Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.217
123.152.811
 
Nhan Sắc Người Tình
Nguyễn Trung Dũng

 

“Mình ra quán ăn cái gì lót bụng đã. Phở hoặc mì cậu thích cái nào?”.

 

Huy hỏi bạn. Thản nhiên, Hoàng đáp:

 

“Cái nào cũng được. Bụng mình đang đói. Còn ăn uống gì, mình để  cậu toàn quyền quyết định. Chuyện đó, cậu miễn cho mình có ý kiến”.

 

“Vậy thì ta đi”.

 

Đã ngồi trong xe, rồi trong lúc trên đường xe chạy, Huy lại gợi chuyện để nói:

 

“Tháng này ở Canada thời tiết ra sao?”.

 

“Tuyết bắt đầu rơi rồi. Lạnh lắm”.

 

“Ở San Jose thì chưa từng có tuyết. Chỉ khi nào trên đỉnh núi thấy băng đóng trắng xóa thì dưới cái thung lũng thổ tả này, lạnh theo gió thổi xuống thành phố là mình thấy lạnh. Với 34 độ F về đêm, mình đã thấy người rét run . Nếu sống ở bên cậu, cái lạnh kinh hồn như cậu vừa nói, chắc mình chỉ có nước đi luôn chứ chịu sao thấu”.

 

“Cậu lại bi thảm hóa rồi. Ngày mới nhập cư vào cái xứ đó, mình cũng sợ lạnh y như cậu vừa nói vậy. Với một thuyền nhân vượt biển tới đảo, được thâu nhận cho định cư ở Canada, cậu không vào Canada mà ở đó ngồi chọn lựa, cậu còn chọn cái gì nữa hả cậu. Lạnh thì mấy tháng cuối năm có lạnh thật, ở riết rồi cũng quen. Mùa hè không thấy tuyết, mình lại thấy nhớ tuyết thế mới khùng không. So Canada với vùng Bắc Cực, lạnh như thế đâu có thấm gì. Vậy mà thổ dân họ vẫn sống có thấy chết ai đâu. Đồi núi, sông hồ, rừng già, thị trấn, mùa đông chỉ thấy tuyết trắng xóa như vôi. Mặt trăng, mặt trời thì quanh năm hi hữu mới thấy ló dạng. Hồi còn ở Sài Gòn, đọc Jack London và Ernest Hemingway, thấy những đoạn tả về tuyết, thấy những người dân địa phương sống miền Bắc cực, thấy những cái xe được kéo bởi những con chó trượt đi trên tuyết, thấy từ đỉnh xuống đến chân của những ngọn núi và đồi băng đóng trắng xóa, đọc, mình chỉ tưởng tượng mà hình dung ra, chứ thực tế, mình có thấy đâu mà biết cụ thể được. Theo chân một đoàn du lịch trong một chuyến đi, lần đó mình mới có cơ hội tới cái nơi mà hai ông nhà văn Hemingway và Jack London diễn tả trong truyện. Đến rồi mới thấy tận mắt và cảm được cái lạnh nó như thế nào. Đến rồi cũng là dịp tiếp xúc với những người thổ dân ở vùng bắc cực để hiểu và nhận được cái sức chịu đựng, cái sống phi thường mà, với thời tiết khắc nghiệt lạnh đến độ như thế, họ vẫn can đảm chấp nhận”.

 

Con đường dài đủ để Hoàng nói và khi xe vào “lane” có mũi tên quẹo phải, đó là “exit”, thì cũng đúng là lúc, Hoàng ngưng.

 

Cái quán ăn tọa lạc trong một khu thương mại khá lớn. Bãi đậu xe cũng quá rộng. Xe nhiều đến độ nếu có đếm, đếm cũng không nổi. Bây giờ, chân đã bước vào bên trong quán, quán khá đông người. Thực khách ngồi ở những cái bàn vừa cắm cúi ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Chỉ còn hai chỗ cho hai người ở cuối căn phòng, cô tiếp viên với giọng nói như tiếng chim hót, với nụ cười rất tươi nở trên môi, đưa bàn tay với ngón tay trỏ chỉ về hướng đó để mời khách. Sau cái gật đầu và một câu nói cám ơn, Hoàng và Huy đi về nơi có cái bàn còn trống đó. Vẫn cô gái lúc nãy trở lại bàn, đưa hai tấm thực đơn cho hai người rồi đứng lặng lẽ chờ. Huy chẳng cần ngó mắt tới tờ thực đơn và cũng chẳng cần hỏi ý kiến của Hoàng, như thói quen nhiều lần đến quán ăn, Huy đã kêu hai tô phở. Một tô tái nạm gầu còn tô kia tái sách cho thêm hành chần. Về nước uống, một cà phê phin cho Hoàng, một cà phê sữa đá cho Huy, vậy là đã đủ.

 

Trong lúc chờ hai tô phở được đem ra, Huy thả mắt theo một đường vòng để quan sát thực khách ngồi ăn trong quán. Như mũi tên trên màn kính của máy điện toán được điều khiển bởi con chuột, được nhắp ở điểm chọn lựa, Huy đã không tiếp tục thả mắt theo đường vòng, mà ngưng để chú mục ở một nơi cố định. Bằng ngón tay trỏ, Huy chỉ về cái bàn có mấy người ngồi ở giữa quán ăn.

 

“Này. Cái bà ngồi ở đằng kia, chắc cậu còn nhớ là ai chứ”.

 

Theo hướng ngón tay Huy chỉ, Hoàng nheo mắt nhìn người đàn bà đó, nhưng nhìn đi nhìn lại, Hoàng vẫn ớ ra không sao nhận ra người đó là ai. Nom mặt thì thấy quen thật quen, nhưng nhớ thì không nhớ người đàn bà đó là ai cả. Vừa lắc đầu, Hoàng vừa nói:

 

“Chịu. Ai vậy nhỉ”.

 

“Ai vào đó nữa. Hồng Loan đó. Người tình cũ của cậu mà cậu còn không nhận ra hay sao ?”.

 

“Thật tình không nhận ra. Mấy chục năm nay không còn gặp, sức voi mà nhớ ra người yêu thuở trước”.

 

“Thuở trước như cậu nói, mình đoán chắc ăn như bắp là cậu và Hồng Loan sẽ lấy nhau. Đúng vào lúc mình tới tuổi động viên, nhập ngũ rồi, mình vẫn đinh ninh khi trở về thành phố gặp cậu, cậu và Hồng Loan đã thành gia thất. Vậy mà chuyện đó tưởng có lại là không. Sao vậy hả bạn?”.

 

“Chẳng sao vậy gì cả. Đơn giản hôn nhân bất thành là do ông bố mình mà ra. Ổng tính thủ cựu lại cố chấp, biết gia đình bên nhà Hồng Loan theo đạo Thiên Chúa, ông cương quyết không cho mình được phép kết hôn. Mẹ mình mất sớm. Mình ở với ông bố và người đàn bà chẳng máu mủ ruột thịt gì với mình. Trong tình cảnh đó, cắt đứt tình cảm với Hồng Loan là con đường duy nhất mình phải chọn lựa. Vài năm sau, mình nghe nói Hồng Loan kết hôn với một ông sĩ quan binh chủng Pháo binh”.

 

“Đúng chứ không phải là nghe nói gì cả. Hồng Loan lấy  một ông trung úy binh chủng Pháo binh. Cưới nhau xong, vừa tròn một năm thì ông này tử trận. Đạn pháo đại đội pháo của ông pháo đi, địch pháo lại, trúng mục tiêu nơi đặt dàn súng, quả đạn đã tàn sát mấy quân nhân, trong đó có ông đang đứng chỉ huy. Thời gian sau, chẳng đợi hết tang chồng, Hồng Loan bước thêm bước nữa. Lấy một ông giáo sư vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, năm 75, ông này vượt biên tầu chìm mất xác. Sang tới Mỹ, Hồng Loan cặp với một ông Mỹ già giầu có, ông này bị ung thư gan. Chữa chạy không được, ông Mỹ già cũng bỏ Hồng Loan ở lại cõi trần gian, ngủ một giấc dưới sâu lòng đất. Tính ra Hồng Loan đã đi qua ba đời chồng. Ba đời chồng được coi là ba cái ga con tầu đến và đỗ. Cái ga cuối cùng khi con tầu đã nghỉ ở chặng chót, đấy là thời gian hiện tại Hồng Loan hưởng cái gia tài không kếch sù gì lắm, nhưng một cái nhà, một tài khoản khấm khá ký gửi ở công băng, là những gì của lão Mỹ già để lại. Giầu và đẹp, Hồng Loan được khối ông bám đít đi theo. Chắc có ngày thiên hạ lại nhận được hồng thiếp báo hỉ của cô nàng mời đi nhà hàng tham dự tiệc cưới”.

 

Nói một thôi một hồi như có trớn, khi vớ được cái cần thắng để thắng cái xe lại thì, Huy ngưng.

 

“Đời tư của Hồng Loan sao cậu biết quá nhiều vậy”.

 

“À. Biết quá nhiều là qua ông chú mình. Ông chú mình là bạn với anh của Hồng Loan. Nhờ có nghiên cứu về khoa tướng số, coi nhân dạng Hồng Loan, ông chú mình có lần bảo, cái con bé đó nhan sắc thuộc loại chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cái lưỡng quyền cao quá tất là tướng sát phu. Không thể cho ông là đoán mò vì trước khi Hồng Loan trải qua mấy đời chồng, ông đã đoán đúng mà không phải là đoán phỏng theo những điều đã có từ sau này. Vẫn theo sách tướng giải về nhân dạng mà ông đã dầy chí khổ công nghiên cứu, thì những gì ông đoán về Hồng Loan xem ra mười điều đúng chín, sai chỉ sai một. Chẳng hạn như: Hồng Loan có dáng người mảnh khảnh, chân dài, da thịt xám khô, đi đứng đong đưa thân như mãng sà uốn khúc, tướng người như thế là diện đa dâm. Nói về đàn bà có lưỡng quyền cao, theo sách có nghĩa là “sát phu tam quyền diện”. Đoán về đường tình duyên vận số, ông chú mình còn phán rằng: ấy là bởi cái số này chẳng giết ba chồng thì cũng giết hai đúng với câu “Bất giá tam phu định nhị phu” rành rành có ghi sẵn trong sách. Còn bàn thêm về tính đa dâm, nếu đàn bà có mắt màu xanh, mép có lông măng như Hồng Loan thì, thể lực sung mãn, sinh lý cuồng nhiệt, tất đòi hỏi trên mức bình thường. Ở mép đàn bà phần lớn ít có “sinh tu” mọc. “Sinh tu” có nghĩa là ria nhưng không đen và cứng như râu. “Sinh tu” chỉ là loại lông măng, màu vàng óng như tơ tầm, mọc lún phún, nếu nhìn kỹ mới thấy. Ở đàn ông, mép có “sinh tu” tức là râu thường đen và cứng. Đàn bà có “sinh tu” mọc ở chân, ở tay hay ở mép, sách tướng số cho biết trăm người đều có tính dâm như nhau cả”.

 

Huy ngưng nói để uống một ngụm cà phê. Vẫn kiên nhẫn ngồi nghe, Hoàng đợi câu chuyện Huy kể sẽ trở lại để nói về Hồng Loan hơn là luận bàn giải đoán vấn đề tướng số. Ngong ngóng chờ đợi càng sốt ruột khi thấy Huy đủng đỉnh uống cà phê lại mồi một điếu thuốc rồi phì phà khói. Vừa tính nhắc Huy kể tiếp câu chuyện liên quan đến Hồng Loan thì đúng là lúc, Huy lại trở lại đề tài. Nhưng đề tài Huy say sưa nói lại vẫn là đề tài sách tướng số mà Hoàng đã chán không muốn nghe.

 

“Nói về sách tướng số thì sách tướng số ông chú mình mua cả đống để vùi đầu nghiên cứu. Nghiên cứu rồi cứ dựa theo đó mà đoán cho người thích coi tướng số chứ không hề treo bảng tiếp khách đến coi. Có lẽ đó chỉ là cái thú riêng tư mà ông chú mình chọn để khỏa lấp thời gian trống vắng và rảnh rang chẳng có việc gì để làm. Mình thì không tin cái chuyện bói toán tầm phào vớ vẩn, nhưng khoa tử vi tướng số chắc cũng có cái đúng cái hay khi đoán cá tính, tâm lý, nhân dạng và mệnh số của từng người khác và giống nhau. Sách tử vi tướng số theo ông chú mình bảo đã được khảo nghiệm qua nhiều người để đúc kết sau khi đã phân tích và tổng hợp các trường hợp cụ thể. Bởi thế nó nghiễm nhiên mang tính khoa học dựa vào các sự kiện rồi được công nhận cho một định luật chung”.

 

Câu chuyện đi quá xa và lạc đề tài. Câu chuyện đó, không phải là nhà tử vi tướng số chuyên môn nên Huy nói có phần mung lung, chẳng đủ sức hấp dẫn đối với một người ngồi nghe như Hoàng. Hoàng đã tính đứng dậy đòi về thì đúng lúc, sẵn trớn, Huy bỗng đổi đề tài để nói sang chuyện khác.

 

“Ở đơn vị mình hồi đó có hai cô nữ quân nhân. Một cô nhan sắc coi cũng tạm được. Cô kia thì mặt mũi nhìn không bắt mắt lắm. Cái cô nhìn không bắt mắt đó trước kia cũng được tiếng là một hoa khôi, nhưng vì thất tình, cô mới phẫn trí rồi uống thuốc quá liều lượng để tự tử. Tự tử không chết. Được cứu sống nhưng vì phản ứng thuốc, mặt cô đang hồng hào bỗng trở thành xám xịt. Không dâm nhưng cô thích đi hoang để trả thù giới đàn ông. Trả thù bằng cách làm tan hoang nhà cửa gia đình những tay đàn ông mê gái. Còn cô nhan sắc coi tạm được, cô này lại có tướng sát phu. Căn cứ vào các sự kiện cụ thể để chứng minh: lần thứ nhất, cô lấy một tay hạ sĩ cùng ở đơn vị, hôm rước dâu, chú rể vừa bước lên xe hoa thì bị một cái GMC do tài xế lạc tay lái đâm thẳng vào xe. Chú rể chết cạnh bên cô dâu tay còn đang ôm bó hoa. Hai năm sau, lần thứ hai, cô lại lấy một anh quân nhân khác. Địch pháo kích vào căn cứ, anh này bị trúng đạn nên tử thương. Vận vào người cái tướng sát phu, ai dính vào cô cũng đều chết yểu. Hồi đó mình không để ý nên không biết lưỡng quyền cô cao hay thấp, nhân dạng ra sao nên chẳng phân biệt được cô có tướng sát phu ở điểm nào. Nhưng căn cứ vào việc hễ cứ lấy ai thì người đó sớm muộn gì cũng chết. Vậy chẳng là sát phu mà sách vở tử vi tướng số ghi chép thì sát cái gì”.

 

Chuyện Hồng Loan bỗng chốc rớt sang chuyện xa lơ xa lắc chẳng còn ăn nhập gì đến chuyện Hoàng muốn nghe. Bây giờ Hoàng muốn về khi ăn đã xong, nên nhắc bạn ra quầy thanh toán tiền. Ở bàn bên kia, cũng lúc đó, Hồng Loan và mấy người quen cũng đứng dậy để đi về hướng cửa ra vào. Muốn đi về hướng cửa ra vào, bắt buộc họ phải đi ngang qua cái bàn nơi Hoàng và Huy ngồi. Vừa nhìn thấy Hoàng, Hồng Loan đã khựng bước, ngó Hoàng đầu khẽ gật, rồi ngập ngừng hỏi:

 

“Có phải anh là anh Hoàng đấy không?”.

 

Hoàng nhếch mép cười, đáp:

 

“Anh là Hoàng. Còn em …”.

 

“Hồng Loan. Anh không nhận ra em sao?”.

 

“Mới đây, anh nghe bạn anh nói Hồng Loan đang ngồi với mấy người bạn ở cái bàn đằng kia, anh nhìn kỹ vẫn thấy ngờ ngợ không nhận ra được là Hồng Loan”.

 

“Cả bao nhiêu năm trời nay không gặp nhau, với thời gian dài xa cách như thế, không nhận ra cũng là đúng thôi”.

 

“Thêm một điểm nữa không thể nhận ra Hồng Loan là bởi, Hồng Loan bây giờ khác xa thuở trước. Vừa trẻ và đẹp ra”.

 

“Ý anh muốn nói khác xa là khác về nhan sắc đấy chứ gì. Gói gọn một gói để nói cho tiện là, nhờ mỹ viện cả đấy anh ạ. Tất tật từ mắt, môi, mũi, tóc, ngực và cả mông nữa, chỉ cần đi giải phẫu làm đẹp thì chẳng khác gì hoa hậu bao nhiêu. Thôi, chuyện đó hãy dẹp sang một bên để Hồng Loan hỏi anh một câu này đã. Anh cũng ở tiểu bang này hay ở tiểu bang nào vậy”.

 

“Không ở tiểu bang nào của Mỹ cả. Anh sống ở Canada từ 75 đến giờ. Qua đây chỉ là khách du lịch để thăm bạn bè”.

 

“Anh sang lâu chưa và chừng nào về”.

 

“Với bốn tuần lễ đã trôi qua, cuối tuần này anh sẽ lại bay về Montreal”.

 

“Cuối tuần này. Như vậy anh chỉ còn ba ngày nữa ở lại San Jose. Vậy tối mai được không. Tối mai em mời anh đi nhà hàng chắc là không có gì trở ngại”.

 

Hoàng chưa kịp trả lời thì đúng lúc Huy từ quày tính tiền trở lại. Theo phép lịch sự, Hoàng đưa tay về Huy giới thiệu:

 

“Đây là anh Huy bạn của anh”.

 

Huy đưa mắt nhìn Hồng Loan khẽ gật đầu vừa nhếch môi cười. Hồng Loan ngó Huy rồi nói:

 

“Nom anh Huy quen lắm. Hình như Hồng Loan đã có lần gặp anh nhưng gặp ở đâu thì thực tình nhớ không ra”.

 

Huy lại cười:

 

“Vậy để tôi giúp Hồng Loan nhớ nhé. Ở nhà ông chú tôi có đúng thế không”.

 

“Đúng. Nhà ông Cường bạn của anh Hồng Loan”.

 

Sau mấy câu trao đổi ngắn gọn vừa đủ, nhớ lại chuyện mời Hoàng tối mai đi ăn nhà hàng, Hồng Loan đưa mắt nhìn Hoàng và Huy vừa nói:

 

“Em mời anh đi ăn tối nhưng chưa thấy anh dứt khoát trả lời. Cũng sẵn đây, Hồng Loan mời luôn anh Huy đi ăn cho vui”.

 

Huy từ chối. Hoàng nửa nhận lời, nửa thoái thác, với câu trả lời nửa vời:

 

“Để anh coi lại xem sao đã. Nếu không có gì trở ngại, anh sẽ điện thoại cho Hồng Loan biết có được không”.

 

Cái “fermature” của cái ví da xách tay được kéo ra, Hồng Loan lấy ra một tấm danh thiếp rồi đưa cho Hoàng.

 

“Anh cứ gọi số “cell phone” cho Hồng Loan vào bất cứ lúc nào anh muốn. Miễn là cú “ phone” đó không là lời từ chối là được rồi. Dù trước sau không được làm vợ anh, nhưng tình yêu của Hồng Loan dành cho anh vẫn đầy đủ trọn vẹn. Nếu cái ngày đó không vì cái tính đố kỵ và cố chấp của ông cụ thân sinh ra anh, thì, em đã là vợ của anh và ngược lại. Em nói thế vô tình đã xúc phạm tới cụ, nhưng em biết anh hiểu lòng em nên sẵn sàng bỏ qua và tha thứ. Nhưng bao năm rồi, quên thì em không quên đâu, thù thì em vẫn còn thù chất ngất trong cõi lòng”.

 

Hoàng giơ bàn tay như ý bảo Hồng Loan nên tự chế lời nói hơn là buông thả để nói ra những lời nói trì triết như vậy. Rồi bình tĩnh và chậm rãi, Hoàng thủng thẳng bảo:

 

“Cụ mất rồi. Nhắc đến cụ như thế là điều không nên. Lỗi đâu phải ở cụ mà lỗi chính là ở anh. Nếu anh thực tình yêu em, nếu anh nhất quyết lấy em làm vợ, cụ có cản đến mấy anh cũng có thể vượt qua. Nhưng anh đã không vượt qua như thế có nghĩa anh vẫn chưa yêu em thực tình, yêu em hết lòng và yêu em trọn vẹn cả đời. Anh đã không làm thế đầy đủ đối với em. Không làm thế nên anh đã để em vuột khỏi bàn tay cũng là điều không có gì khó hiểu cả. Nhưng thôi, đứng ở nơi giữa quán đông người, mình chẳng nên nói nhiều để làm gì. Tốt nhất là ta hãy tạm quên nó đi”.

 

Trước khi rảo bước theo chân mấy người bạn ra khỏi nhà hàng, Hồng Loan không quên nhắc Hoàng thêm một lần nữa:

 

“Anh nhớ đấy nhé. Mai dứt khoát anh phải đi nhà hàng ăn tối với em. Nếu anh không đi, anh về lại Canada rồi, em đâu còn có dịp mời anh đi nữa”.

 

Thấy Hồng Loan khẩn khoản thực tình muốn gặp mình tối mai, Hoàng thấy không thể phụ lòng Hồng Loan mà từ chối được, thì vui vẻ đồng ý sẽ thực hiện lời hứa một cách khẳng khái và dứt khoát. Nhưng lúc ngồi trong xe bên cạnh Huy, nhớ lại những chuyện Huy kể về Hồng Loan, Hoàng lại dọ hỏi ý kiến bạn nên hay không nên có mặt ở nhà Hồng Loan vào tối mai như đã nhận lời mời. Nghe, Huy vừa điều khiển tay lái, vừa thủng thẳng trả lời:

 

“Đúng ra cậu không muốn dính dáng với Hồng Loan thì cậu cứ trả lời thẳng là cậu bận. Không trả lời để thoái thác là cậu bận thì đã nhận lời rồi, cậu phải đến chứ còn tính toán suy nghĩ gì nữa”.

 

Hoàng gân cổ cãi:

 

“Cậu không nhớ mình đáp nước đôi à. Xin số điện thoại là để mình, nếu thấy được thì đến, nếu thấy không được thì mình có cớ đến không được. Cách đó giải quyết được cả hai đằng, một là để Hồng Loan không phật ý, hai là để có đường cho mình thoát thân. Nhưng trước mặt Hồng Loan mình đã nhận lời mời đi ăn, mình không đi ăn lại dối trá nói là bận thì mình quá tệ”.

 

“Vậy thì chỉ có cách là cậu đến. Hồng Loan nay đã có ba đời chồng, cậu là một thằng đàn ông đã có vợ, chuyện cũ muốn gì cũng chỉ là tình cảm, còn tình yêu trăm năm đâu phải là vấn đề quan trọng nếu như cậu vẫn đầy đủ tỉnh táo và sáng suốt. Có đúng thế không”.

 

Câu nói cứng rắn và chắc nịch của Huy đã làm cho Hoàng đi đến một quyết định dứt khoát vào buổi chiều, là bấm số “cell phone” của Hồng Loan để gọi. Đường phố bên ngoài bóng tối vừa nhọ mặt người, mặt trước ngôi nhà của Huy là nơi Hoàng tá túc trong thời gian sang Cali, Hoàng nhận ra có một cái xe vừa áp sát vỉa hè, đèn trước và sau phụt tắt. Người mở cửa bước ra không ai khác là Hồng Loan. Chẳng cần đợi tiếng chuông của khách bấm để báo có người đến nhà, Hoàng đã ra mở cửa để đón Hồng Loan vào. Thay vì vào, Hồng Loan lại hối hả giục Hoàng ra xe nên chỉ kịp đóng cánh cửa lại, cũng chẳng có thì giờ nói cho Huy biết, Hoàng theo chân Hồng Loan ra xe. Xe rời chỗ đậu chạy theo con đường phố hướng về phía đằng trước. Hai bên là những cột đèn đường với ánh sáng màu vàng và những cây cối đứng ở vỉa hè.

 

“Em nói trước để anh khỏi ngạc nhiên là, mình sẽ không đi ăn ở nhà hàng nào cả, mà, em sẽ đưa anh về nhà em dùng bữa tối nay”.

 

“Đối với anh, chuyện đó không quan trọng. Quyết định ăn ở đâu là tùy ở em và dĩ nhiên, anh không có ý kiến”.

 

“Vậy là được”.

 

Ngồi cạnh Hồng Loan trong cái xe Camry có máy điều hòa tỏa nhiệt ấm áp, Hoàng nhận ra mùi nước hoa từ người Hồng Loan tỏa ra thơm dìu dịu. Mùi nước hoa như mùi hoa bưởi đẩy đưa Hoàng trong một cảm giác ngây ngất lạ lùng. Liên tưởng dẫn Hoàng nghĩ đến những bông hoa chanh tỏa hương thơm đã quyến rũ những con ong từ đâu đó bay về khu vườn cây để hút nhụy. Ở Hoàng, Hoàng cũng không khác gì những con ong hay con bướm bay luẩn quẩn bên những bụi cây có những bông hoa đang nở. Chỉ khác, những con ong, con bướm nhờ có đôi cánh nên bay vòng vòng trên những đám hoa, còn Hoàng, Hoàng không có đôi cánh nên chỉ biết ngồi lặng im đón nhận bằng cách hít thở mùi thơm ngạt ngào của nước hoa và có lẽ mùi thơm đó là mùi của da thịt Hồng Loan tiết ra nữa.

 

Xe qua những con đường có phố xá, có nhà cửa, có cây cối, rồi càng chạy, xe càng rút ngắn không gian cho đến khi, Hoàng nhận ra bốn cái bánh xe dưới sàn không thấy quay nữa. Nó đã ngừng hẳn ở một nơi mà nơi đó chắc chắn là ngôi nhà của Hồng Loan ở. Ngôi nhà của Hồng Loan ở, khi mở cửa xe bước ra ngoài xe, mắt Hoàng đã nhận ra nó ngay trước mặt. Một ngôi nhà biệt lập đứng riêng rẽ với hai ngôi nhà hai bên. Chúng có một khoảng cách để phân chia bằng một bức tường ngăn đôi hay một phần đất bỏ trống.

 

“Nhà của Hồng Loan đó. Anh thấy có được không”.

 

“Được quá đi chứ. Nó lớn và rộng đến cỡ này, chỉ có một mình em ở, em không sợ sao”.

 

“Sợ. Sợ cái gì hả anh”.

 

“Còn sợ cái gì nữa. Đêm tối, nếu có kẻ trộm lẻn vào nhà, em làm sao trở tay chống trả kịp”.

 

“Làm gì có chuyện đó. Phố ở vùng này an ninh lắm anh ạ”.

 

Họ nói chuyện rôm rả lúc còn ở bên ngoài cho đến khi đã bước vào trong nhà. Thấy ở trong nhà mọi vật đều quí và sang trọng, phòng ốc đều rộng rãi và trang trí đẹp đẽ, tầng dưới đi lên tầng trên lầu có cầu thang cuốn hình cây cung, đèn trần và đèn để bàn mỗi nơi mỗi chỗ, tường có những bức tranh của những nhà danh họa quốc tế, ghế “sofa” bọc da màu đen, thảm trải sàn màu trắng lông cừu, cái “piano” kê ở góc phòng nắp màu hột nhãn bóng loáng, Hoàng đảo mắt nhìn nội thất nơi Hồng Loan ở, bụng thầm khen Hồng Loan bây giờ có một cuộc sống giầu sang và khá giả quá mức tưởng tượng. Đã nghe Huy kể đến chuyện Hồng Loan lấy một ông Mỹ già dư tiền sẵn của, ông ra đi để lại cơ ngơi và tài sản cho Hồng Loan là người được quyền thừa hưởng, thì Hoàng chẳng còn gì phải ngạc nhiên hay thắc mắc về chuyện Hồng Loan giầu hay nghèo. Bữa ăn tối hình như đã được Hồng Loan chuẩn bị sẵn sàng từ trước nên khi nghe Hồng Loan mời qua phòng ăn nhập tiệc, Hoàng đã thấy trên một cái bàn mặt kính, hình “o voan”, những đĩa, bát và ly đã để sẵn cùng các món ăn cũng đã sẵn đầy đủ cả. Một chai rượu với hai cái ly thủy tinh chân cao đặt ở giữa bàn cạnh một cái bình tráng men có cắm mấy cành hồng, hoa vừa mới mở cánh. Khi chủ và khách ngồi ở hai cái ghế kê đối diện của cái bàn, họ chỉ đưa mắt nhìn nhau, trên môi, một nụ cười sẵn sàng được nở. Vì bận ăn uống, cả hai chỉ đưa đẩy vài ba câu hỏi và trả lời, không khí vì thế có vẻ trầm lặng hơn là lúc trước đây, họ chuyện trò vui vẻ rôm rả một cách tự nhiên và cởi mở. Rượu đã được rót ra ly. Hồng Loan uống rất bạo. Khi hai má Hồng Loan hơi ửng đỏ, Hoàng biết hơi men đã thấm sâu trong cơ thể người tình cũ một cách dễ nhận thấy ở cử chỉ và ở lời nói của Hồng Loan. Với một ly uống đã cạn, Hoàng cũng đã thấy trong người có cảm giác khác, chưa phải là trạng thái say hẳn, mà là ngầy ngật. Dù vậy, nếu đôi mắt không nhìn Hồng Loan thì, đôi mắt đó, Hoàng nhìn về bức tranh vẽ chân dung của Hồng Loan treo trên bức vách ở cuối căn phòng. Hình trong tranh và hình trên thực tế của người ngồi trước mặt xem ra không hoàn toàn giống. Được sửa chữa với những nét dậm lại, hình trên vải bố của bức tranh nom có vẻ đẹp hơn. Dù không cố ý, Hoàng cũng nhận ra lưỡng quyền ở hai bên gò má của người trong tranh cao hơn bình thường. Quan sát bức chân dung thì như thế, quan sát cụ thể người được vẽ trong tranh ngồi đối diện, Hoàng nhận thấy cái chuyện tướng sát phu mà Huy nói có vẻ khả tin. Nhưng ý nghĩ đó không tụ lâu trong đầu óc Hoàng, khi, mắt Hoàng liếc sang bức tường không xa đó, Hoàng thấy tấm hình chụp Hồng Loan mặc áo cô dâu, đứng bên cạnh là một người đàn ông bản xứ. Người đó vóc dáng cao lớn, vận một bộ “complet” màu đen, cổ thắt “cà vạt”, nom thật tề chỉnh. Thấy Hoàng rõi mắt nhìn về bức ảnh đó, chẳng cần biết Hoàng đang suy nghĩ gì trong đầu, Hồng Loan đã vội lên tiếng giải thích:

 

“Đó là bức ảnh chụp ngày cưới của tụi em. Nhưng người đứng bên em bây giờ đã sang bên kia thế giới. Anh ấy bị ung thư gan …”

 

Câu nói chỉ chừng đó để rồi, Hồng Loan im bặt. Không biết Hồng Loan có xúc động khi nghĩ đến người đàn ông đã quá cố đó không, nhưng rõ ràng trên nét mặt của nàng, phảng phất một nét buồn ẩn hiện. Hình như người đàn bà góa bụa đó đã từ lâu rồi thiếu một người để tâm sự, có sự hiện diện của Hoàng tối nay, Hồng Loan đã không giữ nổi sự chịu đựng của nỗi cô đơn từ bấy lâu nay, nên đây là cơ hội tốt nhất để nàng giải tỏa muộn phiền u ẩn. Kéo cái quá khứ trở về hiện tại, một lần nữa Hồng Loan lại nhắc đến ông cụ thân sinh ra Hoàng để bảo rằng: “nếu không có sự can thiệp của ông bố anh, ngày ấy, chắc chắn em đã là vợ của anh rồi. Đêm nay, em chỉ xin anh một điều rất nhỏ, nhưng điều đó, liệu anh có sẵn lòng cho em không. Dù thời gian chỉ là bóng tối với thời khắc ngắn ngủi trước khi mặt trời lại mọc, em muốn được hiến dâng tất cả những gì anh muốn ở một người tình cũ cho dù bây giờ và vĩnh viễn, anh và em chẳng thể là vợ và chồng đúng với ý nghĩa của nó”.

 

Lại với ly rượu cầm ở tay đưa lên cao, Hồng Loan đòi cụng ly với Hoàng. Từ lúc ngồi vào bàn ăn, ăn thì ít, uống thì nhiều, đến lúc này Hoàng cũng chẳng nhớ mình đã uống hết bao nhiêu ly nữa. Mà đã uống rượu thì cần gì phải ngồi đó để đếm ly mình đã uống. Chuyện như thế vừa là chuyện khôi hài và chẳng có người nào làm cả.

 

Đã gần khuya. Lúc đứng dậy đòi vào phòng ngủ để nằm, hai chân Hoàng gân cốt đã thấy lỏng. Đi phải dựa vào người Hồng Loan, tới cái giường ở trong căn phòng thì vừa đủ cho Hoàng té ngay xuống đệm. Trong trạng thái chập chờn lơ mơ như người đi tầu say sóng, giữa cái tỉnh và cái thức không thể phân biệt được giữa cái này với cái kia, chẳng còn nhận thức được, Hoàng chỉ có cách thả nổi buông xuôi. Đến lúc rượu như con nước đã rút, dù vẫn trong trạng thái bập bềnh và lơ mơ, dù vậy tai Hoàng vẫn đủ khả năng nghe thấy tiếng nước chảy xối xả ở cuối căn phòng. Khi tai Hoàng không còn nghe thấy tiếng nước chảy nữa thì cũng là lúc, như hai cánh cửa sổ khép lại, hai mí mắt Hoàng từ từ sụp xuống, Hoàng đi sâu vào giấc ngủ. Gần sáng, Hoàng thức giấc. Không còn ánh sáng của đèn thắp trong phòng trừ ra ánh sáng của vầng trăng rọi qua kính cửa sổ. Với ánh sáng đó, mắt Hoàng cũng có thể nhận ra mọi vật, dù mọi vật chỉ lờ mờ không rõ nét. Nằm bên Hoàng, chàng thấy Hồng Loan đang ngon giấc ngủ. Lồng ngực với hơi thở lên xuống. Cặp vú se căng và tròn lẳn. Kiềm chế bản thân để giới hạn tư tưởng không đi xa hơn, Hoàng rời khỏi giường rồi nhẹ nhàng như một con mèo với mỗi bước chân không một tiếng động, chàng đi vào phòng tắm. Đứng trước tấm gương soi, dưới ánh sáng của ngọn đèn, Hoàng nhận ra những vết son môi hằn in trên trán, trên má. Chẳng cần khó khăn tìm hiểu, Hoàng đã biết nguyên nhân từ đâu trên trán và trên má chàng đã có những vết son đó rồi.

 

2

 

Hai bầu ống phóng của chiếc phản lực bắt đầu khởi động. Bây giờ với âm thanh lớn hết cỡ làm hai cánh và thân con tầu đồng loạt rung lên. Đấy là lúc chiếc phản lực đang nằm trên phi đạo chuẩn bị để cất cánh. Rồi như một con đại bàng bay bổng lên không, sau đoạn dài lao đi và lướt trên đường băng, thân con tầu bắt đầu rung chuyển để lấy trớn, phần phía trước mũi tầu từ từ rời mặt đất, cất bổng lên cao bầu trời. Thành phố San Jose ở phía dưới, nhìn xuống qua ô cửa sổ, Hoàng chỉ thấy nhà cửa, đường phố, đồi núi, sông ngòi, và khi mây nâng đỡ thân máy bay, lớp sương mù đã che kín mọi cảnh vật ở bên ngoài.

 

Ngồi ruỗi thẳng người trên lưng ghế, trong tiếng động đều đều và độ rung nhè nhẹ của con tầu, Hoàng bỗng tự nhiên thấy buồn. Buồn phải có duyên cớ mới buồn chứ khi không thì có gì để buồn bao giờ đâu. Chẳng lẽ xa Huy, Hoàng nhớ bạn mà buồn ư. Đâu đến nỗi Hoàng yếu đuối tình cảm đến độ đó. Vậy là không buồn vì nhớ bạn khi rời khỏi San Jose rồi. Tư tưởng Hoàng lắng xuống như con nước rút, cái cuối cùng Hoàng đã tìm ra. Ờ. Cái buồn tự nó đến trong cõi lòng Hoàng, chính là cái buồn khi Hoàng nghĩ đến Hồng Loan. Từ đó, những câu hỏi như không biết giờ này, ở căn nhà rộng rãi đó, Hồng Loan đang làm gì. Trong cái tĩnh mịch vắng vẻ của phòng ốc quá lớn đó, Hồng Loan có buồn không khi ngồi nghĩ đến Hoàng đang trên chiếc máy bay bay trên tầng cao. Hồng Loan có thể đang nằm trên giường và đang khóc cũng không biết chừng. Bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời đã trở thành những câu nghi vấn chợt đến rồi đi. Đọng lại như những bông tuyết rơi xuống rồi đóng thành băng, sức đẩy của hồi tưởng biến thành hai đôi cánh đã đưa Hoàng trở về thời gian vừa mất, đúng lúc thả trôi vào giấc ngủ, Hoàng lại thấy hình ảnh hiện về: “nằm bên Hoàng, chàng thấy Hồng Loan đang ngon giấc ngủ. Lồng ngực với hơi thở lên xuống. Cặp vú se căng và tròn lẳn”.

 

Hoàng chợt tỉnh khi nhận ra thân con tầu lắc mạnh. Từ máy phát âm, phi công loan báo máy bay đang bay ở vùng có lớp mây đen và dầy. Hụt hẫng với thân phi cơ nâng lên hạ xuống một cách đột ngột bất thường, sợ đã làm đầu óc Hoàng không còn nhớ đến “cặp vú se căng và tròn lẳn” mà mới đây, trong giấc ngủ chập chờn, “cặp vú se căng và tròn lẳn” Hoàng đã thấy./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1828
Ngày đăng: 25.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sống dở... - Hòa Văn
Bông Sen Trắng - Võ Xuân Phương
Người Đàn Bà Ở Lầu 5, Phòng Số 521 - Nguyễn Trung Dũng
Sớm Mai - Trần Yên Hòa
Người Thợ Sửa Khóa, Làm Chìa - Mang Viên Long
Nỗi Buồn Của Mẹ - Nguyễn Trung Dũng
Cái Kết Có Hậu - Phạm Lưu Vũ
Bó Hoa Hồng Của Một Người Không Quen Gửi Đến - Nguyễn Trung Dũng
Net - Trần Yên Hòa
Sâu Thẳm Mắt Người - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)