3) Tính nhạc thể hiện qua những âm hưởng âm nhạc:
3-1)Tiếng đàn của Thuý Kiều:
Làm thơ và viết nhạc đều khó. Nhưng lấy thơ tả nhạc càng khó hơn nhiều. Vậy mà Nguyễn Du đã tả nhiều lần khác nhau và hay như nhau. Lần đầu Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thuý Kiều đánh cho Kim Trọng nghe trong 18 câu thơ. Lần thư hai Nguyễn Du tả tiếng đàn của Kiều đánh cho Hoạn Thư nghe trong 6 câu. Lần thứ ba Nguyễn Du tả tiếng đàn Thuý Kiều đánh cho Hồ Tôn Hiến nghe trong bốn câu. Lần thứ tư, ông tả tiếng đàn của Kiều đánh cho Kim Trọng nghe trong 10 câu. Theo Tế Hanh :
Khúc 1 và khúc 4 là những khúc nhạc yêu đương. Khúc 2 và 3 là những khúc nhạc đau khổ.
Về độ dài :
Những khúc nhạc yêu đương thường dài hơn so với những khúc nhạc đau khổ(18-10 so với 6-4). Đó là sự đối lập giữa tình yêu tràn trề mãnh liệt, tiếng đàn được thể hiện một cách tự do bằng cảm hứng thực sự với sự dồn nén nghẹn ngào uất ức, thái độ gượng gạo do áp lực từ bên ngoài :
Khúc một :
So dần/ dây vũ /dây văn, (471)
Bốn dây/ to nhỏ /theo vần /cung, thương (472)
Khúc đâu Hán /, Sở chiến trường, (473)
Nghe ra tiếng sắt /, tiếng vàng chen nhau. (474)
Khúc đâu /Tư mã/ Phượng cầu, (475)
Nghe ra như oán /,như sầu phải chăng ! (476)
Kê Khang/ này khúc/ Quảng lăng (477)
Một rằng Lưu thuỷ,/ hai rằng Hành vân. (478)
Quá quan/ này khúc/ Chiêu Quân, (479)
Nửa phần luyến chúa /, nửa phần tư gia. (480)
Trong như /tiếng hạc/ bay qua, (481)
Đục như tiếng suối /mới sa nửa vời; (482)
Tiếng khoan /như gió/ thoảng ngoài, (483)
Tiếng mau sầm sập/ như trời đổ mưa. (484)
Ngọn đèn/ khi tỏ / khi mờ, (485)
Khiến người ngồi đó/ cũng ngơ ngẩn sầu. (486)
Khi tựa gối/, khi cúi đầu, (487)
Khi vò chín khúc/, khi chau đôi mày. (488)
Khúc hai :
Bốn dây như khóc /,như than, (1852)
Khiến người trên tiệc/ cũng tan nát lòng! (1853)
Cùng trong/ một tiếng tơ đồng, (1854)
Người ngoài cười nụ, /người trong khóc thầm! (1855)
Giọt châu/ lã chã/ khôn cầm, (1856)
Cúi đầu, /chàng những gạt thầm/ giọt Tương (1857)
Khúc ba :
Một cung gió thảm,/ mưa sầu, (2569)
Bốn dây rỏ máu /năm đầu ngón tay! (2570)
Ve ngâm, / vượn hót, / nào tày, (2571)
Lọt tai, /Hồ cũng nhăn mày/ rơi châu . (2572)
Khúc 4:
Phím đàn /dìu dặt /tay tiên, (3197)
Khói trầm cao thấp /,tiếng huyền gần xa . (3198)
Khúc đâu /đầm ấm /dương hoà ! (3199)
Ấy là hồ điệp/ hay là Trang sinh ? (3200)
Khúc đâu /êm ái /xuân tình ! (3201)
Ấy hồn Thục đế /hay mình đỗ quyên ? (3202)
Trong sao/ châu dỏ/ duềnh quyên ! (3203)
Ấm sao hạt ngọc/ Lam điền mới đông ! (3204)
Lọt tai/ nghe suốt /năm cung , (3205)
Tiếng nào/ là chẳng /não nùng/ xôn xao. (3206)
Về cung bậc, âm sắc:
Khúc nhạc một thể hiện một tình yêu mãnh liệt, một trái tim khát khao yêu đương nồng cháy. Vì thế tiếng đàn rất đa giọng điệu nhiều âm sắc, lúc cao, lúc trầm, lúc trong trẻo, lúc khoan thai, lúc mạnh mẽ dữ dội, lúc ai oán buồn thương, lúc mềm mại quyến luyến. Hình như, Thuý Kiều muốn trổ hết tài năng của mình trước người yêu lý tưởng có tâm hồn đa cảm, am hiểu và biết thưởng thức âm nhạc. Nhận xét về khúc đàn này Nguyễn văn Hạnh có ý kiến “Ở đây không chỉ có âm thanh, nhạc điệu, mà còn có hình ảnh, một cái gì vừa cụ thể, lại vừa mơ hồ. Không phải là những nốt, những âm điệu rõ ràng, xác định, mà là tiếng suối, tiếng gió tiếng mưa, dễ hình dung, nhưng thật ra lại ít xác định hơn, đồng thời có thể mở ra nhiều liên tưởng.” [57, 13]
Cũng là tiếng đàn yêu đương nhưng khúc nhạc 4 lại là khúc nhạc từng trải chiêm nghiệm của con người như đã hoá kiếp lột xác, đã trả xong nợ đời trút xong gánh nặng. Nó pha trộn giữa âm hưởng vui của niềm vui sum họp, sự thanh thản. Âm hưởng của khúc đàn rất êm ái nhẹ nhàng, đầm ấm, trong trẻo, trầm bổng ”trong sao, ấm sao, đầm ấm, êm ái. Nó “Như một kịch bản, bản đàn đoàn viên này là vĩ thanh tiếp nối bản Trong như tiếng hạc bay qua bỏ dỡ của phần mở đầu. Khác với nét phân vân trước hạnh phúc ban đầu, bản đàn tái ngộ tươi sáng này là niềm vui đầm ấm nhu hoà của tâm hồn đã vượt thoát trần luỵ.” [85,3].
Khác với những khúc đàn yêu đương, khúc đàn đau khổ lại cùng một âm điệu. Cả hai khúc chủ yếu là những nốt trầm, âm điệu buồn thương thảm thiết, là nỗi đau có cả máu và nước mắt.
Có thể nói bốn khúc đàn trên đây không những là tiếng thơ tiếng nhạc mà còn là tiếng vọng của đáy lòng. Trong “Trung dung” của Khổng Mạnh có câu ”Tiềm tuy phục hỷ diệc khổng chi chiêu” ( Ẩn nấu tuy nằm ở dưới mà cũng là cái sáng tỏ lớn lao) . Chỉ nghe những khúc đàn này phần nào ta hiểu được cái phần sâu kín trong tâm hồn nàng Kiều- tâm hồn phong phú đa dạng phức tạp: “rạo rực, ước vọng, âu lo, mất quân bình “(chữ dùng của Nguyễn Đăng Thục)(khúc một); nghẹn ngào, uất ức, đau thương mất mát (khúc 2-3);”Trong trẻo hết vẩn đục trần cấu, và nàng đã thấy được một cảnh giới lạc thú nhẹ nhàng như cõi mộng, một lạc thú cũng thâm thiết, cũng não nùng nhưng không sầu thảm … ”[44, 99].
Cảm thấu bốn khúc đàn phần nào ta hiểu được bốn giai đoạn quan trọng trong cuộc đời cô Kiều- mộng mơ say đắm nhớ nhung, đau đớn uất nghẹn, xót xa bi thương, thanh thản nhẹ nhàng.
Về tiết tấu nhịp điệu :
Nếu khúc đàn yêu thương thứ nhất có tiết tấu dìu dặt đa nhịp điệu- nhịp chậm nhẹ và nhịp mau thì khúc đàn yêu thương thứ tư tiết tấu đều đặn. Nó là hai cảnh ngộ nhưng không trái ngược - dạt dào say đắm, trầm lắng và tỉnh táo. Ngược lại những khúc đàn đau khổ thì lại rất đơn điệu, một thứ tiết tấu rề rà sầu não, có những chỗ ngắt nhịp rất đột ngột thể hiện sự nghẹn ngào uất ức đắng cay, có nhiều chỗ luyến láy dồn nén”như khóc như than, lã chã”. Bốn khúc đàn là bốn bản trình tấu nương tựa và bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Về ngôn ngữ nhạc(Ca từ):
Trong hai khúc nhạc yêu thương Nguyễn Du dùng khá nhiều điển tích, từ Hán Việt”Tư mã, Phượng cầu, Kê khang, Quảng lăng, Chiêu quân; Trang sinh, Thục đế, Lam điền” tạo nên tính chất hàm súc và gợi nhớ đến những nghệ sĩ chơi nhạc với những khúc nhạc đã từng vượt thời gian không gian (Khúc Qui phượng Cầu hoàng của Tư Mã Tương Như là một khúc nhạc nổi tiếng từng làm bà qủa phụ Trác Văn Quân giàu có và xinh đẹp bỏ nhà theo. Khúc Quảng lăng của Kê Khang –một ẩn sĩ đời Tấn đã tấu bản nhạc trong hoàn cảnh bị bức thiết thê thảm…). Những từ láy âm tạo ra độ luyến láy ”sầm sập, ngơ ngẩn, dìu dặt, não nùng’’, nhiều điệp khúc được lặp lại “khúc đâu, này khúc, trong như, đục như, tiếng khoan, tiếng mau, khi …” tạo nên sự âm vang, gợi ra nhiều âm hưởng của nhiều tiếng đàn khác nhau. Ngược lại khúc đàn 2 và 3 thi hào chủ yếu dùng những từ thuần Việt, hạn chế dùng những điển tích, từ láy âm, từ Hán Việt. Những người thưởng thức không sành điệu về âm nhạc cũng có thể cảm thấu niềm xót xa thương cảm của người đánh đàn.
Ngoài ra, Nguyễn Du còn sử dụng khá nhiều thuật ngữ âm nhạc ”trong đục, khoan mau, cao thấp, dây vũ, dây văn, tơ đồng, êm ái, ấm…” làm cho tiếng nhạc bằng thơ diễn tả khá đầy đủ tiếng nhạc bằng đàn. Rõ ràng, Nguyễn Du không chỉ là nhà thi hoạ mà còn là một nhà thi nhạc.
Về bố cục:
Trong bốn tác phẩm nhạc, tác phẩm nhạc đầu tiên viết theo cấu trúc nhạc cổ điển có bốn phần rõ rệt –phần khai nhạc, tiếng nhạc dồn dập rầm rộ, hơi nhạc mạnh mẽ, nhịp điệu đổi liên tiếp rất gây ấn tượng. Người đọc có cảm tưởng như đang nghe cả một dàn giao hưởng cùng hoà khí một lúc. Phần hai tương phản với phần một về âm thanh. Tốc độ và cường độ giảm hẳn. Người nghệ sĩ chơi đàn như như ép dây đàn xuống cho nên tiếng đàn trở nên bi ai buồn thảm mê hoặc người nghe. Phần ba nhịp độ bài nhạc lại chuyển động, tốc độ tíêng đàn tăng dần gieo vào lòng người đọc những âm hưởng nhạc vui linh hoạt nhẹ nhàng. Người nghe như thả hồn miên man vơi dòng nước chảy, áng mây trôi..Phần bốn nét nhạc như trầm xuống kéo dài vấn vương, lưu luyến. Bản nhạc gợi ra hình ảnh nàng Chiêu Quân-Vương Tường đời Hán bị đi cống Hồ. Vì thế khúc nhạc mang chất biệt ly buồn vời vợi.
Khúc đàn thứ hai chỉ có một phần với một âm hưởng duy nhất- buồn bã, đau thương, xót xa, dồn nén, bi ai “Bốn dây như khóc như than”. Những giọt nước mắt lã chã, những lời than khóc thảm thiết, tiếng nhạc lòng đã biến thành nhạc điệu. Chỉ một câu nhạc duy nhất nhưng đó lại là phần gan ruột nhất. Cái kiểu “cười nụ” hả hê thoả mãn của bà chủ Hoạn Thư như đánh thức thêm nỗi đau của cô Kiều.
Khúc đàn thứ ba cũng chỉ có một phần, một âm hưởng ”Một cung”. Khúc nhạc lần này bi thương thảm thiết hơn nhiều. Kiều phải lấy máu của mình để mua vui cho Hồ Tôn Hiến. Ba nỗi đau trong một tiếng đàn, đau vì chính mình là kẻ tòng phạm, đau vì mất chồng, goá bụa, đau vì làm thân con hầu cho kẻ giết chồng. Không còn một nỗi đau nào hơn thế!
Khúc đàn thứ tư ngắn hơn khúc đàn thứ nhất, nhưng lại dài hơn khúc đàn thứ hai và thứ ba. Nó có ba phần. Phần một –phần khai nhạc với âm hưởng khoan thai nhịp nhàng êm ái trầm bổng lên xuống. Phần hai là khúc nhạc đầm ấm dương hoà. Kiều muốn ca tụng tình yêu đã tâm linh hoá thành tình người hoà hợp thân thiện không còn khoảng cách như tình yêu. Phần ba khúc nhạc êm ái xuân tình (Xuân tình là mối tình đầu không thành của Lý Thương Ẩn tác giả bài Cẩm sắt )(gợi nhớ hồn Thục Đế và mình Đỗ Quyên tuy hai mà một) vừa trong vừa ấm. Khác với Lý Thương Ẩn đau khổ cả đời vì mối tình đầu, còn Kiều thì đã tìm ra giải pháp để giải quyết mối tình xưa (cầm sắt sang cầm kỳ). Khúc nhạc như dung hoà mọi đối nghịch mọi mâu thuẫn của đời người. Có thể nói, đây không còn là khúc nhạc tình yêu như buổi ban đầu gặp gỡ mà là khúc nhạc về tình người êm đềm thân thiện.
Nghiên cứu bốn lần Kiều đánh đàn, nhà thơ Tế Hanh đã có kết luận:”Nhà thơ đời Đường Bạch Cư Dị trong bài Tỳ bà hành có tả tiếng đàn trong những câu thơ bất hủ. Lần thứ nhất người kỹ nữ đánh đàn, ông tả trong 22 câu. Lần thứ hai người kỹ nữ đàn lại, ông chỉ tả có hai câu ….Caí khó của Nguyễn Du khi phải tả bốn lần về một tiếng đàn. Cái khó mà Nguyễn Du vượt qua một cách vinh quang ”[42, 565]
Trong bốn lần Kiều đánh đàn Nguyễn Du đều tả đến tác động của âm nhạc. Tiếng đàn càng hay tác động càng lớn. Khúc đàn lần thứ nhất làm rung chuyển cả ánh sáng”tỏ mờ”, Kim Trọng phải bàng hoàng ngơ ngẩn, vật vã trăn trơ, đồng điệu. Khúc đàn lần thứ hai có một sự đối nghịch –Người thì cười nụ thích chí, người thì đau đớn nát tan. Khúc đàn thứ ba có khả năng đánh thức tâm hồn trái tim xơ cứng của Hồ Tôn Hiến:”nhăn mày rơi châu ”, “đắm” “say” “ngây vì tình”. Khúc đàn thứ tư có sức tác động kỳ diệu đến thế giới chung quanh “khói trầm cao thấp” và làm cho người nghe nhớ nhung, lưu luyến bị ru hồn về cái thời quá vãng, mộng mơ, êm ái.
Nói chung, những khúc đàn trên có khả năng chinh phục mọi giác quan–thính giác, thị giác, xúc giác, làm thay đổi cả không gian cảnh sắc, có khả năng làm giản nở và rút ngắn thời gian. Không ít những chiều kích không gian, thời gian gian –quá khứ, hiện tại, tương lai ẩn trong tiếng đàn.
Ngoài bốn khúc đàn nêu trên, tài đàn của cô Kiều còn được khẳng định ở nhiều lần khác. Ở phần giới thiệu chân dung nhân vật, Nguyễn Du đã viết “Một cung bạc mệnh lại càng não nhân”. Không thể hoà nhập với không khí xô bồ ngột ngạt ở lầu xanh, Kiều phải tìm niềm vui trong tiếng đàn“Cung đàn trong nguyệt, nước cờ dưới hoa”. Khi họ Mã đến mua Kiều, hắn lại “Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”. Hồ Tôn Hiến trong lúc »Giở say, lại ép vặn đàn nhặt tâu»(2568). Nhưng chỉ có những bản trình tấu đặc biệt mới được Nguyễn Du đặc tả. Như thế cũng là quá tài nếu so sánh với cách tả tiếng đàn của Thanh Tâm Tài Nhân:”Liền xoà mấy ngón tay thon nhỏ, khua động dây tơ, ban đầu nghe như hạc kêu, kế đến nghe như vượn hót, lúc khoan như gió thoảng, lúc gấp như mưa rào; âm điệu du dương, thanh vận ai oán, như hờn như tủi, như khóc như than.
Kim Trọng để tai lắng nghe, mừng vui khôn xiết, lúc thì sửa áo ngồi yên, lúc thì gật đầu khen ngợi, cũng có lúc im lặng thở than… ” [83, 69].
Có nhà nghiên cứu cho rằng khi xây dựng những khúc đàn của cô Kiều, Nguyễn Du lấy ý thơ trong bài “Cầm ca ”của Lý Kỳ:
Sơ nghi táp táp lương phong động
Hậu tự tiêu tiêu mộ vũ linh
Cận nhược lưu truyền lai bích chướng
Viễn như huyền hạc hạ thanh minh
(Lúc đầu là ngờ như gió mát thổi rì rào
Sau lại cho là mưa chiều rơi ào ạt,
Gần như suối đổ xuống từ vách núi
Xa như tiếng hạc dội từ trời cao )
Dù lấy ý thơ của Lý Kỳ nhưng kỹ thuật vượt xa Lý Kỳ. Đặc biệt nhờ “kỹ thuật chuyển hoá âm thanh thành hình ảnh mà câu thơ của Nguyễn Du vươn ra ngoài lời, chấp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào ý thơ một cách trực tiếp điều mà bản văn của Thanh Tâm Tài Tử không làm được” [22,167]. Không chỉ thế, tiếng đàn của cô Kiều còn là sự tổng hoà và nâng cao của nhiều tiếng đàn, trong đó có tiếng đàn của người phụ nữ tài hoa cũng mệnh bạc ở đất Long Thành. Tả tiếng đàn của người phụ nữ đất Long Thành, Nguyễn Du chỉ đặc tả hai lần: Lần đầu :
Năm cung dìu dặt nảy qua phiếm đàn.
Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi,
Tiếng trong như hạc gọi xa xăm.
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm.
Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên.(Hoàng Tạo dịch)
Tiếng đàn có rất nhiều âm hưởng: từ âm điệu êm ái trong trẻo du dương chuyển sang mạnh mẽ dồn dập và càng về sau tiết tấu giai điệu càng chậm dần nghe mênh mang tha thiết buồn thương.
Hai mươi năm sau cũng người gảy đàn ấy nhưng âm hưởng đã khác xưa. Khúc đàn ngắn hơn nhưng thê thiết và não nùng hơn:
Lần hai :
Thoảng mấy tiếng, thầm rơi giọt lệ
Lọt tai mà như xé tấc son .
Có thể xem, đây là một phần trong bốn bản trình tấu của cô Kiều. Cả hai đều có những nét rất chung- vui và buồn, hào hứng và bi thương, tài hoa và bạc mệnh. Miêu tả tiếng đàn cho hay và đúng với ngôn ngữ âm nhạc là cả một nghệ thuật. Đối với Nguyễn Du, ông không chỉ ghi âm tiếng đàn mà còn thể hiện được tiếng lòng của những người trong cuộc. Dường như Nguyễn Du không chỉ dùng lỗ tai âm nhạc mà còn huy động toàn bộ giác quan, tâm hồn, tình cảm của một trái tim từng rớm máu trước những nỗi đau đời để lắng nghe miêu tả từng âm sắc của tiếng đàn.
3-2)Âm hưởng âm nhạc trong ngày họ Mã rước dâu :
Sau khi tên họ Mã nguỵ trang bằng cái lễ vấn danh, hắn lại tiếp tục nguỵ trang bằng lễ rước dâu. Trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt ấy, thi hào Nguyễn Du đã chọn những nhạc cụ rất phù hợp ‘’Quản huyền’’:
Xiết bao kể nỗi thảm sầu ! (777)
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi. (778)
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài, (779)
Quản huyền, đâu đã giục người sinh ly. (780)
Khác với những đoạn thơ miêu tả nghệ thuật độc tấu của Thuý Kiều trên cây đàn Tỳ Bà, những câu thơ trên lại nặng chất cảm xúc nhẹ chất miêu tả. Mặc dù không ghi âm tiếng nhạc, không nói rõ loại đàn gì nhưng tiếng nhạc trong ngày họ Mã rước dâu vẫn được gợi lên. Theo Tản Đà’’Quản là ống, tượng trưng cho tiếng sáo, huyền là dây – tiếng đàn. Cái hay của câu thơ là tiếng nhạc vui đặt với chữ sinh ly là tiếng buồn’’[96,67]. Nhưng nếu đi vào tính chất đặc thù về âm sắc của từng nhạc cụ ta thấy rằng sáo có âm sắc chung trầm buồn. Âm hưởng đó chắc chắn có sự cộng hưởng của tiếng đàn cùng điệu, những âm thanh kể lể thảm thương trước cảnh sinh ly, tiếng dừng đột ngột của chiếc kiệu hoa. Tất cả tạo nên những âm sắc vội vội, vàng vàng, thê lương, buồn thảm, chia ly chẳng khác nào những âm sắc của những nhạc cụ đưa tiễn người quá cố. Trong tiếng nhạc dường như ta còn nghe thấu nỗi đau của nàng Kiều và của cả thi hào.
Trong bản Kim Vân Kiều Truyện, tiếng nhạc trong ngày họ Mã rước dâu hoàn toàn không có. Thanh Tâm Tài Nhân chỉ nói phớt qua bằng một câu ‘’Hôm sau nhà họ Mã đến rước dâu, Thuý Kiều cất tiếng khóc ầm lên, vừa nhủ thầm...’’[83,119]
3-3)Tiếng nhạc của vũ trụ:
Có thể xem vũ trụ là một nhân vật thầm lăng xuất hiện khá nhiều lần. Nhân vật này không ít lần cất lên những khúc nhạc với những âm hưởng khác nhau. Trước khi Đạm Tiên xuất hiện khung cảnh trở nên buồn, tiếng gió nhè nhẹ như đưa con người đi vào thế giới hư vô “Một vùng cỏ áy, bóng tà, Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.” (97-98). Nhưng khi hồn Đạm Tiên bất ngờ xuất hiện thì âm hưởng trở nên mạnh mẽ, dữ dội “Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay. Ào ào đổ lộc, rung cây” (120-121). Khi hồn ma biến mất gió chỉ động tĩnh khẽ khàng “Nàng còn cầm lại một hai tự tình, Gió đâu sịch bức mành mành,” (212-213). Khung cảnh chiều khi Kim Trọng “Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi”, gió chiều chỉ đủ tạo ra sự xao động hàng lau nhuộm sắc buồn”Gió chiều như giục cơn sầu, Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.” (263-264). Âm hưởng âm nhạc vũ trụ xuất hiện nhiều nhất trong các trường hợp báo tai hoạ đang đến hoặc sẽ đến :
-Khung cảnh tại lầu Ngưng Bích thật trống trải vắng lặng rợn người. Dường như không có tiếng động tĩnh nào ngoại trừ tiếng sóng ầm ầm, tiếng gió rít từng cơn. Chúng như muốn bao quanh cuốn phăng Thuý Kiều. Kiều thật sự hãi hùng và lo sợ trước những lời tiên tri của vũ trụ, dự báo tai hoạ đang rình rập bủa vây :
-Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, (1053)
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. (1054)
-Tiệc trường đình xong xuôi, họ Mã thở phào nhẹ nhõm vội vã cho chiếc xe tuấn mã lao vun vút trên đường. Lúc này, âm hưởng vũ trụ trở nên dữ dội hơn- gió giật mạnh, mây cuồn cuộn đảo điên, trời tối sầm, chiếc xe bị cuốn hút trong những cơn lốc xoáy. Ba hình ảnh, hai âm thanh khác nhau nhưng lại cộng hưởng nhau tạo nên những âm thanh ghê rợn, cảnh tượng kinh hoàng:
Đùng đùng gió giật, mây vần, (907)
Một xe trong cõi hồng trần như bay. (908)
-Khi Kiều và Sở Khanh đi trốn, âm thanh vũ trụ cũng khác thường - gió mạnh , tiếng lá cây đổ xào xạc, trăng mờ ảo khuất bóng. Phải chăng có điều gì bất thường xảy ra?
Đêm thu khắc lậu canh tàn, (1119)
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương. (1120)
-Quả thật như vậy, lúc tiếng gà gáy vội vã báo hiệu trời gần sáng thì cũng là lúc tên Sở Khanh đã ”rẽ dây cương lối nào”:
Tiếng gà xao xác gáy mau, (1123)
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng. (1124)
-Vùng vẫy nhưng không có con đường thoát, Kiều quyết định quyên sinh, thiên nhiên vũ trụ nỗi giận, bất bình trước sự trái ngang của cuộc đời:
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng, (2619)
Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường. (2620)
Tiếng sóng, tiếng gió, tiếng triều trong những câu thơ trên đều có chung nhạc điệu mạnh mẽ, gấp khúc dữ dội. Những từ láy âm “Ầm ầm , đùng đùng, xao xác” lúc đặt đầu, lúc đặt giữa, lúc đặt cuối trở thành những trọng âm có độ âm vang liên tục, có khả năng làm rung chuyển không gian chấn động tâm lý. Nó như những tiếng trống, tiếng vuốt trên mặt đàn trong một dàn nhạc giao hưởng được đẩy lên cao độ. Thiên nhiên như trút cơn thịnh nộ trước sự bất công của cõi người. Những âm hưởng đó còn được lặp lại khi Kim Trọng cùng gia đình Kiều lập đàn tràng giải oan bên sông Tiền Đường:
Ngọn triều, non bạc, trùng trùng, (2969)
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo. (2970)
-Đến khi Kiều được Giác Duyên cứu vớt, vũ trụ trở nên bình lặng. Sự bình lặng của thiên nhiên có chăng cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt kiếp đoạn trường của con người?
Bốn bề bát ngát mênh mông, (2735)
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau. (2736)
Nói chung, vũ trụ như đồng cảm hiểu thấu tình cảm nội tâm con người, nhất là những con người bị chà đạp. Tiếng nói ấy thật đa giọng điệu và nhiều cung bậc. Khi tình yêu đến âm hưởng vũ trụ thật nhẹ nhàng “Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần”, êm ái ” Dưới cầu nước chảy trong veo”, khi tai hoạ rình rập thì thiên nhiên trở nên dữ dội, khi “đoạn trường sổ rút tên ra” vũ trụ trở về trạng thái bình ổn.
III)Kết luận:
Qua nghiên cứu tổng hợp đánh giá, người viết có thể rút ra một vài kết luận:
Nguyễn Du đã phát huy tối đa thế mạnh của ngôn ngữ -từ vựng, cú pháp, nhất là thế mạnh của ngôn ngữ tiếng Việt đặc biệt là mặt ngữ âm và thể thơ truyền thống. Nhờ thế, tác phẩm Truyện Kiều trở thành một tác phẩm giàu nhạc điệu. Mặc dù tính nhạc thuộc về lãnh vực hình thức nhưng không có một hình thức nào lại không hàm chứa nội dung và không có nội dung nào lại không được thể hiện bằng hình thức. Vì vậy khi nghe nhạc điệu của những câu Kiều ta còn cảm được tiếng nhạc lòng của từng nhân vật. Những giai điệu lúc êm ái ngọt ngào, lúc mạnh mẽ hùng tráng, lúc chậm chạp tỉ tê, lúc nhanh chóng gấp gáp, lúc ào ào dữ dội, lúc trầm lắng bi thương như rót vào tai người nghe. Nhiều lúc đó cũng là những tiếng nhạc lòng của nhân vật trong một hoàn cảnh nhất định. Kiều dễ nhớ dễ thuộc dễ biến thành những nhạc phẩm một phần không nhỏ là nhờ nhạc điệu chan hoà tràn ngập cả thi phẩm.
- Thơ lục bát, nhịp điệu vốn đơn giản, công thức. Dưới ngòi bút thi hào nó trở thành đa nhịp và biến điệu. Nguyễn Du là một trong những người đi tiên phong trong việc góp phần tạo ra cái khoảng cách cần thiết giữa thơ ca bình dân viết theo thể lục bát và văn chương bác học cũng viết theo thể lục bát, giữa văn học dân gian và văn học viết. Những hoài nghi về sự đơn điệu của thể thơ lục bát dường như đã chấm dứt khi kiệt tác Truyện Kiều ra đời.
- Tính nhạc trong Truyện Kiều không chỉ thể hiện ở mặt ngữ âm, nhịp điệu, cú pháp, từ vựng mà còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Thiên tài Nguyễn Du đã dùng khá nhiều những thuật ngữ âm nhạc chính xác để mô tả tiếng đàn trong nhiều lần khác nhau và hay như nhau.
-Nguyễn Du là người hát xướng rất giỏi và thân mẫu của ông cũng là người nổi tiếng về hát xướng. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm nên kiệt tác Truyện Kiều giàu tính nhạc.
Thư mục tham khảo
1. Aristote–Nghệ thuật thi ca- Lưu Hiệp- Văn tâm Điêu long- Nhà xuất bản văn học,1999
2. Bùi Minh Toán- Lê A – Đỗ Việt Hùng –Tiếng Việt Thực hành – Nhà xuất bản giáo dục, 2001
3.Bùi Tất Tơm (chủ Biên )- Giáo trình tiếng Việt- Nhà xuất bản giáo dục, 1995
4.Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức- Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại - Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1968
5.Cao Thuý, Ai Bích, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Mộc, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Bạch Nhạn- Vài nhận xét sơ bộ về một số câu có ngắt quảng không bình thường trong Truyện Kiều của Nguyễn Du- Tạp chí ngôn ngữ số 1, 1982
6.Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu – Nhà xuất bản hội nhà văn, 2002.
7.Đan Phú – Ca vũ nhạc kịch về Kiều.
8.Đào Duy Anh -Khảo luận về Truyện Kiều- Nhà xuất bản văn hoá , H, 1958
9.Đào Thản –Đi tìm một vài ngôn ngữ trong Truyện Kiều-tạp chí văn học số 1-1966.
10.Đặng Thanh Lê - Giảng văn Truyện Kiều - Nhà xuất bản giáo dục, 2001
11.Đặng Ngọc Trân – Cấu trúc hội hoạ - Nhà xuất bản mỹ thuật , 2001
12.Đoàn Thiện Thuật- Ngữ âm tiếng Việt - Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 1999
13.Hà Minh Đức (chủ biên )- Lý luận và văn học- Nhà xuất bản giáo dục, 1998
14.Hà Như Chi - Việt Nam thi văn giảng luận – Nhà xuất bản sống mới, 1970
15.Hoàng Trinh -Văn học so sánh và tiếp nhận văn học- Tạp chí văn học số 4-1980
16.Hoàng Như Mai-Bức tranh ngày xuân –Giáo dục sáng tạo, xuân Đinh Sửu, 1997.
17.Huỳnh Vân- Quan hệ văn học- Hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ. Văn học và hiện thực- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1990.
18.Khâu Chấn Thanh- Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc- Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội,1994
19.Lâm Vinh–Mỹ học về cái đẹp-về nghệ thuật-về con người- Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh,1997
20.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi ( Chủ biên )- Thuật ngữ tự điển văn học - Nhà xuất bản giáo dục, 1992.
21.Lê Bảo, Hà Minh Đức, Đỗ Kim Hồi….Giảng văn Văn học Việt nam- Nhà xuất bản giáo dục, 2001
22.Lê Hữu Mục-Pham Thị Nhung-Đặng Quốc Cơ- Truyện Kiều và tuổi trẻ- Nhà xuất bản Pari, 1998
23.Lê Ngọc Trà -Lý luận và văn học- Nhà xuất bản trẻ thành phố Hồ chí Minh, 1990.
24.Lê Thu Yến – Nhà văn trong nhà trường - Nhà xuất bản giáo dục, 2002
25.Lê Thu Yến( Chủ biên )-Văn học trung đại những công trình nghiên cứu - Nhà xuất bản giáo dục, 2002
26.Lê Thu Yến - Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ người đời sau- Nhà xuất bản giáo dục, 2001
27.Lê Trí Viễn - Phan Côn - Đặng Thanh Lê- Phạm Văn Luận- Lê Hoài Nam - Lịch sử văn học Việt Nam tập 3 - Nhà xuất bản giáo dục, 1976.
28.Lê Trí Viễn- Qui luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam- Nhà xuất bản giáo dục,1998.
29.Lê Trí Viễn- Đặc trưng văn học trung đại - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1996.
30.Lê Xuân Lít- Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều- Nhà xuất bản Đại học quốc gia, 2001
31.Lưu Trọng Lư - Nhật Ký đọc Kiều - Nhà xuất bản hội nhà văn-H,1995.
32. M-Gorky- Bàn về văn học- Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 1965
33.Mai Hoa- Tranh (Trích từ Truyện Kiều- Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội, 1999)
34.Mai Quốc Liên – Tạp luận –Nhà xuất bản văn học trung tâm nghiên cứu quốc học,1999
35.Mai Quốc Liên- Dòng văn học bác học và dòng văn học bình dân-Tạp chí văn học số 6-1966.
36.M.B.Khraptrenkô - Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1984.
37.Nhất Hạnh -Kiều và văn nghệ đứt ruột- Nhà xuất bản Lá Bối.
38.Nhất Hạnh – Thả một bè lau – Nhà xuất bản Lá Bối.
39.Nhiều tác giả- Từ trong di sản – Nhà xuất bản tác phẩm mới,1981.
40.N-Khasenco- Bản chất cái đẹp - Nhà xuất bản thanh niên,19
41.Nguyễn Anh Vinh –Hoạ sĩ- tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội- cựu chủ tịch Hội mỹ thuật Khánh Hoà (Tham khảo ý kiến)
42.Nguyễn Du- Tác gia và tác phẩm- Nhà xuất bản giáo dục năm, 1999.
43. Nguyễn Du -Truyện Kiều -Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội, 1999; Nhà xuất bản Đà Nẵng, 19 ; nhà xuất bản Đồng Nai, 2001
44.Nguyễn Đăng Thục – Thế giới thi ca Nguyễn Du- Kinh thi, S, xb, 1971.
45.Nguyễn Đăng Cư- Kiều vận tập thành -Trung quân thư quán, Huế,1932.
46. Nguyễn Đăng Mạnh- Trần Đăng Xuyền - Những bài văn hay và khó - Nhà xuất bản giáo dục, 1995
47.Nguyễn Gia Thiều-Cung oán ngâm khúc-Sách giáo khoa tân việt –in lần thứ tư.
48.Nguyễn Lai - Ngôn ngữ với sáng tạo tiếp nhận văn học- Nhà xuất bản giáo duc, 1998.
49.Nguyễn Lộc–Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX- Nhà xuất bản giáo dục, 1999
50.Nguyễn Quân- Tiếng nói của hình và sắc- Nhà xuất bản văn hoá, 1986
51.Nguyễn Quảng Tuân- Mấy nhận xét về tranh vẽ minh hoạ truyện Kiều - Mỹ thuật thời nay- số 17 tháng 1-1992.
52.Nguyễn Quảng Tuân- Chữ nghĩa Truyện Kiều- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1990.
53.Nguyễn Quốc Phẩm -Ảnh
54.Nguyễn Thị Hợp- tranh (Trích từ Kim Vân Kiều- Nhà sách khai trí Sài Gòn,1968)
55.Nguyễn Trí Tích- Viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Nhà xuất bản Thanh niên, 2001.
56.Nguyễn Văn Dân - Lý luận văn học so sánh - Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà nội, 1998.
57.Nguyễn Văn Hạnh- Huỳnh Như Phương - Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ- Nhà xuất bản giáo dục,1999
58.Nguyễn Văn Hạnh –Ý kiến của Lê nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống – Tạp chí văn học, số 4 – 1971
59.Nguyễn Văn Hạnh- Một số điểm cần nói rõ thêm về mối quan hệ giữa văn học và đời sống- Tạp chí văn học số 6- 1992.
60.Nguyễn Văn Hoàn –Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều-Tạp chí văn học số 1, 1974
61.Phan Công Khanh – Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều - Luận văn tiến sĩ.
62.Phan Kế Bính -Việt hán văn khảo– Nhà xuất bản Mặc Lâm-tháng giêng, năm M CM LXX.
63.Phan Ngọc –Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1985
64.Phạm Cung -Tranh (Trích từ Histoire de Thuý Kiều-bản dịch tiếng Pháp Lưu Hoài-Nhà xuất bản văn hoá, 19 )
65.Phạm Duy - Đĩa nhạc CD Kiều ca.
66.Phạm Huy Thục -Đạo diễn, Giảng viên trường sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh-(Tham khảo ý kiến)
67.Phạm Tú Hương –Lý thuyết âm nhạc cơ bản –Nhà xuất bản giáo dục, 1999
68.Phạm Thu Thương – Tranh - Trích từ Truyện Kiều- nhà xuất bản Pari, 1951
69.Phạm Đan Quế – Lục bát hậu Truyện Kiều- Nhà xuất bản thanh niên, 2002
70.Phạm Đan Quế- Tập Kiều một thú chơi tao nhã- Nhà xuất bản văn hoá, 1994
71.Phạm Đan Quế -Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều-Nhà xuất bản giáo dục, 2002
72.Phương Lựu -Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Nhà xuất bản giáo dục, 1985
73.R- Jakobson- Thi pháp học – tài liệu tham khảo, 1994
74. Tạp chí Sân khấu- Hội nghệ thuật sân khấu Việt Nam- Số 11, 2002
75.Trịnh Bá Dĩnh với sự cộng tác của Nguyễn Bá Sơn, Vũ Thanh –Nguyễn Du tác gia và tác phẩm –Nhà xuất bản giáo dục, 1999.
76.Trịnh Bá Dĩnh tuyển chọn- Bình giải Truyện Kiều - Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 2000
77.Triêu Dương –Tìm hiểu và suy nghĩ – Nhà xuất bản tác phẩm mới, 1982
78.Trương Vĩnh Ký- Minh tâm bửu giám – Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ chí Minh, 1991.
79.Song Yên- Tranh(Trích từ Viết về Truyện Kiều của Nguyễn Trí Tích,Nhà xuất bản Thanh niên,2001)
80.Trần Kim Lý Thái Thuận – tranh Trương Quân–Truyện Kiều bằng tranh –Nhà xuất bản văn hoá dân tộc, 2000.
81.Trần Thanh Đạm –Dẫn luận văn học so sánh –Tủ sách đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 1995
82.Thanh Lãng- Nguyễn Du như là một huyền thoại - Nghiên cứu Văn học –Số 6, 1971.
83.Thanh Tâm Tài Nhân - Kim Vân Kiều truyện - Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 1999.
84.Trương Chính – Thơ văn Nguyễn công Trứ –Nhà xuất bản văn học, 1983
85.Trương Thìn - Kiều ca một xe trong cõi hồng trần - Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ chí Minh, 1997.(Tham khảo ý kiến)
86.Trương Thìn- tranh Kiều (Trích từ Kiều ca –Một xe trong cõi hồng trần- Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,1997)
87.Trần Đình Sử –Mấy vấn đề về thi pháp văn học trung đại- Nhà xuất bản giáo dục,1999
88.Trần Đình Sử- Thi pháp thơ Tố Hữu- Nhà xuất bản mới, Hội nhà văn Việt Nam, 1987
89.Trần Phương Hồ – Điển tích trong Truyện Kiều - Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996
90.Tú Duyên – tranh- trích từ Truyện Kiều và tuổi trẻ- Nhà xuất bản pari,1998
91.Từ Điển Tiếng Việt- Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội, 1992.
92.Xuân Diệu- Toàn tập (tập VI ) - Nhà xuất bản Văn học, 2001
93.Vũ Cao Đàm -Tranh –Trích từ quyển Kim Vân Kiều- Nhà xuất bản Pari, 1951
94.Vũ Đình Ân- Đĩa nghạc CD - Hợp xướng Truyện Kiều.
95.Vũ Thanh Việt- Thơ Nguyễn Bính - Những lời bình – Nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội,1999
96.Vương Thuý Kiều - Chú giải tân truyện- Tản Đà chú giải- Nhà xuất bản Đồng Nai, 2002.