“Với tư thế thi sĩ, là kẻ tiên đoán những ẩn ngôn, là kẻ cứu chuộc sự ngẫu nhiên, ta đã dạy loài người sáng tạo tương lai và trong khi sáng tạo, giải thoát những gì đã xảy ra.” (Zarathustra đã nói như thế – Nietzsche)*.
1.
Trong cuộc hiện sinh, kinh qua ý thức về sử tính của mình, con người chua chát nhận ra rằng thế giới và tha nhân đã có đó, đã xảy ra…, dửng dưng như một sự đã-rồi. Và lắm lúc sự đã-rồi là điều nhục mạ thân phận con người. Dù con người có phản tĩnh, tra hỏi ý nghĩa kỳ cùng của cuộc đời, hay liệu có một Thượng đế bí hiểm, tánh khí bất thường, khó chịu nào đó đã nhào nặn Định Mệnh hay không, trần gian cũng đã bày ra muôn vàn vẻ mặt đọa lạc, tàn nhẫn, bất hòa với ý chí con người. “Chúng ta sinh ra quá muộn màng, mọi điều đã được phát biểu…” một nhà văn đã than van như thế. Hay nhìn theo nhận thức luận, nền văn minh nhân loại – thành quả của lý trí – có thể ví như một gã khổng lồ, mà sau những nỗ lực trí tuệ, tâm linh uyên áo nhất mới đứng được trên vai hắn, những nhà hiền triết, đạo gia, tức những nhân cách ưu việt hiếm hoi trong các thế hệ loài người đều mong mỏi nhìn sâu, nhìn xa hơn vào lịch sử.
Phải đứng ở một vị thế cao vời như “trên vai” của nền văn minh đã có, những bộ não ưu việt, có tâm thức thâm sâu mới có thể phát hiện những hố thẳm, những sa mạc chôn vùi Chân tính con người và thế giới. Rồi bằng những cung cách khác nhau, các nhà hiền triết, các nhà tiên tri tìm cách chia sẻ, rao giảng thị kiến bi đát ấy cho quần chúng trong xã hội. Tuy nhiên, do quán tính trì độn của tâm thức xã hội thời nào cũng vậy, các nhà tiên tri đi rao giảng “chân lý mới” thường là kẻ lỗi thời ngay bên cạnh những người cùng thời đại.
Zarathustra – nhà tiên tri trong tác phẩm Zarathustra đã nói như thế (Ainsi parlait Zarathustra) của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche - đã lầm lẫn trong thiện chí của mình ngay trong những bước chân đầu tiên bước xuống thế gian, là những thung lũng, làng mạc, công trường…, có đám dân làng đang sống lấy những mối bận tâm trần gian, bằng một đời sống đã diễn ra như thế, như thể đã tựu thành hoàn chỉnh đâu đó tự lúc nào.
Đã bằng cung cách ngạo nghễ, chế diễu, phẫn nộ, và cả nước mắt, Zarathustra rao giảng những điều mình muốn truyền đạt, nhưng hầu như trần gian đã quá chật chội, không còn một chỗ trống nào cho những lời nói mới mẻ. Trần gian không còn chỗ nào cho Chân tính của thực tại. Nếu có vấn đề nào đó nên được đặt ra, người ta chỉ còn tự hỏi tại sao đến giờ phút này còn có kẻ còn muốn thưa thốt, đề nghị này nọ…
Tại sao còn phải có những triết lý mới trong khi người ta đã có một Quá Khứ cung cấp đầy đủ mọi câu giải đáp cho mọi vấn đề?
Zarathustra định rao giảng Khả tính con người – loại Khả tính siêu việt nhất – ở một nơi bị goi cưỡng ép là trần gian vì nơi này hầu như không còn có con người, theo nghĩa không còn ai đặt vấn đề. Và con người mạt cùng của nhân loại đó là đám tiện dân. Đám tiện dân đã có quá đủ! Nào là Hư vô chủ nghĩa giúp việc hoàn hảo cho nỗi an tâm trần thế bằng muôn ngàn lời dịu ngọt. Nào là những bậc hiền triết đi rao giảng giá trị cao quý của… giấc ngủ. Có vị lại dạy về khí hậu đầm ấm của “cõi bên kia”, nơi có một Thượng Đế nghiêm khắc nhưng thật tốt bụng khi chăn dắt linh hồn con người. Vị khác lại kêu gọi sự khinh miệt thân xác để chóng giải thoát được linh hồn vốn dĩ mong manh, èo uột.Và cũng có một số tiện dân học được tâm thức hư vô cao nhất - theo nghĩa hư đốn trầm trọng nhất: khước từ đời sống.
Đó là đại lược về những giường êm, nệm ấm do ai đó - tạm gọi là hiền triết - đã dành sẵn cho những thao thức được mệnh danh là “thao thức siêu hình” của đám tiện dân. Có khi bọn này còn tự mắng chửi chính mình, rằng còn phải ưu tư, thao thức gì nữa một khi chính sự suy tư này nọ đã kiếm được một chỗ ăn ở vô cùng dễ chịu (bien-être) như thế.
Bước sang một lãnh vực khác của đời sống – quẩn quanh với những con người đang sống thở, cũng suy tư này nọ, ở một nơi gọi là xã hội – là lãnh vực của chân lý và đạo đức, có gì lạ trước mắt Zarathustra?
Xin mời bước ra công trường để nhìn mặt những con người đạo hạnh (les vertueux), con người công chính (les justes), con người tao nhã (les nobles), con người lương thiện (les bons)… Đây là những kẻ an tâm nhất về những danh hiệu mà bằng một cách nào đó xã hội đã gắn thêm vào vẻ đạo mạo tức vẻ bất động hoàn hảo của họ. Ghê gớm nhất là bọn người đạo hạnh. “Cũng còn có những kẻ khác ngồi xổm trong đám lầy của họ giữa những thân lau sậy, và bảo ‘đức hạnh, chính là cứ ngồi im trong ao đầm lầy lội’. Chúng tôi không cắn ai, và chúng tôi cũng tránh kẻ muốn cắn xé; về tất cả mọi sự, chúng tôi chia sẻ ý kiến mà thiên hạ đưa ra cho chúng tôi.” .
Tất cả những cảnh tượng ủ ê, thảm não của xã hội loài người như trên đã lắm lúc đuổi trả Zarathustra về với hang động, bờ biển, đảo vắng xa xăm.. . Zarathustra thối lui về với niềm cô đơn của mình thay vì đã chịu cô đơn quá lâu giữa công trường huyên náo.
Tất cả là những-sự-đã-rồi của Quá Khứ u tối, vì tất cả đã thành tựu với đầy đủ các món điểm trang cho mọi mặt đạo đức, triết lý, đời sống xã hội của con người.
Như thế, có phải Ý chí Cường lực (la Volonté de Puissance) nhằm đảo lộn mọi giá trị (Umwertung derwerte) của Nietzsche muốn đặt vào tay con người đã chỉ là một cố gắng tuyệt vọng?
2.
Để trả lời câu hỏi trên, xin trở lại với tiến trình suy tưởng của chính triết gia.
Trước tiên, Nietzsche đã sáng tạo tác phẩm Zarathustra đã nói như thế trong một nghịch lý thâm sâu. Chính trong nghịch lý, ông đã thai nghén ra một tác phẩm mà về tên gọi của nó ông cũng phân vân, như ông viết trong bức thư cho nhà xuất bản: “Đây là một bài thơ, một cuốn Phúc âm thứ năm, một điều mới lạ tuyệt đỉnh chưa có tên gọi.”
Nghịch lý đầu tiên ấy là về mặt sinh thành, Nietzsche đã không đơn phương sáng tác ra và sử dụng nhân vật Zarathustra mà thực tế triết gia đã tự thực hiện một hóa thân. Nói khác đi, bằng hư cấu, nhà tiên tri Ba Tư cổ đại Zarathustra đã được hóa thân vào Nietzsche, đồng lúc mang cái bầu khí sẵn có của lịch sử (bao hàm những ý tứ, văn ảnh, ngôn ngữ của nước Ba Tư cổ đại như một giai đoạn lịch sử có-đó nhất định, cung cấp cho ngòi bút của triết gia vô vàn dữ kiện) trộn lẫn với bầu khí của văn hóa học thuật Đức quốc hậu bán thế kỷ 19. Đó là sự trộn lẫn hai hình ảnh đồng lúc chở đầy tình cảm của triết gia nhưng lại là hai tình cảm đối kháng, kình địch. Nietzsche càng yêu tâm thức người Ba Tư biết quan niệm mỗi giai đoạn tiến hóa được tiên báo bằng những nhà tiên tri (điển hình như Zarathustra) bao nhiêu thì ông càng ghét tinh thần triết học duy lý-niệm của Đức quốc thời đó bấy nhiêu (đưa đến chỗ Nietzsche chán ngán chính dân tộc Đức của ông - điều này được nói rõ trong tập Ecce Homo).
Có lẽ do sự đối kháng chua xót giữa hai tình cảm nói trên nên trong tác phẩm Zarathustra đã nói như thế, triết gia đã chọn thi ca làm bộ mặt của thị kiến nội tâm. Trong thiên trường thi triết lý này, Zarathustra, nhân vật chính đã chỉ phát biểu bằng ẩn ngôn, mật ngữ. Luôn luôn, mảnh đất của ẩn ngôn, ẩn ngữ - nhất là trong thi ca – là một cõi bờ không thể đáo cùng trong thế giới tư tưởng con người.
Nietzsche là một nhà thơ – nhà thơ bí hiểm? Phải nói là tất định có một loại thi ca được dùng tới như vạn đại chưa hề có thi ca, quá khứ chưa hề có thi ca, để chuyên chở ẩn ngôn. Và chính ẩn ngôn được Zarathustra nói ra như thị kiến (nơi trí tuệ biến thành tư tưởng) như số kiếp ngôn ngữ phải nhất thiết hiện thể trong cõi trần gian còn vô thanh bất động. Nhiều học giả thích ví von thiên trường thi Zarathustra đã nói như thế của Nietzsche bằng những chiều cao (của núi, của mây) và chiều sâu (của hố thẳm), như thể muốn không-gian-hóa những ẩn ngôn của Zarathustra.
Cũng có thừa mứa những “mây”, những “núi”… nơi đám thi sĩ, nhưng Zarathustra lại phàn nàn về họ. “Tư tưởng của chúng (đám thi sĩ) không thâm nhập đủ sâu, chính vì tình cảm chúng không xuống đến tận những hố thẳm.” Mặt khác, ẩn ngôn còn là hiện thể bi đát của ngôn ngữ đáng lẽ được giữ lại trong im lặng, vùi chôn trong câm nín. Ẩn ngôn khai sinh trong sự tuyệt cùng của mọi hy vọng, mong mỏi được thấu hiểu. Ẩn ngôn là hóa thân cay đắng của tư tưởng hiển thể nhô lên trong bóng tối của nỗi tuyệt vọng về sự bất lực của khả năng truyền đạt thị kiến. Đến đây thì ẩn ngôn nơi Zarathustra chính là một nghịch lý tiềm tàng trong tâm thức Nietzsche.
Một ít về lịch sử cho biết Nietzsche đã khởi phát - bằng những dày vò, chịu đựng thống khổ nhất - trực giác về sự Phục Diễn Bất Tận (le retour éternel) tại Surley tháng 8/1881. Tuy mang nặng ám ảnh từ biến cố này, Nietzsche đã vẫn viết xong phần thứ ba của tác phẩm Ainsi parlait Zarathustra vào tháng 01/1884, trong đó có một chương quan trọng nhất: “Về những bảng giá trị cũ và mới” (Des vieilles et des nouvelles tables - bản chuyển ngữ của M. Betz).
Phải chăng Nietzsche đã lướt trên nghịch lý giữa hai suy tưởng đối nghịch về “Phục diễn bất tận” và “Đảo lộn mọi giá trị” để viết ra phần 3 nói trên?
Trên giả định là có sự tương xung, tương khắc giữa hai suy tưởng đó, ta thấy thêm một điều là ở ngay đầu phần 3 này, vị trí của các chương phát huy thị kiến về sự Phục diễn bất tận (như chương “Về thị kiến và ẩn ngôn” cùng với “Bằng sự thông qua” (cùng được trình bày bằng hình thức độc thoại) đã được tác giả đặt ngay cạnh chương “Về những bảng giá trị cũ và mới” ở phần cuối. Đó cũng là một ẩn số về trình tự (cố ý hay vô tình) của toàn bộ tác phẩm.
Thêm một điều là suy tưởng về “Ý chí cường lực” (La volonté de puissance) mật thiết gắn liền với suy tưởng “Sự đảo lộn mọi giá trị.” Có thể xem hai thị kiến trên là cánh tay phải và cánh tay trái của người chiến sĩ triết lý: Siêu nhân (Surhomme). Siêu nhân đã dấn thân quyết tử vào cuộc chiến khốc liệt với Định Mệnh, nói khác đi là với chính Chân Lý tất mệnh của vũ trụ và con người, đó là nhịp Phục Diễn Bất Tận. Xem ra Nietzsche đã suy tưởng, đã triết lý ở chân trời của những vị thế hoàn toàn phản lập.
Nghi vấn sau cùng là phải chăng đã có sự giảng hòa tối thượng giữa con người Siêu nhân và sự Phục Diễn định mệnh, nên kỳ cùng, tác phẩm đã thành hình trọn vẹn trên sự sụp đổ sau cùng của nghịch lý?
3.
Thật sự có cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là con người Siêu nhân kêu gọi đảo lộn mọi giá trị và một bên là Định Mệnh phục diễn, quy hồi. Ở nhiều chỗ, Nietzsche còn nhìn Định Mệnh như chính Quá Khứ bằng bộ mặt đã tựu thành đầy đủ của nó (triết học duy lý-niệm, đức tin Ky tô giáo và Do Thái giáo , Hư Vô chủ nghĩa v..v..), mà riêng đối với Nietzsche đây vốn là mảnh đất nẽ ra bảng giá trị hàm hồ của xã hội con người thời bấy giờ (đức tin, các giá trị đạo đức, các chân lý vĩnh cửu.v.v…) . Như đã trình bày ở phần đầu, đó là một trần gian mạt hậu, đến nỗi Zarathustra đã kêu gào phải “Siêu vượt con người”, vì: “Toàn diện đời sống là trộm cắp, sát nhân”.
Tuy nhiên, song song với việc vạch mặt và đạp đổ những thực tại trì độn của chân lý, đạo đức cũ, luôn luôn Zarathustra thuyết giảng cho đám tiện dân sự sáng tạo mới với đầy đủ chân nghĩa nghiêm khắc nhất của Sáng Tạo: “Kẻ sáng tạo là kẻ ban cho loài người một mục đích ban cho mặt đất ý nghĩa và tương lai: chỉ kẻ sáng tạo mới sáng tạo nên Thiện ác vạn sự.”
Chính Nietzsche cũng thú nhận ngay trong bản thân mình cũng mang vận hành nhịp đôi “phá đổ/xây mới” ấy: “Đồng lúc, tôi vừa là một kẻ suy bại vừa là một cái gì nguyên khởi bắt đầu. Chính điều này, hơn hết, giải thích tính chất trung lập của đời sống tôi (…). Tôi có được một thứ cảm giác bén nhạy biết đánh hơi, biết ngửi ra những thứ dấu hiệu về sự cất cánh bay cao và việc suy đồi, rơi rụng.” (Ecce Homo – Nietzsche, bản chuyển ngữ của Phạm Công Thiện).
Như đã tuyên xưng “triết lý bằng cây búa, bằng cốt mìn”, công việc phá đổ (nhịp một của vận hành triết lý) nơi Nietzsche bao giờ cũng mãnh liệt qua bước chân của nhân vật Zarathustra xuyên vượt những công trường, những giảng đàn, những non cao, bể thẳm… - những nơi tập hợp của đám tiện dân. Hay đúng hơn, mũi nhọn của Zarathustra hướng thẳng vào sự tựu thành ù lì của Quá Khứ đã tường-đồng-vách-sắt bày ra bằng những nỗi an tâm, yên ngủ của con người. Đứng trước những đức lý cũ kỹ cố định, Zarathustra đã thông tri bằng khẳng định: “Mọi sự đều trôi chảy”, khiến đám tiện dân đã kêu ầm lên: “Sao! mọi sự đều trôi chảy à? Bộ những tấm ván và lan can cầu không bắc qua sông đó sao? Ở bên trên con sông, mọi sự đều vững chãi, những giá trị của vạn vật, những chiếc cầu, những khái niệm, tất cả Thiện và Ác, tất cả mọi thứ đều rắn chắc, vững chãi mà!”.
Đó chính là sự sợ hãi bị vỡ tan niềm an tâm dễ chịu của đám tiện dân trên giòng sông Biến Dịch mà Nietzsche muốn in dấu Tính Thể. Đám tiện dân chỉ quen tin mọi sự đều là Định Mệnh “Mi phải, bởi vì phải như thế” . Trong khi ở nhịp hai (xây mới) của vận hành triết lý nơi Nietzsche ,Ý Chí Sáng Tạo dành lại mọi quyết định cho con người:
“Giải thoát loại Quá Khứ đang chế ngự nơi con người, và biến đổi tất cả những gì đã xảy ra, cho đến khi nào Ý Chí lên tiếng rằng đã chính Ý Chí muốn như thế”.
Công việc giải bỏ Quá Khứ chính là cứu chuộc sự Ngẫu Nhiên để sáng tạo Tương Lai, cũng chính là Giải Thoát Con Người. Và công việc giải thoát con người ra khỏi Quá Khứ không phải chỉ là việc làm nhất thời cho hiện sinh ở đây và bây giờ; nó còn cấp thiết cho toàn bộ thực tại con người đong đưa giữa hai cõi vô hình và hữu hình. “Linh hồn đang hiện thể, lao thẳng vào biến dịch, ước muốn đi vào ý chí và ước vọng”, và chính xã hội con người là một tìm kiếm trường kỳ”.
4.
Thượng Đế đã chết, con người bơ vơ với ‘gia tài’ hẩm hiu còn lại của mình là Tự Do, chẳng biết dùng Thời gian và Sử tính đã được trao trả lại cho mình để làm gì. Bi đát hơn là khi Chân lý bị ám sát, trống chỗ nên lại có người thừa cơ hội rao giảng tất cả những gì đối kháng và thù nghịch với Sự Sống nguyên tuyền, nghĩa là rao giảng Sự Chết … Lại thêm cảnh tượng bi thảm bày ra trước mắt nhà tiên tri.
Như thế, giải pháp cứu chuộc con người phải như thế nào và phải bắt đầu từ đâu?
Không có gì khác hơn là Hy Vọng. Zarathustra đã đưa ra nhận định cuối cùng cho Quá Khứ - như thể hiện tại chính là bộ mặt của Quá Khứ : “Lòng thương hại của ta đối với tất cả Quá Khứ đã biểu lộ ra như thế: ta xem Quá Khứ như bị bỏ rơi”. Và “những đứa con” của Zarathustra được nhắc nhở rất nhiều lần trong tác phẩm chính là biểu tượng cho những hy vọng mà Nietzsche đặt vào một loài người mới, một dân tộc mới: “Ta muốn, nhờ các con ta, chuộc lại tội đã làm của ông cha ta: ta muốn cứu chuộc hiện tại này bằng toàn thể tương lai”.
Chính trong phát biểu ngậm ngùi này của Zarathustra cho thấy rõ tâm tình bi đát của con người – con người bất lực như đang hấp hối – vì lỡ đã đeo mang Quá Khứ, Lịch Sử. Cái tội-lỗi-có-quá-khứ , hay “Tội đã làm con của cha ông ta” như Zarathustra đã nhắc lại, phải được cứu chuộc. Chính Tương Lai cũng phải được cứu chuộc.
Nhưng trớ trêu là trong vòng biến dịch của sự Phục Diễn Vĩnh Cửu không hề có một tương lai mới lạ nào đến với vũ trụ và con người. Cũng chính những gì xảy ra hôm nay đã xuất hiện trong Quá Khứ và sẽ còn xuất hiện trong Tương Lai. Hãy nghe lời của Zarathustra nói với “tên lùn”, tượng trưng cho lý trí trì độn:
“Mọi sự há chẳng vương vấn, tương liên với nhau cho đến nỗi cái khoảnh khắc hiện tại này đang lôi kéo theo sau mình tất cả những sự việc tương lai? Và như thế lôi kéo theo cả chính mình (…) Chúng ta há chẳng phải quy hồi và chạy trở lại một lần nữa trên con đường trước mắt (tương lai) đang phóng lên cao. Há chẳng phải chúng ta phải vĩnh viễn quy hồi trầm luân trở lại?” .
Như thế, sau cùng thì Zarathustra đã đành cúi đầu nói một tiếng “Vâng” thuận mệnh:
“Chớ gì ta là một bốc sư đầy óc tiên tri đang bước đi trên một triền núi cao giữa hai vùng biển (…) sẵn sàng loé lên ánh chớp giữa vùng đêm tối, sẵn sàng nhoáng lên tia sáng giải thoát, chất chứa đầy những lằn chớp khẳng định chân ngôn, những lằn chớp cười vang tiếng Vâng thuận mệnh!”. Từ đây con người chấp nhận một chỗ ngồi trong Định Mệnh vạn đại và sẽ sống kiếp nhân sinh theo đúng luật Biến Dịch phản phục vĩnh cửu. Con người được giải thoát khỏi Quá Khứ, như thần Atlas được cất khỏi vai quả Càn Khôn nặng trĩu. Và từ đây, theo Nietzsche, trong định mệnh con người “linh ư vạn vật”, hành trình tiến hóa từ con người bình thường đến Siêu nhân - tức từ giá trị nhân sinh cũ chuyển thành giá trị nhân sinh mới - nhất thiết là nỗ lực tư riêng của con người, miễn không ra ngoài lệ luật của vũ trụ là Quy Hồi vĩnh cửu bất tận. Nghĩa là dù có vừa phá đổ vừa xây mới theo vận hành nhịp đôi hết sức thông minh của trí năng, đó cũng chỉ là con người đặt vấn đề với chính mình chứ không phải đổi trao với Thần Linh hay kêu cầu Mệnh Số. Và trên hết mọi vấn đề là Hy Vọng.
5.
Phải chăng đến đây là cuộc thánh chiến giữa Con Người và Tất Mệnh đã chấm dứt? Phải chăng đến đây mọi nghịch lý đã được siêu vượt, dàn hòa trong tư tưởng Nietzsche? Và sau cùng, do “Thượng Đế đã chết”, con người tiếp tục đặt câu hỏi - với chính mình – về ý nghĩa của Hữu thể , về Thời tính, về Hiện hữu, về Hiện hữu Con người, về tương quan giữa Con người và Thượng đế; về ý nghĩa của Tự do; về tình trạng vong thân, tính phi lý, hữu hạn của đời người, thậm chí về hành vi tự tử.v.v… Đó là những suy tư cốt tử của tư tưởng triết học hiện sinh sau này. Dù là vô thần như Sartre, Camus hay hữu thần như Heidegger, thậm chí là vô thần rồi quay sang hữu thần như Kierkegaard…, các hệ phái của tư trào triết học, thần học, văn học - nghệ thuật… nhân bản này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng hay lấy hứng cảm từ tư tưởng Nietzsche - như vận số không tránh khỏi của lịch sử tư tưởng - triết học Tây phương./.
* Các trích dẫn trong bài dựa vào bản chuyển ngữ tiếng Pháp “Ainsi parlait Zarathustra” của Maurice Betz (P.U.F. xuất bản).