Chẳng biết người từ đâu mà từng lớp, từng tốp, rồi riêng lẻ... cùng xuất hiện ở cánh rừng nguyên sinh hoang lạnh này, cho dù chiều đã tàn và màn đêm đang ập xuống. Tôi nhập ngay vào những dòng người đó, để hy vọng về một cuộc phiêu linh, thậm chí bị đẩy đi “xa” hơn, nghĩa là xui rủi, cũng chẳng sao....
Cánh rừng mà người ta kéo nhau vào khá lẻ loi, heo hút, rộng chừng chục mẫu tây, trong khi những dải rừng cây họ dầu đã bị đẩy lùi xa bởi dân nhập cư ồ ạt từ phía Bắc vào kể từ sau 1975. Từ cánh rừng này, theo đường chim bay không xa nữa là giáp với vùng rừng núi heo hút miền hạ Lào và đông Bắc Campuchia. Vị trí này là vùng “xôi đậu” của văn hóa cũng như lịch sử, nên những gì hiện hữu từ quá khứ muốn xác định chuẩn xác phải có một khoảng lùi của thời gian và lấy thuần túy khoa học làm mục tiêu. Đường để đi vào bên trong rừng chỉ là một lối mòn nhỏ xíu được xẻ ra từ rậm rạp cây bụi của hệ rừng mưa nhiệt đới lá rộng ẩm lạnh, với bên trên là những tàng cây bằng lăng cổ thụ cùng một số cổ thực vật chằng chịt dây leo, địa y bám… Nghe nói đến những giò phong lan quyến rũ lơ thơ trên kia, cũng không có người nào dám hái, bởi ai đã đến đây đều cho rằng đây là rừng “thiêng", thuộc về Yàng, cõi cao siêu. Cao nguyên miền Thượng ai chẳng biết là vùng của cư dân mà đầu thế kỷ trước con là xã hội bán khai, kỳ cuối của xã hội công xã nguyên thủy, với nền văn minh thảo mộc, nghĩa là mọi thứ đều gắn với cây rừng, kể cả kiến trúc. Giữa không gian hoang vu kia bỗng hiện ra một ngôi tháp cổ xưa bằng gạch đá, phủ lên một màu thời gian hoang phế... Mùi bí ẩn và huyền nhiệm hiện ra. Người miền Thượng sơn nguyên lùi sâu vào lục địa này chưa đạt_ hoặc không thích để ý, không chuộng hình khối to lớn_ đến trình độ kỹ mỹ thuật cao để sáng tạo ra kiến trúc sử dụng khoáng chất, như đất nung đây, công trình đồ sộ lại càng không có, thì này rõ, là một trường hợp đặc biệt. Lúc này đây, tôi như vén lấy tấm rèm đại ngàn để quan sát công trình kiến trúc.
Rừng xanh phủ lên cổ tháp đất nung duy nhất ở còn thấy trên Tây Nguyên suốt trên 700 năm qua. (ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Bóng người vào ra lễ vật cúng bái không làm chi phối nhu cầu nhìn rõ hình hài nó ở tôi. Toàn bộ tác phẩm kiến trúc là một khối nung khổng lồ đỏ bằng đất, với từng lớp gạch chất lên, từ mặt đất tận tới mái. Phần đế bên dưới của ngôi tháp hình vuông, với một cửa duy nhất để vào trong lòng tháp nhìn về hướng đông, trong khi ba hướng còn lại kiến tạo cửa giả. Sự thanh thoát tỏa ra nơi đỉnh tháp khi nó chạm tới hình hài của búp măng, ngọn bút. Sự kỳ lạ là ngọn tháp nằm giữa một vùng trảng bằng rộng lớn mà không hề ngự trên những ngọn núi cao để biểu thị sự sức mạnh siêu nhiên linh thiêng như qui luật xây dựng đền đài buổi mà trong lòng con người thế gian thuộc về thần thánh, ít nhất như các tháp Chămpa còn lại ở miền duyên hải miền Trung Việt Nam. Đây là một bí ẩn lịch sử đặc biệt.
THẦN THÁNH CŨNG TÉ... "CƯỜI"
" Thưa đức Phật, cho chồng con đi đường sá an toàn, không bao giờ tai nạn; đi đến nơi về đến chốn... Hai đứa con của con học hành "lên lớp", chúng chơi vui, luôn khoẻ mạnh, không thua con người khác. Cho con được buôn bán không ai có thể lừa được con. Cho con… hàng chạy; mua nhanh bán đắt. Cho mấy sạp bên cạnh không thể chạy hơn sạp con. Mấy con thiếu nợ con không thể xù được.... Cái gia đình Sáu Mơ không thể dở trò...!". Có lẽ thuộc về "chủ nghĩa tự nhiên", cần gì cầu đó, khấn đấy, nên người đàn bà đang dang chân ngồi bệt dưới đất mà tôi chú tâm nghe khấn này đã không hề "lập trình" hay sắp xếp nội dung trước khi tìm vào " rừng Thiêng" cầu nài, thế nên chị ta cũng chả cần câu cú, chủ ngữ, vị ngữ gì ráo trước Trời, Phật cả. Chị ta cầu vái và đòi hỏi hơi nhiều, nên độc chiếm dầm dề nơi cái lòng tháp vốn bé tẹo không đầy bốn mốt vuông kia, cho dù bên ngoài còn vô số những người khác chờ đến lượt được để tế khấn. Con người thời nay nó thế, từ vô thần đến loạn thần, mượn thần thánh để trục lợi, và chỉ tìm đến Trời Phật khi gặp sự cố danh phận, bịnh tật, chứ không bao giờ từ đáy lòng yêu quí, kiêng sợ. Tình thế buộc tôi nhẹ bước vào lăng tháp, rỉ nhỏ vào tai chị: “Chị từ đâu tới vậy ? Lâu quá”. Chị to béo, phải nặng đến 80 kg này, vẫn với cái giọng oang oang giữa lòng tháp, trong khung cảnh khói nhang nghi ngút huyền nhiệm ấy đáp ngay: " Em tên Nguyễn Thị Tâm, ngụ ở thôn 17, xã Ea Rok, từ Thanh Hóa vào. Em đang bán buôn ở ngoài chợ.". Đảo mắt tôi thấy chen chúc bàn thờ gỗ di động, bát nhang, giấy vàng mã, rượu đế, trái cây… Khi tan khói sẽ nhận ngay ra sự nhếch nhác và bất kính. Cứ như ai cũng có thể mua một bàn thờ đưa vào đây đặt. Như được dịp tỏ bày, chị béo này làm tới luôn: " Ở đây hễ khấn gì được đó anh ạ! Em khấn hoài rồi. em biết mà. Có riêng gì em, ai biết đến ngôi tháp này, người trong huyện Ea Soup hay từ Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột..., khi "có chuyện", muốn cầu ước điều gì đó, đều đến đây viếng, khẩn cầu." Rồi chị tự nhận định rằng nếu khấn mà không hiệu quả chẳng ai phải lặn lội tìm đến khu rừng này làm gì. " Nếu đền này kém linh thiêng thì làm sao người ta tìm đến nhiều lần, và ngày một đông hơn", chị tiếp tục tự tin. Một người phụ nữ khác, chị Lê Thị Hằng, ở thôn 5, xã Ea Rok nói với tôi rằng chị từng đi các nơi để tìm thầy bói coi về gia sự, nhưng có chỗ họ bảo tôi dại vì có thầy bà nào hơn ngọn tháp cổ hoang phế ở Ea Soup này của quê nhà tôi. "Cứ khấn vái, rồi Trời, Phật… trong tháp sẽ trả lời cho !"...
Phía ngoài… (ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Cứ thế tôi đứng lặng lẽ bên mép cửa vào lòng tháp để dỏng tai nghe thế sự muôn nỗi mà lòng dạ lúc dâng lên nỗi thương cảm, lúc đầy sẻ chia với đồng loại, lúc lại bàng hoàng, rợn gáy. Này nhé, xin lỗi, dỏng tai nghe có lúc tôi ghìm những cơn nấc cười. Bởi trời ạ, sao quá nhiều "sự tình" được bày ra, trút gởi vào lòng tháp, trong đó có những sự tình éo le, tréo ngeo, bất hạnh, nhưng cũng có những sự tình quá đáng, đòi hỏi, và tham lam quá của người đời. Cứ nghĩ cảnh những chàng trai vạm vỡ nhưng bụi bặm tìm vào để..." cầu cho mớ gỗ chở đi không bị kiểm lâm bắt" thấy thần thánh cũng bị kéo vào cuộc phạm pháp. Lâm tặc cũng là thành phần hay vào khấn bởi vì quanh vùng Ea Soup, Buôn Đôn này còn thấy nhiều rừng gỗ tốt, rừng quốc gia York Đôn cách đây không xa. Hoặc trông mấy người ăn mặc trông rất tử tế_ chắc là doanh nhân) từ các nơi đến..."cầu cho lấy được dự án", " trốn được kỳ thuế" gì đấy... mà quặn tức cả ngực. Bà Nguyễn Thị Kỹ, 50 tuổi, một người từ Quảng Xương, Thanh Hóa vào Ea Soup để lập nghiệp, hôm nay đi viếng cổ tháp lại nói: "Có biết linh thiêng hay không đâu. Em cứ làm theo suy nghĩ của mình vậy. Thấy người ta nhang khói thì mình nhang khói. Mình cũng thành tâm, nếu linh thiệt, bề trên để tâm đến thì mình nhờ vậy!". Cái vỏ linh thiêng của Phật giáo xưa nay hiện ra trước chúng sinh dân dã là ở trong Chùa. Đây một công trình kiến trúc mang dáng dấp thờ thần như thế kia thì không phải là chỗ của đức Phật, đức Jesus, hay đấng Mohamet rồi. Nhưng biết sao giờ, dân tình Việt Nam di cư lên Tây Nguyên thời thế kỷ 21 này vốn “quen thân” với Phật, Chúa nhiều hơn. Kệ, kiến trúc chỉ là cái vỏ, cứ đưa Phật, Trời, Cô bác, Ông Bà… vào đây ở. Trong khi đó, bên ngoài cửa tháp, lối vào hai bên vẫn là những hình ảnh đồng bóng chưa từng hiện hữu ở cổ tháp nào, thuộc dòng phái tín ngưỡng nào của sắc dân nào, thuộc nền văn minh gì. Cứ vậy, lớp lớp những bát nhang rải ra, chồng chất lên, tràn lan bất cứ chỗ nào có thể đặt được bình nhang, từ bệ gạch ở lối vào cửa chính tháp đến hai bên hông tháp. Thậm chí, dưới gốc những cây xanh gần đấy cũng đầy bình nhang. Cứ thế, hàng ngày, và nhất là những dịp nghỉ lễ, rằm, mồng một tháng âm lịch, khói nhang bỗng lên nghi ngút cánh rừng u tịch. Dễ hiểu thôi, khi mỗi người sủng tin mang đến đặt một bát nhang, là cả ngôi đền cổ hoang phế bỗng chốc " sống lại", dù sống kiểu khác, qua hình ảnh một trận địa chén bát, chai lọ, xác hoa, trái cây, nhang khói đông đặc chạy từ ngoài xa vào tận lòng tháp...
Nghe đâu ngôi tháp này qua trái tim tinh khôi của sắc dân M’Nông, Jrai, Ê Đê bản địa thì nghiêm kính hơn, đẹp hơn muôn tỉ lần. Theo họ, vì mê tiếng sáo diều hoang liêu ai đó thả bay gần cánh rừng này mà một bà mụ đã không chú tâm khi đang làm nhiệm vụ cao cả dẫn đến chết mất người sản phụ và đứa trẻ. Vì đau khổ và tức giận, người chồng bị chết mất vợ con đã chém đứt đầu người phụ nữ đỡ đẻ lãng mạn kia, để rồi tất cả họ đều hóa đá. Những dây leo bám trên cổ tháp lâu nay được xem như người sản phụ bám vào lúc đau đẻ. Từ đó dân chúng quanh cánh rừng gọi cặp mẹ con sơ sinh là Yang Prong, trong khi bà đỡ đẻ là Yang Moi_đều hóa thần. Ngọn tháp thần hình thành tự nhiên, từ giữa trời đất, để yêu nhớ, bao dung và tha thứ tất cả, chở che mọi lầm lỗi người đời, không thể trách ai cả, một vẻ đẹp…
Nay có còn "linh" hay không chả rõ, chỉ biết thiên hạ di cư đua nhau khấn viếng nhầm "đối tượng", thậm chí cố tình “nhầm” ... Tôi nhớ ra những ngồi đền kiểu kiến trúc này, như kiến trúc Chăm cố dưới duyên hải, thường người ta xây dựng kỳ công lên để thờ thần trong Blamơn gio cổ xưa, với cụ thể là bộ ngẫu tượng sinh thực khí Linga-Yoni cô đọng biểu hiện tinh thần của sự sống, vũ trụ, hoặc có khi là một vị vua hoá thần nào đấy nhờ sức mạnh v tài đức kỳ diệu... Còn ở đây sao khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy người ta biến ngôi tháp hoang cổ xưa thành một "cái lẩu thần linh" hiện đại: đưa vào trong lòng ngọn tháp này từ ma, quỉ, cô hồn, người chết đường chết sá, chết đau chết bịnh, chết bom chết đạn, đến ông bà, cha mẹ quá cố, rồi thờ cả câu liễn, bài vị, và... cả đức Phật, ông địa, ông thần tài... Ai nghĩ đến cái gì, thấy đối tượng nào gần gũi, quen thuộc, linh thiêng, thì rước cái đó vào mà đặt trong tháp, rồi tin ở "nhân vật" đó_ tức mỗi người đến đây, viếng lấy một " bề trn" theo ý mình.
Chị Ngô Thị Na, 44 tuổi, có nhà bên ngoài cánh rừng kia không xa khẳng định, ngôi tháp hoang bằng đất nung giữa rừng trơ gan im lìm trong gió núi mưa rừng này chừng bảy năm trước vẫn còn trống trơn từ trong ra ngoài, chẳng bao giờ có người viếng, chả ai dám "rước" các loại thần linh vào đặt "ngồi" chung tứ tung trong đó; cảnh cúng bái tá lỏa như hiện giờ không thấy... Những người thường qua lại khu rừng còn cho biết, dân đánh cờ bạc ở thị trấn Ea Soup và ngoài Buôn Ma Thuột thường tìm lên ngôi tháp hoang để cầu cơ, đánh đề. Không dừng lại thế, rất nhiều trường hợp khác lại tìm đến để cầu hồn cho người chết đường chết sá, chết bờ chết bụi, chết đâu tận Sài Gòn, Hà Nội; số khác nữa thì cầu siêu cho người mất xác, chết nước, gỗ đè trong rừng... Vv...và...vv.
Dù biện hộ thế nào, thì cũng không thể chỉ ra khác, rằng ngôi tháp đã thành cõi của ma quỉ. Phật, Chúa, Thánh Ala nào đi dành chỗ của Prajapati, Atman, Brahma, Vishnu, hay Shiva...
BƠ VƠ “XÁC” THÁP
Hồn Tháp như thế đã mất từ thửa nảo nào. Cái xác còn trơ ẩn lạnh đó cho tha nhân xài xể.
Theo anh Nguyễn Hữu Đoàn, người sống không xa cánh rừng, cũng là người thường vào ra cúng bái đều đặn hàng ngày, "phong trào" viếng ngôi tháp hoang tàn này tự dưng bùng phát bắt đầu bằng một ông chủ thầu xây dựng cầu đường từ Tp.Buôn Ma Thuột tình cờ vào chơi ở cánh rừng này. Ông ta đã đóng một cái am gỗ đầu tiên đặt vào trong lòng tháp, bỏ vào thêm một bát nhang, và cứ thế thi thoảng ông lại xuất hiện. Tự dưng thấy có cái am trong đền hoang thế là người ta kháo nhau đến thắp nhang, đồn nhau về sự linh thiêng vô song, huyền bí. Và cứ vậy, người khác thấy cũng có nhu cầu đặt am, bèn đóng am đưa đến đặt, tức cũng tỏ sự trân trọng thần linh. Lòng tháp Chăm cũng như lối vào nội tháp, cộng với đỉnh tháp trên kia ngàn đời qua ở đâu, bao giờ, cũng thông suốt, mặt đất và khí trời luôn để giao hòa, âm dương vận hành, thì ông thầu cầu đường kia quái dị kia đã sốt sắng dùng xi măng đổ láng nguyên cả lòng tháp, tráng luôn cả lối vào đền để...thế giới Trời, Phật tươm tất, tử tế hơn. Sẵn tiền, người ta “lên đời” luôn chỗ ở của thần thánh. Một ngôi đền hoang đã thuộc về quá vãng, chủ nhân đã mù xa từ thuở nào, bỗng dưng bị con người hiện đại dựng dậy, bắt cóc, giam cầm, buộc phải sống, và sống với một đời sống chẳng phải của mình.
…Trong lòng tháp ngày nay…(ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Thấy tội nghiệp cổ tháp, vào mùa khô đó, tôi đi trong đêm, tìm cho được nhà ông Trưởng phòng Văn hoá Thông Tin huyện Ea Soup ở dưới thị trấn Ea Soup, cách ngôi tháp chừng 17km để tự tình thay nĩ. Qua ông Thiều Lê, tôi hỏi chính quyền Ea Soup có biết những gì đang diễn ra ở ngôi tháp cổ ? Phong thái hiền từ, ông Lê chân thành: " …Cũng có nghe nói chuyện dị đoan, cúng bái, bói toán... loạn xạ, từ lâu rồi !". Ông Thiều như cũng tỏ ra nắm rõ giá trị của ngôi tháp: " đó là tháp Chăm duy nhất hiện hữu ở cao nguyên đó. Ngôi tháp hoang heo hút, thế nhưng Nhà nước được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1988. Tháp Chăm này vô cùng quí giá không chỉ về mặt nghệ thuật, văn hoá, mà còn là tư liệu, dữ liệu để nghiên cứu về quá trình hiện diện của người Chăm, văn hoá Chăm ở Tây Nguyên". Di tích quốc gia, vậy hiện ai quản lý nó? Ông Lê hình như rất khó nói thẳng: " ...Lửng lửng, không quản lý rõ ràng cả. Không có văn bản nào của chính quyền tỉnh hướng dẫn quản lý, hay giao cho đơn vị nào quản cả. Nhưng cứ coi như thuộc UBND xã(xã Ea Rok), vì di sản nằm trên địa bàn hành chính nào thì địa bàn ấy phải có trách nhiệm đã!". Trời! Thế tại sao chính quyền có thể bỏ rơi, không quan tâm và bảo quản mà để cho cô bác muốn làm gì làm, biến nó thành "cái lẩu thần linh" như thế ?. _" Đến giờ vẫn không có kinh phí để dẹp bỏ các tín ngưỡng biến tướng... ở ngôi tháp đó. Vì ví như muốn có người bảo vệ tháp, ngăn cản các sự xâm nhập thì phải cho một xuất lương chứ. Lớn hơn là chuyện xây hàng rào, lập Ban quản lý di tích....!". Ong Lê than phiền là phòng VHTT của ông đã tham mưu UBND huyện làm văn bản báo cáo tình hình lên tỉnh, đã kiến nghị sở VHTT, UBND tỉnh Dak Lak hỗ trợ kinh phí để quản lý, bảo vệ rất nhiều lần rồi, nhưng chưa bao thấy tỉnh "nói năng gì".
Những người Chăm còn hiện hữu ở xứ Panduranga dưới Ninh Thuận, hoặc những chuyên gia đang quản lý di sản thế giới Thánh địa Chăm ở Mỹ Sơn ngoài Quảng Nam nếu lạc lên Tây Nguyên, trông thấy cảnh người ta tín ngưỡng, làm "lẩu thần linh" ở tháp Chăm giữa rừng Ea Soup này có lẽ hẳn sẽ phát hoảng, vì không nhận ra nó thuộc tín ngưỡng nào, văn hoá gì, thuộc thời đại nào... Ngôi tháp đã chết, về lịch sử cũng như chức năng tâm linh, nhưng nó vẫn bất hạnh, bị ngược đãi, ít nhất giữa lúc này.
GIẢI MÃ
Tôi chỉ còn trông cậy khả năng giải mã về công trình trên ở cơ quan chuyên sâu của địa phương, bởi đó là báu vật của địa phương họ không thể không hay biết. Và đúng như vậy, Bảo tàng Dak Lak đã khẳng định đó là tháp Yang Prong_ tháp Chăm độc nhất vô nhị còn hiện hữu ở vùng cao nguyên phía Tây xa cách biển Đông, Tây Nguyên, đến ngày nay_ nằm cạnh con suối lớn Ea H'leo thuộc lâm phận của Lâm Trường Rừng Xanh ở xã Ea Rok, huyện Ea Soup, tỉnh Dak Lak. Bảo tàng này giữ chu đáo hồ sơ khái quát về ngôi tháp, nhưng một bức tranh không gian đủ để hình dung rõ thêm về thân phận nó thì tôi phải lần tìm trong dân gian cùng hệ thống thư viện trong nước thôi. Qua cọ sát các nguồn chất liệu, tôi nhận ra ngôi tháp được dự đoán ra đời khoảng thế kỷ 11-13, một quá khứ đã quá xa, cách nay trên 700 năm. Tháp ở tình trạng hoang phế như tơi mục kích được phát hiện vào quãng những năm 1904 - 1911 bởi một vị “thực dân” nhưng cực si mê dân tộc học và ông ta đã bỏ nhiều thời gian vào nghiên cứu văn hóa miền Thượng của xứ Annam buổi đó. Ông ta tên là Henri Maitre. Thì ra Henri Maitre ! Lịch sử có những tréo ngeo đặc biệt khi vị “thực dân” này đã bị người Thủ lĩnh anh hùng của cao nguyên M’Nông_thuộc Dak Nông ngày nay_ là N’Trang Long hạ sát trong một phong trào nổi dậy nổi tiếng của người M’Nông. Henri Maitre vào đầu thế kỷ đã phát hiện ra tháp Yang Prong này và đã khảo tả r công trình kiến trúc văn hoá thú vị này trong cuốn " Les Jungles Moi" xuất bản tại Paris năm 1912. Ở trang 200 trở đi của cuốn sách này, ngày đó Henri Maitre đã khẳng định đây là tháp của người Chăm từ đồng bằng duyên hải lên xây dựng, để thờ tín ngưỡng phồn thực: Linga và Yoni_ biểu hiện qua vị thần được gọi là Mankhalinga được khắc hình lên thực thể sinh thực khí ấy. Thì ra, Vương quốc Chămpa đã từng hiện diện và đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên. Chuyện lớn này chưa từng thể hiện trong chính sử, hay đưa rõ ra sách giáo khoa của Nhà nước đang quản trị đất nước VN ngày nay.
Và đây, vị Thần được đặt trong lòng tháp khi tháp còn “sống” thật cuộc đời tâm linh mà một nhà khám phá người Pháp đã chỉn chu khảo tả để lưu lại và in vào một thư tịch vào 100 năm trước(ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Nghe đâu bộ ngẫu tượng Mankhalinga bị những người Pháp khi đó thuê người thượng trong vùng khiêng ra khỏi rừng, rồi chở đi khỏi VN kể từ quãng những năm 1940. Bộ linga-Yoni bí ẩn này đang ở nước nào cũng chẳng ai ở VN ngày nay nắm rõ.. Chỉ có cái vỏ công trình thờ nó, ngôi tháp giữa rừng này, là từ sau 1975, các cơ quan bảo tồn văn hoá ở Trung ương đã có hơn một lần đến đây thực hiện việc trùng tu.
Giữa một không gian văn hóa mà Rừng là trung tâm của đời sống con người và tâm linh, với một thế giới xã hội bán khai được dẫn dắt bởi nền văn minh thảo mộc của nhiều bộ tộc sơn nguyên, chưa có sự xuất hiện Nhà nước, không tiếp xúc với bên ngoài, hiện ra một công trình kiến trúc kỹ thuật cao siêu, đồ sộ, diễm lệ và theo thứ tôn giáo khá nguyên sơ của loài người là Bàlamôn thế này càng làm cho Tây Nguyên đúng là miền kỳ lạ, mơ tưởng, và huyền thoại. Nhưng cứ mỗi mùa khô trôi qua, tôi lại nghe cánh rừng nơi cổ tháp đang đứng thách thức thời gian và lịch sử kia lại teo lại bởi dân nhập cư. Người đến thì dĩ nhiên họ phải tìm đất để sống, bất kể đất đó có thiêng và đang chứa cái gì. Có những bản tin của chính hãng thông tấn thuộc Chính phủ còn loan báo nó có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi, bởi con suối bên mép rừng mà tôi từng lội ra ngắm nhìn giờ đã thành một con sông lớn. Suối đã bị xé thành sông, và hung dữ lên từng ngày. Người nhập cư liền đổ xô khai thác cát ngay trên dòng sông, đoạn ngay phía sau ngôi tháp. Địa chất toàn vùng đang sụt lún, cùng dòng sông Ea H’leo kia chỉa thẳng vào cổ tháp đất nung. Dòng sông tự nhiên và dòng sông trách nhiệm đang so găng với một ngôi tháp tàn phai. Cổ tháp ngồi đó, đã chết, chết như một dấu than, dựng ngược, nhưng vẫn đang suy tư trong xác chết./.