Chương Năm
"Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta
Trước 1960, trên quê hương Việt Nam, làm gì có hệ thống truyền hình hay là những đại lộ thông tin vi tính như ngày hôm nay. Cha ông chúng ta, nhất là vào các triều đại Lý, Trần và Lê dùng những câu chuyện cổ tích, thần thoại nhằm thông đạt cho con cháu và các thế hệ về sau những cách sống làm người, những phương thức phục vụ anh chị em bà con thôn xóm. Mỗi câu chuyện nói được là một giáo trình cô đọng và gói ghém những bài học về giáo dục, sư phạm và tâm lý... còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Câu chuyện "Tấm - Cám" là một minh hoạ rõ ràng và súc tích, cho chúng ta nhận thấy một cách cụ thể : Cha ông chúng ta đã có những kiến thức vững vàng về Phân tâm học, hằng bốn năm thế kỷ, trước khi khoa học nầy ra đời vào đầu thập niên 1900, với những công trình nghiên cứu và sáng tác của Bác sĩ tâm thần S. Freud.
***
1. Gần như ai ai trong chúng ta cũng đã biết ít nhiều về câu chuyện "Tấm - Cám", từ những ngày bé thơ, đêm đêm nằm nghe mẹ kể chuyện, trước khi đi vào giấc ngủ thần tiên. Sau đây tôi chỉ nhắc lại một đôi điều nồng cốt:
Tấm là cô gái mồ côi mẹ, từ khi lên mười tuổi. Sau ngày mãn tang vợ, cha của cô đã tục huyền. Ông có ý định tìm cho con một người mẹ kế, ngày đêm săn sóc lo lắng cho con. Bà này đã goá chồng từ lâu. Bà cũng có một đứa con gái mang tên là Cám.
Người Cha hy vọng: Tấm và Cám ở vào lứa tuổi giống nhau, sẽ trở thành như hai chị em ruột thịt, biết thương yêu đùm bọc và nâng đỡ lẫn nhau, khi ở nhà cũng như lúc ra ngoài xã hội. Khi làm việc cũng như lúc vui đùa giải trí...
Thực tế trong cuộc sống hằng ngày đã chứng minh ngược lại : bà mẹ kế chỉ là một bà dì ghẻ tàn nhẫn độc ác và lạnh lùng. Bà tìm mọi cách để hành hạ Tấm, nhất là khi người cha chẳng bao lâu, sau ngày tái giá, đã lâm bệnh và qua đời một cách quá bất ngờ. Suốt ngày từ sáng cho tới khuya, Tấm không bao giờ có một đôi phút nghỉ ngơi và rảnh rỗi. Bà dì ghẻ trao cho nàng nhiều công việc phải làm ở trong nhà cũng như ngoài đồng áng. Nếu không hoàn tất bổn phận đúng ngày giờ được ấn định, Tấm phải bị la mắng, chưởi bới và roi đòn một cách bất nhân và thậm tệ.
Đang khi ấy, Cám chỉ chạy chơi loanh quanh. Nàng không bao giờ đụng tay vào một công việc nhỏ nhặt. Thêm vào đó, nàng còn hùa theo mẹ, để sai khiến chị giặt áo quần. Hay là đi gánh nước cho mình tắm gội.
Mặc dù vậy, Tấm vẫn thương dì và thương em. Theo lối suy tư và cảm thức của nàng, họ là những người được ba chọn, để có mặt với mình trong lòng cuộc đời.
Tấm luôn luôn tìm cách an ủi, dỗ dành chính mình : dù thế nào chăng nữa, họ đói mình đói. Họ lành mình lành. Họ no mình no. Trước lúc tục huyền và khi lâm chung, phải chăng ba đã an ủi và căn dặn mình như vậy ? Khi yêu thương và lắng nghe họ, ở một tầm độ nào đó mình đã yêu thương chính ba, mặc dù ba là mặt trời và họ chỉ là đêm đen trên mọi nẻo đường xuôi ngược.
Nói thì nói như vậy, nhưng lắm lúc Tấm đã gần như tuyệt vọng. Nàng có cảm tưởng như mình chỉ là "con kiến đen, trên tảng đá đen, nằm giữa đêm đen" không biết đâu là con đường dẫn tới ánh sáng của bình minh rạng rỡ.
Hẳn thực, hôm ấy Tấm được dì bảo đi ra đồng bắt cá, đem về làm đám giỗ cho ba. Lần nầy Cám cũng đi theo để cùng bắt cá với chị. Ngờ đâu, ra tận nơi Cám chỉ ngồi chơi trên bờ ruộng. Tấm mãi lặn lội bùn sâu. Áo quần lấm lem. Mặt mày nhem nhuốc. Cũng nhờ cực nhọc như vậy, nàng mới bắt được một giỏ cá đầy. Trước lúc về nhà, nàng xuống bờ sông tắm rửa. Lợi dụng cơ hội, Cám lấy giỏ cá đầy của chị sang qua giỏ của mình và vội vàng chạy về nhà khoe với mẹ về kết quả lao động của mình.
Theo câu chuyện, nếu hôm ấy không có Bụt hiện ra, chắc hẳn Tấm đã nghe theo tiếng gọi của biển cả, "trầm mình xuống dòng sông đi về về Nơi Vô Định".
Bụt còn hiện ra với Tấm trong nhiều lần khác, mỗi khi Tấm phải đương đầu với lòng người nham hiểm, trước những trớ trêu trong lòng cuộc đời.
Lần cuối cùng cũng nhờ Bụt sáng soi can thiệp, Tấm đã tìm ra được áo quần và những đồ trang sức, đi lên Thành đô, nhằm ngày mở hội của Nhà Vua để chọn người làm Hoàng hậu. Kết quả bất ngờ đã xảy ra : chính Tấm được chọn làm Hoàng hậu để giúp nhà Vua làm đại phụ mẫu của người dân, nhất là cho những ai nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp trong lòng của đất nước và nhân loại.
2. Câu chuyện đã chấm dứt một cách đột ngột ở giữa chừng, nhường chỗ cho mỗi người tự do hình dung và sáng tạo tuỳ nghi những giai đoạn kế tiếp. Theo Phân tâm học của Freud, câu chuyện cổ tích nào cũng thường được xây dựng và trình bày giống như một giấc mơ.
Sau khi lắng nghe, mỗi người trong chúng ta tự do tha hồ nêu lên cho chính mình rất nhiều câu hỏi và thắc mắc. Đồng thời, mỗi người cũng khám phá những lối giải quyết tuỳ hoàn cảnh riêng tư. Họ dựa vào những kinh nghiệm vui buồn mà mình đã gặt hái. Họ nương theo những tâm trạng hạnh phúc, khổ đau, thương nhớ, trăn trở mà mình đang kinh qua trong giây phút hiện tại. Mỗi người tự bày vẽ, sửa đổi, hoạ rồng, thêm rắn tuỳ sở thích. Sau đó, người khác tiếp nối câu chuyện, gọt đẽo vài chi tiết. Cắt xén bớt những rườm rà, phụ thuộc. Điều quan trọng đối với tôi chưa hẳn là nội dung thiết yếu đối với bạn bè. Phụ nữ ghi nhớ những đoạn trường éo le. Trẻ em kể lại những hoàn cảnh cụ thể của đời mình, để bổ túc và kiện toàn cho câu chuyện. Và cứ như vậy, từng từng thế hệ nối đuôi nhau ngày ngày đóng góp, thay đổi, làm mới. Phong phú hoá hay là biến thành hiện thực những ý tưởng của cha ông tổ tiên. Cơ hồ nhiều hạt mưa họp nhau lại làm thành con suối. Dòng nước lượn quanh, từ những trái núi nầy đến những hang động khác. Cũng nhờ vậy, càng ngày càng lớn rộng ra. Dòng suối róc rách ngày xưa, bây giờ biến thành một con sông cuồn cuộn chảy băng qua các thôn xóm và thành thị. Cuối cùng nó hòa mình vào biển cả mênh mông.
Trong lối nói có vẻ cao kỳ và chuyên môn của Phân tâm học, khi chúng ta đóng góp phần mình vào câu chuyện cổ tích, bằng cách lắng nghe, kể lại, chuyển biến, sáng tạo, đổi mới, chúng ta đang làm công việc mang tên là thuyên giải, hay là Deutung trong tiếng Đức và Interprétation trong tiếng Pháp.
3. Tôi cần cả một cuốn sách dày 300 trang, mới có thể tát cạn nghĩa là liệt kê những động tác cần thực hiện, khi chúng ta Thuyên giải.
Ở đây tôi xin trình bày một vài đường hướng thiết yếu mà thôi.
Trước hết, thuyên giải là đóng góp phần tích cực của mình, để sáng soi những câu hỏi do chuyện cổ tích nêu ra.
- Phải chăng tôi đang làm bà dì ghẻ cho một ai đó, trong lòng cuộc đời và trên từng mảnh đất của quê hương ?
- Có chăng những bà dì ghẻ biết sống tình mẹ hiền hay là từ mẫu, cho đứa con của một người khác, không do chính mình mang nặng đẻ đau?
- Đối với con cái ruột thịt của tôi, phải chăng tôi đang có thái độ cha ghẻ hay mẹ ghẻ, ở một phương diện nào đó, khi tôi nói và dạy dỗ ? Có bao giờ tôi biết lắng nghe tiếng nói của chính mình, để rà soát lại bao nhiêu điều còn rất ghẻ, khi tôi tiếp xúc với con cái hay là anh chị em đồng bào của tôi ?
- Một loạt câu hỏi thứ hai có liên quan đến hai nhân vật Tấm và Cám. Hẳn thực, trong lòng cuộc đời cũng như trong câu chuyện cổ tích, dù khi nghe hay lúc phát biểu, chúng ta thường có xu thế nhị nguyên. Không ít thì nhiều, mỗi người bị cám dỗ phân chia anh chị em đồng bào của mình thành hai phe : một bên mang tên là Tấm, phe kia bị gắn nhãn hiệu là Cám. Chúng ta thương Tấm và có ác cảm với Cám, vì cô nầy ác độc, gian lận, thiếu tư cách, không có tư duy độc lập, chỉ a tùng theo lý kẻ mạnh. Và khi có lập trường tư tưởng như vậy rồi, tự khắc không cần suy nghĩ đắn đo dài dòng, chúng ta ủng hộ phe Tấm và loại trừ những ai đứng về phía của Cám.
4. Chính vì thế, khi thuyên giải thái độ và nếp sống của người đối diện, Phân tâm học đề nghị chúng ta đặt lại câu hỏi như sau:
- Tôi về phe của Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình tỉnh thức nhận ra rằng : tôi cũng là Cám, ở một góc độ nào đó, trong cuộc sống thường ngày ? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi ? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần Tốt, mặt Sáng. Đồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt kẻ khác phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như vậy, xã hội quê hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí.
Đảm nhận mình một cách thành thực và can đảm, với mọi bộ mặt tốt và xấu, sáng và đen, phải chăng đó là bước đầu tiên cần bước tới, nhằm thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời ?
Theo giáo lý của Thánh Phaolô, "ở đâu tội lỗi tràn trề, ở đó ân sủng thứ tha cũng chứa chan bát ngát". Tội lỗi mà Ngài muốn nói tới là tội lỗi được chúng ta nhận diện và đối diện. Được can trường thú nhận. Không ém nhẹm, che giấu. Chúng ta cần đấm ngực và sám hối. Thay vì mang mặt nạ hay là có bộ mặt mồ mả tô vôi.
5. Sở dĩ tôi phải đảm nhiệm, hội nhập và chuyển hoá mọi thành phần làm nên con người muôn màu muôn sắc trong bản thân tôi, là vì theo lối nói của văn sĩ Paulo Cuelho, tôi là người "luyện vàng". Ơn gọi của tôi là chuyển biến tất cả những gì là quặng sản, đồng chì, sắt thép, trong bản thân tôi, thành Vàng nguyên chất. Đó là giấc mơ đẹp nhất trong tất cả mọi giấc mơ. Thêm vào đó, khi tôi nuôi ẵm vun tưới trông nom một giấc mơ kỳ vĩ và trọng đại như vậy, trong thâm sâu của cõi lòng, toàn thể vũ trụ trăng sao, côn trùng chim chóc, hoa lá cát sạn... tất cả đều là đồng minh có khả năng đóng góp phần mình, để giúp tôi :
« Mỗi ngày từng bước, biến Không thành Có,
« Hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ. »
Chính Tấm là một con người có tầm cỡ như thế. Hẳn thực, ngày ngày Nàng đã luyện vàng
- Mất tất cả phần cá mà mình đã góp nhặt, suốt một ngày lặn lội lam lũ, nàng chỉ giữ lại được một con cá bé nhỏ. Tuy vậy, ngày ngày nàng cho nó ăn. Nó trở nên người bạn tri kỷ sớm hôm. Nhờ sự hiện diện của nó, Tấm đã vượt qua được mọi thăng trầm chìm nổi trong cuộc đời.
- Khi con cá ấy bị giết làm thịt, trong khi nàng vắng nhà, Tấm vẫn không đánh mất tất cả. Bộ xương là "phần còn sót lại" được nàng trân quí và cất giữ cẩn thận. Chính nhờ nó, nàng đã tìm ra áo quần, khăn mũ, giày dép và đồ trang sức, để đi lên Thành đô, dự ngày lễ hội do nhà Vua tổ chức.
- Khi bổn phận tách lúa khỏi thùng gạo quá lớn lao và nặng nề, Tấm chỉ đi ra trước sân, nhìn lên và gọi mời, tự khắc từng đám mây đen, làm bằng chim trời sà cánh xuống, cuống quít vui mừng và tiếp tay cho nàng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.
Theo câu chuyện cổ tích - được hình thành trong những triều đại thấm đậm màu sắc văn hoá do ba tôn giáo Phật, Khổng và Lão kết dệt - mỗi lần Tấm gặp khó khăn, luôn luôn có Bụt hiện hình. Nói đúng hơn, chính lúc ấy Tấm trở thành Bụt. Mắt nàng sáng lên, thấy được những điều phải làm. Biết tìm ở đâu những dụng cụ cần thiết, cho cuộc hành trình kết hợp với Nhà Vua để làm Đại phụ mẫu, trong lòng quê hương đất nước. Bụt hiện hình, theo giáo lý của Phật giáo, không phải là một Đấng ở trên hay ở ngoài. Trái lại, khi tâm hồn của Tấm tràn đầy yêu thương, thứ tha và hy vọng, Tấm chính là Đức Bụt. Tấm trở thành Bụt Quan Thế Âm, có trăm con mắt để thấy. Có trăm cánh tay để làm. Có trăm đôi chân để đi gieo vãi Tình Thương, ở bốn phương trời của quê hương và nhân loại.
6. Theo lối nói của Kinh Thánh trong Kitô giáo, khi ai tràn đầy Tình thương và Tha thứ, giống như Tấm đối với mẹ kế và đứa em, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Chọn cung lòng họ làm Đền thờ. Giống như một hôm nào, Ngài đã ngự xuống trên Người Con Gái Xion là Maria. Nhờ đó, Bà đã làm được những điều kỳ vĩ, trọng đại trong lòng cuộc đời. Cũng theo giáo lý của Thánh Phaolô, khi được tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta trở thành Cung đền của Thiên Chúa. Ngài ở giữa chúng ta. Ngài chia sẻ mọi ngọt bùi đắng cay với chúng ta. Và cái gì của chúng ta cũng là của Ngài, ngoại trừ tội lỗi. Gia tài của Ngài cũng là của chúng ta. Một cách nào đó, chúng ta "làm Chúa" với Ngài. Nhờ Ngài. Giống như Ngài.
Giữa Tấm và người Cha của Tấm, cũng có một quan hệ tương tự. Trong câu chuyện cổ tích, người cha đã lâm bệnh và qua đời. Nhưng trong tâm hồn cũa Tấm, Người Cha vẫn luôn luôn có mặt. Lời của Cha vẫn còn là con đường tất yếu mà Tấm đang đi. Và ngày ngày phải đi như một qui luật tự nhiên và cần thiết. Người mà cha đã yêu thương chọn lựa, Tấm vẫn chọn lựa và yêu thương. Nếu họ còn mang trong mình nhiều tồn tại, Tấm chỉ có một thái độ là thứ tha vô điều kiện. Khi có khả năng thứ tha như vậy, Tấm trở nên vĩ đại và bao la.
Nói cách khác, với ngôn ngữ của Phân tâm học, con đường tất yếu, còn được Freud gọi là Ananké, làm bằng chất liệu yêu thương và thứ tha, đối với những ai cố quyết làm người. Ai đi con đường nầy, trong lòng quê hương và nhân loại, người ấy đang mang trong mình dòng máu của chính Thiên Chúa. Ngài cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha: "Áp-ba, Cha ơi". Ngài là Nơi Xuất Phát. Đồng thời, Ngài cũng là Điểm Hẹn cuối cùng cho những ai ngày ngày đánh sáng Đức Sáng Làm Người của mình, như sách Đại học đã dạy :
"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện", có nghĩa là : Khoa học của con người trọng đại là luôn luôn đánh sáng cái đức chói sáng nằm sẵn trong mình.
Đánh sáng như vậy là đổi mới bản thân và cuộc đời của mình. Từ đó, người ấy có khả năng đổi mới mọi người. Đó là đích điểm tốt đẹp nhất, cần hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Không đi con đường tất yếu ấy, là Thứ Tha và Yêu Thương, chúng ta sẽ trầm luân vào một ngõ cụt. Đó là Thanatos có nghĩa là hận thù, chiến tranh, tử vong và hoại diệt.
Vậy hởi bạn, hỡi em, chúng ta hãy chọn con đường nào, mỗi lần có nguy cơ tranh chấp và xung đột giữa chúng ta và anh chị em đồng bào, đồng loại ?
Chương Sáu
« Thằng Bờm » trong cõi lòng
của Người Việt Nam
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu.
Phú Ông xin đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè.
Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim.
Phú Ông xin đổi đôi chim đồi mồi,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi.
Phú Ông xin đổi vắt xôi, Bờm cười.
***
Để lãnh hội thể thức Tổ tiên và Cha ông chúng ta, qua bài ca dao « Thằng Bờm », đã am tường thế nào về bản sắc và lòng tự tin của con người Việt Nam, trong chương nầy, tôi xin phác họa một vài nhận xét thô thiển về tâm lý của nhân vật lạ lùng và kỳ diệu nầy.
Thứ nhất, tên cậu bé là gì ? Bài ca dao không nói tới. Và theo tôi, có lẽ trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày, không mấy người tìm cách gọi tên cậu cho đúng đắn làm gì.
Xuyên qua nhãn hiệu « Thằng Bờm », ai ai cũng có thể nhận ra : đó là một đứa con trai, còn mang trên đầu cái bờm tóc, giống như ngàn vạn trẻ em Việt Nam khác. Ngoài phái tính của mình, được mọi người qua lại nhìn thấy, vì chưa được che giấu một cách kỹ càng, theo những kỹ cương của xã hội, cậu con trai nầy chắc hẳn còn ở trong một vị trí « vô danh tiểu tốt ». Cậu chưa thể có một chức vị, hay giá trị xã hội nào, khả dĩ đòi hỏi mọi người trong khóm phường phải cất mủ cúi chào, hay là xưng hô theo đúng lễ nghĩa thưa, dạ, xin vâng...
Xuyên qua những tục lệ ăn nói, xưng hô của người Việt Nam, một cách đặc biệt vào những cơ hội chính thức như kỵ giỗ, đám đình, liên hoan... gọi ai là « thằng » có nghĩa là khinh thị, coi thường người ấy. Thằng ấy là « đồ » ăn trộm, ăn cướp, mất dạy, vô lương tâm.
Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, trong ngữ cảnh hoặc mạch văn của bài ca dao nầy, « Thằng Bờm » chưa làm gì tai tiếng về mặt luân thường đạo lý, để bị khinh chê và đánh giá một cách tồi tệ như vậy. « Thằng » ở đây chỉ muốn xác định rằng : hắn chỉ là thằng con trai, trên dưới chừng mười tuổi, chưa có kiến thức gì bao nhiêu, đang ngày ngày chạy chơi loanh quanh đầu làng, xó chợ. Có nhiều khi, hắn còn ở thể trạng « trống không, trần truồng », nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong những lúc như vậy, hắn chỉ có vỏn vẹn một chiếc mũ trên đầu, để che nắng, tránh cảm cúm. Đương khi đó, đáng lý, nó cần có những mảnh vải khác, để che đậy những « chỗ » cần che đậy một cách kín đáo hơn.
Thứ hai, Thằng Bờm đã làm được gì, về mặt làm người ?
Theo bài ca dao, chắc hẳn nó đã có khả năng tiếp cận những phương tiện như dao và kéo. Nó đã được cha mẹ cho phép sử dụng những đồ dùng nguy hiểm nầy.
Tuy nhiên, vì « chơi dao có ngày đứt tay », cho nên Thằng Bờm không chơi dao. Nó biết dùng dao, cắt mo cau làm quạt, vào những ngày hè oi bức, khó chịu. Cụm từ « Thằng Bờm có cái quạt mo » cho chúng ta nhận biết rằng : hắn đã có khả năng làm chủ thể, tuy dù còn rất hạn chế. Chính nó là tác giả đã làm nên chiếc quạt mo. Hẳn thực, nếu ai khác đã làm cho nó, nó không thể hãnh diện và tự hào về sở hữu do mình làm ra như vậy. Của do mình làm ra mới có khả năng xác định giá trị đích thực của Thằng Bờm.
Thứ ba, ở giữa môi trường khóm phường và xã hội, Thằng Bờm chưa thể nào đảm nhiệm những vai trò quan trọng.
Thế nhưng, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi, giữa nó với « Phú Ông » :
« Nực cười, châu chấu đá voi,
« Tưởng rằng chấu ngã, ai dè voi nghiêng ».
Hẳn thực, trước mặt của Phú Ông, mọi người lớn bé đều có thái độ cung kính, cất nón cất mũ, để cúi chào. Khi có chuyện cần vay mượn, hỏi han... người bình dân thường phải đến tận nhà, để chờ đợi được tiếp kiến. Thông thường, trong các làng mạc Việt Nam, tuy dù không đảm nhận những chức vụ chính thức, Phú Ông vẫn luôn luôn có chức vị, trong những nơi công cộng, như đình, chùa, lăng, miếu, hoặc trên các con đường cái quan, nơi qua lại của mọi người.
Thế mà ở đây, với Thằng Bờm, Phú Ông đã có thái độ và tác phong « xin đổi ». Quan hệ hàng ngang và quan hệ qua lại hai chiều ấy diễn tả tầm quan trọng và vị trí bề thế của cậu con trai đang làm chủ nhân của cái quạt mo. Không còn bị khinh khi, coi thường, Thằng Bờm đã trở nên một chủ thể trao đổi, một đối nhân có lời ăn, tiếng nói ngang hàng với Phú Ông, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt.
Thứ bốn, trong thể thức trao đổi qua lại hai chiều, Thằng Bờm càng tỏ ra là một « con người » đích thực, đứng đắn. Khi trao đổi, Bờm không còn được gọi là « Thằng ». Nó trở nên một « chủ thể, có nhân cách vững mạnh, với những giá trị tự lập và tự do. Trên bình diện ý thức, nó bày tỏ ra ngoài một cách tự nhiên, những khả năng « biết mình, biết người » : Tôi có thể CHO cái gì. Và ngược lại, tôi muốn NHẬN cái gì. Nói khác đi, trong quan hệ tiếp xúc và thông đạt, Bờm vừa biết lắng nghe Tình. Vừa biết coi trọng Lý.
Ngoài ra, khả năng từ chối, được lặp đi lặp lại bốn lần « Bờm rằng Bờm chẳng... », khẳng định một cách rõ nét, ý chí tự quyết và tư cách « tri túc » của cậu con trai nầy. Trước tài sản, lương thực, nhà cửa và thú vui, được biểu hiện trong bốn hình tượng, là « trâu bò, cá mè, gỗ lim và chim đồi mồi », thái độ kiên định của Bờm là « VÔ TRƯỚC », có nghĩa là không tham lam, ham hố, choáng váng và loạn động, trước những hào nhoáng lòe loẹt bên ngoài của vật chất và giàu sang.
Bờm không đuổi bắt những nhu cầu giả tạo. Thái độ vô trước cho phép Bờm có khả năng buông xả hoàn toàn, chỉ bám trụ vào chính giây phút hiện tại « ở đây và bây giờ » mà thôi.
Chọn lựa cơ bản của Bờm là đời sống Hạnh Phúc và An Lạc, được diễn tả trong Nụ Cười của Bồ Tát Di Lạc. Không một ai, không điều gì, không một trở ngại nào... có thể làm khô héo đóa hoa nụ cười tươi mát ấy.
Để trao đổi chiếc quạt mo của mình, Bờm chỉ chọn lựa một vắt xôi mà thôi.
Nhưng vắt xôi có một sức nặng như thế nào, so với ba bò chín trâu, một lực lượng sản xuất rất to lớn ?
Một xâu cá mè có thể nuôi sống, hằng tuần hằng tháng, một khẩu phần ở thôn quê.
Một bè gỗ lim có giá trị tương đương với một căn nhà khang trang, kiên cố.
Đôi chim đồi mồi có thể tạo nên những thú vui, trong địa hạt săn bắn, tiêu khiển.
Về mặt vật chất và tiện nghi xã hội, vắt xôi không có giá trị ngang bằng bốn tư liệu trên đây. Thế nhưng, những sản phẩm ấy có thể mang đến được cho Bờm, một vài phút giây làm Bồ Tát Di Lạc không ?
Trên bình diện khôn ngoan thông thường hay là trong địa hạt hoàn toàn duy lý, thái độ chọn lựa của Bờm có lẽ sẽ bị rất nhiều người trong chúng ta chê cười, phê phán, đánh giá là ngu dại, ngây ngô, « ăn chưa no lo chưa tới ».
Tuy nhiên, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, bài học của Bờm đáng được tất cả chúng ta lưu tâm và ghi nhận một cách đứng đắn. Quan hệ chỉ thành tựu một cách hài hòa, tốt đẹp và lâu bền, khi hai đối nhân trao đổi không tìm cách thủ lợi, kéo phần thắng về mình, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài có thể cung ứng những điều kiện thuận lợi, cho phép thực hiện những ý đồ ấy.
Trước sau như một, trong suốt tiến trình trao đổi, tiếp xúc qua lại, Bờm không chơi trò KHÔN DẠI. Bờm không lợi dụng và lạm dụng kẽ hở, chỗ sơ ý của đối phương, hay là thể thức đánh giá sai lầm của họ, vì bất cứ lý do gì. Một cách đơn phương, Bờm tôn trọng cán cân thăng bằng, giữa cho và nhận, trong lề lối xử thế và trao đổi. Một cách sáng suốt và với lập trường kiên định, Bờm đã biết chọn lựa đối tượng khả dĩ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mình. Duy vắt xôi mới có giá trị tương đương cân bằng với cái quạt mo, do chính tay Bờm làm ra.
Trong cách chọn lựa và quyết định của Bờm, nếu chúng ta không đua đòi phương thức duy lý cực đoan, do Descartes chủ trương và khởi xướng, chúng ta sẽ mở mắt bừng sáng, nhận ra sức mạnh nội tâm của một con người khôn ngoan, vừa có tình, vừa có lý. Có tình, vì Bờm đã toát ra chất người đích thực, trong cách cư xử, đãi ngộ và tiếp xúc với một con người, có « chất người » giống như mình. Có lý, vì Bờm đã có thái độ rõ ràng, sáng suốt về nhu cầu và nguyện vọng của mình. Trong quan hệ với Phú Ông, nguyện vọng ấy được ghi nhận, lắng nghe, đáp ứng và thỏa mãn.
Kết quả cuối cùng là Phú Ông vẫn tiếp tục làm phú ông. Vẫn giàu có và được tôn trọng, trong phường khóm. Không một ai, không vì một lý do gì, có thể gọi Phú Ông là thằng. Khi tiếp xúc với Bờm, Phú Ông không thua cuộc, trong một ván cờ rủi may được và mất, hơn và thua.
Cái thay đổi lớn lao và kỳ vĩ đã xảy ra trong con người của Bờm : đó là thái độ « Bờm cười ». Hạnh phúc là gia tài và gia sản trên con đường tìm kiếm của Bờm. Gia sản nầy còn quan trọng và quí hóa gấp bội lần, so với tình trạng giàu sang, phú quí vật chất.
Thêm vào đó, sau lần tiếp xúc và trao đổi với Phú Ông, Bờm có một căn cước mới. Bờm trở thành một tên tuổi bất diệt, trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ một ông già, bà lão đến một em bé vừa tròm trèm, thỏ thẻ học nói tiếng Mẹ Đẻ, ai ai cũng ghi lòng tạc dạ về bài Ca Dao bất diệt và bất hủ nầy. Chính Bờm đã trở nên một người anh em rất thân thương và bất tử, trong lòng Đất Nước Việt Nam, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau.
***
Ai là tác giả của bài ca dao « Thằng Bờm » nầy ?
Chúng ta không thể và không cần biết tên tuổi. Tác giả là Tổ Tiên, Cha Ông chúng ta, từ đời Lý, đời Trần. Có khi còn sớm hơn.
Tổ Tiên, Cha Ông, qua bài ca dao vắn gọn, với mười câu thơ lục bát, đã trối trăng lại một hình tượng « Người Việt Nam », cho con cái, cháu chắt và hâu thế, từ đời nầy qua đời khác. « Thằng Bờm » đã mặc khải và thể hiện mình như một con người, có ý thức rất tinh vi, bén nhạy và sáng suốt về bản thân mình cũng như về người anh chị em đồng bào, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.
Căn cước đích thực của BỜM bao gồm những điểm chính yếu sau đây :
1- « Thằng Bờm » có khả năng từ chối, nói « Không », để khẳng quyết bản sắc khác biệt của mình : Tôi khác và tôi có quyền khác, đối với những người đang tiếp xúc với tôi.
2- « Thằng Bờm » không một lần chơi trò làm con kỳ nhông, uốn mình và luồn cúi, theo màu sắc của người đối diện, mặc dù người ấy là Phú Ông, có tiền tài, địa vị và chức tước. Và nhất là khi Phú Ông tỏ ra đại lượng, muốn bao che, ban phát, viện trợ và cứu vãn, với những chiêu bài « bổn phận quốc tế, tình anh em bốn biển một nhà, nhân nghĩa đại đồng vô biên cương ». Trước sức quyến rũ của Phú Ông, mặc dù rất chân thành, « Thằng Bờm » không đánh mất bản sắc của mình. Bờm biết từ chối. Bờm có nội lực, để nói Không. Bờm có khả năng đánh giá và chọn lựa, tùy vào những chuẩn mực thích ứng với thực tế của Quê Hương và anh chị em đồng bào.
3- « Thằng Bờm » có ý thức rõ ràng và trong sáng về thực chất và thực hữu của mình. Khi tiếp xúc, Bờm có khả năng trả lời cho người đối diện : Tôi là ai ? Tôi biết làm gì ? Tôi có thể cho gì ? Tôi muốn nhận lại điều nào ? Giới hạn mà người khác không thể vượt qua, bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể và khách quan nào, khi trao đổi với tôi ?
4- Mặc dù bị gọi là « thằng », mang tên là « Bờm », « Thằng Bờm » vẫn an nhiên, tự tại. Không quan trọng hóa. Không cường điệu một vài chi tiết nhỏ nhặt, trong lời nói của đối nhân. Đàng khác, Bờm không bị kích thích như một đối vật, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh. Một vài từ ngữ, nhãn hiệu, cho dù có vẻ khiêu khích, thách thức... không làm cho Bờm động tâm, nổi sóng gió, bị ngụp lặn trong những xúc động tức tối, giận hờn.
5- « Thằng Bờm » không đuổi bắt, một cách vô vọng, những gì thoát khỏi khả lực hiện thực của mình. Trái lại, Bờm hãnh diện và bằng lòng về kết quả, do chính bàn tay mình tạo nên. « Tri túc » như vậy có nghĩa là biết mình cần gì, thấy mình giàu có ở những địa hạt nào, có khả năng dừng lại ở một biên giới nào...
6- « Thằng Bờm » không dùng dao, để chơi trò bạo động, xung đột, hận thù, chiến tranh. Đó là những trò chơi « có ngày đứt tay », nghĩa là trở lại gây tang tóc cho da thịt, anh chị em đồng bào của mình, sau khi thành đạt « những chiến công oanh liệt, tiêu diệt và uống máu quân thù ».
Hẳn thực, quen thói chém giết, chúng ta có thể trở nên những tên đồ tể, đào hầm chôn sống người anh chị em, như Trần Thủ Độ đã làm với tôn thất Nhà Họ Lý.
Thay vào đó, « Thằng Bờm » biết dùng dao, để sáng tạo, biến mo cau thành quạt mát cho mình và cho anh chị em hai bên cạnh. Sáng tạo như vậy là « Biến Không thành Có ». Biến bản thân mình còn tầm thường như mo cau, thành dụng cụ tạo khí mát, cho người đồng hương, đồng loại.
Nói khác đi, « Thằng Bờm » là hình tượng của mỗi người Việt Nam, luôn luôn ý thức mình là « con Rồng, cháu Tiên », mang hai dòng máu Trời và Biển, trong quả tim của mình.
Cho nên, động lực thúc đẩy mỗi người Việt Nam đi tới, vượt qua mọi chướng ngại, là sứ điệp « trở thành Gió » :
« Tôi muốn hóa thân thành Gió, thổi ào ạt khắp Non Sông. Dập tắt những ngọn lửa nồng của Chiến Tranh, Hận Thù và Thiên Kiến.
« Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang hơi mát cho mọi anh chị em Đồng Bào. Không phân biệt giàu nghèo. Không kỳ thị tôn giáo. Không chia rẽ Bắc Trung Nam.
« Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang an lạc cho lòng người đau khổ. Mang ủi an cho tâm hồn cô quạnh. Mang đường đi cho những ai đang phân vân, rối loạn, trước những ngã ba đường của lịch sử. »
Gió đến từ Trời Xanh của Bà Âu Cơ. Gió thổi về, từ lòng Biển Khơi của Lạc Long Quân.
7- Sau cùng, trong quan hệ với Phú Ông, cho dù đó là người Pháp, người Mỹ, người Nga hay người Trung Quốc... « Thằng Bờm » không sụp lạy, ngửa tay xin trâu bò, súng ống và bom đạn.
Đằng khác, khi nguyện vọng của mình bị từ chối, Bờm cũng không gọi họ một cách xấc xược và hỗn láo, là Thằng Tây, Thằng Tàu, Thằng Mỹ hay là Thằng Nga. Chúng ta phát huy và nuôi dưỡng quan hệ hài hòa với mọi người xa cũng như gần, thân cũng như lạ. Khi họ cho, chúng ta nhận. Nhưng sau khi nhận, chúng ta cũng có khả năng cho lại những quà tặng tâm linh độc đáo, những nụ cười an lạc hồn nhiên, những vòng tay thân mật đón tiếp, những điệu nhạc thánh thiêng của một Đất Nước Thanh Bình và Đức Hạnh.
Nói tóm lại, « Thằng Bờm » có mặt trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Cậu bé đang đưa tay chỉ hướng, để mỗi người anh chị em của mình có khả năng tìm đường bước tới. Với tất cả niềm tự hào và tự tin, chúng ta hãy cùng nhau đi ra vùng Ánh Sáng, làm đẹp Quê Hương, xây dựng cuộc đời. Ngày ngày Đồng Hành với anh chị em, trên cả ba Miền của Đất Nước :
« Từng bước đi, đường Non Sông diệu vợi,
« Quyết ấn mạnh dấu chân con người mới,
« Lo băng bó vết thương còn lở lói,
« Gieo An Lạc vào lòng ai mòn mỏi,
« Ngày ngày cưu mang Biển Trời cao cả,
« Thổi Gió Mát, biến đời thành phép lạ ».
Chương Bảy
Đối Thoại, Bắc lại Nhịp Cầu
Hiểu Biết và Tình Thương
Cách đây trên dưới chừng mười năm, nhằm chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của Nghìn Năm Thứ Ba, con người khắp đó đây, trên nhiều diễn đàn quốc tế, đã tiếp nối nhau thắp sáng lên những giấc mơ trọng đại và kỳ hùng, có liên hệ đến ngày mai của nhân loại.
Trong giấc mơ thứ nhất, « ước chi rồi đây, súng ống bom đạn sẽ im hơi lặng tiếng một cách vĩnh viễn, trên mặt địa cầu ». Và con người sẽ ngồi lại, tôn trọng, lắng nghe, trao đổi với nhau về tất cả những tình huống khả dĩ gây ra chia rẽ, hận thù, trong cuộc sống hằng ngày.
Trong giấc mơ thứ hai, « ước chi không còn có những hố sâu thăm thẳm, đang phân chia người giàu và kẻ nghèo thành hai đường song song vạn kiếp, trong xã hội loài người ». Lẽ tất nhiên, nếu mai ngày giấc mơ nầy được thực hiện, người giàu vẫn tiếp tục làm giàu. Và trên từng xứ sở khắp năm châu, người nghèo vẫn còn có mặt, giống như ngày hôm nay. Tuy nhiên, thể theo giấc mơ nầy, người giàu sẽ biết sử dụng phần dư thừa của mình, để phục vụ, nâng đỡ, đùm bọc những anh chị em không có cơ may và khả năng kinh tài giống như mình. Trái lại, những anh chị em thuộc thành phần nghèo sẽ ý thức một cách sáng suốt rằng mình là những giá trị đích thực, có khả năng đóng góp phần tích cực và hữu hiệu, để xây dựng Hòa Bình và thăng tiến xã hội, cùng với bao nhiêu người khác. Hẳn thực, trong một cơ thể sinh động và lành mạnh, ai đang làm bộ óc, hãy tiếp tục làm bộ óc để phục vụ lợi ích chung. Ai đang làm bàn chân, họ cũng có quyền hãnh diện rằng : Không có bàn chân, con người không thể làm người, một cách trọn vẹn và đầy đủ. Chân và đầu bổ túc và kiện toàn cho nhau, thay vì loại trừ hoặc chống đối nhau.
Tuy nhiên cho đến bao giờ, những giấc mơ thiết thực và chính đáng ấy mới trở thành hiện thực, trong lòng nhân loại, và nhất là trong tâm tưởng của mỗi người ?
Trước Công nguyên, ước chừng trên dưới một ngàn năm, dân tộc Do Thái cũng đã ghi lại một giấc mơ diệu kỳ, trong sử sách của mình : « Cho sói và chiên con ở chung một chuồng, ngày ngày cùng chơi đùa với nhau như hai anh chị em một nhà ». Thế mà, mãi cho đến ngày hôm nay, dân tộc ấy vẫn chưa hưởng được một ngày thực sự hòa bình, trên quê hương của mình, thậm chí trong khu vực thuộc thủ đô thần thánh và linh thiêng mang tên là Giêrusalem. Chính ngày hôm nay, chó sói đang còn sát hại chiên con, một cách tàn ác và hung bạo. Và chiên con cũng đang tìm mọi cách, để tận diệt chó sói, với những phương tiện khủng bố sẵn có trong tầm tay vấy máu của mình. Con đường hận thù và chiến tranh đang còn chạy xuyên qua quả tim của từng người, phía bên nầy cũng như phía bên kia. Và nhiều thành phần còn lại chỉ biết đứng nhìn từ ngoài với đôi mắt bàng quan. Tệ hại hơn nữa, họ còn « thêm dầu vào lửa », bằng cách vỗ tay hoan hô, cổ võ bên này, hay là tố cáo, đá đảo bên kia.
Không cần nói về ai khác xa xôi, chúng ta hãy can đảm nhìn vào chính mình. Trong lòng Quê Hương Việt Nam, từ những ngày đầu tiên thuộc thời kỳ dựng Nước, tổ tiên, cha ông của chúng ta cũng đã cưu mang, nuôi dưỡng những giấc mơ lạ lùng và kỳ diệu, giống như những dân tộc khác, trên mặt địa cầu. Qua ca dao và tục ngữ, quí vị đã trối trăng lại những giấc mơ làm người, cho con cái và cháu chắt, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác :
« Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một Nước, hãy thương nhau cùng ».
« Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn ».
Ngoài ra, nhiều câu chuyện Huyền sử, được lưu truyền trong dân gian, nhắc nhở rằng : chúng ta tất cả đều là anh chị em đồng bào, được sinh ra từ một cha và một mẹ. Chúng ta cùng chia sẻ với nhau một bào thai, trong cung dạ của Bà Âu Cơ. Cha chúng ta là Rồng. Quê Hương và nguồn gốc của Người là Đại Dương bao la, hùng vĩ. Mẹ chúng ta là Tiên. Quê Hương và dòng máu của Mẹ là Bầu Trời trọng đại và cao cả.
Tuy nhiên, từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay, chúng ta chưa bao giờ thấm nhuần và hội nhập những bài học làm người ấy trong xương da và máu thịt của mình. Mặc dù đã phải trải qua bao nhiêu chu kỳ khổ đau trầm trọng, bao nhiêu tình huống « nát thịt xương rơi »... chúng ta vẫn cứ khư khư làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, chúng ta luôn luôn sắp hàng thành hai phe « Sơn Tinh và Thủy Tinh », để gieo rắc hận thù, chia rẽ và chiến tranh, trên từng mỗi tấc đất của Quê Hương.
Thay vì nhìn lui quá khứ để trách móc, ta thán, tố cáo người nầy, đổ lỗi cho người nọ, như chúng ta đã làm, thường làm và còn làm... nghĩa là suốt đời dẫm chân tại chỗ, trong vòng khổ đau chồng chất ê chề và dai dẳng... phải chăng ngày hôm nay đang là thời điểm thuận lợi, để chúng ta cùng nhau kết hợp lại, cố quyết thực hiện hai điều chủ yếu :
- Thứ nhất là can đảm khám phá nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng oái oăm, khốc liệt và khổ đau ấy.
- Thứ hai là sáng tạo con đường hướng tới ngày mai. Đó là con đường Hiểu biết và Tình thương, Đồng cảm và Đối thoại.
Tuy nhiên, Đối thoại thực sự là gì ?
Vì tương lai của con cháu, cũng như vì tiền đồ của Quê Hương, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thực thi những động tác cụ thể và tích cực nào, để những giấc mơ trọng đại của Tổ tiên có thể biến thành hiện thực sáng ngời, trong tầm tay của mỗi người trong chúng ta ?
Phần thứ nhất:
Tìm hiểu nguyên nhân phát sinh
những khổ đau trong lòng cuộc sống
Mỗi lần chúng ta đưa ra một ý kiến, bênh vực một lập trường, trình bày một quan điểm về chính trị hay là tôn giáo... trên mặt khoa học và nguyên tắc hành động, chúng ta cần phải đi qua ba giai đọan thiết yếu, trong lãnh vực tư duy và lý luận :
- Trong giai đoạn một, chúng ta quan sát và ghi nhận những dữ kiện cụ thể và khách quan.
Và khi chúng ta nêu lên một số tin tức hoặc sự kiện, xảy ra bên ngoài, chung quanh chúng ta như vậy, chúng ta cố quyết phản ảnh và trình bày những gì chính chúng ta thấy và nghe một cách trực tiếp và trung thực. Chúng ta không thêm, không bớt, không bóp méo hoặc xuyên tạc. Không lấy râu ông nọ, đặt cằm bà kia. Không vơ đũa cả nắm. Không có ít, xít ra cho nhiều. Không cường điệu, một cách ba hoa, vớ vẩn.
- Trong giai đoạn hai, chúng ta thuyên giải.
Sau khi đã thu lượm một số dữ kiện hoặc tin tức, chúng ta đưa ra ý kiến hay là quan điểm chủ quan của chúng ta. Công việc nầy còn mang tên là giả định, hay là đề xuất một giả thuyết. Theo lối nói thông thường được sử dụng, ngày hôm nay, trong môi trường văn hóa và khoa học, giai đoạn thứ hai nầy được gọi là THUYÊN GIẢI. Xuyên qua cách làm nầy, chúng ta khoác vào cho các sự việc đã xảy ra, một ý nghĩa, một hướng đi tới. Ý nghĩa nầy còn mang đầy tính cách chủ quan của người phát biểu, bao lâu chưa được kiểm chứng với nhiều sự kiện khác hay là do nhiều người khác góp ý và chia sẻ, bổ túc và kiện toàn, sửa sai và điều chỉnh.
- Trong giai đoạn thứ ba, chúng ta chắt lọc một kết luận, để gây ảnh hưởng hoặc tác động trên môi trường.
Sau khi đã kiểm nghiệm và chứng minh giả thuyết, chúng ta rút ra một kết luận, khẳng định một qui luật có tính thường hằng và bất biến, được mọi người chấp nhận, nếu họ đi lại cùng một tiến trình từ đầu chí cuối, giống như chúng ta. Chính kết luận nầy sẽ có khả năng điều hướng những chọn lựa và quyết định của chúng ta, trong lãnh vực hoạt động, hay là trong cách thức rút tỉa những bài học thực tế cho cuộc sống.
Tuy nhiên, ngoài lãnh vực thuộc về những khoa học chính xác, như toán, lý và hóa... chúng ta không bao giờ đạt được mức độ « sự thật chắc chắn một trăm phần trăm », trong những kết luận thông thường và hằng ngày của chúng ta. Một cách đặc biệt, trong địa hạt tiếp xúc và quan hệ giữa người với người, khi có một trăm người phát biểu, chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhận « một trăm ý kiến khác nhau ». Chẳng hạn, sau khi chứng kiến tận mắt một tai nạn xe hơi trên đường phố, ba chứng nhân sẽ đề xuất ba lời chứng khác nhau, có khi hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.
***
Mỗi lần đưa ra một ý kiến, về người anh chị em, trong nhiều lãnh vực khác nhau, như chính trị, tôn giáo hay là phương thức làm ăn... phải chăng chúng ta đã lưu tâm và cẩn trọng đến cả ba giai đoạn trên đây : khảo sát những sự kiện, kiểm chứng những giả thuyết và cân nhắc kỹ càng những kết luận ?
Phải chăng chúng ta đã « đánh lưỡi bảy lần », như Tổ tiên, Cha ông chúng ta đã căn dặn, mỗi khi phát biểu một nhận định hay là phê phán về giá trị, bản sắc hay là tác phong của một người khác, thuộc môi trường gia đình và xã hội ?
Từng lời nói của chúng ta phải chăng là một viên gạch góp công xây dựng ngôi nhà Hòa Bình của Đất Nước và thế giới ? Hay đó chỉ là súng ống, bom đạn... nhằm tiêu trừ và hủy diệt người anh chị em đồng bào, đồng hương và đồng loại ?
Đối thoại, trong lăng kính vừa được trình bày, là trao đổi, chia sẻ qua lại hai chiều, trong ý hướng tôn trọng và thăng tiến lẫn nhau, cũng như làm giàu cho nhau, trên bình diện thành nhân. Hẳn thực, trong điều kiện và thân phận làm người, không bao giờ có hai người hoàn toàn y hệt nhau, nhất là khi họ thâu lượm tin tức, trình bày lập trường tư tưởng, ngoại hiện những phản ứng xúc động tình cảm, cũng như khi kết dệt những quan hệ giữa người với người. Chúng ta khác biệt nhau, như Trời và Biển, như Rồng và Tiên, như Sơn và Thủy. Nhưng nhờ khác nhau như vậy, chúng ta mới có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau, cùng nhau thực hiện những công trình cao cả và trọng đại, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.
Một cách cụ thể, Đối thoại bao gồm ba động tác tiếp nối và tác động trên nhau :
- Động tác thứ nhất, tôi diễn tả và khẳng định lối nhìn, quan điểm và nhu cầu chính đáng của tôi.
- Động tác thứ hai, sau khi khẳng định mình, tôi tạo điều kiện thuận lợi, cho phép người khác có một thời gian và không gian, để nói về
thực tế và con người độc đáo của họ. Cũng như họ đã nghe tôi nói, bây giờ đến lượt họ phát biểu, tôi lắng nghe một cách cẩn trọng, tìm hiểu thực tế và nhu cầu cơ bản của họ là gì. Theo cách nói ngày nay, tôi nhận làm của mình « khung qui chiếu của họ ». Trong đó, có cách thức nhìn đời và bao nhiêu phản ứng xúc động thường nhật.
- Động tác thứ ba, cả hai bên, người và tôi cùng nhau tìm ra mẫu số chung, mảnh đất đứng chung, lối nhìn đồng qui, và đồng thuận .
Nói một cách vắn gọn, khi đối thoại, tôi cố quyết làm người và thành người. Đồng thời, tôi tôn trọng tư cách làm người của kẻ khác. Hẳn thực, đằng sau những nét khác biệt, nếu chúng ta học NHÌN, giúp nhau NHÌN, cùng nhau chấp nhận và nhìn nhận giá trị của nhau, thì thế nào, chúng ta cũng sẽ tìm ra rất nhiều điểm giống nhau. Ít nhất, cả hai chúng ta cũng đều kinh qua những cảm nghiệm đớn đau ê chề giống như nhau, trong cuộc sống. Cả hai chúng ta đang có những ưu tư và hy vọng giống như nhau. Cả hai chúng ta cũng đang đấu tranh quyết liệt, để vươn lên, hướng thượng, ngõ hầu trối trăng lại cho con cháu sau này một gia tài, một quê hương an bình và thịnh vượng. Cả hai chúng ta đang đổ ra bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, cộng vào với xương máu mà Tổ tiên và Cha ông đã chất lên thành núi, đã đổ ra thành sông, trong hơn bốn nghìn năm lịch sử.
Theo lối nhìn của tác giả Stephen R. Covey, khi hai người có khả năng trao đổi, đối thoại, họ đang « sinh thành và sáng tạo cho nhau ».[1] Họ không phải chỉ là hai nguời đơn độc, đứng sát kề nhau. Trái lại, như vết dầu loang, họ sẽ gieo hạt mầm, để rồi hằng nghìn, hằng triệu người anh chị em đồng bào cũng sẽ đi vào quỹ đạo tương thân, tương ái giống như họ. Trong lòng Đất Nước, nếu « trăm người như một, một người như trăm », chúng ta sẽ biến mình thành Bồ Tát Quan Thế Âm, có trăm con mắt để nhìn, có trăm trăm cánh tay để làm, có trăm đôi chân để đi những bước dài vạn dặm. Và nhất là có trăm quả tim để yêu thương đồng bào và Quê Hương.
Và lúc bấy giờ, đúng như câu nói của tác giả người Mỹ là G.G. Jampolsky :[2]
« Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, yêu thương là câu trả lời.
« Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, yêu thương là câu trả lời.
« Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành, yêu thương là câu trả lời.
« Bất kỳ một nỗi khổ nào đang tiến lại, yêu thương là câu trả lời.
« Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào đang trào dâng, yêu thương là câu trả lời.
« Yêu thương luôn luôn là câu trả lời, trong mọi tình huống, vì chỉ có yêu thương là tất cả ».
Không dấn bước trên con đường Hiểu biết và Yêu thương như vậy, chúng ta sẽ sa vào cạm bẫy hận thù, chiến tranh. « Mầy phải chết, để cho tao sống. Mày và tao không thể nào đội trời chung »... phải chăng đó là những câu nói diễn tả tâm tình và ý hướng của chúng ta, mỗi lần tiếp xúc và giao thiệp với những người sống hai bên cạnh ?
Như trên đây, tôi đã nhấn mạnh lui tới, chúng ta khác nhau, trong rất nhiều địa hạt. Khác nhau trong lời ăn tiếng nói. Khác nhau, trong cách nhìn và cách nghe. Khác nhau trong nhận thức và tư duy. Khác nhau trong tâm tình, nhu cầu, ý thích và sở nguyện. Thay vì tìm cách bổ túc và kiện toàn cho nhau, chúng ta dựa vào những nét khác biệt tất yếu ấy, để loại trừ, tố cáo, phê phán, mạt sát lẫn nhau. Tư tưởng NHỊ NGUYÊN và LỐI NHÌN ĐỘC LỘ đang trấn áp cõi lòng của chúng ta. Tư tưởng nhị nguyên xuất đầu, lộ diện, mỗi lần chúng ta tranh giành phần hơn, phần thắng, phần tốt, phần có lý về cho mình. « Tao Hơn, Mày Thua, Tao Tốt, Mày Xấu, Tao có Lý, Mày phi lý... », phải chăng đó là những câu nói luôn luôn có mặt, trên đầu môi chót lưỡi của tất cả mọi người trong chúng ta ?
Còn tệ hại hơn nữa, lối nhìn độc lộ, một chiều đang trấn áp tâm hồn của chúng ta. Đó là tên độc tài đầu đàn, đang điều khiển, lèo lái mọi tên độc tài khác đang có mặt trong lòng nhân loại. Tên độc tài ấy đang đặt sào huyệt trong tư duy của chúng ta. Cho nên, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, chúng ta có xu thế qui chụp, gắn nhãn hiệu, tố cáo và đổ lỗi cho người khác. Đó là con đường dẫn đến tình trạng bạo động, hận thù và chiến tranh, khắp đó đây, trên mặt địa cầu, ngày hôm nay. Đó cũng là nguyên nhân đã đẻ ra những con sông Gianh và Bến Hải, trong lòng Đất Nước và Quê Hương Việt Nam.
Nói tóm lại, chỗ nào có bạo động trong tư duy, lời nói và hành vi, chỗ ấy không có Hòa Bình giữa người với người, và không có An Lạc trong nội tâm. Chỗ nào còn có tình trạng tố cáo, đổ lỗi, chia rẽ, hận thù... chỗ ấy không có Đối Thoại, Đồng Cảm và Đồng Hành. Chỗ nào con người còn tranh giành hơn thua, còn kỳ thị xấu tốt, chỗ ấy không có Con Đường Hiểu Biết và Tình Thương. Chỗ ấy chỉ có KHỔ ĐAU tràn lan, lây lất, lai láng, trong mọi hang cùng, xó xỉnh của cuộc đời.
Vậy chúng ta chọn lựa con đường nào cho chúng ta và con cháu của chúng ta ? Khổ đau trong hận thù ? Hay là An Bình Nội Tâm, trên Con Đường Hiểu Biết và Tình Thương, Hòa Bình và Hạnh Phúc bắt đầu từ bản thân và gia đình nhỏ bé của chúng ta ? Chúng ta mỗi người hãy bắt đầu tề gia, trước khi bàn đến những chuyện to tát như trị quốc, bình thiên hạ.
*
[1] Stephen R. COVEY - The 7 habits of highly effective people - Simon & Schuster, London 1989.
[2] Gerald G. JAMPOLSKY - Change your mind, change your life - Bantam Books, New-York 1991.