Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.151.133
 
Thư gửi Allen Ginsberg (di dân sang thế giới bên kia được 15 năm)
Hoàng Hưng

 

Thế là đã 16 năm từ ngày tôi in những bản dịch đầu tiên thơ ông trên tạp chí Văn học Nước Ngoài hồi đó nằm trong tay một anh chàng tử tế là Đoàn Tử Huyến. 15 năm từ ngày tôi viết thư cho ông xin phép xuất bản một tập thơ ông (bản tiếng Việt) ở Việt Nam. 15  năm từ hôm ông reo lên với chàng trợ lý trẻ Peter Hale (mà tôi ngờ cũng là người tình của ông) : “Thế là cuối cùng ta đã có người dịch tiếng Việt!” và ông bèn viết lá thư tay chữ loằng ngoằng gửi cho tôi nói đồng ý, lại còn dặn nên dịch phần II bài Wichita Vortex Sutra (Wichita Xoáy lốc Kinh) bình luận  về cuộc chiến tranh Việt Nam và hỏi thăm nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà ông từng gặp ở Sài Gòn. 15 năm trước khi nhắm mắt ông còn hình dung quyển thơ của mình chữ Việt đặt bên cạnh cuốn thơ chữ Tàu đã có từ lâu. Thế là đã 4 năm từ buổi tôi tìm đến mộ ông, đặt một bông hướng dương, loài hoa ông yêu mến, trên một phiến đá giản dị trong những phiến đá của dòng họ Ginsberg tại một nghĩa trang hẻo lánh ở thành phố Newark, sau khi hoàn thành bản dịch mấy chục bài thơ của ông để sau đó trở lại Việt Nam đăng ký xuất bản cho kịp ra mắt dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông.


Nhưng đến hôm nay thì tôi đành viết những dòng này cáo lỗi với ông. Ước vọng của tôi – và cũng của ông – đã không thực hiện được. Không nhà xuất bản nào của nước tôi chịu in bản thảo mà tôi đã môi giới để có bản quyền đàng hoàng của Quỹ mang tên ông và đăng ký xuất bản hợp pháp (quả đáng tội có hai NXB hứa hẹn, rồi thì… “lờ lới lơ”). Ông sẽ hỏi: “Why?” Tôi cũng hỏi như ông: “Tại sao?”. Một nhà thơ từng công khai viết “thời trẻ tôi từng là người Cộng Sản và tôi tự hào về điều đó”, từng lên án nhà nước cảnh sát quân phiệt Mỹ trong nhiếu bài thơ rực lửa, từng ngồi lên đường ray tàu hỏa để chống bom hạt nhân, từng đi đầu trong những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và vào tù vì thế, từng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ liệt vào danh sách “phần tử nguy hiểm”, từng được tiếp đón ở Bắc Kinh Trung Cộng, từng được đám đông dân chúng Praha của nước Tiệp Cộng bầu làm “Vua tháng Năm” và rước đi trong ngày hội… Một nhà thơ như thế tại sao lại không được xuất bản ở nước Việt Nam mà ông yêu quý, mà ông bảo vệ, một nước Việt Nam sau 25 năm “Đổi mới, mở cửa” đã xuầt bản cả sách của các trùm tư bản lẫn trùm chinh khách nước đế quốc lớn nhất, kẻ thù lớn nhất của mình. Why? Why?Why? Tại sao? Tại sao? Tại sao?


Có phải vì ông là một nhà thơ dấn thân, một nhà thơ không tách Thơ ra khỏi Trách nhiệm Chinh trị của công dân? Có phải vì ông công khai chống lại mọi hình thức độc tài, kiểm soát trí óc con người? Có phải vì ông chủ trương trung thành với mọi ý nghĩ trong đầu mình mà không chịu “tự kiểm duyệt” chúng trước khi công bố?


Có phải? Có phải? Có phải???

      
Nhưng thôi. Trước khi có câu trả lời minh xác, xin ông cùng với các bạn đọc tiếng Việt của tôi tạm vui lòng với cuốn Thơ Allen Ginsberg mà hôm nay tôi trân trọng giới thiệu trong hình thức EBOOK, bản dịch có sự cộng tác của hai bạn Hoàng Ngọc Biên và Phạm Xuân Nguyên. Đây là cuốn thứ hai trong bộ sưu tập HHEBOOKS, sau cuốn Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm.


Tháng 8/ 2012



Hoàng Hưng
Số lần đọc: 1949
Ngày đăng: 24.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Thoáng Động Thiên Đường - Phạm Nga
Câu chuyện về bút danh của nhóm thơ xứ Nẫu - Lâm Bích Thủy
Hoàng Cầm Ở “Xà Lim Bộ” - Hoàng Hưng
Thăm Bà Nà - Đỗ Hồng Ngọc
Ba Mươi Năm “Về Kinh Bắc”. - Hoàng Hưng
Nụ Cười Bình Yên - Ban Mai
Dù thế nào em vẫn yêu anh - Lâm Bích Thủy
Nhà thơ Xuân Diệu trong mắt tôi - Lâm Bích Thủy
Trên Thảo Nguyên M’drak - Nguyễn Hàng Tình
Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên - Lữ Quỳnh
Cùng một tác giả
Bài Lorca: (nghệ thuật)
(tiểu luận)