạo nên tính nhạc. Có thể xem những từ láy âm là những nốt luyến láy trong những dòng thơ. Ong Lê Trí Viễn đã nhận xét : “Tiếng đôi trong ngôn ngữ Việt Nam đều cấu tạo theo qui luật nhịp điệu hoặc theo qui luật tâm lý…”[27,186]. Còn ông Huỳnh Như Phương thì cho rằng “Trong tiếng Việt, sự cân đối, trầm bổng, nhịp nhàng, uyển chuyển, biện pháp trùng điệp, các thanh vần, ngữ điệu, các từ tượng thanh, từ láy đều góp phần tạo nên nhạc tính của câu thơ” [57,175]. Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều từ láy âm và dành cho loại từ này một địa vị quan trọng trong tác phẩm của mình. Khảo cứu 3254 câu Kiều ta thấy có
-Không kể những từ ghép, trong Truyện Kiều có 678 từ láy âm. Có trường hợp trong một câu đến 3 từ đôi :
Góc trời thăm thẳm , ngày ngày đăm đăm . (910)
Cười cười , nói nói ngọt ngào: (1983)
Bốn bề bát ngát mênh mông , (2735)
-73 câu có hai từ đôi, có một câu có từ láy 3, một câu có từ láy tư :
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham . (584)
Hớt hơ, hớt hãi nhìn nhau, (1659)
Những đoạn thơ xuất hiện càng nhiều từ láy âm thì tính nhạc càng cao. Những đọan thơ tả cảnh là những đọan thơ có nhiều từ đôi nhất. Đoạn tả cảnh chị em Thuý Kiều, Thuý Vân đi chơi xuân có 9 câu (51-60) có 6 từ láy đôi : tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, dàu dàu. Đoạn tả chị em Thuý Kiều chơi xuân trở về có 11 câu (169-180) có 4 từ đôi : thướt tha, chênh chếch, la đà, bời bời. Đặc biệt, trong những từ đôi được sử dụng chỉ có rất ít trường hợp bị dùng lặp lại ngoại trừ một số từ như “vội vàng, thôi thôi, bời bời, bốn bề, trăm năm, nước non, ân cần, tóc tơ, dập dìu, xa xôi, nghề nghiệp, bán buôn, rõ ràng, thuyền quyên, sắm sanh, thị phi ”. Điều này cho thấy vốn từ của Nguyễn Du rất phong phú. Theo ông Phan Ngọc, trong ngôn ngữ thông thường, từ láy âm thường đứng sau danh từ còn Nguyễn Du sử dụng nó trong mọi trường hợp:
-Từ láy âm đứng ở đầu câu có đến 102 trường hợp .
-Từ láy âm đứng trước danh từ hoặc động từ chỉ định có 95 trường hợp .-Từ láy âm dùng sau danh từ, hoặc động từ có 310 trường hợp.
-Từ láy âm đứng ở cuối có 171 trường hợp- đây là vị trí then chốt .
Ngoài giá trị tạo nên tính nhạc, những từ láy âm còn mang thêm sắc thái biểu cảm khác nhau: giảm nhẹ, bao quát, nhấn mạnh.
Nhìn chung, từ láy âm đứng ở vị trí nào thì độ luyến láy, nhạc tính nằm ở vị trí đó. Sự phong phú về số lượng, chủng loại, đa dạng về vị trí của những từ láy âm đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự đa dạng về nhạc điệu, chinh phục tâm hồn tình cảm người đọc kể cả người đọc khó tính. Sử dụng nhiều từ láy âm, Nguyễn Du còn thể hiện ý thức coi trọng văn chương bình dân làm giảm bớt ảnh hưởng của văn chương bác học.
2-3)Dùng điệp từ, điệp ngữ:
Trong từ chương học cổ người ta rất ngại chuyện lặp từ, vì làm thế chứng tỏ mình ít chữ. Các cụ gọi câu văn như thế toàn là chữ nước không có tính rắn chắc của văn đại gia. Nhưng Nguyễn Du từ bỏ con đường bác học đi vào biện pháp của nhân dân. Dưới góc nhìn của phong cách học, phép điệp trong văn chương có khả năng “nhấn mạnh một nội dung ý nghĩa và tăng cường nhạc tính, tăng cường sức biểu cảm cho thơ văn” [3,247]. Toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều, điệp trong câu có 140 lần. Có thể xem đây là những trọng âm trong câu thơ, những nốt nhấn trong dòng nhạc góp phần thay đổi âm hưởng, nhấn mạnh ý nghĩa:
Khi khẳng định vẻ đẹp và tài năng của Thuý Kiều, Nguyễn Du viết :
Một hai nghiêng nước nghiêng thành. (27)
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai. (28)
-Khi dự báo sự đồng nhất số phận của hai con người ở hai thế giới –thế giới cõi dương, Thuý Kiều và thế giới cõi âm, Đạm Tiên, Nguyễn Du nhắc lại từ “ta” hai lần:
Hữu tình ta lại gặp ta , (128)
-Tiếng sét ái tình đã làm cho đôi trai tài gái sắc phải thao thức mộng mơ, day dứt, do dự giữa về và ở, về thì tiếc ở thì cũng không xong. Cái ranh giới mong manh giữa tỉnh và mê đã bị xoá nhoà :
Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê, (165)
-Điệp từ ‘’bên’’ là một sự đắn đo lựa chọn và so sánh:
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn ? (601)
-Cái đẹp đồng nghĩa với sự đoạ đày là một nghịch lý trong thời đại ngày nay nhưng lại là chân lý trong thời đại Nguyễn Du :
Hoa sao, hoa khéo đoạ đày bấy hoa? (1068)
Đặc biệt những từ, những ngữ được điệp trong nhiều câu, nó đã trở thành những điệp khúc, những hợp âm chính của nhạc khúc về cuộc đời Kiều :
-Trong hai câu hỏi tu từ có hai từ « nào người’’điệp lại hai lần, đây lại là nỗi ray rứt trước những cảnh đời trái ngược, thân phận hẩm hiu của người phụ nữ tài hoa:
Nào người phượng chạ loan chung (89)
Nào người tích lục, tham hồng là ai ? (90)
-Điệp ngữ « lại càng’’chuyển tải được niềm ray rứt, nỗi xúc động, buồn thương, nỗi buồn miên man liên tiếp như đang trào dâng trong trái tim đa cảm của Thuý Kiều khi nàng nghĩ về kiếp hồng nhan bạc mệnh của Đạm Tiên :
Lại càng mê mẩn tâm thần, (101)
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra. (102)
Lại càng ủ dột nét hoa (103)
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắng dài! (104)
-Sự biến tấu của khúc đàn đa âm hưởng dự báo cuộc đời đầy chông gai sóng gió được diễn đạt bằng điệp khúc :
Khúc đâu Hán, Sở chiến trường, (473)
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau . (474)
Khúc đâu Tư mã Phượng cầu, (475)
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng! (476)
Kê Khang này khúc Quảng Lăng, (477)
Một rằng Lưu thuỷ hai rằng Hành vân. (478)
Qúa quan này khúc Chiêu Quân, (479)
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia, (480)
-Lời thề ước sắt son của Kiều với Kim Trọng lại mở ra điệp khúc :
Còn non, còn nước, còn dài, (557)
Còn về, còn nhớ đến ngày hôm nay ! (558)
-‘’Nghĩ đi nghĩ lại ‘’là một điệp khúc của nội tâm, là sự trăn trở, đắn đo giữa cái lợi và cái hại, giữa cá nhân và gia đình :
Nghĩ đi, nghĩ lại, một mình : (859)
« Một mình thì chớ , hai tình thì sao ? » (860)
-Điệp ngữ “buồn trông” diễn tả nỗi buồn triền miên liên tiếp của cô Kiều khi bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. Cảnh thay đổi– cửa bể chiều hôm, con thuyền thấp thoáng, ngọn nước mỏng manh, nội cỏ dàu dàu, chân mây mặt đất một màu nhàn nhạt, tiếng sóng dữ dội nhưng tình thì cố định. Kiều nhìn đâu cũng thấy buồn. Có thể nói đây là một điệp khúc buồn nhạc điệu dặt dìu, lê thê:
Buồn trông cửa bể chiều hôm, (1047)
Buồn trông ngọn nước mới sa, (1049)
Buồn trông nội cỏ dàu dàu, (1051)
Buồn trông gío cuốn mặt duềnh, (1053)
-Cảnh ăn chơi trác táng đến chóng vánh được thể hiện bằng điệp khúc ‘’chơi cho’’và’’khi’’. Đó là lối sống buông thả mà Tú bà yêu cầu những người mới bước vào làng chơi phải thực hiện:
Chơi cho liễu chán, hoa chê, (1211)
Cho lăn lóc đá , cho mê mẫn đời. (1212)
Khi khoé hạnh, khi nét ngài, (1213)
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa. (1214)
-Những từ để hỏi ‘’khi sao, giờ sao, mặt sao, thân sao‘’cùng với từ chỉ thời gian ’’khi ‘’và những từ chỉ chủ thể trữ tình ‘’ mình ‘’ cứ điệp đi điệp lại đã góp phần bộc bạch sự dày vò tâm can trước tấm thân tàn tạ nhơ nhuốc :
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. (1233)
Giật mình, mình lại thương mình xót xa. (1234)
Khi sao phong gấm rủ là, (1235)
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ? (1236)
Mặt sao dày gió dạn sương, (1237)
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân? (1238)
-Điệp khúc ‘’đã cho, làm cho, đã đày’’như một lời khẳng định chắc nịch về cái qui luật nghiệt ngã của kiếp hồng nhan đa truân :
Đã cho lấy chữ hồng nhan, (1271)
Làm cho, cho hại ,cho tàn ,cho cân! (1272)
Đã đày vào kiếp phong trần, (1273)
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi! (1274)
-Điệp khúc “khi” đi liền với những danh từ lại là khúc nhạc tình dan díu của Thúc Sinh khi ở lầu xanh với Kiều :
Khi gió gác, khi trăng sân, (1295)
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ. (1296)
Khi hương sớm, khi trà trưa (1297)
Bàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đàn. (1298)
-Điệp khúc “càng” như muốn diễn tả tình sâu nghĩa nặng của Kiều và Thúc sinh :
Một nhà sum họp trúc mai, (1381)
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông. (1382)
Hương càng đượm, lửa càng nồng, (1383)
Càng xôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen. (1384)
-Chén rượu tiễn đưa và chén rượu đợi chờ diễn ra liên tiếp như một lời hẹn ước đợi chờ, một niềm mong mỏi ngày Thúc Sinh trở lại:
Chén đưa nhớ bữa hôm nay, (1517)
Chén mừng, xin đợi ngày này năm sau! (1518)
-Rắp tâm hành hạ đày đoạ Kiều của Hoạn Thư được nhấn mạnh bằng điệp khúc “làm cho”:
Làm cho nhìn chẳng được nhau, (1449)
Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên. (1550)
Làm cho trông thấy nhãn tiền , (1551)
Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay.” (1552)
-Cũng là điệp khúc “làm cho” nhưng lần này quyết liệt và dữ dội hơn. Nó không chỉ lặp lại trên một dòng thơ mà còn xuất hiện ở những dòng thơ khác . “Người đọc có cảm giác như Hoạn Thư đang nghiến răng”[63, 253]
Làm cho, cho mệt, cho mê, (1617)
Làm cho đau đớn, ê chề cho coi! (1618)
Trước cho bỏ ghét những người, (1619)
Sau cho để một trò cười về sau!” (1620)
-Rắp tâm đó đã trở thành hiện thực, kẻ chủ động đày đoạ ra hết yêu cầu này đến yêu cầu khác“bắt”, kẻ bị động trở thành con rối “khoan, nhặt, quì, mời”. Trước mặt Hoạn Thư, Kiều còn tệ hơn một kẻ tôi đòi :
Bắt khoan ,bắt nhặt, đến lời, (1837)
Bắt quì tận mặt,bắt mời tận tay. (1838)
-Sự quanh co, quẩn quanh của Bạc Bà được nhấn mạnh bằng điệp khúc “nơi”:
Nơi gần, thì chẳng tiện nơi, (2101)
Nơi xa, thì chẳng có người nào xa.(2102)
-“Tha ra, làm ra” lại là điệp khúc của sự phân vân :
Tha ra thì cũng may đời, (2375)
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.(2376)
-Lời than thân trách phận trước cái chết bi thương của Từ Hải được diễn đạt bằng bốn nốt nhấn trong ba câu hỏi tu từ:
Duyên đâu, ai dứt ai đào, (2609)
Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay ? (2610)
Thân sao, thân đến thế này? (2611)
-Nỗi bàng hoàng của Kim Trọng trước cảnh gia đình Thuý Kiều ly tán, mạt vận được thể hiện bằng những nốt nhấn “hỏi”:
Hỏi ông, ông mắc tụng đình , (2756)
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha. (2757)
Hỏi nhà, nhà đã dời xa, (2758)
Hỏi chàng Vương, với cùng là Thuý Vân. (2759)
-Điệp khúc về sự đoàn viên gia đình sau 15 năm lưu lạc được diễn đạt bằng những đại từ chỉ trỏ “này” gói gọn trong một cặp câu :
“Này chồng, này mẹ, này cha, (2981)
Này là em ruột, này là em dâu . (2982)
-Lời khước từ khéo léo của Kiều được thể hiện qua điệp khúc “mùi thiền, màu thiền”:
Mùi thiền, đã bén muối dưa. (3043)
Màu thiền, ăn mặc đã ưa nâu sồng. (3044)
-Động từ chỉ sự tồn tại “có” được điệp lại ba lần lại là một lời khẳng định về quan niệm thiên biến vạn hoá của chữ trinh :
Xưa nay trong đạo đàn bà, (3115)
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường; (3116)
Có khi biến, có khi thường, (3117)
Có quyền, nào phải một đường chép kinh? (3118)
Nói chung những điệp khúc trên được thiên tài Nguyễn Du rải đều trên 3254 câu thơ. Thông thường chỗ nào có điệp khúc xuất hiện nơi đó lại là nội dung trọng tâm, những nốt nhấn của tác phẩm.
2-5)) Đối:
“Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Vậy trong phép đối vừa phải đối ý vừa phải đối chữ. Đối ý là tìm hai tư tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau. Đối chữ thì phải xét về hai phương diện –thanh của chữ và loại của chữ” [6,127]. Trong Truyện Kiều “có 250 câu thơ sử dụng hình thức đối chọi, 142 câu sử dụng hình thức đối cân, có 392 câu theo kiến trúc cân đối, chiếm tỉ lệ 12,04%, cứ 100 câu có 12 câu cân đối…Có tất cả có 94 câu thơ cân đối ở trước, có 74 câu cân đối ở giữa, có 201 câu cân đối ở cuối” [63, 261]. Có thể đơn cử một số trường hợp :
Sè sè nấm đất bên đường, (57)
Rầu rầu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh . (58) (Đối ở trước)
Nghĩ người ăn gío,nằm mưa, xót thầm. (554) (Đối ở giữa)
Trải bao thỏ lặn ác tà , (79) (Đối ở sau)
Là một thể thơ được cấu tạo theo mô hình câu 6 câu 8, thơ lục bát không thuận tiện sử dụng nhiều đối ngẫu giữa câu này với câu kia như thơ Đường luật. Để khắc phục tình trạng này, Nguyễn Du tìm cách cho đối nhau từng khổ mấy câu một. Hiện tượng này khá phổ biến trong Truyện Kiều- Đoạn “Chị em Thúy Kiều“ gồm 24 câu, nhập đề 4 câu, kết 4 câu, đoạn tả nhan sắc Thúy Vân 4 câu, đoạn tả nhan sắc Thuý Kiều 6 câu, đoạn nói về tài năng của Kiều 6 câu. Đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích “ có 22 câu, phần tả khung cảnh ở lầu Ngưng Bích 6 câu. Phần nói về nỗi nhớ Kim Trọng 4 câu, trong đó hai câu nói về Kim Trọng, hai câu nói về Thuý Kiều :
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, (1039)
Tin sương luống những rày trông mai chờ. (1040)
Bên trời gốc bể bơ vơ, (1041)
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. (1042)
Phần nói về nỗi nhớ cha mẹ 4 câu, trong đó 2 câu nói về cha mẹ, hai câu nói về mình:
Xót người tựa cửa hôm mai, (1043)
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ? (1044)
Sân lai cách mấy nắng mưa, (1045)
Có khi gốc tử lại vừa người ôm ? (1046)
Phần nói về nỗi buồn 8 câu, cứ một câu tình thì lại xuất hiện một câu cảnh :
Buồn trông cửa biển chiều hôm , (1047)
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ? (1048)
Buồn trông ngọn nước mới sa , (1049)
Hoa trôi man mác, biết là về đâu ? (1050)
Buồn trông nội cỏ dàu dàu, (1051)
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. (1052)
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, (1053)
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. (1054)
Tính chất đối xứng càng thể hiện rõ hơn trong đoạn tả tâm tình của Kiều tại lầu xanh :
Đòi phen gío tựa, hoa kề, (1241)
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu. (1242)
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, (1243)
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! (1244)
Đòi phen nét vẽ, câu thơ, (1245)
Cung cầm trong nguyệt, nét cờ dưới hoa . (1246)
Vui là vui gượng kẻo là, (1247)
Ai tri âm đó mặn mà với ai ? (1248)
Hai khổ thơ nhưng một tâm sự. Mỗi khổ 4 câu, 4 câu trên Thuý Kiều thả hồn vào 4 cảnh: phong, hoa, tuyết, nguyệt, 4 câu dưới Kiều tìm thú vui ở cầm, kì, thi, hoạ.
Còn một cách đối ngẫu khác mà Nguyễn Du sử dụng thần tình hơn, rộng rãi hơn, đó là cách đối ngẫu trong từng câu thơ một. Nguyễn Du đã vận dụng tinh thần cân đối về số chữ, cân đối ở thanh, cân đối ở ý trong thành ngữ tục ngữ bằng cách “khi thì ngắt đôi câu lục, khi thì ngắt đôi câu bát, khi thì ngắt 4 chữ trong câu lục, khi thì ngắt 4 chữ trong câu bát, khi thì ngắt 6 chữ trong câu bát, khi thì cho 2 chữ đối nhau trong một câu, khi thì xé một tiếng đôi ra làm hai xen vào một tiếng đôi khác …Nhạc điệu trong câu thơ vì thế luôn luôn biến đổi và luôn luôn phong phú.”[27,187 ]
Nói chung, Truyện Kiều có hai cách đối phổ biến- đối xứng giữa các khổ thơ, đối ngẫu trong từng câu thơ. Việc sử dụng những kiểu đối này trước hết nó tạo ra những bức tranh cân đối hài hoà đồng thời tạo ra nhịp điệu nhịp nhàng, uyển chuyển. Nhận xét về tác dụng của việc sử dụng cân đối, ông Lê Trí Viễn có viết: “Một nét đặc sắc nữa trong thơ lục bát của Nguyễn Du là sự cân đối. Đối ngẫu để tạo ra sự nhịp nhàng, cân xứng cần thiết cho nhạc điệu, là một phương pháp thường dùng trong nghề làm thơ” [27,186].
2-6) Kết cấu tác phẩm :
Truyện Kiều viết bằng thể thơ lục bát nhiều vần bằng, hiếm vần trắc, lời đẹp, chữ dùng lưu loát nên âm hưởng chủ đạo của bản đại hoà tấu trầm lắng nhẹ nhàng êm ả ngân nga rót vào hồn người. Có thể xem đó là những tiếng nhạc nền trong một bản giao hưởng. Trên cái nền âm hưởng chung ấy không biết bao nhiêu âm điệu nhỏ bé khác, âm điệu của từng vế, từng câu, từng đoạn một nâng đỡ, phụ hoạ nhau thật vô cùng uyển chuyển.
Xét về kết cấu của toàn tác phẩm, Truyện Kiều có thể chia ra làm ba phần: Gặp gỡ và đính ước, gia biến và lưu lạc, đoàn tụ. Trong từng phần âm điệu có khác nhau :
Phần một có âm điệu vui nhộn pha một chút buồn thương với những tiếng động huyên náo của ngày hội Đạp thanh, tiếng tâm tình thủ thỉ thề non hẹn biển của đôi trai tài gái sắc, tiếng khóc thầm lặng của Thuý Kiều trước nấm mồ vô chủ.
Phần hai âm điệu đầy biến tấu- khi thì mạnh mẽ với tiếng thét của bọn đầu trâu mặt ngựa, tiếng roi nơi phủ đường, tiếng đoàn quân rập rình, tiếng sát khí nơi chiến trường, tiếng nước réo rắc nơi sông Tiền đường, tiếng chửi mắng của Sở Khanh, tiếng quát tháo của Tú Bà, tiếng thét của Hoạn Thư; khi thì dịu nhẹ chậm rãi với tiếng nức nở của Thuý Kiều bên thi hài của Từ Hải và trước mặt vợ chồng Thúc Sinh, tiếng đàn não nùng của Thuý Kiều …; khi thì rộn ràng với tíêng mặc cả của tên Mã Giám Sinh, tiếng cười cợt trong những cuộc truy hoan, tiếng cười nói trong cuộc báo ân, tiếng cầu xin trong cuộc báo oán …
Phần ba trở lại âm điệu vui nhưng lắng đọng với tiếng hỏi han vồn vã của gia đình, tiếng tâm tình nhỏ nhẹ của cô Kiều, tiếng nài nỉ của chàng Kim. Ong Lê Hữu Mục có lý khi so sánh: «có thể so sánh Truyện Kiều với bản giao hưởng số 5 của Beethoven cùng năm sáng tác, cùng một chủ đề chính là Định mệnh, cùng một nền tảng triết lý là con người chiến thắng định mệnh bằng tự do và từ tâm, cùng nổi tiếng trong thế giới văn chương và nghê thuật.”[22,117].
Xét về kết cấu của từng đoạn nhỏ, tính nhạc cũng được thể hiện. Nó vừa mang tính chất riêng của từng đoạn vừa hoà chung với âm hưởng của toàn tác phẩm: Đoạn “Kiều ở lầu Ngưng bích ” là một khúc nhạc buồn. Ngoài nhạc điệu nhẹ nhàng êm ái ru hồn, ta còn cảm được tiếng nhạc lòng thổn thức của cô Kiều-hoài niệm nhớ thương da diết và lo sợ trước tương lai mịt mùng bế tắc, chán ngán trước cuộc sống vô vị tẻ nhạt. Đoạn ‘’Kiều gặp Kim Trọng’’ có tiếng nhạc vàng êm nhẹ, tiếng bước chân từ tốn chậm rãi của Kim Trọng, tiếng tâm tình thủ thỉ của đôi trai tài gái sắc. Đoạn Kiều « Trao duyên” lại là đoạn tầng tầng lớp lớp nhịp điệu, có lúc phẳng lặng có lúc đột ngột, có lúc dữ dội và như đưa con người về cõi bên kia. Đoạn “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” nhịp điệu như cắt đứt xẻ chia. Đoạn “Kiều khuyên Từ Hải ra hàng” khi thì hùng tráng sôi nổi rắn rỏi lôi cuốn, khi thì nhẹ nhàng tha thiết …
Nhà thơ Xuân Diệu không thái quá khi kết luận :“Truyện Kiều còn là một bản nhạc dài, văn Kiều dễ nhớ dễ thuộc, huyễn diệu người ta, một phần lớn cũng do nhạc điệu. Nhạc điệu ấy bàng bạc, hoà chan khắp cả quyển, thấm vào mọi câu …Không những là nhạc điệu gợi theo những nhạc điệu có bên ngoài… mà là cái nhạc điệu lấy ở lỗ tai nghe …lấy ở con mắt thấy …Và chủ yếu là nhạc điệu của tình cảm, của tâm hồn, nên nó vừa hữu ảnh, lại vừa vô hình, réo rắt mênh mang “Còn điều chi nữa mà ngờ. Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu”. Có những khi chuyển hồi chuyển đoạn, đoạn cuối vừa lặn dần, đuối như già cỗi « biết thân chạy chẳng khỏi trời. Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh” bỗng màn cuối kéo lên, một nhạc điệu mới trẻ trung, đoan đả dõng dạc cất ngay “Lần thâu gió mát trăng thanh. Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi” có những câu nhạc điệu ở khắp nơi đó là ánh sáng vàng của mùa thu rung rinh thành nhạc điệu « Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng ” [92,150]