Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.967
 
Nửa thế kỷ lưu lạc
Lê Hải*

 

Có những điều mà khi ngoảnh mặt nhìn lại chúng ta mới biết giật mình và trân trọng những gì mình đang có. Dường như đây chính là yếu tố làm nên thành công cho hai quyển tiểu thuyết tự truyện của bà Lệ Tân Sitek ở Ba Lan. Tính từ ngày cô An – nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết tự truyện của bà – sang Ba Lan học năm 1955 thì đã hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu quốc gia đã đổi tên và bao nhiêu rào cản chính trị đã thay đổi. Hôm nay những sinh viên lưu vong như bà không còn phải sợ bị bắt mà có thể ngồi cùng bàn với những người từng đi bắt, và nói chuyện với những người đang đại diện cho một nước Việt Nam đang tích cực hội nhập với thế giới. Nhưng thời đó, chỉ cần yêu một bạn học người Ba Lan là đủ để bà bị dòng đời đẩy vào một chuỗi ngày lưu lạc vô định, như lời tâm sự trong bài phỏng vấn dành cho tuần báo Polityka trong đợt xuất bản tác phẩm đầu tay Sama Na Drodze (Một mình trên đường).

 

 

Chị Lệ Tân Sitek cùng GS Jerzy Malinowski từ ĐH Torun và dr Izabela Kopania từ Viện hàn lâm khoa hoc Ba Lan là 2 chuyên gia về mỹ thuật Á đông

 

Tôi không thể ngờ họ sẽ trục xuất tôi về Việt Nam khi chỉ còn 1 năm rưỡi thôi là tôi kết thúc đại học. Họ nhốt tôi 3 ngày chỉ để trong 3 ngày đó họ về Gdansk lấy đồ đạc của tôi. Sáng ra, họ tới hộ tống tôi ra ga tàu để đưa tôi về Moskwa và sau đó Hà Nội. Một sinh viên hộ tống tôi, mang theo vé và hộ chiếu của tôi. Tôi chỉ hi vọng mặc cả được đôi chút, để có thể kết thúc đại học. Tôi không thể về nước mà không có bằng đại học bởi như vậy thật nhục nhã. Trong cuộc trốn chạy, tôi được biết những điều tuyệt vời nhất về người Ba Lan. Tất cả đều giúp. Không kể những người tôi từng quen đã bênh vực tôi: các bạn sinh viên, thầy trưởng khoa, cả vị giáo sư mà tôi vô cùng yêu kính đã tới đại sứ quán và bảo nếu sứ quán cho tôi ở lại, ông ấy sẽ đích thân trang trải chi phí học bổng cho tôi. Người đầu tiên tôi gặp khi nhảy tàu xuống Siedlce là một công an. Ông ta thấy tôi xanh như tàu lá và giống cái xác chết. Ông ấy kiếm nước cho tôi uống rồi đưa tôi về đồn, đi qua cửa phụ vì ở cửa chính là công an trưởng đang nói chuyện điện thoại với toán người hộ tống tôi. Tôi nhờ gọi cấp cứu, nói với bác sĩ rằng tôi bị đau tim và đau dạ dày, cứ cho tôi tới bệnh viện tôi sẽ nói nốt hiện tình mình. Và tôi được cứu thoát nhờ đó. Bác sĩ trưởng khoa, tất thảy các y sĩ bệnh viện đều bênh tôi. Trong ngày, nhân viên đại sứ quán còn tới bệnh viện đòi đưa tôi đi chuyến tàu sau đó. Các y sĩ không chấp thuận. Khi nhân viên sứ quán trở lại cùng binh sĩ để dùng vũ lực đưa tôi đi, các y sĩ viết giấy chứng nhận rằng tình trạng sức khỏe của tôi quá nguy kịch, bắt buộc phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Sau đó thì một phụ nữ cũng là bệnh nhân giúp tôi rời bệnh viện tới Gdansk đoàn tụ với Ryszard. Tình thế của tôi khi đó thật nguy nan. Có ai ngờ giữa Việt Nam và Ba Lan còn có hiệp ước cấm công dân hai nước cưới nhau. Hộ chiếu và tất cả các giấy tờ của tôi bị đại sứ quán giữ. Nhà trường, rồi Hội Sinh Viên Ba Lan can thiệp đều không ăn thua. Không còn lối thoát, tôi đích thân tới Trung ương Đảng Công Nhân Thống Nhất và tiếp cận được với một nhân viên thân cận của tổng bí thư Gomulka. Tôi thuật lại tình trạng của mình, họ gọi Ryszard tới nói chuyện và cuối cùng, họ cho tôi giấy tờ Ba Lan cùng giấy phép cưới chồng. Câu chuyện nhỏ mà cuối cùng tiếng tăm khiến nó bị xé thành lớn. Tháng 6 năm 1962 chúng tôi cưới nhau và một năm sau, con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời. (BếnViệt.org)

 

Rời Ba Lan sang Na Uy sống cùng chồng, những năm tháng cuộc đời của bà Lệ Tân Sitek nay trở thành câu chuyện không chỉ được bạn đọc ở Na Uy và Ba Lan say mê, mà còn thực sự là một di vật vô giá mà lịch sử để lại cho cuộc sống của ngày hôm nay của mỗi người Việt. Ngã Ba Đường là tên tiếng Việt của bản tiếng Ba Lan (Na Rozdrożu) đang được phát hành tại Ba Lan, nhà xuất bản Trẻ gấp rút phát hành bản tiếng Việt cho kịp Hội chợ quốc tế về sách tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm hoạt động của ngành xuất bản trong tháng Chín này. Người phụ nữ nhỏ bé đầy nghị lực đã đơn độc bươn chải trên con đường bản sắc xuyên qua không gian và thời gian, như những dòng chia sẻ trong lời nói đầu của tập truyện ký Một Mình Trên Đường đã được NXB Hội nhà văn phát hành vào tháng Ba năm 2009

 

Cuộc sống của mỗi chúng ta là một cuốn sách, khi được biết tới, được in lại không những trong trí nhớ của mình mà cả của người. Có lúc trở thành đề tài một tiểu thuyết hoặc một cuốn phim, lại có lúc được truyền miệng từ người này qua người nọ nhưng rất nhiều trường hợp chỉ tồn tại một cách im lìm… Cuộc đời dù có sóng gió hay êm ả, phức tạp hay đơn thuần, đều mang những kho tàng phong phú, cá biệt.Với cái tuổi bảy mươi của tôi hôm nay, chỉ có mười năm tôi được sống ở Quê cha Đất tổ, năm sáu năm ở nơi chôn rau cắt rốn vùng sông Dương Tử, còn nữa là ở châu Âu - trong thời gian đó, ngoài hình thức trao đổi thư từ với gia đình và những người thân - tôi không dùng tiếng mẹ đẻ nhất là thời gian hơn bốn mươi năm sống ở Nauy, quan hệ với người đồng hương cũng như với báo chí sách vở Việt Nam bên đó bị hạn chế vì những lý do khách quan, và do chiến tranh đã tạo ra. Khi tôi đầy năm mươi tuổi - thấy sức sống của tuổi trung niên sao mà mạnh mẽ thế, đã có vốn nghề nghiệp, vốn kinh nghiệm, động đến việc gì gần như được việc đó, tôi nghĩ rằng đây là đỉnh cao rồi, từ nay là đồng bằng, cứ đi thẳng, không cần và chắc cũng không còn sức để trèo dốc nữa mà chỉ chờ một ngày nào đó bắt đầu xuống thang. Khi đến tuổi sáu mươi - nhiều người cho đây là thời gian rất mờ ảo, không biết vẫn nên nhìn về tương lai hay là đến lúc nghỉ ngơi, ôn lại quá khứ? Với tôi, một phần của tuổi năm mươi và những năm của sáu mươi lại là những năm đặt đỉnh cao nhất, đa dạng nhất, phong phú nhất không chỉ về nghề nghiệp mà một phần không ít thuộc về tâm linh và ngôn ngữ của tôi được dần dần hồi trở lại với Cố hương sau gần nửa thế kỷ xa Việt Nam mà trong thời gian đó có những nguồn tình cảm, tư duy của gốc rễ đã bị lùi vào quá khứ, vào quên lãng bởi khoảng cách, thời gian và cuộc sống bận rộn, ồ ạt của hiện thực hàng ngày với gia đình, với nghề nghiệp.

 

 

Chị Lệ Tân Sitek cùng 2 độc giả mến mộ tại đại học Almamer tai Warszawa, Ba Lan.

 

Lệ Tân Sitek còn là tác giả quen thuộc trên các báo Việt Nam từ 1995 đến nay về mỹ thuật Việt Nam. Vốn là một kiến trúc sư chuyển sang cầm bút từ ngày nghỉ hưu và có một bộ sưu tập tranh rất phong phú, những bài viết của bà là đóng góp rất giá trị cho công trình xây dựng bản sắc Việt đương đại./.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2288
Ngày đăng: 08.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bộ sách phi thường - Lý Đợi
Khoảng cách vô hình - Đinh Lê Na
Đọc “Lang Thang Cố Xứ” Thấy Sông Quê Đang Chảy… - Nguyễn Tam Phù Sa
Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan - Nguyễn Duy
Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam - Đoàn Xuân Kiên
Không Có Gì Trôi Đi Mất - Trần Trung Sáng
Người ở lại Hồng Kông - Lê Hải*
Từ thế-giới-tôi đến với thế-giới-bạn - Trần Hữu Dũng
Làng báo Việt ở Sài Gòn giai đoạn 1916-1930 - Lê Hải*
Ta Lại Lên Đường Ca Hát Và Thơ… - Võ Quê
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)